Hạnh Chi
Suốt chặng
đường đời, trong chúng ta, biết bao lần đã cất bước đi về Đông, tạt qua
Tây, xuống Nam, lên Bắc; chúng ta đi vì đủ mọi lý do, vì nhu cầu, vì hoàn cảnh,
vì sự đẩy đưa của tình thế, vì cả sự tò mò, mạo hiểm ...... Nhưng chúng ta được
sinh ra, rồi đến và đi như mơ, cõi ta-bà là một giấc mơ dài, là một cơn đại mộng
vì có mấy ai giữ lại gì, để lại gì được đâu !
Và chúng ta, kẻ trước người sau, thường an phận mà tự an ủi rằng “Cát bụi lại
trở về cát bụi”
Nhưng không phải thế!
Hàng năm, vào thời điểm Tháng Tư Âm lịch, chúng ta lại được
nghe nói về một người siêu phàm đã đến với thế gian này, cách nay gần 2600 năm.
Chúng ta tôn người đó là siêu phàm vì chúng ta không làm nổi những điều đơn giản
mà Ngài đã làm; nhưng chính Ngài, Ngài luôn nhắc nhở “Mọi người, mọi loài đều
bình đẳng như nhau”.
Gần 2600 năm, chúng ta còn nhớ về Ngài, còn tôn kính, còn tiếp
tục rủ nhau, gắng sức dọ dẫm tìm bước chân Ngài qua giáo pháp Ngài truyền lại.
Con đường Ngài chỉ dẫn khởi từ phương Á đã lan tới phương Âu, đã từ những sắc
dân da vàng truyền đạt được năng lương Từ Bi nhiệm mầu tới những sắc dân da
trắng, da đen; tới con bò được tha chết, tìm về ngôi chùa nhỏ huyện Đằng Xung
quỳ xuống, nhận lễ quy y Tam Bảo, con hổ dữ gặp vị sư ngồi thiền, bỗng theo sư
về chùa Nam Hoa và sư truyền tam quy ngũ giới cho hổ v...v...
Vậy thì, Ngài không chỉ “đến rồi đi” như đại đa số chúng ta.
Ngài vẫn còn đây với chúng sinh vì ngoài nhục thân như chúng ta, Ngài còn có
Pháp thân; và Pháp thân mới là thân vĩnh hằng, bất sinh bất diệt.
Ngài có được sinh ra mà sao lại nói là “bất sinh”?
Ngài có chết đi mà sao lại nói là “bất diệt”?
Hàng năm, vào mùa kỷ niệm ngày Ngài ra đời, hàng Phật tử khắp năm châu bốn biển
đều được nghe và tụng, lạy câu này:
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên, Vô Ưu Thọ Hạ, Thị Hiện Đản Sinh, Bổn Sư Thích Ca Mâu
Ni Phật.
Ngài chính là vị Bổn Sư, giòng họ Thích Ca. Ngài ra đời tại
vườn Lâm Tỳ Ni, dưới cành hoa Vô Ưu. Và Ngài ra đời chỉ là sự “thị hiện”.
Sao lại chỉ là “thị hiện”? Vì Ngài có mặt với đời nhưng
không vướng mắc chi với những ràng buộc ở đời. Ngài chỉ “hiển hiện “ra như vậy
thôi, hiện ra như sự tình cờ nhẹ nhàng, mang theo
một sứ mạng giải thoát khổ đau cho đời. Cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con khôn
là những thứ sẽ trói buộc hầu hết chúng ta thì Ngài đã nhẹ nhàng từ bỏ vì Ngài
biết rằng những niềm vui thế gian đó rất ngắn ngủi, rất tạm bợ.
Phải có một điều gì đó làm thăng hoa kiếp chúng sinh “vốn được làm người là rất
khó”.
Lòng từ bi lân mẫn và trí tuệ tuyệt luân của Ngài luôn suy
nghĩ như thế, sau lần “Du quán tứ môn” cùng người xa-nặc thân tín ra thăm ngoài
bốn cửa thành. Những gì Ngài nhìn thấy nơi bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc
là những hoạt cảnh triền miên tiếp nối trong giòng xoáy khổ đau của đời người từ
kiếp này sang kiếp khác; nhưng với địa vị một Thái Tử cành vàng lá ngọc được bảo
vệ tuyệt đối bằng nhung gấm lụa là thì lần ra thăm bốn cửa thành chính là lần
đầu tiên Ngài chứng kiến cái khổ của người già, cái đau của người bệnh, cái bi
thương của người chết và cái thong dong tự tại của một vị sa-môn. Ngài đã nôn
nóng bảo xa-nặc:
- Mau lên ! Mau đi con ! Hãy bắt kịp vị
sa-môn kia cho ta thăm hỏi.
Và khi đứng
trước vị sa-môn áo mỏng, chân trần, Ngài đã sửng sốt mà hỏi rằng:
- Thưa sa-môn, thầy rồi cũng sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết,
như những người tôi vừa thấy, nhưng sao thầy không lo lắng, không sợ hãi?
Sao sắc thái thầy an lạc, thanh thản thế? Thầy không
nón, không giầy, không áo đẹp, sao bước chân của thầy vững chãi, thong dong thế?
Vị sa-môn đã nhìn Ngài mà bảo:
- Vì ta biết giá trị đích thực của phút giây hiện tại.
Trong khi Ngài còn bàng hoàng vì câu nói đó thì vị sa-môn đã
chậm rãi hòa nhập vào đám đông dân chúng.
Trở về hoàng cung, Ngài không ngớt suy tư về kiếp nhân sinh mà những cảnh khổ
đau, biến diệt ngoài bốn cửa thành chính là những chặng đường tiêu biểu cho kiếp
phù du. Ý nghĩ phải tìm ra con đường giải thoát thôi thúc Ngài cho đến một đêm,
Ngài đã “Bán dạ du thành, xuất gia tầm đạo”, nửa đêm vượt thành Ca
Tỳ La Vệ để đi tìm một điều vô hình nhưng Ngài tin chắc sẽ gặp, sẽ thấy.
Từ đêm mồng tám tháng hai đó, Ngài đã đổi y phục sang trọng của một vị Thái Tử,
lấy tấm áo sa môn của gã thợ săn. Đó là bài học đầu
tiên về sự dối trá, ác độc khi Ngài hỏi gã thợ săn:
- Ông đeo một gùi đầy cung tên thế kia, chắc ông là thợ săn, nhưng sao lại mặc áo sa môn?
Gã thợ săn thản nhiên trả lời:
- Tôi mặc áo sa môn thì thú rừng, chim chóc không sợ mới tới gần và tôi mới giết
chúng được chứ !
Ngài đã nói:
- Ông hãy đổi y phục cho tôi vì tôi đang cần bộ áo sa
môn mà ông thì chắc đang muốn có nhiều tiền. Hãy bán bộ áo tôi
đi, ông sẽ có vốn để làm nghề khác, đừng săn bắn nữa.
Tuy ngạc nhiên, nhưng gã thợ săn vội vã làm ngay vì sợ Ngài
đổi ý.
Với tấm áo nâu cũ bạc, Ngài khởi bước tìm đạo.
“Tuyết
lãnh tu hành, lục niên khổ hạnh”, sáu năm dài triền miên đây đó dưới
mưa gió tuyết sương, vận dụng trí tuệ và sức lực để quán chiếu bao nguyên lý sâu
sa
qua mọi hình thức khổ hạnh mong tìm ra Đạo Cả nhưng phiền não khổ đau vẫn trùng
trùng vây phủ. Phải tới khi sức dường đã tàn, lực dường đã tận, tâm Ngài mới bật
sáng, là thân và tâm phải hổ trợ cho nhau, thân có mạnh thì tâm mới tỏ, tâm có
tỏ thì sự quán chiếu mới bén nhạy. Và Ngài bỏ pháp tu khổ
hạnh, nhận bát sữa cúng dường của một thí chủ để lấy lại sức lực. Rồi, trải cỏ dưới gốc cây Bồ đề làm tọa cụ, Ngài phát nguyện “Nếu
không tìm ra Đạo Cả, ta thề không rời khỏi cây này”.
49 ngày sau, “Bồ Đề Thọ Hạ, Hàng Phục Ma Binh, Dạ Đổ Minh Tinh, Đạo Thành
Chánh Giác”. Ngài đã tìm ra tên cai ngục hằng giam cầm chúng sinh trong những nhà tù bất tận.
Tên cai
ngục đó là Vô Minh. Sự ngu tối đã trùm lấp trí tuệ vốn
sẵn nơi mỗi người, mỗi loài. Trí tuệ đó, nếu được khai mở sẽ nhìn ra chân diện
mục, nhìn ra bản chất tối thượng, vĩnh hằng, vượt thoát mọi sinh diệt, khổ đau
vì cái vô thường, ngỡ là thường; cái khổ, ngỡ là lạc; cái vô ngã, ngỡ là ngã;
cái không, ngỡ là tịnh ....
Từ đó, với
ba y, một bát, áo vải, chân trần, Ngài du hóa tất cả những nơi có thể tới, độ
cho tất cả những ai có thể độ; Ngài tới đâu là lớp lớp thứ dân thuộc mọi giai
cấp, vứt bỏ những ràng buộc thế tục để theo Ngài, tìm cầu giải thoát.
“Tứ Thập
Cửu Niên, Thuyết Pháp Độ Sinh”
49 năm Ngài
đã đi, đã thuyết, không ngừng nghỉ cho đến khi nhục thân già yếu, Ngài dừng lại
trong rừng cây Ta La. Nơi đây, Ngài đã thuyết bài pháp cuối cùng cho các đệ tử
với 4 câu kệ trước phút tịch diệt:
Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.
Chính rừng
cây hoa trắng này là nơi Ngài:
“Ta La
Song Thọ, Thị Hiện Niết Bàn”
Ngài về Niết Bàn cũng chỉ là “Thị hiện Niết Bàn”, như khi đến với đời chỉ
là “Thị hiện Đản Sinh”. Tư tưởng thị hiện
“Pratiharia” trong Đạo Phật mang tinh thần nhẹ nhàng, siêu thoát, tưởng như thực
mà hư, hư mà thực. Đến như thế, đi như thế chính là “Đến mà không đến; Đi mà không đi”. Cái thực có mà Ngài hết lòng chỉ dạy để chúng ta nhận được, biết
được là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”
Trên tất cả chỉ có ta là tôn quý. Cái “Ta” ở đây không phải là cái ta kết
hợp bởi đất, nước, gió, lửa, mà là cái ta thường hằng bất biến, cái nhận biết
mọi hiện tượng không qua lăng kính phân biệt, cái biết, cái thấy “như thị”.
Cái ta đó là Phật Tánh sẵn có nơi mỗi chúng sinh. Ai
nhận ra, sẽ thành Phật, ai chưa nhận ra, vẫn mãi là chúng sinh.
Trong không
gian bát ngát trầm hương tưởng nhớ ngày Bậc Giác Ngộ thị hiện đản sanh, xin cùng
nhau mở kho châu báu, lấp lánh suốt chặng đường Ngài đã đến, rồi đi, qua bài:
Thập Nhị
Cẩn Bái Đức Bổn Sư
(Mười hai
lạy Đức Bổn Sư):
1- A Tì Ngục Tốt, Sơ Phát Thiện Tâm
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
2- Đâu Xuất Giáng Thần, Ma Da Ứng Mộng
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
3- Hoàng Cung Thát Chất, Hiện Trú Thai Tạng
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
4- Lâm Tỳ Ni Viên, Vô Ưu Thọ Hạ, Thị Hiện Đản Sinh
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
5- Du Quán Tứ Môn, Yểm Lão Bịnh Tử
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
6- Bán Dạ Du Thành, Xuất Gia Tầm Đạo
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
7- Thanh Sơn Đoạn Phát, phỏng Đạo Tầm Sư
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
8- Tuyết Lãnh Tu Hành, Lục Niên Khổ Hạnh
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
9- Bồ Đề Thọ Hạ, Hàng Phục Ma Binh, Dạ Đổ Minh Tinh, Đạo
Thành Chánh Giác
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
10- Tứ Thập Cửu Niên, Thuyết Pháp Độ Sinh
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
11- Ta La Song Thọ, Thị Hiện Niết Bàn
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
12- Lưu Bố Xá Lợi, Phước Lợi Nhơn Duyên
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hạnh Chi