Trò chơi nơi cửa thiền

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh    

Sư thầy chẳng ngăn cấm chuyện chơi đùa của đệ tử, âu cũng bởi điệu Sanh còn nhỏ, vui chơi cũng là việc cần thiết để trẻ con được lớn lên. Mà biết đâu chính trong trò chơi, trẻ con lại được học hỏi, được rèn luyện và tu tập.

     Điệu Sanh chơi thân nhất với hai đứa bạn trong xóm, đó là thằng cu chăn trâu và con bé chăn bò. Mùa này bên đồng người ta đã gặt hái xong. Đất vùng cao, thủy lợi khó khăn, chủ yếu nhờ vào mưa trời nên mỗi năm chỉ gieo một vụ lúa. Phải đợi đến cuối năm mới gieo lại. Vì thế cánh đồng bỏ hoang, trẻ chăn trâu mặc sức thả rong trâu bò để đi chơi.

     Sanh vừa chép kinh xong, gấp vội cuốn vở, chạy ào ra vườn. Vừa gặp hai đứa bạn đã hỏi:

     - Chiều nay chơi trò chi?

     - Có trò này hay lắm, nhưng sợ Sanh không chơi được – Thằng cu nói.

     - Trò chi nghe hấp dẫn quá – Điệu Sanh tò mò.

     - Trò đám cưới giả đó. Sanh đầu trọc lóc làm sao chơi?

     - Trọc cũng làm chú rể được chứ sao. Không thấy trên ti vi mấy cầu thủ đá bóng trọc lóc cũng có vợ đi theo đấy thôi.

     - Được rồi. Thế Sanh cầm cái này.

     Thằng cu nói xong cầm lấy một chùm hoa dại đưa cho Sanh. Rồi nó lấy một cái vòng nguyệt quế kết từ lá mít đội lên đầu con bé chăn bò.

     - Sanh là chú rể. Bé làm cô dâu nhé. Nào, bắt đầu. Khoác tay nhau và bước đi!

Thằng cu nhanh nhảu đóng vai trò làm người chủ lễ. Vừa ra lệnh vừa đọc vè:

     Chú rể cô dâu

     Cặp kè tay nhau

     Chú rể đi trước

     Cô dâu bước sau

     Làng nước nối nhau

     Cùng đi đám cưới

     Ai cũng phơi phới

     Ai cũng vui tươi

     Cô dâu chú rể

     Làm bể bình bông

     Hát đến đó thì điệu Sanh tung nắm hoa dại lên. Cả ba đứa trẻ cùng cười khoái chí. Sư thầy và chị bán vải đang ngồi nói chuyện nơi chiếc bàn nước kê đầu thềm hiên. Nghe tiếng cười to, thầy đứng dậy định bụng đi ra nhắc nhủ.

     Thấy sư thầy vừa bước xuống sân. Thằng cu đã hét lên: “Trâu chạy lạc”. Rồi kéo lấy tay con bé chạy về phía cánh đồng. Chỉ còn điệu Sanh đứng trơ trọi lọi một mình.

Minh họa của Thanh Huyền

     Sư thầy bước tới. Chị cũng đi theo tự lúc nào. Điệu Sanh mặt vẫn còn hớn hở sau trò chơi rất khoái vừa rồi.

     - Chơi chi làm náo sân chùa vậy con?

     - Dạ. Chơi trò đám cưới. Con làm chú rể đó thầy.

     - Hết trò sao đi chơi trò đó. Vui không?

     - Dạ, vui lắm thầy. Thầy chơi không? Hôm nào thầy với cô làm cha mẹ nghe. Đám cưới phải có cha mẹ nữa mới đầy đủ, phải không thầy?

     - Ừ, ừ…

      Thầy trả lời qua quýt rồi nhủ điệu Sanh nhặt lấy mớ hoa dại với lá mít gom vào sau túi rác. Đừng quấy bẩn vườn chùa. Nói đến đó thầy quảy lưng, thong thả đi theo dọc lối hàng hoa lan đất. Chị cũng lần chân theo.

     - Thật là rắc rối với chú tiểu này. Hết trò nọ tới trò kia. Toàn những thứ trẻ con nhưng sao khiến ta khó xử quá chừng – Thầy nói, kiểu như vừa muốn tâm sự với chị, lại như thể muốn phân bua rằng đây là một bài toán.

     - Trẻ con mà thầy. Cũng vui chứ sao. Ngộ nghĩnh nữa. Mà trẻ con khôn thật thầy ơi! Thấy người lớn có sao chúng học đòi thật nhanh. Trò đám cưới đó.

     - Ừ. Nhưng đám cưới liệu có phải là một trò chơi của loài người chăng?

     - Dạ. Con xin nghe. Thầy nói tiếp đi.

     - Thường thì người ta tiến tới hôn nhân một cách hồn nhiên, vô tư, học đòi, giống trẻ con. Nhưng sau đó thì mỗi người xử lý theo cách riêng, chẳng ai học được ai và cũng không thể vô tư như trẻ con được nữa.

     - Con vẫn chưa hiểu được ý thầy.

     - Ý tôi là. Con người ta thường đi vào si mê rất dễ. Nhưng tháo gỡ cái si mê thì thường khó khăn. Đấy là cái sự luẩn quẩn của thế gian trong cõi ta bà.

 *

     Mấy hôm nay thầy cứ hay nghĩ ngợi chuyện của điệu Sanh. Điệu ấy vào chùa chỉ để cải nghiệp thôi, chớ không phải tu hẳn. Thế mà thầy quên mất. Nhưng những chuyện gần đây đã nhắc lại cho thầy nhớ ra. Thầy nghĩ, có khi điệu ấy đã cải được nghiệp rồi. Thử cho điệu ấy về với gia đình xem sao. Ôi, chỉ mới dự định thế mà thầy đã cảm thấy hơi buồn. Vắng điệu Sanh chắc sân chùa sẽ tẻ ngắt lắm đây. Thiếu tiếng nói tiếng cười, thiếu những trò nghịch của điệu ấy có khi thầy lại chưng hửng, khó mà tu cho yên.

     Thầy chợt nhớ lời tâm sự của ông nội Sanh nói khi đưa cậu vào chùa. Bố mẹ Sanh lấy nhau bốn năm trời không có con. Cầu trời khấn Phật, chạy đôn chạy đáo khắp nơi cuối cùng mới được. Sanh như đứa con cầu tự, vì thế mà tính tình cậu ương bướng. Ông nội muốn đưa vào chùa cải nghiệp vài năm rồi đưa cậu hoàn tục để làm phận sự nối dõi tông đường. Mấy lần ông nội lên chùa thăm Sanh, dò xem cậu có tiến bộ không, rồi nếu thuận lợi thì cho cậu về. Sanh có tiến bộ thật, nhưng điệu ấy lại cứ muốn ở chùa và dường như quên hẳn gia đình. Ông nội buồn lắm. Sư thầy cũng chia sẻ điều đó, thầy bảo:

     - Giống như nhân duyên và căn lành. Ta không nên cưỡng lại sự sắp đặt tiền định.

     - Tôi vẫn muốn cháu về sớm với gia đình, thầy ạ – ông nội tỏ bày.

     - Cửa từ bi rộng mở và không ép giữ ai.

     Đêm. Sư thầy nằm nghĩ chuyện quan niệm ở đời, người ta bảo không có người nối dõi là tội bất hiếu nhất. Chính thầy cũng đã phạm phải khi ngày xưa bỏ nhà đi tu. Và đôi lần về thăm nhà, nhìn ánh mắt ông cụ thân sinh thầy lại day dứt trong lòng. Dù ông cụ không nói ra, nhưng thầy biết cụ rất thèm khát một đứa cháu để mãn nguyện khi về với tiên tổ. Có khi thầy tu cho trọn đạo Bổn sư mà đánh mất đạo làm con. Đó là một nghịch chướng của giới tu hành.

     Chao ôi, chuyện giống nòi có khi là vấn đề quan trọng bậc nhất và ảnh hưởng đến cả đời con người ta. Chỉ trong ngôi chùa này thôi đã có đến ba người mắc phải. Sư thầy, điệu Sanh và cả chị bán vải cũng thế. Chị chỉ vì không sinh được mà phải ly dị. Chị chấp nhận thiệt thòi về mình, nhưng nhất quyết không để anh chồng có tội với tổ tiên.

     Nơi cửa thiền, có một trò chơi tiềm ẩn dành cho cả ba người. Một người đã chơi xong, thất bại nên luyến lưu nuối tiếc, một người đang chơi và kết quả vẫn chưa biết sao, một người thì sẽ phải chơi trong tương lai.

 *

     Từ sau bữa bị sư thầy bắt gặp trò cô dâu chú rể, không thấy mấy đứa trẻ chơi trò ấy nữa. Dù chỉ là trò chơi, nhưng nó tựa tựa đời thật. Một lần hôn nhân đã bị ngăn cấm thì người ta dường như không thiết tha với nó thêm lần nữa. Có chăng cũng chỉ là vá víu an ủi thôi.

     Một lần Sanh hỏi:

     - Thầy ơi, có phải sau này con cũng lấy vợ không?

     Thầy cười.

     - Cũng tùy thôi con, nếu con còn ở đây với thầy thì không. Nhưng nếu con về nhà thì chắc là có đấy.

     - À, hay là con về nhà, lớn lên lấy vợ rồi quay lại vào chùa với thầy?

     - Sao con lại nói vậy?

     - Tại con thấy thái tử Tất Đạt Đa cũng đã từng có vợ rồi mới xuất gia đó thôi.

     Nhắc lại chuyện lịch sử đức Bổn sư, thầy mới nhớ có lần khi phân tích lý nhân duyên, thầy đã gặp phải kiến giải này. Là tại sao đức Phật lại có vợ, có con? Người ta giải đáp rằng bởi thái tử phải hoàn thành sứ mệnh của một người con đối với cha, một bậc quân vương với thần dân. Ngài đã trọn cái đạo làm người rồi mới đi tìm giác ngộ. Lại có chuyện một vị sư, chỉ vì thương người mà ban cho người phụ nữ nọ một ân huệ được làm mẹ. Để rồi cuối cùng chính cái cách làm phước đó khiến thầy phải chết. Vậy là công lao tu tập mấy chục năm tiêu tan sao? Hay là vị thầy ấy đã đạt đạo hiếu, lại chứng được giải thoát? Tùy nhận định của mỗi người.

     Chữ hiếu thật nặng. Người xưa đã khéo biết điều đó và đưa vào trong hình tướng của Hán tự. Chiết tự chữ Hiếu () gồm chữ lão nằm trên chữ tử, ý nói con thờ cha mẹ hết lòng. Hôm sau thầy đem chữ ấy ra dạy cho điệu Sanh. Thầy cầm cây bút lông, chấm mực thảo lên giấy trắng một chữ Hiếu lớn rõ rồi giảng cho Sanh cặn kẽ. Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu. Điệu Sanh hỏi lại:

     - Nếu con không về nhà với cha mẹ có phải bất hiếu không thầy?

     - Ừ, cũng có đấy.

     Trả lời vậy là thầy muốn Sanh nhớ về gia đình, có khi thầy khuyến khích điệu ấy về nhà để trọn nghĩa với gia đình, cho ông nội vui lòng.

     Thầy sắp ra một xếp giấy, nhủ điệu Sanh tập viết chỉ mỗi chữ Hiếu, viết từ từ cẩn thận cho đẹp. Giao nhiệm vụ xong thầy đi qua bên chánh điện. Điệu Sanh chấm mực thảo viết chữ đầu tiên. Vừa quệt được một nét thì phía sau cửa sổ, hai đứa bạn bên xóm gọi nhỏ: "Sanh, Sanh, ra chơi".

    Sanh bỏ dở chữ Hiếu đang viết. Để đấy, chơi đã.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle