Trong bài kinh Tứ niệm xứ,
Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật có dạy cách thực tập như sau,
“Khi đi, vị khất sĩ lại cũng ý
thức rằng mình đang đi; khi đứng, ý thức rằng mình đang đứng; khi ngồi, ý thức
rằng mình đang ngồi; khi nằm, ý thức rằng mình đang nằm. Bất cứ thân thể mình
đang được sử dụng trong tư thế nào, vị ấy cũng ý thức được về tư thế ấy của thân
thể…
Khi đi tới hoặc đi lui, vị
khất sĩ cũng biết rõ việc mình đang làm; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống,
duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo, mang bình bát, vị
ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm
thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị
ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói
năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm.”
“Furthermore, when going
forward and returning, he makes himself fully alert; when looking toward and
looking away... when bending and extending his limbs...when carrying his outer
cloak, his upper robe, and his bowl...when eating, drinking, chewing, and
savoring...when urinating and defecating... when walking, standing, sitting,
falling asleep, waking up, talking, and remaining silent, he makes himself fully
alert.”
Biết rõ
việc mình đang làm
Trong đoạn
kinh ấy, Phật dạy chúng ta hãy đem chánh niệm vào tất cả những việc mình làm
trong đời sống hằng ngày. Ngài không bỏ ra ngoài bất cứ một việc làm nhỏ
nhặt nào hết, thận trọng và chú tâm mỗi khi làm một gì, dù có tầm thường đến đâu,
“vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm”, he makes
himself fully alert.
Theo như lời dạy thì trong bất
cứ một hoàn cảnh nào, dù có thể là ngay giữa những khó khăn hay khổ đau, chúng
ta cũng vẫn có thể tu tập được. Vì bất cứ một việc làm nào
của ta cũng có thể giúp mình tiếp xúc được lại với sự kỳ diệu của sự sống. Điều
kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một
kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm” mà thôi.
Và có lẽ Phật cũng muốn nhắc
nhở rằng, thật ra chúng ta đâu cần phải đợi chờ một hoàn cảnh thuận lợi, hay tìm
kiếm một pháp môn đặc biệt nào, mà chỉ cần có mặt và thấy rõ những tư thế, phản
ứng, cảm xúc, tâm ý của mình trong mỗi việc đang làm, ngay bất cứ nơi nào mà
mình đang có mặt.
Ta có
thể nào luôn biết được chăng?
Nhưng
chúng ta có thể lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm” không, việc ấy
có thể thực hiện được chăng? Trong đoạn kinh trên, đức Phật
kể ra tất cả những hành động bình thường trong đời sống hằng ngày. Ngài
không hề nói việc làm nào là quan trọng hơn việc nào, tất cả đều cần phải được
biết rõ y như nhau.
Có lần trong
một buổi nói chuyện, tôi có chia sẻ về đoạn kinh trên với mọi người. Sau
đó, có một người bạn đến nói rằng, nếu như trong cuộc sống hằng ngày mà ta cứ
phải liên tục chú ý đến mỗi hành động chi li của mình, thì việc ấy không thực tế
chút nào, mà còn là chuyện bất khả thi nữa!
Tôi nghĩ
nhận xét của người bạn cũng có phần nào đúng, chúng ta khó có thể nào mà cứ liên
tục chú tâm đến mọi việc xảy ra. Nếu như “Ta” lúc nào cũng cứ phải chú tâm đến từng hành động, mỗi
việc làm của mình, thì chắc chắn sẽ là mệt mỏi lắm. Nhưng
chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn lời Phật dạy về việc “biết rõ việc mình đang
làm”, và với một cái nhìn rộng lớn hơn.
Với một thái độ buông thư và rộng mở
Các vị thiền sư thường hay nói về
một cái tánh biết sẵn có. Có lẽ là “Ta” sẽ không thể nào biết
rõ hết mọi việc mình đang làm, nhưng “cái biết” tự nó có thể làm được việc đó. Khi
ta biết để yên, thì cái biết của mình sẽ phát sinh lên tự nhiên thôi. Những sự cố gắng thường mang lại cho ta khó khăn và trở ngại, vì đó
là sự dụng công của một cái Tôi, cái Ngã. Và thường khi hễ cái Ngã có mặt thì cái Biết sẽ vắng
mặt.
Ta
không thể “biết rõ việc mình đang làm” bằng một sự dụng công hay gắng sức nào,
nhưng chỉ có thể bằng một thái độ buông thư và rộng mở, cho phép tất cả có mặt,
để thấy được những gì đang xảy ra. Vì
khi ta rộng mở ra, thì cái ngã của mình sẽ bớt đi năng lực kiểm soát của nó, và
nhờ vậy mà cái biết của mình cũng sẽ khởi lên dễ dàng hơn trong giờ phút hiện
tại.
Bạn biết
không, thật ra ta không thể nào bước vào giờ phút hiện tại được, bởi vì hiện tại
lúc nào cũng đang hiện hữu. Vấn đề khởi lên khi “Ta” cố gắng để có mặt trong giờ phút hiện tại
này. Cũng như một con cá thong dong giữa đại dương lại cố gắng trở về
lại với nước, hay con chim đang bay trong không trung lại muốn tìm kiếm một bầu
trời.
Nếu như ta
bớt đi sự dụng công tìm kiếm của mình thì hiện tại chỉ là một sự trở về thôi. Hiện
tại đâu phải là một khoảng không gian hay thời gian đóng kín hay giới hạn nào,
mà ta phải cố gắng mới có thể bước vào. Chỉ
cần biết buông thả ra thì hiện tại nhiệm mầu sẽ có mặt.
Chánh niệm và tỉnh giác
Tôi nhớ có
lần nghe Thầy Viên Minh chia sẻ về hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm và tỉnh giác là hai
yếu tố khác nhau về tính chất và tác dụng, nhưng chúng lại bổ túc và hầu như
luôn đi đôi với nhau như hai mặt của bàn tay. Chánh niệm
thuộc về định, và tỉnh giác thuộc về tuệ. Chánh niệm giữ tâm trọn vẹn
trên đối tượng, và tỉnh giác soi sáng đối tượng.
Ví như cây đèn pin, giữ yên
hướng chiếu đúng trên đối tượng là chánh niệm, chiếu sáng để soi thấy đối tượng
là tỉnh giác. Nếu không giữ đủ vững ta sẽ không thấy, và nếu đèn không đủ sáng
thì cũng không thấy. Giữ không yên thì
tâm chưa đủ định, nhưng giữ quá yên không di động được, thì bỏ mất đối tượng
luôn chuyển động, như vậy là chánh niệm không đúng mức.
Và tôi nghĩ, nếu như ta muốn
lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm”, chúng ta đừng nên cố gắng giữ quá
chặc “cây đèn pin” ở một chỗ, mà nên buông thư và để cho nó vận dụng tự nhiên,
được như vậy nó có thể soi sáng việc nào cần thiết. Và vì vậy, “biết rõ việc
mình đang làm” thật ra đòi hỏi nơi ta một sự buông thư tự nhiên, hơn là một sự dụng công mệt mỏi.
Buông bỏ ý muốn kiểm soát
Đoạn kinh
trên kể lại hết tất cả mọi kinh nghiệm nào có mặt trong đời sống hằng ngày của
mình.
Dường như Phật có ý muốn khuyên ta đừng nên cố gắng kiểm soát bất cứ một việc gì
đang khởi lên, mà chỉ cần “biết rõ” hết tất cả.
Và muốn “biết rõ” được tất cả,
chúng ta cần phải có một thái độ tiếp nhận trong sáng, đừng có một ý riêng muốn
thay đổi chúng khác hơn. Ta không nắm giữ mà cũng không xua đuổi một kinh
nghiệm nào, không mong cầu và cũng không chối bỏ một điều gì, chỉ thật sự có mặt
trọn vẹn với tất cả. Vì khi ta có ý định muốn kiểm soát hay thay đổi, cái thấy
của ta sẽ bị lu mờ đi vì một cái Tôi muốn điều
khiển của mình.
Nhưng buông
bỏ sự kiểm soát không có nghĩa là ta sẽ không còn cần phải làm gì hết. Mà
vấn đề là ta làm với một cái biết trong sáng và rộng mở, hay bằng một cái tôi
muốn kiềm chế và nhỏ nhen.
Trong đoạn
kinh ấy có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, ta có thể đạt đến sự tỉnh giác trong
khi làm những công việc thường ngày. Ta vẫn có thể làm những gì cần làm
với một thái độ trong sáng, và không bị điều khiển bởi bản ngã.
Thường khi
làm một việc gì, là ta có ý muốn thành tựu một mục tiêu nào đó. Nhưng
cũng vì ý muốn ấy mà ta có thể vô tình đánh mất đi thực tại trong lúc làm việc. Như khipha một ly cà
phê chẳng hạn, ý muốn và sự toan tính của ta về tách cà phê ấy có thể làm mất đi
sự sống đang có mặt. Hành động pha cà phê của ta cũng quan trọng y
như sự thành tựu được chính ly cà phê ấy vậy.
Hạnh phúc là con đường
Ông A. J. Muste nói, There is
no way to peace; peace is the way. Ta không thể nào tách rời được con đường
mình đi ra khỏi với lại nơi mình sẽ đến. Trong công việc mình làm, bạn hãy cẩn
thận và chú tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh ta, âm thanh của cốc cà phê
đặt trên dĩa, hơi nước nóng, cảm giác an vui, ánh nắng và lá xanh bên ngoài
khung cửa sổ… hãy cho phép sự sống có mặt ngay trong công việc mình làm. Tách
cà phê ngon đã có mặt từ giọt nước thơm trong đầu tiên.
Chúng ta không hề đánh mất
hiện tại hay xem thường tương lai, nếu như ta hoàn toàn sống và trãi nghiệm việc
đang mình làm, chứ không chỉ chú trọng đến mục tiêu và nơi đến. Và khi ta ý thức
rằng nơi đến không phải là mục tiêu duy nhất, con đường mình đi sẽ trở nên thênh
thang và tốt đẹp hơn, và nếu như có việc gì bất ngờ xảy ra ta cũng sẽ giải quyết
được chúng dễ dàng, vì không bị ràng buộc.
Điều kiện giác ngộ đang có mặt
ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một
kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm.” Nhưng đó không
phải là một sự dụng công hay cố gắng nào, mà chỉ là một sự rộng mở và buông xả
thôi, vì đó là điều kiện cho một cái biết trong sáng có mặt.
Và được như vậy rồi thì đi vào
nơi nào hay trở về từ đâu, ta cũng có một cơ hội để sống trong tỉnh giác, “when
going forward and returning, he makes himself fully alert…”
Nguyễn Duy Nhiên