Hoằng pháp tập trung vào sinh viên: nghĩ về một định hướng

hoang phap tap trung

Minh Thạnh

 

So với nếp nghĩ “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, định hướng hoằng pháp trước hết cho giới trẻ là một biến chuyển lớn về mặt quan điểm, vì ở giữa vẫn có nhiều tầng nấc quá độ: già trẻ cùng đến chùa hoằng pháp cho mọi lứa tuổi.

 

Tất cả quan điểm cái lý của nó.

 

Tuy nhiên, đi xa hơn nữa, trong thực tế, lại có một số chùa, mà nổi bật là chùa Hoằng Pháp TPHCM, lại thể hiện quan điểm hoằng pháp trọng điểm, với giới hạn hẹp hơn nữa, cụ thể là tập trung vào giới sinh viên (xin nhấn mạnh, chỉ sinh viên, là những thanh niên trẻ đang ở bậc đại học, không phải là sinh viên nói chung, càng không phải là giới trẻ).

 

Tại sao lại định hướng như thế? Cơ sở của định hướng đó là gì? Đó có phải là một định hướng khác, nhằm vào những định hướng rộng rãi hơn như thanh niên lao động, thanh niên công nhân, hay giới trẻ nói chung?

 

 

Bài viết này sẽ làm sáng rõ hơn về một quan điểm hoằng pháp mà chắc chắn được nhiều Tăng ni Phật tử quan tâm.

 

Trước tiên, trong bất cứ hoạt động có mục tiêu nào, muốn đạt được hiệu quả cao nhất, cần có những điểm nhấn, tức là những ưu tiên, những ưu tiên đó khiến cho công việc đạt hiệu quả cao nhất, với công sức gửi gắm vào đó thấp nhất.

 

Trong hoằng pháp, xách định “trẻ vui nhà, già vui chùa” là một ưu tiên, một cách nhấn mạnh lứa tuổi. Hoằng pháp trước hết cho giới trẻ là một ưu tiên, một định hướng về phía ngược lại. Hoằng pháp tập trung vào sinh viên là một định hướng cao hơn, tập trung hơn nữa. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là một chọn lựa hết sức đúng đắn, vì:

 

-         Sinh viên là đối thuận lợi cho việc tập hợp hơn cả, người đã được tập hợp trong những đơn vị cố định, là lớp, là tổ..., sinh hoạt gắn bó với nhau. Một em sinh viên đến chùa tu tập có thể cùng đưa theo nhiều bạn trong tổ, trong lớp, thậm chí trong khóa. Thuận lợi không có được nếu dàn trải ra nhiều đối tượng, như ở thanh niên, giới trẻ  nói chung, hay định hướng theo lứa tuổi, nghề nghiệp.

 

-         Học sinh sinh viên đều có những đơn vị nhất định, nhưng cần lưu ý sinh viên là tầng lớp ưu tú trong giới trẻ. Nếu quan niệm trí thức là những người tốt nghiệp đại học, thì sinh viên là đối tượng tiền trí thức, là trí thức tiềm năng, chỉ sau 4-6 năm đào tạo tùy theo ngành học và sẽ có những ảnh hưởng lớn lao đến xã hội sau khi hoàn tất việc học. Đó là những thầy giáo, những kỹ sư, những bác sĩ, những cán bộ quản lý hành chánh... Khi đó ảnh hưởng của nhóm đối tượng này đến xã hội là hết sức mạnh mẽ, sâu đậm.

 

Vì vậy, gieo mầm Phật pháp vào giới sinh viên là gieo mầm Phật pháp vào mảnh đất màu mỡ nhất, hứa hẹn nhất, tiềm năng nhất. Một người thầy giáo hay một bác sĩ là Phật tử thuần thành sẽ là một hạt nhân hoằng pháp lý tưởng. Tập trung hoằng pháp vào giới sinh viên chính là chọn một sức mạnh điểm tựa tạo thành sức bật mạnh mẽ cho Phật sự hoằng pháp cho tương lai. Nói theo nhà Phật là chọn nhân tốt và gieo duyên tốt.

 

-         Có trình độ, có năng lực cũng là một thuận lợi, xác định việc định hướng nhắm vào giới sinh viên là một định hướng đúng. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của tỉnh thức, không dựa vào niềm tin mù quáng, khiên cưỡng. Để là một Phật tử thuần thành, thật sự thông hiểu Đạo Phật, đương nhiên cần có năng lực tư duy nhất định. Phẩm chất của người trí thức trong giai đoạn đào tạo là thuận duyên để đưa đến họ một Đạo Phật thâm sâu, uyên áo, trí tuệ sau khi tốt nghiệp. Sinh viên chính là một trong những đối tượng dễ dàng thâm nhập Đạo Phật ở tầm mức cao nhất.

