Tình yêu với trái tim
TÌNH YÊU VỚI TRÁI TIM
VÀ TẦM NHÌN RỘNG MỞ
(Pháp thoại TT. Thích Thái Hòa giảng, đệ tử Nhuận Từ Nguyên và Nhuận Hạnh Châu kính phiên tả, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính).
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa quý vị bà con của hai cháu Diệp và Anh Thi;
Cùng hai con Diệp và Anh Thi quý mến!
Hôm nay là ngày 23/3/Giáp Thân (10/5/04) tại Đại Hùng Bảo Điện chùa Phước Duyên, cha mẹ, bà con nội ngoại của hai con, đưa hai con đến đây để tác thành đời sống lứa đôi và xin Tam Bảo chứng minh, chư Tôn Đức hiện tiền cầu nguyện cho hai con tựu thành ước nguyện.
Trong buổi lễ này, Thầy xin chia sẻ bài pháp thoại đến hai con, để hai con làm hành trang đi vào đời sống lứa đôi.
1-Hãy Nhìn Những Ngón Tay Trong Bàn Tay:
Hai con hãy nhìn sâu vào bàn tay của mình, hai con sẽ thấy các ngón tay ở trong một bàn tay. Các ngón tay có gốc rễ từ bàn tay, bàn tay có gốc rễ từ cánh tay và cánh tay có gốc rễ từ thân thể, thân thể có gốc rễ từ trái tim và não trạng của chúng ta.
Cũng vậy, bàn tay của chúng ta không đơn thuần mà có được, những ngón tay mà có, là nhờ vào những liên hệ của nó. Cho nên, hai con nhìn vào bàn tay của mình thì sẽ thấy ở nơi đó có cha mẹ, có ông bà tổ tiên, bởi vì không có tổ tiên, ông bà thì sẽ không có cha mẹ mình, nếu không có cha mẹ mình, thì mình không bao giờ có, cho nên tất cả chúng ta, cũng như hai con mà lớn lên, là lớn lên từ lòng bàn tay của cha mẹ, lớn lên từ trái tim và não trạng của cha mẹ, lớn lên từ sự hiểu biết, thương yêu và chăm sóc của cha mẹ và lớn lên từ phước đức của tổ tiên ông bà. Nhìn sâu vào bàn tay như vậy, để ta cảm nhận một cách sâu sắc, sự có mặt của chính bản thân mình, và ta hãy đem trái tim đó để mà thương yêu, ta hãy đem não trạng đó mà nhận thức và xử sự cho đẹp, ta hãy đem đôi bàn tay đó ôm nhau mà sống và làm đẹp cuộc đời.
2-Chất Liệu Nghĩa Tình:
Diệp và Anh Thi, hai con quý mến!
Tình yêu lứa đôi đi tới với nhau theo bản năng, thì tình yêu đó rất tầm thường và sẽ có rất nhiều khổ đau và thất vọng, tình yêu đó có rất nhiều vị chát, đắng mà vị ngọt thì rất ít.
Tình yêu đi tới với nhau bằng bản năng, là khi ta nhìn đối tượng mà ta thấy thích ý là ta khởi lên tâm thương yêu, có nội dung chiếm hữu, nhưng khi nhìn đối tượng ta không còn thích ý nữa, thì ta vẫy tay chào nhau một cách đau khổ, và ta buông bỏ nhau trong những hận thù, oán trách.
Vấn đề thương yêu như vậy, không phải chỉ làm cho trái tim của hai người thương tích, cuộc sống của hai người đổ vỡ mà trái tim cha mẹ hai phía cũng đổ vỡ, trái tim ông bà của hai phía cũng bị đổ vỡ theo.
Tình yêu lứa đôi giữa đời này, thông thường đến với nhau theo bản năng và sự đổ vỡ hạnh phúc đã xẩy ra tràn lan giữa xã hội Việt Nam chúng ta và xã hội Tây phương hiện nay. Vấn đề lấy vợ, lấy chồng thay đổi như mặc áo vậy, giới trẻ Việt Nam hôm nay cũng như giới trẻ Tây Phương rất thất vọng đối với đời sống lứa đôi. Và sự thất vọng ấy đã làm cho liên lụy đến nhiều người.
Vậy, hôm nay cha mẹ của các con rất là thông minh, muốn cho các con không đi tới với nhau bằng tình yêu theo bản năng, mà muốn tình yêu lứa đôi của hai con được thăng hoa bằng tình yêu có nội dung trí tuệ. Tình yêu lứa đôi có nội dung trí tuệ là tình yêu có chất liệu của tình và nghĩa. Trong tình có nghĩa và trong nghĩa có tình. Nghĩa và tình có mặt trong nhau mới tạo nên tình yêu chung thủy. Tình yêu mà không có nghĩa, thì tình yêu đó vô vị lắm, cho nên sau cái tình là cái nghĩa, chất liệu của nghĩa trong tình, chính nó tạo thành nét đẹp thủy chung trong đời sống con người. Vì vậy, cha mẹ các con muốn hai con đến với nhau bằng tình yêu lứa đôi theo trí tuệ mà không là tình yêu lứa đôi theo bản năng.
Tình yêu theo trí tuệ, thì khi giàu sang, mình vẫn sống rất đẹp với nhau mà khi sa cơ lỡ vận, mình cũng sống rất đẹp với nhau. Khi mình ăn nên, làm nổi, mình sống rất đẹp với nhau, khi mình làm ăn bất trắc, mình cũng sống rất đẹp với nhau. Khi thân thể tráng kiện, mình sống rất đẹp với nhau, mà khi thân thể bị bệnh hoạn, mình cũng sống rất đẹp với nhau, đó là tình yêu lứa đôi được thiết lập trên nền tảng trí tuệ. Có lẽ đó là tình yêu mà tất cả con người có chút suy tư, có một chút chiêm nghiệm, ai cũng hằng ao ước. Thầy xin chia sẻ thêm với hai con những chất liệu sau đây, hai con hãy nhớ lấy những chất liệu này mà thực tập mới bảo toàn được tình yêu lứa đôi theo trí tuệ.
3- Mở Rộng Trái Tim Và Cõi Lòng:
Bởi vì, khi ta chấp nhận yêu một người, tức là ta đã bắt đầu nhìn vào trái tim của ta, ta biết rằng trái tim của ta, bây giờ không còn là một mà đã hóa thành hai, hóa thành ba, thành bốn, thành năm và hóa thành nhiều lắm,… Cho nên, ta muốn thăng hoa tình yêu lứa đôi theo trí tuệ, là ta phải mở rộng trái tim ra, và khi trái tim ta mở rộng, ta sẽ thấy trong trái tim ta, có chồng ta, có vợ ta, có cha mẹ ta, có cha mẹ chồng ta, có ông bà nội ngoại của ta, của chồng ta, tổ tiên của chồng ta, vợ ta, chú bác cô dì của chồng hay của vợ ta, của con ta và những thế hệ của con cháu ta trong tương lai. Khi ta mở được trái tim của ta như thế, thì những xử sự hằng ngày của ta mới đẹp.
Nếu trái tim ta bị co lại, thì tức khắc cuộc sống của chúng ta sẽ bị hồi hộp, dồn dập, nhiều tai nạn. Cũng vậy, trái tim tình yêu của ta mà không có rộng lớn, không có thoải mái, thì đời sống tình yêu sẽ bị gập ghềnh, có nhiều tai ương mà mình không thể nào tiên liệu nổi.
Bởi vậy, hai con muốn bảo toàn cho hạnh phúc lứa đôi của mình, trước hết là phải biết mở rộng trái tim của hai con ra, phải biết mở rộng cõi lòng của hai con ra. Hai con không thể sống một người một cõi, không thể sống đồng sàng mà dị mộng, không cùng nằm một giường với nhau mà mỗi người ôm một ước mơ. Sống cùng nhau trong một căn nhà, nhưng một người một khuynh hướng, một người một ước mơ, thì căn nhà đó không thể êm ả và hạnh phúc, đó là điều mà các con phải nhớ!
4-Tay Trong Tay:
Khi đi tới với nhau trong đời sống lứa đôi, ta phải biết xây dựng gia đình, ta phải biết nuôi dưỡng con cái và xây dựng gia phong. Và trong khi xây dựng như vậy, thì vợ chồng phải tay trong tay, nếu chồng tay phải, thì vợ phải tay trái, chồng tay trái, thì vợ phải tay phải, bởi vì khi mình đã đi tới với nhau trong đời sống lứa đôi, thì hai người là một thân thể, để cùng xây dựng hạnh phúc cho gia đình.
Nếu chồng làm theo việc của chồng, vợ làm theo việc của vợ, thì thân thể bị què, không thể gọi là một gia đình hạnh phúc được.
Cho nên, trong đời sống lứa đôi, hai con luôn luôn nhớ rằng, vợ chồng phải sống với nhau tay trong tay, khi vui mình cũng dắt tay nhau mà đi, khi buồn mình cũng dắt tay nhau mà đi, khi vinh quang mình cũng dắt tay nhau mà đi, khi thất bại mình cũng dắt tay nhau mà đi, mình phải nắm tay nhau mà đi, dù bất cứ hoàn cảnh nào, mới tạo ra hạnh phúc được, và có như thế ta mới tạo ra được những người con, người cháu đức hạnh và thủy chung ở trong gia đình và trong dòng họ của ta.
5-Cùng Nhau Nhìn Về Một Điểm:
Khi hai vợ chồng cùng nhìn về một điểm, thì dù xa mấy mình cũng có thể đi tới được. Nếu hai vợ chồng nhìn về hai điểm, thì càng đi lại càng xa.
Một điểm là gì?
Trước hết là niềm tin tâm linh, nếu vợ Phật giáo, chồng Thiên chúa giáo thì không thể có hạnh phúc được, cho nên hai vợ chồng phải cùng nhau hướng tới một điểm tâm linh.
Trên lý tưởng cuộc sống cũng vậy, hai người phải biết cùng nhau nhìn về một điểm, và cùng nhau đi tới một điểm.
Có những cặp vợ chồng ở nhà lầu 3 - 4 tầng, tiền đầy nhà, nhưng hai vợ chồng không cùng nhau nhìn về một điểm, thì ngay trong bữa ăn thôi, vợ chồng đã tranh cãi nhau rồi, trái lại khi vợ chồng biết cùng nhau nhìn về một điểm, thì cho dù trong bữa ăn, chỉ có một dĩa rau, một tô canh đơn giản thôi, nhưng đời sống vợ chồng cũng thấy ấm áp và hạnh phúc như thường. Nên, phần nhiều các gia đình đổ vỡ, vì vợ chồng không biết cùng nhau nhìn về một điểm. Ta không biết cùng nhau nhìn về một điểm, thì càng sống với nhau ta lại càng xa nhau.
Tuy nói rằng, vợ chồng cùng nhau nhìn về một điểm, nhưng không dễ gì vợ chồng cùng nhau thấy được một điểm. Có những điểm, chồng thấy mà vợ chưa thấy hay có những điểm vợ thấy, nhưng chồng chưa thấy, có những cái hay chồng thấy mà vợ chưa thấy, hoặc có những cái đẹp vợ thấy mà chồng chưa thấy, chứ không phải cả vợ chồng đều thấy cái đẹp đâu. Những lúc vợ thấy cái hay, cái đẹp mà chồng chưa thấy, hoặc ngược lại, thì vợ hay chồng phải khôn khéo, bàn tính với nhau và cùng nhau từ từ nhận ra cái hay, cái đẹp đó, để thấy rõ được vấn đề, chứ đừng vội vàng quyết đoán, khi cả hai chưa cùng thấy rõ được vấn đề, mà một trong hai người tự quyết đoán lấy, thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự đổ vỡ.
