Tự gìn giữ cho mình

Tự gìn giữ cho mình

Tự gìn giữ cho mình

 
Trong Kinh Tương Ưng Bộ có kể câu truyện về hai thầy trò một nhà kia làm nghề hát xiệc. Người thầy là một người đàn ông góa vợ và người học trò là một cô gái nhỏ tên là Kathullika. Hai thầy trò đi đây đó trình diễn để kiếm ăn.

    Màn trình diễn của họ là ông thầy đặt một thanh tre cao trên đỉnh đầu mình, trong khi bé gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó, để người thầy tiếp tục di chuyển trên mặt đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá cao, để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.

    Một hôm vị thầy nói với người học trò: "Này Kathulika, con hãy giữ gìn cho ta và ta sẽ giữ gìn cho con, chúng ta hãy giữ gìn cho nhau, để tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn."  Đứa bé gái trả lời rằng: "Thưa thầy, có lẽ ta nên làm thế này đúng hơn: Trong hai thầy trò ta mỗi người nên tự gìn giữ lấy mình, giữ gìn lấy mình tức là gìn giữ cho nhau tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn cơm”.

    Đức Phật khen rằng lời khuyên của đứa bé gái là đúng. Chúng ta mỗi người hãy tự giữ gìn cho chính mình trước. Ta giữ mình được thăng bằng với những gì đang xảy ra, không nắm bắt, nghiêng về bên này, hay ghét bỏ, ngả về bên kia. Có mặt trọn vẹn và thấy rõ được những cảm xúc khởi lên, để ta có được sự tự do trong những phản ứng của mình.

 

    Cuộc sống này cũng như thanh tre mà chúng ta đang đi. Hễ không ngả về bên này thì cũng nghiêng về phía kia. Việc ấy cũng không thể tránh được, nhưng việc ta cần làm là đơn giản tiếp tục điều chỉnh lại lời nói, hành động và cảm nhận của mình thôi.

 

   Và ta cũng chỉ có thể làm việc ấy cho chính mình. Đó không phải là một hành động ích kỷ, mà vì khả năng giúp đở người khác của ta hoàn toàn tùy thuộc vào sự vững vàng và quân bình của chính mình. Đó mới thật là một thái độ rộng mở.

Khi ta hộ trì cho chính ta là ta đang hộ trì cho người khác

Khi ta đang hộ trì cho người khác là ta đang hộ trì cho chính ta

Này các thầy, thế nào là trong khi hộ trì cho mình ta hộ trì người khác?

Bằng cách thực tập chánh niệm và làm cho nó được tăng trưởng

Và thế nào là trong khi hộ trì cho người khác là ta hộ trì cho mình?

Bằng cách nhẫn nhịn,bất hại và tình thương.

Kinh Tương Ưng Bộ

    Ta hãy tự hộ trì cho mình bằng một sự cảm nhận trọn vẹn để thấy rõ những gì đang xảy ra, và ta hãy hộ trì cho người khác bằng tình thương và không làm điều gì gây hại cho ai. Trong cuôc sống này chúng ta rất cần sự nương tựa vào nhau, nhưng sự vững vàng ấy bắt đầu bằng một thái độ biết tự gìn giữ cho chính mình.

— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

Chia sẻ: facebooktwittergoogle