Nhu cầu trợ giá sách Phật giáo

nhu cau

Minh Thạnh

Kể từ khi kỹ thuật in ấn hiện đại phổ biến ở nước ta khoảng đầu thế kỷ XX, sách đã giữ vai trò quan trọng trong việc hành đạo và hoằng pháp. Việc in ấn phổ biến các bản kinh quý đã là công việc thường xuyên của các chùa lớn.

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, từ khoảng  thập niên 1920, việc quảng bá kinh sách Phật giáo được đặc biệt coi trọng. Phần nào, kết quả của công cuộc chấn hưng Phật giáo được thể hiện qua số kinh sách được xuất bản, phát hành đến tay bạn đọc Tăng Ni Phật tử, phục vụ cho việc tu học, hành trì Phật pháp.

Vào những năm nhiều khó khăn kinh tế sau 1975, mặc dù theo tình hình chung, việc in ấn sách Phật học có nhiều trở ngại, nhưng giới Phật giáo vẫn có những cố gắng lớn trong việc in ấn kinh sách. Nhiều hình thức in ấn được tận dụng như in reneo, in lụa. Kinh sách có thể có hình thức không đẹp, giấy đen, bìa mỏng, nét in không sắc, nhưng việc phát hành kinh  và sách Phật học không gián đoạn.

Điều đáng nói là in ấn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng giá kinh và sách Phật học cuối thập niên 1970 và trong thập niên 1980 vẫn không phải là quá cao. Lúc bấy giờ, cách nghĩ của những người làm sách Phật không phải là kiếm lãi trên việc in sách Phật. Mà in ấn sách Phật là một công việc sinh hoạt học thuật tự nhiên, cũng như nhằm vào việc phục vụ hoạt động hoằng pháp, hóa đạo. Giá sách Phật học vẫn bám mặt bằng chung của đời sống kinh tế lúc bấy giờ.

Từ thập niên 1990, cùng với việc in và phát hành sách Phật giáo có nhiều thuận lợi.

Nhiều kinh sách được tái bản với chất lượng in nâng cao. Đầu ra sách Phật giáo cũng cải thiện với việc sách in có giấy phép được bày bán trong các nhà sách, thay vì chỉ bày bán ở các chùa như trước kia.

Kinh sách Phật giáo dần dần trở thành một loại sản phẩm trong hoạt động kinh doanh văn hóa. Hệ quả của việc này là giá nhiều tựa sách Phật giáo được tính theo cách tính giá sách thông thường, nên đã vọt lên rất cao. Người ta tính trong giá sách Phật giáo lợi nhuận cao, chi phí hoa hồng phát hành vốn rất nặng, trượt giá theo những thời điểm căng thẳng…

Từ gần 30 năm nay, việc có nhiều tựa sách Phật giáo có giá bán rất cao đã trở thành điều quen thuộc.

Như vậy, việc phát hành sách Phật giáo tại Việt Nam hiện nay có thể được chia thành 2 loại chính:

-         Loại kinh doanh: sách có giá cao, ngang với giá các loại sách trên thị trường. Sách Phật giáo loại kinh doanh được phát hành rộng rãi, bày bán trong các nhà sách.

-         Loại ấn tống: sách được in ra nhằm mục đích biếu tặng, không bán, phát hành nội bộ. Chùa nào tổ chức ấn tống thì phát hành thường chỉ trong phạm vi chùa đó, hiếm khi tổ chức biếu tặng rộng rãi.

Hai cách phát hành như trên đều có nhược điểm:

-         Sách Phật giáo loại kinh doanh có giá thường là rất đắt. Nó được giới thiệu rộng rãi, nhiều người cần sách biết đến, nhưng cũng sẽ có không ít người không mua được vì giá sách cao quá.

-         Sách Phật giáo loại ấn tống, tuy là biếu tặng, nhưng phạm vi phát hành hẹp, nhiều người cần nhưng không biết để tìm đến thỉnh. Vì thấy sách tặng, không thu tiền, nên có người không có nhu cầu đọc vẫn xin về rồi để đó. Đối với sách ấn tống, việc sách không đến được người cần đọc, trong khi người nhận sách cho lại không dùng đến không phải là việc hiếm. Đây là một sự lãng phí. Và như thế, người góp tịnh tài ấn tống cũng không có được công đức trọn vẹn.

Để hạn chế nhược điểm như trên của 2 loại hình phát hành, chúng tôi xin đề xuất loại hình sách Phật giáo kinh doanh có trợ giá.

Trợ giá sách là một phương thức đã phổ biến từ rất lâu và đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Mảng sách giáo dục dành cho sinh viên đại học thường do nhà xuất bản Đại học Quốc gia xuất bản là loại sách được trợ giá nhiều nhất. Ở nơi in giá sách được trợ giá (cuối bìa 4) có in rõ thông tin sách được trợ giá.

Nhờ được trợ giá, sách được trợ giá rẻ hơn sách cùng số trang từ 10 đến có thể 50-60%, tùy quyển.

Phương thức này có thể ứng dụng vào việc phát hành sách Phật giáo, để sao cho sách Phật giáo vừa phát hành rộng rãi, vừa có thể có giá bán phù hợp với điều kiện tài chính của người đọc sách.

Đây cũng là một hình thức bố thí pháp, ấn tống kinh sách tạo công đức. Nó khắc phục được nhược điểm trong việc ấn tống trọn bản kinh sách như đã nói ở trên.

Có nhiều cách để trợ giá kinh sách Phật giáo, như trợ giá thẳng vào giá bán sách như Nhà xuất bản Đại học Quốc gia vẫn làm đối với giáo trình dành cho sinh viên, hay mở các điểm bán sách Phật giáo giảm giá (bán không lấy lãi, hoặc chỉ lấy một phần chiết khấu). Cách làm này có thể giúp giảm 30 -40% giá sách Phật giáo.

Ấn tống là việc công đức. Nhưng đưa được kinh sách ấn tống đến tận tay người có nhu cầu đọc, quyển sách ấn tống được đọc mới là có công đức trọn vẹn. Bài viết này hướng tới mục tiêu làm sao để người ấn tống có được công đức trọn vẹn, kinh sách Phật giáo đến tay người muốn đọc với giá phù hợp hoàn cảnh tài chính số đông.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle