Nữ Phật tử & Vấn đề đa thê ở Indonesia

nu

Bối cảnh

Hôn nhân là một hiện tượng của loài người được thực hiện phổ biến, từ những nền văn minh xa xưa, bất kể địa lý, tôn giáo, chủng tộc và giai tầng xã hội. Hôn nhân trong tiếng Latin là marītātus, có nghĩa là “kết hôn, cưới và bán gả”. Ngày nay hôn nhân được định nghĩa là: 1. Một sự thoả thuận chính thức, thường được chấp nhận về mặt pháp luật, giữa một người nam với một người nữ để giúp họ trở thành vợ chồng; 2. Một nghi lễ mà ở đó đôi trai gái nên vợ chồng. Hôn nhân ở nghĩa đầu là muốn nói ở trong bài viết này, và không phải là nghĩa thứ hai.

Có nhiều loại hôn nhân mà chúng bị ảnh hưởng bởi các quan điểm tôn giáo, xã hội và triết học. Nói chung, có ba loại hôn nhân, đó là chế độ đa thê, hôn nhân một vợ một chồng và kết hôn nhóm. Hôn nhân một vợ một chồng là phong tục kết hôn chỉ với một người ở một lần. Đây là việc thực hành phổ biến trong xã hội và tất nhiên loại kết hôn này có thể nhìn thấy khắp nơi. Nhưng, kết hôn nhóm là hoàn toàn hiếm thấy. Kết hôn nhóm gồm nhiều hơn một thành viên của mỗi giới tính. Họ sống chung chồng chung vợ với nhau, và có trách nhiệm trong việc trông coi tài sản và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, hai loại kết hôn này không phải là mục đích của bài viết này. Mục đích chính của bài viết này là thảo luận và xem xét loại kết hôn thứ ba: chế độ đa thê.

Thuật ngữ đa thê (polygamy) được định nghĩa theo hai cách: 1. Tập tục có nhiều hơn một vợ tại cùng một thời điểm; 2. Một sự kết hôn mà ở đó người nam hay nữ có nhiều hơn một vợ hay chồng. Định nghĩa thứ hai đưa đến những thuật ngữ hôn nhân khác được gọi là tình trạng nhiều vợ (polygyny) và đa phu (polyandry). Đa thê có thể tìm thầy ở nhiều nơi xuyên suốt thời gian cho dù vào thời cổ xưa hay thời hiện đại, nhưng đa phu thì hoàn toàn hiếm và khó tìm thấy. Có thể do vì những vấn đề giới tính mà ở đó trong nhiều xã hội phụ nữ có ít sự tự do, bao gồm tự do chọn lựa và để có nhiều chồng. Theo ghi chép lịch sử sớm nhất, chế độ đa phu đã được thực hành ở Sparta của Hy Lạp cổ đại; và ở xã hội Hindu, như được mô tả trong sử thi Mahābhārata, ở đó Draupadi đã có năm chồng cùng một lúc. Bất chấp hai định nghĩa đa thê được đề cập ở trên, ở sự phân tích này, định nghĩa đa thê là một sự kết hôn mà ở đó một người chồng có nhiều hơn một vợ. Định nghĩa này được dựa trên nghĩa từ nguyên xuất phát từ tiếng Pháp cổ polygamic và từ văn viết Latin (được sử dụng từ thế kỷ 3-7) là polygamia mà nó có nghĩa là “có nhiều vợ.”

Mặc dù đa thê được nhiều người Indonesia thực hiện, thật khó để đưa ra bằng chứng thống kê là có bao nhiêu đàn ông Indonesia đang thực hiện chế độ đa thê. Đó là bởi vì nhiều kết hôn đa thê thường không được đăng ký với chính quyền. Cũng như vậy, không rõ là có bao nhiêu nam Phật tử Indonesia đang thực hiện chế độ đa thê. Mặc dù không rõ ràng về tỷ lệ phần trăm, việc thực hành đa thê đang xảy ra trong giới Phật tử và sự thực hành này mang lại sự bất lợi cho nữ Phật tử, chẳng hạn như gây nên bao lực gia đình và bỏ bê lợi ích gia đình. Nhưng trước khi thảo luận thêm về vấn đề này, chúng ta nên thảo luận về việc thực hành chế độ đa thê.

Thực hành đa thê ở Indonesia: Từ Cổ đại đến Hiện đại

Đa thê không phải là bản chất con người. Nó được thực hiện bởi nhiều lý do, chẳng hạn như quan điểm xã hội xem phụ nữ như là nguồn sinh sản, lao động và tài sản. Có lẽ, bởi vì lý do này, đa thê đã được thực hành từ thời cổ xưa trong nhiều xã hội bao gồm cả Indonesia. Những gia đình vua chúa của các vương quốc Hindu, Phật giáo và Hồi giáo ở Indonesia cũng không ngoại lệ. Việc thực hành đa thê mà nó có thể truy nguyên chỉ là việc thực hành của những gia đình vua chúa bởi vì câu chuyện đời sống của họ được ghi lại trong các sách sử. Chế độ đa thê do các gia đình vua chúa thực hiện là thường vì những lý do chính trị, chẳng hạn như mục đích liên kết sức mạnh của các vương quốc. Ví dụ, để liên kết sức mạnh của Kalingga và vương quốc Galuh, đã có một sự kết hôn giữa hoàng thái tử Mandiminyak của Galuh và công chúa Parwati của Kalingga vào thế kỷ 6 Tây lịch. Như được ghi chép trong sử, Mandiminyak không chỉ kết hôn với Parwati mà cũng kết hôn với một phụ nữ khác có tên là Pahaci Rahabu. Đa thê vì mục đích củng cố liên kết chính trị của hai vương quốc được tiêu biểu bằng chế độ đa thê của Brawijaya, vua của vương quốc Majapahit trong suốt thế kỷ 14 (TL). Bên cạnh những người vợ địa phương khác, ông còn có một người vợ từ vương quốc Campa có tên là Putri Dwarawati. Putri Dwarawati là món quà mà Tướng Yan Lu của Triều Ming của vương quốc Campa hiến tặng để củng cố mối liên hệ giữa Majapahit và Campa.

Vào khoảng thế kỷ 15, khi Hồi giáo trở thành tôn giáo phổ biến ở Indonesia, đa thê cũng được các vị vua của các vương quốc Hồi giáo thực hiện. Vị vua nổi tiếng có tên là Sultan Agung của vương quốc Hồi giáo Mataram có hai vị chánh phi. Một người tên là Ratu Kulon, con gái của vị thủ lĩnh Cirebon và một người có tên là Ratu Wetan, con gái của vị thủ lĩnh Batang. Việc kết hôn của ông với hai cô công chúa là để củng cố lòng trung thành của dân chúng hai vùng Cirebon và Batang đối với vương quốc. Từ việc kết hôn với Ratu Kulon, đã cho ra đời vị hoàng tử có tên là Pangeran Alit; và Ratu Wetan đã hạ sinh một vị hoàng tử khác có tên là Raden Mas Sayidin. Sau khi Sultan Agung băng hà, Raden Mas Sayidin đã giết Pangeran Alit và tự phong là vua của Mataram Islam với tước hiệu Amangkurat I.

Amangkurat I cũng thực hiện chế độ đa thê và lý do dường như chỉ vì mục đích dục lạc. Ví dụ, ông đã giết chết Dalang Panjang Mas, một người làm trò múa rối lâu năm trong hoàng cung để chiếm đoạt vợ của người này là Ratu Mas Malang. Amangkurat I đã đánh nhau với chính con trai của mình là Raden Rahmat bởi vì vị này đã đem lòng yêu thương Rara Oyi mà Amangkurat I xem như là vợ. Cuối cùng Amangkurat I đã ra lệnh con trai mình giết chết Rara Oyi, để không ai trong họ có thể kết hôn với cô này.

Từ những vấn đề ở trên, có thể thấy rằng đa thê đã tồn tại ở Indonesia từ thiên niên kỷ thứ nhất. Thực sự, không chỉ những gia đình vua chúa mới thực hiện đa thê mà quần chúng cũng làm điều này. Việc thực hiện đa thê này tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác; thêm nữa, nó nhận được sự che chở tư tưởng từ nhiều triết học địa phương mà chúng đặt phụ nữ vào một vị trí thấp hơn đàn ông. Người Indonesia, đặc biệt là những người Java, tin vào quan niệm rằng phụ nữ là người trợ giúp của đàn ông bởi vì đàn ông là người lãnh đạo của gia đình. Do đó, về mặt tinh thần cũng như về phương diện tài chính, phụ nữ có quan niệm là luôn phụ thuộc vào đàn ông. Thái độ không độc lập này của phụ nữ đưa đến việc chấp nhận bất cứ những gì mà chồng của họ làm, bao gồm cả việc đa thê. Bên cận đó, luật hôn nhân do chính phủ ban định mà nó cho phép việc thực hiện đa thê ở một số trường hợp cũng đã trở thành yếu tố khác cho việc tiếp tục chế độ đa thê.

Nhôn nhân được chính phủ Indonesia quy định ở Đạo luật I/1974. Nguyên tắc chung của hôn nhân là mối quan hệ tâm - vật lý giữa một người nữ và nam như là chồng và vợ vì mục đích hình thành nên một gia đình hoà hợp và hạnh phúc. Dựa trên điều luật này, rõ ràng rằng nguyên tắc hôn nhân chung do chính phủ quy định là chế độ một vợ một chồng và đó là những gì được đề cập ở cột số 3 đoạn một. Tuy nhiên, có khả năng cho một người đàn ông có nhiều vợ bởi vì phân đoạn tiếp theo của cột 3 này nói rằng “đàn ông được phép kết hôn nhiều hơn một phụ nữ nếu được sự đồng ý giữa các bên liên quan”. Cột tiếp theo nói rằng kết hôn với nhiều hơn một phụ nữ là được phép nếu người vợ không thể thực hiện được bổn phận của mình (về phương diện vật lý và tinh thần), bị mắc bệnh không thể chữa trị hay không thể mang thai. Do đó, nếu một người vợ rơi vào một trong ba điều kiện được đề cập ở trên, một người chồng có thể kết hôn với một người phụ nữ khác làm vợ mới của mình. Với những quy định ở trên, một người đàn ông đã lập gia đình, nếu vợ của ông đồng ý và ông chỉ ra được rằng ông có thể cung cấp những nhu cầu vật chất, tâm và vật lý đến nhiều hơn một người vợ, ông sẽ được phép thực hiện đa thê. Luật hôn nhân cũng nói rằng nếu ở trong trường hợp một người chồng mất liên lạc với vợ sau hai năm, ông ta có thể kết hôn với người phụ nữ khác mà không cần sự đồng ý từ người vợ vắng mặt. Tuy nhiên, ở quy định kết hôn này, không đề cập rõ ràng về giới hạn được có bao nhiêu vợ. Do sự ảnh hưởng của giáo lý Hồi giáo, người ta nghĩ rằng một người đàn ông có thể có bốn vợ cùng một lúc.

Những gì có thể nhìn thấy từ điều luật ở trên là một sự thiên vị giới tính. Theo những luật lệ này, trong đời sống hôn nhân phụ nữ chỉ được xem như là người sinh con, và do đó, nếu họ không thực hiện được bổn phận này, họ phải chấp nhận đa thê. Bởi vì lý do này, một số phụ nữ Indonesia và những nhà hoạt động nhân quyền đang yêu cầu chính phủ sửa đổi luật hôn nhân bằng cách huỷ bỏ việc cho phép thực hiện đa thê bất kể lý do có thể là gì. Tuy nhiên, bởi vì sự ảnh hưởng của quan điểm Hồi giáo là tôn giáo chiếm đa số, chính phủ vẫn chưa thực hiện được đòi hỏi này bởi vì Hồi giáo cho phép đa thê.

Mặc dù giáo lý Hồi giáo cho phép tín đồ kết hôn nhiều hơn một vợ, nhiều người Hồi, như là những công dân quan trọng và giáo lý của họ có những ảnh hưởng trực tiếp đến việc cho phép thực hiện đa thê, cũng đang đấu tranh về điều này. Dựa trên giáo lý được trình bày trong Surah An-Nisa, một số người Hồi cho rằng có tối đa bốn vợ với cam kết đối xử công bằng với tất cả các bà vợ, về vật lý cũng như tâm lý, là được phép. Những người ủng hộ đa thê nói rằng đó là cách tốt nhất làm giảm tình trạng ngoại tình và để giúp phụ nữ có đời sống tốt hơn. Họ cũng nói rằng theo thống kê, nữ giới đông hơn nam giới và rõ ràng họ gặp khó khăn trong việc tìm chồng. Ủng hộ chế độ đa thê, một người đàn ông có nhiều vợ tên là Puspo Wardoyo, chủ nhà hàng “Wong Solo” ở Trung Java đang xúc tiến “giải thưởng đa thê”. Giải thưởng này được trao cho một người đàn ông thực hiện đa thê thành công. Tuy nhiên, sau khi đọc Hadiths, một số người Hồi đã có quan điểm khác, nói rằng không thể thực hành đa thê. Ở trong Hadiths, kể lại câu chuyện khi Ali bin Thalib, người đã kết hôn với con gái của nhà Tiên tri Muhamad là Fatimah, xin phép nhà Tiên tri được kết hôn với một phụ nữ khác và nhà Tiên tri không cho phép làm điều đó bởi vì nó sẽ làm tổn hại Fatimah. Điều này là bằng chứng rằng không nên thực hiện đa thê. Giải thích tại sao nhà tiên tri Muhamad có chín vợ, nhóm này nói rằng nhà Tiên tri thực hiện đa thê bởi vì tình huống xã hội tại thời điểm đó, khi có nhiều goá phụ cần sự giúp đỡ của ngài. Do đó, việc có nhiều vợ của ngài là vì tình thương đối với các goá phụ. Phản bác chế độ đa thê, nhóm này kết luận rằng chế độ đa thê gây áp lực tâm lý lên nữ giới. Mặc dù một người đàn ông có những hiểu biết tôn giáo sâu rộng và có thu nhập kinh tế tốt, cuối cùng vẫn có những vấn đề với các bà vợ vì những lý do tâm lý. A.A. Gymnastiar, một nhà thuyết giáo Hồi giáo nỗi tiếng đã phải ly dị vợ cả của mình là một ví dụ thực tế về điều này.

Kết hôn và đa thê: Một quan điểm Phật giáo

Về đời sống hôn nhân, là những công dân Indonesia, các Phật tử cũng tuân thủ luật hôn nhân do chính phủ quy định. Nam Phật tử có thể kết hôn nhiều hơn một vợ và do đó, nữ Phật tử luôn ở trong tình trạng có thể chịu cảnh chồng chung bất cứ lúc nào. Thường, những nam Phật tử thực hành chế độ đa thê kết hôn với người vợ thứ hai dựa trên phong tục Hồi giáo. Vì vậy, những gì họ đã làm là thay đổi tình trạng tôn giáo của họ ở trên thẻ căn cước, và sau đó thực hiện việc hôn nhân lần hai hay lần ba theo thể thức Hồi giáo. Đó là bởi vì trong Hồi giáo có “nikah siri” (cách kết hôn không chính thức của người Hồi), một sự kết hôn hợp pháp theo luật Hồi giáo mà không cần phải đăng ký với chính quyền. Loại kết hôn này chỉ cần một vài người làm chứng, sự cho phép của chính quyền làng, sự chấp thuận của ba mẹ và sự cho phép của tu sĩ Hồi giáo. Chính quyền luôn im lặng nhìn loại kết hôn này khi nó được cho phép trong tôn giáo đa số. Nhưng nikah siri gây tranh cãi gần đây bởi vì những đứa trẻ của loại hôn nhân này sẽ khó có được giấy khai sinh và những bà vợ không được đảm bảo về lợi ích kinh tế của họ.

Trong Tam tạng không có những luật lệ cụ thể ngăn cấm đa thê. Và, như có thể nhìn thấy từ những bản kinh Phật, có nhiều đệ tử của đức Phật thực hiện đa thê, chẳng hạn như vua Pasenadi của Kosala và vua Bimbisāra. Chánh phi của vua Bimbisāra là Kosaladevī, và những người vợ khác của ông là Khemā, kỷ nữ Padumavatī và Ambapāli. Dựa vào những sự việc này, câu hỏi được đặt ra là “có phải đức Phật đồng ý chế độ đa thê? Nếu đức Phật không đồng ý, tại sao Ngài không dạy họ sống đời sống hôn nhân một vợ một chồng?”

Những câu hỏi này phải được trả lời từ bối cảnh lịch sử xã hội. Trước hết cần nên lưu ý rằng, những vị vua này đã có nhiều vợ trước khi gặp đức Phật. Vua Bimbisāra, người kém đức Phật năm tuổi, hẳn đã kết hôn trước khi ẩn sĩ Gotama đạt giác ngộ. Do đó, đức Phật không thể bảo họ một cách đột ngột rằng có nhiều vợ là không tốt và do đó họ nên li dị các bà vợ và chỉ sống với một người duy nhất. Thứ hai, phải ghi nhớ rằng Phật giáo là tôn giáo xem hôn nhân là chuyện thế tục; do đó hôn nhân không được quy định một cách rõ ràng trong Tam tạng. Không giống như Hồi giáo và các tôn giáo Araham mà chúng dạy rằng hôn nhân là một bổn phận, theo quan điểm Phật giáo, hôn nhân là một chọn lựa cá nhân. Hôn nhân không bị cấm nhưng cũng không được khuyến khích. Các Phật tử có tự do chọn lựa là nên kết hôn hay không bởi vì không kết hôn không phải là một tội lỗi.

Những gì là bản chất thật của hôn nhân từ cái nhìn Phật giáo? Kinh Agaññā (Trường Bộ) đưa ra một vài gợi ý cho vấn đề này. Những gì có thể nhìn thấy từ bản kinh này là rằng, hôn nhân bị tác động mạnh bởi dục vọng. Tuy nhiên, nó không có nghĩa rằng Phật giáo hoàn toàn xem hôn nhân như chỉ là việc hợp pháp hoá mối quan hệ vợ chồng.

Trong kinh Mahāvacchagotta (Trung Bộ), đức Phật dạy rằng người cư sĩ cũng có thể chứng đạt Niết-bàn. Đây là nguyên tắc quan trọng nên được hiểu bởi vì giác ngộ không chỉ dành riêng cho giới tăng lữ mà những người tại gia cũng có thể đạt được. Như có thể nhìn thấy trong các bản kinh Phật, có nhiều cư sĩ đã chứng đắc quả vị chẳng hạn như Anāgāmī Ugga và Anāgāmī Matthaka Alavaka. Visākhā và Aathapiṇḍika, hai vị đại thí chủ của đức Phật, đã chứng được Dự lưu là một ví dụ khác.

Các cư sĩ đạt lấy những giai đoạn thanh tịnh bằng cách nào? Đó là bằng cách cân bằng việc phát triển đời sống thế tục và đời sống tâm linh. Việc thực hành Bát Chánh Đạo, tức là tu tập giới, phát triển định tâm và trí tuệ phải là con đường sống. Ba điều này nên được thực hành đồng thời. Để bắt đầu tu tập giới, đức Phật đã khuyên người cư sĩ thọ trì các giới hoặc là năm giới trong đời sống hằng ngày hoặc là tám giới vào các ngày Trai. Vào ngày Trai, các cư sĩ được khuyên là nên thực hành đời sống “tịnh hạnh”. Nếu trong trường hợp người ta thấy khó khăn trong việc thực hành đời sống “tịnh hạnh”, họ không nên có quan hệ với chồng vợ của người khác. Ý nghĩa của việc thực hành đời sống “tịnh hạnh” là gì? Mục đích của việc tu tập này là để rèn luyện người cư sĩ giảm bớt sự say đắm nhục dục (kamacchanda) mà nó là một trong năm điều chướng ngại. Đó là bởi, mỗi khi kamacchanga hiện diện, định sẽ không đạt được và tuệ sẽ không có mặt. Do đó, người ta bị cuốn vào trong vòng luân hồi và xa rời Niết-bàn. Dựa trên lời dạy này, những gì có thể được tóm tắt là, đời sống đa thê sẽ có nhiều rủi ro và có những khó khăn trong việc tu tập đời sống “tịnh hạnh” và giảm thiểu sự chấp thủ vào những thú vui nhục dục. Không chỉ gia tăng nguy cơ là bị xiềng chặt trong nhục dục, đa thê cũng tạo thêm sự ràng buộc gia đình, điều tạo nên chướng ngại cho việc thực hành thiền định. Minh hoạ rõ nhất là sự giải thích trong kinh Piyajātika mà ở đó những người thân yêu trong gia đình là đầu mối của lo âu và sẽ mang đến sự thất vọng và ta thán nếu sự chia cách xảy ra. Do đó, có thể nói rằng đa thê tạo khả năng thêm cho việc kéo dài đời sống luân hồi.

Xem xét những sự việc ở trên, nữ Phật tử nên giải quyết vấn đề đa thê như thế nào trong việc duy trì đời sống gia đình của mình? Trước hết và quan trọng nhất, phụ nữ phải tự trao cho mình khả năng quản lý gia đình như có thể nhìn thấy trong kinh Sigalovāda. Thứ nữa, là bằng việc xây dựng sự truyền thông tốt với người chồng để cả hai có niềm tin (saddha), có đạo đức (sīla), sự rộng lượng (cāga) và trí tuệ (paññā). Do đó, phụ nữ như là phần không thể thiếu của gia đình nên mang môi trường tôn giáo đến với gia đình để làm cho gia đình gần gũi với Pháp (dhamma); bằng việc khuyến khích tất cả các thành viên gia đình thực hành giới, đào luyện tâm để phát triển trí tuệ. Visākhā là tấm gương tốt nhất về người nữ Phật tử tại gia đã thành công trong việc đưa gia đình mình đến với con đường Phật Pháp. Đó là tại sao, không thấy nhắc đến trong kinh điển việc chồng của bà là Paññāvadhana thực hiện đa thê. Bằng việc thấu hiểu Phật Pháp rõ ràng, một gia đình sẽ có hạnh phúc thật sự khi chồng và vợ không nghĩ đến việc kết hôn với người đàn ông hay phụ nữ khác, và biết cách hỗ trợ lẫn nhau để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử./.

Kustiani - Nguyên Hiệp dịch

Nguồn: “Buddhist Women and Polygamy Issue in Indonesia”, trong Teaching Dhamma in New Lands, Ayutthaya: Mahachulalongkornrajavidyalaya University 2012, trang 28-34.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle