Tái sinh

  • Đức Hùng – Lê Khánh Long

 

 

Thứ nhất là về dáng vẻ bên ngoài. Trước hết, ông nhạc của tôi trong một lần làm việc khi còn trẻ bị tai nạn lao động, ngón trỏ phải của ông bị tổn thương gân nên khó duỗi thẳng, cứ hơi cong cong mặc dù ông vẫn có thể cầm bút viết hay cầm đũa ăn cơm. Do bị vậy nên ông hay dùng ngón giữa để hỗ trợ hoặc thay thế, ví dụ như cầm quân cờ tướng, ngắt một chiếc lá vàng trên cành mai hay bóc tờ lịch, ông cũng hay dùng ngón cái và ngón giữa. Đứa con trai nhỏ của tôi cũng thế mặc dù nó chẳng bị một thương tật gì đối với ngón tay trỏ nhưng ngón tay ấy cứ cong lại và cầm đồ chơi, đồ vật bằng ngón tay giữa và ngón cái. Đôi khi tôi bảo duỗi ngón tay ra cho tôi xem và hỏi tại sao con không dùng ngón tay trỏ. Đứa con tôi cầm đồ chơi với ngón trỏ được một lúc lại quay về với thói quen như cũ. Một điểm rất giống nữa là đôi tai. Vợ tôi có đôi tai rất đẹp, to và dài. Còn đôi tai của tôi thì bình thường, không lớn nhưng tròn đều, thành quách rõ ràng. Hai đứa con lớn của tôi có đôi tai, đứa thì giống mẹ đứa thì giống cha, chỉ có đứa con trai nhỏ thì có đôi tai khác với tai của cha mẹ. Chúng giống hệt với đôi tai của ông ngoại nó. Mọi người cũng thường nói, con cái nhiều khi được sinh ra lại không giống cha mẹ mà giống ông, bà, cô, chú, bác. Tôi cũng đồng ý như thế, chỉ nêu lên như thêm một sự trùng lặp. Nhưng nếu kể thêm một điểm nữa là . . .

  

Về tính tình. Ông nhạc tôi rất thương yêu con cái. Khi gia đình sa sút, ông hy sinh mọi thú vui, ăn uống đạm bạc, ăn mặc đơn sơ nhưng mỗi khi con cái nói hoặc làm điều gì không hài lòng, ông thường hay giận lẫy, không nói gì, thậm chí bỏ ăn. Biết ý cha, gặp mỗi lần như thế, các con lại ôm vai ông, thủ thỉ nhỏ to và chọc ghẹo. Ông vui lại và quên hết giận hờn. Đứa con trai nhỏ của tôi, hở một chút là giận. Khi giận thì làm đủ trò: khóc tấm tức hoặc gào lên khi có người chú ý; leo lên giường nằm trùm chăn lên đầu, gọi ăn cơm không chịu lên tiếng; nếu việc không hài lòng xảy ra khi đang ăn uống thì sẽ bỏ ngang và nhiều trò khác. Khi trước, mỗi lần như thế tôi hay nói: Thằng này tính hay giận giống ông ngoại quá!

 

Đến nay thì những dữ kiện đó đã khiến tôi có cái nhìn tổng hợp về sự tương đồng giữa hai người có sự liên quan mật thiết với tôi. Với ông nhạc, đến khi ông qua đời tôi đã làm rể của ông được 15 năm. Ngay từ buổi đầu tiên quen biết con gái ông, tôi đã được ông dành cho thiện cảm, dù tôi là con trai Bắc. Mặc dù gia tộc ông khi trước rất giàu có và trước năm 1975 ông là một thương gia, ông không nuôi dưỡng trong đầu sự phân biệt gốc gác miền nào và gia thế khi chọn dâu hoặc rể. Ông tôn trọng sự chọn lựa của các con, khuyên nhủ, dạy bảo cách xử thế cho các con trước ngày xuất giá và tâm sự với con dâu, con rể khi có dịp. Tôi có những dịp nói chuyện với ông và được ông chia sẻ nhiều điều trong cuộc đời.

 

Tôi vốn dĩ khá long đong trong công ăn việc làm, ông với kinh nghiệm của một người từng trải, gia thế như vậy ông lại khởi đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng và một công việc rất thấp rồi từ từ vươn lên, đã luôn khuyến khích tôi và vui với những lần tôi tìm được một công việc nào đó. Một lần sau gần nửa năm thất nghiệp, tôi tìm được một chân thủ kho của một công ty nước ngoài với mức lương chỉ có 100 đô, khỏi phải nói là tôi mừng như thế nào, ông cũng rất vui rồi kể với tôi là ông đã từng làm thủ kho cho một hãng kinh doanh da thuộc của Pháp. Ông yêu quí công việc đó, tìm hiểu về thứ hàng hóa ông chịu trách nhiệm bảo quản và đã trở thành một chuyên gia về da thuộc. Sau đó, nhờ vào sự hiểu biết tường tận đó mà một công ty lớn về giày tại Sàigòn, miền Nam đã mời ông về làm quản lý. Nhờ sự chia sẻ đó, tôi nhận công việc với sự hăng hái vươn lên. Không lâu sau, từ một anh thủ kho hàng ngày làm bạn với đống máy móc, vật tư linh tinh, tôi được đề cử là nhân viên kế toán vật tư, quản lý xuất nhập vật tư và thiết bị. Tôi làm cả việc xuất nhập khẩu hàng hóa khi được yêu cầu. Khi chuyển thiết bị vật tư cho các dự án ngoài công trường xa, để tiết kiệm chi phí cho công ty, tôi được đề nghị tham gia vào việc lắp ráp và lắp đặt thiết bị vốn là trách nhiệm của các kỹ sư và nhân viên phòng kỹ thuật. Tôi cũng đã làm rất tốt đến nỗi có một thiết bị trong toàn hệ thống, bể chứa nước sạch, mỗi khi có dự án mới là giao riêng cho tôi thực hiện phần ấy. Chỉ sau một vài năm, mức lương của tôi tăng gần gấp ba lần so với ban đầu. Khi tôi quyết định đi học thêm về quản trị và tiếng Anh vào buổi tối, ông cũng khuyến khích và nhắc lại, thuở ban đầu khi ông và bà ngoại của các con tôi bắt đầu cuộc sống ở Sàigòn, ông đã đi học thêm ra sao. Mỗi việc làm của tôi, ông đều khuyến khích và chia sẻ kinh nghiệm. Khi vợ chồng tôi ra buôn bán, ngày khai trương ông là người cầm những nén nhang cầu nguyện cho chúng tôi buôn may bán đắt và không quên kể chuyện ông bà đã có những kinh nghiệm giao dịch với bạn hàng là người Hoa, người Việt, người Pháp như thế nào. Bao năm làm rể là bấy nhiêu năm tôi tìm thấy nới ông một kho kinh nghiệm để học hỏi, một người cha để tâm sự, khoe khoang. Từ đấy, tình thương tôi dành cho ông đã khác. Đối với tôi, câu nói: “Dâu là con, rể là khách” không còn hoàn toàn đúng. Với ông, con rể cũng được ông thương thật sự như con ruột. Ông cảm thấy hài lòng khi thấy tôi cũng luôn “sẵn sàng” cho cuộc đời và gia đình nhỏ của tôi và con gái ông. Ông nói, nhìn nơi tôi ông thấy lại quãng đời trai trẻ khó nhọc vươn lên của ông. Câu nói đó như là phần thưởng đại tôi nhận được. Nó là hành trang luôn bên cạnh tôi trong suốt cuộc đời phấn đấu không ngừng. Và hơn thế nữa, điều tôi làm đã an ủi ông vì sự “đứt gánh nửa chừng” khi ông mất toàn bộ gia sản sau tháng 4 đen tối và chấp nhận sự an phận và về hưu non vì “thời cuộc” khi chưa đến 55 tuổi, lứa tuổi chín chắn nhất trong kinh doanh.

  

Cứ thế, tình cảm cha vợ con rể ngày càng sâu đậm. Vợ chồng tôi không khá lắm nên tôi chỉ có thể thể hiện sự quan tâm đến ông bằng những điều nhỏ nhặt, như: mua một vài lạng cà phê, gói trà, một vài loại bánh kẹo ông thích ăn và thỉnh thoảng đưa ông đi ăn sáng. Ông cũng chỉ cần như thế thôi. Nếu tôi có làm điều gì sang trọng hay tốn kém nhiều hơn ông cũng không hài lòng. Ông luôn yêu cầu tôi tiết kiệm vì con cái. Ông được phát hiện vướng căn bệnh nan y và qua đời chỉ sau nửa năm phát bệnh. Thời gian ông phát bệnh vợ chồng tôi luôn bên cạnh chăm sóc. Người già khi bị bệnh thường khó tánh, trong gia đình duy chỉ có tôi là ông không bao giờ càu nhàu. Nhiều khi ông khó chịu với người khác cũng chỉ để được tôi đích thân chăm sóc. Khi mạch đập cuối cùng của ông ngừng lại, tôi đã không khóc nhưng trước và sau khoảnh khắc ấy tôi luôn hụt hẫng về tinh thần và cố gắng làm tất cả để linh hồn ông được bay lên trời. Ông xứng đáng được như vậy.

  

Trong Pháp quán Từ Bi – Maitri Bhavana – một trong những pháp thiền sâu sắc nhất, giúp người tu tập tìm lại được bản lai diện mục của chính mình, là tràn đầy tình yêu thương, không có những sân hận, căm ghét, si mê, dục vọng mà cuộc đời lây nhiễm vào thân thể ta, khiến ta luôn sống trong sự ngờ vực, đua chen và tâm hồn chúng ta luôn bị sự khổ sở vây chặt. Từ đó, phát triển được Bồ Đề tâm trong người qua từng bước quán tưởng và tư duy:

 

1.    Tất cả hữu tình đều là mẫu thân

2.    Tưởng nhớ ân đức của tất cả hữu tình mẫu thân

3.    Phát triển ý nguyện báo ân hữu tình mẫu thân

4.    Phát triển tâm đại từ

5.    Phát triển tâm đại bi

6.    Lập Bản thệ

7.    Phát triển Bồ Đề Tâm

 

Với phương pháp quán tưởng và tư duy tất cả hữu tình đã từng là mẹ ta trong vô lượng kiếp, đã yêu thương và chăm sóc ta. Một người trong kiếp này đối với ta là xa lạ, thậm chí là kẻ thù của ta nhưng đã có liên hệ máu thịt với ta trong những kiếp trước. Ta sẽ yêu thương người ấy cũng như mọi người với lòng từ bi quảng đại.

 

Suy nghĩ như thế, tôi tin rằng một người thân hay bất cứ một người nào xa lạ khác, nếu ta có cư xử tốt sẽ tạo ra một nhân tốt lành và ta sẽ nhận được quả ngọt trong kiếp khác từ người đó. Có thể họ lại chính là máu mủ ruột thịt của chính ta trong kiếp đó hay họ sẽ là một người hoàn toàn xa lạ với ta nhưng vẫn cư xử tốt với ta hoặc sâu đậm hơn chính là đứa con chúng ta sinh ra – họ báo đáp chúng ta.

 

Hơn một năm sau khi ông nhạc tôi qua đời, đứa con trai nhỏ của vợ chồng tôi được sanh ra dù chúng tôi đã cố gắng không sanh thêm. Phải chăng vì sự thương yêu quá lớn, sự báo đáp đã đến với chúng tôi ngay kiếp này? Đứa con trai nhỏ này quyến luyến chúng tôi quá mức. Nếu thực sự có điều tái sinh hiển hiện ngay kiếp này như vậy, tôi biết tôi đang đi đúng đường để cuộc đời tôi đầy niềm an lạc. Đầu năm mới này tôi đã nhận được lời chúc: THÂN TÂM THƯỜNG AN LẠC của nhiều bằng hữu.

  

Ôi Phật pháp vi diệu! HOAN HỶ! HOAN HỶ!

 

Lê Khánh Long

Vancouver, 02/13/2011

Nguon: PSN

Chia sẻ: facebooktwittergoogle