Đỉnh cô liêu kỳ nhiệm: XẮN TAY ÁO LÊN (C.II)

Xăn Tay Áo Lên

Xăn Tay Áo Lên!

 Việt dịch: TN Minh Tâm

 

 

11. Bảo tháp không hình tướng

 

‘Một vị vua hỏi quốc sư Hui Chung: ‘Thưa Quốc Sư, sau khi Quốc Sư viên tịch, ngài cần những gì?’

Quốc sư đáp: ‘Hãy xây cho ta một bảo tháp không đường nối!’

Nhà vua ngẩn người ra, ‘Thưa Quốc Sư, vậy hình thể của tháp đó thế nào?’

Quốc sư im lặng không trả lời một lúc lâu.

Sau đó hỏi, ‘Nhà vua không hiểu gì hết sao?’

                                        (Thiền ngữ Trung Hoa)

 

T

ôi có thể chấm dứt dòng suy tư tại đây và tự nhủ rằng, ‘Sự việc cứ thế mà tiếp diễn y hệt trong 99 ngày tới nữa. Chấm hết!’

Không có gì mới lạ nữa, quả đúng vậy! Chúng ta cứ tiếp tục thực hành y boong theo thời khóa thiền tọa, thiền hành, lễ sám, tụng kinh, ăn uống, làm việc, v.v... v.v... – cứ thế mà thực hành một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, rồi một năm, hai năm... Đúng, các thời khóa sít sao và không có gì mới lạ hấp dẫn hay mệt nhọc nữa nhưng đầu óc chúng ta, trái tim chúng ta sẽ không còn giống như ngày chưa tu tập; chúng đã thay đổi, đã phát triển, đã trưởng thành, và đã chuyển hóa.

Phải, chúng ta cứ lập đi lập lại những bài học cũ mèm như thế mãi; cứ lập đi lập lại cho đến khi những bài thực tập đó thấm sâu vào xương tủy và dung hóa chan hòa trong máu chúng ta, trở thành một. Chúng đã hòa nhập và tan lẫn vào trong chúng ta, không còn có ngã và sở, không còn có ta và pháp môn tu tập. Đến lúc đó thì nói năng hành động gì cũng đều trong chánh pháp và ngay cả im lặng cũng trong chánh pháp.

Có rất nhiều người sợ sự im lặng và họ đều quan niệm rằng, ‘Im lặng là phần khó thực thi nhất khi nhập thất tuy nhiên suy cho cùng bởi vì họ chưa và có lẽ không bao giờ thử im lặng nổi trong một ngày, thậm chí trong một giờ đồng hồ, một phút.’[1] Thực ra sự tĩnh lặng là một sự kiện trân quí nhất, hoàn hảo nhất. Sự tĩnh lặng giúp cho nội tâm hành giả thêm sung mãn, giàu nghị lực và tràn đầy hỷ lạc.

Âm thanh của núi rừng thiên nhiên luôn thay đổi diệu kỳ. Tiếng vo ve khuấy nhiễu trong đầu óc tôi đã biến dạng đi, nhường chỗ cho tiếng rạn vỡ của cành cây khô rơi rụng, tiếng nước chảy mềm mại của tuyết tan trong ánh nắng rực rỡ từ mái nóc căn chòi, tiếng chim cúc cu hót rộn vang núi đồi thanh vắng... Tôi lắng nghe cả tiếng sợi giây thừng kêu kẽo kẹt vui tai khi tôi kéo thùng nước giếng. Tôi cũng nghe cả tiếng tuyết rạo rạo dưới chân trên mỗi bước đi trong lúc làm việc. Gió cũng hòa vui theo hát lên ngàn khúc ca lãng mạn kỳ tình, khi thì thầm mơn trớn má môi, lúc ngúng nguẩy kéo dài âm thanh dỗi hờn nũng nịu hay có khi gió trầm tư thở ra những hơi dài xa vắng tận chân trời...

Ôi an lạc làm sao khi phóng xả được vạn duyên ràng buộc, ức niệm lao xao. Hãy buông thư thân tâm, hãy để vật đến vật đi tự tại như thời tiết khí hậu kia, hết xuân đến hạ, thu tàn đông tới, hoa nở trăng khuyết rồi lại tròn... Hãy tập buông xả, hãy tập buông xả, buông xả đi! Không có gì để nắm víu cả... bàn tay ta luôn mở rộng.

Im lặng ư? Không có gì im lặng cả.

Vạn vật đều có tiếng nói riêng của chúng nhưng tại chúng ta qúa lao xao thất niệm[2] nên không nghe được tiếng nói của vạn hữu thiên nhiên chung quanh, không nghe được tiếng nói huyền nhiệm của chính nội tâm mình.

Trong tĩnh lặng, tôi nghe được cả tiếng tuyết tan thật êm ả nhẹ nhàng, thật nhẹ, thật dịu dàng, và cũng thật đẹp!

 

12. Ngón tay chỉ mặt trăng

 

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Chỉ thẳng tự tâm

Kiến tánh thành Phật

 

T

rở về lại căn chòi sau cuộc tản bộ buổi chiều, tôi nhóm một ngọn lửa nhỏ và chế một ấm trà. Ngày tàn phai dần nhưng còn chậm tối. Tôi đã bắt đầu quen với thời khóa tu tập cũng như với phong cảnh và khí hậu ở đây. Sự đau nhức ở bắp đùi và đầu gối của tôi sau khi lễ sám cũng không còn. Tôi đã có thể xẻ củi, xách nước dễ dàng hơn và nhanh hơn ngày đầu tiên mới tập sự. Có khi tôi rộn rã hân hoan vui cười với nắng đẹp trời trong nhưng cũng có đôi lúc chạnh cô đơn buồn tẻ.

Tất cả những cảm xúc tình ý vương mang đó đến đến đi đi, chợt hiện chợt mất, thoáng có thoáng không như trời xanh và mây gió kia. Tôi dụng tâm không chấp thủ đắm trước cá nhân vào bất cứ một ý niệm nào.

Tôi lật mở tập Thiền ngữ và đọc một công án. Càng tư duy vào công án thiền, tôi càng sáng suốt nhận chân rằng, ‘Tôi không biết gì hết!’

Cái không biết đó không phải là sự vô tri vô giác nhưng dưới trí tuệ quán chiếu thì vạn hữu giai không do nhân duyên tương hợp tạc thành. Sắc tức thị không – Không tức thị sắc!

Xưa kia Socrates (một hiền triết Hy Lạp) thường dạo quanh cổ thành Athens và kiên quyết khăng khăng nhắc nhở đồ đệ ông ta rằng, ‘Hãy tự tri! Tự tri! Tự tri!’

Ngày kia, có một người học trò của Socrates hỏi ông rằng, ‘Socrates, thầy có biết chính thầy không?’

Socrates trả lời: ‘Không, ta không biết nhưng ta thấu hiểu chắc chắn cái ‘không biết’ đó!’

Truyền thống thiền rất nổi tiếng qua hàng ngàn công án thiền như vậy và công án là một bài mẫu, một phương pháp, một cách thức, một diệu dụng cho chúng ta nắm bắt được ‘kinh nghiệm của cái không biết.’

Dưới đây là một trong những công án thiền đầu tiên mà tôi đã được nghe:

‘Nhân một buổi nói chuyện ở trung tâm thiền Providence (Thiên Ý), thiền sư Dae Soen Sa Nim, tay cầm thiền bảng, chỉ vào cái tách trà của ông và nói với cử tọa: “Đây là cái tách. Nếu quí vị nói ‘Đây là cái tách,’ quí vị sẽ bị kẹt trong Danh Sắc và sẽ bị đánh 30 gậy. Nếu quí vị nói ‘đó không phải là cái tách,’ qúi vị bị kẹt vào Không và cũng bị đánh 30 gậy. Vậy quí vị gọi nó là cái gì?”

Cả thiền phòng ngơ ngáo, xôn xao tỉnh hẳn. Chúng tôi loay hoay moi óc tìm câu trả lời thỏa đáng nhưng mãi vẫn chưa xong. Mọi người đều lộ vẻ bối rối hoang mang, chưa một ai dám thử trả lời cả. Chúng tôi, độ hơn 50 thiền sinh tu tập, ngồi trơ trơ ra như vậy một hồi lâu.

Thấy thế, Dae Soen Sa Nim nói với người đệ tử lớn của ông: ‘Ngươi hãy chỉ bảo cho họ đi!’

Người nữ đệ tử này liền cầm ngay tách trà uống ực một hơi hết sạch.

Cả thiền phòng rộ lên tiếng cười trực ngộ.

Đơn giản quá, phải không?

Thiền không vay mượn ngữ ngôn.

Thiền không cần giải thích.

Hiểu là hiểu liền! Không hiểu là không hiểu!

Thiền đơn thuần là vậy! Chớp nhoáng, trực ngộ, vượt ngoài văn tự suy diễn, xa rời hình thức mầu mè.

Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận xét thấy cái danh xưng ‘cái tách hay không phải cái tách’ không có gì gọi là quan trọng hay ‘đó là sắc tướng hay không phải sắc tướng, là không cũng chẳng phải là không hoặc thiền sư chấp nhận hay không chấp nhận cũng chẳng có gì đáng nói cả – tất cả chỉ là sự đối đãi nhị nguyên – phải trái, trắng đen, không không có có – sắc phi sắc, thanh phi thanh, v.v... v.v...

Chỉ là hai mặt của một đồng tiền mà thôi. Tất cả mọi suy diễn nói năng đều phát xuất từ vùng tri thức nặng mùi kiến thủ. Thiền hoàn toàn khác hẳn tri thức. Thiền cũng có nghĩa là tư duy nhưng tư duy trong sáng suốt tỉnh thức nhậm lẹ, không vướng mắc vào danh tự hình tướng, nhưng cái mớ bòng bong tri thức thế gian do lượm lặt tích tụ nhặt nhạnh lại của những người đi trước đã cấu tạo cho con người bị kẹt chân vào ảo tưởng mê lầm của ký ức và như con nhền nhện giăng tơ, người ta cứ chạy vòng vòng với cái chân bị cột cứng trên lưới nhện tư tưởng mông muội của mình.

Đó cũng là ý nghĩa của bài kệ Dâng Hương:

‘Giới hương, Định hương dữ Tuệ hương

Giải thoát, Giải thoát tri kiến hương...’

Phải giải thoát cho bằng được cái lưới tri kiến đầy chấp thủ đó thì hành giả mới có cơ mong thể nhập được chân lý thiền tông. Thiền chuyển hóa tất cả những đối đãi phân biệt và trực chỉ chân tâm, kiến lập Phật địa: đơn giản giải quyết ngay cơn khát nước Phật Pháp của chúng ta – không mầu mè quanh co, không kẹt vào bất cứ một hình thái phương tiện nào.

Chỉ cầm ngay tách trà, uống ực một cái, rồi mời người hỏi câu hỏi ‘tách trà hay không tách trà’ cũng tự uống trà đi để tự họ nếm mùi vị của trà. Hãy để họ tự thân chứng. Hãy để tự mỗi người thân chứng lấy bản thân họ.

Khi chúng ta khát nước, không có gì khoan khoái đã thèm cho bằng có được một ly nước mát lạnh trên tay, ngửa cổ uống cạn một hơi. Cũng vậy, khi chúng ta dong thuyền phát xuất cuộc hành trình tâm linh, chúng ta phải tự mình chứng nghiệm hoặc không bao giờ đạt đến. Nếu không đạt lý nổi thì dù có khởi vọng tâm mong cầu vái van đến mấy đi chăng nữa vẫn chỉ là hóa thành dụ mà thôi.

Công án thiền giúp chúng ta trực nhận ngay đích nhắm, hướng đi đúng, phương tiện thiện xảo đúng, chức năng đúng, ứng dụng đúng và câu trả lời đúng, kết quả đúng. Cái ví dụ công án ‘tách trà’ thực dễ hiểu và cũng diệu dụng cho hành giả.

Tự tôi có thể trả lời được cho những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày khi bị đặt để vào những tình huống khó xử băn khoăn, ‘Tôi nên ở thành phố này hay tỉnh lỵ kia?’ ‘Tôi nên chọn công việc này hay việc làm nọ?’ ‘Tôi đã hành xử đúng hay giải quyết sai?’ v.v... v.v...

Có hàng ngàn công án:

Khi ngươi chưa sanh ra, ngươi ở đâu?

Khi chết, ngươi về đâu?

Mục đích đời sống ngươi là gì?

 

Đó là lý do tôi có mặt nhập thất tại khu rừng này ngày hôm nay nhưng giả dụ nếu tôi có thể tự ‘trả lời’ được một cách máy móc kỹ thuật cho câu hỏi ‘Tại sao tôi chọn nhập thất ở đây?’ với hàng trăm lý do cao siêu nào đó thì quả tình thực tâm tôi vốn không biết – không biết – không biết thực sự.

 

13. Phiêu lưu vào chốn lạ

 

G

iữa tháng Hai. 3 giờ 15 sáng. Đồng hồ báo thức reo inh ỏi vài tiếng xong tắt luôn. Tôi sờ soạng tìm cây đèn bin dưới gầm giường và bật đèn rọi quanh căn chòi, rồi chiếu đến cái bình thủy đầy trà nóng đặt trên sàn nhà. Đêm qua tuyết đã đổ xuống rất dầy và trời trở lạnh đến nỗi tôi thấy được cả hơi thở chính mình đặc quánh lại ngay khi thở ra, nhưng tôi chưa chịu nhúm lửa vội.

Không sao, chỉ lễ độ 20 hay 30 lạy đầu tiên thì toàn thân tôi sẽ được hâm nóng lại ngay. Quả vậy, sau 300 lễ, áo quần tôi đã đẫm ướt mồ hôi. Ngoài cửa sổ kia, bóng đêm vẫn dầy dặc – cái bóng tối đặc kịt mà cho đến giờ tôi vẫn chưa quen.

Sáng nay, cũng chẳng hiểu vì nguyên cớ gì, có lẽ thoải mái thân tâm chút đỉnh với vạn vật xung quanh hay vì nóng ran người sau khi lễ sám, tôi tò mò mở cửa và lọt người vào vùng bóng tối đen kịt của núi rừng lúc 3 giờ 50 sáng – một buổi sáng tối thui như mực. Không có gấu rừng và cũng chẳng có ông kẹ hay ba bị nào. Như bị cái gì đó hấp dẫn, tôi háo hức lần dò ra phía cổng rào. Gió mát rượi sớm mai mơn trớn thật dễ chịu trên làn da còn hâm hấp mồ hôi của tôi.

Trên trời cao kia còn lấp lánh hàng ngàn, triệu triệu vì sao lung linh như những chiếc bông tai kim cương muôn màu sắc đong đưa treo trên nhánh những cây tùng bách. Như những cành cây uốn mình uyển chuyển nhẹ nhàng trong gió, tôi tuôn chạy ra khỏi vòng rào căn chòi và đón nhận chan hòa niềm vui với vũ trụ như một thượng khách đặt chân vào buổi tiệc liên hoan tưng bừng rộn rã của vạn hữu đất trời. Nàng tiên thiên nhiên đang khoác trên người chiếc áo sao trời lấp lánh rực rỡ như những hạt cườm ngũ sắc. Tất cả vạn vật đều long lanh chiếu sáng, sao trên trời và tuyết trắng rợn người dưới chân.

Một tiếng động khẽ của nhành cây khô trĩu tuyết rơi xuống làm tan loãng đi một chút vùng tĩnh lặng.

Chu choa ôi, đẹp quá! Tôi còn chần chừ cái gì nữa đây? Không băn khoăn sợ sệt nữa, tôi xoãi bước đi khoan khoái trên tuyết mềm trong bóng tối của buổi sáng rừng. Tuyệt mỹ quá! Đẹp làm sao! Tôi đang đi một mình giữa khu rừng còn tối om om nhưng không hề sợ hãi gì cả.

Với tâm trạng đơn thân ‘phiêu du vào chốn lạ,’ tôi đã được ban thưởng một cảm giác mới, ‘tôi đã làm được, tôi có thể làm được, tôi không còn sợ gì hết!’

Khi chúng ta phóng xả được cái tiểu ngã của mình và vái chào cái Chân Ngã, chúng ta có thể ngẩng cao đầu cất tiếng nói to với thế giới rằng, ‘Hãy chỉ dạy cho tôi đi! Tôi đang mở rộng tâm hồn để học hỏi đây. Tôi muốn hòa nhịp thở cùng vũ trụ. Tôi muốn sống chung với đất trời, với vạn hữu chung quanh tôi!’

Khi tiểu ngã hòa tan cùng Chân Ngã, không còn có sự phân biệt chia cắt, không có sự đối đãi nhị nguyên, không có cái ta và cái của ta phải được bảo vệ gìn giữ, không còn có một cái gì để nắm víu chấp thủ, mê đắm – và cũng không còn có sợ hãi bị mất hay còn – Chân Không Diệu Hữu.

Thủy lưu thiên lý qui đại hải

Phong tỏa lạc diệp tổng nguyên căn[3]

 

Nước chảy ngàn dặm rốt xuôi về biển rộng

Gió thổi lá bay rồi cũng góp cội nguồn

 

14. Xẻ gỗ

 

Chẳng có gì đặc biệt những gì tôi làm mỗi ngày

Chỉ một điều tôi luôn giữ tâm hồn lạc quan, vui vẻ

Bất cứ ở đâu, bất cứ công việc gì,

Tôi không giữ cũng không từ bỏ,

Tôi chẳng nhận cũng chẳng khen chê

Đến đến đi đi, vạn vật tùy duyên tự tại.

Sao người ta cứ mãi phân biệt chi ly

Đỏ khác tím, xanh chẳng phải vàng?

Chẳng có một vi trần nào trên dãi núi cao xanh thẳm

Năng lực siêu nhiên hay những thành tựu bạt quần đại

Tựu trung chỉ trong những việc tầm thường, thực bình thường

Và giản dị của một đời người biết tu tập

Như xách nước, lượm củi, xẻ cây,

Ăn cơm, uống nước, mệt ngủ khò...

                                                 (Cư sĩ Pang Yun)

 

M

ỗi buổi sáng mỗi khác đi, không có buổi sáng nào giống buổi sáng nào, không có ngày nào giống ngày nào cả... tùy thuộc vào tuyết rơi nhiều hay ít đêm trước hay nắng rọi tuyết chảy tan mau hoặc là loài sóc chuột chạy tứ tung đùa giỡn với nhau trên mái chòi, vách ván. Đôi khi có ngày tất cả cây cối, núi rừng đều bất động im lìm trắng xóa phủ kín một lớp tuyết đá trong suốt như pha lê. Khi gió thổi qua, cây lá rùng mình rung lên âm thanh ‘kính coong, kính coong’ nghe thật vui tai êm ả ngọt ngào như tiếng linh phong réo rắt, lại có khi đất phủ đầy tuyết lạnh buốt và màn trời xám đục một màu tro buồn tẻ ngắt, và rồi cũng có những ngày chỉ một màu xanh trong vắt, trời xanh, cây xanh.

Xẻ gỗ đã trở thành một niềm vui sâu kín lạ kỳ. Niềm hoan hỷ đó, bạn sẽ không cảm nhận được đâu nếu bạn không bắt tay hành động. Khi khúc gỗ bị chẻ đôi dưới lưỡi cưa hay chiếc búa rìu sắc ngọt bủa xuống mạnh mẽ chính xác, xẻ đôi khúc gỗ, có một cảm giác khoái khích thỏa mãn chảy rần rật trong ta.

Mỗi buổi sáng, tôi nao nức đợi giờ làm việc như các chú học trò nóng ruột trông mong phút giải lao sau giờ học văn phạm khô khan nhức đầu. Sau buổi điểm tâm, bụng căng no ních đầy cơm đậu với trà, tôi tròng vội bộ quần áo làm việc và ba chân bốn cẳng phóng ra ngoài xẻ củi.

Bên phía phải căn chòi đã chất đầy một đống củi xẻ gọn gàng. Thực thú vị hài lòng xiết bao khi ngắm nhìn thành quả của mình – đống củi cứ chất cao, xếp thành hàng ngay ngắn, cao dần, cao dần lên. Sân trước căn chòi vẫn phủ đầy tuyết nhưng ở giữa là một lỗ hõm sâu toàn những vết búa rìu do tôi xẻ trượt củi chém xuống đất.

Vùng đất chung quanh cái lõi cây là bãi chiến trường đầy những mẫu vụn gỗ, vỏ cây, những quả mọng chai cứng, những trái thông già và những nhành cây tua tủa gai nhọn. Mặc dù nhìn chẳng có vẻ lãng mạn đẹp mắt tí nào, nhưng đối với riêng tôi, bức tranh tuyết, lõi cây và vụn gỗ này mang một vẻ đẹp huyên bí tâm linh vô tả. Mắt tôi bây giờ không còn tưởng tượng thấy những ánh đèn điện nê ông xanh đỏ trắng vàng của những cửa tiệm, trên xa lộ, trên máy vi tính, trên những tấm bảng quảng cáo, trên truyền hình... hay nói chung là tôi không còn tưởng tượng nhìn thấy những tiện nghi văn minh hiện đại của loài người từ hơn một tháng trời qua.

Những màu sắc và hình thể ở khu núi rừng này tự chúng mang một vẻ đẹp thiên nhiên tinh khiết. Trước kia, quan kiến của tôi thật rỗng tuếch, hàm hồ. Tôi cho rằng cái đống gỗ kia hay cái sân đầy mạt vụn gỗ, tuyết, lá tùng, trái thông, v.v... nhìn sao ảm đạm, dơ bẩn, vô vị, buồn chán đến thế... nhưng bây giờ, khi cảm giác an tịnh tâm hành, cảm giác tâm hân hoan, tâm định tĩnh trong sự thanh vắng của khu rừng thì tất cả những cảm thọ, những tư tưởng xưa kia của tôi đều thay đổi chuyển hóa – tất cả những màu sắc hình thể trước mắt tôi bây giờ thực đẹp, thực tuyệt mỹ, hàm ý xâu xa vô cùng. Một nét đẹp – Chân Thiện Mỹ- y như thị.

Đức Phật đã dạy, ‘Một khi hòa mình vào được cùng vũ trụ, trong vũ trụ là an tịnh tâm trí, giải thoát nhất như.’ Tôi đã tự thể nghiệm lời dạy đó của Phật.

Tôi chọn một khúc cây và ngắm nghía tìm xem nó có bị nứt ở đâu không? Nếu khúc cây quá to, tôi sẽ bổ tách nó ra dần. Nếu nó không quá to, tôi sẽ nhắm ngay giữa và chém mạnh xuống một nhát rìu xẻ nó ra làm hai. Không nhất thiết phải xẻ củi ra làm hai ngay nhát búa đầu tiên. Có khi phải chẻ khúc cây đó ra làm mấy đoạn, có khi chỉ cần một lần. Sau vài nhát rìu, khúc cây to nứt tọac ra làm hai. Tôi thấy nó có nhiều lằn thớ vằn vện màu đỏ và cam của loại cây sồi. Tôi chợt nghĩ, ‘Không biết bao nhiêu lâu cây sồi này lớn cao lên, to chắc lên và sống tới bây giờ? Có lẽ hàng trăm năm rồi? Từ một hạt nhỏ xíu, cây sồi nẩy mầm, mọc lên cao vững chắc và xum xuê thế này ...’

Tâm thức con người ta cũng vậy. Trong một thoáng chốc, những lằn thớ ảo vọng của tôi từ bấy lâu nay (như những lằn thớ bọng cây sồi trăm năm kia) bị cây búa Chân Lý chém cho một nhát xẻ toang đi màn vô minh ảo thức.

Nhặt lấy một khúc gỗ khác để xẻ, tôi liên tưởng và có cảm giác rất thân thiết gần gũi với những người tiều phu hay những ai đã từng xẻ củi cũng như với những người vẫn còn phải chụm củi nhúm lửa mỗi ngày để nấu ăn và sưởi ấm.

Người xưa đâu? Người nay đâu?

Quá khứ và hiện tại nối liền nhau dù trên mặt thời gian hiện thực, người ta chia chẽ chúng ra làm hai, làm ba, quá khứ, hiện tại, tương lai. Tôi cảm kích cái cơ hội tốt đẹp này được thể nghiệm ý thức ‘thời gian và không gian’ bặt dấu, mất tăm tích trong một sự việc vô cùng đơn giản, bình thường và tái diễn như xẻ củi, chặt cây.

 

15. Bài pháp cúc cu

 

‘Một con chim trong tay còn hơn hai con trong bụi rậm’

Ngạn ngữ

 

N

ghỉ một lát sau buổi cơm trưa, tôi hành sám lễ Phật ngay bên ngoài hành lang căn chòi. Làn khói hương trầm thoảng nhẹ trong hư không khiến hồn tôi lâng lâng tưởng tượng như được sống ở một nơi ẩn cư xa xưa nào đó miền châu Á. Mỗi lần chắp tay lễ xuống một lễ, đầu gối chạm vào mặt chiếu, tôi thấy những tấm ván gỗ loang lỗ màu nâu đỏ nhạt thếch như màu của củi rều mục rã trôi lềnh bềnh trên nước, và mỗi lần đứng lên tôi lại thấy bầu trời xanh ngắt một màu xanh thật xanh đến lóa mắt. Những cành thông xanh cũng đong đưa khoe mình trong gió.

Bất thình lình không biết từ đâu, một con chim cúc cu mình đen trắng nhỏ bay qua bay lại trước mặt tôi và giương đôi mắt chẩu nhìn tôi.

‘Chà, cái gì thế này? Bộ con chim nhỏ này muốn tấn công tôi chắc?’

Thoáng bị phân tâm đi một chút, tôi cố tình không để ý đến chú chim cúc cu nữa và tập trung tinh thần lại vào lễ sám. Nhưng cái chú chim bé tí kia có vẻ không sợ hãi gì, lại sà cánh xuống bay gần tôi hơn. Trong một thoáng giây, tôi gục gặc đầu tự hỏi, ‘Chuyện gì đây, chú chim cúc cu kia?’ Con chim cúc cu lại bay gần hơn, gần hơn nữa. Có lẽ nó đói chăng?

Tò mò, tôi bốc một vài hạt hướng dương và xòe tay về phía con chim bây giờ đang đậu ở một cành cây gần sát căn chòi. Con chim bé nhỏ kia thật bạo dạn, nó không sợ hãi gì cả, liệng đôi cánh sà xuống lòng bàn tay tôi, quặp mỏ ngậm một hạt hướng dương và bay lên đậu lại trên nhánh cây thấp kia.

Tôi vui thích háo hức chạy vào trong chòi bốc thêm một nắm hạt hướng dương nữa. Chú chim cúc cu đó không e dè gì cả, bay xuống đậu trên tay tôi, mổ ăn ngon lành. Có một vài con chim khác quan sát cảnh tượng đó và cũng đang muốn lân la đến ăn hạt hướng dương. Chúng dè dặt bay đến gần y như con chim đầu tiên đã làm, chuyền từ cành này sang cành khác, dè dặt cẩn thận, đo lường cảnh giác những nguy hiểm bất ổn. Vài con liều mạng bay xuống lòng bàn tay tôi, quắp lấy hạt hướng dương và bay vù lên cành cây cao liền. Vài con vừa bay xuống thì lại liệng cánh bay vút lên và đậu tít trên cành cây an toàn nhất.

Ngay cả giữa những con chim, có con bạo dạn tự tin nhưng cũng có những con sợ sệt rụt rè; một tiếng động khẽ cũng khiến chúng hoảng sợ thất kinh. Loài người chúng ta cũng vậy. Thử hỏi đã biết bao lần trong cuộc đời chúng ta đã từng mong cầu, đã từng ham muốn, đã từng khát khao sẽ gặt hái được thành công hay thỏa mãn niềm ước mơ thầm kín nào đó; chúng ta há cũng đã từng cố công gắng sức để tiến gần tới mục tiêu cho bằng được nhưng rồi đến phút cuối cùng chợt quay lưng bỏ chạy, sợ nguy hiểm hay bị thất bại thê thảm...

Loài chim cúc cu bé nhỏ kia nào có khác gì loài người chúng ta, tuy nhiên có nhiều khi những sự nguy hiểm (mà chúng ta tưởng tượng) lại nhỏ bé nhiều hơn so với những hiểm nguy mà loài chim tội nghiệp kia bị vướng mắc phải.

Chúng ta sợ hãi cái gì? Chúng ta sợ người khác bình phẩm chê bai mình. Chúng ta sợ mất đi những sở hữu riêng . Chúng ta sợ thất bại, sợ đủ thứ – những sự sợ hãi tầm thường nhất.

Đôi khi chúng ta rất lơ là, ít quan tâm về sự tỉnh thức tâm linh gì cả. Chúng ta bỏ trôi thì giờ, ngồi thờ thẫn mơ màng cả ngày trời nhưng cũng có khi chúng ta rất tinh tấn phát nguyện mạnh mẽ cầu giải thoát. Những lúc đó chúng ta giống y như loài chim cúc cu kia: bạo dạn, liều lĩnh, không sợ hãi lao mình nhắm thẳng mục tiêu nhưng chợt co đầu rúc cổ che mặt quay lưng...

Chúng ta học hỏi kinh nghiệm sống đó cả hai mặt, chẳng có mặt nào hơn mặt nào cả. Cả hai đều là thầy của ta – như một thiền ngữ:

‘Đứng trong một thung lũng và hét lớn lên; tiếng hét lớn, âm vang lớn, tiếng hét nhỏ, âm vang nhỏ!’


 

16. Hỏi hay, tin trọng, tâm hùng

 

Câu hỏi hay có nghĩa là ‘Tôi không biết là tôi có thể làm được việc đó hay không?’

Niềm tin lớn là ‘Đúng vậy nhưng tôi quyết phải thử xem sao!’

Quả cảm nhất là ‘Đừng nói lôi thôi nữa, bắt tay vào việc ngay đi!’

                                                (Thiền sư Su Bong)

 

K

iết ấn khi ngồi thiền là cách ta đặt để hai bàn tay ta trên đùi thế nào khi ta ngồi trong tư thế kiết già (hay bán già) trong thời gian thiền tọa. Bàn tay phải để dưới bàn tay trái, hai ngón cái khẽ chạm vào nhau y như là ta đang cầm nhẹ trái trứng vậy. Nếu hai ngón tay cái rời nhau ra, có nghĩa là ta đang ngủ gục nay, nhưng cũng không nên giao chạm mạnh quá khiến hai ngón tay cái trắng bệch ra. Bởi vì tôi sử dụng xâu chuỗi và trì chú khi ngồi thiền nên có thể dễ nhận ra là tôi tỉnh táo hay ngủ gục trong suốt thời gian nửa tiếng thiền tọa bằng cách là tôi đã lần đếm được bao nhiêu hột chuỗi – cứ mỗi hột là một biến thần chú, tuy vậy mà cũng có khi ‘hốt mê hốt tỉnh.’

Tôi không muốn cố gắng quá mức căng thẳng nhưng nếu không bắt mình cố gắng, có lẽ tôi đã chấm dứt ngay cái nửa tiếng thiền tọa đó và ngồi thờ thẫn mơ mộng ngay; chỉ cần một nửa giây đồng hồ không sáng suốt thôi là tôi đã lọt vào ngay cái thế giới ảo mộng giữa ban ngày. Từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc một, tôi vật lộn với ý nghĩ: ‘Không được quá nóng cũng đừng quá lạnh, không lơi lỏng cũng đừng quá căng... y như người nhạc sĩ lên giây đàn vừa vặn, không chùng, không căng để âm thanh phát ra thật chính xác, êm tai, trầm bỗng – đó chính là ‘sự thực tập.’

Đức Phật dạy ‘Chánh Tinh Tấn’ là một trong những điều khó đạt nhất khi thực tập. Như thế nào là ‘chưa đủ’ hay ‘quá mức?’ Làm sao giữ được niềm tin kiên cố, sự can đảm, và tự hỏi mình có luôn chánh tín, chánh tinh tấn, chánh niệm, sống trung thực nhưng không trở thành một kẻ cuồng tín? Làm sao trở thành một ‘vĩ nhân’ nhưng không khởi ‘chấp ngã’ là có một cái Ta cồng kềnh to lớn đang trỗi dậy trong lòng muốn trở thành một người đáng nể trong thiên hạ?’ Thực khó, thực khó vậy.

Tôi nghĩ loài vật thực hiện điều này hay hơn loài người chúng ta. Dường như chúng biết phải làm những gì và khi nào phải hành động. Chúng biết được khi nào trời sắp mưa. Chúng biết là phải ăn loại cỏ cây gì khi bị bệnh. Chúng sanh sản không cần sự giúp sức của bà mụ hay y tá, bác sĩ gì cả. Loài người chúng ta cần nên học hỏi nhiều hơn ở loài vật ngay cả những yếu tố phẩm chất trong nhà thiền như ‘hỏi hay, tin trọng, tâm hùng,’ chúng ta cũng có thể học được nơi loài vật nếu chúngta biết quan sát chúng, biết tiếp thu nơi chúng.

Chân lý của toàn thể vũ trụ này, tổng thể của khối càn khôn này, tất cả đều nằm ngay trước mắt chúng ta trong tiếng kêu của loài chim rừng, trong một hơi thở, trong con nhện đang nằm yên ở góc tối kia chờ đợi một con ruồi ngu xuẩn nào đó bay ngang qua.

Có một câu chuyện nhỏ về một chú mèo thể hiện được đầy đủ tính chất ‘niềm tin vững chắc’ mà loài người chúng ta, những thiền sinh như chúng ta đang cố gắng thực tập.

Chú mèo kia sống chui rúc trên mái nhà một ngôi chùa ở Đại Hàn. Đây là nơi, có thể nói, có nhiều mái nhà đẹp nhất trên thế giới. Những mái ngói – xanh, xám nhạt hay đỏ thẫm – phủ lên những căn nhà trông giống như những tấm y phấn tảo của các vị tu sĩ – đủ màu sắc. (Y phấn tảo là tấm y may bằng nhiều mảnh vải vụn chắp nối lại).

Từ những mái ngói đó, chúng ta có thể ngửi thấy mùi trầm hương đốt phảng phất hay tất cả tiếng tán tụng lễ bái của các tu sĩ từ bao thế kỷ qua. Chúng ta cũng có thể ngửi thấy mùi của Đức Phật, cả mùi trà, mùi rượu nếp... Chúng ta cũng có thể thấy được cả bầu trời và mây, mưa trong đó. Và, quan trọng thực tế hơn hết, chúng ta cũng có thể thấy được cả đậu hũ hay tương chao đang nổi meo mốc và trương phình lên trong những hũ vại to tướng nằm phơi nắng nghênh ngang trên mái ngói.

Ngày xưa khi thiền sư Dae Soen Sa Nim còn là một tu sĩ trẻ tại chùa Hwa Gye Sah ở Seoul thì có một sự cố xảy ra liên quan tới những vại đậu hũ trên mái ngói. Mỗi buổi sáng, vị tu sĩ đầu bếp của chùa đều lên mái ngói lấy vài miếng đậu hũ để nấu món canh súp truyền thống của người Đại Hàn. Một sáng nọ, ông ta phát giác có cái gì khang khác là lạ. Ông ta đếm lại đậu hũ trong vại, ủa sao chỉ còn có 99 miếng? Đúng ra phải là 100 miếng mới phải chứ?? Ai đã lấy đi mất một miếng? Ông ta nghĩ thầm cũng hơi lạ vì chỉ có một mình ông là người đầu bếp của chùa và cũng chỉ có mình ông là người làm và lấy đậu hũ. Sáng hôm sau, lại mất đi một miếng nữa, và sáng hôm kế tiếp lại mất đi một miếng nữa, cứ mỗi buổi sáng là mất đi một miếng đậu hũ!!

Vị tu sĩ đầu bếp báo cáo sự cố lạ lùng đó lên vị phương trượng, và sau buổi họp của tăng chúng trong chùa, vị phương trượng cắt cử mỗi vị tu sĩ một đêm lên rình trên mái ngói để tìm hiểu sự việc như thế nào. Một đêm kia, đến phiên gác của thiền sư Dae Soen Sa Nim thì thiền sư nghe thấy một tiếng động lạ: ‘chạch, chạch, chạch.’

Có tiếng chân rất khẽ khàng, rất nhẹ...

Nằm im cố không gây ra một tiếng động nào, thiền sư Dae Soen Sa Nim giương đôi mắt hướng về cái vại đậu hũ, và ơ kìa, thiền sư đã bắt gặp thủ phạm ăn cắp đậu hũ của chùa: hóa ra là một con mèo đen! Đôi mắt của chú mèo sáng rực lên mầu vàng xanh trong bóng tối. Chú ta trườn lên lặng lẽ nhẹ nhàng thật khéo léo lên miệng cái vại đậu hũ, nằm bất động trên đó và nhìn chòng chọc vào trong cái bóng tối đen ngòm của cái vại. Như bao nhiêu con mèo khác, chú ta không bơi lội được và cũng chẳng hứng thú gì cái môn bì bõm dưới nước cả nên chú ta chẳng dại gì bị chết chìm trong vại vì cái miếng đậu hũ, nhưng chú ta khoái nếm đậu hũ nên chú ta cứ nhìn đăm đăm vào mặt nước.

Phải công nhận là chú mèo quả thực kiên nhẫn. Có lẽ chú ta đang tự hỏi: ‘Cái miếng đậu hũ đâu nhỉ?’ Dae Soen Sa Nim vẫn nằm bất động trên mái ngói, lặng lẽ quan sát chú mèo. Chú ta hình như không quan tâm đến thời gian gì cả hay có thể chú ta sẽ bị bắt gặp hoặc là cái gì đó... chú ta cứ thản nhiên nằm trên miệng vại chờ đợi, chờ đợi, và chờ đợi... hình như tất cả các giác quan, sức mạnh của chú ta tập trung lại nơi đôi mắt, chú nhìn, chú nhìn... thời gian chầm chậm trôi qua... chú mèo vẫn tiếp tục an nhiên nhìn, nhìn ... và rồi chú nhìn cho đến khi có tiếng động rất khe khẽ ‘bloóp, bloóp, bloóp... ’

Miếng đậu hũ đúng giờ, đúng độ nỗi trương phình lên miệng vại. Chú mèo giơ chân ra vớt ngay miếng đậu hũ mới nổi lên đó, ngọam vào miệng và phóng mình bỏ đi, không để lại một dấu vết gì. Hóa ra thủ phạm chính là chú mèo và thiền sư cũng học được một bài học thiền lý thú.

Thiền trong từng hành động, trong từng phút giây và cái gì đến, sẽ đến!

 

17. Hãy đi hỏi ngọn cây kia!

 

Tự ngã tu trì, phương năng kiến Phật.

                            (Thiền sư Man Gong)

 

K

hi chúng ta ngồi yên lặng thật lâu và không nói năng động tịnh gì cả thì tất cả những gì tàng trữ chất chứa trong cái kho ‘tủ xép ý thức’ (mà chúng ta đã quên khuấy đi mất) lù lù vọt ra trước mắt. Nào là hình bóng những tình nhân cũ, nào là những miếng bánh mì xăng-uých béo ngậy kẹp thịt chiên hay gà mà chúng ta đã ăn ngon lành ở một bãi biển lãng mạn thơ mộng nào đó... hoặc chúng ta miên man nhớ đến mùi vị mặn nồng ngai ngái của nước biển. Cha mẹ, anh chị em, những chiếc xe chúng ta đã lái, những cuốn sách chúng ta đã đọc, bạn bè, núi rừng, thơ văn, đám ma, đám cưới, những trẻ con bi bô ngây ngô đến dễ thương, những giải thưởng, những cuộc chơi phù phiếm bài bạc, v.v... v.v... tất cả như một cuốn phim nhảy múa rộn ràng khuấy nhiễu tâm tư chúng ta.

Một vị đạo sư thiền Minh Sát, Jack Kornfield, đã từng nói như thế này trong những khoá tu thiền thất: ‘Tất cả những ký ức hoài niệm đều còn y nguyên trong ý thức chúng ta. Ngay cả những gì mà từ xa xưa người thầy dạy lớp tiểu học của chúng ta đã nói, đã dạy... Những cuốn phim xi nê, những tấm biển quảng cáo, những tình cảm... tất cả vẫn nằm y nguyên ở đó. Đôi khi hình ảnh những người hay đồ vật mà chúng ta yêu mến ưa thích nhất xuất hiện ra rất nhiều lần; tuy nhiên có thể nói ngay cả những gì mà chúng ta căm ghét nhất còn hiện ra nhiều hơn nữa.’

Buổi xế trưa. Thiền tọa. Những tia nắng mặt trời đang đùa giỡn với các vật thể tạo thành những hình bóng nhẩy múa tung tăng trên vách, trên sàn của căn chòi nhỏ. Ngoài kia trời bỗng trở gió nhưng trong chòi thì rất ấm áp. Bộ đồ bên trong của tôi thật ấm áp dễ chịu. Chiếc áo ngủ dài cũng ấm áp. Đầu óc tôi đặc quẹo như mật mía, tư tưởng tôi lăng xăng loạn xạ suy diễn lung tung, ý nghĩ vương mang mơ màng. Hình ảnh rộn ràng hiển hiện trước mắt như những hình ảnh và màu sắc của tivi ba màu phóng đại.

Nhân vật thường xuất hiện đột ngột nhiều nhất trong tâm tôi là người bạn thân mà cũng là vị thầy khả ái của tôi – thiền sư Su Bong. Ông đã qua đời rất sớm, tuổi chỉ độ hơn 50. Ông là người tôi đã gặp lại trong lần nhập thất đầu tiên kéo dài nhiều ngày ở Barre, Massachussetts, với thiền sư Seung Sahn, khi hai vị đến thuyết pháp cho nhóm thiền sinh chúng tôi. Su Bong là người đã gây cho tôi nhiều cảm hứng và thiện cảm nhất. Tôi luôn luôn nhớ nghĩ đến ông, thể như là một vị Phật sống.

Su Bong Sunim rất thông minh, hiểu biết nhiều nhưng đồng thời cũng có khi rất ngớ ngẩn, kỳ cục. Chính đặc tánh đó đã giúp cho Su Bong trở thành một thiền sinh xuất sắc và sau này là một vị thiền sư đại tài. Người ta nói rằng, ‘Muốn thể nhập vào chân nghĩa của Thiền, chúng ta phải ‘thực sự ngớ ngẩn hoàn toàn,’ ‘thực sự rỗng rang hoàn toàn,’ không chất chứa bất cứ một ý nghĩ tư tưởng nào mà ngay cả những nhận thức chưa hình thành hay vừa mới tượng hình cũng không chấp chặt.’’ Tuy nói vậy nhưng thực tế thì chúng ta cũng cần phải có một năng lượng IQ dồi dào tương đối nào đó để thẩm nhận rằng ‘sự ngớ ngẩn của một thiền sư chính là sự đạt đạo.’

Thừa kế hai giòng máu Đại Hàn và Trung Hoa từ tổ tiên dòng họ, Su Bong có đôi mắt màu nâu hạnh nhân, một nụ cưòi rộng mở và đôi bàn tay đẹp. Ngài trưởng thành ở Hawaii và ưa thích tất cả những gì của Á Đông: thiền học, mì sợi, bánh bột gạo, thư pháp và phim quyền cước. Su Bong mê thích loại phim này và xem nhiều lắm. Có lẽ vì thích quá các nhân vật trong loại phim võ hiệp này mà Su Bong có lúc đã muốn đồng hoá trở thành một võ sư chăng?

Thí dụ như có một lần nọ, Su Bong được mời tham dự bữa cơm tối tại một nhà hàng sang trọng ở Los Angeles do một số nhân vật quan trọng quyền thế Nhật Bản tổ chức để gặp một vị thiền sư nổi tiếng, thiền sư Kozan Roshi. Đối với Su Bong Sunim, đây là một vinh hạnh to lớn bất ngờ nên Su Bong quá vui thích đến độ đã ra phố tự mua sắm lấy một bộ quần áo võ của những môn sinh tập khí công và hí hửng đi đến nhà hàng. Đến nơi, Su Bong chợt giật nẩy mình khi thấy những quan khách trịnh trọng trong những bộ vét Âu phục đắt tiền, các mệnh phụ phu nhân quí phái thướt tha trong những chiếc áo dạ hội kiểu cách sang trọng. . . Nhìn lại thì chỉ có mình Su Bong là quái gỡ nhất với bộ đồng phục môn võ khí công chẳng hợp thời hợp cảnh chút nào.

Đó là lý do vì sao tôi muốn nói Su Bong vừa siêu việt vừa ngớ ngẩn buồn cười. Ông ta rất thông minh để lãnh hội trọn vẹn những lời giảng của các thiền sư khác nhưng cũng có lúc ngây ngô như các tay kiếm khách kỳ tài trong các bộ phim võ hiệp của Tàu (nhưng thực ra đã có mấy ai đánh trúng nổi các võ sư lừng danh thực thụ?). Giờ nay ngồi tưởng tượng cảnh Su Bong trào lộng dự tiệc trong bộ quần áo võ khí công, tôi không khỏi bật cười sảng khoái.

Và cũng có một lần khi tham dự buổi giảng pháp của thiền sư Seung Sahn, Su Bong Sunim đứng lên nói tỉnh , ‘Tôi không tin ngài đâu!’ Thiền sư Seung Sahn thản nhiên trả lời, ‘Tuyệt hảo, đúng vậy! Đừng tin tôi, đừng tin cả Đức Phật, đừng tin vào bất cứ một ai. Nếu anh muốn biết anh là ai, là gì, hãy đi hỏi ngọn cây kia!’

Thế là mỗi buổi tối, sau khi đi làm ở xưởng mộc về, Su Bong tắm rửa sạch sẽ, trãi chiếu, toạ cụ, và bồ đoàn ra trước một thân cây to sau nhà và hỏi, ‘Này cây, ta là gì hở?’

Không có trả lời. Im lặng.

Nay tôi cũng hỏi tương tợ như vậy:

‘Tôi là ai? Là gì?’

Nếu bạn muốn biết cây đã trả lời những gì, hãy đi ra ngoài và tự hỏi cây cao kia.

 

18. Mười năm xuẩn ngốc

 

‘Mười năm qua, tôi đã đeo mang tự trói buộc mình vào những triền phược đau khổ, cay đắng hay kiêu ngạo huênh hoang của những thăng trầm cuộc sống nhưng rồi một ngày kia, đang lênh đênh ngao du trên chiếc thuyền nan nhỏ bé bềnh bồng trên sóng nước sông hồ, tôi chợt thở phào một tiếng nhẹ nhõm:

‘Cha, cha đã bỏ rơi con khi con chỉ là một đứa bé ngô nghê – nhưng ngày nay con đã tha thứ cho Cha!’

                                                              (Thiền sư Ikkyu)

 

M

ới vừa chấm dứt xong giờ chấp tác lao động thì một cơn tuyết nhỏ rơi xuống. Bước vội về phía căn chòi vừa xách theo bình nước múc từ cái giếng nhỏ xa kia, dưới những hạt bụi tuyết trắng xóa mong manh như pha lê đang cuống quít phủ đầy mặt như những nụ hôn vội vã của đôi tình nhân đang chia tay nhau, tôi phấn khích vui vẻ hẳn lên vì đã xẻ được rất nhiều củi ngày hôm nay.

Rủ sạch đất và tuyết ở bực thềm cửa, tôi tuột nhanh đôi giày ủng, găng tay, áo ấm khoác ngoài và ngồi bệt ngay cạnh lò sưởi để hơ ấm người lại đôi chút. Rót trà nóng ra tách, tôi ấp ủ hai bàn tay xoay quanh tách trà. Nhấp từng ngụm trà nóng ngon tuyệt dịu, tôi cảm nhận và lắng nghe từng hơi ấm dần dần thấm nhẹ qua làn da và len tận vào bên trong cơ thể khiến hồn tôi lâng lâng sảng khoái cộng với phần thoải mái của thể xác đang ngấm mệt.  Tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện vãn xưa kia khi tiếp xúc với thiền sư Su Bong Sunim.

Có một câu truyện thiền nổi tiếng kết thúc với câu nói như sau: ‘Nhấp ngụm trà xanh, ta chấm dứt chiến tranh!’ Lần đầu tiên khi đọc tới câu nói trên, tôi thích chí quá đến nỗi reo ầm lên: ‘Chao ôi, tuyệt vời quá, số dzách!’ Sau đó tôi đem câu thiền ngữ đó ra kể lại cho Su Bong Sunim nghe nhưng tôi bật ngửa khi Su Bong choảng ngay cho tôi một cú: ‘Chẳng hay chút nào!’

-‘Sao vậy? Tại sao? Tại sao?’ tức khí, tôi hỏi dồn dập.

Su Bong chậm rãi từ tốn trả lời:

-‘Khi bạn uống trà, hãy uống trà. Bỏ mặc qua một bên, cóc cần để tâm tới cái gì là ‘chấm dứt chiến tranh hay không chấm dứt chiến tranh.’ Biết chưa? Cái phần đuôi đó là đồ vặt vãnh, vớ vẩn, biết không?’

Mặc dù rất an vui với một minh sư như Su Bong trong tâm tưởng, trong bất giác tôi vẫn suy nghĩ đến những cuộc chiến tranh tàn khốc. Làm sao chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh? Những hình ảnh khủng khiếp nhoáng hiện ra trong tâm trí tôi, những cảnh tượng người giết người man rợ, những thây người không toàn vẹn, mất đầu, cụt tay, cụt chân, banh xác, máu me đầm đìa hay thối rửa, trương phình xanh xám đổ vật chồng chất lên nhau trong những bộ quần áo quân phục dã chiến hay những manh áo dân lành vô tội. Luôn luôn có những xác chết bé xíu của những trẻ con thơ ngây vô tội. Đây là xác của cha hay mẹ một người nào đó. Kia là thi hài của người chồng hay người yêu của một ai đó lạc hồn... phi lý, vô nghĩa, tàn khốc, bi thảm, dã man và rùng rợn – một hoang cảnh của loài người.

Nỗi đau xót mà tôi đã đè nén và chôn dấu, không dám nhớ tới nữa khi nghe tin cha tôi chết tại Việt Nam bỗng đột ngột ùa vỡ ra từ nơi chôn dấu sâu thẳm nhất. Có thể nói, kỳ quan thứ tám mà thế giới cần phải biết tới, đó là vùng ký ức hoài niệm qúa khứ của con người. Đâu là nơi chốn, đâu là hợp chất, và đâu là tiến trình của kỳ quan thứ tám này? Làm sao chúng ta chợt nhớ lại hết tất cả từng chi tiết nhỏ nhoi nhất của những việc xa xưa, biết đâu là bắt nguồn từ vô lượng kiếp trước, và rồi chúng lại biến mất hút vào trong cái khoảng trống sâu kín nào đó trong tâm thức, nơi trú ẩn mật nhiệm nhất của nó? Có thể biết đâu những hình ảnh xa xưa đó không lẫn trốn ở đâu hết mà chúng luôn tương tục hoạt động trong làn sóng giao thoa tương quan nhỏ nhiệm vi tế và chỉ xuất hiện khi mặt phẳng đặc biệt của hợp tố đó bị chọc thủng? Tôi không biết. Điều lý thú nhất là cái lớp phản ảnh kinh nghiệm qúa khứ đó có thể nằm im ngủ say ở đâu đó bao năm dài đăng đẳng và rồi, như lò xo bung mạnh, như cò súng nẩy giật, chúng ùa vỡ ra với sức mạnh kinh khiếp như dòng thác lũ Niagara, nốc ao chúng ta một cú tan hồn bạt vía.

Cha tôi chết tại Sài Gòn (không phải vì chiến trận ở Việt Nam) khi tôi lên sáu tuổi. Ông qua Việt Nam công tác trong tư cách là một viên chức sĩ quan ngành Không Lực Hoa Kỳ chỉ độ hơn 9 tháng trước khi ông mất. Khi mẹ con chúng tôi ra phi trường đón nhận thi hài ông được bọc kỹ kín trong chiếc quan tài bằng kẽm, tất cả những lời hứa trước kia của ông sẽ đưa mẹ và anh chị em chúng tôi đi đó đây để chung vui hạnh phúc gia đình đầm ấm với nhau sau những tháng năm xa cách bỗng tan biến thành từng mảnh vụn rạn vỡ đầy nước mắt và đau đớn.

Tôi không dám nhớ nghĩ tới hình ảnh cha tôi. Tôi không dám nhắc đến tên cha dù chỉ một thoáng giây trong những lần trò chuyện với gia đình, với người thân quen, bạn bè, trong những buổi ăn họp mặt hay những lần dạo quanh đường phố nhỏ; tuy nhiên dù tôi có cố gắng chôn vùi dấu kín đi mấy chăng nữa, nỗi đau mất cha khi còn bé thơ vẫn tuôn chảy dồn dập trong từng đường gân thớ thịt, vẫn nóng bỏng đốt cháy tâm hồn tôi như mới ngày hôm qua đây thôi.

Nước mắt bỗng trào tuôn thành dòng, tôi quặp đôi người xuống trong nỗi đau tê dại đè nén, cằm rung rung bần bật, và trái tim tôi co thắt nghẹn thở từng hồi theo tiếng nấc òa bi thảm. Tôi mơ hồ thấy những người lính chiến oai hùng trong bộ quân phục thẳng thớm bước vội ra khỏi lòng phi cơ, rạng rỡ tiến nhanh thẳng đến vợ con và những thân nhân họ cũng đang cuống quít hấp tấp nhào chạy tới vừa khóc cười vui mừng vừa dang rộng đôi tay ôm chầm lấy nhau như sợ người thân của mình sẽ biến mất đi không còn nữa. Tôi thấy họ, tôi cũng cười mừng vui như họ, cho họ. Tôi ước ao sao gia đình chúng tôi cũng có mặt ở đó, cũng vui sướng reo cười như họ. Và rồi cái ảo giác hạnh phúc đó tan biến mau. Cha tôi biến mất, rồi lại hiện ra, rồi lại biến mất, có đôi khi biến mất thật lâu, thật lâu.

‘Cha, cha hiện giờ ở đâu?’

 

Tôi có thể ngồi tại căn chòi cô tịch này năm mươi năm, một trăm năm, mười ngàn năm.

Không biết.

Không biết.

Mãi mãi và mọi nơi

Thực hoàn toàn không biết, không biết.

 

19. Nhận thức không phải là đường đạo

 

            Tâm thức không phải là Phật

            Nhận thức không phải con đường.

                                                (Thiền sư Nam Cheon)

 

T

hứ tư. Một buổi sáng sớm. Tuyết phủ kín mặt đất trắng xóa mênh mông đến nỗi những vì sao trên trời hình như cũng đã biến thành tuyết trắng.

Trời trắng tinh. Đất trắng tinh. Yên lặng như tờ. Một mầu trắng tinh khôi trinh bạch. Cây cối oằn cong rủ xuống như phủ phục cúi đầu dưới sức nặng của tuyết. Đẹp tuyệt vời.

Thinh không. Tất cả im lìm. Trời đất, sinh vật, vũ trụ, loài người... không một tiếng động, không một dấy niệm nào.

Cuộc sống thật giản dị, bình lặng, an nhiên xiết bao nhưng con người không biết nên cứ mãi loay hoay tìm kiếm. Thật nực cười quá, có phải không? Cần phải trãi qua tất cả những kinh nghiệm thực hành tu tập để được ‘sống đúng và sống thực với chính mình,’ để trở về với ‘bản tánh uyên nguyên của chính mình,’ đó chính là yếu chỉ thiền tông; qủa thực pháp môn thiền không giống với bất cứ công việc nào mà chúng ta đã và đang thực hành. Không có sự tụng đọc, không học hành nghiên cứu, và cũng chẳng có báo cáo hay trình bày một kết quả thâu hoạch nào cả. Càng ít suy tư bao nhiêu, bạn càng thể nghiệm thân chứng thiền nhiều bấy nhiêu. Hãy đặt để trọn vẹn con người bạn vào trong từng hành động, trong hơi thở của đất trời cho đến khi bạn hòa nhập và trở thành một phần thể của đại địa sơn hà.

Cũng như ngày hôm nay, yên lặng của đất trời, tịch lặng của lòng người, phi sắc phi không, nhiên nhiên hóa hóa...

            Tâm thức không phải là Phật.

            Nhận thức không phải đường Đạo.

            Buông xả hết, buông xả hết.

            Một màu trắng trinh nguyên,

            Một màu trắng trinh nguyên hoàn mỹ.

 

20. Ngày tẩy tịnh

 

 

Hôm nay là ngày tẩy tịnh. Trong tuần vào cái ngày trọng đại này, tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến du hành về phía cái giếng nhỏ xa kia xách về thêm hơn mười hay mười lăm galông nước để thực hiện và hưởng thụ mục tiêu cao điểm của sự khoái lạc trần tục này. Công việc này qủa là một công trình to lớn như một ca phẫu thuật vậy; cần phải chuẩn bị tất cả thật vô cùng chu đáo. Tôi rất sốt sắng với công việc này từng chút một bởi vì tôi sẽ được hưởng thụ cái phần thưởng xứng đáng là cảm nhận từng giọt nước ấm nóng khoan khoái chảy từ từ trên cơ thể của tôi. Ôi, mới liên tưởng thôi mà tôi đã phấn khích lên rồi!

Để chuẩn bị cho ‘công cuộc tẩy tịnh’, tôi nhóm một đống lửa lớn trong lò. Bao nhiêu nước lấy được đều đổ đầy vào trong những nồi xoong hiện có và đặt lên trên hai cái giàng sắt trên lò, sẵn sàng để đun sôi. Cái ‘bồn tắm’ của tôi thực ra là một cái chậu bằng mủ nhựa đủ lớn để lọt được chỉ có nửa người vào trong, và trước mặt tôi là một cái sô nhỏ để thòng hai chân vào. Cái khăn lông tắm trên ghế, và đống quần áo dơ sáu ngày chất chồng lên nhau bên cạnh bồn. Căn chòi thật ấm áp dễ chịu vô cùng vì đống lửa lớn bập bùng trong lò. Tôi đổ một phần nước sôi vào bồn và pha thêm nước lạnh cho vừa đủ ấm. Tôi cởi quần áo và xối nước từ từ lên người. Từ ngày tới đây nhập thất, cơ thể tôi bị bó chặt trong những lớp áo quần dầy chật ních. Bây giờ trút bỏ ra, trời ơi, tôi cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái làm sao! Tôi rờ be sườn, bụng và cảm thấy rõ những lớp mỡ đã tiêu tán đâu mất hết, thịt da tôi săn chắc nịch, bắp tay tôi cũng nổi cứng qua qúa trình lao động chấp tác thời gian qua.

Tôi ngồi trong bồn nước ấm, co hai đầu gối lên tận ngực và thòng hai chân vào cái sô nhỏ. Bên cạnh tôi là cái nồi mạ kền lớn đầy nước nóng ấm mà tôi có thể múc từ từ dội lên đầu, lên ngực, xuống lưng. Bất chợt trong khoảnh khắc, tôi đạt được tới một trạng thái vô cùng sung mãn hỷ lạc của tâm hơn cả nhập niết bàn. Tôi dội nước lần thứ hai từ từ, thật từ từ, và nghe dòng nước ấm nóng lan chảy nhẹ mơn man từ đầu, qua mặt, cánh tay, đến lưng... nước chảy đến đâu, tôi cảm nhận niềm phấn khích hỷ lạc trào dâng đến đó. Qủa thực bây giờ tôi mới hiểu thấu những miêu tả hư thực bồng bềnh của cảnh giới bồng lai tiên cảnh. Tôi ‘nghe’dòng nước ấm vuốt nhẹ cơ thể tôi, và thật sâu xa thầm cám ơn ân huệ của đất trời tạo hóa đã ban cho tôi cái phước duyên được an hưởng sự sung sướng của thân tâm do dòng nước ấm đem lại. Đúng thực như một thiền sư đã nói, ‘Người ta đôi khi cần nên ăn ít một chút, ngủ ít một chút, thiếu thốn một chút, kém tiện nghi đầy đủ một chút, để có thể thẩm thấu cảm nhận được ân huệ của đất trời ban tặng.’

Hơn cả nửa giờ thể nhập được vào cảnh giới an bình thần tiên đó, chà xát kỳ cọ từng khóe chân kẻ tay, dội nước ngâm mình thật sảng khoái cho đến khi nước dần nguội, tôi nhấc mình ra khỏi bồn và quơ hết đống quần áo dơ cho vào trong bồn giặt giũ bì bọp với cục sà bông. Dầm quần áo vào nước và để đó một lát cho tan sạch hết chất sà bông, tôi mặc quần áo, chải đầu và sung sướng cảm thấy cơ thể sạch sẽ, nhẹ nhàng, khinh an. Tôi rũ sạch quần áo lần chót, vắt khô và phơi phóng hết tất cả quần áo, bít tất, găng tay, nón len, khăn quàng lên những kèo cột căn chòi và bất cứ cái gì có thể máng treo được. Một quang cảnh rất vui mắt với những quần áo, trang phục đủ màu, đủ kiểu giăng mắc tứ tung chung quanh căn chòi nhỏ trong ánh lửa bập bùng và hơi ấm, ánh sáng. Chẳng có ai nhìn cả mà tôi cũng không quan tâm đến điều đó. Tôi vui thích ngắm nhìn cái quang cảnh lộn xộn đủ màu sắc đó trước mắt tôi.

Người ta kể lại rằng ngày xưa, trên con đường dẫn tới một thiền viện trên đỉnh núi Kim Cương ở Đại Hàn, có một vị tăng sĩ ghé vào khu đất có con suối nước nóng và xin người chủ nhà được tắm gội sạch sẽ trước khi lên núi. Sau khi tẩy tịnh, vị tăng sĩ đó cúi đầu cám ơn bà chủ đất: ‘Thưa bà, con suối nước nóng trên mảnh đất của bà quả thực là khu tắm lý tưởng nhất của Đại Hàn!’

-         ‘Ồ thế à? Thảo nào trông gương mặt của ngài rạng rỡ quá! Chẳng hay tôi có thể hỏi ngài một câu, có được không ạ?’

-         ‘Lẽ dĩ nhiên! Tôi đây là pháp sư Kinh Kim Cang. Bà có thể hỏi tôi bất cứ những gì bà thắc mắc!’

-         ‘Dạ vâng, thế thì quá tốt! Thưa ngài Pháp sư, đây là câu hỏi của tôi. ‘Hôm nay ngài đã tẩy tịnh sạch sẽ thân xác ngài trong bồn tắm nước nóng, nhưng ngài làm thế nào ‘để tẩy rửa sạch hết những cấu uế trong tâm ngài?’

Vị tăng sĩ đỏ mặt, bối rối, lúng túng, đứng chết trân nhìn bà lão cư sĩ, không trả lời được câu nào.

-         ‘Ngài! Ngài tự xưng ta đây là pháp sư chuyên về Kinh Kim Cang? Ngay nghiã lý cơ bản nòng cốt nhất của Kinh mà ngài còn không nắm vững thì làm sao ngài có thể đi đó đây để giảng giải cho người khác được chứ?’

Nếu bạn có vọng thức, hãy tẩy rửa sạch sẽ tâm bạn đi.

Nếu bạn không có, hãy để ‘tâm không’ và tu tập đi.


 (còn tiếp)


 

 

 

 

 

 

 



[1] Ở cái xã hội gọi là ‘văn minh’ này, con người ta đã quá quen với tiếng động huyên náo suốt ngày đêm của những thứ cung ứng tiện nghi vật chất cho con người do họ tạo ra và trở thành nô lệ cho chúng như xe hơi, máy điều hòa, tivi, điện thọai, v.v... đến nỗi nếu thiếu đi một trong những thứ tiện nghi vật chất văn minh đó, người ta cảm thấy như bị hụt hẫng, trống trãi, lạc lõng trong cái thế giới đảo điên kỳ quái của họ.

Vì thế họ sợ sự im lặng.  Họ sợ đến mức độ có người mở mắt ra là bật ngay tivi nhưng chẳng xem gì cả hoặc có người luôn cần phải có ít nhất một người bên cạnh để nói năng chuyện trò, v.v...  Thực ra họ không phải sợ sự Im Lặng mà họ sợ chính sự cô đơn trống vắng trong lòng họ.

 

[2] Lơi lỏng cảnh giác, không chú tâm.

[3] Chua thêm của người dịch.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle