Thích
Thái Hòa
Nền
Tảng Phát Khởi Bản Nguyện
Đại
nguyện của Bồ tát là từ nơi tâm đại bi mà phát khởi. Không có tâm đại bi sẽ không có đại
nguyện. Đại bi là từ nơi tâm bồ đề mà phát khởi. Không có tâm bồ đề sẽ không có tâm đại bi.
Tâm bồ đề là tuệ giác vốn có nơi hết thảy chúng sanh.
Không có chúng sanh sẽ không có tâm bồ đề. Không có tâm bồ đề sẽ không có hạnh và nguyện bồ đề. Không có
hạnh và nguyện bồ đề, thì không có Bồ tát và không có Bồ tát thì không một ai có
thể thành Phật. Không có Phật thì không có bậc Đạo sư cho hàng Thanh văn nương
tựa tu học.
Không có hàng Thanh văn, thì sẽ không có A la hán.
A la hán được khai sanh từ Phật, nên A la hán thuộc về phẩm tính giác ngộ của
Phật. Phật là quả vị tối thượng được sinh ra từ nơi tâm bồ đề.
Tâm bồ đề tất cả chúng sanh đều có, nên
tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật và là Phật sẽ thành.
Chúng sanh là Phật sẽ thành, khi chúng sanh tự biết tâm mình không phải chỉ có
phiền não, mà còn có bồ đề hay tự tin mình có bồ đề tâm, biết phát khởi và nuôi
dưỡng tâm ấy, qua hạnh và nguyện để tẩy trừ và chuyển hóa phiền não, khiến cho
tự tánh thanh tịnh nơi tâm hiện ra.
Chúng sanh do phiền não sai sử và chạy bươn
theo hướng lục trần, nên bị nhận chìm trong biển cả sanh tử khổ đau.
Chính bản thân ta đau khổ là cơ duyên để ta phát khởi tâm bồ đề và chúng sanh
đau khổ là cơ duyên để tâm đại bi nơi ta phát khởi.
Không có chúng sanh đau khổ, Bồ tát sẽ
không có cơ duyên khởi động tâm đại bi. Nên, chúng sanh là ân nhân của
Bồ tát và chúng sanh khổ đau là chất liệu nuôi lớn tâm đại bi của Bồ tát. Chúng sanh là ân nhân
của Bồ tát, vì do chúng sanh khổ đau, khiến hạnh nguyện đại bi của Bồ tát phát
khởi và trở nên kiên cường, rộng lớn để viên thành Phật quả. Và Bồ tát là
ân nhân của chúng sanh, vì nhờ tâm đại bi của Bồ tát, mà bao nhiêu phiền
não oi bức nơi tâm chúng sanh đều bị dập tắt, khiến tâm bồ đề vốn có nơi tất cả
chúng sanh đều có thể vươn lên trong ánh sáng tuệ giác, để kết thành hoa trái
giác ngộ.
Từ tâm bồ đề mà Bồ tát phát khởi đại bi,
đại bi phát khởi từ tâm bồ đề gọi là Bồ tát. Bồ
tát phát khởi tâm đại bi cứu độ chúng sanh là để nuôi lớn tâm bồ đề nơi chính
mình và làm vị Thiện tri thức nuôi lớn tâm bồ đề nơi tất cả chúng sanh bằng chất
liệu đại bi, khiến tâm bồ đề vốn có nơi tất cả chúng sanh, đều có cơ duyên sinh
ra hoa trái giác ngộ.
Nếu chúng sanh không có tâm bồ đề, thì chúng sanh không
bao giờ có Phật. Nhưng, chúng sanh đã có Phật là do tâm chúng sanh có bồ đề và
Phật là từ nơi tâm bồ đề của chúng sanh mà sanh ra. Tịnh độ
của Phật là từ nơi tâm bồ đề, mà phát khởi hạnh nguyện thuần tịnh chúng sanh,
làm nên thế giới mà tựu thành.
Do đó, Phật là của chúng sanh, vì từ nơi tâm chúng sanh mà
phát khởi tâm bồ đề qua đại nguyện và đại hạnh mà thành Phật.
Giáo lý bản nguyện, ta có thể chiêm
nghiệm sâu để thấy ở trong các kinh điển thuộc văn hệ A Hàm hay Nikāya, nhưng
chưa rõ nét, mà nó thể hiện rõ nét hơn là ở các kinh điển thuộc văn hệ Bản Sanh.
Hơn năm trăm câu chuyện ghi lại thuộc văn hệ Bản Sanh bằng Pāli là đại biểu cho
giáo lý bản nguyện thuộc văn hệ này. Kinh Jatakamala thuộc văn hệ sanskrit do
Āryasura (Thánh Dũng) biên tập, do Thiệu Đức - Tuệ Tuân dịch vào đời Tống, với
tên kinh Bồ tát Bản Sanh Man Luận, gồm có 16 cuốn. Lục Độ Tập Kinh do Khương
Tăng Hội dịch vào đời Ngô, gồm có 8 cuốn. Kinh Bi Hoa, do Đàm Vô Sấm dịch, đời
Bắc Lương, gồm 10 cuốn… các kinh này được Hán tạng xếp vào văn hệ Bản Duyên.
Các kinh thuộc văn hệ Bản Sanh ghi lại vô
số đời kiếp của những vị tu tập Bồ tát đạo, vì hạnh nguyện bồ đề. Hạnh nguyện ấy là “Thượng
cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, với nhiều hình tướng bản nguyện khác nhau.
Văn hệ Bản Sanh phần nhiều là truyện kể tiền thân của đức Phật Thích Ca phát bồ
đề tâm hành Bồ tát đạo.
Kinh Bi Hoa trong văn hệ Bản Duyên, bản dịch của Đàm Vô
Sấm đã ghi lại truyện tích, liên hệ giữa tiền thân đức Phật Thích Ca với Phật
A Di Đà. Vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của đức Phật A Di Đà và đại thần
Bảo Hải là tiền thân của Phật Thích Ca. Vua Vô Tránh Niệm đã được đại thần Bảo
Hải khuyến khích nghe pháp với Bảo Tạng Như Lai liền phát khởi 48 đại nguyện và
đã được đức Bảo Tạng Như Lai ấn chứng sẽ thành Phật hiệu A Di Đà ở cõi cực lạc
Tây phương. Và tiền thân của đức Phật Thích Ca đã từng là Bảo Hải phạm chí đối
trước Bảo Tạng Như Lai khởi tâm đại bi, phát 500 đại nguyện để cứu độ chúng
sanh. (Kinh Bi Hoa 2, Đại Chính 3).
Lục Độ Tập Kinh ghi rõ những câu chuyện thực hành bản
nguyện Bồ tát qua sáu độ, gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định
và Trí tuệ.
Lại nữa, giáo lý bản nguyện, ta lại
thấy rất rõ ở trong các kinh điển thuộc văn hệ Bát Nhã. Với
văn hệ này, giáo lý bản nguyện được khai triển từ trí tuệ độ, để trở thành hạnh
đại trí, đáp ứng cho mặt thượng cầu Phật đạo của bản nguyện và các độ còn lại là
thuộc về hạnh đại bi, đáp ứng mặt hạ hóa chúng sanh của bản nguyện.
Từ lục độ, tạo thành sáu nguyện ở trong Tiểu phẩm Bát Nhã,
rồi phát triển thành 12 nguyện và 18 nguyện ở trong A Sô Bệ Phật Quốc Kinh, đến
24 nguyện ở trong Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và Đại A Di Đà Kinh;
30 nguyện trong Đại phẩm Bát Nhã; 36 nguyện trong Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm
Kinh; rồi đến 48 nguyện ở trong Vô Lượng Thọ Kinh và Vô Lượng Thọ - Như Lai Hội
ở Đại Bảo Tích Kinh.
Nói tóm lại, không có bản nguyện là không
có Đại thừa. Không có Đại thừa là không có Thanh văn thừa, vì sao?
Vì Thanh văn thừa là từ nơi Đại thừa mà thiết lập.
Không có Đại thừa, thì không có Phật. Không có Phật, thì
không có Đạo Phật. Không có Đạo Phật, thì không có bản nguyện độ sanh. Không có bản nguyện độ sanh, thì mới không có Tịnh Độ.
Nhưng
đã có Phật, thì có Tịnh Độ của Phật. Có Tịnh Độ của Phật là có bản nguyện. Có bản nguyện là có Đại thừa. Có Đại thừa là vì có Bồ tát phát khởi tâm bồ đề, thượng cầu Phật
đạo, hạ hóa chúng sanh. Và đã có Đại thừa, thì hạt
giống Phật không bao giờ bị tuyệt mất ở giữa thế gian này. Tịnh Độ được
tạo nên từ hạt giống của Phật, nên Tịnh Độ của Phật cũng có giá trị vĩnh cửu
đúng như hạt giống ấy