Ví dụ, trong trái cam, nó có đủ cả chất chát, chất bùi, chất chua, chất ngọt nhưng mình dùng nó chưa đúng lúc, thì mình không thể thưởng thức được vị ngọt của trái cam, cho nên mình sẽ dùng cam chát, cam đắng, cam chua, nhưng cũng một trái cam đó, mà mình biết chờ cho trái cam chín và dùng, thì mình sẽ thưởng thức được trọn vẹn vị ngọt.
Cũng vậy, khi mình có ý tưởng hay và đẹp, nhưng mình nói không đúng lúc, thì ý tưởng hay và đẹp đó trở thành chất độc giết mình, cho nên biết được điều hay, ý đẹp, nhưng ta phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ, nếu lời hay, ý đẹp mà vợ chồng nói với nhau không đúng lúc và không đúng chỗ, chúng có thể dẫn sinh ra tự ái và đưa tới đổ vỡ hạnh phúc.
Cho nên, vợ chồng phải biết cách giúp nhau, để cùng nhau từ từ thấy rõ được vấn đề và nguyện cùng nhau làm một công việc. Người vợ phải lưu ý rằng, là đừng bao giờ góp ý với chồng trước mặt bạn bè của chồng, và chồng cũng đừng bao giờ góp ý đối với vợ trước mặt bạn bè của vợ, vì sao? Vì góp ý như vậy có thể bị phản tác dụng. Vì vậy, hai con phải hết sức lưu ý đến điểm nầy.
6-Tha Thứ Và Bao Dung:
Chắc chắn rằng, khi ta mới thương yêu nhau, và ta gặp nhau vài giờ trong tình thương ấy, ta thấy đẹp và dễ chịu, và ta đã tưởng rằng, nếu ta sống với nhau luôn, chắc là ta sẽ có hạnh phúc tuyệt vời, nhưng thực tế hạnh phúc của tình yêu lứa đôi hoàn toàn không như ta tưởng vậy đâu. Hạnh phúc của tình yêu lứa đôi, nó phỉnh gạt ta dữ lắm, lâu lâu ta gặp nhau một lần, ta thấy nó rất hấp dẫn và ta tưởng rằng, nó hấp dẫn suốt cả cuộc đời, nên ta muốn luôn luôn ngồi bên nhau, nhưng thật sự khi bà con nội ngoại, cha mẹ xác nhận cho hai đứa ta sống bên nhau 100%, thì bao nhiêu phiền muộn và đổ vỡ xẩy ra cho hai ta cũng từ sống bên nhau 100% đó. Ta phải biết được điểm này, dù là thực phẩm thuộc về tinh thần hay vật chất, chúng ngon đến mấy đi nữa, mà ngày nào cũng ăn thì cũng phát chán. Cũng vậy, dù ta có yêu nhau đến mấy đi nữa, mà ngồi bên nhau mãi, thì ta cũng phát chán, đó là quy luật của tình yêu lứa đôi và cũng là quy luật của các cảm thọ.
Cho nên, khi tình yêu đã biến qua hôn nhân, thì trong nội dung tình yêu đó, nó phải có chất liệu gạn lọc.
Gạn lọc gì ? Trước hết, là ta phải coi ngày, coi tuổi, xem hai đứa có hợp nhau không, không những chọn lựa sắc diện, tâm tánh mà còn chọn lựa tuổi tác.
Không những chọn dòng họ của hai phía, mà còn phải chọn ngày lành tháng tốt, chọn lựa nghề nghiệp, chọn lựa niềm tin tôn giáo, để cho hai đứa sống với nhau. Cho nên, tình yêu lứa đôi là tình yêu có chọn lựa, là tình yêu có gạn lọc.
Tại sao phải chọn lựa như thế? Vì cha mẹ đã có kinh nghiệm, cho nên cha mẹ muốn con cái đến với nhau là phải có đủ các duyên tốt: duyên tốt cho tuổi tác của hai đứa, duyên tốt cho dòng họ của hai đứa, cho gia đình của hai đứa, duyên tốt của ngày, tháng, năm làm lễ cưới cho hai đứa, và còn duyên tốt của Tôn giáo. Tất cả những duyên tốt đó của hai đứa được phối hợp lại với nhau, từ đó mới sinh ra hoa trái tốt đẹp cho hai đứa.
Cho nên, hai đứa con đến với nhau thực sự bằng tình yêu lứa đôi, thì phải có chất liệu tha thứ và bao dung cho nhau. Vì khi đã thương thì tha thứ, và bao dung. Và chỉ có chất liệu tha thứ và bao dung thì ta mới đi trọn vẹn với nhau trong tình yêu lứa đôi. Nếu thiếu chất liệu nầy, tình yêu lứa đôi sẽ trở thành nội kết và thù hận.
Với những chất liệu nầy, ta phải làm cho nó luôn luôn có mặt, trong đời sống lứa đôi, thì hạnh phúc lứa đôi mới được bảo chứng.
Nếu không có những chất liệu này, tình yêu lứa đôi sẽ từ trên trời cao sà xuống và trở thành tình yêu bản năng và thú tính, nên nó không còn biết có gốc rễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ gì cả.
Con người chúng ta không bao giờ bằng lòng hành xử theo bản năng, thú tính mà ta phải biết nỗ lực thăng hoa thú tính lên với cái đẹp, với cái cao thượng.
Vậy, ta lấy gì để thăng hoa ?
Chính là niềm tin, đức tin tôn giáo. Ba mẹ hai con đã muốn cho hai con thiết lập và thăng hoa tình yêu trên nền tảng của Tam Bảo, tức là lấy Phật, Pháp, Tăng để bảo chứng và thăng hoa tình yêu cho hai con.
Phật là gì ?
Phật là trí tuệ vô lượng, phước đức vô lượng, tình thương vô lượng.
Tình yêu lứa đôi của ta chỉ đẹp, khi ta có trí tuệ vô lượng. Tình yêu lứa đôi của ta chỉ có hạnh phúc, khi ta có tình thương vô lượng. Tình yêu lứa đôi của ta chỉ được bảo chứng, khi ta có phước đức vô lượng.
Trí tuệ vô lượng, phước đức vô lượng, tình thương vô lượng chính là Phật. Chính những chất liệu ấy của Phật sẽ bảo chứng cho hạnh phúc tình yêu lứa đôi của ta, nên ta phải suốt đời quay về tin tưởng và nương tựa.
Pháp là gì ?
Pháp là lời dạy của Phật có khả năng dẫn người thực hành đến hạnh phúc chân thực, nên ta phải biết quay về nương tựa để thực tập.
Tăng là gì ?
Tăng là một đoàn thể đẹp lấy giới luật, lấy đời sống cao thượng làm nền tảng của cuộc sống, cho nên mình gần với đoàn thể có đời sống cao thượng đó, thì tình yêu của mình được bảo chứng và niềm tin của mình sẽ được bảo đảm.
Ba mẹ của hai con đã đưa tình yêu của hai con đi tới và được bảo chứng của Tam Bảo, nên tình yêu lứa đôi của hai con là tình có phước đức rất lớn. Có rất nhiều người đi đến đời sống lứa đôi với nhau được cha mẹ tác thành, tạo lập nhà cửa, và nghề nghiệp, phân chia tài sản, nhưng rất ít người làm cha mẹ nghĩ đến việc tác thành đời sống lứa đôi cho con cái của mình dựa trên nền tảng Tam Bảo và được bảo chứng bởi Tam Bảo.
Trong giờ phút này, hai con hãy vui lên, sung sướng lên, Thầy trượng thừa uy lực của Tam Bảo, trượng thừa uy lực của hiện tiền Tăng, sẽ rưới nước Cam Lồ lên đỉnh đầu của hai con, để cho hai con có dòng nước Cam Lồ thanh trong tươi mát.
7-Nước Cam Lồ Và Hoa Tâm Tương Kính:
Diệp và Anh Thi, hai con quý mến!
Thầy đã rưới nước Cam Lồ lên đỉnh đầu của hai con, kể từ giờ phút này trong tâm hồn của hai con đã có chất liệu tươi mát, chất liệu dập tắt mọi sự oi bức, phiền muộn trong đời sống của con người. Trong lúc sống với nhau mỗi khi có sự oi bức bởi cuộc sống của con người và xã hội, hai con hãy theo dõi hơi thở thật sâu, khởi tâm tha thứ và thương yêu, để cho dòng nước Cam Lồ này tuôn ra trong trái tim, trong cuộc sống, để hai con có những lời nói dịu ngọt từ hoà, hai con sẽ có một cách nhìn tương thân, tương ái và hai con có tâm hồn an lạc, thảnh thơi để hiến tặng cho nhau nhiều hạnh phúc, cũng như hiến tặng hạnh phúc cho gia đình và xã hội.
Trong tình yêu lứa đôi có trí tuệ, tình yêu ấy giống như những đóa hoa, chính bản thân của hai con là những đóa hoa của gia đình, của cha mẹ, của dòng họ, của xã hội và là những đóa hoa của Đức Phật, hai con hãy đi đến với nhau bằng những đóa hoa, để cho hoa lòng của hai con tỏa sáng, để cho cuộc sống của hai con tỏa ra hương thơm, và hai con là những đóa hoa đích thực của cuộc đời.
Hai con hãy tặng hoa cho nhau và hứa trong lòng với nhau rằng, mình tới với nhau như những đóa hoa và làm cho những đóa hoa lòng sáng ra, đẹp ra và có hương thơm đích thực để hiến tặng cho đời.
Các con hãy theo dõi ba hơi thở thật sâu và nhìn sâu vào những đóa hoa, các con sẽ nhìn thấy tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình ở trong đó và tương lai con cháu của mình cũng đang có mặt ở trong đó.
Hai đứa con hãy tặng hoa cho nhau đi!
Hai đứa hãy con ép sát hai đóa hoa đó vào trước trái tim của mình.
Như vậy, Diệp và Anh Thi, trong hai con đã có những giọt nước Cam Lồ để tưới tẩm những đóa hoa trong lòng và làm cho hoa ấy, thực sự nở ra trong đời sống lứa đôi, để hai con thực sự sống đẹp, thật sự sống hạnh phúc, sống rất có ý nghĩa trong cõi trăm năm.
Để bảo đảm cho đời sống lứa đôi, hai con phải tương kính tương thuận nhau vì vợ chồng đến với nhau không phải để chiếm hữu nhau, mà đến với nhau để tương kính, tương thuận nhau, do tương kính và tương thuận, cho nên mình có gì đều chia sẻ với nhau, và để thể hiện sự tương kính, tương thuận đó, hai con hãy lạy nhau một lạy theo lời xướng của Thầy.
Hai con Diệp và Anh Thi, đã tự nguyện tìm hiểu nhau và cùng nhau đi đến đời sống lứa đôi, trong chất liệu tương kính, tương thuận để cùng nhau tạo ra hạnh phúc trong đời sống hằng ngày, vậy hai con hãy chí thành đảnh lễ nhau một lạy trước sự chứng minh của Tam Bảo, hiện tiền chúng Tăng và bà con nội ngoại của hai phía.
8- Kiên Nhẫn Để An Toàn Cho Nhau:
Diệp và Anh Thi!
Thầy sẽ trao nhẫn cho hai con. Hai con đến với nhau trong đời sống lứa đôi, thì đôi vai của hai con nặng lắm! Khi còn độc thân, hai con mỗi người chỉ có một cha, một mẹ, nhưng khi đến với nhau, thì mỗi đứa con có bốn vị, có dòng họ nội ngoại hai bên và bạn bè hai phía.
Trong gánh nặng đó, mà ta gánh không có kiên nhẫn, không có cẩn thận thì sẽ bị đổ vỡ. Muốn gánh vững chãi, thì ta phải có kiên nhẫn, ta có kiên nhẫn, ta mới có thể gánh tình yêu lứa đôi của ta đi suốt cả chặng đường. Nên, hai con muốn đi trọn vẹn con đường lứa đôi một cách thảnh thơi, thì phải có kiên nhẫn.
Diệp nhẫn là nhẫn cho Anh Thi, Anh Thi nhẫn là nhẫn cho Diệp.
Ta có hiểu như vậy, thì sự nhẫn của ta mới thành công, nhẫn là biết mở trái tim ra, chứ không phải nhẫn là đè nén trái tim của mình lại.
Ta nhẫn là phải biết mở rộng trái tim của ta ra, ta phải biết mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra, nếu không, ta sẽ không chịu đựng nổi với những bất như ý trong những sinh hoạt hằng ngày của con người và xã hội. Cũng vậy, một ly nước nhỏ, ta bỏ bất cứ vật nhỏ nào vào trong ly nước, nước đều bị chao động mạnh và tràn ra, và nếu ta vứt vật nhỏ đó vào sông Hương hay biển cả, thì sông Hương hay biển cả chẳng bị hề hứng gì đối với vật ấy.
Cũng vậy, nếu tâm ta rộng lớn, tầm nhìn của ta rộng sâu, thì cho dù trong cuộc sống ta có bị tiếp nhận những bất như ý, chúng đều bị tâm và tầm nhìn rộng lớn của ta hóa giải. Trái lại, tâm và tầm nhìn của ta mà hẹp hòi, thì trong cuộc sống của ta nhất định có nhiều sóng mòi và bị chao đảo.
Như vậy, chúng ta phải mở trái tim của chúng ta ra, chúng ta phải biết mở rộng lớn tấm lòng của chúng ta ra, mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra, và ta biết thương nhau là ta phải biết học hỏi ở nhau và phải biết học hỏi từ mọi phía, nên hạnh phúc của ta từ đó mà có mặt.
9- Ơn Nghĩa Sinh Thành:
Diệp và Anh Thi,
Sau khi hai con đã tự tìm hiểu và nguyện tới với nhau, không phải chỉ cho hai con, mà cho cả cha mẹ và dòng họ hai con. Tất cả những gì hai con có được hôm nay, đều là từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nội ngoại của hai con, vậy hai con hãy lạy cha mẹ của hai con hai lạy, trước khi hai con thực sự sống với nhau.
Hai con hãy lạy sau khi nghe lời xướng của Thầy.
"Vì cảm mến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha và mẹ, cũng như sự nuôi dưỡng đức hạnh từ tổ tiên ông bà nội ngoại mà chúng con đi tới thành lập đời sống lứa đôi. Nay trước Tam Bảo, trước hiện tiền chúng Tăng thanh tịnh chúng con xin chí thành đảnh lễ cha mẹ hiện tiền hai lạy".
Hai con hãy quỳ xuống,
Diệp và Anh Thi thương mến!
Các con nên nhớ, Diệp không phải chỉ có thiên chức làm chồng, làm cha thôi mà Diệp còn phải có thiên chức làm vợ và làm mẹ nữa. Nếu người đàn ông chỉ có thiên chức làm chồng và làm cha thôi, thì hạnh phúc trong gia đình cũng khó mà bảo toàn, bởi vì không phải lúc nào, người vợ cũng có mặt bên chồng và chồng cũng có mặt bên vợ cả đâu.
Khi chồng có công việc cần đi xa, vợ có công việc cũng cần phải đi xa, thì con cái ở nhà thế nào? Việc chăm sóc gia đình thế nào? Cho nên, ngoài việc phát huy cho được, hoàn thiện cho được thiên chức làm cha, làm chồng, Diệp còn phải phát huy cho được thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Anh Thi cũng vậy, ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, con còn phải có thiên chức làm chồng, làm cha nữa, khi chồng bận công việc con phải thay chồng mà xử sự từ trong gia đình, dòng họ và xã hội với vai trò của Diệp.
Có như vậy, hạnh phúc của hai con, không những có mặt trong một thời gian, mà có mặt mãi mãi trong mọi thời gian, không những có mặt trong một gia đình chật hẹp, mà còn có mặt trong mọi không gian rộng lớn.
Nhờ vậy mà vợ chồng có thể là một tổ ấm để che chở cho con, cho cháu của mình trong hiện tại và trong tương lai.
Vậy, Thầy mong rằng, ngoài thiên chức của bản thân mình, hai con còn phải phát huy cho được thiên chức khác nữa, có như vậy hai con mới giúp nhau đi trọn vẹn con đường mà mình đã hứa trước Tam Bảo, trước cha mẹ, trước họ hàng.
10- Sinh Con Không Phải Sinh Lòng:
Thưa cha mẹ cũng như họ hàng của hai cháu Diệp và Anh Thi,
Sinh con ra, ai cũng muốn con mình có hiếu, có nghĩa, trở thành người tốt trong gia đình, nhưng mà lắm người đã thất vọng, bởi đó chỉ là sự mong mỏi của cha mẹ nhưng con cái lại đi theo cá tính của nó.
Quý vị cũng phải biết rằng, người xưa nói: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Trời sinh tính, có nghĩa là cái nghiệp duyên của người con mình nhiều đời tính nó vốn như vậy. Nhưng, bây giờ nó có duyên với gia đình mình nên nó tái sinh làm con của mình.
Có những người con có hiếu, giúp cha mẹ an ổn và làm vinh danh cho cha mẹ, nhưng cũng có những người con, kiếp trước mình mắc nợ nó, cho nên bây giờ, nó hiện thân trong gia đình mình làm con mình để đòi nợ mình, nên khiến nhiều vị làm cha mẹ đã bị đau khổ và nhục nhã bởi con cái.
Biết được như vậy, để quý vị yên tâm trong đời sống của mình và chăm sóc con cái. Việc nuôi con, tác thành đời sống lứa đôi ngang đây của quý vị, chưa phải là xong, cha mẹ còn phải lo tu nhân tích đức, tạo nhiều phước đức cho con cái nữa. Không những vậy, quý vị còn phải chia sẻ kinh nghiệm làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng cho con cái của mình nữa! Bởi vì, Diệp và Anh Thi bước chân vào đời, nhìn cái gì cũng ngơ ngác, nhìn cái gì cũng mới mẻ, cho nên quý vị có bổn phận chăm sóc từ đời sống lứa đôi cho Diệp và Anh Thi, cho đến cách hành xử với bạn bè, với dòng họ, hành xử với ngày đơm tháng kỵ của tổ tiên ông bà.
Có như vậy, thì quý vị sau khi xả bỏ báo thân này, về cảnh giới nào, quý vị nhìn lại con cháu của mình, mà mỉm miệng cười, khi thấy mình đã sinh ra được những người con, người cháu có ích cho gia đình, có ích cho dòng họ và cho xã hội. Chính quý vị cũng phải tu tập thêm, để tạo ra cái đức hạnh lớn lao cho con cháu, là cây đại thọ để che chở con cháu, đó là những điều tôi xin chia sẻ với cha mẹ cũng như bà con nội ngoại của hai cháu Diệp và Anh Thi.
Buổi pháp thoại đến đây đã hoàn thành, một lần nữa, Thầy cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho Diệp và Anh Thi có đủ sức khoẻ và sống hạnh phúc, an lạc để hai đứa con xứng đáng là con của cha mẹ mình, cháu của ông bà nội ngoại, của chú bác, cô dì và là đệ tử của Tam Bảo.