Tác giả:
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Mười ba tiểu thuyết, bốn
tập truyện ngắn, hai kịch bản truyền hình dài 70 tập với hơn 10 năm vào nghề văn
chương là “bản thành tích” quá… già so với một nhà văn trẻ ngoài 40 tuổi. Bùi
Anh Tấn nổi tiếng với các tiểu thuyết về đề tài đồng tính, như cuốn Một thế giới
không có đàn bà đã được giải A cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn và Bộ Công an
tổ chức từ năm 1999 đến 2001. Không chỉ thế, anh có các tiểu thuyết lịch sử về
Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, các đề tài tôn giáo (Không và sắc) và mới ra lò
cuốn tiểu thuyết Tin mừng. Anh say mê ba mảng đề tài nhạy cảm: đồng tính, tôn
giáo, các nhân vật lịch sử gây tranh cãi…
Theo anh, vì đâu những vấn đề rất thông thường về
giới tính, lịch sử và tôn giáo lại trở thành những vấn đề nhạy cảm trong đời
sống sáng tác văn học?
Văn học nước ta còn thiếu trầm trọng những sáng
tác về đề tài tôn giáo. Có lẽ sa vào sẽ gặp nhiều khó
khăn nên người ta lảng tránh. Không khí xã hội có lúc không thuận lợi lắm.
Ngại ngùng. Kinh sách bây giờ in nhiều, nhưng tác phẩm
văn học hóa không có cho người bình thường.
Thường là có hai trạng thái: người xuất thân tôn giáo viết dễ rơi vào hào quang
thần thánh hóa, phi lý; người không am hiểu thì thiên kiến, phê phán không đúng.
Vậy sao anh là một trung tá công an lại "lọt vào"
được thế giới khó khăn đó và viết trong sự đam mê say đắm?
Với tôi, về tổng thể, tôn
giáo là tốt. Tôi là người cầm bút, nên có
nhiệm vụ là "cái gì là sự thật của nó thì trả lại cho nó". Tôi kính trọng cả Chúa, cả Phật và muốn viết để chia sẻ nhiều góc
nhìn cụ thể về những vấn đề còn chìm khuất trong lịch sử.
Chỉ đơn thuần là để hiểu biết lĩnh vực, nhà văn
có nhiều cách đi thực tế, sao anh lại kỳ công đến mức theo học hẳn một khóa bốn
năm về Phật học chỉ để sáng tác cuốn Không và sắc?
Có lẽ phải nói đến chữ
duyên. Từ nhỏ đi học, tôi đã có đam mê về tôn giáo,
thích suy ngẫm về ảnh hưởng đặc biệt của tôn giáo đối với đời sống con người.
Sau này khi đến với văn chương, phải đi tìm cái mới, con đường chưa ai đi, chưa
có lối mòn - nguyên tắc của sáng tạo đã giúp tôi chấp nhận thách thức, đó là
phải cực kỳ am hiểu, như một chuyên gia trong lĩnh vực, vượt qua bằng sự kiên
nhẫn, học, đọc, suy nghĩ...
Anh còn trẻ, một chàng trai chưa có gia đình
riêng, không theo tôn giáo nào, người ngoại đạo. Sao
anh có thể viết rất sinh động về cuộc sống của Á Thánh André Phú Yên, ở thế kỷ
XVII, được kể như vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam, bị hành
hình năm 19 tuổi? Anh không sợ quá sức mình sao?
Sợ chứ. Sợ nhất khi viết sách là không
xuất bản được, chứ không sợ khó khăn khi viết. Đề tài tôn giáo bản thân
đã có nhiều vấn đề nhạy cảm, mình lại không là dân theo
tôn giáo nào, dễ bị soi lắm. Người trong tôn giáo thường hỏi tôi: "Anh viết gì,
anh biết gì về chúng tôi?". Họ vừa tò
mò, vừa hoài nghi. Khi tôi tặng sách, các cha Dòng Tên nói rằng linh mục,
giáo dân viết thì chúng tôi không thắc mắc gì, nhưng với anh thì chúng tôi muốn
biết anh viết gì. Tôi nói về vị trí quan sát tỉnh thức với tinh thần và cái tâm
trân trọng sự thật.
Sách anh viết dạng tiểu
thuyết tư liệu. Vừa hư cấu vừa trung thành với sự thật của tư
liệu, anh theo phương pháp sáng tác nào?
Tôi không trả lời được. Viết là viết, không đặt ra phương pháp, không đề
cương. Khó nhất là tìm tên cho tác phẩm. Khi tìm được rồi thì nó như
cánh buồm dắt tôi cứ thế đi theo.
Nghĩ gì, cứ nói hết là cũng xong tiểu thuyết.
Có gọi điều không phương
pháp đó là "phương pháp Bùi Anh Tấn" được không?
Không có. Tin mừng có sự thật tư liệu,
Không và sắc hư cấu 100%.
Các tiểu thuyết đồng tính cũng hư cấu. Còn cuộc sống
của các nhân vật như Nguyễn Trãi, có cả sự tái hiện lại đời sống, mối quan hệ
thời vua chúa...
Phải hư cấu tái hiện cả cuộc đời, lời ăn tiếng
nói, trong khi sử liệu để nghiên cứu không có nhiều miêu tả chi tiết, vậy các
nhà văn có sợ làm sai lệch lịch sử không?
Không. Phải tìm ra cái chuẩn.
Viết về con người, thời đại, không khí,... chứ không
phải chép sử. Nhiều người viết đề tài lịch sử theo kiểu
mượn A nói B. Tôi theo cách khác. Tôi cố bám trung thành với
lịch sử, làm sống lại nhân vật, không thêm sự kiện nào không có. Các chi
tiết như cha Alexandre de Rhôdes ôm André Phú Yên trước lúc bị hành hình, mang
cả cái đầu của André theo mình sang Roma đều là sự thật, tôi chỉ tái hiện khung
cảnh và tính cách nhân vật diễn biến theo những dữ kiện lịch sử để lại.
Nhà văn trẻ Bùi Anh Tấn, Tranh Hoàng Tường
|
Trước anh, đã có ai viết về câu chuyện này chưa?
Hơn 500 năm đạo Thiên
Chúa vào Việt Nam, sử viết nhiều, sách của các nhà thừa sai viết cũng nhiều. Mối quan hệ của vợ Chúa Nguyễn, quan hệ của
Alexandre de Rhôdes với André Phú Yên có những tư liệu ghi lời kể của giáo dân,
nhưng viết thành tác phẩm văn học, có đời sống, thì cuốn tiểu thuyết Tin mừng
của tôi là lần đầu tiên.
Viết các tác phẩm nhạy cảm như thế, anh muốn gửi
thông điệp gì cho người đọc?
Mỗi loại có một chia sẻ riêng: hiểu xuất xứ tôn
giáo đó vào Việt Nam như thế nào không bằng sử liệu khô khan, và những con người
hy sinh cho đức tin, như bà chúa Minh Đức, Alexandre de Rhôdes, André Phú Yên mà
nay không ai biết tên thật, xuất thân cụ thể... (Tác phẩm Tin mừng). Sự thay đổi,
xáo trộn của đạo Phật ở Huế một thời kỳ, thông qua thay đổi tâm lý của một thanh
niên trước khi đi tu (Tác phẩm Không và sắc).
Tâm thế người trí thức tham gia một cuộc chiến và trả giá (Nguyễn Trãi).
Vị vua không say đắm quyền lực, ngao ngán thời cuộc (Trần Nhân Tông). Chia sẻ
thân phận con người, những mảnh đời không may mắn (loạt tác phẩm về đồng tính)...
Theo anh, những người đồng tính là không may mắn
hay là chỉ có cuộc đời không bình thường thôi?
Không may mắn nên mới phải đấu tranh đòi sự đối
xử bình đẳng, sống không phải giấu giếm. Không phải què chân cụt
tay mà lại không hòa nhập với số đông được, không được xã hội thừa nhận.
Chưa có người đồng tính nào nói rằng đời họ hạnh phúc cả.
Một số nước không thừa nhận, một số nước coi như ma quỷ, tội lỗi, ngay hôm nay
còn hình thức treo cổ, ném đá. Ngay xứ phát triển như
Mỹ cũng có nơi thừa nhận, nơi không, còn vật lộn, không hề đơn giản. Ở
nước ta, đối xử nhân văn, không xâm phạm, nhưng vẫn chưa có sự chấp nhận cụ thể
nào về chính sách cả. Phải thừa nhận là trong thực tế, có cộng đồng người đồng tính ở Việt
Nam.
Nghĩa là bây giờ người
đồng tính có vẻ nhiều?
Tôi cũng thử suy xét tự
lý giải trong quá trình mình tiếp xúc với nhiều người đồng tính. Thấy có nhiều trong giới nghệ
sĩ, người làm nghệ thuật và quảng cáo truyền thông. Tất nhiên không kể
những người "mắc phải" do đua đòi trào lưu gây sự chú ý nhất thời. Tôi còn thấy một thực tế đáng chú ý là, người đồng tính ở thành phố
nhiều hơn nông thôn, còn miền núi hầu như không có.
Hay đó là một biểu hiện nữa của đô thị hiện đại?
Theo tôi chưa chắc. Vì
theo
một số nghiên cứu thì tự nhiên đã phân bố rồi, có người đưa ra con số tỷ lệ
người đồng tính trong dân cư là từ 1 - 10% cho các vùng miền như nhau, không kể
nông thôn hay thành thị (tôi chưa rõ cơ sở tính toán nào).
Nhưng tại sao chúng ta thấy có nhiều ở thành phố?
Có thể vì ở đô thị con người có điều kiện hơn để bộc lộ chính mình.
Còn nơi không có nhiều hoạt động, không có nhiều cơ hội bộc lộ, người đồng tính
vẫn lập gia đình, có con cái, lo mưu sinh khuất lấp, sắc thái cá nhân nhanh
chóng bị nhấn chìm.
Lại có những lý do về thời đại. Trước đây nhiều
thành kiến, ít hiểu biết, người đồng tính cam chịu âm thầm, không dám bộc lộ,
nay tự do cá nhân bắt đầu phát triển, người ta muốn sống là chính mình. Một lý
do nữa để ta biết nhiều đến họ là tâm lý thông thường: hàng trăm sự kiện bình
thường không ai nhớ, nhưng "sự lạ" hai người đàn ông hay hai phụ nữ yêu nhau thì
thấy lạ, đi kể khắp nơi, thành nhiều.
Theo anh, bây giờ đã có thể coi đồng tính là hiện
tượng đã được nhìn đúng trong xã hội chưa?
Có lẽ đây là điều khiến
cho sau khi tác phẩm của tôi gây tiếng vang trong dư luận cách nay ít năm, nhiều
hãng thông tấn nước ngoài phỏng vấn tôi. Đủ hết, từ BBC, RFI, hãng phim của Nhật,
các tạp chí của Đức, tạp chí Time... Việc tác phẩm của
tôi được trao giải thưởng chứng tỏ có sự cởi mở của xã hội Việt Nam về cái nhìn
với hiện tượng đồng tính.
Cụ thể, cái nhìn ấy thế nào (vì dù sao, luật hôn
nhân gia đình vẫn cấm kết hôn và giấy chứng minh nhân dân vẫn chỉ khai hai giới
tính)?
Nếu bạn tìm hiểu lịch sử
thì sẽ thấy, đồng tính có từ bao giờ?
Từ khi có con người, nhưng không biết tại sao. Mấy chục vua
Trung Quốc rất "mê trai", hoàng đế Caesar, một số nhà triết học lớn là dân đồng
tính. Các tôn giáo ra đời đều nói chứa chan yêu thương nhưng chưa dung
nạp nổi. Trong lịch sử loài người, khi tôn giáo và nhà nước ra
đời là đối đầu với đồng tính, đe dọa đời sống của cá nhân họ.
Cho đến nay, một số nơi rất hiếm trên thế giới cho phép kết hôn, nhưng nhìn
chung
vẫn cấm.
Những thế kỷ trước coi
những người này như tội phạm, dùng nhà tù, ném đá, treo cổ, nay vẫn còn. Ở Việt
Nam, dù sức ép lớn của quan niệm, nhưng không có bạo hành.
Không thích thú vui vẻ nhưng nhân ái. Không ai "chửi"
tôi sao viết văn "tuyên truyền đồng tính", mà hoan nghênh.
Người đồng tính và cả người viết văn về đồng tính ở Việt Nam đều yên tâm.
Vậy sao nhiều người đồng
tính còn sống đau khổ vậy? Chính anh cũng "cứu" được mấy vụ sắp tự tử phải
không, anh nói gì với họ?
Tôi chỉ dùng tình cảm
chân thành khuyên nhủ, như một người bạn thấu hiểu, có mặt lúc họ cô đơn tuyệt
vọng. Đồng tính vẫn còn là vấn đề mở. Thế giới
vẫn tiếp tục nghiên cứu về gien, nhiễm sắc thể, môi trường. Để xóa được
các quan niệm coi đồng tính là sự lệch lạc, xấu xa, bệnh hoạn, bẩn thỉu tình
dục, loài người còn phải vật lộn với suy nghĩ, quan niệm của mình...
Đi vào vũ trụ, khám phá, đừng quên nỗi niềm người hàng xóm.
Không phải thương hại.
Họ cũng là công dân, lao động, đóng thuế, không đe dọa
xã hội, không liên quan đến bản sắc văn hóa. Hãy coi đó là
việc riêng.
Có thời kỳ tiểu thuyết Một thế giới không có
đàn bà của anh mới ra, anh nổi tiếng và có bao nhiêu người đồng tính tìm đến
chia sẻ câu chuyện của họ. Anh trở thành một chuyên gia, nhiều nơi mời giao lưu,
tư vấn. Một lĩnh vực không ai cạnh tranh. Sao anh không
viết tiếp về đồng tính, đề tài vẫn ăn
khách?
Tôi cho ra mắt tác phẩm Bí mật hậu cung
nhìn đồng tính thoáng và lùi lại tận thời Lý Thường Kiệt, có cái nhìn mới chứ
lẩn quẩn yêu, khóc, hận thù... thì xưa rồi, không đủ khiến tôi say mê viết nữa. Khi viết là hai mươi bốn giờ phải sống với nó, nghĩ liên tục về nó,
mới ra nhiều vấn đề. Gửi bản thảo đi rồi, tôi nghĩ chắc
sẽ có ít nhất nửa năm khoảng trống nghỉ ngơi yên ổn.
Nhưng rồi tôi phát hiện ra chính thời gian không viết là khổ nhất, vật vờ.
Khi nghĩ ra cái gì đó, vớ được rồi, hùng hục viết mới là bình thường.
Vậy Tin mừng ra mắt công chúng và nhận nhiều phản
hồi rồi, anh lại đang bị ám ảnh bởi đề tài gì?
Tôi đã đăng ký viết về
"Đệ tứ Cộng sản Tạ Thu Thâu" và đang tìm hiểu về tổng thống Việt Nam Cộng hòa
Nguyễn Văn Thiệu. Tôi sẽ không theo kiểu người chiến thắng nhìn người thua cuộc.
Mà viết dưới tâm thế một nhân vật đứng bên trong thể chế Việt Nam Cộng hòa. Tôi muốn tìm ra cả cái tốt lẫn cái xấu trong bất cứ người nào, dù là
họ sai lầm.
Từng làm công tác bảo vệ văn hóa, "anh công
an" có kiềm chế nhắc nhở gì "anh nhà văn" trong anh không, nhất là khi
viết các vấn đề nhạy cảm?
Học hết cấp 3 gia đình sợ tôi đi tu (một ông thầy
nhận cho vào chùa) nên động viên tôi vào công an. Thực sự tôi biết ơn ngành đã
cho tôi lớn lên, cứng cáp, cho tôi cái nhìn hiểu biết để vào đời.
Tôi vẫn nghĩ "nếu không có kỷ luật, mình sẽ là thằng phá phách".
Tôi đã từng trải qua những năm tháng tiễu phỉ, công tác ở Campuchia.
Ừ, mình là anh công an nhưng chưa bao giờ có ai trong ngành nhắc nhở, chỉ bảo
viết cái gì. Tạng tôi chưa bao giờ viết anh hùng ca. Tôi thấy mình tự do
khi viết, cho thỏa lòng mình. Cũng có lúc hối tiếc muốn viết gì cho ngành...
Nếu bây giờ sửa cái hối tiếc đó, viết gì đó cho
ngành, anh sẽ viết gì?
Viết về anh cảnh sát khu vực. Có hai lực lượng
phô bày ra trực tiếp - như "bộ mặt" của ngành công an
- là cảnh sát giao thông và cảnh sát khu vực. Đời sống của họ cực kỳ phong phú, các mối quan hệ, đan xen xấu tốt
nhiều lắm.
Vừa là nhà văn, vừa quản lý, anh là trưởng chi
nhánh phía Nam của NXB Công an Nhân dân, có đối chọi nhau không?
Cho tôi thành thực thì anh nhà văn "ăn
cắp" công việc của anh quản lý về thời gian và tâm trí. Một nhà văn làm quản lý là dở và khổ.
Tính tình phất phơ, quan hệ tế nhị trên dưới không quan tâm, xin xỏ
năn
nỉ không phù hợp, ai hiểu thì bỏ qua không chấp, không thù.
Tôi kết luận là đừng giao nhà văn làm quản lý. Nếu có Ban sáng tác như
bên quân đội thì hợp với tôi hơn. Nhưng tôi phải cố xác định văn chương là
chuyện cá nhân, còn con người cán bộ nhà nước thì phải hành xử trọn vẹn những gì
Nhà nước giao.
Anh tự nhận mình - mà tôi thấy giống như Nguyễn
Khải tự nhận - là sống nhạt, không đam mê, chỉ mê viết thôi. Nguyễn Khải cũng
viết nhiều về tôn giáo và nói mình hay bị nhầm với thầy tu.
Anh thì bị dư luận đặt dấu hỏi về giới tính, vì hiểu biết như một người trong
cuộc. Anh có sợ bị hiểu như vậy không?
Sợ đã không viết. Bạn
đọc hỏi nhiều rồi. Tôi bây giờ không trả lời câu hỏi về
giới tính của mình nữa. Phải chứng minh mình là ai thì
khổ sở quá. Tôi không phản ứng, thanh minh tranh luận,
mà rất thoải mái, ai nghĩ thế nào không quan trọng.
Anh nghĩ gì về hiện tượng đạo Phật phát triển
sang phương Tây và nhiều doanh nhân say mê nghiên cứu Phật giáo?
Đạo Phật quan tâm phát triển năng lực tâm linh,
bản thân tự giải thoát của con người. Tôn trọng con người, hướng thiện, hiểu
biết. Doanh nhân tìm được triết lý sống hài hòa trong xã hội
khốc liệt. Họ thiền, đi chùa, bình an sau những
tính toán bạc tỉ. Xả cho bản thân buông lỏng, nghe một khúc nhạc, không nhiều lễ nghi.
Tôn giáo sẽ còn mãi với con người. Đó là nhu cầu tâm
linh, niềm tin, ước nguyện nằm trong mỗi cá nhân. Không
phủ nhận, trả nó về vị trí đúng thì nó sống lại bình thường.
Người suốt ngày đọc, đi mướn phim hoạt hình về
giải trí, người ta tưởng mướn cho con, viết ngay cả lúc chờ ở sân bay, sợ phim
hình sự... Vậy anh lấy đâu ra thực tiễn của giới người mẫu, chân dài để viết
kịch bản những phim kiểu Bước chân hoàn vũ?
Cũng phải đến quán bar ngồi quan sát, chứ tiếp
xúc những người quen trong giới ồn ào quá, tôi không chịu nổi.
Anh thấy tình hình xuất
bản và văn chương sách vở có khó khăn như khủng hoảng kinh tế không?
Khủng hoảng kinh tế ảnh
hưởng tới việc người ta ít bỏ tiền ra mua sách hơn, đó là chưa nói tới sự thoái
trào, sách bị cạnh tranh mạnh mẽ từ những phương tiện nghe nhìn. Người Việt Nam khá lười đọc
sách. Thử đi xa, ra các sân bay, toàn thấy người nước ngoài đọc sách, còn
người Việt thì chỉ tán phét, gọi điện thoại, lầu bầu kêu sốt ruột. Sự quan tâm
của giáo dục, của Nhà nước đến sách vở ít quá, không có chính sách đầu
tư. Hội Nhà văn đưa tiền đầu tư manh mún, người có
người không. Mở trại sáng tác cũng thu về ít tác
phẩm giá trị. Cần có một hội đồng thẩm định các tác phẩm.
Chỉ cần có chính sách giảm giá sách thôi, chứ không cần cho.
Một năm đất nước tổ chức bao lễ hội, vung vãi hàng tỉ đồng, mà đạo đức xuống
cấp, không có thành tựu lớn về văn hóa, suốt ngày hò hét GDP.
Làm xuất bản, thấy áy náy lắm, một xã hội vậy, không biết sẽ
đi về đâu.
Là người trong nghề xuất bản, anh chọn sách để
đọc như thế nào?
Tôi mê sách nghiên cứu. Đặc biệt là ba bộ kinh
Phật: Kinh Kim cương, Hoa nghiêm, Duy thức học. Đầu giường lúc
nào cũng vài chục cuốn sách thông thường, đọc đêm khuya đi ngủ, không có giá trị
gì nhiều, giải trí đời thường.
Còn đọc đúng nghĩa phải nghiêm túc, ghi chép. Tôi hay
kẹp mẩu giấy ghi chép vào các trang sách. Sách văn học thì đọc sáng tác của bạn
viết, hoặc những cuốn có dư luận. Chọn mua sách thì để ý tên nhà xuất bản, tên tác giả chứ không bị
hấp dẫn bởi bìa rực rỡ, các trích dẫn sau gáy. Báo chí khen ngợi, đánh giá kiểu PR cũng không tin chắc.
Xin cảm ơn anh.
·
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần