Thích Thái Hòa
Đức Phật không có thành đạo, vì sao? Vì Phật là đạo và đạo là
Phật. Ngoài đạo không có Phật để thành và ngoài Phật không có đạo để chứng.
Thế thì tại sao, hàng năm vào ngày mồng tám tháng chạp âm lịch, Tăng Ni Phật Tử
Việt Nam thường long trọng tổ chức kỷ niệm ngày lễ Phật thành đạo nhỉ?
Với câu hỏi ấy, ta có thể trả lời với những ý nghĩa như sau:
1-
Kỷ niệm ngày vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ thành Phật:
Kỷ
niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa sau những tháng năm dài
xuất gia tu tập đã tự mình nỗ lực đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc, từ thô đến tế
và đã chứng nhập thể tính chân thực của đạo giải thoát và giác ngộ. Ấy là ngày Bồ tát Tất đạt đa từ địa vị của một vị Bồ tát Nhất sanh
bổ xứ, bước lên địa vị của bậc giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.
Vì
vậy, ngày mồng tám, tháng chạp, âm lịch là ngày Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm
ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, chứ không phải kỷ niệm ngày Phật thành Phật.
Vì Phật là viên giác, nên không có gì để được hay mất, để thành hay bại và vì
Phật là thường tại ở trong tịch diệt, nên không có chủ thể năng chứng và đối
tượng để chứng. Chủ thể và đối tượng thường trực phân ly ở nơi thế giới thường
nghiệm của nhận thức phàm tục, chứ ở nơi thế giới của tuệ giác thường trực và
tròn đầy, thì chủ thể và đối tượng đều sáng trong, rỗng lặng và tịch diệt.
Nên, kỷ niệm ngày Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát đạo viên
thành Phật đạo của Bồ tát Tất đạt đa.
2-
Kỷ niệm ngày vị Bồ tát viên thành đại nguyện và đại hạnh:
Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày mà Bồ tát Tất đạt đa viên
thành chất liệu đại nguyện và đại hạnh. Viên thành đại nguyện,
vì vô lượng vô số kiếp về trước, từ nơi Bồ đề tâm, Bồ tát Tất đạt đa đã từng quỳ
trước chư Phật quá khứ, phát khởi đại nguyện với đầy đủ hai chất liệu đại trí và
đại bi.
Với chất liệu đại trí, Bồ tát đã nỗ lực học hỏi không hề biết mỏi mệt với các
bậc thiện hữu tri thức và luôn luôn hết lòng phụng sự các bậc thiện hữu tri thức
để được học hỏi, nhằm trau dồi trí tuệ đến chỗ thấy biết chân thực hoàn toàn đối
với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, đối với các pháp sinh diệt và không sinh
diệt.
Với chất liệu đại bi, Bồ tát Tất đạt đa đã thực tập sự thương yêu và trân quí
những gì tốt đẹp vốn có nơi tự thân, vốn có ở nơi mọi người và muôn loài. Bồ tát đã thực tập sự thương yêu chân thực từ một người cho tới
nhiều người, từ một loài cho đến muôn loài và thương yêu và bảo vệ ngay cả cỏ
cây, hoa lá, núi rừng biển cả và thiên nhiên.
Và
viên thành đại hạnh là do từ đại nguyện ấy, Bồ tát Tất đạt đa đã trải qua vô
lượng vô số kiếp, tinh cần ngày đêm không biết mỏi mệt để biến đại nguyện trở
thành hiện thực của đại hạnh. Nghĩa là nguyện bao nhiêu thì
hạnh bấy nhiêu. Đối với Bồ tát, nguyện và hạnh không hề
tách rời nhau, dù chỉ là khoảnh khắc. Vì vậy, đối với
Bồ tát, nguyện là hạnh và hạnh là nguyện. Đối với bản thân, Bồ tát có bao
nhiêu phiền não, thì có bấy nhiêu hạnh và nguyện để đoạn trừ và dứt sạch. Đối
với chúng sanh có bao nhiêu loài đang bị khổ đau, thì bồ tát có bấy nhiêu hạnh
nguyện, phương pháp và hình tướng thích ứng để giúp chúng sanh nhiếp phục và
chuyển hóa những nguyên nhân tập khởi khổ đau ấy, khiến cho những tập khởi khổ
đau của họ không còn, tâm của họ được an trú vững chãi ở trong sự rỗng lặng của
Niết bàn tuyệt đối. Nguyện đưa tất cả chúng sanh vào ở trong sự rỗng lặng của
Niết bàn tuyệt đối gọi là đại nguyện hay viên thành đại nguyện. Nếu nguyện mà
thiếu nội dung ấy, thì không thể gọi là viên thành đại nguyện. Nguyện cho mình thành Phật và nguyện cho hết thảy chúng sanh cũng
đều thành Phật, nguyện như vậy gọi là viên thành đại nguyện.
Biến đại nguyện ấy trở thành đại hạnh. Hạnh và nguyện
ấy không hề rời nhau trong mỗi tâm niệm và trong mọi biểu hiện của mọi động tác,
gọi là đại hạnh hay viên thành đại hạnh của bồ tát.
Vậy, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm
ngày Bồ tát Tất đạt đa viên thành đại nguyện và đại hạnh ấy của tâm bồ đề.
3-
Kỷ niệm ngày vị Bồ tát chứng nhập viên mãn Phật tam thân:
Phật tam thân gồm: Phật pháp thân, Phật báo thân và Phật ứng hóa thân.
Phật pháp thân, nghĩa là bản thể thanh tịnh, không sinh, không diệt của vạn pháp
là thân của Phật. Thân ấy của Phật siêu việt đối với mọi không gian và đối với
mọi thời gian, nên thân ấy đối với mọi không gian và đối với mọi thời gian nó
vẫn nghiễm nhiên thường tại.
Phật báo thân, nghĩa là thân thể của Phật là do tu tập giới, định, tuệ và các
pháp lục độ, nên đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc thuộc về dục lậu, hữu lậu,
vô minh lậu. Vì vậy, báo thân của Phật là thân viên mãn của
các pháp thuộc về phước đức và trí tuệ vô lậu. Thân ấy
cũng là thân thường tại không sinh diệt.
Nó không sinh diệt, vì nó là kết quả tựu thành từ các pháp vô
lậu.
Phật ứng hóa thân, nghĩa là thân thể của Phật sinh khởi từ đại nguyện và đại
hạnh để giáo hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Thân ấy biểu hiện qua
nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo y báo và chánh báo
của chúng sanh trong từng thế giới mà Phật biểu hiện thân thể thích ứng theo
từng chủng loại để hóa độ. Thân nầy biểu hiện đầy đủ các mặt gồm: Đản sanh,
Thành đạo, Chuyển Pháp luân và Niết bàn.
Chư Phật trong ba đời và mười phương thế giới, kể từ khi các Ngài phát tâm bồ đề
hành bồ tát đạo, cho đên khi viên thành đại nguyện và đại hạnh, tức là các Ngài
đều chứng nhập Phật pháp thân thanh tịnh, viên mãn Phật báo thân và có khả năng
biểu hiện muôn ngàn ức thân hay vô lượng thân tướng theo hạnh và nguyện để giáo
hóa chúng sanh. Do đó, bất cứ bồ tát nào khi thành tựu bậc Toàn giác đều có đầy
cả ba thân như vậy.
Nên, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa
thành Phật, chính là kỷ niệm ngày Bồ tát thành tựu ba thân ấy vậy.
4-
Kỷ niệm ngày ánh sáng Trí tuệ, Từ bi và hòa bình xuất hiện và tỏa chiếu cùng
khắp:
Ngày thành Phật của Bồ tát Tất đạt đa không những quan trọng đối
với Tăng Ni Phật tử chúng ta, mà còn quá ư quan trọng đối với tất cả nhân loại
và muôn loài.
Tại sao? Vì đối với Tăng Ni Phật tử, chúng ta có một
bậc Thầy giác ngộ hoàn toàn, một bậc Đạo sư có đầy đủ trí tuệ, Từ bi và hùng lực
để dẫn dắt chúng ta vượt qua biển đời sinh tử để đi đến nơi hạnh phúc tịnh lạc
của Niết bàn tuyệt đối.
Đối với nhân loại, Ngài là một bậc Đạo sư, đầy đủ Trí tuệ và Từ
bi đã công bố giáo pháp đem lại hòa bình an lạc cho nhân loại. Như ông Ban ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói trong
Thông điệp Đại lễ Vesak 2008 như sau: “Hơn hai ngàn năm trăm năm qua, những lời
dạy của đức Phật vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời
của hàng trăm triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak là
cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời nêu cao
giáo lý Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Ngài đã thuyết giảng,…”
Như vậy, đối với nhân loại, ngày Bồ tát Tất đạt đa thành đạo chính là ngày thành
tựu đời sống hòa bình, đời sống của trí tuệ và từ bi, đồng thời cũng là ngày
công bố giáo lý hòa bình và đời sống ấy cho nhân loại bằng chính con đường mà Bồ
tát Tất đạt đa đã chứng nghiệm và giác ngộ hoàn toàn.
5-
Kỷ niệm ngày mở ra cách nhìn mới cho nhân loại:
Ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật ở nơi cõi Ta ba nầy là mở ra cho nhân loại một
cách nhìn mới, một cách tư duy mới, một cách phát ngôn mới, một cách hành động
mới, một cách sống mới, một cách nỗ lực mới, một cách ghi nhận mới và một cách
trầm tĩnh mới.
Cách nhìn mới là cách nhìn không bị rơi vào những cục bộ phiến diện do sự điều
động bởi những nhận thức sai lầm từ một bản ngã phàm tục hay siêu nhiên.
Cách nhìn mới ấy, là cách nhìn thấy rõ mọi sự hiện hữu trong sự tương quan duyên
khởi. Một sự hiện hữu có mặt trong mọi sự hiện hữu và mọi sự hiện hữu đang
dung chứa ở trong một sự hiện hữu. Chúng hiện hữu với nhau trong sự dung
thông toàn thể, sống động mà không có bất cứ một cá thể nào có thể tồn tại độc
lập. Sự tồn tại của một cá thể độc lập kể cả cá thể siêu nhiên chỉ là những ý
niệm điên đảo vọng tưởng, chúng khởi lên từ tâm thức yếu hèn, hay tâm thức đầy
cao ngạo và mù quáng.
Tư duy mới là tư duy không thiết lập trên nên tảng hữu ngã mà
trên nền tảng của các pháp duyên khởi vô ngã, để chứng nghiệm tự tánh viên thành
nơi vạn hữu.
Cách phát ngôn mới là cách phát ngôn không quay về cho bản ngã hay cho bất cứ
một cá thể nào mà chỉ nhắm tới hiển thị sự thực làm lợi ích cho toàn thể.
Cách hành động mới không phải là cách hành động nhắm tới lợi ích
cho cá nhân mình mà cho tất cả mọi người và muôn loài. Cách
hành động ấy có khả năng làm ngưng chỉ những nguyên nhân sinh khởi khổ đau và là
động cơ dẫn sinh mọi đời sống an lạc.
Cách sống mới là cách sống giản dị mà sâu lắng, đơn giản mà thanh cao, không đặt
đời sống của mình trong tháp ngà ảo vọng mà đặt đời sống của mình liên hệ đến
nhân quả tốt đẹp không phải chỉ đời nầy mà cả nhiều đời về sau; không phải chỉ
biết đặt sự liên hệ đời sống của mình trong một phạm trù mà là toàn thể và không
đặt sự tồn tại sinh mệnh của chính mình ở trong ngũ dục mà ở trong sự tịch tịnh
các dục.
Cách nỗ lực mới là nỗ lực nhìn thấy sự thực của khổ đau mà chuyển hóa những
nguyên nhân của nó, chứ không phải nỗ lực tránh né hay khắc phục hậu quả khổ
đau; nỗ lực mới là nỗ lực phát huy những tiềm năng tốt đẹp vốn có và nỗ phát huy
những tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo; nỗ lực mới là nỗ lực khơi mở và yểm trợ cho
những người khác nhận ra được tiềm năng tốt đẹp vốn có của họ và giúp cho họ
phát triển tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo, để cho tất cả thế giới đều được sống ở
trong thế giới toàn hảo và được bảo chứng bởi những chất liệu toàn hảo mà do
chính hành động tốt đẹp của mỗi người tạo ra cho mọi người và mọi người tạo ra
cho mỗi người.
Cách ghi nhận mới là cách ghi nhận không lầm lẫn giữa cái nầy với cái kia, giữa
tác nhân nầy với tác nhân kia, giữa tác duyên nầy với tác duyên kia, với bản
chất nầy với bản chất kia, với hiện tượng nầy với hiện tượng kia,…với cách ghi
nhận mới như vậy, chúng có tác dụng tạo ra sự trầm tĩnh sâu lắng cho tâm ta,
khiến cho tâm ta càng lúc càng vững chãi, không bị tác động bởi những hấp dẫn
của ngũ dục thế gian. Sống ở đâu, lúc nào và tiếp xúc với ai cũng có ý thức sáng
trong, tự chủ và tĩnh tại.
Bởi vậy, ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa đã mở ra cho nhân loại một kỷ
nguyên mới về sự hiểu biết, về hành động, cách phát ngôn,… tất cả đều chuyển tải
nội dung của trí tuệ và từ bi toàn hảo, đem lại sự an lạc và hòa bình cho những
ai, cho những cộng đồng nào biết chấp nhận và sống bằng đời sống có nội dung của
chất liệu ấy.
Không có ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa, sẽ không có sự kiện chuyển Pháp
luân của Ngài ở vườn nai, và ở trên đời nầy không bao giờ có Phật, Pháp, Tăng
xuất hiện một cách toàn vẹn đầy đủ cả sự và lý làm chỗ nương tựa an ổn cho chư
Thiên và loài người trong biển đời sinh tử.
Vì
vậy, kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, Tăng Ni Phật tử chúng ta, không
phải chỉ kỷ niệm suông trên ngôn ngữ, trên những hiểu biết tri thức hay trên
những biểu hiện lễ nghi trống rỗng mà phải từ nơi niềm tin chân thực và trái
tim
bồ đề của chúng ta. Và chúng ta càng không nên biến ngày ấy
trở thành một ngày lễ hội mà phải biết biến ngày ấy là ngày của chánh kiến,
chánh trí và chánh giải thoát.
Hãy giải thoát cho nhau thoát khỏi những ràng buộc của tham sân si, cố chấp và
tà kiến; hãy mở ra cho nhau những buộc ràng vô lối, những qui ước phàm tục và
hãy hiến tặng cho nhau những tự do căn bản và tối thiểu của tâm hồn, để từ đó
cùng nhau tu tập bước tới địa vị giác ngộ toàn hảo, đem lại lợi ích cho hết thảy
muôn loài.
Chúng ta nỗ lực thực tập và nguyện sống với những gì cao quí của
hạnh và nguyện như thế là chúng ta đã làm cho ngày thành đạo của đức Thế Tôn
chúng ta hiện hữu một cách sống động và thực tế. Ngày
cao quí ấy đã, đang và sẽ đến với chúng ta và chúng ta cũng đã, đang và sẽ đi
đến với ngày ấy một cách toàn hảo không phải chỉ thuần túy bằng đức tin mà bằng
chính hành động “quên mình giữa tất cả mọi người của chúng ta”.