Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Do nhu cầu nghe pháp, tại Kỳ Viên, đức Phật phải thuyết
thêm hai thời pháp nữa, riêng cho hai hàng cận sự nam nữ. Nhân dịp này, đức Phật
khuyến khích mọi người nên thọ trì bát quan trai giới - mỗi tháng hai ngày, bốn
ngày hay sáu ngày.
Cuối thời pháp, có một người thanh niên, tướng người cao
lớn, phương phi, ăn mặc có vẻ thương gia - xin được sống đời xuất gia.
Đức Phật biết rõ nhân, biết rõ duyên, biết rõ người ấy là
ai, nhưng ngài cũng hỏi:
- Dòng dõi, xuất thân, sở học, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia
đình của ông như thế nào? Và nguyên nhân bởi đâu mà ông lại lựa chọn đời sống
xuất gia không cửa, không nhà?
Người thanh niên kể:
- Con sinh ra trong một gia đình Vệ-xá (thương gia, các công nghệ)
tổ tiên, dòng dõi làm ăn buôn bán nhiều đời. Do gia đình khá giả, con được học
hành tương đối vững chắc từ thuở ấu thơ. Lớn lên, con kế nghiệp thân phụ đi buôn
bán đường xa. Các quốc độ ven hai bờ sông Gaṅgā, sa mạc miền Tây Bắc
cho chí các bờ biển phương Đông, phương Nam chẳng có đâu mà không có vết chân của con.
Làm giàu - là phương châm của tổ tiên, dòng họ; con trai Vệ-xá là phải biết chịu
thương, chịu khó, chấp nhận mọi gian khổ; không tạo ra được sản nghiệp bằng mồ
hôi, nước mắt, bằng bàn tay và khối óc của mình - thì không xứng đáng là con
trai dòng dõi thương nhân. Và suốt mười năm qua, con đã không hổ thẹn mang dòng
máu của tổ tiên.
Bạch đức Thế Tôn! Biết bao nhiêu lần bị sự thúc hối của
cha mẹ, nhưng con không muốn lập gia đình. Con biết rõ giới cấp của con. Họ là
những người có nghị lực và ý chí. Bạc tiền đối với họ là mục đích tối thượng
trên cuộc đời. Sau những chuyến hàng đường trường gian khổ, đôi khi thiếu củi,
thiếu nước, thiếu lương thực! Đôi khi bị bọn cướp, thổ phỉ hoặc các sắc tộc săn
đầu người trang bị vũ khí tấn công. Chết là chuyện thường, sạt nghiệp cũng
chuyện thường mà bỏ mạng dọc đường cũng là chuyện thường! Phải nói là họ đánh
đổi mạng sống để kiếm tiền. Hàng mua một họ bán mười, có món lời gấp trăm! Do
vậy, họ ăn chơi, hưởng thụ đôi khi còn hơn cả con vua, cháu chúa!
Gian khổ, kiếm tiền và hưởng thụ - nó là một vòng tròn loanh quanh
luẩn quẩn không bao giờ thoát ra, không bao giờ có thể thoát ra. Con và họ có
đời sống tương tợ nhau. Chỉ có điều con khác họ là con có suy tư, có đăm chiêu,
có chiêm nghiệm; đôi khi còn tự vấn, tự đáp lặng lẽ trong lòng mình. Còn họ thì
không. Họ thỏa mãn, sung sướng, tự hào và hãnh diện. Con khác họ điều thứ hai
nữa là khi bán lấy lời quá nhiều là con cảm thấy áy náy, khó chịu vô cùng. Ôi!
Cái tiền bạc này nó có cái gì như dơ bẩn, như ma quỷ chứ không trong sạch, tốt
đẹp chút nào. Cuối cùng, là sau mỗi cuộc hưởng thụ, ăn chơi phù phiếm ấy, con
đều cảm thấy chán nản, ghê tởm. Chán nản, ghê tởm cái bề trái của cuộc đời - và
chán nản, ghê tởm cả với con thú ở ẩn trong lòng mình nữa!
Bạch đức Thế Tôn! Cha mẹ con là đại phú gia, họ có hạnh
phúc đâu? Cha con năm thê, bảy thiếp. Các bà vợ luôn luôn gấu ó, cắn xé nhau.
Những người con trai con gái luôn luôn dòm ngó của cải, tài sản. Sự chân tình và
sự thương yêu thật sự không có mặt! Các gia đình bạn hữu phú gia của con cũng
tương tợ thế: Là tan hoang, trần trụi một đời sống vật chất, bản năng! Nếu ai có
tín ngưỡng thì tin bậy, tin bạ vào trăm cái ông thần quỷ quái chỉ ưa hiến tế
đồng nam, đồng nữ, đầu và máu súc vật vô tội! Không nơi đâu có được chút bình an
và bình lặng tâm hồn. Cứ mỗi một năm, đôi khi hai năm, về nhà - thấy tình cảnh
ấy, con lại ra đi! Và ra đi, lại gian
khổ, lại kiếm tiền, lại hưởng thụ - rồi con lại bị rơi vào cái vòng
xích bế tắc cũ, không có lối thoát!
Bạch đức Thế Tôn! Con nghe danh đức Thế Tôn đã lâu qua các
dặm trình xuôi ngược. Con đã nghe thoảng giáo pháp giác ngộ giải thoát của ngài.
Con đã từng thấy bóng dáng của những vị sa-môn áo vàng, chỗ này và chỗ kia trên
nhiều quốc độ. Con chưa rõ họ tu tập ra sao, nhưng đập vào mắt con là ai tóc râu
cũng sạch sẽ, ai y áo dù cũ rách hay nhiều tấm vá nhưng trông đều tươm tất.
Không ai có vẻ lập dị hoặc đóng bộ ta đây là người tu hành! Cái ấn tượng nhất là
rất nhiều vị trưởng lão, rất già, nhưng đi đứng khoan thai, tự tại, trong lòng
dường như không vướng bận điều gì, không dính mắc điều gì! Nhìn họ, con cảm giác
rất quen thuộc, dường như đời sống này con đã từng sống qua!
Bạch đức Thế Tôn! Mấy ngày hôm nay, mấy trăm xe hàng của
con và bạn hữu đang từ sa mạc Tây Bắc đi xuống, đang dừng chân tại kinh đô này.
Thấy mỗi chiều chiều, rất đông đồng bào các giới mang hương hoa, dầu đèn, lễ
phẩm tấp nập đổ về Kỳ Viên. Con đã đoán là đức Thế Tôn có lẽ đang thuyết
giáo ở đó. Trong lúc bạn hữu đang tìm nơi du hí thì con theo họ đến đây. Con đã
nghe được ba thời pháp. Thời pháp nào cũng thấm thía. Thời pháp nào con cũng
hoan hỷ. Thời pháp nào cũng dường như đưa con hướng đến một đời sống tinh thần
cao đẹp. Và con biết chắc, tin chắc là con đã lựa chọn đúng đắn - khi con muốn
sống đời xuất gia phạm hạnh, bạch đức Thế Tôn!
Trình bày tóm tắt nhưng khá đầy đủ, khúc chiết về nhân và
quả, trí và tâm - về cuộc đời của mình, thanh niên thương gia phủ phục xuống với
năm vóc sát đất rất mực cung kính.
Đức Phật nói:
- Này Puṇṇa ! Trong quá khứ, ông đã có một nhân duyên
rất tốt đấy! Nhờ nhân duyên ấy ông mới có được những nhận thức như thực về bản
chất của đời sống, và rồi nó đưa ông đến đây!
Rồi đức Phật kể:
- Mới cách đây thôi, sau khi giáo pháp đức Phật Kassapa
tiêu hoại, ông sinh ra trong một gia đình trưởng giả bà-la-môn, thụ hưởng một
đời sống ngũ dục rất sung mãn. Thời gian sau, ông chán chê, ghê tởm ngũ dục nên
đã từ bỏ tất cả, nên non cao, dựng một am thất sống đời xuất gia đạo sĩ. Tại
sườn núi bên cạnh có một vị Độc Giác Phật đang tĩnh cư. Hôm ngài nhập diệt, ánh
sáng tỏa khắp một vùng - do vị ấy trú quang định trước khi chấm dứt hơi thở.
Thấy ánh sáng diệu kỳ, ông tìm đến, thấy một đạo sĩ già ngồi xếp bằng, an nhiên
thị tịch. Khởi tâm kính mộ, ông đã chịu khó lặn lội khắp cả khu rừng, tìm lấy
tất cả mọi loại gỗ thơm rồi hỏa táng nhục thân của Phật Độc Giác. Nhờ phước báu
ấy, mà cũng nhờ nhân duyên ấy, ông tái sanh, hóa sanh nhiều kiếp trời và người.
Kiếp này, ông lại được sinh ra trong một gia đình cự phú, tại xứ Sunāparanta,
nơi một bến cảng sầm uất - tên là Suppāraka - có phải vậy không, Puṇṇa?
Đức Phật vừa mới hé mở một chút quá khứ đã làm cho tâm
tịnh tín của chàng thanh niên Puṇṇa càng thêm được củng cố, tăng trưởng.
Trích từ: Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt 4
hình chỉ mang tính minh họa
·
Tác giả:
Minh Đức Triều Tâm Ảnh