Hát ru mẹ

Hát ru mẹ

Lữ

 

Đôi khi ta đi ngang qua một tai nạn. Nó tới thật bất ngờ, không có dấu hiệu gì báo trước, rồi chớp mắt, ta trở thành một nạn nhân. Tai nạn xảy ra trong phòng giải phẫu, chính bác sĩ cũng không ngờ, một mạch máu bị vỡ, và khi tỉnh ra mẹ tôi mới biết. Bà bị bại liệt nửa thân. Sau cơn hôn mê, tỉnh dậy, nhận ra tai nạn xảy ra với mình, câu đầu tiên bà thốt lên là: “Con ơi.” Bà gọi tôi.

 

Suốt đời, mẹ tôi sợ nhất là bị bại liệt. Mỗi khi giận con, bà hay nói: “Bây giờ má còn khỏe, còn tỉnh táo, tự chăm sóc mình được mà các con còn đối xử với má như vầy. Mai này, lỡ má bị bại liệt như bà ngoại, nằm yên một chỗ, lú lẫn, ăn rồi mà tưởng là chưa ăn, nói năng lộn xộn thì các con còn hất hủi má đến mức nào nữa.” Bà bị ám ảnh sẽ mang chứng bệnh của ngoại, và cuối đời thì bà bị bại liệt, nằm trên giường tới bảy năm rưỡi trước khi nhắm mắt lìa trần.

 

Anh tôi gọi điện thoại, báo tin: “Má tỉnh dậy thì gọi em. Em sang đây với má.” Tôi liền lấy vé máy bay, sang Mỹ để có mặt bên mẹ. Vừa thấy tôi, mặc dù nằm trên giường bệnh, mẹ tôi liền nói với anh: “Em con ăn chay. Ở Mỹ có nhiều thức ăn chay ngon lắm. Con nấu món gì cho em ăn.” Đó là giây phút bà tỉnh táo nhất. Tình thương đã đánh thức trái tim của mẹ tôi dậy. Ngay sau đó, bà rơi vào đau khổ, sợ hãi. Mẹ tôi nói: “Con đỡ má dậy. Má không bị bại đâu con. Con nâng sau lưng, giúp má ngồi dậy được là má bước xuống giường, đi thoăn thoắt cho con coi.”

 

Ngồi bên giường, tôi không biết làm gì cả. Khổ đau của mẹ đang bóp chặt trái tim của tôi. Tôi có cảm tưởng như máu huyết trong thân thể đang bị ngưng đọng, trì trệ. Tôi phải làm gì để giúp mẹ. Tôi nhớ tới những bản nhạc tôi mới học được. Tôi nói: “Con đang có mặt bên má đây. Má yên tâm, con không bỏ má một mình đâu. Để con hát cho má nghe nha.” Và tôi bắt đầu hát:

 

sợi nắng nằm ngủ trên cành

ngủ quên giờ mặt trời lặn

đêm nay dạo giữa mùa trăng

tôi gặp trên cây sợi nắng

 

sợi nắng mong manh ánh sáng

nhỏ xíu như một đường tơ

sợi nắng nằm ca nho nhỏ

nghe vui như một bài thơ

 

sợi nắng đêm nay có nhớ

muôn màu rực rỡ bình minh

hay len trong dòng hơi thở

sợi nắng đã thấy ra mình

 

Mẹ tôi nghe hát thì thiêm thiếp ngủ. Tôi hát hết bài này đến bài khác. Cô y tá đi vào, đôi chân bước thật khẽ, nói: “Từ ngày vào đây, chỉ có hôm nay cụ mới nằm yên. Anh ở lại nhà thương nha. Tôi sẽ sửa soạn một nơi cho anh nằm nghỉ.”

 

Vừa khỏe được một chút thì mẹ tôi đòi về Hà Lan ở với chúng tôi. Rồi sau đó mẹ tôi về Việt Nam ở với chị ruột của mình. Đến đâu, mẹ tôi vẫn nhận được sự chăm sóc và thương yêu. Một hôm, tôi về Việt Nam thăm mẹ, hỏi: “Má ơi, trong cuộc đời của má, lúc nào má thấy hạnh phúc nhất?” Mẹ tôi nằm trên giường, ngẫm nghĩ về câu hỏi. Tôi muốn nhắc nhở mẹ tôi về những thời gian hạnh phúc trong cuộc đời bà. Tôi để ý tới những lúc có chị tôi nằm bên cạnh, hai mẹ con nói chuyện với nhau thật là hạnh phúc. Hạnh phúc là một cái gì có thật, dù thỉnh thoảng có những tai nạn đi tới, lay ta thức dậy từ một cơn mộng mị nào đó. Mẹ tôi nói: “Thời gian má hạnh phúc nhất là khi được sang Mỹ ở với anh con.”

 

Đó là thời gian bà có nhiều bạn già, cùng rủ nhau đi chùa. Trên bàn học, tôi vẫn còn để tấm hình mẹ tôi chụp trước chùa. Bà mặc chiếc áo dài thêu màu vàng đậm thật đẹp. Mái tóc bạc trắng. Phía sau tấm hình là nét chữ đã mờ: Má tặng con, chùa ở Mỹ, chụp 1985”. Tôi thường hay nhìn vào tấm hình, và nghĩ: “Đây là thời gian má hạnh phúc nhất.” Tôi thấy mỗi chúng ta nên có một tấm hình của mẹ, chụp trong lúc bà thật hạnh phúc. Tấm hình đó, ta chụp bằng tâm, bằng hồi tưởng, ký ức cũng được. Có thể đó là một câu nói, thốt lên lúc mẹ mình vui vẻ.

 

Từ khi mẹ tôi bệnh thì chúng tôi luôn tìm cách an ủi, giúp đỡ. Chúng tôi sắp xếp công việc để mỗi người về sống chung với mẹ một tháng. Và khi bà trút hơi thở cuối cùng, chị em chúng tôi có mặt đông đủ. Chỉ có chị thứ ba tôi là không về được. Chị đang gặp một tai nạn, phải sống trong vòng lao lý. Mẹ tôi thường nhắc đến chị. Chị là đứa con làm khổ cha mẹ nhiều nhất. Chị gặp nhiều tai nạn trong cuộc đời.

 

Mỗi người chúng ta đều phải đi qua tai nạn, nhưng nếu có sự thông cảm, chấp nhận của những người ta thương, thì tai nạn sẽ chuyển thành hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc vô cùng sâu đậm. Bậc làm cha mẹ hiểu điều này hơn hết. Mẹ tôi thường nói: “Trong các con, đứa nào càng khổ thì má càng thương.” Mà lạ thật, ở người mẹ nào, tôi cũng thấy có sẵn dòng trí tuệ, nguồn thương yêu đó.

 

Khi mẹ tôi hấp hối, chúng tôi ôm nhau ở trước mặt bà, hứa: “Chúng con sẽ thương yêu nhau. Má yên tâm. Má sẽ tiếp tục sống trong các con. Các con sẽ sống thật đẹp, thật lành cho má.” Mẹ tôi ra đi với một gương mặt bình an. Bình an như khi nằm ngủ trong nhà thương, tai vẫn nghe tôi hát:

 

ngày mai có người tới hỏi:

có thấy sợi nắng hôm qua?

tôi nhìn trời cao vòi vọi

chắc sợi nắng đã đi xa

 

đi cùng mênh mông ánh sáng

đi về bàng bạc không gian

vẫn đi bằng đôi chân nhỏ

vui theo gió núi trăng ngàn

 

Vâng, tôi có thấy sợi nắng. Đó là một sợi nắng vô cùng mầu nhiệm. Và tôi đã sống những giây phút thần thiên bên cạnh sợi nắng ấy. Ngay cả những khi sợi nắng gặp phải một tai nạn nho nhỏ, thì niềm vui của sự sống vẫn không bao giờ tắt ngấm. Tại sao vậy? Sợi nắng nói: “Tại vì mình biết thương nhau.”

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle