QUA SÔNG LẨN THẨN MÁI CHÈO

New Page 1

Tùy bút của HOÀNG CÔNG DANH

 

Trong một đời con người ta, có nhiều khi đi để quên, lại có nhiều khi đi là để nhớ. Người đi ngược chiều gió bỏ lại đằng sau những đám hoa tử vi bất hạnh không màng đến. Người đi xuôi ánh trăng lại đeo đẳng chiếc nôi ru điệu hát tâm hồn. Dù ngược dù xuôi, ta cũng mới chỉ cảm nhận cuộc sống theo một phương. Chỉ những chuyến đò qua sông là cho ta đi theo phương ngang để đan dệt nên tấm vải lụa cuộc đời.

1. Dường như sông không bao giờ biết có một người tình vẫn đợi chờ mình - đó là căn nhà lá núp bên bãi cát của người chèo đò. Căn nhà nhỏ đủ đặt một chiếc giường, kê radio bắt sóng tín hiệu. Và thế là, vô tình, căn nhà như hộp cộng hưởng giao thoa giữa sóng nhân tạo và sóng tự nhiên của con nước vỗ bờ. Có nhiều đêm đi chở hàng giúp mạ từ chợ Đông Hà về, qua bến sông Triệu Thuận, tôi đã ngồi nghỉ dưới mái hiên căn chòi ấy. Những đêm đó trăng thường mọc muộn, hay nói đúng hơn là chỉ những hôm có trăng thì mạ mới trễ hàng - con người sống nương vào quy luật tự nhiên là thế. Trăng nằm nghiêng mé bên căn nhà nhỏ, bóng trăng phủ xuống tôi rồi ân huệ vào nền cát một bóng hình người màu đen. Tôi ngồi im lặng ở đó, chưa có điều gì làm tôi yêu mà cũng làm tôi sợ như lúc này. Yêu là vì có trăng có sóng có tiếng mái chèo. Sợ là vì cái huyễn hoặc của trăng nó nhấn những ý nghĩ của tâm hồn xuống dòng sông. Như khi người ta buồn thường tìm đến bên dòng sông, để nhờ nước xóa tan phiền muộn hoặc nếu mái chèo không cứu cánh được thì phải trẫm mình vậy. Dòng sông lúc này như một bác phu xe chở man mác: cỏ đôi bờ, gió ơ hờ, trăng lu mờ và tôi - một kẻ chồn chân tình cờ. Mạ nói giá cả hàng hóa hôm ni, có món lên có món xuống, có món nửa tháng rồi không thay đổi gì cả, có món bán đắt như tôm tươi lại có món rẻ ế ùn đống ra như bèo... Ừ, thì cũng như những con sóng ngoài kia vậy đó, có con trỗi mình lên cồn cào vào không trung, có con chìm vào lòng nước, lại có con nằm yên như được định vị bởi một vị thiên sứ cõi thiền.

Trong khi chờ đò, người ta không nôn nóng, không có tâm trạng mỏi mệt. Chính sông nước đã xóa tan phiền muộn ấy. Nếu đợi chờ là bạn của thời gian và là kẻ thù của đôi chân, thì bến sông chính là nơi làm mất đi ý niệm thù hằn ấy. Tôi không biết sông đã học tự bao giờ mà biết cách chế ngự lòng người? Không biết sông đã tu tự kiếp nào mà hiểu được tâm trạng kẻ qua sông đến vậy? Và như ai đó đã từng ví sông như một dải lụa vải mềm, thì ngay lúc này đây tấm vải ấy có màu lam của đạo hạnh từ bi hỷ xả. Dung hòa giữa trắng và đen, giữa sự thật và khuất tất, giữa hệ lụy và giải thoát, nhà Phật bảo ấy là lam vậy! Mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn thế nữa thì con nước vẫn ôm bờ mà hôn lấy hôn để, khiến cho những ai chậm chuyến đợi đò cũng lấy làm lạc quan trước sự ái ân của tạo hóa.

2. Những chuyến đò vào lúc tinh mơ luôn ẩn hiện trong tâm trí tôi và bàng bạc một nỗi hoài vọng tiếc nhớ. Dạo đó mạ đi buôn xáo, tức là đi bán gạo. Trời chưa sáng thì mạ đã lục tục dậy thồ xe gạo đi, tôi lẽo đẽo theo sau để tới những chỗ dốc cao thì đẩy giúp mạ và mấy o. Nhà tôi cách bến đò Triệu Thuận gần ba cây số, xuống tới bến sông thì trời cũng mới chỉ mờ nhạt ánh sáng ngày. Sương buổi sớm ướp lên dòng sông vẻ mơ màng quyến rũ, chính sương là bước thang cho sông chảy lên trời. Ba gam màu tông trắng hiện ra trước mắt: nước sông, làn sương sớm và bầu trời buổi tinh mơ.

Đi chợ với mạ buổi sớm mới thấy cái cơ cực của đàn bà quê mình. Chỉ riêng việc thồ đến bốn bao gạo bằng chiếc xe đạp cũ đã là cực, thế mà còn chuyện qua sông lắm nỗi. Người đi buôn xáo sợ nhất là chuyện qua đò này vì phải bốc gạo lên xuống rất cực. Tôi ngạc nhiên khi thấy mạ và mấy o, mỗi người vác ùn ùn một bao gạo to lên đò. Ôi, cái sức mạnh ấy bình thường dễ gì có được? Hình như sông đã liên vận cho đôi tay phụ nữ một vần điệu bốc vác. Mạ chất gạo lên đò. Con đò chồng chềnh một hồi để lấy lại tư thế thăng bằng. Từ trong bến ra quãng chục mét, chủ đò chống một cây sào dài xuống lòng sông rồi mới bật máy nổ. Sào tre cắm vào nước, chỗ mặt thoáng ấy như bị đâm thủng và cuộn xoáy một con nước. Chiếc đò ngang tiến ra, chia nước thành hai miền. Những con sóng bị đánh thức bởi mạn đò nên còn ngái ngủ, chúng vừa tản ra vừa ngáp vặt hớp lấy sương. Khoảng không gian của người và nước, trong đó mọi sự tự do đều bị quấn riết nhau thành một khối keo, con người không thể thoát ra sự mơ màng buổi sáng ấy được.

Đò cập bến bên kia mà trời vẫn chưa rõ rệt hẳn. Như thể mới chớp mắt thì con đò đã bơi một khoát chèo để sang bến. Qua sông mới biết cuộc đời thật ngắn, chỉ một khoát sóng đã xong. Sông thủ thỉ điều tiền nhân đã dạy, rằng thời gian như dòng sông, cứ trôi đi không bao giờ trở lại, chỉ có những cuộc nối tiếp mà thôi. Có qua sông mới biết vì sao những người chèo đò luôn chóng già cỗi: tại bởi họ là những chàng thủ quỹ mẫn cán đong đếm thời gian.

3. Đi đò nhiều, nhưng những chuyến đò ngày xưa là đáng nhớ hơn cả. Ấy là thời chưa có đò chạy máy, chỉ một tay chèo bồng bềnh trên sóng chậm rãi chở khách.

Có một buổi trưa mùa hè rát bỏng, ông mệ nội cho tôi đi sang thị xã Đông Hà chơi. Hồi đó được đi lên phố kể ra đã là một điều gần như xa xỉ với trẻ làng. Bến sông hôm ấy nhuộm sắc màu nắng buồn như báo hiệu cho tôi một nỗi niềm đón đợi. Trên đò có thêm một cặp vợ chồng, người vợ bế đứa con tám tháng tuổi đang trùm khăn che nửa dưới khuôn mặt. Giữa dòng, một thoáng gió hắt qua làm bay chiếc khăn. Thế là khuôn mặt đứa trẻ lộ ra dưới nắng, đôi môi bị sứt một bên rất tội nghiệp. Ông mệ tôi giả lờ đi để khỏi gây sự khó chịu cho cặp vợ chồng. Nhưng người mẹ trẻ, không ai hỏi, cũng nói như thanh minh:

- Cháu nó sinh ra đã rứa rồi hai bác ạ. Chừ tụi con đem qua bệnh viện tỉnh coi có chữa được không chứ để ri mai mốt lớn tội nghiệp nó lắm!

Ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, niềm thương cảm ứ đọng dưới những cặp mi đã được nắng chiều giấu giữ, để không ai phải khóc lên trong chuyến đò này. Dường như đó là chuyến đò buồn nhất mà tôi đã từng sang. Qua đến bờ bên kia, ông nội tôi vẫn nhìn theo cặp vợ chồng và đứa trẻ. Mệ nội nói: - May ông bà mình sống phúc đức nên mình sinh ra bảy đứa con đều lành lặn cả. Một chuyến đò đong nặng nỗi đời. Qua sông để hiểu bài học nhân quả. Sông là cuộc đời mà sóng nước đã dạy rằng hãy giữ tâm mình sáng tựa sông, "giang tâm như kính tịnh vô trần".

4. Hồi đó cầu An Mô chưa xây, từ vùng lúa Triệu Phong muốn qua thị trấn Ái Tử phải đi bằng đò ngang sang bến chợ Hôm. Bến đò chỗ này cỏ rất nhiều, cỏ mọc chen giữa bãi đất khô trồng hoa màu rồi kéo vệt ra tận nơi chân mé nước sông. Những bông hoa cỏ may cứ đòi vươn lên theo ngọn bắp trổ cờ. Cuộc đua chen của loài người bao giờ cũng nhốn nháo, riêng cuộc đua chen của loài cỏ thì thanh bình yên lặng.

Sông ở khúc này nhỏ hẹp. Nhưng hình như định luật Bernuli không tồn tại ở đây nên con nước cũng chỉ trôi rất nhẹ nhàng. Mái chèo của cụ già đưa khách vát nhẹ từng miếng một, động tác mềm mại như kiểu người ta quấy nước bột hồ làm bánh bèo. Thi thoảng giữa dòng, cụ lại cho đò đi chậm lại để tâm tình với ông nội, bằng cách chấm mái chèo xuống mặt nước để hãm con đò. Khi ấy, mái chèo như một mũi kim đang khâu những nét chỉ lên tấm áo mặt nước. Dòng sông này một thời chứng kiến tang thương chiến tranh, hôm nay thì nhẫn nhục chịu đựng hệ lụy. Và những mũi kim mái chèo cứ thế ngày ngày vá víu lại nỗi tả tơi lịch sử.

Có lần ở bến sông, tôi nhặt một hòn đá cuội trắng rồi mang theo lên đò. Tôi đặt hòn cuội lên trên mép vịn. Con đò lần sóng chậm rãi đến nỗi hòn sỏi không thể rơi xuống nước. Hình như sỏi đang trầm tư suy niệm điều gì đó. Bất chợt nhận ra, đã qua sông thì không chỉ con người mà đến cả những vật vô tri như sỏi đá cũng phải lẩn thẩn ngẫm ngợi chuyện đời. Và tôi nhớ đến câu thơ của thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh:

Sống với núi mà tình chưa hóa núi

Nên đôi khi lẩn thẩn một dòng sông

Chia sẻ: facebooktwittergoogle