(Bậc đại thần thông)
Minh Đức TTA
Một vị lão Ni đã chớm già trông mỏng manh như cành liễu
nhưng thần sắc tinh anh, dáng dấp sang trọng, dung nghi cao quý như mệnh phụ với
những bước chân vững chãi, thảnh thơi đang từ từ theo con đường mòn ruột dê đi
dần xuống núi...
Đấy là trưởng lão Ni Yasodharā, năm ấy bà đã bảy mươi
tám tuổi.
Mấy tháng nay, bà trú ngụ nơi một hang đá đáng yêu có
dây leo tua uốn nở những đóa hoa dại thơm hương; có mấy con sóc nâu vằn cắn hạt
vui tai; có chú chuột núi thập thò, thập thò nhưng chẳng tìm ra vật gì để mài
răng gặm nhắm cho đỡ buồn; có mây gió lang thang sớm, có sương mù lãng đãng
chiều, có trăng khuya thênh thênh vô ngại tới lui thăm viếng, bầu bạn... Thật là
viên mãn thanh tịnh, viên mãn độc cư, viên mãn yêu thương và viên mãn niềm vui
siêu thế. Trong không khí, trong cây rừng và cả trong từng tâm niệm, ý nghĩ đều
thanh trong, vô nhiễm, không dính một hạt bụi phiền lao vi tế! Tuy nhiên, sáng
nay, bà thấy rõ ngọn đèn sinh mệnh sắp cạn dầu, lụn bấc. Giờ Niết-bàn đã đến
rồi. “Thọ hành” đã đánh trống, đã thổi kèn báo động trong từng tế bào,
trong từng vi thể tủy xương. Mặc dầu tử thần không dám ngông nghênh cầm lưỡi hái
đến gõ cửa để dọa nạt, khủng bố ai, nhưng bà tự biết là bà sẽ ra đi và tự làm
chủ hơi thở cuối cùng, thông tỏ sát-na tâm niệm cuối cùng. Và khi mà thần thức
đã tìm chỗ “chẳng bị sanh, chẳng bị diệt”
thì ma vương, cả năm loại ma vương kia chẳng thể làm gì được, chẳng
lần ra manh mối của cây đèn tắt, ngọn lửa sẽ đi về đâu!?
Trưởng lão Ni Yasodharā nở nụ cười tiêu sái, vô sự rồi
tự nghĩ: “ Ai rồi cũng vậy thôi. Ta ra đi rồi đức Đạo
Sư cũng ra đi. Như Ni trưởng Gotamī đã ra đi hơn mười năm về trước. Hai vị
thượng thủ cũng đã đi rồi. Giáo hội càng ngày càng trống không. Mang cái thân
cát bụi phải trả về cho cát bụi. Ta phải đi xin phép đức Thế Tôn để cho cái thân
này được vĩnh viễn yên nghỉ. Ta đã liễu tri trọn vẹn cái trò chơi ảo ảnh, ảo
giác của các định luật hữu vi kia rồi. Và cả cái căn nhà bản ngã thường bày
đặt nhiều lời, lắm chuyện này nữa!”
Bà lại mỉm cười một lượt nữa, dịu dàng như mảnh trăng
buổi sơ thu rồi vừa đi vừa nghĩ tiếp. Cuốn phim từ từ quay. Từng hình ảnh hiện
ra.
Đây là thuở đức Phật về thăm quê nhà sau hai năm đắc
quả Tam Minh. “Ông ấy” ân cần và dịu dàng nắm tay vua cha từng bước
thong thả tiến về biệt cung của ta. Là bậc Toàn Giác, ngài biết tâm sự của nữ
nhân, của Yasodharā, dễ cảm xúc, dễ tủi thân, tủi phận! Chính ngài phải đến
thăm Yasodharā, chứ không phải
Yasodharā đến thăm ngài! Và “ông
ấy” đã nghĩ đúng! Trong lúc
đó thì ta đã được nghe tràn tai về đấng phu quân của mình, vừa mừng, vừa tủi,
vừa nôn nả, háo hức, vừa hồi hộp, run rẩy; ta đã tự nghĩ: “Nếu trong thời
gian thái tử vắng mặt, tám năm ròng rã, ta lõm khuyết đức hạnh, ta mòn vẹt thủy
chung thì thái tử sẽ không đến thăm ta; bằng ta là một viên ngọc maṇi
không tỳ vết thì chính thái tử phải đến thăm ta dù ‘ông ấy’ có là một bậc Chiến
Thắng Vĩ Đại chăng nữa!”
Và quả thật vậy, “ông ấy” đã đến rồi!
Khi đức Phật vừa ngồi trên bảo tọa đã được sắp đặt sẵn, ta mặc
tấm lụa sarī màu vàng trăng, chẳng châu báu điểm trang, chẳng hoa hương
lòe loẹt, đã từ hậu cung, đi bằng hai đầu gối, đến bên chân
“ông ấy”, quỳ úp mặt vào bàn chân bụi của ngài, khóc ròng rã, khóc như chưa
bao giờ được khóc. Đức Phật cứ để yên vậy vì
“ông ta” là “vị vua của tâm lý”.
Một lát sau, khi biết những giọt nước mắt kia đã chảy trôi đi những cảm xúc lâu
ngày dồn nén lại, “ông ấy”
mới dịu dàng nói:
“- Này Yasodharā! Này Gopā! Như Lai vẫn không khác xưa lắm
đâu! Như Lai vẫn là con người cũ đó thôi! Nhưng bây giờ, tâm Như Lai thanh tịnh
hơn, trí Như Lai quang rạng hơn! Như Lai đã tìm ra giá trị vĩnh hằng của cuộc
sống mà đã một thời, chúng ta, các ông hoàng, đã cùng nhau thao thức, đã cùng
nhau trăn trở! Bây giờ, Như Lai là hiện thân cho cái gì vừa ở bên trong cuộc đời
này mà đồng thời, cũng ở bên ngoài và ở bên trên chúng nữa. Cái ấy là kết quả
cuối cùng trả lời đáp số cho bài toán tâm linh đã từng vô phương giải quyết thuở
nào. Do vậy, Như Lai không còn sống cho riêng mình, mà là sống vì hạnh phúc và
an vui cho chúng sanh ba giới bốn loài! Này
Gopā! Nàng là bậc trí, là nữ nhi anh thư kiệt hiệt, là kẻ cùng chung vui
khổ với Như Lai, cùng chung hạnh nguyện ba-la-mật với Như Lai, Gopā phải cần biết như thế chứ!”
Được lời như cởi mở tấm lòng,
ta lau ráo đôi mắt tưởng đã khô lệ từ lâu.
Hoàng hậu Gotamī
trìu mến nhìn ta rồi bà ca tụng công đức của ta không hết lời:
- Từ lúc thái tử ra đi, công chúa vô cùng sầu muộn, như mất
một bảo vật trân quý nhất ở trên đời; tuy nhiên nàng vẫn giữ được sự tự chủ hiếm
có. Niềm an ủi lớn nhất của công chúa chính là Rāhula, khi trẻ nói cười, đùa giỡn, chạy tới
chạy lui líu lo, vô tư, vô lự! Khi nghe thái tử sống đời du sĩ, lang
thang không cửa, không nhà, công chúa cũng đã tự vất bỏ châu báu điểm trang, chỉ
quàng tấm sarī màu trắng dị
giản! Khi nghe thái tử sống đời khổ hạnh, công chúa cũng bắt đầu từ bỏ vật thơm,
dầu thoa, giường cao, chăn ấm; chỉ gối cây, nằm đất và mỗi ngày chỉ dùng một ít
vật thực vào buổi trưa! Biết bao vương tôn, hoàng thân, công tử giàu sang, hào
hoa, quý phái xứng đôi, vừa lứa tìm đến nhăm nhe dạm hỏi, công chúa đều thẳng
thừng từ chối không đáp lời, không tiếp đối! Khi nghe thái tử đã đắc thành quả
Phật, đắp y vàng dẫn đầu đoàn sa-môn thanh tịnh về thăm quê hương thì công chúa
cũng quàng tấm sarī màu vàng trăng như thế này đây!
Xem đấy, không những công chúa có đức hạnh vẹn toàn mà còn biết cảm thông, chia
sẻ với thái tử trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày xa cách, biệt ly!
- Mẫu hậu đừng nói nữa! Ta cảm thấy hổ thẹn nên mở lời cản ngăn rồi
đi đến bên cạnh lệnh bà – Thái tử bây giờ đã là một vị Phật rồi, chẳng có gì
mà vị Phật lại không biết!
- Phải đấy, này Gopā! Chẳng có gì mà Như Lai không biết! Và Như Lai còn biết
nhiều hơn thế nữa! Rồi ngài quay sang, như nói chuyện với đức
vua và hoàng hậu Gotamī - Gopā là thế đấy, không những bây giờ,
mà đã từ vô lượng kiếp trước, từ thời đức Phật
Dīpaṅkara
(Nhiên Đăng) rồi trải qua hai mươi bốn
vị Chánh Đẳng Giác, nàng luôn chính đính, đoan trang, tiết hạnh, thủy chung;
chia vui, sẻ buồn; không ngừng giúp đỡ Như Lai, nâng đỡ Như Lai, khuyến khích
Như Lai trên đường tấn tu thánh nghiệp!
Nói thế xong, đức Phật vén bức màn quá khứ:
“- Cách đây phỏng chừng bốn
a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, có đức Phật Dīpaṅkara xuất hiện. Thuở ấy có chàng
thanh niên Sumedha, xuất thân gia đình bà-la-môn cự phú, thiên tư thông tuệ, tài
mạo và sở học đều xuất chúng. Sau khi cha mẹ qua đời, thanh niên Sumedha đã làm
một cuộc bố thí hào phóng, vĩ đại, xả ly tất cả gia sản kim ngân châu báu rồi
lên non sống đời đạo sĩ vô sản, bần hàn. Tuy ăn trái cây rừng và uống nước suối,
nhưng nhờ tinh cần tu tập, đạo sĩ đắc bát định và ngũ thông sau tháng năm cần
khổ; tuy nhiên, chàng biết rằng, bài toán phiền não và đau khổ chưa có được sự
giải đáp tận cùng!
Hôm kia, tại thành phố Rammavāti,
dân chúng xôn xao chuẩn bị đón tiếp đức Phật và hội chúng Thánh Tăng; họ phải
cùng nhau ra tay làm một con đường dài do mưa lũ xói mòn, bùn sình lầy lội!
Mới nghe đến danh từ Phật
(Buddho!), tâm trí thanh niên đạo sĩ Sumedha bị chấn động mãnh liệt. Ôi! Cái
danh từ ấy như gợi nhắc thâm sâu của mọi hướng thượng tìm về!? Như một nguyên
động lực nào đó xua vẹt bóng tối mê mờ để tao ngộ với chân diện mục bản nguyên!?
Thế là chàng bèn khởi tâm đóng góp một tay vào công đức này, xin đảm nhận một
quãng đường khó khăn nhất!
Chàng suy nghĩ: “Nếu ta sử dụng
thần thông thì trong nháy mắt con đường sẽ xong ngay, nhưng nếu làm vậy thì
chẳng đổ mồ hôi, chẳng phải tổn hao sức lực; rốt lại, chẳng có một ý nghĩa, một
giá trị hữu vi nào !”
Thế rồi, thanh niên đạo sĩ bèn sử
dụng sức lao động của mình! Cũng quần quật, đổ mồ hôi, sôi nước mắt như mọi
người. Cũng chân lấm tay bùn như những ai khác.
Khi đức Phật và hội chúng ngự giá
đến nơi, con đường dài đã phẳng phiu, phong quang, sạch sẽ, khô ráo; nhưng phần
đường do chàng đảm nhiệm lại còn một “tí xíu” chưa hoàn thành!
Nhìn đoạn đường sình lầy chỉ còn
chừng một đòn gánh, thanh niên đạo sĩ Sumedha đã có chủ định phải giải quyết như
thế nào rồi. Tuy nhiên, khi đức Phật Dīpaṅkara và hội chúng thánh Tăng đã đi
gần đến nơi, thấy tướng hảo quang minh của ngài, thanh niên đạo sĩ khởi tâm tịnh
tín, muốn cúng dường cái gì đó nên cứ đưa mắt nhìn quanh! Trong đám đông dân
chúng, đạo sĩ chợt nhìn thấy một cô gái bà-la-môn quý phái xinh đẹp, đang cầm
trên tay tám đóa hoa sen! Và lạ lùng làm sao, cô gái diễm lệ ấy cũng đang chăm
chú nhìn chàng! Kìa, có phải hai ngôi sao âm dương đang hút nhau đấy không? Cô
gái ấy tên là Sumittā, khi nhìn thấy Sumedha thì trái tim của nàng xao xuyến
mãnh liệt; và rồi chợt như hiểu được nguyện vọng của chàng đạo sĩ tuấn tú, nàng
bèn mở miệng hoa, thốt lên, líu lo như oanh như yến:
- Trong tám đóa hoa sen nầy, ba đóa
là phần của thiếp để cúng dường đến đức Phật, năm đóa còn lại là phần của chàng,
nhưng với một điều kiện...
- Cô nương hãy cứ nói đi! Thanh
niên đạo sĩ Sumedha hối hả tiếp lời - Bất cứ điều kiện gì mà trong khả năng
của ta có thể làm được! Ta cần cúng dường gấp!
Nàng Sumittā mỉm cười, đôi má như
có ửng nắng hồng:
- Tướng mạo và phẩm cách của chàng
thật là tuyệt vời! Ngay chính bộ y phục bằng vỏ cây, lá cây kia cũng kiêu hãnh
và thanh cao như thách đố mọi đức hạnh trong trời đất, như nhạo báng cả thế gian
tối tăm và xấu ác này! Công đức hoàn thiện con đường để nghinh đón đức Phật của
chàng cũng là một cái gì lạ lùng mà sức vóc con người không thể làm được. Tất cả
dân chúng đều nói như thế và họ ghi nhận kỳ tích hy hữu này! Với nhân tối thượng
như vậy, với duyên tối thượng như thế, trong tương lai, chắc chắn chàng sẽ thành
tựu được sở nguyện vĩ đại trong lộ trình đi và đến của mình!
Thiếp nguyện được nương theo bên
chàng, chỉ xin như là chiếc bóng thôi, được nâng khăn sửa túi cho chàng trong vô
lượng kiếp sau...
Trái tim đạo sĩ trai trẻ chợt rung
động, nó tự làm cái việc của riêng nó mà không thèm hỏi ý kiến ai! Rồi, gắng giữ
yên lặng được một sát-na, chàng nói:
- Ta sẵn sàng, và xin vui lòng đồng
ý với điều kiện ấy, nhưng nàng hãy hứa là đừng cản trở chí nguyện và những công
hạnh ba-la-mật của ta mới được!
Thiếu nữ bẽn lẽn cúi mặt gật đầu
ưng thuận rồi trao cho thanh niên đạo sĩ năm đóa sen tươi thắm. Rồi cả hai,
không hẹn, cùng nắm tay nhau, chạy đến quỳ bên chân đức Phật, đồng dâng tám đóa
sen lên ngài!
Việc vừa xong, thanh niên đạo sĩ
Sumedha chợt sụp xuống đất, ôm chân bụi của đức Chánh Đẳng Giác, thốt to lên
rằng:
- Chỉ còn một khúc đường sình lầy,
đệ tử xin nguyện lấy tấm thân giả hợp xấu xí, ô trọc nầy để trải đường cho đức
Thế Tôn và Thánh chúng bước lên! Xin nguyện công đức của ngày hôm nay, của việc
làm này, mai sau đệ tử sẽ đắc thành quả vị Chánh Đẳng Giác vì an vui hạnh phúc
cho mình, cho chư thiên và loài người!
Phát nguyện thế xong, thanh niên
đạo sĩ Sumedha vội đến nằm sấp vào đám sình!
Đức Phật chợt hướng tâm, thấy và
biết mọi nhân, mọi duyên, mọi quả! Ngay giây khắc ấy, đức Toàn Giác nghe rõ, quả
đất đang rung động vì lời nguyện vô thượng của thanh niên đạo sĩ; chư thiên,
phạm thiên khắp mấy tầng trời đang rải hoa mạn-đà xưng tán, ca ngợi công đức vô
thượng ấy; ngài bèn quay sang nói với đại chúng rằng:
- Có hai việc vừa xẩy ra được xem
là hy hữu trên đời nầy! Việc thứ nhất là tám bông sen của chàng trai tuấn tú và
cô gái xinh đẹp. Với sự thành tâm phát nguyện của họ, cả hai sẽ nên duyên tình
nghĩa vợ chồng từ đời này sang kiếp khác; luôn đầm ấm, thủy chung và luôn khuyến
khích, nhắc nhở nhau trên lộ trình tu tập!
Việc hy hữu thứ hai, là thanh niên
đạo sĩ này, với lời nguyện vô thượng của mình, thực hành ba-la-mật trong thời
gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trải qua hai mươi bốn vị Phật,
chàng ta sẽ thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác đúng như ước mơ và sở cầu!
Rồi đức Phật quay sang hai người:
- Này Sumedha! Ước nguyện của con
sẽ được thành tựu; và bắt đầu từ kiếp sau, Sumittā sẽ là người bạn đời chung
thủy của con như chim liền cánh để bay qua sông dài biển rộng; sẽ đồng tâm, đồng
chí, đồng phước, đồng nghiệp, đồng nhân và đồng quả! Và này Sumittā! Con sẽ được
nhiều hạnh phúc như ý và chẳng bao giờ cản trở chí nguyện của chồng con đâu!
Kể đến ngang đây, đức Phật kết luận:
- Giàu sang, vương giả, địa vị, danh vọng, quyền lực và tiền
bạc... vốn chưa phải là điều kiện cần và đủ để mang lại hạnh phúc cho con người.
Thêm cả tình yêu thương nữa, cũng chưa trọn vẹn, mà còn cần sự hiểu biết, thông
cảm và tôn trọng lẫn nhau. Sumedha và Sumittā
đã vô lượng kiếp nên duyên chồng vợ; và cũng từng ấy kiếp, Sumittā luôn sát cánh, chung vai với người bạn đời của mình thực
hiện con đường vô thượng.
Sumittā thuở ấy giờ là Yasodharā, còn Sumedha
chính là Như Lai vậy”.
Câu chuyện đức Phật kể xong, ai cũng xúc động. Riêng
Yasodharā
thì bồi hồi, rưng rưng giọt lệ; nhưng là những giọt lệ tươi tỉnh,
hạnh phúc.
Hoàng hậu Gotamī
khẽ ôm vai công chúa, thốt lên rằng:
- Đúng là như thế! Yasodharā luôn là như thế, kể từ đêm thái tử rời bỏ kinh thành.
Chính công chúa tinh ý nên biết tất cả và đã âm thầm hỗ trợ cho thái tử ra đi
theo chí nguyện của mình!
- Đúng vậy! Đức Phật gật
đầu! Như Lai biết! Yasodharā chưa bao giờ ngủ mê đến đỗi không hay biết gì
cả! Giấc ngủ của Yasodharā, tuy là giấc ngủ ngon nhưng luôn luôn tỉnh táo. Khi
thấy Channa chuẩn bị sẵn áo bào dạ hành và lương thực, Như Lai lại càng hiểu rõ
sự hỗ trợ ngấm ngầm của nàng, vì tâm trí của Channa chưa đến độ tinh tế như vậy!
Đến lúc này thì công nương Yasodharā mới nở nụ cười tươi rạng
như ánh trăng. Bà tự nghĩ: “Không có gì giấu được ông ta, xưa vẫn vậy, nay vẫn vậy, kể cả ý định ta
muốn Niết-bàn trước ngài”.
Thế rồi, cũng tại Vesāli, cũng tại Ni viện, một nhân vật lừng
danh lại an nghỉ Niết-bàn. Bà ta là vị trưởng lão Ni thầm lặng, thành đạt trọn
vẹn tuệ phân tích, vô ngại giải nhưng ít khi muốn giảng thuyết đó đây. Lại là
một trong bốn vị có đại thần thông mà chẳng lúc nào hiển thần ra oai để giáo hóa
đồ chúng.
Đúng là bà chỉ muốn là chiếc bóng như lời nguyện thuở xưa. Bà là người vợ hiền
mẫu mực theo thế gian quy ước, nhưng lại được sinh ra trong giáo pháp bất tử, là
một trong những người con hy hữu của đức Tôn Sư vô thượng.
Một ngôi sao nữa lại tắt, nhưng ánh sáng
ấy còn tỏa rạng và thơm hương cho đến ngày hôm nay, sau gần ba ngàn năm, giáo
pháp leo lên đỉnh cao đã bắt đầu tụt dần xuống bên kia dốc núi.