Mẹ tôi: Vô ngã

Mẹ Tôi: Vô Ngã

 

Hạnh Phương

 

Cầm bút viết những dòng chủ yếu nói về mẹ, tôi có ý minh định rằng Mẹ Tôi: Vô ngã. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy hình như cái nhan đề ấy chưa ổn. Vì tôi vừa nhận ra ngay sau đó; yếu tố cốt tủy, yếu tố căn để sâu xa nơi mẹ là tình thương. Một Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh, năm mươi năm trước đã từng viết: “Nói đến mẹ là nói đến tình thương”. Và tôi thật hạnh phúc khi kịp nhận ra tình thương nơi mẹ, tình thương của mẹ mới chính là yếu tố hoàn toàn vô ngã.

 

Thực vậy, tình thương của mẹ, dù cho có người muốn nói rõ hơn, tình thương của mẹ dành cho riêng tôi, thì căn để tình thương ấy vẫn cứ là hoàn toàn Vô ngã. Tình thương của mẹ mênh mông vô tận; dạt dào bao la; ngọt ngào man mác chính nhờ yếu tố Vô ngã là do tính chất Vô ngã.

 

Ngay từ độ tuổi vừa mới thành niên, tập tễnh vào đời, được đọc “Làm Con Nên Nhớ” của nhà văn Lộc Đình, hơn ba mươi lăm năm trước, tôi đã cảm nhận một số ấn tượng sâu sắc khi đọc câu văn thống thiết của ông, mà sau đó nhà thơ Đông Hồ nhắc lại đến hai lần trong lá thư viết gởi lại ông: “Một nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ thường đã khuất bóng”.

 

Cha tôi bỏ tôi đi quá sớm, khi tôi vừa lên bốn, tôi chưa hề nếm được hương vị tình thương của cha ngọt bùi, mặn nhạt ra sao. Tôi chưa hề thấy ánh mắt thầy giáo, nghiêm phụ nơi cha long lanh tinh tế thế nào. Thú thực khi cha bỏ con đi, con chưa đủ tri thức, chưa đủ trình độ nhận thức nỗi đau của đứa trẻ mồ côi cha cay đắng, bất hạnh thế nào. Nhưng cũng rất trung thực mà nói, khi vừa có chút chút tri giác nhận thức, tôi không mấy thích nghi phải học thuộc lòng câu tục ngữ ví von đầy ấn tượng: “Con không cha như nhà không nóc”.

 

Dù thiếu vắng cha, tôi thấy tôi còn hạnh phúc, tôi còn may mắn hơn rất nhiều các em bé bất hạnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em không có cả ông bà, không chú, không dì… đã phải gởi thân nương nhờ ở các viện mồ côi. Tôi bất hạnh vắng cha nhưng may mắn còn có mẹ. Tôi chủ quan hạnh phúc nghĩ rằng mình còn mẹ là còn có cả một gia tài tình thương đầy ắp. Người còn có mẹ là người còn có cả một kho báu tình thương vô giá; trái tim người mẹ là nguồn suối tình thương dạt dào vô tận. Con của mẹ có ích kỷ tham lam muốn dành lấy tình thương của mẹ cho riêng mình thôi, thì giành mấy cũng không hết. Vì tình thương của mẹ là suối nguồn không bao giờ cạn, chẳng lúc nào khô.

 

Ngay từ thuở tập tễnh vào đời, quan niệm thường trực về tình thương của cha mẹ; câu văn như lời cảnh tỉnh nói trên của nhà văn Lộc Đình đối với tôi trở thành một nỗi ám ảnh. Tôi thắp sáng tư tưởng ấy làm ngọn đuốc soi đường. Mẹ tôi còn đó. Tôi có mặt ở đây. Tôi tự nhủ mình “phải có trách nhiệm”. Làm sao hiểu được tình thương của mẹ khi mẹ còn có mặt ở giữa cuộc đời này, khi mẹ còn ở bên ta, khi mẹ còn ngồi bên ta, cầm tay vuốt tóc mà nói “tội nghiệp con tôi, thương quá con tôi”.

 

Từng ngày từng ngày, tôi thắp sáng ý thức tự răn mình rằng, hãy mở mắt mà nhìn, hãy lắng tai mà nghe, hãy tỉnh thức đón nhận, cảm thụ tình thương của mẹ, ngay khi mẹ còn có mặt bên mình; đừng bao giờ nông nổi vô tâm đợi đến khi “mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm” mình mới nghe ra tình thương của mẹ. Đừng để “trong khi con ngồi, mẹ bỏ con đi; trong khi con nằm, mẹ bỏ con đi” rồi mới nghe ra nhịp đập trái tim dạt dào tình thương của mẹ, vị ngọt thơm tho muôn đời của dòng sữa mẹ.

 

Mẹ tôi, đích thị là bà mẹ quê chơn chất. Bà mẹ quê như triệu triệu bà mẹ quê Việt Nam yêu dấu mà nhạc sĩ Phạm Duy đã từng hát ngợi “Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều”. Mẹ tôi mù chữ, tận đến khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc đời, mẹ tôi cũng chưa hề biết đến khái niệm tượng hình “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ”… Như thế có nghĩa về mặt tri thức, khái niệm, nhận thức, mẹ tôi chưa hề vướng bận bất cứ một cơ sở, một nền tảng lý luận tư tưởng triết học cao siêu nào về tình yêu, tình thương. Mẹ tôi mù chữ thực đấy, nhưng tuyệt đối không “mù” tình thương. Mẹ có con nên mẹ thương con; con khát sữa, mẹ vạch vú cho con bú. Con khát nước thì mẹ ngậm nước trún vào miệng cho con uống. Năm ba tháng tuổi, con đói mẹ mem cơm cho con tập ăn. Mẹ làm tất cả những công việc ấy hệt như chim mẹ mớm mồi cho chim con vậy. Chim mẹ khi vừa nhặt được miếng mồi ngon liền nghĩ tới chim con; chim mẹ nuốt mồi vào giữa họng cổ bay về tới vòm cửa tổ là rùng mình rướn gân rướn cổ trún ngược mồi trở ra, mớm vào miệng con, nuôi con. Chim mẹ quên mất mình cũng đang đói, mình cũng cần ăn. Mẹ cam chịu đói lòng cho con no bụng. Mẹ cam chịu khắt cổ khắt họng mà sẵn sàng dành cho con ngụm nước cam lồ mát ngọt.

 

Tình mẹ thương con là vậy. Khi mẹ thương con là lúc mẹ quên thân mẹ. Khi mẹ thương con, mẹ không thấy còn bản thân mình nữa. Mẹ đã cùng con làm một. Mẹ đã cùng con làm một với cuộc đời rộng lớn ngoài kia. Tuyệt đối không hai. Mẹ là con và con là mẹ. Tình thương đã khiến cho mẹ và con cùng lúc hoàn toàn vô ngã.

 

Tôi thường nghe người ta nói: Cha mẹ thương con sẵn sàng hi sinh cho con tất cả. Thú thực, tôi không thấy mặn mà với khái niệm hi sinh ấy. Thấy con sắp chết đuối, dù không biết bơi, mẹ cũng cứ lao xuống vực sâu sóng dữ mong cứu được con mình. Mẹ không có khái niệm hi sinh khi thể hiện tình thương con mình. Lỡ bước đi xa về, thấy nhà đang cháy, mẹ tức tốc lao vào lửa tìm con. Mẹ có con “thì” tự nhiên thương con. Và cha cũng vậy; cha mẹ có con “thì” thương con. Tình thương của mẹ, của cha không cần bất cứ một cơ sở lý luận nào hết. Đức Phật dạy rằng dòng sữa mẹ con được nút bú từ vô lượng kiếp luân hồi đến nay nhiều hơn cả nước bốn đại dương mênh mông. Đọc câu kinh ấy, tôi cảm nhận ân tình bao la sâu dày từ vô lượng kiếp đến nay mẹ đã cho mình. Nhưng khi đọc câu kinh ấy, tôi có thiên hướng suy tư ân nghĩa hiếu đạo cần báo đáp nhiều hơn tính vô ngã nơi tình thương của mẹ. Rồi đến khi được đọc những dòng tôi sẽ chép lại sau đây, thú thực tôi mới cảm nhận tất cả tính vô ngã nơi tình thương của mẹ. Dưới cái nhìn tràn đầy tuệ giác, bác sĩ y khoa, nhà văn, nhà thơ, thầy thuốc Đỗ Hồng Ngọc từng viết những dòng tuyệt bút:

“Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng

hào. Mẹ lùn thấp để con được vọt cao lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con càng ngày càng rạng rỡ xinh tươi.”

 

Đồng cảm với tư tưởng trên của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi muốn nói thêm, khi thương con thì mẹ quên tất cả, quên đói khát, quên nhan sắc thanh xuân, quên mệt mỏi rã rời, quên khổ đau khắc khoải… Ở giữa cuộc đời duy nhất, mẹ chỉ thấy có con để dắt dìu đỡ nâng bảo bọc. Duy nhất mẹ chỉ thấy con để mỉm cười vồn vã (khi con khôn khéo, thành đạt, nên vai nên vế). Duy nhất mẹ chỉ thấy con để khổ đau đứt ruột (khi con trắc trở hoạn nạn, khi con ốm đau quằn quại). Khi mẹ làm công việc người đời quen gọi “nuôi con” chính là lúc mẹ không còn thấy mẹ. Mẹ hoàn toàn không để ý gì đến bản thân mẹ nữa. Mẹ hồn nhiên vắt cạn máu huyết, sinh lực, mồ hôi, nước mắt cho con mà không hề có mảy may ý niệm đòi con đền trả. Mẹ không bao giờ băn khoăn tự hỏi vì sao vai mình oằn xuống, lưng mình còng đi. Mẹ không hề lo âu thắc mắc vì sao bây giờ trông ra nắng lóa ngoài kia mắt mình nheo lại. Với toàn thể nhân loại, biểu hiện tình thương của mẹ ai cũng dễ dàng nhận thấy, nó xuất phát từ những nhịp đập trái tim.

 

Nhưng chính bản thân mẹ, khi thấy con té ngã là lập tức chạy tới ôm siết con vào lòng… Ngay cả những lúc ấy dù trái tim đang thình thịch, thình thịch rối bời nhịp đập mà mẹ nào có nghe ra. Mẹ quên mất trái tim nơi lồng ngực của mẹ đang đau. Điều ấy cho chúng ta thấy rõ ràng bản chất thuần nhiên tình thương của mẹ tuyệt đối vô ngã. Khi trái tim của mẹ rộng mở tình thương dành cho con mình thì cùng lúc cửa lòng mẹ bao la rộng mở quan tâm đến người khác. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Nhà tôi ba ngõ bốn bề trời”. Từ ý thơ, tứ thơ hào sảng ấy tôi liên tưởng đến trái tim người mẹ cũng vậy. Trái tim mẹ luôn luôn rộng mở ba ngõ bốn bề trời. Thấy ai đau khổ mẹ cũng thương. Gặp trẻ mồ côi không nơi nương tựa mẹ rộng mở bàn tay ẵm bồng ru hời, ru hỡi…

 

Người nhà quê Việt Nam mình có nếp sinh hoạt cá biệt rất dễ thương là cho trẻ “bú mày”. Bà mẹ trẻ nhà hàng xóm, cơ cực làm thuê, vừa tảng sáng tinh sương đã ra đồng ruộng cấy, hoặc nửa khuya khi con thơ còn ngủ êm đềm, mẹ đã cất gánh rau, đội mớ cải lên chợ Huyện… Trẻ ở nhà khát sữa, hoặc bà nội bà ngoại, hoặc chị nó anh nó… bế cháu bế em qua nhờ bà mẹ trẻ Xóm Chùa, xuống nhờ bà mẹ trẻ Xóm Giữa cho cháu “bú mày”. Và bà mẹ trẻ nào cũng vui vẻ, hoan hỉ, sẵn sàng cho trẻ bú mày. Khi thấy con người ta bụ bẫm, ngậm lấy núm vú mình mà nút mà bú thật khỏe mạnh, các bà mẹ trẻ còn khen tấm tắc: nó khỏe hơn con mình. Nó dễ… ghét thật… Bà mẹ trẻ ấy hoàn toàn không tiếc chi bầu sữa đã cho con họ bú nhờ. Bà mẹ trẻ hoàn toàn không có khái niệm bầu sữa nơi vú mình là chỉ để riêng cho con mình.

 

Ngay thời đại văn minh tiến bộ bây giờ… Có dịp vào thăm khoa sản các bệnh viện hiện đại, tôi vẫn thấy còn rất nhiều các em bé được các bà mẹ bồng con cho “bú mày”. Khi mẹ các bé chưa đủ sức ngồi dậy sau khi sinh. Và tôi cũng đã thấy rất rõ các bà mẹ trẻ sinh trước vài hôm tươi tắn mỉm cười cho trẻ “bú mày”. Có lẽ xã hội Tây phương hiện đại khó có hình ảnh ấy.

 

Từ những hình ảnh được tận mắt chứng kiến, tôi có thể nói lên ý tưởng xác quyết: Khi mẹ thương yêu bồng ẵm con mình thì cũng là lúc mẹ hiểu ra tình thương bà mẹ đang bồng ẵm con họ. Vì mẹ biết yêu thương con mình nên mẹ rất dễ dàng yêu trẻ con người khác. Và tôi cũng nghiệm ra một điều mầu nhiệm: nơi trái tim dạt dào tình thương của mẹ tôi, mẹ anh, mẹ chị, đều có một phần, có một số phần trăm, phần ngàn nào đó trái tim từ bi bao la vô tận của Bồ-tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt. Nghĩa là trái tim người mẹ khi thực tập nuôi con đã từng bước từng bước xóa nhòa ranh giới trái tim vị kỷ để hướng đến tình thương, tình yêu vô ngã.■

 

1. Nhất Hạnh-Bông Hồng Cài Áo - Lá Bối - Sài Gòn 03.7.1974

2. Đông Hồ - Lộc Đình: Làm Con Nên Nhớ - Lá Bối - Sài Gòn 26.05.1970

3. Trịnh Công Sơn: Đường Xa Vạn Dặm

4. BS Đỗ Hồng Ngọc: Mẹ Cứ Kỳ

Vọng Vào Con Đi - Văn Hóa Phật giáo số 19-15.8.2005

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle