Theo dấu Trường Sơn
theo dau
“Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.”
Xe đến Nha Trang lúc 2 giờ sáng. Tôi bắt xe đến một ngôi cổ tự như đã hẹn trước.
Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này. Vì không muốn phá vỡ sự yên ắng về
khuya của thành phố biển, không muốn làm gián đoạn giấc ngủ của quý sư, tôi
quyết định ngồi trước cổng chùa chờ cho đến giờ thức chúng.
3 giờ 30 sáng. Sư rọi đèn pin mở cổng và dẫn hai thầy trò tôi lên chánh điện.
Sau khi đảnh lễ Giác linh Ôn và Sư bà, Sư tiếp tục đưa tôi đi thăm căn phòng
ngày xưa Ôn đã từng trú lại cũng như căn phòng mới đang xây dang dở với ước muốn
để dành cho Ôn mỗi khi Ôn ra Nha Trang. Căn phòng mới hướng ra biển, hiên ngoài
để ngồi uống trà lộng gió, từ khung cửa sổ có thể ngắm sao trời và nghe sóng vỗ.
Sư nói: “Trước khi khởi công, Sư có thưa Ôn ý định này.” Sư ngừng một lúc rồi
chỉ vào đầu nói, “Còn bây giờ thì Ôn sẽ về qua đây.” Tôi không nói gì. Cả Sư và
tôi đều hiểu rõ, lời không nói ra mới là lời chúng tôi muốn nói lúc này.
Từ khi Ôn tịch, nói về Ôn hình như đó là câu chuyện chung của những người thân,
những người học trò mỗi khi gặp nhau. Câu chuyện đã giữ tôi tỉnh táo sau một đêm
không ngủ. Câu chuyện nối tiếp qua đến chùa Long Sơn ở Nha Trang và Tổ đình Linh
Sơn ở Vạn Lương, Vạn Ninh.
Hai thầy trò tôi và hai vị cư sĩ nữ đi cùng nghỉ lại đêm ở Tổ đình Linh Sơn. Hôm
sau thầy Nguyên Vương–thầy thị giả cho Ôn từ những năm Ôn mới ra tù–đưa tôi và
mọi người lên núi Soi Đê ở Vạn Phú, Vạn Giã, Vạn Ninh.
Theo Dấu Trường Sơn
“Quê người trên đỉnh Trường sơn
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.”
Lần đầu tiên tôi cảm nhận Tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn ở một góc nhìn mới. Lòng
tôi như đứa trẻ thơ được trở về trong vòng tay mẹ hiền sau bao năm lưu lạc.
Trường Sơn trước mắt tôi thật thơ mộng, u trầm và hùng vĩ. Núi tiếp núi. Từng
đàn cò trắng lượn bay giữa những cánh đồng lúa xanh trải dài bất tận, ngút ngàn.
Dường như mây trời và khói núi quyện vào nhau để xoá nhoà đi ranh giới giữa mộng
và thực. Theo dấu chân Người, tôi tìm về Trường Sơn. Để nhìn thẳng vào chân diện
mục của Trường Sơn và cũng để “gởi một nỗi hờn thiên thu”.
Một năm rồi kể từ ngày Ôn viên tịch. Một năm tôi lần theo dấu chân Người qua
kinh văn, qua câu chữ và qua những nơi Người đã từng đi qua. Dấu vết Người để
lại trong di chúc lễ tang, “Hư
không hữu tận, ngã nguyện vô cùng” đã khiến tôi rơi lệ khi lần đầu đọc nó
và không khỏi quặn lòng mỗi khi nghĩ đến vì thương kính Người. Thương kính một
nhân cách. Thương kính một trái tim Đại sĩ với tâm từ bi vô lượng. Hư không này
có cùng tận thì nguyện của Người vẫn không cùng tận. Nguyện của Người là gì?
Không phải lời không nói vẫn là lời mà tôi và Người đã từng trao đổi trong thinh
lặng đó sao?! Tôi chợt nhận ra, vốn dĩ trong sự đồng cảm mến phục đã ẩn hiện một
phần cốt cách con người mình. Người không nói mà đã nói đó thôi. Người đã nói
qua đời sống của Người, qua Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, Du-Già Bồ-Tát Giới, Thắng
Man Giảng Luận và rất nhiều tác phẩm khác của Người. Hướng về dãy Trường Sơn,
tôi cúi lạy những thâm tình, cúi lạy những nhân duyên từ vô lượng kiếp nào để
kiếp này đây tôi được làm đệ tử của Người.
Người đã viết trong Thắng Man Giảng Luận rằng, “Tình
yêu là cơn bão dữ nhận chìm con người xuống biển sâu của nước mắt, nhưng đồng
thời tình yêu cùng là hương vị ngọt ngào nuôi lớn thánh thai của Bồ-tát.” Cũng
như Thắng Man phu nhân, khởi điểm Bồ-tát đạo của tôi cũng thế, hoàn toàn xuất
phát từ lòng yêu kính mà tôi dành cho Người. Vì lòng yêu kính đời sống
Bi-Trí-Dũng của một bậc Đại sĩ, vì lòng yêu kính đối với “cọng
lau gầy trĩu nặng bóng tà dương”, mà giờ đây thêm một lần nữa tôi phát
nguyện vác trên vai sô số khổ luỵ, phát nguyện theo dấu chân Người trên con
đường Bồ-đề Nguyện và Bồ-đề Hành vô cùng tận này.
“Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”
(Rừng Vạn Giã, 1976)
Có tận mắt nhìn thấy cảnh trí u trầm, núi non hùng vĩ nơi đây, mới hiểu được vì
sao những câu thơ của Người lại thơ mộng đến thế! “Mắt biếc” là đôi mắt của sự
thơ ngây, hay đôi mắt trong veo, tịnh như băng tuyết của bậc Đại sĩ? Đôi mắt
trong veo vì nó vừa Không lại vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi xao động
lăng xăng; Không cho nên phản chiếu cả sơn hà đại địa. “Ngày hội lớn” là gì? Có
phải là ngày của tự do, ngày của sự thanh bình và hạnh phúc thật sự của kiếp
nhân sinh?
“Khoé
môi cười nắng quái cũng gầy hao.”
Có lẽ người đọc thơ sẽ không khỏi thắc mắc ‘khoé môi cười’ kia là của một ai đó
chăng? Nhưng riêng tôi, tôi không muốn tách nó ra khỏi bức tranh tuyệt mỹ đến
thế. Trước mắt tôi đang phơi bày một vẻ đẹp lay động lòng người: “Như
cò trắng giữa đồng xanh bất tận.” Câu thơ tả thật. Cái đẹp vốn dĩ không cần
ngôn ngữ diễn bày, mà để cảm nhận bằng sự rung động. Sự cảm nhận của giác quan,
của tâm trí và của sắc thân ngũ uẩn này. Bất chợt tôi chỉ muốn được làm một cánh
cò trắng giữa đồng lúa xanh bất tận trước mắt, để lòng mình tan hoà cùng thiên
nhiên vạn vật lúc này. Chưa kịp thoả đã nghe ra lời nhắc nhở của Người: “Ta
yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.” Người sống hết lòng, yêu cái đẹp, yêu
con người trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, nhưng trong đôi mắt Tuệ của Người thì
tất cả đều chỉ là huyễn mộng, chiêm bao. Dẫu chỉ là huyễn mộng, chiêm bao, nhưng
Người đã chọn một thái độ sống “vẫn
chân tình như mưa lũ biên cương”. Thái độ sống ấy, đời sống ấy chỉ có những
bậc Bồ-tát Đại sĩ với hạnh nguyện “hư
không hữu tận, ngã nguyện vô cùng” mới sống được một cách trọn vẹn như thế.
Trường Sơn Chân Diện Mục
“Năm chầy đá ngủ lòng khe
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn”
Lách qua những bụi cỏ rậm và cây rừng với cành nhánh đan xen chi chít, chúng tôi
đặt chân đến núi Soi Đê, đến tảng đá ở con suối mà những năm 1976, 1977 khi Ôn ở
đây làm rẫy thường ra ngồi uống trà.
Trèo lên tảng đá, nằm trên tảng đá nhìn mây trời, tôi buột miệng: đúng là lưng
trời. Trước mặt tôi là bức vách dựng đứng được làm bằng mây trời bảng lảng. Có
lẽ Người đã thường nằm như thế sau một ngày làm rẫy để thả cho dòng tư tưởng
trôi đi bàng bạc khắp không gian. Người nằm để ngắm những cánh hạc trong buổi
hoàng hôn bay về núi. Người nằm từ buổi hoàng hôn đến hết năm canh để ngắm cánh
hạc đi về, để nghe ra lời tự tình của núi sông. Bằng tâm hồn nghệ sĩ, Người đã
phác hoạ bức tranh thiên nhiên sinh động qua hai câu thơ:
“Năm chầy đá ngủ lòng khe
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.”
Tứ thơ tế nhị kín đáo như đời sống của Người. Câu thơ tả cảnh, không có một chút
dấu vết tình cảm buồn vui nào của người thơ ở đây. Trong đôi mắt trong veo của
bậc Đại sĩ, thì vạn sự vạn vật đi qua tâm chỉ như ảnh phản chiếu trong gương;
giống như mặt hồ thu tĩnh lặng soi chiếu sum la vạn tượng qua nó như nó là. Suốt
năm canh đá nằm ngủ ở lòng khe, thì bầu trời xanh kia là lưng trời, là vách mây,
là nơi trú ngụ của đá. Đá ngủ ở lòng khe ngẫu nhiên ngẫu nhĩ trở thành chứng
nhân cho cánh hạc đi về. Đá ngủ ở lòng khe, hay người thơ nằm trên đá đã cùng
tan hoà vào nhau? Muôn đời vẫn vậy: Lòng núi vẫn u trầm ủ kín những cuộc đời
trầm mặc, những thân thể gầy khô như hạc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn.
Bầu trời vẫn trong xanh. Dòng suối vẫn róc rách chảy. Cánh hạc cô độc đi về
trong chiều tà rồi nắng quái, nắng quái rồi chiều tà. Còn đá vẫn im lìm cùng tuế
nguyệt, có nói gì đâu! Bất chợt tôi nhớ đến bức thư pháp mà hai mươi năm trước
Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã đề tặng tôi: “Như
cô hạc ngàn năm suối trong không tìm lại / Như hoa nở một lần thiên thu là hiện
tại.” Tôi vẫn nhớ như in lời Thầy, “Hôm nay con xuống núi, Thầy có quà cho
con.” Thầy nói rồi tự tay mở ra bức thư pháp đã viết sẵn đâu đó từ đêm trước kèm
lời giải thích: “Con hạc nó luôn tìm những dòng suối trong để uống, và dòng suối
nó đã uống rồi thì không bao giờ quay trở lại. Hoa chỉ nở một lời, cái đẹp
khoảnh khắc cũng chính là thiên thu.”
Gần hai mươi năm sau Ôn lại hai lần viết ở sách cho tôi: “Năm
chầy đá ngủ lòng khe / Lưng
trời cánh hạc đi về hoàng hôn.” Người muốn nhắn nhủ gì qua hai câu thơ ấy?
Hay Người chỉ nói lên cảm nhận của Người về đời sống của người học trò vốn mang
trong mình dòng máu đạo nhân và nghệ sĩ? Trường Sơn đồng vọng một cõi thi ca bất
tuyệt. Cõi thi ca ẩn chứa những ẩn ngữ kỳ diệu của cõi Thiền. Người làm thơ,
người đọc thơ lúc này đồng thời phải là một thiền gia mới nghe ra những thiền
ngữ, những tâm sự u trầm giấu kín. Và giờ đây hai câu thơ ấy là công án thiền
cho riêng tôi.
Bước đi dọc con suối trên núi rừng Soi Đê, lòng tôi như gõ nhịp hát ca những bài
thơ Người viết ở núi rừng Vạn Giã:
“Không vì đời quẫn bức
Nhưng vì yêu rừng sâu
Bước đường vần tủi nhục
Biết mình đi về đâu
Ta muốn đi làm thuê
Đời không thuê sức yếu
Ta mộng phương trời xa
Trời buồn mây nặng trĩu
Ven bờ thân cỏ dại
Sức sống thẹn vai gầy
Tóc trắng mờ biên ải
Nỗi hờn mây không bay
Mây không trôi về bắc
Người mơ về Trường Sơn
Nắng chiều rưng tủi nhục
Người trông trời viễn phương.
(Cỏ Dại Ven Bờ, rừng Vạn Giã 76)
“Lận đận năm chầy nữa
Sinh nhai ngọn gió rừng
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương”
(Cuối Năm, rừng Vạn Giã 77)
“Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh.”
(Bếp Lửa Giữa Rừng Khuya, rừng Vạn Giã 77)
Đến đây thì đã rõ rồi. Vì Nguyện và Hành của một bậc Bồ-tát Đại sĩ. Vì yêu rừng
xanh, vì yêu ngọn nến tàn bên bếp lửa rừng khuya, vì yêu sự u trầm tĩnh mịch của
núi rừng, mà Người chọn lên đây làm rẫy. Để đoạ đày hình hài và tâm trí. Để giấu
kín những tâm sự ngàn năm không nói. Tâm sự gì? “Dạ
lai bát vạn tứ thiên kệ / Tha nhật như hà cử tợ nhân” (Đêm đó tám vạn bốn
ngàn kệ, ngày sau nói lại làm sao đây?) Bất chợt trong đầu tôi hiện ra hình ảnh
một thầy tăng trẻ với thân hình mảnh khảnh, gầy khô như hạc như trúc. Ngày ngày
thầy vác cuốc ra rẫy để cuốc đất trồng trọt. Đến mùa thu hoạch thầy lại tự mình
gánh nông sản mình trồng được, đi từ núi rừng Vạn Giã đến Phật học viện Hải Đức
Nha Trang để chư Tăng dùng. Thầy trồng những luống cải, những cụm cà, để “hàng
cà phơi nắng lụa”, để “chân
đồi xanh luống cải”, để hoa cải vàng trải khắp trời viễn phương:
“Chân đồi xanh luống cải
Đời ta xanh viễn phương
Sống chết một câu hỏi
Sinh nhai lỡ độ đường”
Nhớ lại giai đoạn lúc hai thầy trò tôi mới từ Mỹ về ở chùa Giác Hoàng của Thầy
Lê Mạnh Thát. Hồi ấy thỉnh thoảng sau khi đi tái khám ở Sài Gòn, Ôn về Giác
Hoàng ở lại dăm hôm rồi trở lại Phật Ân. Chùa không người ở trước khi tôi về,
Thầy Lê Mạnh Thát nhờ quý cô ở trường Trung Cấp Phật Học Ni gần bên coi sóc.
Nhìn mảnh vườn khô cỗi, cỏ mọc um tùm, tôi cuốc xới một khoảnh nhỏ trước sân để
trồng rau, trồng hoa. Có hôm thầy trò uống trà, tôi khoe với Ôn, “Rau con trồng
nay dư ăn rồi”. Ôn chỉ ôn tồn nói “Coi chừng mê làm vườn đó nghe không!” Người
sợ đệ tử mình vì “sinh nhai” mà “lỡ độ đường”, quên đi việc làm chính, quên đi ý
nghĩa thật sự của kiếp nhân sinh, quên đi Nguyện và Hành chăng? Tôi không biết.
Người là thế, luôn nhẹ nhàng nhắc nhở khi thấy cần. Tôi thưa, “Dạ con chỉ làm
cho vui, cho vườn bớt xấu thôi.” Vì tôi biết rõ, cũng như Người, đời tôi cũng
“xanh viễn phương”. Đã từ lâu, vì ý thức rõ sự hư huyễn tạm bợ của thân ngũ uẩn,
của quán trọ trần gian này, nên tôi cũng lấy hư không làm quê nhà, chọn đời sống
“bình bát cơm ngàn nhà, gieo duyên khắp gần xa.”
Bán Gian Trượng Thất Tĩnh Sơn Hà
Chiều ngày 12 tháng 10 âm lịch, sau lễ tiểu tường Ôn, thầy Nguyên An–một thầy
thị giả khác của Ôn–cùng thầy Huệ Đắc và một nam cư sĩ đưa chúng tôi lên thăm “Bán
gian trượng thất tĩnh sơn hà” (Nửa gian trượng thất làm yên tĩnh cả sơn hà)
ở hòn Cộ Ghe, Diên Khánh mà cả ba mùa hạ 2013, 2015 và 2017 Người đã về an cư.
Từ sau mùa an cư cuối cùng của Ôn ở hòn Cộ Ghe, trượng thất bỏ hoang, đường lên
thất cỏ dại mọc đầy. Vì sợ chúng tôi không đi được mà thầy Huệ Đắc và vị nam cư
sĩ cầm rựa đi trước phát dọn cỏ. Am thất ở lưng chừng núi. Tĩnh mịch. Thật lý
tưởng để an cư. Thật hợp với tính cách thiên lý độc hành của Ôn. Mới thấy quý
thầy rất hiểu ý Ôn khi chọn nơi này để dựng am thất thỉnh Ôn về ở. Tôi nhớ lời
thầy Nguyên An kể lại: “Sau này khi mọi người biết ra Ôn đã ở đây, họ nói: ‘Mấy
thầy giấu sư tử trong rừng mà chúng tôi không hề biết’”. Thầy Nguyên An và Huệ
Đắc kể nhiều về những kỷ niệm thầy trò trong ba mùa an cư ở núi rừng Diên Lâm,
Diên Khánh ấy. Trong lời kể có xen lẫn niềm vui và nỗi u hoài. Mới năm nào Ôn
như áng mây lành phủ hòn Cộ Ghe, để mỗi tối quý thầy được lên thất Ôn vừa uống
trà vừa nghe Ôn kể chuyện xưa chuyện nay, mà giờ đây mây lành đã trôi biệt tích
giữa bầu trời vô tận.
Tôi đi một vòng quanh trượng thất. Thất chia làm hai gian: một gian thờ Phật,
một gian để Ôn ngủ và làm việc, có đường kinh hành xung quanh. Phía sau thất có
bụi tre bụi trúc xào xạc trong gió. Ở một góc trượng thất gần phía chân cầu
thang, cái bếp lửa mà mỗi khuya vào lúc 2 giờ 30 Ôn thức dậy tự nhúm củi nấu
nước pha trà vẫn còn. Thủ bút trên vách thất gỗ mà Ôn đã cảm khái ghi lại trong
tháng ngày tĩnh cư nơi đây: 半间丈室靜山河. “Bán
gian trượng thất tĩnh sơn hà” (Nửa gian trượng thất làm yên tĩnh cả sơn hà)
và 遲 溪 . 鶴 黄 昏. “Năm
chầy đá ngủ lòng khe / Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn” vẫn còn. Chúng
tôi chụp hình lưu niệm. Cô đệ tử của tôi nhặt vài cọng rơm trên mái hiên thất và
không quên hái vài lá bồ-đề trước thất để mang theo. Tôi đùa với hai thầy, “Nếu
Diệu Nguyệt mà biết mấy viên gạch này là của cái bếp ngày xưa Ôn thường nấu nước
pha trà thì không chừng lúc mọi người đi rồi sẽ thiếu đi một viên.” Chúng tôi
cùng cười rồi xuống núi.
Từ giã hòn Cộ Ghe, chúng tôi trở về Tổ đình Linh Sơn ở Vạn Ninh. Những ngày ở
đây, mỗi sáng vào lúc 5 giờ chúng tôi được thầy Nguyên Vương mời lên uống trà.
Trước khi uống trà, tôi được mang trà vô cúng Ôn ở căn phòng mà ba mùa an cư
2012, 2014, 2016 Ôn đã ở và năm 2017 sau khi an cư ở hòn Cộ Ghe, Ôn đã về đây Tự
tứ trước khi quay trở lại Sài Gòn. Căn phòng ấm cúng vì được thầy Nguyên Vương
đốt trầm và cúng trà lên Giác linh Ôn mỗi ngày. Lòng tôi như ấm lại. Ở lại Linh
Sơn, ý tưởng viết ‘Theo Dấu Trường Sơn’ xuất hiện trong tôi. Và khi trở về Tây
nguyên–nơi tôi sinh ra–tôi cứ quẩn quanh mãi với câu hỏi: “Làm sao để mở rộng
tấm lòng của mình cho thành tấm lòng của trời thơ lồng lộng” để nhìn thẳng vào
chân diện mục của Trường Sơn?
Trong dãy Trường Sơn, ngày tháng của bậc Đại sĩ âm thầm trôi qua trong một
phương trời viễn mộng. Trường Sơn ẩn hiện muôn hình vạn trạng. Trường Sơn mang
vẻ đẹp thơ mộng kỳ tuyệt của một cõi sương mù khói phủ, của những cánh cò trắng
lượn bay, của những cánh đồng xanh trải dài bất tận. Trường Sơn cũng ủ kín những
tâm tình u uẩn, của những lần “thắp
đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”, của những cuộc thi gan cùng tuế nguyệt
diễn ra trong cô tịch, lạnh lùng. Bên dòng lịch sử của nhân sinh, Trường Sơn vẫn
mãi là chứng nhân của những đổi thay. Trường Sơn vẫn trầm mặc. Lặng im. Trường
Sơn vẫn bất diệt giữa những biến thiên của xã hội. Trường Sơn vẫn dạt dào sức
sống, vẫn ấm áp chân tình, vẫn lay động lòng người, vì ở đó có bóng dáng, có dấu
chân của bậc Đại sĩ.
Vậy thì chân diện mục của Trường Sơn là gì? Không biết được Trường Sơn tại vì
mình đang ở trong đó, hay vì mình không ở trong đó? Người đã từng viết trong Tô
Đông Pha–Những Phương Trời Viễn Mộng: “Đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như
người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền
ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất
chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ
ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên, không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào
cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó.” Vậy thì hãy làm một cuộc lữ hành
lên đường đến hòn Cộ Ghe, đến núi Soi Đê, vào trong núi rừng Vạn Giã, trong dãy
Trường Sơn để biết vậy.
Lập Đông năm Giáp Thìn
Thích Nữ Khánh Năng | Hạnh Thân
Ảnh bìa, người viết chụp
____
* Hình ảnh và câu chuyện xung quanh hai vách gỗ còn lưu lại thủ bút của Ôn Tuệ
Sỹ mà bài viết đề cập, BBT #PhậtViệt hân
hạnh được thầy Nguyên An chuyển tải chi tiết trong bài viết “TRÁI TIM ĐẠI SỸ”
thực hiện cho tập sách kỉ niệm #BáchDưNiênHậuSửTruyềnĐăng vừa
ấn hành.