Thích
Thái Hòa
* Các
Truyền Bản
Bản nguyện của Phật
A Di Đà được ghi lại ở trong các kinh, số lượng có
chênh lệch nhau. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, bản dịch của Chi Lâu
Ca Sấm vào thời Hậu Hán, chỉ có 24 đại nguyện; và bản Đại A Di Đà Kinh do Vương
Nhật Hưu đời Tống giáo tập, cũng chỉ có 24 đại nguyện; nhưng nội dung và thứ tự
đại nguyện của hai kinh này có những điểm không ăn khớp với nhau. Vô Lượng Thọ
Kinh, bản dịch của Khương Tăng Khải, đời Tào Ngụy, gồm có 48 đại nguyện và Vô
Lượng Thọ - Như Lai Hội ở trong kinh Đại Bảo Tích, Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời
Đường, cũng gồm có 48 đại nguyện. Trong lúc đó ở Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, bản dịch của
Pháp Hiền đời Tống chỉ có 36 đại nguyện.
Phạn văn hiện có hai bản, bản Sukhāvatīvyūhaḥ - (Buddhist Sanskrit Texts No. 17 Mahāyāna-sūtra-saṁgrahaḥ part 1).
Darbhanga: The Mithila Institute, 1961, p 221-253), chỉ có 46 đại nguyện, không có nguyện thứ 9 là thần túc
vô ngại, và nguyện 21 là nguyện nhân thiên có 32 tướng tốt. Trong khi, bản Phạn
văn Amitābha Nāma Mahāyānasūtra, có
47 đại nguyện, nghĩa là không có nguyện 21, nói về nhân thiên có 32 tướng tốt.
Và bản Tây Tạng ḥphags paḥod dpag med kyi bkod
pa shes bya ba theg pa chen poḥi mdo, có 49 đại nguyện, tăng thêm nguyện 38, rằng: “Bồ
tát các cõi Phật, khi nghe danh hiệu Phật A Di Đà đều cung kính lễ bái”.
* Liên Hệ Giữa Các Truyền Bản
Truyền bản Vô Lượng Thọ Kinh, Vô
Lượng Thọ - Như Lai Hội ở Đại Bảo Tích Kinh, cùng với hai Phạn bản và Tạng bản,
nội dung của các đại nguyện tương đồng nhau, chỉ có sai khác về thứ tự của các
đại nguyện. Chẳng hạn, nguyện 23 của các bản tương đương với nguyện 21 của Phạn
bản… Nói chung, 48 đại nguyện giữa các bản nội dung
phần nhiều tương đồng, có một vài chi tiết và một vài thứ tự sai khác nhau không
đáng kể.
Truyền bản Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và Đại
A Di Đà Kinh, chỉ ghi lại 24 đại nguyện của Phật A Di Đà phát khởi khi hành Bồ
tát đạo, nhưng nội dung của hai truyền bản vẫn có những nguyện không ăn khớp
nhau.
Hai mươi bốn đại nguyện của Phật A
Di Đà được ghi lại ở trong truyền bản Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác
Kinh, tóm tắt như sau:
1-
Cõi Phật không có ba đường dữ.
2-
Những ai sanh vào cõi Phật ấy rồi, thì không
còn rơi lại ba đường dữ.
3-
Họ đều có một màu sắc vàng tương đồng.
4-
Không phân biệt nguồn gốc trời người.
5-
Họ đều có tuệ giác hiểu biết đời trước.
6-
Họ đều có thiên nhãn thông.
7-
Họ đều có tha tâm thông.
8-
Họ đều có thần túc tự tại.
9-
Họ đều có thiên nhĩ thông.
10- Họ không có ái dục.
11- Họ luôn luôn an trú ở trong
định cho đến chứng Niết bàn.
12- Có vô số đệ tử Thanh văn A la hán.
13- Tự thân có ánh sáng vô lượng.
14- Tự thân có thọ mạng vô lượng.
15- Nhân dân có thọ mạng vô lượng.
16- Nhân dân không có tâm xấu.
17- Danh tiếng vang khắp mười phương, hết thảy chúng sanh
đều muốn sanh về cõi ấy.
18- Nhân dân các cõi nước xưng trì danh hiệu Phật, khi họ
lâm chung, Phật và đệ tử đều có mặt để tiếp dẫn.
19- Muốn vãng sanh đều được toại ý.
20- Các vị Bồ tát chỉ còn một đời làm Phật.
21- Các vị Bồ tát đều có 32 tướng tốt.
22- Các vị Bồ tát đều có
đầy đủ vật dụng để cúng dường.
23- Bồ tát muốn ăn, thực phẩm tùy niệm mà đến.
24- Bồ tát thuyết pháp dựa vào trí tuệ của Phật.
Hai mươi bốn đại nguyện trong truyền bản Đại A Di Đà Kinh,
bản dịch của Chi Khiêm, nội dung và thứ tự của hai mươi bốn đại nguyện có những
phần không ăn khớp với hai mươi bốn đại nguyện của
truyền bản Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, bản dịch của Chi Lâu Ca Sấm.
Chẳng hạn, nguyện thứ tư và nguyện thứ hai mươi, ở trong
truyền bản Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, không có ở trong truyền bản
Đại A Di Đà Kinh. Và nguyện thứ mười hai ở trong truyền bản Đại A Di Đà Kinh, không có
ở trong truyền bản Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.
Nguyện thứ sáu và thứ chín của truyền bản Vô Lượng Thanh Tịnh
Bình Đẳng Giác Kinh, ghép lại thành nguyện thứ mười bảy ở trong truyền bản Đại A
Di Đà Kinh.
Truyền bản Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, do
Pháp Hiền dịch đời Tống, ghi lại ba mươi sáu đại nguyện của Tác Pháp bí sô, tức
là tiền thân của Phật
A Di Đà trước đức Như Lai Thế Tự Tại Vương như sau:
1-
Nguyện trong nước không có ba đường dữ.
2-
Nguyện trời người xa lìa phân biệt, các căn
vắng lặng.
3-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều có thần thông.
4-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều có túc mạng thông.
5-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều có thiên nhãn thanh tịnh.
6-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều có tha tâm thông.
7-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều an trú vào địa vị chánh tín.
8-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
đều tu tập chánh hạnh, thiện căn vô lượng, ở trong Niết bàn cùng khắp không gián
đoạn.
9-
Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy,
tuy an trú ở vị trí Thanh văn, Duyên giác, nhưng vẫn thường làm Phật sự cùng
khắp.
10- Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy, đều có ánh
sáng vô lượng.
11- Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy, đều có thọ
mạng vô lượng.
12- Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy, đều có
danh thơm vô lượng.
13- Nguyện chúng sanh cầu sanh Tịnh độ của cõi Phật ấy,
khi lâm chung, chí tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được Phật A Di Đà và
Thánh chúng trực tiếp đến tiếp dẫn.
14- Nguyện chúng sanh khi nghe danh hiệu Phật
A Di Đà, phát tâm bồ đề, muốn vãng sanh vào cõi Phật
nào, thì tùy nguyện mà được vãng sanh.
15- Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy, đều có đầy
đủ ba mươi hai tướng tốt.
16- Nguyện chúng sanh vãng sanh về cõi Phật ấy, nhưng vì
đại nguyện giáo hóa chúng sanh, nên chưa muốn thành Phật, thì nhờ vào oai lực
của Phật A Di Đà, mà giáo hóa chúng sanh phát khởi tín tâm tu tập thành tựu các
hạnh.
17- Nguyện chúng sanh vãng sanh cõi Phật ấy, muốn cúng
dường chư Phật mười phương vật dụng gì, thì vật dụng ấy
tự có đầy đủ để cúng dường.
18- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi Phật ấy, đều thành
tựu nhất thiết trí, đàm thuyết giỏi nghĩa lý của các pháp bí yếu.
19- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi Phật ấy, đều thường
hành tinh tấn, vận dụng đại thần thông, cúng dường chư Phật mười phương, đầy đủ
các phẩm vật, để hồi hướng Vô thượng bồ đề.
20- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi Phật ấy, muốn thực
hành hạnh thừa sự cúng dường chư Phật ở những thế giới khác, nhưng không thể đến
được, thì nhờ vào uy lực của Phật A Di Đà, khiến chư Phật ở những thế giới khác,
đều đưa tay đến thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà để tiếp nhận.
21- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi
Phật ấy, muốn cúng dường chư Phật ở những cõi nước khác, mà không rời khỏi cõi
mình, nhưng nhờ thần lực của Phật A Di Đà, khiến các phẩm vật cúng dường, tự đến
ngay trước mặt của mỗi đức Phật trong vô lượng thế giới.
22- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi Phật ấy,
có thân dài 16 do tuần, sức mạnh như Na la
diên với ánh sáng rực rỡ.
23- Nguyện các vị Bồ tát ở trong cõi Phật ấy, thông đạt
pháp tạng, đoạn trừ hết thảy lậu hoặc, an lập vô biên trí tuệ.
24- Nguyện các Bồ tát ở cõi Phật ấy, dùng
lư hương làm bằng trân bảo, đốt cây chiên đàn vô giá, cúng dường chư Phật
khắp mười phương.
25- Nguyện cõi Phật rộng lớn, trong sáng như gương, chiếu
soi hết thảy cõi Phật.
26- Nguyện Bồ tát ở cõi Phật ấy, ngày đêm sáu thời đều vui
sướng, vượt hẳn chư thiên, vào pháp môn bình đẳng tổng
trì.
27- Nguyện cho người nữ trong vô số thế giới, nếu họ nhàm
chán thân nữ, khi nghe danh hiệu Phật A Di Đà, phát tâm thanh tịnh, quy y đảnh
lễ, khi sinh mạng kết thúc, sanh về Tịnh độ thành thân nam tử.
28- Nguyện vô số Thanh văn, Duyên giác ở trong mười
phương, nghe danh hiệu Phật A Di Đà, tu trì tịnh giới, nhất định thành tựu đạo
quả Vô thượng Bồ đề.
29- Nguyện các Bồ tát khắp cả mười phương, khi nghe danh
hiệu Phật A Di Đà đều đem năm vóc kính lễ, quy y.
30- Nguyện y phục ở cõi Phật ấy, tùy niệm đầy đủ, khỏi cắt
may, giặt nhuộm.
31- Nguyện hết thảy chúng sanh nghe danh hiệu Phật
A Di Đà, đều đạt thanh lương, tâm xa lìa phiền não, ngồi dưới cây báu,
chứng vô sanh nhẫn.
32- Nguyện chúng Bồ tát khắp hết thảy cõi Phật mười
phương, nghe danh hiệu Phật A Di Đà, liền chứng đắc thiền định tịch tịnh, ở
trong thiền định ấy, mà thừa sự cúng dường chư Phật.
33- Nguyện hết thảy chúng Thanh văn, Bồ tát, khi nghe danh
hiệu Phật A Di Đà, liền chứng vô sanh pháp nhẫn, thành tựu hết thảy thiện căn
bình đẳng, ly da hạnh, an trú vô công dụng hạnh.
34- Nguyện chúng Bồ tát ở trong cõi Phật mười phương, khi
nghe danh hiệu Phật A Di Đà, sanh tâm hiếm có, liền được thiền định Bồ tát phổ
biến, ngay trong thiền định này trong khoảnh khắc liền được đảnh lễ, cúng dường
tôn trọng chư Phật khắp cả mười phương không thể nghĩ lường.
35- Nguyện Bồ tát ở trong cõi Tịnh độ ấy,
đều thích nghe pháp và thuyết pháp.
36- Nguyện chúng sanh trong tất cả cõi Phật, khi nghe danh
hiệu Phật A Di Đà, liền đạt được nhẫn thứ nhất, thứ
hai, cho đến vô sanh pháp nhẫn.
Như vậy, ba mươi sáu đại nguyện của Phật A Di Đà ở trong
truyền bản Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh có liên hệ đến bốn mươi tám
đại nguyện ở truyền bản Vô Lượng Thọ Kinh như thế nào?
Về mặt cấu trúc ngữ cách, bốn mươi
tám nguyện của Phật A Di Đà ở trong Vô Lượng Thọ Kinh, sử dụng ngữ cách giả
thiết hay điều kiện “nếu…, và thì…” mà tiếng Phạn là “saceme… na… mā tāvad
aham…”. Trong lúc Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, sử dụng ngữ cách khẳng định,
như đại nguyện đầu tiên ở kinh này ta thấy Tác Pháp bí sô phát nguyện trước đức
Như Lai Thế Tự Tại Vương rằng : “Bạch Thế Tôn, con phát thệ rằng, nguyện chứng đắc Vô thượng bồ đề như
Thế Tôn, cõi Phật trang nghiêm đầy đủ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn. Tất
cả chúng sanh trong ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la sanh vào
nước con, đều thọ trì pháp giáo hóa của con, chắc chắn không bao lâu sẽ thành
bậc Vô thượng giác, tất cả đều được thân sắc vàng kim loại chơn thật”. (Vô
Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, tr
319 ab, Đại Chính 12).
Như vậy, ta thấy ngữ cách đại nguyện được sử dụng ở Vô
Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh theo lối khẳng định, nên
rất mạnh mẽ.
Và ta thấy trong đại nguyện thứ nhất của
Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, bao gồm cả nguyện một, hai và ba của Vô Lượng
Thọ Kinh.
Nên, truyền bản Vô Lượng Thọ Kinh đã khai triển ba mươi
sáu đại nguyện của Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh thành bốn mươi tám đại nguyện
và Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh đã cô đọng bốn mươi tám đại nguyện ở truyền
bản Vô Lượng Thọ Kinh thành ba mươi sáu đại nguyện.
Do đó, các đại nguyện giữa hai truyền bản có sự liên hệ
chặt chẽ với nhau trong ý nghĩa cô đọng và khai triển.
Theo cách nghiên cứu và nhìn nhận của Kimura Taiken, bốn
mươi tám đại nguyện, tăng lên từ ba mươi sáu nguyện. Nghĩa là
phát triển từ nhỏ đến lớn. (Tham khảo Đại Thừa Tư Tưởng Luận).
Cách nhìn này của Kimura Taiken đã được Mochizuki Shinko
thừa nhận một phần, quá trình phát triển từ cấp số nhỏ đến cấp số lớn, nhưng lại
có bổ sung và nhận xét rằng: “Quan hệ trước sau giữa 36 nguyện và 48 nguyện thật
khó mà khẳng định một cách dứt khoát, bởi vì 36 nguyện, có thể là một dạng bất
toàn của 48 nguyện”. (Từ Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam A, Tập I,
tr 462).
Và theo Wogihara, sau khi đối chiếu
các truyền bản với nhau, ông đã đưa ra kết luận “Đại A Di Đà Kinh và Vô Lượng
Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh là những kinh chứa đựng 24 bản nguyện là những
kinh văn được thành lập sớm nhất, tiếp đến là Phạn bản Amitābhavyūhasūtra và văn
bản thành lập sau cùng là Vô Lượng Thọ - Như Lai Hội ở Đại Bảo Tích Kinh và Vô
Lượng Thọ Kinh là những kinh văn chứa đựng 48 nguyện”.
Nhưng theo sự nghiên cứu của Akashi, cho rằng, Đại A Di Đà
kinh và Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh là những văn bản xưa nhất, tiếp
đến là Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, rồi đến Phạn bản
Amittābhavyūhasūtra và sau cùng là Vô Lượng Thọ - Như Lai Hội và Vô Lượng Thọ
Kinh. Chủ trương của Ahashi vẫn còn có nhiều tranh cãi.
Sự quan hệ giữa các truyền bản liên hệ đến bản nguyện của
Phật A Di Đà của các nhà nghiên cứu có nhiều sự tranh cãi thuận nghịch khác
nhau, nhưng theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, cho rằng: “Từ 24 nguyện của Đại A Di Đà
Kinh và Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, đã làm cơ sở phát triển 48
nguyện của Vô Lượng Thọ Kinh và truyền thống 48 nguyện của Bi Hoa Kinh, rồi cuối
cùng tổng hợp lại trong 36 nguyện của Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh”.
(Từ Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam A, Tập I, Trang 468).
Tóm lại, sự phát triển của các bản nguyện, không nhất
thiết theo tỷ lệ thuận như Kimura Taiken đề nghị và có
một số khác đồng tình, mà nó có thể ngược lại. Nghĩa là có thể hàng trăm đại
nguyện hay nhiều hơn, được cô đọng lại thành 48 đại nguyện, và từ bốn mươi tám
đại nguyện cô đọng thành 36 đại nguyện, từ ba mươi sáu đại nguyện cô đọng lại
thành 24 đại nguyện, trong quá trình chỉnh lý.
Như vậy, theo tôi bốn mươi tám đại nguyện là văn bản xuất
hiện sớm nhất, điều này ta thấy ở trong kinh Bi Hoa thuộc văn hệ Bản Duyên, sau
đó được chỉnh lý thành bốn mươi tám nguyện ở trong Vô Lượng Thọ Kinh và Vô Lượng
Thọ - Như Lai Hội ở Đại Bảo Tích Kinh, rồi tiếp tục chỉnh lý thành ba mươi sáu
nguyện ở Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh và chỉnh lý sau cùng, còn lại
hai mươi bốn nguyện ở trong Đại A Di Đà kinh và Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng
Giác Kinh.
Tại sao phải chỉnh lý và cô đọng kinh điển, vì xã hội con
người càng ngày càng đô thị hóa, đời sống con người càng trở nên bận rộn với
những đô thị hóa ấy của họ, khiến kinh điển cần phải được chỉnh lý và cô đọng
lại những điểm then chốt, để cho người nghe dễ nhớ và thực hành.
Nên, bốn mươi tám đại nguyện được chỉnh lý và cô đọng thành hai mươi bốn đại
nguyện là điều dễ hiểu. Và rõ ràng, ở trong cuốn Pháp Môn Tịnh Độ, Bốn
mươi tám Đại nguyện, Hòa thượng Tâm Như - Trí Thủ, đã rút gọi lại còn hai mươi
mốt đại nguyện, mà Ngài cho rằng, những đại nguyện này liên hệ mật thiết với sự
tu hành của chúng ta. (Toàn Tập Tâm Như - Trí Thủ, Tập 4, tr 1430, Nhà Xuất bản
Phương Đông 2011).