Thực tiễn pháp môn niệm Phật qua các thời đại của Thiên Thai tông
thuc tien
THỰC TIỄN PHÁP
MÔN NIỆM PHẬT QUA CÁC THỜI ĐẠI
CỦA THIÊN THAI TÔNG
TN. Thánh Thảo
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu quan niệm và thực tiễn niệm Phật trong Thiên Thai tông qua
các thời đại, từ thời Đại sư Trí Khải sáng lập Thiên Thai Viên giáo cho đến các
giai đoạn Tùy - Đường, Tống - Nguyên, Minh - Thanh và thời cận đại. Từ một hệ
thống giáo lý chặt chẽ với phương pháp
Chỉ - Quán, trong đó niệm Phật
đóng vai trò trợ duyên, tuy nhiên theo thời gian, Thiên Thai tông ngày càng dung
hợp với Tịnh Độ tông, khiến pháp môn niệm Phật trở thành một thực hành quan
trọng. Sự dung hợp này góp phần phổ biến pháp môn niệm Phật nhưng cũng dẫn đến
nguy cơ Thiên Thai tông bị hòa tan vào dòng chảy Tịnh độ, làm suy yếu phương
pháp Chỉ - Quán truyền thống. Bài viết phân tích sự phát triển và biến đổi của
pháp môn niệm Phật trong Thiên Thai tông, đồng thời đánh giá tác động của nó đối
với Phật giáo Trung Quốc qua các thời kỳ.
I. Mở
đầu
Từ cuối thời Đông Hán đến đầu thời
nhà Tùy, Trung Quốc trải qua một thời kỳ đầy biến động với sự chia cắt chính trị
và sự xâm nhập của các thế lực ngoại bang.
Trong bối cảnh đó, Phật giáo được
truyền vào Trung Quốc và nhanh chóng trở thành một điểm tựa tinh thần quan
trọng.
Tuy nhiên, các trường phái Phật học
thời kỳ này vẫn chủ yếu duy trì mô hình nghiên cứu kinh điển theo tư tưởng Ấn
Độ, chưa phát triển thành một hệ thống triết học mang bản sắc Trung Hoa.
Mãi đến khi
Đại sư Trí Khải sáng lập học
thuyết Thiên Thai
tông,
các trường phái
Phật giáo mới có sự chuyển mình mạnh
mẽ. Ông kết hợp tư tưởng Đại
thừa với triết học bản địa, đặc biệt là tư tưởng Nho - Đạo, hình thành một hệ
thống tư tưởng hoàn chỉnh. Một trong những phương pháp tu tập quan trọng nhất
của Thiên Thai tông là Chỉ - Quán, trong đó niệm Phật không chỉ là một phương
tiện trợ duyên mà còn trở
thành một pháp môn tu tập
trọng yếu.
Sau thời Đại sư Trí Khải, nhờ sự
thống nhất quốc gia dưới triều Tùy - Đường, Phật giáo Trung Quốc bước vào thời
kỳ hoàng kim với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều tông phái. Trong giai đoạn này,
Thiền tông xuất hiện
và nhanh chóng phát triển, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của Phật giáo
Trung Quốc khi dung hợp sâu sắc với văn hóa bản địa.
Bài viết này tập trung phân tích sự
phát triển của pháp môn niệm Phật trong Thiên Thai tông qua các thời kỳ khác
nhau, từ thời Đại sư Trí Khải đến các giai đoạn Tùy - Đường, Tống - Nguyên, Minh
- Thanh và thời cận đại, nhằm làm rõ sự ảnh hưởng của pháp môn này đối với Thiên
Thai tông nói riêng và Phật giáo Trung Quốc nói chung.
II.
Quan
điểm về niệm
Phật
trong Ma-ha
chỉ
quán
1.
Niệm
Phật và sự phổ cập của
Phật giáo
Thiên Thai tông xây dựng một hệ thống giáo lý quy mô, có tính triết học cao,
khiến các thiền sư Thiên Thai qua nhiều thời kỳ chủ yếu tập trung nghiên cứu
giáo nghĩa và pháp nghĩa. Trong bối cảnh này, quan điểm niệm Phật trong Thiên
Thai tông dần bị xem như một nghi thức phổ biến, tương đương với trì tụng thần
chú, chủ yếu dành cho tầng lớp bình dân.
Nếu không nghiên cứu sâu giáo lý Thiên Thai, nhiều người có thể thấy tông phái
này có phần mơ hồ. Điều này xuất phát từ ba nguyên nhân chính:
- Tư tưởng Tịnh độ của Thiên Thai tông dần bị hấp thụ vào hệ thống tư tưởng của
Tịnh Độ tông.
- Phương pháp Quán tâm (觀心)
bị lu mờ bởi sự phát triển mạnh mẽ của Thiền tông.
- Pháp môn niệm Phật, khi trở thành một phương pháp thực
hành phổ biến, dần dần bị xem như một đặc trưng chung của
Phật giáo, không còn mang dấu ấn riêng
của Thiên Thai tông.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ lịch
sử, các pháp môn của Ma-ha
chỉ
quán,
đặc biệt là Nhất niệm Tam thiên (一念三千),
đã có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành nền tảng tư tưởng cho nhiều tông phái sau
này. Trong đó, niệm Phật không chỉ đóng vai trò là một phương tiện thực hành, mà
còn là nhân tố quan trọng giúp Phật giáo Trung Quốc lan rộng trong xã hội đương
thời cũng như thời hiện đại.
2.
Quan điểm niệm Phật
phù hợp với lý và cơ
Trong một xã hội đầy biến động, làm
thế nào để con người không bị ngoại cảnh quấy nhiễu?
Pháp môn niệm Phật trong Ma-ha
chỉ quán
như một phương tiện quan trọng giúp
hành giả chấm dứt vọng tưởng, hiển lộ diệu trí và quán sát công đức của Như Lai.
Nói cách khác, Chỉ - Quán chính là phương pháp tối thượng giúp hành
giả đạt được trí tuệ tịch
chiếu bất nhị, an trú trong diệu trí an lạc.
Ngày nay, con người bị chi phối bởi
tham ái vật chất, thường mắc
phải những bệnh lý về thể chất và tinh thần như mất ngủ,
lo âu, căng thẳng mà nguyên
nhân không chỉ đơn thuần xuất
phát từ môi trường sống mà còn
liên quan đến những chướng ngại nội
tại như phiền não chướng và sở
tri chướng.
Theo Ma-ha
chỉ
quán,
thân và tâm là một thể thống nhất, có sự tác động
qua lại lẫn nhau. Trạng thái
của thân thể phản ánh mức độ thanh tịnh hay nhiễm ô của tâm thức. Khi tâm thanh
tịnh nhờ quá trình tu tập, thân thể cũng sẽ chuyển hóa tương ứng. Hiện tượng
bệnh tật chính là sự biểu hiện của sự chuyển hóa này. Để đạt được niệm Phật tam
muội, hành giả cần điều hòa thân tâm, tích lũy tư lương vào đạo, đồng thời sử
dụng chính niệm và trí tuệ để vận dụng các yếu tố trong đời sống như ăn, mặc, ở,
đi lại nhằm cải thiện chất lượng sống.
Dưới góc nhìn của giáo dục hiện đại,
pháp môn
niệm Phật trong Ma-ha
chỉ quán có thể được xem
là một phương pháp giáo dục thẩm thấu,
trong đó toàn bộ thân tâm của
hành giả được hòa
nhập vào môi trường tu tập,
giúp phát triển nội lực một
cách tự nhiên. Phương
pháp niệm Phật
này nhấn mạnh
hai yếu
tố chính: Thứ nhất, kiểm soát
thân tâm, hành
giả cần đối trị các phiền não nội tại, tránh để môi trường bên ngoài tác động
đến sự tĩnh lặng của tâm thức.
Thứ hai, chọn lựa một môi
trường phù hợp,
vì
môi trường có thể trở thành
trợ duyên hoặc chướng ngại
đối với quá trình tu tập. Do
đó, quan điểm niệm Phật trong Ma-ha
chỉ quán không chỉ đơn
thuần nhấn mạnh vào hành động trì
danh hiệu Phật, mà còn đề
cao việc chuyển hóa nội tâm,
giúp hành giả đạt đến nhất tâm bất
loạn, từ đó hướng về Tịnh
độ
và chứng ngộ chân lý.
Bên cạnh đó,
yếu tố ngoại lực cũng đóng vai
trò quan trọng trong pháp môn niệm Phật. Ngoại lực ở đây bao gồm
môi trường tu tập, nơi có thể
hỗ trợ cho hành giả đạt được nhất tâm. Ngoài ra, các phương pháp như
thường hành niệm Phật (niệm
Phật khi đi) hay thường tọa niệm Phật
(niệm Phật khi ngồi) cũng là những cách sử dụng ngoại lực của thân thể để duy
trì trạng thái nhất tâm bất loạn.
Nói cách khác, đạt đến nhất tâm bất loạn để thành tựu Tịnh độ chính là trọng tâm
của pháp môn
niệm Phật trong
Ma-ha
chỉ quán, đồng thời cũng
là mục tiêu tối hậu trong
hành trình tu tập
của hành giả.
III. Thực tiễn niệm Phật của
Thiên Thai tông thời Tùy - Đường
Thiên Thai tông được hình thành từ
thời Nam Trần và phát triển hoàn chỉnh vào đầu thời Tùy. Mặc dù trong thời kỳ
này, Phật giáo Trung Quốc đạt đến giai đoạn hoàng kim nhờ sự bảo trợ của triều
đình, nhưng chính trong bối cảnh đó, Thiên Thai tông cũng dần bước vào giai đoạn
suy thoái. Để lý giải nguyên nhân, có thể xem xét từ ba khía cạnh:
quan hệ chính trị - tôn giáo, sự
truyền bá Phật giáo và thực
tiễn quan điểm niệm Phật đương thời.
1.
Quan hệ chính
trị - tôn giáo
Trong suốt cuộc đời,
Đại sư Trí Khải nhận được sự
kính trọng từ các hoàng đế nhà Tùy. Ông khéo léo điều
hòa
mối quan hệ với triều đình,
đảm bảo sự truyền thừa của Thiên Thai giáo pháp. Tuy nhiên, dưới chế độ quân
chủ chuyên chế,
việc hoằng dương Phật pháp
cũng gặp nhiều hạn chế, khiến quá trình truyền bá giáo pháp Thiên Thai tông gặp
không ít trở ngại.
Dù vậy, Thiên Thai tông vẫn tiếp tục
phát triển mạnh mẽ với ba bộ luận kinh quan trọng do Đại sư Trí Khải biên soạn:
Ma-ha
chỉ quán, Pháp
hoa huyền nghĩa và
Pháp hoa văn cú.
Những tác phẩm này đặt nền móng cho hệ thống tư tưởng Thiên Thai, không chỉ có
ảnh hưởng lớn trong Phật giáo Trung Quốc mà còn sánh ngang với các hệ thống
triết học lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, khi bước sang thời Đường,
Phật giáo bắt đầu đối diện với sự đối kháng mạnh mẽ từ Nho giáo. Đỉnh điểm là
cuộc đàn áp tôn giáo trong Hội
Xương pháp nạn (năm 845) dưới thời Đường Vũ Tông. Sự kiện này khiến hàng trăm
nghìn Tăng sĩ bị buộc hoàn tục, hàng nghìn tự viện bị phá hủy và Phật giáo bị
xem như một thế lực cần phải
kiểm soát. Chính trong bối cảnh này, các phương thức tu tập như
niệm Phật trở thành phương
tiện quan trọng giúp Phật tử duy trì tín ngưỡng và bảo vệ đời sống tâm linh.
2.
Thiên Thai tông
chịu ảnh hưởng chính trị và thực tiễn niệm Phật
Xét về lịch sử truyền bá, ngoài việc
Đại sư Trí Khải dung hợp tư tưởng Nho
- Đạo vào giáo lý Thiên Thai, pháp môn
Chỉ - Quán mà ông đề xướng
cũng được nhấn mạnh như một con đường tu tập trọng yếu. Theo
Ma-ha
chỉ quán, quyển 1 có ghi:
“Khi
đã nhận biết vô minh tức là minh, tâm không còn dao động, gọi đó là Chỉ; trí tuệ
sáng tỏ, thanh tịnh rạng rỡ, gọi đó là Quán”.
Chỉ - Quán chính là phương pháp giúp
hành giả diệt trừ vô minh và phiền não,
đạt được tâm thanh tịnh và trí tuệ
giải thoát. Trong đó,
niệm Phật được xem là
một phương tiện thực hành quan trọng, dễ áp dụng vào đời sống
hàng ngày, không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà còn giúp người cư sĩ có
thể tiếp cận đạo pháp một cách thuận lợi hơn.
Sau thời Đại sư Trí Khải, Đại sư Quán Đảnh (còn gọi là Chương An Đại sư) tiếp
tục truyền bá giáo pháp Thiên Thai tại hai trung tâm quan trọng là chùa Quốc
Thanh và chùa Ngọc Tuyền. Nhờ những nỗ lực của ông, hệ thống giáo lý của Thiên
Thai tông được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, hai trung tâm
này lại có sự khác biệt trong phương pháp thực
hành: trong khi hệ thống Quốc Thanh
thiên về khuynh hướng bảo thủ, tập trung về
việc nghiên cứu giáo lý, thì hệ
thống Ngọc Tuyền lại phát triển mạnh mẽ pháp môn
niệm Phật kết hợp với giới luật,
nhấn mạnh vào thực hành hơn lý luận.
Vào thời Trung Đường, Đại sư Trạm
Nhiên (711-782) đã nỗ lực khôi phục Thiên Thai tông và tạo nên
một thời kỳ phục hưng ngắn ngủi. Ông đề xuất học thuyết
“vô
tình hữu tính”,
mở rộng quan điểm về Phật tính khi cho rằng không chỉ
chúng sinh hữu tình mà ngay cả vật vô tri như núi đá, cây cỏ cũng có Phật tính
và có thể thành Phật. Học thuyết này giúp nâng cao giá
trị triết học của Thiên Thai tông và góp phần đẩy mạnh sự
phát triển của giáo lý tông phái. Tuy nhiên, dù đạt được những thành tựu nhất
định, sự phục hưng này không kéo dài lâu và sau một thời gian, Thiên Thai tông
lại tiếp tục suy yếu.
Đến cuối thời Đường và trong suốt thời kỳ Ngũ Đại, Phật giáo Trung Quốc phải đối
mặt với nhiều cuộc đàn áp nghiêm trọng, trong đó
Hội Xương pháp nạn (845) là
một trong những biến cố lớn nhất. Ngoại trừ
Thiền tông, hầu hết các tông
phái khác đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thiên Thai tông không phải là ngoại lệ, khi
nhiều kinh điển bị thất lạc, hệ thống truyền thừa bị gián đoạn và việc giảng dạy
giáo nghĩa bị ngừng trệ. Khi bước vào thời kỳ đầu nhà
Tống, Thiên Thai tông dần mất đi vị thế vững chắc, nhường
chỗ cho sự trỗi dậy của các tông phái khác như
Thiền tông và Tịnh Độ tông.
IV.
Thực tiễn niệm
Phật
của Thiên
Thai
tông thời Tống
- Nguyên
Sau thời Đường, Trung Quốc bước vào giai đoạn chiến loạn,
khiến Phật giáo nói chung và Thiên Thai tông nói riêng suy yếu dần. Sự huy
hoàng của các tông phái Phật giáo trong thời Đường không còn
duy trì được, thay vào đó là những biến động lớn trong đời sống chính trị
- xã hội.
Vào cuối thời Ngũ Đại Thập Quốc, Phật giáo Trung Quốc phải đối mặt với một đợt
đàn áp nghiêm trọng dưới triều Hậu Chu Thế Tông (955-960). Với lý do cắt giảm
ngân sách quốc gia và kiểm soát Tăng đoàn, vị hoàng đế này đã tiến hành cuộc đàn
áp Phật giáo lần thứ tư trong lịch sử Trung Quốc, ra lệnh phá bỏ hơn 3.000 chùa
chiền và buộc hàng chục nghìn Tăng Ni phải hoàn tục.
Tuy nhiên, sau khi triều Tống được thành lập, Phật giáo lại có cơ hội phục hưng.
Nhờ sự bảo trợ của các hoàng đế nhà Tống, đặc biệt là
Tống Thái Tổ và
Tống Thái Tông, nhiều tự viện
được trùng tu, các hệ thống kinh điển được biên soạn lại và Phật học tiếp
tục được nghiên cứu. Trong bối cảnh này,
Thiên Thai tông cũng từng bước
được khôi phục.
1.
Quan
hệ giữa chính trị và tôn giáo
Sau cuộc đàn áp Phật giáo của Hậu Chu Thế Tông, nhà Tống lên nắm quyền và có
thái độ khoan dung hơn với Phật giáo.
Tống Thái Tổ cho phép tái thiết chùa chiền, mở rộng tự viện,
trong khi Tống Thái Tông
và Tống Chân Tông đều
có nhận định tích cực về vai trò của Phật giáo trong việc duy trì đạo đức và ổn
định xã hội. Chính quyền nhà Tống cũng ủng hộ quan điểm
tam giáo hợp nhất (Nho - Thích - Đạo),
hình thành một mô hình “Tam giáo đồng nguyên”,
giúp Phật giáo thích nghi với bối cảnh chính trị và văn hóa đương thời.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với sự phát triển của Phật giáo.
Một số trí thức Nho gia như
Trình Hạo và Âu Dương
Tu mạnh mẽ phê phán tư tưởng của Đạo giáo
và Phật giáo, cho rằng Phật - Đạo dẫn con người vào lối sống
tiêu cực, xa
rời xã hội, giống như “sống
say chết mộng”,
hoàn toàn trái ngược với tinh thần nhập thế của Nho gia -
nơi mà người quân tử phải dám đối mặt với khó khăn, “biết
việc không thể làm mà vẫn làm”. Quan điểm này phản ánh
thái độ của tầng lớp Nho sĩ bảo thủ,
những người luôn nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy cai trị
thời Tống.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục phát triển, Phật giáo cần
tìm cách hóa giải sự phản đối từ giới trí thức Nho gia. Một trong những phương
thức quan trọng mà các Phật tử thời Tống sử dụng chính là
thuyết
“Tam
giáo hợp nhất”,
giúp Phật giáo được chấp nhận rộng rãi hơn trong xã hội. Nhờ vậy, Phật giáo
không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn có ảnh hưởng đến sự phát triển của
Tống Nho và triết học Trung
Quốc.
2.
Thiên Thai tông
và thực tiễn niệm Phật trong bối cảnh dung hợp tam giáo
Thời Bắc Tống, xu hướng dung hợp Nho
- Phật - Đạo phát triển mạnh, với nhiều trí thức như Tô Đông Pha vừa thông hiểu
Nho học vừa nghiên cứu Phật giáo. Điều
này thúc đẩy sự hội nhập giữa
ba tôn giáo, nhưng cũng tạo ra nhiều tranh luận nội bộ trong Thiên Thai tông.
(a)
Tranh luận lý luận
Thiên Thai tông thời Tống đối diện
với nhiều thách thức, đặc biệt là từ Thiền tông và Tịnh Độ tông. Trong khi các
tông phái khác nhấn mạnh tu tập nhanh chóng và đốn ngộ, Thiên Thai tông vẫn duy
trì phương pháp Chỉ - Quán theo hệ thống tuần tự, dẫn đến việc bị xem là quá
phức tạp. Ngoài ra,
Thiên Thai tông cũng bị ảnh hưởng bởi Hoa Nghiêm tông, khiến nội bộ có
sự tranh luận gay gắt giữa hai
trường phái: “Chân
tâm quán”
(hệ phái ngoại sơn) chủ trương quán chiếu chân tâm, tức bản thể chân như; trong
khi “Vọng
tâm quán”
(hệ phái nội sơn) nhấn mạnh quán vọng tâm để đạt đến chân lý. Cuộc
tranh luận kéo dài suốt
bảy năm, khiến Thiên Thai tông
suy yếu và mất đi sự thống nhất.
(b)
Thực tiễn niệm Phật Tam
muội
Dưới ảnh hưởng của Tịnh Độ tông,
Thiên Thai tông thời Tống đẩy mạnh pháp môn niệm Phật Tam muội. Đại sư Tri Lễ
khẳng định
rằng niệm Phật không chỉ để vãng sinh mà còn để quán chiếu bản tâm. Sau đó, Đại
sư Tôn Thức tiếp tục phát triển pháp môn này, kết hợp giữa niệm Phật và thực
hành đời sống đạo đức. Tuy nhiên, sự phổ biến của các hội niệm Phật quy mô lớn
như Hội niệm
Phật Diên Khánh (1013) khiến Thiên Thai tông ngày càng bị hòa tan vào dòng chảy
của Tịnh Độ tông, đánh mất bản sắc riêng.
(c)
Sự suy yếu của Thiên
Thai tông trước
ảnh hưởng của
Tịnh Độ tông
Sự dung hợp giữa Thiên Thai tông và
Tịnh Độ tông khiến ranh giới giữa hai tông phái
trở nên
mờ nhạt, khi
nhiều vị
cao tăng của
Thiên Thai chuyển trọng tâm
sang niệm Phật cầu vãng sanh,
thay vì duy trì phương
pháp Chỉ - Quán truyền thống.
Hội Niệm Phật Diên Khánh do Tri Lễ Đại sư tổ chức năm 1013, thu hút hàng vạn
người trì danh hiệu A Di Đà Phật, càng làm Thiên Thai tông mất đi bản sắc riêng
và dần bị xem như một phần của Tịnh Độ tông. Điều này dẫn đến nguy cơ Thiên Thai
tông bị hòa tan vào Tịnh Độ tông, làm suy yếu phương pháp Chỉ - Quán truyền
thống vốn là nền tảng cốt lõi của tông phái này,
nhường chỗ cho sự trỗi dậy của
các tông phái khác trong Phật giáo Trung Quốc.
V.
Thực tiễn niệm
Phật
của Thiên
Thai
tông thời Minh
– Thanh
và Dân
quốc
1.
Quan hệ giữa chính trị và tôn
giáo
Sau thời kỳ Mật giáo phát triển mạnh mẽ dưới triều
Nguyên, đến khi nhà Minh lên nắm quyền, quyền lực của Mật
giáo suy giảm và Phật giáo trở lại dưới sự cai trị của triều
đình Hán tộc. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, từng xuất gia trước khi lên
ngôi, đã tích cực phục hưng Phật giáo. Năm
1582 (Hồng Vũ thứ 15), ông
thiết lập Tăng lục ty,
giúp tổ chức Phật giáo quy củ hơn và phân chia chùa chiền
thành bốn hệ thống: Thiền, Giảng,
Luật, và Tịnh Độ.
Nhờ sự phát triển thương mại và sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế về phía Nam, số
lượng chùa chiền trong thời Minh gia tăng đáng kể. Sự phổ biến của tín ngưỡng
Phật giáo trong dân gian cũng được ghi nhận trong tiểu thuyết
Tỉnh thế nhân duyên,
phản ánh việc hành hương và dâng hương đã trở thành phong trào phổ biến.
Phụ nữ, vốn bị hạn chế trong khuôn khổ gia đình cũng có
thể lấy cớ đi lễ Phật để tham gia các hoạt động xã hội. Điều này cho
thấy rằng, vào thời Minh, chính quyền đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Phật giáo
như một phương tiện ổn định xã hội. Bước sang thời
Thanh, ban đầu triều đình cũng có chính sách bảo hộ nhằm thu phục lòng dân,
nhưng sau khi hoàn thành quá trình hòa nhập giữa người Hán và Mãn Thanh, Phật
giáo dần phát triển độc lập hơn.
2.
Xu hướng dung hợp các tông
phái
Từ cuối thời Minh, Phật giáo nói
chung và Thiên Thai tông nói riêng có xu hướng dung hợp với các tông phái khác,
đặc biệt là Tịnh Độ tông và Thiền tông. Đại sư Truyền Đăng và Đại sư Trí Húc
(Linh Phong Ấn Quang Đại sư) đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp Thiên
Thai với Thiền - Tịnh, nhấn mạnh niệm Phật Tam muội kết hợp Chỉ - Quán. Trí Húc
Đại sư chia niệm Phật thành niệm tự Phật (quán tâm), niệm tha Phật (trì danh),
và niệm tự tha Phật (thể nhập bản tâm với Phật), đồng thời đề xuất tư tưởng Tam
học
nhất
nguyên
(Giới - Định - Tuệ hợp nhất) và Tam
giáo
nhất
trí
(dung hợp Nho - Phật - Đạo). Tuy nhiên, sự dung hợp sâu rộng với Tịnh Độ tông
khiến Thiên Thai tông mất dần bản sắc và đến thời cận đại, tông phái này suy
yếu, không còn giữ được vị thế độc lập trong hệ thống Phật giáo Trung Quốc.
VI.
KẾT LUẬN
Từ khi Đại sư Trí Khải sáng lập Thiên
Thai Viên giáo, tông phái này đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chính trị và tư tưởng
Nho giáo bản địa. Ban đầu, Thiên Thai tông nhấn mạnh các phương tiện thiện xảo
để tiếp cận
đại chúng, đồng thời
kết hợp với tư tưởng Tịnh Độ
nhằm mở rộng phạm vi thực
hành. Tuy nhiên, theo thời
gian, hệ thống giáo lý đồ sộ và vững chắc của tông phái dần bị lu mờ, dẫn đến sự
thiên lệch trong phương pháp tu tập.
Vào thời Minh, đặc
biệt kể từ khi Đại sư Trí Húc
thành lập Thiên Thai phái Linh Phong với chủ trương kết hợp Thiên Thai và Tịnh
Độ, xu hướng này càng trở nên rõ rệt. Đến thời cận đại, phần lớn các học giả
Thiên Thai chuyển
hướng chú trọng thực hành niệm
Phật theo Tịnh Độ
tông, trong khi việc nghiên
cứu và truyền bá giáo lý Thiên Thai dần bị xem nhẹ.
Trong thời cận đại, các học giả của
Thiên Thai tiêu biểu gồm Đại sư Quan Trúc,
Đại sư Quảng Dục, Đại sư Huyễn
Nhân, Đại sư Vĩnh Trí, Đại sư Mẫn Hy, Đại sư Tổ Ấn và Đại sư Đế Nham. Hầu hết
các vị này đều dung hợp Thiên Thai với Thiền hoặc Tịnh độ, phù hợp với xu hướng
chung của Phật giáo Trung Quốc đương thời. Trong
đó, Đại sư Đế Nham, truyền
nhân của phái Linh Phong, được xem là một trong những bậc thầy lớn của Thiên
Thai tông thời cận đại. Trong quá trình giảng kinh, Ngài thường thuyết giảng về
kinh Pháp hoa,
kinh Lăng
nghiêm, kinh A Di Đà,
kinh Viên giác,
với đặc điểm kết hợp nhiều tông phái khác nhau, phù hợp với tôn chỉ
“hành
quy Tịnh độ, giáo hoằng Thiên Thai”.
Tài liệu tham khảo
Kinh điển và luận thư:
- Thích thiền Ba-la-mật thứ đệ
pháp môn, quyển 4, (ĐCT,
T.46,
no.911,
tr.506).
- Ma-ha
chỉ quán, quyển 1, (ĐCT,
T.46,
no. 1911, tr.3b19-21).
- Phật Tổ lịch đại thông tải,
quyển 19, (ĐCT,
T
.49,
no. 2036, tr.671).
- Tứ Minh thập nghĩa thư,
quyển 2, (ĐCT,
T.46,
no. 1936, tr.43b27-c2).
- Tứ Minh Tôn giả giáo hành lục,
(ĐCT,
T.46,
no. 1937, tr.856).
- A Di Đà
kinh
sớ,
(CBETA 2022.Q4, T37, no. 1757, tr.310c3).
- Vãng
sinh
Tịnh độ sám nguyện nghi,
quyển 1, (ĐCT,
T.47,
no. 1936, tr.491-494).
- San
định
chỉ quán, quyển 1 (ĐCT,
X.55,
no. 915, tr.692a11-18
// R99, tr.120a14-3
// Z 2:4, tr.60c14-3).
- Phật Tổ thống kỷ,
quyển 14, (ĐCT,
Q.4,
T49, no. 2035, tr.222).
- Linh Phong Ngẫu Ích Đại sư tông
luận, quyển 2, (ĐCT,
T.36,
no. B348, tr.275a16-17).
Tài liệu nghiên cứu và sách lịch sử:
- Phan Quế Minh,
“Thiên
Thai chỉ quán và ý nghĩa thực tiễn”,
Hội Quang Thiền
học
học
báo,
Viện Nghiên cứu Thiền
học, 10/1999, tr.248-249.
- Vương Công Vĩ,
“Tư
tưởng Tịnh
Độ
của Thiện
đạo”,
Tập luận văn tiến sĩ và thạc sĩ của
Pháp
Tạng
văn khố, tập 23, Quỹ Văn
hóa Phật Quang Sơn, 2001, tr.96.
- Cựu Đường Thư,
Lưu Hựu biên soạn, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, 2002, tr.606.
- Âu Dương Tu, Tân ngũ đại sử,
Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, không ghi năm xuất bản, tr.125.
- Trương Tiễn,
“Sự
phục hưng Phật
giáo sau các đợt đàn áp
Tam
vũ nhất tông”,
Phổ Môn học
báo,
số 12, 11-2002, tr.7.
- Ando Toshio, Lịch sử tư tưởng
Thiên Thai, NXB.Văn hiến Phật
giáo
Trung Hoa, 11-2004, tr.213-214.
Tài liệu nghiên cứu hiện đại:
- Thích Hoằng Nhất, Niên
phổ của Ngẫu Ích Đại sư,
Toàn tập
Ngẫu Ích Đại sư, tập 21,
Đài Trung: NXB.Thanh Liên, 1991, tr.11.
- Thích Diên Minh, Nghiên cứu tư
tưởng giới Bồ-tát của
Ngẫu Ích Trí Húc, Gia
Nghĩa: Luận văn thạc sĩ, Đại học Nam Hoa, 6-2011, tr.65-68.
- Thích Kiến Văn, Nghiên
cứu
Tịnh độ Thiên Thai, Đài
Bắc: NXB.Thế hòa Quốc tế, 3-2012, tr.192.
- Thích Tuệ Nhạc, Lịch sử giáo lý
Thiên Thai, NXB.Văn hiến Phật giáo Trung Hoa, 11-2003.
-
Thích Tuệ Sỹ, Lịch sử tư tưởng
Thiên Thai tông, NXB.Phương
Đông, 2012.
-
Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo
Trung Quốc, Viện Nghiên
cứu Phật học Việt Nam, 2004.
-
Lê Hữu Tuấn, Tư tưởng Tịnh
độ trong hệ thống giáo lý Thiên Thai tông,
luận
văn thạc
sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, 2020.