Thầy tôi, ươm hoa trên vùng đất mặn

thay toi

                    

                                Đặng Công Hanh ([1])

 

 

 

Một buổi sáng mùa thu, sau những ngày mưa tầm tã và cơn bão mới vừa thổi lướt qua thành phố, trời trở lại trong xanh, cao vòi vọi, tiết thu se lạnh và nắng vừa mới lên trải nhẹ những vệt sáng lung linh trên tầng lá cây trong khuôn viên tu viện. Tôi và vài bạn đồng nghiệp đến thăm Thiền viện Bồ Đề để chiêm ngưỡng tòa Bảo Tháp, đang trong giai đoạn hoàn thiện sau cùng. Thầy Hòa thượng viện chủ niềm nở tiếp chúng tôi tại nhà khách với bánh ngọt, trái cây, trà xanh và cả mùi thơm của hương trầm từ chánh điện bay phảng phất trong gió nhẹ ban mai.

Thầy viện chủ năm nay trạc tuổi ngoài bảy mươi, trong bộ nâu sầm, với dáng đi chậm rãi đầy vẻ trầm tư, trông Thầy dường như sức khỏe đang bị suy giảm. Có lẽ, một phần do gánh vác việc Phật sự, phần khác lo lắng chu toàn viên mãn đại nguyện đối với chư vị Bồ tát chư vị Phật, phát tâm Bồ đề liên tục không gián đoạn trong thanh tịnh hạnh chưa hề ngừng nghĩ và cầu Đại Thừa đạo chưa hề mệt mỏi.

Dù ẩn mật trong sự vắng vẻ, khiêm tốn, cô liêu, tỉnh mịch sau cánh cổng chùa, sự sống vẫn là những đợt sóng thăng trầm giữa đại dương mộng tưởng, nhà chùa vẫn phải là chứng nhân cho những trò đời dâu bể. Mỗi lát cắt trên dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, tất yếu sẽ làm tung tóe, làm xung động mọi thứ trong “cõi người ta” vốn dĩ tự tính là vô thường, nhưng với bản hoài của tu sĩ, lần theo dấu chân của đức Thế Tôn để sống đời ly dục, giải thoát, bao giờ cũng ước nguyện được tự tại trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, làm sao cho tầm thường được tự chủ, có tinh thần vô úy, trong mọi thời, mọi cảnh, phát triển Bồ đề tâm tức tâm lợi tha cầu giác ngộ thành Phật để có thể cứu giúp, để mưu cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sinh bằng Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh.

Thiền viện Bồ Đề được kiến lập trong tâm tư đó và trong hoàn cảnh đó. Thiền viện được nuôi dưỡng như một trẻ sơ sinh trong vòng tay ôm ấp của mẹ, không thể không bị cảm ứng bởi sự thay đổi của nắng sớm mưa chiều, của phong ba, bão táp, đang lúc Thầy viện chủ hãy còn là một Tăng sĩ trẻ, nho nhã văn nhân của bậc Thanh Văn.

 

 

Đến hôm nay, Thiền viện tròn 25 tuổi, một khoảng thời gian quá ngắn đối với vô thỉ vô chung, nhưng cũng dài đối với tồn tại của sắc thân hữu hạn con người. Thiền viện tọa lạc trên khu đất rộng trên 3400 mét vuông mà sự sở hữu cũng là một thiện duyên của Thầy. Ngoài ngôi Bảo Tháp vừa mới xây dựng, phần còn lại gồm chánh điện thờ Phật Thích ca và là nơi để Phật tử đảnh lễ, một nhà khách rộng rãi và các tịnh thất chung quanh chùa. Tất cả được xây dựng bằng vật liệu thông thường tôn, gỗ và nền bằng xi măng. Trong vườn chùa có trồng nhiều cây cối nhất là các cây bồ đề với tàng lá xanh rợp bóng, che mát cho những ngày nắng hạn, che lạnh trong những ngày đông giá buốt, hòa mình vào  cõi hư không tịch mặc, mầu nhiệm, hòa quyện với âm vọng của tiếng chuông, tiếng mõ, của câu kinh cứu độ lắng vào nơi sâu thẳm lòng người cho những ai đến đảnh lễ cầu Phật, để được giao hộ cho sự bình yên và phúc lộc, tạo nên cảm giác sâu lắng, thoát ly những ham muốn, từ những ham muốn kiêu sa, phóng dật cho đến những ham muốn tầm thường, nhỏ nhoi được xem là ràng buộc của định mệnh nhân sinh.

Có lẽ từ trong sâu thẳm thâm căn đó và tuy rằng Thiền viện ở xa phố thị, ở xa trung tâm náo nhiệt của Thành phố, phật tử đã đến đây đãnh lễ ngày càng đông đảo. Đặc biệt mỗi tháng vào ngày mồng một, phật tử đăng ký dự lễ Bát Quan Trai có đến hơn 700 người, ngồi xếp trên chiếu từ trong chánh điện ra đến ngoài sân, im lặng chăm chú nghe Hòa thượng viện chủ giảng Phật pháp và dùng cơm trưa tại chùa.

Trước nhà khách và dưới tàng cây bồ đề, tôi chăm chú nhìn bức tượng rất lớn của Bồ - Tát Di lặc, vị Phật tương lai. Di Lặc là vị “hóa thân thiên ngàn ức”, đôi khi là dạng một vị Hòa thượng mập tròn đùa giỡn với trẻ con, đôi khi làm trời, làm người hướng đạo ... Người mang mọi dạng hình, đi khắp bốn phương để giáo hóa Tinh Không, như có 1 lần Di Lặc nói với Thiện Tài:

“Thiện nam tử, hãy thức dậy! Pháp tính là như vậy. Bồ - tát biết tất cả các pháp do nhân duyên kết tụ lại mà hiện ra, tự tính là như vậy, như huyển, như mộng, như ảnh, như bóng, không có gì được thành tựu hết”(2).   

 Bên trái của chánh điện là tượng Bồ - tát Quan Âm đứng đưa mắt nhìn chúng sinh, lắng nghe mọi điều than thở để đi cứu giúp. Ngài là vị đại Bồ Tát phát tâm rộng lớn bao la như không gian. “Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình” đó là 32 dạng tiêu biểu của Bồ - tát tùy cơ ứng hiện. Các tranh hay tượng của Ngài thường trình bày Quan Âm “nghìn tay, nghìn mắt” đã nói lên khả năng ứng hiện. Bồ - tát có thể mang hình quan văn, cô tiểu thư, võ tướng .... nhưng với gương mặt hiền hậu từ bi gây cho ta lòng thân thiện với Ngài.

Có một lần Phật Thích Ca trả lời Bồ - tát Vô Tận Ý hỏi về Quan Thế Âm, rằng:

“Mắt từ nhìn chúng sinh,

Tụ phúc biển vô lượng

Cho nên đáng đảnh lễ”

Hơi chệch về phía phải của chánh điện, có tượng Bồ tát Địa Tạng, đầu mang vương miện tay cầm kích trượng có 6 vòng đại diện cho 6 lục đạo. Cũng như các vị Bồ - tát khác, Ngài ứng hiện vô số hình tướng để đến với những ai cần Ngài. Địa Tạng là vị được xem là người cứu hộ cho những ai không may rơi vào địa ngục, hay những kẻ nằm trong các chỗ thác sinh tối tăm.

Ngoài ra còn có tượng của các Bồ - tát Văn Thù và Phô Hiền. Văn Thù là vị đại trí vì Ngài là kẻ chỉ đường tu học cho chúng sinh, Ngài luôn làm thầy của vô lượng Bồ - tát, giáo hóa vô lượng chúng sinh. Ngài trụ trong trí huệ thâm sâu, thấy biết được tất cả các pháp đúng như thật(3) , còn Phổ Hiền là vị “Đại hạnh” vì nguyên lực cho hành động của Ngài là rộng lớn vô biên. Văn Thù và Phổ Hiền là sự hợp nhất giữa trí huệ và hành động, đại diện nguyên lý “tri hành hợp nhất”. Cái “tri” và “hành” là hai mặt biện chúng trong một thể thống nhất của người tu đạo. Trong kinh sách Đại Thừa có nhắc đến 200 vị Bồ - tát và mỗi vị ra đời là để hành động cho thế gian, nhưng tại Việt Nam năm vị nói trên được tôn kính nhiều nhất và mỗi vị chủ đạo một hướng riêng trong việc giáo hóa và cứu độ chúng sinh.

Vươn lên cao trên các tàng lá xanh, ngôi Bảo Tháp đứng sừng sững uy nghiêm trong khoảng không đầy lộng gió nhưng giữ được sự hài hòa với khung cảnh xung quanh. Phía trước là 1 khoảng trời mở tầm nhìn về phía biển mù khơi rì rầm sóng vỗ, núi Hải Vân mây trời lãng đãng trên đỉnh màu xanh cây rừng.  Nghoảnh mặt về phương nam chân trời mù mịt với cánh chim chiều bạt gió bay về tổ lúc hoàng hôn và phía đông nhấp nhô các tòa nhà cao tầng của Thành phố non trẻ.

Ngôi Bảo Tháp cao khoảng 67m với 12 tầng, có sáu mặt, tường sơn vàng; mái đỏ. Trên đỉnh Tháp được thiết kế bình hồ lô hình khối cầu màu xanh ngọc,  đứng trên tòa sân hồng tượng trưng cho yếu tố “nước” sự luân chuyển, sự di động. Phía trên bình hồ lô là cột thu lôi có mang cờ Phật. Tầng kế tiếp thờ xá lợi của Phật đã cung thỉnh từ Ấn Độ qua ngã Thái Lan và về đến Đà Nẵng. Các tầng dưới bố trí 10.000 tượng Phật, mỗi vị có một ít khác biệt rất khó hiểu. Tuy nhiên ta có thể hiểu rằng đó là hệ thống Pháp thân, Bảo thân và Ứng thân của chư Phật đóng vai trò quan trọng trong triết lý về vũ trụ Phật giáo.

Về phía tường ngoài, mỗi tầng mỗi mặt đều có khắc tượng Phật hướng mắt nhìn khắp mọi phương và các góc mái đỏ của Bão tháp có gắn tượng con rồng màu xanh.

Công trình Bảo Tháp được xây dựng gần 2 năm, thu hút quá nhiều tâm lực đời với Thầy viện chủ và các cộng sự trong 1 thời gian dài về nhiều mặt: từ các chi tiết về mỹ thuật, an toàn về cấu trúc nền móng, an toàn đối với ăn ở của công nhân, kịp thời xử lý các biến động giá cả thị trường, biến động về thời tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nổi bậc nhất trong các nổi lo là vấn đề an toàn lao động, tránh mọi rủi ro xảy ra đối với công nhân làm việc và tất cả các lo lắng của Thầy cùng các cộng sự cho đến hôm nay đã được mãn nguyện trọn vẹn trong niềm hoan hỷ.

Lúc xin Thầy từ biệt ra về, mặt trời đã lên cao, tiết thu ấm áp, lòng tôi như nhủ thầm không biết mình đã dùng con mắt gì để nhìn thấy Thầy qua các công việc quá bề bộn, quá sức đối với một tu sĩ tuổi đẽ xế chiều. Có lẽ chỉ có cái nhìn của con mắt tình yêu mới làm cho tôi thấy được cái vô biên trong cái hữu hạn, cái vô hình trong cái hữu hình, mới thấy sự mầu nhiệm của đại nguyện và thấy được sự gia hộ của chư vị Bồ - tát, chư vị Phật đối với Thầy tôi trên bước đường hành đạo.

 

ĐN - Mùa thu 2009

 

 

 



([1]) : Đặng Công Hanh: Khoa trưởng Khoa học cơ bản Đại học Kiến trúc  

(2) Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

(3) Trích Kinh Hoa Nghiêm

Chia sẻ: facebooktwittergoogle