Buộc người khác theo đạo Phật: không trái với chính pháp

buoc nguoi khac

Minh Thạnh

Khác với những tôn giáo khác, trong đạo Phật ta, từ trước đến nay, việc hóa độ người tin kính chính pháp, cụ thể là thọ Tam Quy, Ngũ giới được coi là tùy nhân duyên, việc bắt buộc hay đánh đổi không được coi là đúng với tinh thần Phật giáo.

Vì vậy, có gia đình cho con cái tự do cải đạo, “có duyên” theo đạo Phật được thì theo, không “có duyên” thì thôi, không bắt ép. Còn trong hoạt động hoằng pháp thì hầu hết Tăng Ni Phật tử theo quan niệm người cầu pháp, cũng tức là có nhân duyên thì mới hóa độ, không chấp nhận việc đánh đổi bằng vật chất hay áp lực, ép buộc bằng bất cứ hình thức nào. Thậm chí, nếu làm ngược lại như trên thì bị coi là trái với tinh thần tự do, tự nguyện, tùy duyên, không đúng với quan điểm nhân duyên của đạo Phật.

Có đúng như thế không? Trong Kinh Phật có nội dung nói rõ về việc mà chúng ta đang bàn luận ở đây. Đó là Kinh số 1241, trong Kinh Tạp A Hàm, tập IV (số thứ tự XX, bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995).

Kinh số 1241:

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, gia chủ Cấp Cô Độc, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu ai ở nhà con đều có lòng tin thanh tịnh. Khi những người ở nhà con mạng chung, có được sanh lên trời không?”

Phật dạy:

“Lành thay! Lành thay, gia chủ! Đây là câu hỏi thâm diệu về việc thọ báo, ở giữa đại chúng rống lên tiếng sư tử, nói rằng: ‘Mọi người ở nhà con đều có lòng tin thanh tịnh. Khi mạng chung họ có được sanh lên trời?’ Vậy đã có Tỳ-kheo đại đức thần lực nào đã vì ông nói: ‘Bất cứ người nào ở trong nhà ông, mà mạng chung, thảy đều sanh lên cõi trời chăng?’”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi:

“Hay có Tỳ-kheo-ni nào, chư Thiên nào đã nói; hay ông đã nghe trực tiếp từ Ta?”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Thế nào gia chủ, hay ông dựa vào tri kiến của mình, mà biết những người nhà ông sau khi mạng chung đều được sanh lên cõi trời?”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo gia chủ:

“Ông đã không nghe từ vị Tỳ-kheo đại đức thần lực, không phải từ Tỳ-kheo-ni, không phải từ chư Thiên, lại không phải đã có mặt trước chỗ Ta nghe nói, lại cũng không phải dựa vào tri kiến của mình để biết: ‘Ở nhà con nếu mọi người mạng chung, đều được sanh lên trời.’ Vậy do đâu, hôm nay ông nói lên những lời thâm diệu như vậy về việc thọ báo, ở giữa đại chúng rống lên tiếng sư tử, nói rằng: ‘Bất cứ người nào ở trong nhà con, khi mạng chung đều được sanh lên trời?’”

Gia chủ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không có Tỳ-kheo đại đức thần lực nào đến nói với con. Nói đầy đủ như trên, … cho đến tất cả đều sanh lên trời. Bạch Thế Tôn, nhưng khi con thấy những người mang thai, con liền chỉ bày họ nên vì con mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Sau khi đứa bé ra đời, con dạy nó về tam quy; đến khi hiểu biết, lại dạy nó trì giới. Giả sử tôi tớ hạ tiện, người ngoài nào có mang và sanh con, con cũng chỉ bày như vậy. Nếu có người bán nô tỳ, con liền đến nói với họ rằng: ‘Hiền giả, tôi muốn mua người, nhưng anh nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng, thọ trì cấm giới. Theo lời tôi dạy, mau thọ trì năm giới. Sau đó tùy giá mà mua, nếu không theo lời chỉ dạy của tôi thì không chịu mua.’ Hoặc có khách trọ hay người làm thuê, trước tiên con cũng yêu cầu thọ tam quy, ngũ giới, rồi sau đó con mới nhận họ. Hoặc lại có người đến xin làm học trò, hay đến xin vay lấy lãi, con cũng đều yêu cầu thọ tam quy, ngũ giới, sau đó mới chịu nhận. Lại nữa, khi nào nhà con cung dưỡng Phật và Tỳ-kheo Tăng thì đọc tên cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc quen biết, quốc vương đại thần, chư thiên, long thần, hoặc kẻ còn người mất, Sa-môn hay Bà-la-môn, nội ngoại quyến thuộc, dưới cho đến nô bộc đều đọc tên họ, vì họ chú nguyện. Hơn nữa, con được nghe từ Thế Tôn dạy, nhờ duyên xưng tên chú nguyện nên đều được sanh lên trời. Hoặc nhân bố thí ruộng vườn, nhà cửa, giường nằm; hoặc nhân thường bố thí, hoặc bố thí cho người đi đường, nhỏ cho đến bố thí cho chúng sanh một nắm nhỏ, nhờ những nhân duyên này thảy được sanh lên trời.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay, gia chủ! Ông nhờ lòng tin nên nói ra được như vậy. Như Lai đối với điều đó có tri kiến vô thượng, nên biết rõ mọi người ở nhà ông mạng chung đều sanh lên trời.”

Sau khi gia chủ Cấp Cô Độc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ Phật ra về.”

Qua bài kinh trên chúng ta thấy:

-      Đối với trẻ em, ngay khi đứa bé chưa sinh ra, bà mẹ chỉ mới mang thai thì bà mẹ cũng được “bày cho họ nên vì con mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng.”

-      Sau khi đứa bé chào đời thì ngay lúc đó, tức với trẻ sơ sinh, “lại dạy cho nó về Tam quy, đến khi nó thấy biết, lại dạy nó trì giới”.

-      Điều như trên áp dụng cho tất cả mọi trường hợp tương tự (“tôi tớ” và “người khác có mang”).

Trong Kinh số 1241, Đức Phật cũng tán thành những việc làm sau của trưởng giả Cấp Cô Độc: Yêu cầu đối tác thương mại thọ Tam Quy, Ngũ giới khi mang đến họ quyền lợi như là một điều kiện tiên quyết. Điều này cũng áp dụng với những trường hợp như “khách trọ, người làm thuê”, “xin làm học trò”, “xin trao đổi, vay lãi”, tức là trong điều kiện họ bị buộc thì ràng buộc họ.

Điều này có mục tiêu được xác định rất rõ: “mệnh chung được sinh lên cõi trời”.

Đức Phật tán thán những việc làm như trên. Rõ ràng như thế là đúng với Chính pháp, không có gì còn có thể tranh cãi.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle