Khi nhìn dòng người nối
đuôi kín con đường lên cõi thiêng trên đỉnh Yên Tử, nhìn từng nắm tiền lẻ từ tay
bức tượng Phật bay la đà xuống nhân gian dưới thung lũng, tự nhiên cứ ngẫm nghĩ
tại sao người ta tìm đến đây nhiều thế.
Rồi cũng tự nhiên nghĩ
đến con người, đôi khi họ có thể thảng thốt kêu lên: "Vì đâu cuộc đời, sự nghiệp
của tôi ra nông nỗi này!".
Ngự trên đài cao chùa
Bái Đính, có lẽ Đức thánh Nguyễn Minh Không, theo Truyện cổ dân gian Việt Nam là
một người rất thực tế, hẳn ngài nhìn đám con cháu hôm nay mà phải bật cười vì
thấy người Việt bây giờ còn thực tế hơn tổ tiên.
Mùa Xuân này, mỗi người
đến chốn cửa Phật đều mang theo rất nhiều tâm sự lo âu.
Thảm nạn này được Phật giáo xếp đầu tiên trong công thức Tứ diệu đế (bốn sự thực
thâm diệu), đó là sự thực về sự có mặt của khổ đau.
Có thể diễn giải: sinh
ra, lớn lên, già đi, mắc bệnh và chết, thất vọng vì nhận được những điều không
muốn và không nhận được những điều cả đời ao ước. Trong vật vã
khổ đau, người ta hy vọng nhận được gì từ Đức Phật? Không gì cả, hoặc chỉ là sự ngộ nhận.
Có phải vì những tháng
ngày qua, con người sống trong tâm trạng bất an mà họ đổ xô đi lễ chùa chiền, và
đi tìm một chỗ bấu víu tâm linh như một phương cách cầu sự an lành, cầu giữ được
chức tước, bổng lộc, nên mới để cho bị đẩy đến chỗ đổi chác, mua thần bán thánh,
đến mức đích thân ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
phải dừng lại gỡ bỏ tiền lẻ trên cánh tay Đức Phật ở chùa Bái Đính.
Quan chức đi qua rồi
thì dòng người lại dồn lên, lại đổi chác, quyết thể hiện sự hơn thua cả ở chốn
tôn nghiêm. Họ đến chỉ để xin, để cầu mà hình như quên mất
hay chưa biết Phật không trao cho ai niềm tin, Phật giáo là một quá trình đối
trị khổ đau.
Đức Thích Ca Mâu Ni đã
từng tuyên bố, ta chỉ dạy cách vượt thoát khổ đau. Đó là quá trình tu tập bằng trí tuệ và thiền
định, không thể là cuộc đổi chác bằng tiền mặt, bằng đồ lễ nặng mùi trần tục của
dân gian như hôm nay ta vẫn thấy.
Vâng, hãy quên bớt tục
lụy trần thế, sự suy thoái đạo đức hay kinh tế để tận hưởng những gì cửa Phật đã
mở lòng đón khách tiết Giêng Hai. Trong một dịp ngẫu nhiên, chúng tôi chọn
chuyến hành hương đầu năm đến một ngôi chùa nằm trên ngọn đồi cao ở phố núi
sương mù Pleiku.
Chùa mang cái tên lạ,
nhưng điều tuyệt vời nhất lại chính là sự nhẹ nhàng, thanh thoát cửa Phật đem
lại cho khách hành hương tận hưởng vẻ đẹp mà mỹ thuật dân gian đã tạo tác, một
mỹ cảm lạ lùng mà ai cũng biết cảm nhận từ vô thức khi đến nơi này.
Chùa Minh Thành sở hữu
hàng trăm pho tượng đẹp của nghệ thuật sơn son thếp vàng do các nghệ nhân từ
làng mộc Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) vào tận đây tạo tác trong nhiều năm liền. Sơn son thếp vàng xưa nay chỉ phục vụ cho vua chúa và tín ngưỡng, có
nhiều nguy cơ thất truyền về kỹ thuật khi những ngôi chùa mới xây dựng ưa thích
điêu khắc đá hoặc đúc đồng.
Thật lạ, khi một ngôi
chùa ở phố núi cao nguyên lại quay về với nghệ thuật điêu khắc gỗ và sơn son
thếp vàng cổ truyền, tạo ra một phong cách lạ lẫm. Hình như sự giản dị của gỗ, của sơn thếp đã
dẫn dụ chúng tôi nấn ná mãi ở chốn thiền môn.
Đang thắc mắc về một
ngôi chùa lớn và vô cùng tĩnh mịch, vắng vẻ Phật tử, thì nơi thư phòng, khi lần
giở một trang kinh Pali, tôi bỗng đọc được một câu chuyện thế này:
"Angulimala là một kẻ
sát nhân khét tiếng. Tên của ông được lấy từ sự kiện ông đeo trên cổ một xâu
chuỗi kết bằng những ngón trỏ tay phải của các nạn nhân
mà ông đã giết hại. Quân lính triều đình lùng bắt ông, còn dân
chúng thì hoảng sợ không dám ra khỏi nhà. Khi bắt gặp Đức Phật đang khất
thực trên đường, ông tiến lại gần, vung gươm lên và bảo: "Ông thầy tu
kia, dừng lại".
Phật nhìn ông và bình
thản trả lời: "Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Bao giờ thì ông dừng lại?".
Thái độ và câu trả lời
của Phật đã làm cho Angulimala kinh ngạc và đột nhiên hối hận. Phật liền làm lễ thí phát
cho Angulimala trở thành một tu sĩ ngay tại chỗ.
Từ đó về sau,
Angulimala, pháp danh là Ahimsaka, đã tu tập rất tinh tấn, trở thành một trong
những đại đệ tử của Phật và đạt được giác ngộ sau đó.
Câu chuyện là một bất
ngờ với thế giới quan truyền thống Á Đông.
Một kẻ sát nhân hàng loạt như Angulimala bình thường sẽ phải trải qua không biết
bao nhiêu kiếp luân hồi trong địa ngục mới mong trả xong nghiệp chướng và có
được một cơ hội để đầu thai, vậy cớ sao lại dễ dàng trở thành Bồ Tát như thế?".
Cái hấp dẫn là ở chỗ
đó. Giáo lý nhà Phật không chỉ dạy con người đổ bỏ
cái ly hiện hữu để tìm khoảng trống, mà phải thay thế chất liệu hiện hữu trong
cái ly cuộc đời hiện tại bằng một nội dung tinh thần mới.
Hình ảnh một cá nhân
thành đạt cũng gần giống như thế: sau mỗi một cuộc ê chề, để tiếp tục đứng lên,
người đó thường phải rót đầy cái ly đã cạn của mình bằng một nội dung tích cực
và thực hữu hơn.
Khi trở ra, lại ngắm
nhìn một lượt non xanh núi biếc, những vị La Hán im lìm bên vách hiên chùa của
phố núi cao nguyên, mới ngộ ra, chuyến hành hương là để mình chấp nhận cái thực
tế dù buồn dù vui, quyết tâm tự tiếp nhận một tinh thần khỏe khoắn, dấn thân vào
hành trình mới, chứ đâu phải là sự chắc mẩm, yên trí vì đã đóng xong một khoản
bảo hiểm cho các thế lực của đức tin!
Và lại ao ước giá như
có một phép mầu, Đức Phật sẽ hỏi chúng ta, hỏi cái sự điên rồ của con người đang
chạy theo ảo vọng của vật chất, quyền lực rằng: "Bao giờ thì các người dừng lại?".
BÍCH HỒNG
Theo DNSG