Tình thương và sự chuyển hóa

  • | Huệ Trân

 


Bản tin ngắn trên báo điện tử, về một con chó hai tuổi, ở thành phố Des Moines, Washington, Hoa Kỳ, chắc đã rơi vào quên lãng. Thế giới này, bao sự việc tưởng trời long đất lở, mà rồi cũng lặng trôi theo thời gian, xá chi chuyện con chó nhỏ!

Một buổi trưa chủ nhật, con Rosie, giống Newfoundland, ra khỏi vườn nhà, rong chơi ngoài đường phố. Có người trông thấy, từ bi gọi cảnh sát (có lẽ vì không muốn con chó bị xe cán). Cảnh sát tìm thấy Rosie, lớn tiếng bảo nó “Về nhà!” nhưng Rosie phản ứng, gầm gừ khi cảnh sát tiến đến gần. Sau đó, con chó phóng qua đường, chạy vào vườn trước một căn nhà đang mở cổng. Cảnh sát vào theo nhưng Rosie tỏ sự bất mãn quyết liệt hơn, là sủa ầm ĩ! Theo lời cảnh sát, họ cảm thấy vì sự an toàn của công cộng nên phải bắn chết con Rosie!

 

Chủ nhân căn nhà mà con Rosie chạy vào vườn lẩn trốn, đã cực lực bác bỏ luận điệu này. Bà nói rằng, con Rosie có thể ở trong vườn nhà bà bất kể bao lâu, cho đến khi chủ nó tới dắt về, tại sao lại phải bắn chết nó?

Câu chuyện như thế, nhưng vì xảy ra tại một quốc gia tiêu biểu cho tự do, nhân ái, nên cái chết của con chó nhỏ đã tạo ra nhiều rắc rối cho những cảnh sát liên hệ tới. Một trang Facebook đã nhanh chóng mở ra, kêu gọi công lý cho Rosie. Chưa hết, hơn một trăm người chủ các con chó, đủ các giống, chứ không phải chỉ cùng giống Newfoundland như Rosie, từ khắp nơi trên vùng Tây Bắc, Hoa Kỳ, đã đến nơi Rosie bị bắn chết để cùng chia sẻ nỗi cảm thương. Khu vườn Rosie chạy vào trốn, trải đầy hoa hồng vàng của những người đến viếng. Họ chia buồn với Charles Wright, ông chủ của Rosie, rồi họ nắm tay nhau, ôm nhau, khóc với nhau, như cùng vừa mất một người thân yêu chung.

 

Sự việc thật cảm động, nói lên lòng nhân ái của người đối với vật.

Ít lâu sau, trong lúc đang một mình thiền hành quanh khuôn viên chùa, khi không, câu chuyện con Rosie hiện về với một dấu hỏi không mấy thoải mái. Đó là, những tấm lòng từ bi, nhân ái, đã tới với Rosie, khi ra về, nơi bàn ăn buổi tối, có thịt bò, thịt gà, thịt heo không? Nhiều phần là có một món thịt của một con vật nào đó. Con bò, con gà, con heo cũng biết đau, biết sợ, vậy chúng có đáng thương không? Chúng bị giết hàng ngày, giết không mảy may thương tiếc. Chúng chết hàng ngày, như những sinh vật đáng chết! Chưa thấy trang facebook nào mở ra đòi công lý cho chúng!

Vậy tiêu chuẩn lòng từ bi của con người là gì, từ đâu, để con chó thì được thương xót mà những con khác thì bị mổ xẻ, chiên xào nấu nướng? Thật ra, chẳng phải nơi nào con chó cũng được nhiều đặc ân, vì ở những xứ mà con người thích ăn thịt chó thì nơi ấy, con chó cũng bị nhìn như thực phẩm. Điều này cũng đi tới một nhân sinh quan, là những người ở nơi yêu chó, nhìn những người thích ăn thịt chó là đồ mọi rợ, ác độc!

Vậy, từ bi thực sự ở đâu?

Khi thấy một con kiến đang bò, hãy thử lấy ngón tay chặn, sẽ thấy nó cuống cuồng quay lui, tìm đường chạy. Có phải vì nó cũng biết sợ, biết đau không? Có phải nó cũng có bản năng sinh tồn không? Quan sát con kiến nhỏ xíu còn có thể thấy như thế, huống chi trâu, bò, gà, vịt, cá, tôm …. cơ man nào sinh mạng những con vật, hàng ngày bị lùa vào lò sát sanh, hoặc bị cắt cổ, nhổ lông ngay trong bếp, để con người hưởng thụ kiếp này, không hề tin sẽ phải trả ở kiếp sau!

Tình thương của hơn một trăm người xa lạ, thể hiện với con Rosie, thật cảm động. Nhưng nếu là Phật tử, chúng ta có nhân câu chuyện này, nhớ tới giới đầu tiên trong ngũ giới là “Không Sát Sanh”, để tự quán tưởng thêm: “Làm sao chuyển hóa tình thương, để tình thương đó thăng hoa, thành lòng Từ Bi mà Chư Phật luôn nhắc nhở?”

Tình thương khi được chuyển hóa, luôn là những cái đẹp vô giá, dù đối tượng của tình thương là người hay vật. Nhưng, muốn thương thì phải hiểu, muốn hiểu phải lắng nghe. Đây là những đề tài mà Sư Ông Làng Mai thường giảng dạy. Chắc chắn, tự thâm tâm, không ai muốn là người khó thương, nhưng quanh ta hình như vẫn còn những người khó thương, và ngay chính ta, dù đang được ở trong môi trường dễ thương mà đôi lúc, vẫn không tránh khỏi … khó thương!

Tại sao thế? Có phải vì chúng ta chưa đủ ân cần, lắng nghe nhau để hiểu những uẩn khúc, những nỗi niềm, những thiếu thốn của nhau, nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể cho nhau, giúp nhau?

 

“Lắng nghe để hiểu. Nhìn lại để thương” Đó là câu thư pháp mà Sư Ông Làng Mai đã từng gửi đi vào đầu một mùa Xuân. Câu thư pháp đó, như những cánh chim bồ câu trắng, đã cùng với đất trời mùa Xuân, đem an ủi và tin yêu tới biết bao trái tim buồn khổ. Nếu đã biết “Lắng nghe để hiểu”, sẽ biết “Nhìn lại để thương”, từ đấy, chúng ta mới có thể cho nhau những gì đích thực đang cần thiết.

Kho báu không bao giờ hết vì chúng ta đều rất giầu có, bởi gia tài tình thương của chúng ta nhiều vô số kể. Nếu có ai vội nghĩ “tôi không có gì để cho” thì xin mời nghe một câu chuyện đơn sơ, tác giả Huyền Du đã kể trên trang nhà Làng Mai, mà tôi còn loáng thoáng nhớ được đại ý. Bối cảnh chỉ là một buổi giảng pháp mà giảng sư mở đầu bằng câu chuyện về một thằng bé mồ côi. Thằng bé chỉ có bạn là một con chó ghẻ lở, hôi hám. Cả hai lang thang xin ăn, ai cho thứ gì không thích, nó quăng trả lại, kèm theo những lời hỗn hào, thô tục. Vì không dễ thương nên ai thấy nó cũng lảng tránh. Rồi càng bị hất hủi, nó càng tủi hận, oán ghét người đời. Một lần, trên con đường ven sông, nó thấy một thiếu nữ, hai tay thọc túi, vừa nhảy nhót, vừa ca hát. Vì những động tác quá năng động nên chiếc ví nhỏ trong túi cô rơi ra mà cô không hay. Thằng bé bèn cúi nhặt, chạy theo gọi:

- Chị ơi, chị đánh rơi chiếc ví này!

Thiếu nữ nhìn nó, mỉm cười, nhận chiếc ví, rồi bất ngờ, dịu dàng xoa đầu nó, vuốt má nó và nói:

- Cám ơn em. Em tử tế quá. Em dễ thương quá.

Chỉ có thế thôi. Chỉ mấy câu nói ngắn ngủi thôi, nhưng với thằng bé mồ côi thì là cả một trời xúc cảm. Chưa có ai muốn đến gần nó, huống chi lại xoa lên mái tóc rối bù dơ bẩn, lại khen nó dễ thương, tử tế. Ừ, thì vì nó trả lại vật nhặt được, nhưng có ai quý trọng nó để phải cám ơn đâu!

Thiếu nữ tiếp tục vừa đi, vừa hát. Còn nó, nó đứng ngẩn ngơ, sung sướng, rồi ôm xiết con chó ghẻ lở, nói như ngây dại: “Em dễ thương quá! Em tử tế quá!”

Trên bục giảng, vị giảng sư kể tới đó thì im lặng hồi lâu, nhìn khắp đại chúng, rồi nghẹn ngào nói:

- Thưa quý vị, thằng bé mồ côi hỗn hào năm xưa, chính là tôi.

Câu chuyện ngừng ở lời xác nhận ngắn ngủi, nhưng thử tưởng tượng, nếu chúng ta được ngồi trong hội trường đó, chúng ta có bàng hoàng, bật khóc không?

HIỂU, rồi THƯƠNG, đã CHUYỂN HÓA tuyệt vời như thế.

Mùa Xuân đang về, mở đầu cho những tháng ngày mới mà ai cũng mong cầu sẽ tốt hơn, đẹp hơn, an lành hơn, hạnh phúc hơn năm cũ.

Xin hãy mở rộng TÂM KINH để là người biết cho, để chuyển hóa hạt bồ đề vốn sẵn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, để ngay dưới mỗi bước chân, là Tịnh Độ, với mình và với người.

 

Huệ Trân                                                                                        
(Xuân Tân Mão, trên đường Về Làng, dự Đại Giới Đàn “Lắng Nghe”)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle