Luyện nước

luyen nuoc

Hoàng Công Danh

Buổi sáng như thường lệ, sư thầy dậy sớm, ướp sẵn tách trà hoa đại rồi bước ra vườn khai tâm thất tâm nhĩ bằng một bài quyền bộ. Tùy theo hơi sương khí trời mà chọn bài đi phù hợp. Sáng nào nhiều sương thì đánh bài Ngọc Trản, lấy chén ngọc hứng tinh hoa ban mai. Hễ trời quang đãng thanh tịnh lại đi bài Bát Tiên, như một cung cách gọi mời tám vị tiền bối cùng ngồi tri ẩm.

Riêng sáng nay thầy không đánh quyền mà chỉ luyện trung bình tấn cho tụ khí đan điền và tập trung suy nghĩ một phương pháp giáo dục đệ tử. Từ khi điệu Sanh vào chùa, thầy phải lo thêm nhiều thứ, đôi khi xảy ra nhiều chuyện rắc rối tại điệu ấy hiếu động. Thầy nghĩ, có lẽ ta nên dạy điệu Sanh tập võ, lấy sự vận động để tiêu diệt hiếu động. Hơn nữa, cũng để tập cho điệu thói quen dậy sớm. Người nhà chùa mà cứ mê man giữa ban ngày thì làm sao khai thị được chúng sanh. Tất nhiên, phương pháp nào cũng có hai mặt của nó, đôi khi vận dụng không khéo lại có tác dụng phụ ngoài mong muốn. Thầy vẫn chưa quên trong lịch sử, cuối thời nhà Trần có vị tu sĩ Phạm Sư Ôn, là đệ tử của sư Vô Trụ. Phạm được đào tạo võ thuật, cho đến một ngày nhận ra an nhiên tu để thoát tục dài và khó quá, chi bằng tìm kiếm cái quyền lực giữa đời mà hoằng pháp, thế là dùng đao kiếm. Mà đao kiếm vô tình, nếu lưỡi không cứng thì nó quay lại phản chủ. Thời thế mỗi lúc một khác, đạo Phật vốn có tính khế thời, tùy nghi hành pháp cho phù hợp. Con người ngày nay lại nhiều cám dỗ, thầy không chắc điệu Sanh sẽ bền chí.

     Trở vào tịnh thất, thầy nhấp chén trà, nhìn điệu Sanh vẫn còn ngủ rồi quyết định sẽ cho điệu ấy tiếp xúc với võ học. Dù kết quả có thế nào chăng nữa vẫn phải thử, như một phép toán dẫu không đưa đến đáp án thì cũng thu lượm được những kỹ năng.

     Chỗ tập võ ở sau nương chùa, thầy không muốn quấy tan không gian yên tĩnh trước cửa thiền. Hai thầy trò cùng nhau luyện tập nơi khoảng đất nhỏ ấy thôi, bên cạnh có một hồ nước. Hồi mới về chùa, sư thầy đã cấy những cọng sen xuống đây, đến năm sau sen đã bung lá trên mặt nước, tạo thành từng trảng như những chiếc mẹt con thả nổi. Bây giờ thì sen đã lan ra đầy hồ, lâu lâu thầy lại lội xuống ngắt bỏ những chiếc lá đã quá già, nhường chỗ cho các lá non. Vào cuối thu, mỗi buổi sớm sen đơm búp trắng như chắp tay cầu nguyện. Ở chính giữa hồ, thầy thả nổi trên mặt nước một khung tre hình ngũ giác, kích thước mỗi cạnh chừng sải tay thôi, ngăn không cho cánh sen len vào. Thầy làm thế để chính giữa hồ có một khuông thoáng. Tâm phải phẳng lặng. Từ bên bờ hồ, bắc một nhịp cầu tre nối ra phần mặt thoáng đó. Vào dịp rằm tháng tư, thỉnh một tượng nhỏ hình Đức Phật Đản Sanh đặt chính giữa hình ngũ giác, cho mọi người đến chùa múc nước tắm Phật.

Minh hoạ của Thanh Huyền

     Sáng hôm ấy, điệu Sanh đã được báo trước chuyện tập võ nên thức dậy sớm, tỉnh táo hẳn chứ không ngáp ngắn ngáp dài như mọi bữa, vẻ hứng thú. Bắt đầu với những thế tấn: trảo mã tấn, đinh tấn, trung bình tấn... Ở mỗi thế tấn, ngoài việc hướng dẫn cách đặt chân sao cho đúng, thầy còn giảng về những đạo lý và cách dùng. Chẳng hạn trung bình tấn là chia đều trọng lực cho các chân, người ta muốn đứng vững giữa đời thì phải biết tự cân bằng cuộc sống của mình. Trảo mã tấn dùng trong đòn nhá, dồn mọi trọng lực vào chân sau, chân trước như là bình phong hộ mệnh. Điệu Sanh chăm chú lắng nghe và làm theo. Có vẻ đối với chú tiểu học võ dễ hơn nhiều so với học pháp. Ở đời, hầu cái gì dùng tay chân cũng dễ hơn kiến thức kinh viện.

     Bữa sau lại học tiếp năm đòn đánh tay và tám đòn cước chân sơ cấp. Các đòn tay đơn giản, thầy đi một lần là Sanh làm theo y chang. Các đòn cước chân khó hơn. Đến nghịch đảo cước là đá ngược vòng chân lui sau, rất dễ ngã. Tám đòn cước chân đi liên hoàn trên một đường thẳng. Hai thầy trò nghỉ mấy phút, lúc ấy thầy tranh thủ đi vào nhà ủ trà, còn điệu Sanh vẫn một mình luyện các đòn cước chân. Giẫm phải hòn sỏi, đau chân. Điệu nhặt nó lên, ném thẳng xuống chỗ mặt thoáng giữa hồ. Thầy bước ra, nghe tiếng tõm nhỏ, mặt nước gợn lên những vòng sóng đồng tâm loang dần ra.

     Thầy hỏi sao con ném đá xuống hồ. Sanh đáp: “Ai bảo nó làm con đau”. Thầy cười, không dưng lại đi giận hòn đá, thật là trẻ con. Mà chẳng riêng gì trẻ con, người lớn cũng thường giận vô cớ. Có khi còn vô minh và vô tâm hơn thế, họ ném tất tần tật mọi thứ thừa thãi xuống các hồ nước đấy thôi. Người tập võ phải khác, tâm mình đang thanh sạch thì đừng ném cái bực bội vào đó, và cũng không thể dùng tay chân để trút bỏ giận hờn. Ở khía cạnh này, việc luyện võ giống với sự tu hành của đạo Phật. Giữ cho tâm bình yên, bước chân an lạc, ý nghĩ và hành động phải trong sáng.

*

     Nhớ ngày xưa, trước khi vào chùa, sư thầy là chàng trai phẫn chí, bỏ nhà đi lang bạt, rồi dừng chân nơi miền cao, được một vị võ sư phái Long Phi gốc Sông Bé cho ở nhờ. Hằng ngày chàng trai có nhiệm vụ đi gánh nước. Buổi sáng về tưới vườn rau quanh võ đường. Buổi chiều gánh về cho các võ sinh rửa tay chân sau khi tập luyện. Còn thêm mấy thùng nước sạch nhất lấy ở chỗ khe chảy ra, đem về để nấu ăn. Gánh như thế được một tháng thì chân tay chàng nhỏ lại, nhưng rắn chắc hơn. Bấy giờ vị võ sư mới cho chàng tham gia vào lớp tập luyện. Chàng mừng ra mặt, nói hôm mới vào đây con muốn xin thầy theo học lắm, nhưng ngó thầy khó nên con không dám, chỉ xin được tá túc vài bữa thôi. Vị võ sư già ngẩng mặt lên cười.

     - Không riêng gì con, tất cả môn đệ của ta đều thế cả. Muốn theo học đều phải trải qua một tuần trăng gánh nước. Mục đích trước hết là để cho da thịt săn chắc, xương khớp dẻo dai trước khi tham gia vào võ đường. Sau nữa, điều quan trọng là gánh nước để thanh tẩy tâm mình. Võ học như thiền định vậy. Và sau cùng, sự tưới tẩm sẽ làm nẩy sinh những mầm xanh. Ngay bây giờ con nên ghi nhớ châm ngôn của võ học cổ truyền: “Hãy biến sức mạnh thành tình thương đi gieo rắc quê hương, mãi bao giờ Việt Nam còn thì võ học còn, nhằm đáp báo ơn sư và rạng danh môn phái”.

     Chàng trai theo thầy tập luyện bốn năm trời, miệt mài bền bỉ, và sớm được thăng cấp hồng đai tứ đẳng. Đai đỏ là huấn luyện viên cao cấp rồi. Khi ấy chàng mới hai mươi ba tuổi, phải đợi thêm năm năm nữa, đủ hai mươi tám tuổi mới được làm luận để thăng tiếp bạch đai và cấp chuẩn võ sư. Nhưng chừng ấy năm theo học với sư phụ, những đường quyền ngọn cước đã giúp chàng khai ngộ ra nhiều điều, bỏ đi những tâm tánh ngang ngược, thế là được rồi, cần chi võ vị nữa. Chàng xin phép sư phụ được rời võ đường. Trước khi đi không quên hứa hẹn, năm năm nữa sẽ quay lại, hứa là để sư phụ an tâm rằng học trò của mình vẫn còn nhiệt huyết với võ học. Sư phụ chấp thuận cho chàng đi và dặn, hễ đến đâu thấy điều kiện thuận lợi thì nên truyền thụ cái đã học được, một phần giúp người, phần nữa là duy trì môn phái. Nhưng nhớ, đừng mãi võ kiếm cơm…

     Hai mươi ba tuổi, thanh niên chừng ấy đã có nghề nghiệp để làm ăn. Chàng thì vẫn chưa có gì ngoài sức lực. Thời gian ở với sư phụ, ngoài luyện võ thì chỉ trồng trọt mà thôi. Cuối cùng chàng vào một ngôi chùa và ở lại đấy, hằng ngày cùng sư trụ trì chăm tỉa vườn tược và học đạo. Nói vậy nghe có vẻ vì vô công rồi nghề, sợ đói mà vào chùa. Thật ra, người ta tu là có duyên cả, đừng tưởng có cơm ăn chỗ ở mà sống được chốn thiền đâu. Tu cũng là một cái nghiệp đấy thôi.

*

     Kể từ ngày rời võ đường đã ba mươi năm, những bài quyền có quên một vài bộ, mấy câu thiệu có bị lẫn lộn trước sau chút ít. Nhưng thầy cố gắng nhớ, cái gì nhớ không nổi thì có thể tự nghĩ ra, làm sao cho bài quyền đi thông suốt là được. Ngày xưa sư phụ chẳng đã dạy, chính do tam sao thất bản mà võ học Thiếu Lâm ngày nay phong phú là gì. Bây giờ thầy dạy điệu Sanh, cũng là một dịp để thầy nhớ lại những bộ pháp. Mỗi người thầy là một học trò cần mẫn ôn bài.

     Nghĩ lại thấy công phu gánh nước luyện võ của sư phụ ngày ấy thật thâm thúy. Như một thứ công án thực hành của nhà Phật. Nhờ gánh nước mà tuổi trẻ nông nổi của thầy được cải thiện, thuần hóa. Thầy tự đặt cho công án này một cái tên là “luyện nước”, và tính chuyện đem ra áp dụng đối với điệu Sanh.

     Ngày hôm sau, trước buổi tập võ, sư thầy chỉ tay ra hồ nước, hỏi điệu Sanh còn nhớ chuyện hôm qua không. Điệu ngơ ngác:

     - Chuyện gì hả thầy?

     - Thì chuyện con ném hòn sỏi xuống hồ, con đã làm bẩn hồ nước, một hòn sỏi nhỏ chừng đó đủ để làm cho mặt nước bớt tĩnh tại. Bây giờ thế này. Mỗi ngày trước lúc tập võ con hãy đi quanh hồ, nhặt những chiếc lá úa rụng xuống đó.

     Điệu Sanh nghe lời thầy. Bữa đầu nhặt hơi lâu vì lá rụng nhiều ngày dồn lại, những lần sau thì điệu chỉ đi một vòng, loáng cái là xong nhiệm vụ. Thầy nói nếu người ta năng làm sạch một nơi nào đó thì mỗi lần làm sẽ nhanh hơn. Cái tâm con người ta nếu ngày nào cũng đem ra mài giũa thì dễ tiến bộ hơn.

     Có buổi tập xong, buồn tiểu quá, Sanh kéo quần vãi luôn xuống hồ nước. Quen. Lần sau điệu Sanh lại cứ xả tự nhiên. Xem ra tiểu ở chỗ này cũng vui vui. Những vòng tròn đồng tâm cứ loang ra trên mặt thoáng, vài chú cá tưởng sắp được ném mồi cứ vây tới đớp đớp.

     Rồi sư thầy cũng bắt gặp điệu Sanh đi bậy. Thầy lại giao cho Sanh thêm một nhiệm vụ. Cứ sau buổi tập điệu phải múc năm gáo nước ở chỗ đó, đem tưới vào hàng hoa lan đất trước cổng. Làm ô uế nước hồ thì múc nó đi. Lần phạt này xem ra điệu Sanh không hào hứng như bữa bị bắt nhặt lá sân chùa, hay vớt lá mặt hồ. Điệu nghĩ, múc hết cái hồ này chắc phải đến sang năm. Bây chừ lại là mùa đông, vườn chùa ngày nào cũng trút lá, gió quét lá xuống hồ. Dăm ba bữa lại có trận mưa, nước hồ đầy lên. Xem chừng nhiệm vụ vớt lá và múc nước của điệu Sanh còn dài.

     Cho đến một bữa, bất ngờ sư thầy thôi phạt điệu Sanh. Đấy là ngày điệu đi trọn vẹn bài Thiền Sư Vạn Tự quyền đúng đồ hình chữ Vạn của nhà Phật, thuận theo một chiều như nước trôi, mỗi thao tác đã tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt của tâm.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle