Thích
Thái Hòa
Ảnh
Hưởng Và Phát Triển
Bản nguyện của Phật A Di Đà đã có một ảnh hưởng rất lớn tại Ấn Độ và các nước như
Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… Nó ảnh hưởng đến con người và xã hội, không phải
tác dụng của nó thuộc về niềm tin tha lực mà còn là tự lực, tín ngưỡng, nhân
cách xã hội, văn học, nghệ thuật và lịch sử.
-
Tha lực trong tự lực:
Đại nguyện thứ mười tám của Phật
A Di Đà không những chỉ đề cao tha lực, mà còn chú trọng đến tự lực.
Nghĩa là người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ Phật A
Di Đà, thì trong giờ phút lâm chung, tối thiểu là tâm họ không tán loạn và tâm
họ phải chuyên nhất mười niệm đối với danh hiệu Phật A Di Đà, thì họ được vãng
sanh Tịnh độ. Nếu hành giả Tịnh độ không có quá trình của tự lực, nghĩa là không
có quá trình tỉnh giác về Phật và niệm Phật để nhiếp tâm, thì giờ phút lâm chung,
không dễ gì tâm của hành giả có khả năng duy trì mười niệm chuyên nhất đối với
danh hiệu Phật A Di Đà, để cảm ứng được tha lực của Ngài và Thánh chúng tiếp dẫn,
như đại nguyện thứ mười chín của Kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Nên,
nội dung của đại nguyện thứ mười tám là đề cao tha lực ngay ở nơi tự lực.
Nếu không có tự lực, thì tha lực là đại nguyện thứ mười chín và thứ hai mươi
không có cơ sở để biểu hiện và không có điều kiện để có tác dụng tức thì, khiến
hành giả được vãng sanh Tịnh Độ.
Và cũng do ảnh hưởng tinh thần tha lực ngay
trong tự lực của đại nguyện mười tám này, mà các nhà Phật học Tịnh Độ về sau đã
khai triển Pháp môn Trì danh niệm Phật một cách triệt để.
Các nhà Phật học Tịnh Độ, thường phân chia
pháp môn niệm Phật thành ba loại:
* Thật tướng niệm Phật: Nghĩa là nghĩ ngay tới
bản thể giác ngộ chân thật mà không còn nghĩ bất cứ một điều gì khác.
Pháp môn này cũng gọi là “tức tâm thị phật”. Nghĩa là
“Chính tâm là Phật”.
* Quán tưởng niệm Phật: Nghĩa là quán tưởng về
y báo, chánh báo trang nghiêm của Phật A Di Đà ở cõi Tịnh Độ. Mục đích của pháp
hành này là làm thế nào, để cho cảnh giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà luôn luôn
hiện tiền trong tâm, khiến chuyển hóa những niệm xấu để những hạt giống tốt đẹp
ở nơi tâm tự biểu hiện.
* Trì danh niệm Phật: Hay còn gọi là xưng danh
niệm Phật. Pháp hành này có nguồn gốc từ đại nguyện thứ mười tám của Kinh Vô
Lượng Thọ và nó đã được các nhà Phật học Tịnh Độ khai triển triệt để và xem đó
là pháp hành căn bản.
Trì danh niệm Phật là tập
trung tâm ý vào sự xưng tụng danh hiệu của Phật A Di
Đà, dẫn đến tâm thuần nhất, không còn tán loạn. Nghĩa là tâm ý của hành giả có
mặt ở trong danh hiệu của Phật A Di Đà và danh hiệu của Phật A Di Đà luôn luôn có mặt ở
trong tâm ý của hành giả. Tâm ý của hành giả và danh hiệu của Phật A Di Đà trộn quyện vào nhau thuần nhất bất nhị. Với pháp hành
này, còn gọi là định tâm niệm Phật, ức tâm niệm Phật, tức tâm niệm Phật hay lý
trì niệm Phật. Ngoài ra, còn có tán tâm niệm Phật hay tán tâm xưng danh. Tán tâm
niệm Phật hay là tán tâm xưng danh là niệm Phật mà tâm chưa được chuyên nhất.
Nghĩa là niệm Phật trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, nhưng với tâm chưa chuyên
nhất, còn bị tạp niệm xen vào.
Nói tóm lại, trong các pháp
hành niệm Phật luôn luôn có đủ cả tự lực và tha lực. Tự lực là nhân và tha lực
là duyên. Nhân và duyên hỗ trợ, tác động lên nhau,
khiến quả khởi sinh và dẫn đến thành tựu đầy đủ cả hai mặt y báo và chánh báo.
