Lời đầu truyện:
(với lòng tôn vinh và tán thán công đức của vị Bồ tát tại gia Phạm Đăng
Siêu, ngoài những sự kiện chính thức- người viết xin phép được lồng vào truyện
những chi tiết mang tính hư cấu trong ít nhiều hoạt cảnh để thêm chút thi vị,
rất mong được sư cảm thông của đại gia đình Phạm Đăng vả các bậc trưởng lão độc
giả)
SỐNG VÌ NGƯỜI
Ngược dòng thời gian vào mùa hè năm 1920 cả thành phố
Huế như cong mình hứng chịu cái nắng chang chang với cái nóng khủng khiếp; mọi
người ai cũng ngại phải đi lại trong không gian oi ả, chỉ có các chú ve sầu là
siêng năng trong dàn nhạc hợp tấu bản trường ca mùa phượng nở.
Từ phía Phu Văn Lâu đi ngược lên qua cầu Bạch Hổ chưa
đầy trăm mét chúng ta thấy về phía tay phải một tòa phủ đệ trang nghiêm với
chiếc cổng tam quan trầm mặc đứng giữa một vòng la thành kín đáo, phía trên vòm
cổng là tấm bảng khắc bốn chữ “Đức Quốc Công” uy nghi bề thế - đây là phủ đệ và
Từ đường của quan Đại thần Quốc trượng Phạm Đăng Hưng – bậc nghiêm phụ của Thái
hậu Từ Dũ - vị hoàng phi sủng ái của vua Thiệu Trị.
Vào khoảng 12 giờ trưa của một ngày đầu tháng tư, từ
cánh cổng phụ bên trái của phủ “Đức Quốc Công” một cậu bé vào khoảng 8 tuổi mặt
mày thông tuệ và đặc biệt là đôi mắt sáng như hai vì sao lách mình ra khỏi cửa
phủ, hai tay cậu khư khư ôm một cái hũ đất (loại hũ hình trái ấu đựng nước mắm
Phú Quốc) chạy như bay băng qua con đường lớn trước mặt phủ và cậu men xuống bờ
sông Hương ngồi bệt trên bãi cỏ thở dốc vì cái hũ quá nặng so với sức vóc và
tuổi tác; song trong đôi mắt trong veo ta thấy như cậu đang cười.
Với tâm trạng phấn chấn cậu ôm cái hũ đất đi lần xuống
mặt nước thận trọng dò dẫm lội ra xa; khi nước sông ngập ngang đầu gối cậu nhẹ
nghiêng miệng hũ sát mặt nước – từ trong hũ một bầy cá Tràu độ 10 con to bằng
bắp tay cậu bé trôi ra khỏi miệng hũ lao vào dòng nước tung tăng líu ríu quanh
chân cậu trước khi hòa nhập vào “thế giới tự do”. Cậu bé toét miệng cười sung
sướng, cầm chiếc hũ không nhẹ hẫng trên tay cậu lội vào
và ngồi bên mép sông nghịch nước mặc kệ nắng trên đầu và sức nóng lan tỏa cả
không gian quanh người.
Cậu Hai ơi! Cậu Hai ơi! Cậu đang chơi ở mô về ngay ông
bà đang cho tìm cậu… Ông Độ, người lão bộc lâu năm của phủ “Đức Quốc Công” đang
đi trên đường cái mắt nhìn bốn phía miệng không ngớt lời kêu tên cậu.
Hai, vâng cậu bé ấy có tên gọi theo
thứ tự trong nhà vì cậu là con thứ 2, bây giờ chúng ta gọi cậu bé nầy là Hai nhé.
Nghe tiếng gọi giật giọng của người lão bộc, Hai từ mé
nước tất tả chạy lên:
- Con ở đây nè ôn!
Người lão bộc mừng rỡ vì đã tìm ra vị tiểu chủ, ông ôm
cậu vào lòng miệng lẩm bẩm: “May quá, may quá, mà cậu
Hai đừng xưng con với tui mà bị “quở” chừ.”
- Không, con cứ xưng như rứa đó, ôn đừng sợ, mà con bị
“quở” chứ có phải ôn mô.
- Thôi, thôi, đừng lý sự nữa, tui biết rồi, đi mau về
kẻo bị la tề.
Hai ôn con rón rén bước vào cổng phủ đi vòng qua dãy
hành lang để vào nhà sau, bước lên bậc cấp để vào nhà,
Hai thấy cha mẹ đã ngồi trên trường kỷ tự bao giờ. Hai vòng
tay cúi đầu:
- Bẩm thầy mẹ con mới về.
- Con đi mô suốt buổi trưa làm thầy mẹ lo lắng?
- Dạ con… con…
Mẹ cậu ngắt lời:
- Đi thả cá phải không? Con có
biết số cá mạ “rộng” trong hồ là để nấu “ám” cho Thầy con thời không, con to gan
quá mà, thừa lúc cả nhà nghỉ trưa là con bỏ cá vô cái hũ trốn đi thả,
đây là lần thứ mấy rồi biết không?
Hai cúi đầu thật thấp trước cơn giận của mẹ cha và từ
tốn:
- Thưa thầy mẹ - bởi con thấy thương bầy cá quá, con xin
lỗi thầy mẹ con đã không nghỉ trưa.
Cha Hai nhìn con dịu giọng:
- Thầy mẹ biết con tuy còn bé nhưng đã có tấm lòng nhân
hậu, biết thương mọi vật, mọi loài; điều đó là rất tốt, nhưng cũng gây trở ngại
cho nhà bếp đấy con ạ, thực đơn của Thầy Mẹ dùng cho ngày nầy là phải chuẩn bị
từ hôm qua.
Hai nhìn cha mẹ ái ngại:
- Răng thầy mẹ ưa ăn
chi thứ cá phải gõ đầu nó rứa, con thấy tội nghiệp chúng nó không chịu nổi!
Mẹ Hai mỉm cười:
- Vì không chịu nổi nên chờ mọi người nghỉ trưa lén lấy
chứ chi nữa, đây là lần thứ 5 thầy con “thời” hụt món cá Tràu nấu ám.
Hai thấy mẹ không còn giận nữa nên cậu bé sà vào bên mẹ
cất giọng tha thiết:
- Mẹ ơi! Cho nhà bếp đổi món khác đi
mẹ, chứ thầy mẹ thời cái món mà phải chặt đầu lột da thì tội quá, chắc bị rứa
tụi cá nớ đau lắm mẹ há.
Mẹ Hai nhìn con rưng rưng:
- Con tui mới tí tuổi mà đa cảm quá, ừ thì mẹ sẽ đổi món
cho thầy để con khỏi chạy dang nắng rồi cảm sốt thì khổ lắm.
- Không cảm sốt chi hết, mẹ còn cho mua cá nớ là con còn
đi thả, mẹ đừng cho làm món đó, ăn vào là mang tội
nhiều lắm…
- Biết rồi “ông cụ non” à! Thôi
con ra nói ôn Độ tắm rửa thay áo quần vào phòng học bài hoặc là ngủ đi con.
Hai nhăn mặt:
- Con tự tắm được rồi mẹ nờ, đừng bắt ôn Độ tắm cho con
nữa, ôn già rồi tội ôn.
Mẹ Hai lẩm bẩm: Cấy chi cũng tội, thằng
ni sau lớn tha hồ cực thân…
Tuổi thơ của Hai cứ thế êm đềm trôi
bên gia đình thân yêu, bên thầy, bên bạn, bên lớp học yêu thương. Hai sớm
cảm thông và chia sẻ nỗi buồn khổ của những người xung quanh, là cậu Ấm nhưng
Hai chẳng bao giờ để cho kẻ hầu người hạ trong đại gia đình Phạm Đăng phải chăm
sóc phục vụ, tự cậu lo toan mọi việc cho bản thân, cậu lại còn lén cha mẹ đỡ đần
việc “lau bàn quét bụi” dùm cho người lão bộc đã gần giáp lục tuần, có món ăn
chi ngon phần cậu, Hai thường giấu mẹ đem cho các trẻ em nghèo nhà ở sau phủ đệ,
nhiều lúc còn chia cả giấy bút cho các bạn cùng lớp. Cậu gần gũi và thân ái với
tất cả mọi người – không phân biệt sang hèn cao thấp,…
Học hành vào loại giỏi, thông thạo hai ngoại ngữ Pháp, Hán nhưng lúc nào cũng
khiêm tốn…
Năm Hai lên 16 tuổi, nỗi đau lớn nhất của một đời người
đã đến với Hai, đến quá sớm làm Hai không gượng nổi - đó là sự ra đi vĩnh viễn
của người mẹ yêu kính, điểm tựa to lớn của người con không còn – Hai hụt hẫng
trong nỗi trống vắng, trong sự thiếu thốn bàn tay từ mẫu và Hai mất thăng bằng
một thời gian, sự học hành có phần sa sút, chểnh mảng vì suốt ngày thương nhớ
mẹ…
***
Bằng ý chí tự lập, ngoài 20 tuổi Hai đã chọn cho bản
thân con đường đi đầy vất vả là lao động ngoài đường phố (đi bán nhật báo) để tự
nuôi thân và huấn luyện sự kiên trì chịu khó, đây là công phu rèn luyện cho sự
hội nhập vào những cảnh ngộ khốn cùng sau nầy và chính vì sự “hành thân hoại
thể” mà theo quan niệm của các gia đình phong kiến Huế thì Hai mắc vào tội “làm
xấu hổ gia đình, bôi tro trát trấu vào gia tộc” - một gia tộc có người con gái
đang là “mẫu nghi thiên hạ”. Sau nhiều lần can ngăn khuyên bảo, Hai vẫn từ chối
cuộc sống được bảo bọc trong nhung lụa, và bước công danh đầy hứa hẹn trước mắt
để dấn thân trên bước đường khổ hạnh, cha Hai đã cương quyết đăng báo từ con.
Nguồn tin nầy đã làm ngỡ ngàng cho dư luận Huế lúc bấy giờ, không khí phiền muộn
bàng bạc trong gia đình gia tộc Phạm Đăng, cha Hai bị nhiều áp lực nên phải làm
cái việc “từ con”, song lòng cụ nhớ thương con vô cùng, ông càng khổ tâm trước
bao lời hỏi han của bà con bạn hữu, nhìn ánh mắt vừa sẻ chia vừa diễu cợt của
mọi người ông tự hỏi: Mình làm vậy đúng hay sai (?)
Sau nhiều tháng năm dấn thân trên bao nẻo đường đời bằng
sự lao động chân chính Hai đã tìm ra chân lý của cuộc đời, với vốn sống và sự
trải nghiệm qua bao lần va chạm tình đời, tình người Hai quyết định đem tình
thương và lòng vị tha phụng sự mọi loài mọi vật, trên đền ơn Tam bảo dưới chia
sẻ niềm đau cho đồng loại chúng sinh, bởi Hai là một người con Phật chân chính,
là đệ tử được thọ trì tam quy ngũ giới từ hòa thượng Kim Cang tức ôn Chơn Kim
trú xứ chùa Bảo Lâm.
Trong một buổi đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai tại một
vùng quê thơ mộng dọc bờ sông Hương có một ngôi làng mang tên Lương Quán, người
thanh niên đầy từ tâm này đã gặp cô thôn nữ Nguyễn Thị Thừa và hai người đã nên
duyên chồng vợ, năm ấy ông vừa tròn 27 tuổi, bây giờ ta gọi người thanh niên nầy
là ông Hai và cô thôn nữ là bà Hai.
Bà Hai là một lực đẩy, một thiện hữu
tri thức trong bước đường hành đạo của ông Hai. Sự thành công trong nhiều
hạnh nguyện của ông Hai đều có sự trợ lực của bà, ông thường nói về bà với sự
hàm ơn là – nhờ bà mà ông hành trì được hạnh nhẫn nhục… Cuộc sống vì mọi người
của ông Hai không vì vướng bận gia đình vợ con mà gián đoạn giải đải, trái lại
sự hoạt động từ thiện xã hội của ông càng mở rộng, có những lớp học dành cho bao
con em không có điều kiện đến trường mà ông là thầy giáo tại gia, ông vận đông
mọi gia đình tổ chức “hũ gạo tình thương” để giúp đỡ hàng tháng cho những người
nghèo khó cũng như hương thắp và dầu lửa để cúng dường cho các chùa ở miền quê
hẻo lánh không có thập phương hộ độ, xẻ áo nhường cơm cho bao gia đình nghèo
khổ, không hề phân biệt thành phần tôn giáo, chính trị tả - hữu gì cả. Ông Hai
cùng các thành viên cộng sự thường tổ chức những cuộc đàm đạo với các người bạn
thuộc các thành phần tôn giáo như Thiên Chúa và hội Thông Thiên Học tại tỉnh nhà
để tìm hiểu, để lý giải những vấn đề vi diệu về mọi giáo pháp, về sự liên quan
giữa con người và vũ trụ, về sự tái sinh, về luật nhân quả,…
Ông Hai với tâm niệm xả thân vì đạo pháp, là một sứ giả
hòa bình – ông như một người phi chính phủ - lúc đất nước đang còn phân chia Nam
– Bắc, ông vẫn ung dung thị hiện hàn gắn những vết thương từ thực thể đến tâm
hồn của chiến sĩ hai miền mà không bị ai làm khó dễ, với một con người như ông
Hai đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh; đi đâu, đến đâu ông cũng bằng
phong thái an nhiên tự tại, đơn sơ xuề xòa, khiêm tốn vị tha. Với bậc bề trên tôn túc trưởng lão giáo phẩm uy nghi ông Hai một
lòng quý kính quy phục, năm vóc kính cẩn tôn vinh.
Thời gian và lòng kiên nhẫn của ông Hai đã được đền bù –
gia đình đã hiểu hạnh nguyện cao cả của ông nên đã dang tay đón người con hiếu để trở về. Người mẹ yêu kính của ông
đã mỉm cười mãn nguyện bên kia
thế giới bởi đã có được phước báu vô lượng khi thai thành và dưỡng dục người con
tuyệt vời. Tuy lý tưởng vì mọi người quên mình đã là cách đền
ơn mẹ - nhưng ông không khỏi đau lòng vì thời gian dành cho mẹ mình quá ít thì
đã bị quy luật vô thường giã hợp chi phối.
Bằng tâm niệm hồi hướng phước báu cho mẹ để đền công ơn
sinh dưỡng ông Hai càng làm việc từ thiện tích cực hơn, năng nổ hơn; cuối thác
đầu gành trèo non lội suối ông đều không quản ngại ngoài sự thán phục việc làm
của ông thì cũng có kẻ cho ông là người điên – ông vẫn mỉm cười im lặng trước
mọi lời lẽ xúc phạm ông lặng lẽ:
“Tặng đời một chuỗi thương yêu
Nắng mưa gồng gánh mọi điều gian nan”
Càng lớn tuổi ông càng chạy đua với quỹ thời gian còn
lại không bao nhiêu - mà sự nghiệp phụng sự còn đòi hỏi ở ông nhiều công sức -
vì thế ông như không có khái niệm sáng tối trưa chiều, ông dốc toàn sức lực cho
công tác từ thiện.
Đạo nghiệp viên thành khi ông bước qua tuần bát thập và
an nhiên rũ áo từ giã cõi tạm để về miền an lạc vào cuối mùa xuân năm Giáp Tuất
ngày 12 tháng 3 (Dương lịch nhằm ngày 22 tháng 4 năm 1994) để lại niềm thương
tiếc cho gia đình, cho các con của ông đã thiếu vắng mẹ từ năm 1964 và giờ lại
mất đi người cha khả kính. Hàng tứ chúng Phật tử mất đi một
bậc chân tu tại gia đạo hạnh, cả xứ Huế u buồn ngày đưa tiễn ông Hai đi về miền
cực lạc.
Người đi
rồi nhưng âm hưởng vẫn còn vang vọng, lòng nhân từ và hình ảnh Người còn in mãi
trong lòng những người con Phật ở đất Thừa Thiên Huế, và trong lòng bao kẻ khổ
sở bất hạnh một thời đã đón nhận sự chia sẻ thương yêu của Người vẫn lưu giữ
hình dáng người đàn ông gầy gò trong trang phục chiếc áo dài lương đen bạc phếch
bởi sương nắng của thời gian. Người đàn ông ấy là vị Bồ Tát tại gia pháp danh Tâm Thành, húy danh
Phạm Đăng Siêu.
Nam mô Tâm Thành Phạm Đăng Siêu Bồ Tát
Nam mô công đức lâm bồ tát ma ha tát.
(Viết xong trên giường bệnh Bệnh viện Bộ Quốc phòng 175, Gò Vấp, Tp. Hồ
Chí Minh)
Ninh Giang Thu Cúc