 

-         Có trình độ hầu như đồng nghĩa với việc khả năng truyền đạt tốt những giá trị Phật Pháp đã được lãnh hội đến những người xung quanh. Đây là một thuận lợi nữa ở đối tượng sinh viên, khi chúng ta nói đến khả năng hạt nhân hoằng pháp trong tương lai.

 

Lãnh hội được tinh hoa của Phật giáo, có khi không cần đến trình độ.

 

Tuy nhiên, để truyền đạt những điều mình đã được tiếp nhận đến với mọi người là một việc khác. Điều cần đến kỹ năng truyền đạt, cái mà người trí thức được đào tạo khi ngồi trên ghế của nhà trường. Do vậy, Phật pháp ở người trí thức có khả năng lan tỏa cao nhất đến nhiều người. Nói hoằng pháp tập trung vào sinh viên là lựa chọn hoằng pháp vào một điểm tựa là chỗ này. Sau 4-6 năm người sinh viên trở thành người trí thức khi đó, họ chính là hoằng pháp viên tự nhiên, nếu họ đã có một trình độ Phật Pháp nhất định. Vì vậy, điều cốt lõi là trong quá trình khi họ còn là sinh viên, Phật giáo giúp cho người sinh viên đó tiếp nhận Phật pháp song song với kiến thức ở nhà trường.

 

-         Cũng không thể không nói đến một thuận lợi, là sinh viên có khung thời gian nhất định. Họ có các ngày nghỉ, kì nghỉ cố định và có thể dành cho việc học Phật, tu Phật. Điều đó thuận lợi cho nhà chùa tập trung sinh viên theo từng ngày (thí dụ chủ nhật), theo kỳ (thí dụ vào thời gian nghỉ hè). Sinh viên có điều kiện học Phật, tu Phật liên tục. Đây là một thuận lợi rất lớn, nếu Phật giáo chúng ta quan tâm, khai thác đúng mức, sẽ giúp ích nhiều trong việc nâng cao trình độ Phật học của sinh viên.

 

Từ những thuận lợi đã phân tích ở trên, chúng ta nên làm gì để tập trung hoằng pháp vào sinh viên? Trước tiên, là cần mở rộng mô hình khóa tu dành cho sinh viên, tổ chức nhiều kỳ hơn, ở nhiều chùa hơn, nâng số lượng sinh viên được tham dự khóa tu, nâng thời gian mà một sinh viên được tu tập ở chùa.

 

Tiếp đến, cần nâng cao chất lượng hoạt động truyền đạt Phật pháp đến sinh viên. Trước hết, là nâng cao chất lượng các bài giảng dành cho sinh viên trong mỗi khóa tu, sao cho sinh viên qua một số khóa tu sẽ có được một kiến thức Phật học căn bản của đạo Phật thấy được cái hay, cái đẹp, sự cần thiết, hữu ích của đạo Phật đối với cuộc sống.

 

Việc biên soạn một cách chính quy, bài bản các bài giảng Phật pháp cho sinh viên, xuất bản các bài giảng Phật pháp dành cho sinh viên, xuất bản những tập sách học Phật dành cho sinh viên cần được quan tâm đến nhiều hơn trong việc tổ chức tu Phật, học Phật cho sinh viên.

 

Một điểm nữa, đó là quan tâm đến việc tạo điều kiện để sinh viên hay (cựu sinh viên) hoằng pháp cho chính sinh viên. Có thể là mời chính sinh viên (hay cựu sinh viên) phát biểu, diễn giảng, mời tham gia biên soạn, biên tập sách Phật học dành cho sinh viên, tổ chức biên tập và phổ biến những bài cảm tưởng của các sinh viên đã tham dự khóa tu đến giới sinh viên rộng rãi, nhất là những em chưa có cơ may tham dự các khóa tu.

 

Ngoài các khóa tu học dành cho sinh viên, việc đa dạng hóa các hình thức đưa sinh viên đến Phật Pháp như trại hè, các cuộc thi Phật, hoặc các đợt công tác từ thiện xã hội Phật giáo… cũng đều nên nghĩ đến và sớm được triển khai. Phật giáo chúng ta nên tận dụng các cơ hội các phương thức để đưa sinh viên đến với Phật pháp.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle