Thích Hạnh Chơn
Mùa Xuân là thời gian bắt đầu của một
năm. Không biết tình cờ hay hữu ý, sự sắp xếp trên lại có ý nghĩa tiềm ẩn khá lý
thú. Không ai phủ nhận rằng mùa Xuân là mùa mát mẻ, ấm áp thích hợp cho sự sinh
sôi nảy nở của các loài thực vật và cả động vật. Mùa Xuân, với đời người, được
ví cho tuổi trẻ - thời gian đẹp và nhiều ước mơ, hy vọng cho một tương lai tươi
sáng. Thiên nhiên của mùa Xuân ưu đãi cho động-thực vật phát triển thì sức sống
của tuổi xuân ưu đãi cho con người cơ hội thăng hoa, tiến triển. Nếu như
động-thực vật tự thích nghi cao theo bản năng sinh tồn thì con người tự thích
nghi không chỉ bằng bản năng mà quan trọng hơn là bằng ý chí và nghị lực. Phương
tiện con người thực hiện ý chí vươn lên không gì khác hơn là sự học (giáo dục),
và sự tu (thực tập), để hướng đến sự thành đạt (chứng ngộ). Nhân dịp Xuân về,
người viết xin được mạn đàm về Sự học trong Phật giáo cùng chư pháp hữu.
Sự học
và mục đích
Là con người, ai cũng phải học. Từ thuở còn thơ ta đã phải học: học
nói, học đi, học ăn. Lớn lên chút nữa ta lại được dạy ‘học gói, học mở’, tức là
học cách ứng xử khéo léo, lịch sự, tế nhị, phép tắc. Cho nên, câu thành ngữ ‘học
ăn, học nói, học gói, học mở’ ra đời nhằm nhắc mỗi người phải học để biết cách
sống lịch thiệp, cách ứng xử sao cho có văn hóa. Đây là cái học cơ bản để làm
người. Khi tới tuổi đến trường, trừ một số ít bất hạnh, còn lại đều được cha mẹ
hay người thân đưa đến lớp, đến thầy để xin học. Sự học từ đó cứ tiếp tục cho
hết cuộc đời. Cho nên, Lê-nin đã nói: “Học, học nữa, học mãi”. Câu châm ngôn
luôn đúng cho tất cả những ai phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Về Sự học, có hai quan điểm tranh biện
được đưa ra. Một bên cho rằng sự học là gian khổ nhưng kết quả ngọt ngào như
ngạn ngữ Hy Lạp viết: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng cho hoa quả ngọt
ngào”. Bên kia thì phản biện rằng học là vui, là hạnh phúc ngay chứ không phải
trước khổ rồi sau mới có hạnh phúc như quan niệm ‘khổ để tu hành, khổ hóa vui’.
Sự tranh biện sẽ không có hồi kết nếu không đặt nó vào mục đích, điều kiện, hoàn
cảnh cụ thể nào đó để suy xét. Nếu học để trả nợ, học để có nhiều kiến thức để
tranh luận, học để có bằng cấp đi làm kiếm tiền, học để thăng quan tiến chức…
thì rõ ràng sự học có ‘những chùm rễ đắng cay nhưng cho hoa quả ngọt ngào’.
Ngược lại, học để hiểu, để sống, để áp dụng ngay trong lúc học như học thở, học
ăn, học làm việc trong chánh niệm thì cái học đó đâu thể gọi là khổ. Cái học ấy
có hạnh phúc ngay tức thời chứ không cần phải trải qua khổ nhọc rồi mới có hạnh
phúc. Cái học này sư ông Làng Mai đã chứng minh là đúng.
Thế thì trong Phật giáo, mục đích của
Sự học là gì? Tổ Khánh Anh đã dạy: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là
đãy sách.” Lời dạy của Tổ khá rõ ràng để trả lời câu hỏi ấy. Mục đích của sự học
trong đạo Phật không gì khác hơn là để hiểu đúng những lời dạy của Đức Phật để
áp dụng vào trong từng suy nghĩ, từng lời nói, từng hành động của mỗi con người
trong đời sống hằng ngày. Hiểu và áp dụng đúng lời Phật dạy đòi hỏi hành giả
phải có trí tuệ. Trí tuệ thường do thể nghiệm bằng thiền quán mà có chứ không
chỉ là kiến thức thu nhận được từ bên ngoài. Vì vậy, ‘Duy tuệ thị nghiệp’ là kim
chỉ nam của Phật giáo. Sứ mạng của Sự học, theo kinh điển Pāli, được kết thúc
khi vị ấy chứng ngộ thánh quả A-la-hán.
Bậc A-la-hán còn được gọi là bậc vô
học. Theo thiển ý của người viết, bậc A-la-hán không phải là không còn học gì
nữa mà là không cần học các pháp đoạn trừ phiền não vì vị ấy đã hoàn toàn đoạn
tận kiết sử, chứng được tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Các vị A-la-hán vẫn
tiếp tục học ở phương diện khác như về trí tuệ Bồ-tát, và trí tuệ Phật. Nếu cho
rằng A-la-hán không cần học gì nữa thì tại sao các ngài như Xá-lợi-phất,
Mục-kiền-liên,… còn phải nghe Đức Phật thuyết pháp suốt cả đời, và tại sao không
có sự ngang bằng về trí tuệ giữa các vị A-la-hán. Do đó, sự học trong Phật giáo
chỉ kết thúc khi chứng quả vị Phật.
Sự học của Đức Phật trước khi giác ngộ
Sự học của Thái tử Tất-đạt-đa
(Siddhattha) là xuất chúng và đáng được kính ngưỡng. Trước khi giác ngộ, Đức
Phật là một Thái tử. Các tài liệu hiện có không ghi chép rõ ràng về Sự
học của Thái tử. Tuy nhiên, theo suy luận của các nhà nghiên cứu thì Thái tử
chắc chắn đã hấp thụ một nền giáo dục vững chắc của hoàng gia và của giai cấp
quý tộc chiến sĩ. Với đặc ân hưởng thụ một nền giáo dục
truyền thống quý tộc, Thái tử chắc chắc học các môn học như luật, phong tục tập
quán, nghệ thuật quản lý quốc gia, ngữ pháp, logic, nghệ thuật và cả khoa học…
Nói chung, Thái tử là một thanh niên trí thức, lịch sự. Theo
Phật học phổ thông, Thái tử thông minh xuất chúng, học với thầy nào, về văn
chương hay võ nghệ, chỉ ít hôm là thầy không đủ sức dạy. Cho đến vị thầy danh
tiếng nhất thời bấy giờ là Sằn-đề-đề-bà cũng chịu khuất phục trước sức học của
Thái tử.
Sau khi xuất gia, du sĩ Siddhattha tiếp tục tìm cầu học đạo. Siddhattha đã
đến học với hai vị thầy nổi tiếng vào hàng bậc nhất lúc bấy giờ, lần lượt là
Alarama Kalama và Uddaka Ramaputta. Thái tử đã học hết tất cả giáo lý của hai vị
thầy này trong thời gian ngắn và cũng đã chứng ngộ ngang bằng với họ. Cuối cùng,
không còn ai có thể làm thầy nên Siddhattha đã quyết định tự tìm chân lý. Sơ
lược qua Sự học của Thái tử và sau đó là du sĩ, ta thấy Siddhattha học không mệt
mỏi, và học rất xuất sắc. Từ đó, có cơ sở để nói rằng nền minh triết đồ sộ, có
một không hai của nhân loại do Đức Phật để lại một phần nhờ Sự học của Thế Tôn
trước khi xuất ly trần tục. Như vậy, Sự học hoàn toàn rất quan trọng trong sự
nghiệp tu tập và hành đạo.
Sự học của chư tôn đức Việt Nam đương đại
Vào thời đương đại ở Việt Nam, Sự học cũng rất được chư tôn đức coi trọng và
tuân hành. Có thể kể về hai tấm gương tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam là Hòa
thượng (HT) Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Minh Châu.
Sự học của HT Trí Tịnh bắt đầu bằng những khó khăn nhưng kết quả rất đáng tự
hào. Xuất gia ở chùa Vạn Linh núi Cấm nên HT phải xin về Sài Gòn tìm học kinh
luật. Nghe tin ở Huế có trường Phật học, HT đã quyết định khăn gói tìm ra xứ
Thần kinh để học. Nhờ sự giúp đỡ của quý Tôn đức, HT được nhận vào trường Trung
đẳng tại chùa Tây Thiên và sau đó, vào Cao đẳng Phật học chùa Báo Quốc. Với sự
siêng năng chăm học, HT đã chứng tỏ là một trong số học Tăng ưu tú của trường.
Sau khi tốt nghiệp, HT đã đảm nhiệm nhiều chức vụ liên qua đến giáo dục và phiên
dịch kinh điển ở các trường viện như Phật học viện Hải Đức, Huệ Nghiêm, Đại học
Vạn Hạnh… Ngoài ra, HT đã tự trau dồi và phiên dịch tổng cộng 15 dịch phẩm kinh
sách. Sự học của Ngài có thể nói là rất đáng cho đàn hậu tấn học noi gương.
May mắn hơn quý Tôn đức khác, HT Minh Châu được đào tạo trường lớp và đỗ
bằng tú tài toàn phần trước khi xuất gia. Là một cư sĩ, ngài đã tham gia phong
trào nghiên cứu đạo Phật và học hỏi giáo lý với Bác sĩ Lê Đình Thám và nhiều Tôn
đức khác ở Huế. Sau khi xuất gia, HT tham gia giảng dạy và viết báo cho các tạp
chí Phật giáo. Sau đó, HT xuất dương du học ở Sri Lanka và Ấn Độ. HT đỗ bằng
tiến sĩ Phật học tại Đại học Bihar và vinh dự được tổng thống Ấn Độ đích thân
trao văn bằng. Về nước, HT đã cống hiến rất nhiều cho nền Phật học nước nhà, đặc
biệt là phiên dịch gần hết tạng kinh Pāli sang tiếng Việt. HT còn là tác giả của
hơn 25 tác phẩm sách Phật giáo bằng tiếng Việt và Anh. Sự học của HT thuộc loại
chuẩn theo trường lớp, văn bằng học vị. Sự cống hiến vĩ đại của Ngài không phải
từ Sự học chuẩn mực ấy sao?!
Sự học của Tăng Ni ngày nay
Về Sự học của Tăng Ni, có sự tranh luận xảy ra khá dài. Đó là sự tranh luận
về ‘học cốt để tu không cần bằng cấp’ và học phải có bằng cấp chuẩn rõ ràng. Có
lẽ, ta nên xét bối cảnh của nó. Thời xưa, sự học được Đức Phật và chư Tổ trực
tiếp giảng dạy và xác nhận khả năng tu chứng của đệ tử. Khi một vị được xác
chứng tức là vị ấy được tín nhiệm bổ xứ đi hành đạo. Thời nay, Sự học như thế
không còn phổ biến nhiều và người đảm trách vai trò như chư Tổ cũng hiếm thấy.
Đó là lý do 4 Học viện và hơn 30 Trường Trung cấp Phật học ra đời. Đã là trường
thì nó phải có tiêu chí đánh giá, trong đó bằng cấp là tiêu chí không thể thiếu
để xác nhận trình độ, khả năng chuyên môn của học viên. Trường lớp nếu đào tạo
chuẩn, có chất lượng đàng hoàng thì Tăng Ni sẽ có đủ năng lực hành đạo có thể
chấp nhận được. Tuy nhiên, có một điều làm người viết ngạc nhiên nên muốn chia
sẻ ra đây để cùng suy nghĩ. Có nhiều vị đã trải qua trên dưới tám năm ngồi ở các
cấp học từ Sơ, Trung, cho đến Cao đẳng Phật học nhưng khi thi vào Học viện thì
lại trượt. Trong khi đó, có những vị chỉ học hết phổ thông và tự học Phật pháp
lại có thể dễ dàng đủ điểm vào Học viện. Sự học như vậy phải chăng là đáng quan
ngại?!
Sự học lạc điệu với tôn chỉ ‘tông môn’: Tăng Ni Việt Nam hầu hết đều thừa nhận là thuộc dòng Lâm Tế hay Tào Động,
tức là hai dòng thiền từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam. Thế nhưng, khi được hỏi
thì đa số lại thừa nhận rằng đang tu theo pháp môn Tịnh độ. Nói một cách ví von
là con cháu đã tự thay đổi pháp môn nhưng vẫn giữ dòng họ. Vì đã thay đổi pháp
môn nên không mấy Tăng Ni học về tôn chỉ của hai dòng thiền này. Về pháp môn
Tịnh độ, căn cứ vào kinh A Di Đà thì hành giả phải thành tựu tín-nguyện-hạnh.
Trong đó, hạnh là niệm Phật đến nhất tâm bất loạn (được gọi là chánh hạnh), tức
tương đương chánh niệm, chánh định trong Bát chánh đạo; và làm tất cả các việc
lành (gọi là trợ hạnh). Niệm Phật để nhứt tâm tức chánh định, hành giả có thể
hiểu và thực hành được. Còn về phương pháp làm các việc lành, và việc gì gọi là
lành thì trong kinh A Di Đà không định nghĩa. Tuy nhiên, mặc dù nói tu theo Tịnh
độ nhưng Tăng Ni hầu như không đi theo con đường đó mà học tất cả các kinh điển,
cả tạng Pāli và Đại thừa. Do đó, Phật giáo nguyên chất đã bổ sung kịp thời, góp
phần định hướng hành giả tu Tịnh độ đúng đắn theo tinh thần Phật dạy. Sự lạc
điệu này là một điều may mắn và thú vị.
Sự học thiếu hoạch định và thiếu tính chất
ứng dụng: Hiện nay, với số lượng làm tròn khoảng
50.000 Tăng Ni, trong đó số người đang theo học tại các trường chưa tới 1/3. Trường thì cứ mở ra nhưng sự hoạch định
chương trình đào tạo để bổ sung nhân sự chăm lo công tác Phật sự thì chưa được
quan tâm. Chưa có sự khảo sát nào để xác định Phật giáo đang cần nhân sự về
ngành nào, bao nhiêu, để đào tạo bổ sung vào. Giữa trường Phật học và Giáo hội,
như thế, chưa có sự hợp tác chặt chẽ. Về mặt ứng dụng thì rõ ràng Sự học hiện
nay nặng về trau dồi kiến thức hơn là tiêu hóa kiến thức.
Lời kết
Sự học là một quá trình liên tục nhằm bồi bổ kiến thức từ chỗ không biết đến
thông thạo về các lĩnh vực theo học. Nó giúp chuyển hóa con người từ bình dân
thành trí thức, từ vô văn phàm phu thành bậc thánh đa văn, và cuối cùng theo
Phật giáo là quả vị Chánh đẳng chánh giác. Nhờ Sự học mà Đức Phật thông thạo tất
cả các lĩnh vực; nhờ Sự học mà chư Tổ luận giải nhiều bộ luận có giá trị muôn
đời; nhờ Sự học mà chư Tôn đức đã đóng góp cho nền Phật học Việt Nam những dịch
phẩm vô giá. Đặc biệt, Sự học đúng phương pháp là nền tảng vững chắc cho sự
thành công trong mọi lĩnh vực, kể cả Phật quả. Tầm quan trọng của Sự học như thế
đủ biết.
Ngày nay, Tăng Ni không ngừng nỗ lực học tập để trau dồi kiến thức, chuyển
hóa thân tâm, hoằng truyền chánh pháp. Nền Phật học nước nhà đang từng bước nâng
cấp để hoàn thiện vai trò quan trọng của nó. Nếu như vai trò của nền giáo dục
thế tục là đạo tạo các nhà khoa học, triết gia, quản lý,… thì nền Phật học có sứ
mạng đào tạo những bậc thầy tâm linh, bậc thánh. Do vậy, nền Phật học phải trung
thành với chất lượng thật để duy trì niềm tin yêu vốn được tín nhiệm. Sự giả
dối, nếu có, trong nền giáo dục Phật giáo là sự phá sản. Mùa Xuân về mang bao
niềm ước vọng. Sự học chân thành luôn mang lại niềm vui!