Mỗi
năm, trong khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 Tây lịch, con Phật trên khắp
hành tinh, hân hoan và trang trọng kính tưởng ngày đức Thích Tôn đản sanh nơi
thế giới Ta-bà. Cùng chung những ý nghĩa và cảm niệm dâng lên cúng dường đức Thế
Tôn, lễ hội thiêng liêng của người con Phật này được tổ chức gắn liền với nhiều
bản sắc văn hóa, bằng nhiều phương cách và trong nhiều thời điểm khác nhau. Thời
gian diễn ra lễ Phật đản tùy thuộc lịch pháp của mỗi quốc gia và truyền thống
Phật giáo. Phật giáo Nam tông theo lịch Ấn Độ và Sri Lanka, Phật giáo Bắc tông
theo lịch Trung Quốc và Phật giáo vùng Himalaya theo lịch Tây Tạng.
Khoảng hai trăm năm sau
Phật diệt độ, Phật giáo thuộc truyền thống Theravāda được truyền sang Sri Lanka
và nhanh chóng phát triển tại đảo quốc này. Sau đó, Phật giáo Theravāda cũng
được truyền đến và phát triển tại các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Cambodia.
Truyền thống Theravāda (Thượng tọa bộ), ngày nay ở Việt Nam thường được gọi là
Nam tông, gọi ngày Phật đản (theo truyền thống Bắc tông) là ngày Vesak (Vesak
Day). Phật giáo tại các quốc gia này tổ chức đại lễ Vesak để tưởng niệm ba sự
kiện lớn của Phật giáo: Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật Niết-bàn.
“Vesak” là tiếng Sri Lanka; tương đồng với Vesākha trong tiếng Pāli và Vaiśākha
trong tiếng Sanskrit. Vaiśākha (Vesak) là tháng thứ 2 trong 12 tháng của lịch Ấn
Độ và Sri Lanka, trong khoảng cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 Tây lịch. Tại Ấn Độ,
tháng Vaiśākha là tháng diễn ra nhiều lễ hội thu hoạch mùa màn. Phong tục, tập
quán, văn hóa và tôn giáo của Sri lanka ảnh hưởng chính yếu từ Ấn Độ, và lịch
pháp của Sri Lanka cũng gần giống với lịch pháp Ấn Độ. Thuật từ “Vesak” được sử
dụng đầu tiên tại Sri Lanka. Sau Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ I
tại Sri Lanka năm 1950, thuật từ này được sử dụng phổ biến tại các nước Phật
giáo Nam tông. Và kể từ năm 1999, sau nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
về Vesak, “Vesak” được chính thức sử dụng trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và
tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông trong ý nghĩa kính
tưởng ngày đức Thích Tôn đản sanh. Hằng năm, đêm trăng tròn tháng Vesak cũng là
đêm rằm tháng tư theo lịch Trung Hoa.
Phật giáo được sinh ra tại Ấn Độ và là một trong những tôn giáo lớn của Ấn Độ
trong suốt hơn 1000 năm. Nhưng, hiện nay, số người theo Phật giáo chỉ là con số
nhỏ tại đất nước rộng lớn này. Nên Đại lễ Vesak không được xã hội quan tâm và
biết đến nhiều. Ở những nơi có tín đồ Phật giáo, Phật tử chỉ treo cờ Phật giáo
hoặc tôn thiết lễ đài nho nhỏ để tưởng niệm ngày Vesak. Tuy nhiên, ngày Vesak là
ngày nghỉ lễ chính thức tại Ấn Độ.
Tại Sri Lanka, Phật giáo là quốc giáo. Thời gian lễ hội Vesak, người dân được
nghỉ lễ. Tính theo lịch pháp Sri lanka, Đại lễ Vesak diễn ra trong hai đêm trăng
tròn tháng Vesak. Ngoài những buổi lễ tụng kinh và cầu nguyện mang tính tôn giáo,
lễ hội Vesak còn có nhiều chương trình mang tính lễ hội dân gian. Trong những
ngày lễ hội, tất cả quán bia rượu và lò giết mổ phải đóng cửa. Người dân nước
này phóng sanh một số lượng lớn thú vật, chim, cá… Họ thường đến thăm và phát
quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn. Mặc dù Phật giáo Sri Lanka thuộc truyền
thống Nam tông, Tăng sĩ có thể ăn mặn, nhưng trong thời gian này, món chay được
bày bán tại rất nhiều nơi. Hầu hết tư gia Phật tử đều trang trí cờ Phật giáo,
lồng đèn và đèn nến… Những nơi công cộng diễn ra nhiều chương trình lễ hội.
Trong đó chương trình rước và diễu hành xá-lợi gây ấn tượng và tạo nên xúc cảm
nhất đối với người tham dự. Xá-lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi
được trang điểm lộng lẫy với sắc màu mang phong cách Nam Á, theo sau là hàng
ngàn Phật tử, diễu hành khắp những đường phố.
Tại Thái Lan, Myanmar,
Lào, Cambodia, Phật giáo vẫn là tôn giáo chính và tư tưởng Phật giáo vẫn đang
đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của phần lớn người dân. Ngày Vesak
là ngày lễ quốc gia và người dân được nghỉ lễ. Đêm trăng tròn tháng Vesak theo
lịch pháp của các nước này cũng là đêm trăng rằm tháng tư âm lịch.
Tại Myanmar, ngày Vesak
cũng gọi là ngày “the Fullmoon of Kason”. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng
theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm. Nên trong khuôn khổ lễ hội
Vesak, người dân nơi đây, với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết
trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ-đề. Họ tưới cây Bồ-đề để cảm ơn
giống cây này đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng
đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.
Thái Lan là quốc gia Phật
giáo đã nhiều năm liền tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Năm nay, Thái Lan
tiếp tục tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Vesak Day cũng được gọi là Visaka
Bochea Day tại Cambodia và Vixakha Bouxa Day tại Lào. Tại Lào, trong thời gian
lễ hội Vesak, khí trời nóng bức và không mưa, người ta thường bắn pháo hoa với
ước nguyện sẽ có mưa.
Từ đầu kỷ nguyên Tây lịch
về sau, Phật giáo thuộc truyền thống Mahāyāna (Đại thừa) phát triển mạnh và ảnh
hưởng khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Rồi, bằng đường Tơ lụa và đường biển, Mahāyāna
truyền sang các nước Trung Á và Trung Quốc. Từ Trung Quốc, Mahāyāna (Đại thừa),
ngày nay ở Việt Nam thường được gọi là Bắc tông, ảnh hưởng đến Việt Nam, Hàn
Quốc, Nhật Bản. Lễ Phật đản tại các nước Phật giáo Bắc tông tổ chức từ ngày 8
đến 15 tháng 4 Âm lịch (theo lịch Trung Quốc), với ý nghĩa tưởng niệm ngày Phật
đản sanh. Riêng Phật giáo Nhật Bản, kể từ Minh Trị Thiên hoàng, Phật đản được tổ
chức vào ngày 8 tháng 4 Dương lịch.
Tại Trung Quốc, Phật giáo
đã có mặt gần 2000 năm. Phật giáo từng là tư tưởng chủ đạo cho chính quyền và
người dân trong một số triều đại. Lễ Phật đản được tổ chức từ thời Tam Quốc, đã
ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng, ngày nay,
Phật giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Trung Quốc. Người dân biết đến
Phật giáo như là một tôn giáo lo ma chay, cúng kiếng, võ thuật… Lễ Phật đản chỉ
có thể được tổ chức trong khuôn viên tự viện và ít được xã hội quan tâm. Tuy
nhiên, Phật giáo Đài Loan, một phần tinh hoa của Phật giáo Trung Quốc, hiện đang
ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật của người dân tại lãnh thổ Đài
Loan.
Tại Việt Nam, Phật giáo
là tôn giáo có lịch sử lâu nhất và có tín đồ đông nhất. Vì vậy, tuy ngày Phật
đản chưa phải là ngày mà người dân được nghỉ lễ nhưng Phật đản phải là ngày được
xã hội quan tâm và được tổ chức với tầm của một tôn giáo lớn.
Tại Nhật Bản, Phật giáo
truyền đến từ cuối thế kỷ VI và là tôn giáo chính trong giai đoạn trung và đầu
cận đại. Ngày nay, bên cạnh sự phát triển vượt trội về kinh tế, đời sống tâm
linh và tinh thần người dân Nhật Bản đang gặp nhiều khủng hoảng, song Phật giáo
Nhật Bản chưa đáp ứng kịp và giải quyết được sự khủng hoảng này. Lễ Phật đản
thường gắn liền với lễ hội hoa anh đào, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tự viện
và trong quần chúng Phật tử.
Tại Nam Hàn, những người
lãnh đạo quốc gia phần lớn là tín đồ Tin Lành, và đã có dấu hiệu khinh thị Phật
giáo. Nhưng trong những năm gần đây, Phật giáo Nam Hàn không ngừng phát triển.
Ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia. Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công
cộng, và trên những đường phố. Trưng bày và diễu hành lồng đèn là một trong
những chương trình ấn tượng và gây nhiều xúc cảm nhất. Riêng tại thủ đô Seoul,
mỗi năm ước tính có khoảng trên 100,000 lồng đèn với nhiều hình dáng và màu sắc
được trưng bày và biểu diễn trên những đường phố. Đặc biệt, trong những năm gần
đây, nhiều chùa viện ở Hàn Quốc tổ chức những buổi lễ xuất gia gieo duyên cho
các thiếu nhi Phật tử trong tuần Phật đản.
Phật giáo thuộc truyền thống Varjayāna (Kim cang thừa) truyền từ Ấn Độ đến Tây
Tạng vào đầu thế kỷ VII; từ đó, Phật giáo Tây Tạng ảnh hưởng ra các quốc gia
vùng Hy-mã-lạp sơn (Himalaya), gồm Bhutan, Nepal... Lễ Phật đản trong các nước
thuộc truyền thống Tây Tạng diễn ra vào 15 tháng 4 theo lịch Tây Tạng, khoảng
cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 Tây lịch. Ngoài những nghi thức lễ bái, tụng kinh,
dâng hương hoa cúng dường tại các tự viện và tư gia, người Phật tử theo truyền
thống này thường hành hương đến đỉnh núi Kailash, thuộc dãy Himalaya, phía Tây
bắc Nepal. Nó là ngọn núi thiêng của tín đồ Phật giáo Himalaya, Ấn Độ, Kỳ-na
giáo và đạo Bon. Những người hành hương cho rằng, đỉnh núi này là nơi hội tụ tất
cả năng lực của vũ trụ.
Phật giáo từ Ấn Độ truyền
đến nhiều quốc gia, và có ít sự thay đổi để phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng bản
địa. Và ba sự kiện Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật niết-bàn cũng được tổ
chức với những nghi thức và tại các thời điểm khác nhau theo mỗi truyền thống
Phật giáo. Dù người con Phật trong các truyền thống tổ chức tưởng niệm những sự
kiện này khác nhau, ngôn ngữ và cách diễn đạt Phật pháp khác nhau, nhưng có cùng
chung tinh thần và cảm xúc: cùng nguyện tu theo pháp đức Phật đã tu, làm theo
những gì đức Phật đã làm và đã dạy, cùng hướng đến mục đích tối thượng giải
thoát sanh tử, thành tựu Phật quả. Người con Phật trong các truyền thống khác
nhau có chung ý nghĩa và cư xử trong tinh thần tương hợp như thế, Phật giáo sẽ
mang đến nhiều an lạc và lợi ích cho số đông hơn.■
Thích Nguyên Lộc