Minh Đức Triều
Tâm Ảnh
Vượt phà qua dòng Gaṅgā, đức Phật bỏ bến sông tấp nập voi,
ngựa, hàng hóa và khách lữ hành đủ mọi sắc tộc, mọi giai cấp, ngài chọn những
con đường làng có bóng cây và ít bụi bặm để lên phía Bắc.
Kinh thành Vesāli vẫn trù phú như dạo nào. Đến
Mahāvana, Sảnh Đường Nóc Nhọn, đức Phật ngụ ở đây mấy hôm, sách tấn chư tỳ-khưu,
tăng cũng như ni rồi lại lên đường. Suốt trên lộ trình đến Videha, Moriya, Malla
sau đó lên Koliyā không có biến cố gì, nhân duyên gì để thuyết những thời pháp
lớn. Chỉ có điều đặc biệt là gặp lại chư trưởng lão Vappa, Assaji, Mahānāma, và
họ đều đã già yếu, đức Phật khuyên chư vị nên tìm chỗ trú chân tại Kỳ Viên, Trúc
Lâm hay Kosambī để di dưỡng tuổi già vì ở đấy đời sống tứ sự ổn định. Đức Phật
cũng gặp lại ba anh em trưởng lão Uruvelā Kassapa, Gayā Kassapa và Nadī Kassapa
và hội chúng ở trong một khu rừng, ngài cũng khuyên là mấy anh em họ cũng nên
dừng chân đời sống khổ hạnh đầu-đà, tìm chỗ tĩnh cư.
Rồi năm ấy, đức Phật an cư mùa mưa ở ngọn đồi đá
trắng Cālikapabbata, thị trấn Cālikā, có con sông Kimikālā xanh trong, mát mẻ
thuộc quốc độ Koliyā cùng với đại chúng tỳ-khưu. Ở đây, có khá nhiều liêu thất
và hang động được thiết lập từ năm an cư thứ mười ba của đức Phật; ngoài ra gần
thị trấn lại còn có vườn xoài xinh đẹp mà thuở ấy tỳ-khưu Meghiya, thị giả của
đức Phật yêu thích, lưu luyến tìm đến đấy để sống một mình.
Khi đã sắp xếp đâu đó ổn định rồi, thỉnh thoảng đức
Phật lại ôm bát ra đi một mình để hóa độ những người hữu duyên. Đặc biệt, có
hôm, đức Phật sử dụng thần thông đi một khoảng đường khá xa, ngài trở lại thành
phố Āḷavī, ngụ tại điện thờ Aggāḷava để
gieo duyên thêm với cư dân ở đây. Và thật ra, đức Phật cố ý hóa độ cô gái con
người thợ dệt. Hơn hai năm về trước, khi đức Phật giảng dạy “tùy niệm về sự chết” (Maraṇa-anussati) thì cô ta rất tâm đắc và hoan hỷ.
Và từ đấy đến nay cô ta rất tinh cần, ngày cũng như đêm không buông lơi đề mục
bao giờ.
Tin đức Phật đang ngụ tại điện thờ Aggāḷava, thành phố Āḷavī không mấy chốc lan truyền đi khắp
nơi. Việc đức Phật hóa độ dạ-xoa Āḷavaka đem
lại thanh bình cho quốc độ là một ân đức quá lớn nên từ đức vua, triều đình cho
đến dân chúng ai ai cũng háo hức tìm đến đảnh lễ, nghe pháp, cúng dường.
Khác với mọi lần, khi hai hàng cận sự đặt bát cho đức
Phật, thọ thực xong, nhưng hôm nay, ngài chưa giảng pháp thoại như đang cố ý chờ
đợi ai đó; và đại chứng tỳ-khưu cũng yên lặng như vậy...
Và quả đúng như thế, lúc ấy, cô gái con người thợ dệt
trong lòng nôn nao, muốn làm mọi việc đâu đó cho xong để còn thì giờ đến điện
thờ Aggāḷava, chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật
và nghe pháp. Nhưng đột ngột sáng nay, khi đến xưởng dệt, cha cô quay lại căn
dặn: “Tại khung cửi, cha còn một cái áo
của khách hàng chưa dệt xong vì thiếu chỉ. Vậy ở nhà, con phải nhanh tay quấn
chỉ vào suốt rồi mang gấp đến xưởng dệt cho cha!”
Khi quấn chỉ vào suốt xong thì trời đã khá trưa, cô
gái đặt suốt chỉ trong rá, kẹp vào nách rồi hối hả ra đi. Đường đến xưởng dệt
phải đi qua điện thờ Aggāḷava, không cưỡng được ước muốn vào thăm
Phật nên cô gái lẹ làng bước nhanh, qua vườn, len đám đông, đưa mắt nhìn qua cửa
sổ. Thấy được đức Phật với tướng hảo quang minh, xán lạn, cô gái rất hoan hỷ,
nói nhỏ trong lòng: “Đây là cha của ta, đã
dạy cho ta tùy niệm về sự chết. Từ đó đến nay, tâm ta như mặt nước hồ thu vắng
lặng, đồng thời, ta không còn ganh ghét, hung dữ với một ai. Ta không còn sợ hãi
bất cứ một cái gì, kể cả sự chết”.
Trong lúc ấy thì đức Phật đã thấy cô gái nên ngài
nói:
- Cái cô bé bên ngoài cửa sổ kia, nách kẹp cái rá
suốt chỉ, hãy vào đây, Như Lai hỏi chuyện.
Mọi người ngạc nhiên quay lại nhìn. Cô bé vâng lời,
bước vào, để cái rá bên chân rồi đảnh lễ đức Phật một cách nghiêm cẩn, rất phải
phép.
Đức Phật mỉm cười hỏi:
- Nầy con! Con từ đâu đến?
- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử
“không biết”.
- Vậy thì “đi”,
rồi con sẽ “đi đâu”?
- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử
“cũng không biết”.
- Con “không biết” thật sao?
- Bạch
đức Thế Tôn! Không, đệ tử “biết”.
- Phải
con “biết”
thật không?
- Bạch
đức Thế Tôn! Đệ tử “không biết”.
Như
vậy, đức Phật hỏi cô gái bốn câu. Dân chúng nghe cô trả lời với đức Phật như vậy
thì lấy làm bực mình, bất mãn. Họ nói với nhau:
“Coi kìa! Với bậc Toàn Giác mà con gái người thợ dệt dám nói như kiểu đùa giỡn
vậy! Thật là vô lễ, vô phép, vô tắc...”
Ðức
Phật mỉm cười cho mọi người an lòng, đưa tay ra dấu hiệu bảo đám đông giữ im
lặng; và rồi ngài lại hỏi tiếp cô gái:
- Nầy
con! Khi Như Lai hỏi con “từ đâu đến”, tại sao con trả lời là
“không biết”?
- Bạch
đức Thế Tôn! Chính Tôn Sư biết rõ là đệ tử đi từ nhà cha con là người thợ dệt mà
đến đây. Vậy khi Tôn Sư hỏi “từ đâu con
đến đây” thì đệ tử nghĩ, ý Tôn Sư muốn hỏi:
“Từ cảnh giới nào con tái sanh đến đây?” Và như vậy thì quả thật con trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Ðức
Phật tán thán:
- Lành
thay! Lành thay! Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Rồi đức
Phật hỏi tiếp:
- Khi
Như Lai hỏi “từ đây con sẽ đi đâu”,
tại sao con trả lời là “không biết”?
- Bạch
đức Thế Tôn! Chính Tôn Sư biết rõ là đệ tử sẽ đem suốt chỉ đựng trong rá đến
xưởng dệt cho cha của đệ tử, thế nhưng Tôn Sư còn hỏi đệ tử sẽ đi đâu, thì đệ tử
biết chắc ý Tôn Sư chỉ muốn hỏi: “Khi ra đi từ kiếp nầy, con sẽ tái sanh đi
đâu?” Và như vậy thì đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Ðức
Phật nói:
- Con
đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Ðức Thế
Tôn khen cô gái lần thứ nhì, rồi ngài hỏi tiếp nữa:
- Khi
Như Lai hỏi “con không biết thật sao”?
Thì tại sao con lại trả lời “dạ con biết!”
- Bạch
đức Thế Tôn! Điều nầy đệ tử “biết”.
Đệ tử biết chắc là “đệ tử phải chết”. Vì lẽ ấy đệ tử trả lời như vậy.
Ðức
Phật nói:
- Con
lại một lần nữa đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Như vậy
đức Thế Tôn ngợi khen cô gái lần thứ ba.
Rồi
ngài lại hỏi tiếp:
- Khi
Như Lai hỏi con “biết”,
phải vậy không? Tại sao con nói con “không biết”.
- Bạch
đức Thế Tôn! Đệ tử chỉ biết một điều là thế nào đệ tử cũng chết, nhưng không
biết cái chết sẽ đến lúc nào. Chết ban ngày hay ban đêm? Chết vào buổi sáng hay
vào buổi chiều?
Điều ấy đệ tử không biết, vì lẽ ấy đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật.
Ðức
Phật nói:
- Con
đã giải đáp đúng những câu hỏi của Như Lai!
Rồi đức
Phật nói tiếp:
- Trên
thế gian này, người ngu si, người không có trí tuệ, dù có mắt cũng như bị mù;
còn người sáng suốt, người có trí tuệ, dẫu bị mù mắt nhưng cũng thấy rõ được mọi
sự, mọi chuyện; họ thoát khỏi lưới bủa của thợ săn để đến nơi an toàn:
“- Thế gian loáng quáng mù manh
Hiếm thay, ít kẻ mắt lành sáng trong
Lưới trùm, chim khó thoát lồng
Bay lên nhàn cảnh quả không mấy
người!”
Câu kệ
ngôn chấm dứt, cô gái con người thợ dệt chứng đắc đạo quả Nhập Lưu.
Còn mọi
người xung quanh thì thở phào, nhẹ nhõm; họ không dám trách mắng cô bé thợ dệt
kia nữa, mà lại tỏ lòng quý mến, kính trọng, vì rõ ràng là chiều sâu của giáo
pháp, cô ta thông hiểu hơn mọi người.
Sau đấy,
cô gái đảnh lễ đức Phật với tâm an lạc không kể xiết rồi lanh lẹ bưng cái rá
đựng suốt chỉ đến xưởng dệt cho cha.
Lúc ấy
cha cô đang ngồi trên khung dệt mà ngủ. Cô không để ý rằng cha cô đang ngủ nên
vói tay đưa rổ cho ông. Không may, cái rá đụng vào đầu khung cửi
gây một tiếng động lớn. Cha cô giựt mình thức dậy, như phản xạ tự nhiên,
chụp cây cần ở đầu khung kéo mạnh xuống. Cái đầu khung quay vòng trúng ngay vào
ngực cô gái, tức thì cô chết và tái sanh vào cảnh trời Ðâu Suất...
Tại
điện thờ Aggāḷava, sau buổi pháp thoại, đức Phật vẫn còn ngồi yên
lặng chớ chưa chịu rời chân. Đại chúng tỳ-khưu không hiểu. Hai hàng cận sự không
hiểu. Nhưng khi cô gái bị tai nạn, chấm dứt hơi thở thì đức Phật mới mở mắt ra,
nói rằng:
- Cô
gái con người thợ dệt sau mấy câu hỏi, cô ta đã đắc pháp nhãn, là
“con gái nhỏ” của Như Lai đó! Vừa rồi, cô ta bị tai nạn đột ngột, cái đầu
khung cửi rơi xuống, đập mạnh vào ngực, cô ta đã chết và tức khắc hóa sanh vào
cung trời Đẩu Suất.
Đưa mắt
một vòng nhìn đại chúng, đức Phật nói tiếp:
- Từ
thị trấn Cālikā, Như Lai đến đây ngoài nhân duyên với mọi người, còn việc khác
rất quan trọng là cứu độ cô gái con người thợ dệt. Vì Như Lai biết trước là cô
ta sẽ bị chết như vậy, nếu không đưa cô ta an trú vào thánh pháp thì nghiệp bất
đắc kỳ tử kia có thể đưa cô ta xuống những cảnh giới đau khổ. Còn nữa, cha cô
con gái sẽ rất đau khổ, có thể đi đến điên loạn. Nhưng không sao, Như Lai sẽ
phương tiện hóa độ cho ông ta.
Và quả
đúng như vậy. Cha cô con gái, sau đó được đức Phật giảng giải về Tứ Diệu Đế, ông
thấy rõ sự thật nên xin xuất gia tỳ-khưu rồi theo chân ngài trở về núi đá vôi
Cālikapabbata để an cư mùa mưa.
Nghe
nói rằng, về sau ông ta tu tập rất tinh cần nên đắc quả A-la-hán.