Tầm quan trọng của việc phiên dịch kinh điển trong phong trào chấn hưng Phật giáo và tính cấp thiết của việc hoàn thành Đại Tạng kinh Việt Nam hiện nay
tam quan trong
TẦM
QUAN TRỌNG CỦA VIỆC PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC HOÀN THÀNH ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM HIỆN NAY
Niệm
Huệ
Dẫn
nhập
Khi
nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy Phật giáo đã du nhập và phát
triển trên quê hương Việt Nam gần 2.000 năm lịch sử, thế nhưng cho đến ngày nay Phật giáo Việt Nam vẫn chưa
có được một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt hoàn chỉnh thật sự. Mặc dù công
tác phiên dịch kinh điển là một trong những nội dung chính của chương trình chấn
hưng Phật giáo từ đầu thế kỷ XX, nhưng đến nay đã trải qua gần 100 năm, các ban ngành giáo dục, nghiên cứu Phật giáo
Việt Nam phần lớn vẫn đang sử dụng nguồn kinh sách tiếng Việt có thể nói khá khiêm tốn so với Đại tạng
kinh, khi muốn
nghiên cứu thêm về Tam tạng Thánh điển vẫn phải tra cứu vào Hán tạng hoặc một số kinh sách ngoại
ngữ khác.
Thiết nghĩ, công tác phiên dịch kinh điển không chỉ đóng
vai trò vô cùng quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam xưa
kia mà còn là nhiệm
vụ cấp thiết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời hiện tại. Vấn đề được đặt ra
là làm sao có thể hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam trong tương lai gần nhất?
1. Tầm
quan trọng của việc phiên dịch kinh điển trong phong trào chấn hưng Phật giáo
Việt Nam
1.1.
Về phương diện văn hóa
Khi nghiên cứu về
lịch sử Phật giáo Việt
Nam, chúng ta thấy “Phật giáo đã có mặt tại
Giao Châu từ rất sớm, vào
khoảng cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ III Tây lịch”.
Mãi cho đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt
Nam đầu thế kỷ XX, tuy đã trải qua gần 2.000 năm lịch sử, nhưng Phật giáo Việt
Nam vẫn chưa có được bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt.
Trước đây, giai đoạn Việt Nam chưa được độc
lập tự chủ, đặc biệt vào thời Bắc thuộc, do chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên chữ Hán vô
cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Đối với Phật giáo cũng vậy, tất cả những
thế hệ tiền bối đều tiếp nhận Phật pháp chủ yếu từ Hán tạng. Không những
thế, vào giai đoạn cuối thế
kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhất là thời Pháp thuộc, “Viện
Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật nhưng không nhằm mục đích truyền bá Phật giáo cũng
góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa”. Đồng thời, “Như
muốn loại trừ ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo, thì họ bỏ hết chữ Nho và
thay bằng chữ Pháp… Do bỏ chữ Hán nên dân chúng không đọc được kinh Phật; vì
lúc bấy giờ kinh sách Phật toàn chữ Hán”.
Trước tình hình ấy, Hòa thượng Khánh Hòa kêu gọi
chư Tôn đức đương thời nên “thỉnh ba tạng
kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ Quốc ngữ”,
đó là việc quan trọng hàng đầu trong chương trình chấn hưng Phật giáo. Bởi lẽ
phiên dịch kinh điển không chỉ nhằm mục đích làm phong phú thêm cho kho tàng
văn học - văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của
dân tộc về phương diện văn hóa. Suy cho cùng, nền văn hóa Việt Nam chưa thể gọi
là nền văn hóa độc lập nếu như Phật giáo Việt Nam chưa có
được bộ Đại tạng kinh tiếng Việt
hoàn chỉnh thật sự.
1.2.
Về phương diện giáo dục - hoằng pháp
Như chúng ta biết, một
trong những nội dung chính của chương trình chấn hưng Phật giáo là “đào tạo
Tăng tài, hoằng dương Phật pháp”. Bởi lẽ trong giai đoạn này, vấn đề
chính yếu cần phải giải quyết
là “trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp
luật; ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan”.
Do đó, Hòa thượng Khánh Hòa đề nghị: “Bây giờ mình hiệp
cùng nhau lập thư viện, thỉnh Tam tạng kinh; một mặt thì lo nghiên cứu và
phiên dịch để xuất bản… khiến mọi người được thông hiểu cái giáo lý của đạo, mới
mong trừ tuyệt những việc mê tín kia”.
Thực tế cho thấy, trước và giai đoạn đầu
của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam,
kinh sách lưu hành vào thời bấy giờ toàn bằng chữ Hán. Điều này đã được Điều Ngự
Tử Mật Thể phản ánh trong tác phẩm Việt
Nam Phật giáo sử lược như sau: “Cổ động
thì hội nào cũng cổ động bằng quốc văn là nền văn phổ thông, nhưng kho kinh điển
triết lý nhà Phật vẫn còn nguyên khối bằng Hán văn”.
Trong
khi đó, thế hệ
trẻ Việt Nam dần dần xa lạ với chữ Hán, nên việc tiếp cận lời dạy của Phật qua Đại
tạng kinh chữ Hán là điều hết sức
khó khăn. Vì vậy, việc phiên dịch kinh điển không chỉ nhằm mục đích làm tài liệu
giảng dạy để đào tạo Tăng tài mà còn phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh,
tránh tình trạng “không đọc được kinh
sách Phật nên tín đồ không hiểu giáo lý của Phật là gì. Bắt đầu từ đó họ xa dần
đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu suy đồi”.
Có
thể nói: “Một tôn giáo hay một học thuyết
nào, dù hay ho hay cao siêu đến đâu, khi truyền đến một nước khác, nếu sách vở
không phiên dịch sang tiếng nước ấy thì tôn giáo hay học thuyết đó không bao
giờ phổ biến trong quần chúng được”. Cụ
thể đối với Phật giáo, nếu như kinh sách chữ Hán
không được phiên dịch sang tiếng Việt để giảng
dạy cho Tăng Ni, Phật tử và phổ cập đến mọi tầng lớp
xã hội, lời Phật dạy không được hoằng truyền rộng rãi thì chắc chắn một điều rằng
Phật giáo sẽ không bao giờ phát triển rộng khắp trên quê hương đất nước Việt
Nam.
2. Tính cấp thiết của việc hoàn thành
Đại tạng kinh Việt Nam hiện nay
Khi nghiên cứu về quá trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, chúng ta thấy Phật sự quan trọng này đã được khởi sự cách
đây gần 50 năm dưới sự chỉ đạo của các Hội đồng phiên dịch như: 1. Hội đồng phiên dịch kinh điển được thành lập năm 1973 do HT.Thích Trí Tịnh làm chủ tịch; 2.
Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam được thành lập năm 2003 do HT Thích
Minh Châu làm chủ tịch; 3. Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam do HT.Thích Đổng Minh thành lập vào năm 2002. Thành quả đạt được của các Hội
đồng phiên dịch này là các kinh sách đã dịch được lưu hành phổ biến như: 5 bộ Nikāya, 4 bộ A-hàm, một số bộ kinh Đại thừa, luật, luận….
Đặc biệt, hiện
nay, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đang nỗ lực hiệu đính các bản dịch cũ
cũng như tiếp tục dịch mới những kinh, luật, luận còn lại trong Đại tạng kinh.
Thật
ra, xét về phương diện tu tập, số lượng kinh điển đã được phiên dịch và đang
lưu hành ở Việt Nam cũng tạm đủ cho hành giả ứng dụng. Tuy nhiên, về phương diện
học thuật thì bấy nhiêu đó vẫn chưa thể giúp cho học giả tìm hiểu đầy đủ về
giáo pháp của Đức Phật,
lời dạy của chư Tổ và đi sâu nghiên cứu nhiều vấn đề khác. Trước đây, do kinh sách tiếng Việt còn
khan hiếm, ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam phần lớn vẫn sử dụng kinh điển chữ
Hán để làm tài liệu giảng dạy trong các trường Phật học. Thế nhưng, trong thời
hiện tại, chư vị tiền bối tinh thông Hán ngữ không còn nhiều, thế hệ trẻ đa phần
kém hiểu biết về chữ Hán, vậy làm sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam có thể nghiên cứu
Phật học một cách tối ưu khi Đại Tạng Kinh chữ Hán chưa được dịch hết sang tiếng
Việt. Do đó, phiên dịch Tam tạng kinh điển từ tiếng Hán sang tiếng
Việt là công tác quan trọng để làm phong phú, đa dạng nền văn học Phật giáo Việt
Nam thời hiện tại. Chỉ khi nào Đại tạng kinh Việt Nam hoàn thành thì ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam mới
có được nguồn tài liệu phong phú để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu giảng dạy và học
tập cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
Hơn thế nữa, thời gian gần đây Phật giáo Việt Nam phải đối diện với khủng hoảng truyền thông bẩn liên
quan đến việc một số tu sĩ giảng kinh thuyết pháp không phù hợp với lời Phật dạy
trong kinh điển, hoặc có hành vi cử chỉ thiếu chuẩn mực, cách ứng xử sai lệch, tạo
cơ hội cho những đối tượng cố tình chống phá, bôi nhọ, công kích Phật giáo, gây
hoang mang cho tín đồ Phật tử. Có thể nói một trong những nguyên nhân gây ra
“pháp nạn” này là do những vị tu sĩ ấy chưa học sâu hiểu rộng kinh điển hoặc hiểu
nhưng chưa thực hành đúng lời Phật dạy, và hàng Phật tử cũng chưa được học hoặc
đọc nhiều kinh sách Phật giáo.
Chính vì thế việc hoàn thành Đại tạng
kinh Việt Nam để lưu truyền rộng rãi, “phổ
thông trong thiên hạ, khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được phép luật nhà đạo,
ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp, thì Phật
pháp mới chuyển tăng hưng vượng”
là vấn đề cấp thiết nhất trong thời hiện tại. Một khi Đại tạng kinh tiếng Việt
trở thành “bộ giáo trình căn bản” trong chương trình giáo dục Phật giáo các cấp: Sơ cấp,
Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, các lớp đào tạo giảng sư
Cao - Trung… thì chắc chắn một điều rằng: Hầu hết Tăng Ni và
Phật tử Việt Nam sẽ thông hiểu Phật pháp và luôn vững niềm tin để bảo vệ Chánh
pháp, không một thế lực nào có thể phá hoại Phật giáo Việt Nam.
3. Những yêu cầu cấp thiết để hoàn
thành Đại tạng kinh Việt Nam
Muốn
cho Đại tạng kinh Việt Nam sớm được hoàn thành để làm nguồn tài liệu “căn bản
và toàn diện nhất” cho ngành giáo dục và hoằng pháp, mong rằng Giáo hội Phật
giáo Việt Nam nói chung và các cơ quan ban ngành Phật giáo nói riêng nên quan
tâm đến một số nhiệm vụ mang tính cấp thiết như:
3.1. Thành lập các cơ sở dịch trường
Khi nghiên cứu về Lịch sử phiên dịch Hán
tạng, chúng ta thấy Đại tạng kinh
chữ Hán được hình thành từ những dịch trường rất lớn về mọi mặt: cơ sở vật chất
rộng lớn và tiện nghi nhờ sự bảo trợ của các triều đình, nhân sự đông, hội tụ
nhiều dịch giả uyên bác, cách tổ chức hết sức quy mô và có hệ thống. Tại Việt
Nam hiện nay, ngoài các trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chuyên về lĩnh vực phiên dịch Đại tạng kinh như Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ
Quang, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Pāli học… còn có một vài tổ chức phiên dịch khác, nhưng
nhìn chung vẫn chưa có một dịch trường được tổ chức quy mô để phục vụ cho công
trình phiên dịch Đại tạng kinh. Phần lớn các dịch giả vẫn làm việc riêng lẻ tại các cơ sở tự viện, phải
lệ thuộc nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tại bổn tự nên chỉ họp lại một vài ngày trong tuần để cùng nhau
trao đổi ý kiến và chỉnh sửa bản dịch. Thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
các cơ quan chức năng có thẩm quyền và uy tín nên thành lập một hoặc hai cơ sở dịch trường rộng lớn và quy mô cho các dịch giả tập
trung lại để cùng
nhau dịch thuật và hiệu chỉnh bản dịch, chắc chắn sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả
cao hơn. Sau khi dịch phẩm hoàn thành, cần phải thông qua hội đồng thẩm định được thành lập
tại dịch trường để xác nhận bản dịch đã đạt tiêu chuẩn hay chưa mới đưa vào Đại tạng kinh Việt Nam. Nếu công trình phiên dịch được thực hiện
một cách có tổ chức, quy mô và hệ thống như vậy thì hy vọng Đại tạng kinh Việt Nam sẽ sớm được hoàn thành trong
tương lai gần nhất.
3.2.
Tập trung đội
ngũ nhân sự phiên dịch chuyên nghiệp
Trong một dịch trường, việc tuyển chọn người đảm nhận công tác
phiên dịch là vấn đề vô cùng quan trọng mà người lãnh đạo hội đồng phiên dịch cần phải
cân nhắc thật kỹ. Một dịch giả tham gia công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam đạt tiêu chuẩn
đòi hỏi phải là người thực sự có trình độ chuyên môn về ngôn ngữ,
có bề dày kinh nghiệm dịch thuật và quan trọng nhất là phải tinh thông tư tưởng
Phật học, thậm chí cần am hiểu thêm kiến thức thế học.
3.3. Tổ chức các lớp đào tạo huấn
luyện phiên dịch chuyên ngành
Hiện nay, chư vị Tôn túc dịch giả Việt Nam danh tiếng
đã viên tịch hoặc già yếu, không còn trực tiếp tham gia công tác
phiên dịch. Nhìn chung, số người có bề dày kinh nghiệm dịch thuật, vừa tinh
thông về ngoại ngữ (Sanskrit, Pāli, Hán…) vừa uyên thâm về tư tưởng Phật học dần dần bớt
đi, có thể nói là “tre già nhưng măng chưa mọc”, hoặc chỉ mọc một cách “thưa
thớt và yếu ớt”. Do đó, việc đào tạo, huấn luyện Tăng Ni và cả những người Phật tử cư sĩ
có khả năng tham gia công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu
mang tính cấp bách của các trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, các trung
tâm dịch thuật Phật giáo, các cơ sở giáo dục Phật giáo, các trường Phật học...
3.4. Huy động nguồn kinh phí in ấn
và xuất bản
Như trước đã đề cập, ở Trung Hoa, công trình phiên dịch
Tam tạng Thánh điển từ Phạn văn sang Hán văn hầu hết đều được các vua chúa xem trọng và
hết lòng bảo trợ.
Nhờ vậy, Đại tạng kinh chữ Hán đã được hoàn thành một cách hoàn chỉnh với điều kiện hết sức
thuận lợi. Trong khi đó, ở Việt Nam, công việc phiên dịch kinh điển sang tiếng
Việt trong những thập niên gần đây vẫn mang tính âm thầm tự nguyện, chư vị tiền
bối phát tâm phiên dịch, đến khi hoàn thành dịch phẩm, nếu không được sự ủng hộ
kinh phí từ Phật tử thì bản dịch đó vẫn chưa được in ấn và lưu hành. Thiết nghĩ, Đại tạng kinh Việt Nam là một công
trình vĩ đại được thực hiện trong một quá trình lâu dài và khá tốn kém, có lẽ không
có một cá nhân nào đủ sức ủng hộ tài lực một cách trọn vẹn, do đó nguồn kinh
phí để in ấn xuất bản cần phải được huy động từ nhiều nguồn khác nhau: chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội,
các tổ chức Phật giáo, các cơ sở tự viện cùng tất cả Tăng Ni, Phật
tử, mạnh thường quân trong cũng như ngoài nước.
Kết luận
Tam tạng Thánh điển là nhân tố vô cùng quan trọng để duy trì
mạng mạch Phật pháp trên thế gian này. Muốn cho Phật pháp được trường tồn và
phát triển mạnh thì lời Phật dạy trong kinh điển cần phải được truyền bá rộng
khắp cho mọi người hiểu và ứng dụng tu tập, thực hành trong đời sống hằng ngày.
Muốn cho mọi người hiểu lời Phật dạy một cách dễ dàng thì Đại tạng kinh Phật giáo cần phải được chuyển dịch sang
ngôn ngữ của mỗi quốc gia dân tộc nơi Phật giáo được truyền bá đến. Đặc biệt đối
với Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trải qua gần 20 thế kỷ, văn hóa Phật giáo là một bộ phận của
văn hoá dân tộc, việc phiên dịch các kinh điển Phật giáo sang tiếng Việt không chỉ thể hiện tinh thần độc lập, tự
chủ mà còn
làm phong phú thêm kho tàng văn học - văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói
chung. Một khi Đại tạng
kinh Việt Nam được hoàn thành và lưu bố rộng khắp sẽ góp phần hữu ích cho sự
nghiệp hoằng dương Phật pháp. Tăng Ni, Phật tử
Việt Nam sẽ tin hiểu lời Phật dạy một cách đúng đắn rõ ràng và ứng dụng tu tập
đạt được nhiều lợi ích an lạc hơn trong cuộc sống, có thể diễn đạt và truyền bá
Phật pháp cho mọi người cùng hiểu và thực hành theo một cách dễ dàng hơn. Được
như thế thì Phật giáo càng ngày càng phát triển, ngọn đèn Chánh pháp càng thêm tỏ
rạng và tỏa
sáng khắp nơi trên quê hương Việt Nam này.
Thiết
nghĩ, không chỉ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam xưa kia mà ngay
trong thời hiện tại, phiên dịch kinh điển vẫn được xem là một trong những công
tác Phật sự vô cùng quan trọng hàng đầu của Phật giáo Việt Nam. Vì lợi ích chung của Phật
giáo và dân tộc Việt Nam, mỗi người nên chung tay góp sức, cống hiến nhân lực,
trí lực và tài lực để Đại tạng kinh Việt Nam được hoàn thành với tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại
thành hòn núi cao”. Hy vọng ngọn núi cao Đại tạng kinh Việt Nam ấy sớm được hình thành
và trường tồn mãi mãi trên quê hương Việt Nam cho tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt
Nam được nhìn thấy và nương theo đó để vững tiến trên con đường tu học, nhằm
thăng hoa đời sống tâm linh và hoàn thiện nhân cách đạo đức cá nhân cũng như đạo
đức xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước được hòa bình, thịnh vượng, nhân dân
được sống an lành, ấm no và hạnh phúc.
Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.286.
Lê Khánh Hòa
chủ nhiệm (1929), Tạp chí Pháp Âm,
Sài Gòn, tr.18.
Nguyễn
Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2010), Phong
trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929 - 1945),
NXB.Tôn
Giáo, Hà Nội, tr.31.
Thích Thiện Hoa (1971), Phật giáo Việt Nam ngày nay (1971) hay 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập
II, Viện Hóa Đạo, tr.42.
Xem thêm: Thích Phước Sơn dịch (2008), Lịch sử phiên dịch Hán tạng, NXB.Phương Đông, tr.89-120
và tr.44-50.