Quyền lực mềm của tôn giáo (và của Phật giáo)

quyen luc mem

Minh Thạnh

Sau khi bài viết “Bùng phát trang trí Noel: nhiều điều đáng suy nghĩ” được Phattuvietnam.net đăng tải, trong đó có đề cập đến khái niệm “quyền lực mềm” cũng như vấn đề “quyền lực mềm” trong tôn giáo, có bạn đọc đã chuyển tới chúng tôi câu hỏi, vậy quyền lực mềm là gì? Thế nào là “quyền lực mềm” trong tôn giáo, hiểu ra sao về quyền lực mềm trong Phật giáo?... Vì vậy, chúng tôi xin dành bài viết này để bàn luận những vấn đề vừa nêu trên.

Quyền lực mềm, cũng có thể gọi là sức mạnh mềm, dịch từ tiếng Anh “soft power” là một thuật ngữ trước tiên xuất phát từ ngành quan hệ quốc tế, khoa chính trị học, được học giả người Mỹ Joseph Nye khởi xướng, đầu tiên chỉ dùng trong lý luận quan hệ quốc tế. Đến nay, quyền lực mềm được sử dụng trong nhiều trường hợp.

Nói chung, quyền lực mềm có thể hiểu là quyền lực dựa trên ảnh hưởng vô hình hoặc gián tiếp như văn hóa, các giá trị và ý thức hệ (Power based on intangible or indirect influences such as culture, values and ideology).

Đó là nghĩa rộng. Dùng theo nghĩa hẹp, thì đây là một thuật ngữ trong quan hệ quốc tế. Cụm từ “Quyền lực mềm” phản nghĩa với cụm từ quyền lực cứng (hard power), là khả năng ảnh hưởng lên đối tượng chịu sự tác động bằng những phương tiện như bạo lực, ép buộc, cưỡng bức, và có thể gồm mua chuộc.

Dù dùng trong nghĩa hẹp (phạm vi chính trị học) hay nghĩa rộng (sức mạnh nói chung) thì quyền lực mềm được coi là đương nhiên liên hệ đến tôn giáo, vì hầu hết tôn giáo đều có tính quốc tế và giữ vai trò nhất định trong quan hệ quốc tế. Trường phái quan hệ quốc tế tự do (tên một trường phái) coi các tôn giáo là những chủ thể trong quan hệ quốc tế. Những nếu theo quan niệm của trường phái hiện thực thì quốc gia/tôn giáo như Vatican đương nhiên là chủ thể trong quan hệ quốc tế, và do vậy liên hệ trực tiếp đến khái niệm quyền lực mềm.

Khái niệm ảnh hưởng trong quyền lực có thể hiểu là việc buộc một đối tượng nào đó phải thực hiện một mong muốn chủ quan nào đó. Trong tôn giáo, đây là vấn đề hàng đầu: theo đạo và cải đạo.

Vì vậy hiểu theo nghĩa rộng, khái niệm quyền lực mềm rõ ràng quan hệ mật thiết với các tôn giáo, cho dù đó là các tôn giáo nội địa (có phạm vi hoạt động chỉ trong một nước), không có vai trò quan hệ quốc tế.

Còn nếu xét “quyền lực mềm” theo nghĩa hẹp thì với quan điểm quyền lực mềm phổ biến bao gồm kinh tế, ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa, thì quyền lực mềm tôn giáo nằm trong ảnh hưởng văn hóa (soft power commonly covering economics, diplomacy and cultural influence – Wikipedia: “Soft Power”).

Nhưng điều cốt lõi là tôn giáo luôn có liên hệ đến chính trị. Từ điển mở Wikipedia trong mục từ “soft power” đã coi Giáo hoàng Jonh Paul II là một nhân vật biểu trưng của quyền lực mềm (phần “See also”). Tác giả của mục từ liên hệ ở Wikipedia đã nhìn thấy ở John Paul II sức mạnh mềm của Đạo Thiên chúa La Mã đánh vào hệ thống xã hội chủ nghĩa: “ Pope John Paul II visited Poland in 1979, he struck what turned out to be a hard blow to its communist regime, to the Soviet Empire and Ultimately to communism” (bản truy cập ngày 15/12/2012).

Phật giáo là một tôn giáo, tất nhiên có quyền lực mềm của mình. Nhưng Phật giáo không “đánh” một đối tượng nào như các tôn giáo khác. Lý tưởng từ bi, nhân ái, hòa hợp là những giá trị tạo nên sức mạnh mềm của Phật giáo, và hoằng pháp trong một nghĩa nào đó có thể coi là hoạt động triển khai sức mạnh mềm của Phật giáo.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle