Trong
dịp lễ Vesak, Phật lịch 2552, Ban Tổ Chức Phật Đản tại Huế, có tổ chức lễ Rước
Phật từ Chùa Diệu Đế lên Chùa Từ Đàm, để sau đó cử hành chính thức Đại lễ Phật
Đản, đoàn rước rất đông đảo, đủ mọi thành phần quần chúng.
Sau Lễ Phật Đản một vài ngày, có những vị hỏi tôi rằng: “Chùa Từ Đàm bấy lâu nay
không có Phật, đợi đến lễ Vesak mới rước Phật từ chùa Diệu Đế lên phải không
thầy?”.
Tôi cười và hỏi lại những người hỏi ấy rằng: “Thế
thì mấy anh có phải Phật tử không? Nếu các anh là những Phật tử, thì không nên
hỏi những câu hỏi như thế? Và nếu các anh là những Nhà nghiên cứu lịch sử thì
lại càng không nên đặt những câu hỏi như thế với tôi.
Tại sao? Vì ý nghĩa và sự kiện ấy không phải mới
diễn ra mà đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử phát triển của Phật giáo Huế, nhất
là trước những năm 75.
Tuy nhiên, dù quý vị là Phật tử hay không phật tử,
dù là Nhà nghiên cứu hay không phải là nhà nghiên cứu, dù là những người quá
khích hay là những kẻ ôn hòa, thì tôi cũng xin trả lời cho quý vị theo cách
riêng của tôi như sau:
Pháp thân của Phật có mặt cùng khắp cả vũ trụ, nên
không có nơi nào mà Phật thân không có. Pháp thân Phật như vậy, nơi tôi, nơi quý
vị, nơi tất cả chúng sanh đều có. Có, nhưng có những vị đã có điều kiện để biểu
hiện được phần nào, hoặc có những vị chưa có đủ điều kiện để biểu hiện đó thôi.
Pháp thân của Phật là như vậy, nhưng lễ rước Phật,
nếu cần, thì cũng phải được tổ chức nhiều lần trong năm, chứ không phải lâu lắm
mới có một lần.
Vì sao? Vì muốn cho nhiều người kết duyên với Phật
pháp, nên đức Phật không phải chỉ hiện ra nơi đời một lần mà nhiều lần, dưới
nhiều hình thức khác nhau. Và cũng vì muốn cho nhiều người kết duyên với Phật
pháp, mà quý Thầy tổ chức lễ rước Phật, để cho những người chưa có cơ hội thấy
Phật thì thấy, những người đã có nhiều cơ hội thấy Phật bên ngoài, thì nay có
điều kiện để thấy Phật trong lòng và đối với những ai đã có điều kiện thấy được
Phật trong lòng, thì thăng hoa lòng ấy đến chỗ cùng tột, viên mãn.
Trong kinh Pháp hoa có dạy: “Có những trẻ thơ đùa
giỡn chơi, lấy cọng cỏ, bút hoặc lấy móng tay của mình vẽ làm tượng Phật, dù là
những trẻ thơ vẽ giỡn chơi như vậy, nhưng dần dần chúng cũng chứa đầy đủ công
đức của tâm đại bi và sẽ thành Phật đạo”.
Do đó, ta biết rằng, dù ai dối tâm hay thực tâm đối
với Đức Phật, tất cả họ đều có tương lai của một Đức Phật. Thực tâm đối với Đức
Phật, thì ngay đó họ thành tựu phước đức và tâm đại bi của Phật. Dối tâm đối với
Phật, thì ngay đó hạt giống Phật cũng đi vào trong tâm của họ và trước sau gì,
họ cũng đi tìm một Đức Phật tương lai cho chính họ và rồi họ cũng sẽ thành Phật.
Người đệ tử Phật gánh Phật trên vai, đội Phật trên
đầu hay âm thầm ôm Phật trong lòng là chỉ để làm một việc duy nhất, đó làm việc
Phật làm. Việc làm ấy, không tùy thuộc, không đối lập, không tung hô, không đả
đảo mà chỉ gieo hạt giống Phật vào trong lòng người, để cho lòng ấy, khi hội đủ
nhân duyên sẽ cho họ một vị Phật hiện tiền hay trong tương lai.
Vì vậy, ta đừng đem kích thước của một nhận thức cố
hữu mà nhận thức đối với một thực tại sống động. Muốn chạm tới thực tại sống
động, thì ta phải có những nhận thức sống động như thực tại. Thực tại sống động,
thì lúc nào và ở đâu cũng đầy sinh lực và mới mẻ, trong lúc đó những kích thước
do nhận thức cố hữu, chúng buộc ta lại nơi những hoa cỏ úa tàn hay nơi những
vùng đất thiên đàng gãy cánh!
Xin những người đặt câu hỏi cùng với tôi, tất cả
chúng ta hãy cùng nhau chắp cánh mà bay và bay mãi cho đến vô cùng.
Trích từ: Mở Lớn Con Đường
Thích Thái Hòa