- Nhân cách trong xã
hội:
Có mười chín cốt truyện về
Phật A Di Đà được bảo lưu ở trong nền văn học Bản Sanh và các loại văn học khác
ở trong Đại Chính, trong đó ta thấy có sáu cốt truyện ghi lại nhân cách của Phật
A Di Đà từng là những vị quốc vương; sáu kinh ghi lại nhân cách của Ngài từng là
vương tử và bảy kinh ghi lại Ngài từng là tu sĩ.
Nhân cách quốc vương được ghi lại ở trong các
kinh như: - Vô Lượng Thọ Kinh, Khương Tăng Khải dịch đời Tào Ngụy, Đại Chính 12;
Phật Thuyết Huệ Ấn Tam Muội Kinh, Chi Khiêm dịch đời Ngô, Đại Chính 15; Bi Hoa
Kinh, Đàm Vô Sấm dịch, đời Bắc Lương, Đại Chính 3; Hiền Kiếp Kinh 8, Trúc Pháp
Hộ dịch đời Tây Tấn, Đại Chính 14; Phật Thuyết Quyết Định Tổng Trì Kinh, Trúc
Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn, Đại Chính 17; Đại Tập Hội Chánh Pháp Kinh, Thi Hộ
dịch đời Tống, Đại Chính 13.
Nhân cách vương tử đã được ghi lại ở trong sáu
kinh như sau: - Pháp Hoa Kinh, Cưu Ma La Thập dịch, đời Diêu Tần, Đại Chính 9;
Vô Lượng Môn Vi Mật Trì Kinh, Chi Khiêm dịch đời Ngô, Đại Chính 19; Hiền Kiếp Kinh 1, Trúc Pháp Hộ dịch đời Tây Tấn,
Đại Chính 14; Đức Quang Thái Tử Kinh, Trúc Pháp Hộ dịch đời Tây Tấn, Đại Chính
3; A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh, thất dịch, Đại Chính 12; Quán Sát
Chư Pháp Hành Kinh, Xà Na Quật Đa dịch, đời Tùy, Đại Chính 15.
Nhân cách tu sĩ được ghi lại ở trong bảy kinh
như sau: - Quán Phật Tam Muội Hải Kinh, Phật Đà Bạt Đà La dịch, đời Đông Tấn,
Đại Chính 15; Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cương Lương Da Xá dịch, đời Lưu Tống, Đại
Chính 12; Sanh Kinh, Trúc Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn, Đại Chính 3; Hiền Kiếp Kinh
1, Trúc Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn, Đại Chính 14; Tế Chư Phương Đẳng Học Kinh,
Trúc Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn, Đại Chính 9; Đại Pháp Cự Đà La Ni Kinh, Xà Na
Quật Đa dịch, đời Tùy, Đại Chính 15; Giác Trí Phương Đẳng Kinh, nguyên bản đã
mất, hiện còn do Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa Luận trích dẫn, Pháp Hộ đẳng dịch, Đại
Chính 29.
Từ nhân cách của một vị quốc vương tên là Vô
Tránh Niệm (Araṇemin) đã phát khởi đại nguyện
thiết lập quê hương Tịnh Độ và đã được đức Phật Bảo Tạng ấn chứng sẽ thành Phật
hiệu A Di Đà, giáo chủ cõi Tịnh độ Tây phương, đến nhân cách một Pháp Tạng Tỷ
kheo, cũng phát khởi đại nguyện thiết lập quê hương Tịnh Độ và cũng đã được đức
Thế Tự Tại Vương Như Lai ấn chứng sẽ thành Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tịnh độ
Tây phương.
Pháp Tạng tỷ kheo, tiếng Phạn là Dharmakara,
các bản Hán dịch là Pháp Tạng, Pháp Sử hay Tác Pháp… Nhân cách
Pháp Tạng là một Tăng sĩ ở các kinh không ghi cụ thể về lai lịch.
Như vậy, qua các bản kinh ta thấy, tiền thân
Phật A Di Đà xuất thân từ một con người có vị trí trong những giai cấp cao quý
của xã hội và vì vậy, hình ảnh của đức Phật A Di Đà, đi vào xã hội và được mọi
thành phần trong xã hội ngưỡng mộ và chấp nhận một cách dễ dàng. Đối với giai
cấp thượng tầng xã hội, thì bản nguyện và hình ảnh của Phật A Di Đà là biểu
tượng cho khả năng tự lực hay trí tuệ để vươn cao cuộc sống và đối với giai cấp
xã hội hạ tầng, thì bản nguyện và hình ảnh của Phật A Di Đà là biểu tượng cho
tha lực hay hạnh nguyện từ bi cứu độ, nên Tịnh Độ, danh hiệu và hạnh nguyện của
Ngài đã tạo thành tín ngưỡng cho đa số quần chúng hướng tới.
Vì vậy, nhân cách của Phật A Di Đà đối với xã hội là hình ảnh đáp ứng được những khát
ngưỡng của hai thành phần thượng tầng và hạ tầng của xã hội.