Hòa thượng Trí Quảng nói về cải đạo và sự sụt giảm tín đồ Phật giáo Việt Nam

hoa thuong

Minh Thạnh

Mới đây, một người bạn hỏi tôi đã đọc qua chưa tác phẩm “Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì” của Hòa thượng Thích Trí Quảng (Nhà xuất bản Tôn giáo), vì thấy các bài viết của tôi dường như có nội dung mở rộng, khai triển và liên hệ thực tế một số nhận xét của Hòa thượng Thích Trí Quảng được nêu trong tác phẩm nói trên.

Vì vậy, tôi tìm đọc ngay sách “Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì”, tác giả Hòa thượng Thích Trí Quảng. Thực ra, trước đó tôi chưa đọc sách này.

Nhận thấy quyển sách nói trên có một số nhận xét liên hệ đến vấn đề cải đạo và sự sụt giảm tín đồ Phật giáo hữu ích đối với bạn đọc quan tâm, chúng tôi xin phép được trích dẫn ở đây để bạn đọc có thể tham khảo.

Trong một quyển sách có đề tài là hoằng pháp và trụ trì, có bề dày lên đến hơn 400 trang, thì tất nhiên không thể thiếu những vấn đề liên hệ như cải đao và giảm sút tín đồ Phật giáo.

Dung lượng đề cập đến vấn đề cải đạo và giảm sút tín đồ Phật giáo trong quyển Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì phải nói là còn khá hạn chế, bên cạnh những vấn đề lớn khác. Tuy nhiên, nội dung đề cập đến xác đáng và mang tính đặt vấn đề cao, làm người đọc phải suy nghĩ.

Về cải đạo, quyển “Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì” tập trung đề cập đến vấn đề cải đạo bằng hôn nhân, những hình thức cải đao khác chưa được đề cập đến. Tuy vậy, qua hiện tượng cải đạo bằng hôn nhân, chúng ta có thể thấy được phần nào tầm mức quan trọng của cải đạo bằng các phương thức khác.

Ở trang 147 sách Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã ghi nhận sự việc và bước đầu đưa ra hướng giải quyết: “Thượng tọa Phó Đại diện Phật giáo quận 8 có đặt vấn đề Phật tử lập gia đình với người theo đạo Thiện Chúa thì bị bắt ép phải theo đạo của họ. Như tôi đã nói với chủ trương khép lại quá khứ và mở ra tương lai tốt đẹp, nên cái nhìn của chúng ta không mang tính cục bộ. Điều của Thượng tọa nói thuộc quá khứ, ngày nay không ai bắt được người khác phải theo tôn giáo nào. Và thực tế cho thấy một số gia đình bắt buộc con dâu hay con rể phải theo đạo Thiên Chúa thì họ cũng theo, nhưng theo để được kết hôn mà thôi và sau đó, họ cũng sinh hoạt theo tín ngưỡng của họ. Một số Phật tử đạo tràng Pháp Hoa đã theo đạo Thiên Chúa để chiều ý gia đình, nhưng hôn lễ xong, họ lại dẫn vợ hay chồng về thăm tôi, nghe tôi khuyên dạy; người bạn đời của họ không hẳn là Phật tử, nhưng tâm hồn là Phật tử.

Chúng ta không chủ trương bắt ép. Việc chính yếu là cảm hóa được người từ đáy lòng bằng đạo đức và tri thức của chúng ta, còn dùng hình thức để ràng buộc thì không ràng buộc được ai. Tôi khuyên các giảng sư không nên mơ ước hình thức nào để ràng buộc người. Họ đến với ta mà không thương kính ta là tai họa, chứ chẳng quý giá gì. Điều cần thiết là giúp họ trở thành người tốt trong xã hội. Đạo Phật tiêu biểu cho từ bi và đức hạnh, chúng ta làm thế nào thể hiện được mẫu người đạo đức thương tưởng cho đời, làm lợi ích cho người. Được như vậy, tôn giáo khác cũng đến với ta, hoặc có thiện cảm cũng đủ, vì chúng ta đã gieo hạt giống lành trong tâm họ.

Xưa kia Phật giáo hóa độ sanh cũng có 16 ngoại đạo và 92 dị kiến. Họ cũng là giáo chủ của các đạo khác, nhưng đa số đã quy phục Đức Phật, đủ thấy đức hạnh và trí tuệ của Ngài có sức cảm hóa người đến mức độ nào. Còn người của Phật đạo mà theo tôn giáo khác thì phải tự xét lại thực chất tu hành của chúng ta”.

Cải đạo tuy không được đề cập đến nhiều, nhưng trong quyển “Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì”, hai vấn đề cải đạo và giảm sút tín đồ Phật giáo được thể hiện trong mối quan hệ với nhau. Thông qua những nội dung ghi nhận mức giảm sút tín đồ Phật giáo, người đọc có thể thấy được tầm mức và quy mô của việc cải đạo.

Ở trang 156 sách dẫn trên, Hòa thượng Thích Trí Quảng viết: “Tôi thấy ở Việt Nam thường nói tín đồ Phật giáo đến 85%, nhưng thực chất Giáo hội chúng ta nắm được mấy phần trăm dân số. Không nắm được số lượng tín đồ, không ảnh hưởng được tình cảm, cuộc sống của họ, tất nhiên không điều động được họ; vậy mà có khi còn dám nói Phật giáo chiếm đến 95% dân số”.

Đến trang 163, sách Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì, bài “Một số phương hướng cho ngành hoằng pháp”, Hòa thượng Trí Quảng đi vào một trường hợp cụ thể: “Hiện nay, Tăng Ni đông, nhưng không quản lý được tín đồ; thậm chí có Ban Đại diện nói rằng không huy động nổi 500 tín đồ dự lễ Phật Đản. Một quận có cả trăm chùa với hàng trăm Tăng Ni mà không điều động được 500 bổn đạo là yếu quá. Mỗi người dù không thuộc Ban Đại diện Phật giáo cũng cần có trách nhiệm gắn bó sinh hoạt với tín đồ một cách mật thiết thì mới làm được Phật sự”.

Trường hợp cải đạo, suy vong ở Hàn Quốc cũng đã được Hòa thượng Thích Trí Quảng lưu ý đến trong tác phẩm nói trên. Trang 176, bài “Suy nghĩ về hoằng pháp trong thời hiện đại, Hòa thượng Thích Trí Quảng viết: “Thực tế của sinh hoạt Phật giáo Hàn Quốc cho thấy điều này. Tôi sang thăm những ngôi chùa ở trên núi rất lớn, nổi tiếng của Hàn Quốc. Những chùa này trải qua nhiều đời được nhà vua cấp đất cả mười mấy ngàn mẫu, rộng mênh mông. Vậy mà ngày nay, chùa chỉ còn là nơi tham quan của khách du lịch, không phải điểm sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng, vì chùa ở cách xa đô thị quá và sinh hoạt của đạo Phật không còn dính líu gì đến mọi người. Người du lịch tham quan chưa đi hết một vòng đã phải vội vàng lên xe về. Chùa ở nơi cách biệt với sinh hoạt của người dân, cộng với sự hành đạo cũng cách ly với nếp sống của họ, nên lần lần Phật giáo đã mất vị trí trong lòng xã hội. Trước kia, dân Hàn Quốc theo đạo Phật nhiều, nhưng ngày nay, đến thành phố Seoul hay bất cứ chỗ nào cũng chỉ thấy nhà thờ Tin Lành, rất nhiều nhà thờ nhỏ hay nhà nguyện trong khu dân cư. Phật giáo Hàn Quốc đang bị mai một vì các nhà sư lên núi tu, sống cách ly với cuộc đời thì làm sao người dân đến với đạo Phật được

Kinh nghiệm của Phật giáo Nhật Bản cũng được xem xét trong mối liên hệ với vấn đề chung (trang 173): “Ngày nay tình trạng này xảy ra ở đất nước chúng ta, hầu như chùa nào cũng có toàn người hưu trí, người già. Không khéo đạo Phật chúng ta trở thành đạo của người chuẩn bị từ bỏ cuộc đời này. Có sự tuyên truyền mạnh ở Nhật rằng cuộc đời của một người khi sanh ra thì đến đình thần, lớn lên thì đến nhà thờ, đến già, chết thì về chùa. Nếu phân chia sinh hoạt như vậy thì rõ ràng đạo Phật sẽ bị mất vị trí trong lòng người, trong xã hội. Phật giáo Nhật đã nhận thấy rõ nguy cơ này, nên đã phát triển hướng sinh hoạt của Phật giáo gắn liền với sinh hoạt của dân tộc họ. Họ cho trẻ em quy y từ trong thai mẹ”.

Nếu như những đoạn dẫn trên từ sách “Những bài giảng về hoằng pháp & trụ trì” là những đoạn mà Hòa thượng nêu vấn đề, ghi nhận việc cải đạo và giảm sút tín đồ Phật giáo, thì hướng giải quyết vấn đề nằm trọn trong cả quyển sách, gồm những suy tư về phương hướng và phương thức hoằng pháp trong thời hiện đại, với nhiều tình huống, giải pháp cụ thể và hiệu quả.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle