Nguồn nước ẩn của tri thức

nguon nuoc an cua tri thuc

Đặng Công Hanh

Ngôn ngữ là hình thức của tư duy và tư duy thông qua giác quan cùng với ý thức phân biệt phóng chiếu lên sự vật hiện tượng có hình tướng khác nhau để nhận biết. Con người ai ai cũng phải sử dụng ngôn ngữ thông tục, một loại ngôn ngữ xuất sinh từ tri thức thường nghiệm và được qui định bởi tập quán, bởi qui ước để giao tiếp truyền đạt tư tưởng trong cộng đồng xã hội.

 

Trên khái quát, ngôn ngữ được xem như thể hiện một cấu trúc gồm những biểu tượng của sự vật hiện tượng và tương quan nhân quả giữa chúng với nhau nhằm mô tả sự vận động trong tiến trình duyên sinh trong vũ trụ. Ngôn ngữ khoa học đa phần thuộc thể loại này, được gọi là toán ngữ, rất cô đọng, dùng toàn ký hiệu ước định và phương pháp lý luận thoát ly thực tế. Khi dùng ngôn ngữ này để diễn đạt một sự thể thì vai trò ngôn ngữ là vai trò biểu trưng chứ không phải thay thế cho sự thể đó. Tiến trình biểu trưng luôn luôn bám sát rập khuôn theo tiến trình của thực tại nhưng không thể thay thế cho tiến trình thực tại được, bởi vì thực tại thì biến dịch sinh động, còn bên kia ngôn ngữ biểu trưng gồm những khái niệm đông cứng, tĩnh tịch.

Tuy nhiên, để mô tả sự vật hiện tượng các nhà khoa học vẫn phải dùng ngôn ngữ thông tục để thông tin chứ không dựa vào phân tích toán học, suy luận toán học. Có lần Einstein nói: "hầu hết tư tưởng trọng yếu của khoa học đều có bản tính đơn giản và trên nguyên tắc có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được". Có điều là một khi hiện thực có thể nhận thức bằng tri thức thường nghiệm thì hiện thực đó có tính cụ thể, ngược lại nếu hiện thực đó vượt quá tri thức thường nghiệm thì mang tính chất trừu tượng cao, toán ngữ thuộc hình thái này.

Trên một bình diện cao hơn, trong các kinh điển hay kinh luận các Tổ đã ghi thuật lại các lời dạy của đức Phật thì đó là một loại ngôn ngữ khác, gọi là giáo pháp, thứ ngôn ngữ của Đại Trí và Đại Bi hướng dẫn chúng sinh con đường tu tập nên khó mà dùng tâm ý để suy tưởng tường tận mà diễn đạt cho trọn vẹn ngữ nghĩa (bất khả tư nghi, bất khả thuyết).

 Vì vậy, khi đọc hay nghe kinh, nghe lời Tổ luận giản, thay vì hiểu theo nghĩa đen tức trên bề mặt ngôn từ mà phải hiểu đó chỉ là lời chỉ dẫn thì mới nắm bắt được những giá trị nội dung ẩn sâu trong thông điệp của đức Phật . Có lần Thiền sư Tăng Duệ chú ý với người đọc rằng: "Thực phi danh bất ngộ" một sự thể nếu không có tên gọi thì không thể biết đến, nhưng sự thể và tên gọi là khác nhau. Theo cách nói của kinh điển thì Phật dùng ngôn ngữ để khai thị, để giải minh thật tướng - chứ thật tướng chỉ tìm thấy nơi sự im lặng cao thượng của Ngài. Chẳng hạn khi nói về Niết Bàn, kinh dạy bằng các sự phủ định: "bất khứ - bất lai, bất nhất, bất dị, phi thường, phi đoạn, bất sinh - bất diệt". Cách nói như vậy là vạch con đường giữa cho ngôn ngữ để đi về Niết Bàn chứ không phải định nghĩa. Con đường đó là bản chất của biểu trưng của ngôn ngữ,  trình độ thông hiểu càng cao thì khả năng nhận diện chân lý càng sâu sắc.

Do giới hạn cố hữu của ngôn ngữ. Phật giáo thông qua một số ẩn dụ hay phóng dụ để phát biểu các chân lý. Đôi khi, phải đối mặt với một hiện thực đầy nghịch lý vượt qua ngôn ngữ thông thường, thấy cần phải nổ tung cái logic, làm choáng váng suy luận và từ bỏ lối mòn, nhờ sự trợ giúp của các mệnh đề gây ngỡ ngàng như các công án nhằm phá vỡ trong chốc lác chuỗi suy luận tư duy để trong khoảng ngắn ngủi giữa 2 tư duy, có thể cảm nhận về bản chất theo tinh thần của Thiền tông. Đối với chúng ta đặc tính của ngôn ngữ là tỉnh. Tỉnh cho nên nó hàm hồ. Dưới nguyên lý vô thường hiện thực luôn luôn động, sai biệt, khi ta gọi tên nó ta không thể  chỉ vào từng sai biệt đó nghĩa là không thể gọi thẳng vào tự tướng của nó mà chỉ là tổng tướng mà thôi.

Tóm lại, ngôn ngữ là hình thức của tư duy và tư duy thường thông qua giác quan và ý thức phân biệt các sự vật có hình tướng khác nhau để nhận biết, và từ hình tướng bên ngoài để hiểu thực tướng bên trong của sự vật hiện tượng. Đó cũng là quá trình tri thức. Tuy nhiên mọi cách nhận biết hình tướng đều do tâm chi phối nhưng vì tâm thường dao động như các gợn sóng lăn tăng trên mặt nước nên việc tri thức do tâm thường không cho thấy đúng như thật. Con người trong lòng xã hội luôn luôn có sự tương tác giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Bên trong thì mang sẵn ảnh hưởng nền văn hoá, mang sẵn dấu vết của quan niệm siêu hình nên khi phóng chiếu vào hiện thực, thì hiện thực không còn trần trụi như nó vốn là. Phải chăng tri thức có nguy cơ không tiếp cận chân lý? Vấn đề này chúng ta chia sẻ được khi nhớ lại vào cuối thế kỷ 19, Lord Kelvin nhà Vật lý tài giỏi thời đó, chuyên gia trong lãnh vực động nhiệt học đã khẳng định rằng sự nghiên cứu vật lý đã hoàn tất, tất cả còn lại phải làm của thế hệ sau là trau chuốt các phép đo đạc kéo dài thêm các số lẻ hàng thập phân. Thật nhầm lẫn, chỉ ít năm sau đó lý thuyết tương đối và lý thuyết cơ học lượng tử ra đời làm đảo lộn nhận thức về hiện thực.

Theo Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn hàng đầu tại Mỹ thì từ khi khoa học hiện đại ra đời thế kỷ 16, vốn tri thức nhân loại tăng theo hàm mũ - nhưng nó không giúp cho nhân loại trở nên minh triết hơn, vì vậy cho dù hiện nay nhân loại đang thừa hưởng một thời kỳ rực rỡ của tiến bộ khoa học, kỹ thuật và một nền văn minh vật chất phong phú đa dạng, đó là ưu điểm của sự phát triển tri thức, tuy nhiên nỗi thống khổ của nhân loại cũng theo đó mà trầm trọng sâu sắc hơn lên. Tình hình càng trở nên báo động khi con người đang có đủ năng lực phá vỡ sự cân bằng sinh thái toàn bộ hành tinh và có thể tự huỷ diệt, các vấn đề đạo đức càng ngày càng suy thoái, khoảng cách của đời sống kẻ giàu người nghèo càng nới rộng đến vô đạo. Vậy phải chăng bản thân của tri thức có vấn đề nội tại của nó và dọc theo chiều dài của nền văn minh nhân loại, quan điểm về tri thức và vai trò của nó tác dộng đến nhân sinh cũng có nhiều dị biệt.

( Trong nền văn minh Trung Quốc xuất hiện hai trường phái lớn có quan điểm khác nhau rất xa:

- Trường phái Nho - Mặc có 2 đại biểu là Khổng Tử và Mặc Tử rất tôn sùng tri thức. Họ xem tri thức là căn bản để lập thân và xử thế, không có trí thức sẽ không thành tựu bất cứ việc gì. Khổng Tử sau này trở thành nhà đại giáo dục, chủ trương "học không chán, dạy không mệt". Có lần ông bộc lộ: "Ta chẳng phải sinh ra là tự nhiên hiểu biết đạo lý. Thật ra, ta là người ham mộ Kinh Thi của thánh hiền đời xưa, cho nên ta cố gắng tìm học hỏi đạo lý" (Ngã phi sinh nhi tri chi giả, háo cổ mẩn dỉ cầu chi giả dã). Ngay cả khi đề xướng phương châm nhập thế cho người đời: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì cũng cần phải lấy "tri" làm gốc.

Đối với Mặc Tử, ông cũng hết sức coi trọng tri thức, phát triển luận lý học, vật lý và số học lên mức độ uyên thâm

- Trái lại, trường phái Lão - Trang do Lão Tử và Trang Tử là trụ cột. Lão Tử cho rằng phải "đoạn tuyệt thánh, vứt bỏ tri thức" bởi vì có thánh nhân thì có đạo đức giả dối, có tri thức thì có lường gạt nên thiên hạ sinh hoạn hoạ và thống khổ. Còn Trang Tử cho rằng "Người thông minh, càng cần đạo thì đạo càng xa", cố ý nói rằng tri thức không có ích cho đạo, cho nên ông quan niệm tri thức là nguồn gốc gây loạn cho thiên hạn, gây thống khổ cho con người. Tri thức càng khai mở thì đồng thời sự diệt vong cũng tăng lên, con người không còn sinh tồn an lành nhàn hạ. Vì vậy con người càng phải "quay trở lại về chân", tôn sùng cuộc sống xã hội ban sơ theo tự nhiên. Ông xiểng dương tinh thần "Tiêu dao du" vì con người có bản chất là đau khổ, đầu mối của đau khổ là trí phân biệt mà nguồn gốc là tri thức. Tiêu Dao là rong chơi tự do, thảnh thơi tuyệt đối, không lệ thuộc vào ngay chính bản ngả của mình tức là "cái tôi tâm - sinh lý của con người".

( Trong nền văn minh ấn Độ - chính thống là Bà - la - môn giáo. Họ rất tôn trọng tri thức, kinh điển hành trì và tôn thờ là Kinh Vê Đà, nền tảng tôn giáo, văn hoá và tri thức của dân tộc ấn vào thời thượng cổ. Cốt lõi quan trọng nhất kinh Vê Đà là tiểu bộ Upanishad (áo nghĩa thư) kết tục sự trưởng thành của suy tư triết lý cho đến sau này trở thành một tác phẩm quan trọng làn nền tảng cho mọi hệ thống triết ký ấn Độ. Giáo lý Vê Đà đã tạo nên một giai cấp thượng lưu, đó là đẳng cấp tăng sĩ Ba La Môn có quá nhiều tham vọng thế tục, bày đặt những nghi lễ phiền toái khiến dân chúng càng ngày càng trói buộc với họ. Sự thể này làm phát sinh hai phong trào chống lại giáo lý Vê Đà là Kỳ Na giáo và Phật giáo. Tuy phản kháng nhưng hết thảy đều chú trọng đến tri thức nhưng đồng thời xác quyết tri thức không đủ khả năng thể hội được chân lý một cách rốt ráo, và rằng triết học có giá trị và địa vị của nó, dù nó thấu hiểu cái không toàn mỹ của tri thức thì nó cũng chẳng có cách nào biểu lộ nỗi chân lý. Do vậy mọi người nên hướng về sự thể nghiệm vô phân biệt tri. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, Thiền Tông đã phát triển rực rỡ nhưng lại xuất hiện sự phân chia làm hai, phái khác nhau về quan niệm tri thức.

+ Tông phái Thiền xưng là chính thống, môn hạ Nam Nhạc, Thanh Nguyên không chú trọng đến kinh giáo, tôn sùng nguyên tắc không chú trọng kinh giáo, không lập văn tự, thậm chí còn xem là chướng ngại lớn cho việc ngộ thiền "biết một chữ là cửa ngỏ của muôn ngàn tai hoạ".

+ Tông phái do Đại sứ Khuê Phong chủ trương giáo Thiền nhất trí "Biết một chữ là cửa ngỏ của muôn ngàn thù diệu"

 Có lẽ chỉ đứng trên phương pháp giải thoát chân chính của Phật để hiểu rõ tính hữu dụng của sự dị biệt nói trên?

( Đối với nền văn minh Tây phương các nhà nghiên cứu, các sử gia đều cho rằng: khơi thuỷ căn bản tư tưởng của tôn giáo Tây Phương là tôn giáo nhất thần và y theo sự chỉ dạy của thần mà sống. Trong lộ trình tiến đến chân lý họ tôn sùng tín ngưỡng, phủ định giá trị của tri thức và cho rằng tri thức tự do của nhân loại là nguồn gốc của bất hạnh và khổ đau, thậm chí còn phản đối xu thế phát triển văn minh công nghệ của nhân loại. Quan điểm này gần với quan điểm của Lão - Trang á Đông chủ xướng quay về chân, suy tôn tự nhiên.

Mãi cho đến khi văn minh Hy Lạp rực rỡ, nơi cội nguồn nền triết học Tây phương, yếu nghĩa triết học là ái tri, ngưỡng mộ tri thức mà cho rằng Tri là Đức, có tri thức mới có hướng thiện làm điều kiện khơi mở Đức. Rõ ràng khuynh hướng này khác với tín ngưỡng tôn giáo lúc bấy giờ, thậm chí triết học và luận lý còn nỗ lực luận chứng không có Thượng đế vẫn cho thấy giữa tín ngưỡng và tri thức tồn tại một khoảng cách.

Chẳng hạn tại Hy Lạp Democritus và Anaxagoras tin rằng mọi vật thể đều có bản chất vật chất thì đa số các nhà tu tưởng như Plato đến Ptolemy lại tin vào tính thần thánh của bầu trời. Tri thức khoa học và tín ngưỡng đã trở nên mâu thuẩn từ thời của Galileo. Sự mâu thuẩn đến cực điểm vào cuối thế kỷ 19 - nhân loại buộc phải chọn giữa Chúa Trời và Darwin bởi hai lý do cơ bản:

( Lý luận  nòng cốt của  "thần học tự nhiên" cho rằng trong thiên nhiên, cũng như trong cơ thể sinh vật, ở đâu cũng thấy dấu hiệu của "ý định" của Thượng đế.  Thượng đế sáng tạo theo một dây chuyền sinh loại, từ sinh loại thấp nhất, thô sơ nhất, đến sinh loại cao nhất là con người và qua con người mọi sự vật đều móc xích với Thượng đế.

( Darwin với lý thuyết "chọn lọc tự nhiên" đã làm cuộc cách mạng lật đổ tan tành gần hai ngàn năm nền tín ngưỡng tôn giáo phương Tây dưới thế lực của Nhà thờ và của thần học đang ngự trị trên tư tưởng và dư luận. Hai điểm nấu chốt của Darwin có thể tóm như sau:

+ Thiên nhiên không hề hàm chứa một ý định thiêng liêng của một đấng sáng thế nào cả. Sự tiến hóa của vạn vật không có mục đích.

+ Sự thay đổi vi tế nhờ đó các cá thể được chọn lọc là do sinh tồn một cách tình cờ tức là không có một lộ trình được lập sẵn. Ngay cả sự thay đổi nội tại của sinh vật là vì tính phù hợp với môi trường sống (khí hậu, thực phẩm, nơi trú ngụ.v.v). Theo ông sự tiến hóa chỉ liên quan đến sự phát triển của sinh vật, sinh sản, di truyền, cạnh tranh sinh tồn, môi trường, cùng phối hợp với nhau vận hành.

Thuyết "chọn lọc tự nhiên" đã thay thế "ý định của Thượng đế"  và con người đã mất cái ưu đãi đặc biệt là được Thượng đế  "Chọn  và sinh ra theo hình dáng của Ngài".

Trong một bức thư gửi cho đồng nghiệp của mình (ông J.D.Hooker), ông viết "Tôi không thể nhìn vũ trụ như là kết quả  tình cờ mù lòa, tuy vậy  tôi không thấy một bằng chứng nào về một cứu cánh tốt lành, ngay cả bất cứ cứu cánh gì, trong những chi tiết". Ông biện giải cụ thể hơn về "cứu cánh tốt lành"   trong một ví dụ: một đứa bé sinh ra đã bị tật, điều đó do Thượng đế muốn vậy chăng, hay là do tác động của những luật phức tạp về di truyền, về bào thai trên một cá thể? Vậy, nếu đứa bé đó chỉ là cá thể lẻ loi giữa một dân số toàn cầu đông hàng tỷ, tại sao không xem một loài sinh vật cũng như thế, cũng là một cá thể lẻ loi giữa muôn triệu sinh vật nối tiếp  sống trên trái đất qua bao nhiêu thời kỳ địa chất.

Tại sao loài Homo sapiens (Thủy tổ loài người)  lại phải xem như là mục đích, như là một giá trị tiên thiên, trong khi con rắn, con rết có mặt trên trái đất lâu hơn thế lại bị xem chẳng có gì để nói trong lịch sử vũ trụ? (Theo GS Cao Huy Thuân)

Rất may mắn những khám phá của khoa học mới đây và những kinh nghiệm tâm linh đã dần dần hoà hợp với nhau tạo nên sự hài hòa cho  nhân loại về tinh thần và làm cho người tự tin hơn ở khả năng làm chủ đời mình hơn là giao trọn cho thần linh.

( Quan điểm Phật học đối với tri thức

Trong Phật giáo, tri thức là sự hiểu biết rõ ràng, có sự phân biệt (có nghĩa liễu biệt). Chẳng hạn như vũ trụ giống như một khối hỗn độn, nhờ sự phân biệt thành những sự thể khác nhau để dần dần thể hội được. Vì vậy tự thân tri thức hàm chứa tính phiến diện, hình thành từ những yếu tố riêng lẻ, chỉ thấy bên ngoài và không thấy được bên trong, không thấy mối quan hệ nhân quả của các yếu tố riêng lẻ hợp thành, đôi khi xem trọng yếu tố này xem nhẹ yếu tố kia.

- Tính phiến diện của tri thức được nhà phân tâm học lỗi lạc Freud đồng tình và ám chỉ như một núi băng trôi, ta chỉ nhận biết ở trên phía mặt trước và phần không biết thì chìm sâu bên dưới.

- Tri thức được biểu lộ qua tính tương đối, một mặt tri thức không thể tách rời ngôn ngữ của tư tưởng, mặt khác tri thức phải dựa vào hình thái của ý thức bởi vì không có nó thì không có khả năng tác dụng của nhận biết. Chẳng hạn khi nói "tốt" thì phân biệt ra "xấu", nói "nặng" thì phân biệt ra "nhẹ". Trong nhận thức của con người luôn luôn có phân biệt tương đối mới có khả năng nhận biết.

Nhìn theo quan điểm của Duy thức tông, tri thức gồm năng tri, sở tri. Năng tri là tâm thức, sở tri là đối tượng nhận biết, một khi tâm thức liễu tri đối tượng. Hai yếu tố năng và sở nương tựa nhau mới sinh ra một nhận thức. Nói theo ngôn ngữ Hoa Nghiêm, tất cả đều mang ý nghĩa tương tức, tương nhập.

- Tri thức được xây dựng trên danh nghĩa do tâm tưởng phát hoạ ra. Danh và nghĩa nương tựa vào thói quen sử dụng của con người mà hình thành. Vì vậy tri thức không rời tính danh nghĩa nên không có tính quyết định, lưu chuyển biến hoá, cho nên trong nhiều trường hợp nó sinh khởi tranh chấp trói buộc lẫn nhau. Vũ trụ nhân sinh hiện hữu theo qui luật duyên khởi, như huyển, như hoá không có thực thể quyết định. Danh nghĩa tri thức thế gian không thể hiển lộ tính tuyệt đối của nó và chân lý tuyệt đối.

- Có nhiều nhà tư tưởng, nhà hiền triết trước đây xem tri thức là cội nguồn phát sinh đau khổ của con người, suy nghĩ một cách nghiêm túc công bằng vẫn có phần nào lý lẽ của nó, do vòng vây của lòng ham muốn càng ngày càng lớn rộng theo sự tăng trưởng của tri thức. Ham muốn về địa vị, danh lợi, tiền tài.v.v. và sự ham muốn thông thường không có điểm dừng đã biến con người thành kẻ như đang cơn khát nước chạy lòng vòng trong sa mạc. Con người không thể đối trị với ham muốn bằng cách làm thoả mãn nó vì tham vọng không bao giờ thấy đủ.

 

*      *

*

 

Toàn bộ lâu đài đồ sộ tư tưởng Phật giáo đặt trên 2 trụ cột vững chắc là Bi và Trí.

Phật giáo chủ trương sinh khởi tín ngưỡng được xác tín thông qua tri thức. Có trí tuệ cao mới tín nguyện sâu sắc hay nói cách khác tín ngưỡng được xây dựng trên cơ sở lý giải mà nền tảng là năng lực của tri thức, có thể thấy đây là một ưu điểm của tri thức thế gian. Tuy mang nặng tính phân biệt, nhưng cũng vì đặc trưng này mới có khả năng phân biệt Thiện - ác, Chân - Vọng,. mà quyết tâm nương tựa vào phương pháp giải thoát. Cho nên học Phật mà sử dụng phân biệt thức để quan sát một cách liên tục bền bỉ "các hành vô thường", "các pháp vô ngã" tức là khả năng khế nhập tướng không tịch của các pháp. Đó là một tia nắng, rực rỡ, khả dĩ soi sáng và giải quyết các vấn đề hiện đại của con người. Dùng thức phân biệt quán chiếu để phá trừ phân biệt, chứng nhập "thánh trí vô phân biệt" là một trạng thái trí tuệ xa lìa tướng chủ quan, khách quan, đạt đến sự chân thật, bình đẳng.

Dùng thức phân biệt làm phương tiện đắc lực cho vô phân biệt trí, đây chính là đạo lý, là bước chân đầu tiên đặt vào thánh địa chứng ngộ, với điều kiện phải có tin, hiểu và thực hành miệt mài không ngơi nghỉ.

Tri thức tự thân nó vừa có tốt, vừa có xấu. Vấn đề xem chúng ta vận dụng như thế nào? Nếu tri thức phát triển theo hướng sai lầm thì nó sẽ tạo nên nỗi thống khổ.

Như hiện nay mọi người trên hành tinh đều cảm nhận rằng những tri thức văn minh cận đại có xu hướng về khía cạnh vụ lợi vật chất, xem nhẹ tinh thần tôn giáo, đạo đức cho nên tri thức nhân loại trở thành nô lệ cho thoái ham muốn trục vật và đang đối mặt với sự thống khổ và huỷ diệt. Trong thế kỷ 20,  sự phát triển khoa học kỹ thuật nhanh đến chóng mặt. Sự phát triển của tri thức vật chất không ngừng tăng lên và hướng ra ngoài để truy cầu, dùng vật chất làm đối tượng nghiên cứu thực nghiệm tạo nên sự phồn vinh của nền văn minh vật chất. Thậm chí , chuyên ngành nghiên cứu tâm lý học cũng hướng nghiên cứu của mình theo khía cạnh vật lý hóa, tâm lý người lớn, trẻ thơ, tâm lý động vật.v.v. Chiều hướng lấy hoạt động của tâm thức làm vật để nghiên cứu bên ngoài, vô hình chung biến con người trở thành máy móc đầy tính cơ giới, thể hiện một hành vi thiếu nhân tính, thiếu sự đồng cảm và hình thành vọng tưởng khống chế con người, làm thỏa mãn lòng tư dục hẹp hòi, thiếu đạo đức vốn là sản phẩm của thế giới tinh thần. Ngược lại, trên lập trường Phật pháp, nếu tri thức nhân loại càng phát triển đồng thời với vòng vây của tư dục bị chặn đứt, bắt tri thức hướng đến đạo đức, hướng đến chân lý phát dương tinh thần từ bi của Phật pháp, khắc chế lòng tư dục, thể nghiệm và quan sát tự tâm làm cho tri thức, và đạo đức cùng tiến triển nhịp nhàng với tri thức vật chất, thậm chí đến hợp nhất thì nhân loại hưởng được an lành và hạnh phúc vô bờ, tránh được nguy cơ hủy diệt thế giới hiện đại.


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle