Tâm hồn, phong thái của Thiến sư - cư sĩ Trần Thái Tông qua bài
tam hon phong
Tâm hồn, phong thái của Thiến sư - cư sĩ Trần Thái Tông qua bài
Ký Thanh Phong am Tăng Đức Sơn
Giảng viên Nguyễn Thanh Huy*
I. MỞ ĐẦU
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhiều vị cư sĩ đã đóng góp không nhỏ
trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp. Vua Trần Thái Tông là một nhân vật tiêu
biểu. Ông là người có công đặt nền móng tư tưởng cho sự hợp nhất các dòng thiền
của Đại Việt lúc bấy giờ. Để sau này Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi cháu
ông - vua Trần Nhân Tông. Đóng góp của Trần Thái Tông còn ở trên phương diện lý
luận Phật học với những tác phẩm thiền cao thâm, nên ông được người đời xem là
một “thiền sư - cư sĩ”. Bên cạnh đó ông còn là một nhà thơ tài hoa. Thơ ông
trang nhã, sâu sắc và giàu cảm xúc. Một trong những tác phẩm đặc sắc được nhiều
người biết tới là Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn.
II. NỘI DUNG
1. Vài nét về tác giả
Trần Thái Tông (陳太宗)
là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần (Đại Việt). Ông sinh ngày 9-7-1218 (16
tháng 6 năm Mậu Dần), băng hà ngày 5-5-1277 (mùng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu).
Ông tên là Trần Cảnh (陳煚),
sinh vào năm Kiến Gia thời nhà Lý; quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là
phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định tỉnh Nam Định). Cha của ông là Trần Thừa,
giữ chức Phụ quốc Thái úy của nhà Lý do có công phò tá Lý Huệ Tông trong loạn
Quách Bốc.
Trong thời kỳ Lý Cao Tông, họ Trần đã dần nắm những việc triều chính quan
trọng, trở thành một thế lực chính trị chi phối triều đình nhà Lý.
Khi Trần Cảnh lên bảy, ông được Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (vốn là chú
họ) sắp xếp làm Chi hậu chính chi ứng cục, hầu hạ cho nữ hoàng nhỏ tuổi Lý Chiêu
Hoàng. Khoảng cuối năm 1225, Trần Thủ Độ buộc Lý Chiêu Hoàng cưới và ngay sau
đó bắt nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức hoàng đế Trần Thái Tông) vào ngày 11 tháng
Chạp năm Ất Dậu (10-1-1226), và phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu.
Năm 1237, Trần Thủ Độ lại ép phế Chiêu Thánh hoàng hậu, giáng xuống làm công
chúa, vì chậm sinh con, khiến không có người kế vị. Đồng thời buộc Trần Thái
Tông lấy vợ của người anh ruột - Trần Liễu, lập làm Thuận Thiên hoàng hậu, lúc
đó bà đã có thai ba tháng.
Việc làm này của Trần Thủ Độ là khắc nghiệt, tàn nhẫn nhưng nó đảm bảo được
sự kế thừa huyết thống, duy trì quyền lực của nhà Trần trong những ngày đầu mới
thành lập còn non trẻ. Đây chính là một bi kịch gia tộc. Điều đó tác động rất
lớn đến cuộc đời Trần Thái Tông, khiến cho văn thơ ông luôn chất chưa tâm sự với
nhiều niềm khắc khoải, ngậm ngùi về số phận con người, cuộc đời.
Trần Thái Tông đã có công trong việc ổn định xã hội và từng bước đưa dần đến
sự thịnh vượng sau một thời gian dài suy yếu của xã hội tiền triều. Ông cho tiến
hành cải tổ luật pháp, hành chính, giáo dục. Bên cạnh đó khuyến khích nông,
thương nghiệp.
Về tư tưởng, tôn giáo, ông chủ trương Nho - Phật - Lão, tam giáo đồng nguyên.
Đặc biệt ông rất say mê nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Có lần ông còn lên núi Yên
Tử để tìm lại sự yên tĩnh cho tâm hồn, nhưng duyên xuất gia của ông chưa thành.
Vì mến mộ đạo Phật mà ông đã để lại những tác phẩm thiền học có giá trị và thi
ca của ông cũng đậm triết lý, tư tưởng nhà Phật.
Về quân đội, ông cũng xây dựng được một đội quân hùng mạnh, đủ sức ngăn chặn
sự xâm lấn, chống phá của quân Chiêm Thành ở mặt phía Nam đất nước.
Cuối cùng, đánh giá về cuộc đời và ghi chép về những sáng tác của ông, trong
Thơ văn Lý - Trần (tập II) có viết như sau:
“Nhìn chung lại, Trần Cảnh là một ông vua có năng lực, tính tình khoan hậu,
có tài thơ văn và có nhiều đóng góp cho đất nước”. [1, tr.20]
“Tác phẩm: Trần Cảnh sáng tác nhiều, nhưng chỉ còn hai bài thơ, hai bài văn,
một đề tựa cuốn ‘Kinh Kim cương’, một đề tựa tác phẩm ‘Thiền tông chỉ nam ca’
của ông và một tác phẩm từ lâu vẫn nổi tiếng là ‘Khóa hư lục’. [1, tr.20]
2. Về bài thơ Ký Thanh Phong am Tăng Đức Sơn
Phiên âm:
Ký Thanh Phong am Tăng Đức Sơn
Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình,
Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh.
Cá trung tư vị vô nhân thức,
Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.
Hán văn:
寄清風庵僧德山
風打松關月照亭,
心期風景共凄清.
個中滋味無人識,
付與山僧樂到明.
Dịch nghĩa:
Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong
Gió đập cổng thông, trăng sáng trước sân,
Lòng hẹn với phong cảnh cùng trong sạch lặng lẽ.
Bao nhiêu thú vị trong đó không ai hay,
Mặc cho nhà sư trong núi vui đến sáng.
[1, tr.21]
Dịch thơ (*):
Cổng tùng gió thổi trăng soi,
Người xem phong cảnh mà coi sửa lòng.
Điều hay ai hiểu bên trong,
Cùng vui đến sáng mặc lòng sư ông.
(Nguyễn Thanh Huy dịch)
Bài thơ được viết theo thể Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Do vậy ở đây bài
viết sẽ được tiếp cận, khai thác dựa trên cấu trúc khai - thừa - triển - hợp,
đồng thời chú ý trên mạch cảm xúc, ý tứ mà tác giả đã chuyển tải.
3. Tâm tư và phong thái của vị thiền sư - cư sĩ qua bài thơ
Mở đầu, “Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình/風打松關月照亭”
là lời tả thực, ghi lại không gian và thời gian hiện hữu. Ở đó là một đêm trăng
sáng vằng vặc soi chiếu, phủ lên mặt sân trước cửa một màu vàng óng, và tất thảy
hiện ra trước mắt rõ mồn một. Không gian ấy, mọi âm thanh im bặt, chỉ có tiếng
gió mạnh, rít lên, xô giật những cội tùng già sừng sững, hiên ngang trước ngõ.
Rõ ràng, khung cảnh ở đây gợi ra cho người đọc một cảm giác như chính mình đang
lạc bước vào một nơi xa lạ, trước mắt hiện ra là một chốn thâm sơn cùng cốc.
Hình ảnh cội tùng, trăng sáng khiến ta nhớ đến hai câu thơ của Thiền sư Minh
Trí:
Tùng phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình.
松風水月明,
無影亦無形.
(Gió trên cành thông, trăng sáng ở dưới nước,
Không có bóng cũng không có hình).
Đó là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, thi vị. Nhưng có điểm khác, ở không
gian nơi đây rộng hơn, thoáng đãng hơn bởi khoảng trời cao xa giữa trắng với
nước, và bởi mặt hồ mênh mông trải ra như vô tận. [7, tr.64]
Đứng trước không gian ấy vị thiền sư - cư sĩ trở nên xúc động, điều đó được
khắc họa lại bằng câu thơ thứ hai: “Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh/心期風景共凄清”
(Lòng hẹn với phong cảnh cùng trong sạch lặng lẽ). Cảm xúc này như một phản xạ
bản năng đối với bất kỳ tâm hồn nhạy cảm nào. Con người vốn dĩ đến từ tự nhiên,
nên mỗi khi được hòa mình trong thiên nhiên thì tiềm thức lại khơi dậy những xúc
cảm ẩn tàng, cố hữu. Và nhất là, thiên nhiên đẹp càng dễ đánh thức những cảm xúc
thiện lương, nó trỗi dậy một cách mạnh mẽ, mãnh liệt. Nếu như Nguyễn Du từng nói
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thì trong tình huống này ngược lại, cảnh
tác động đến người, cảnh chi phối tình cảm, cảm xúc của thiền sư. Hơn thế, nó
khiến ông phải thốt ra, tự hứa với lòng phải “cùng trong sạch lặng lẽ” (cộng thê
thanh/共凄清)
với vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của thiên nhiên.
Nhưng tại sao lại hứa với thiên nhiên (tâm kỳ phong cảnh/心期風景)?
Rõ ràng câu thơ gợi cho ta một tiền giả định rằng nhân vật ở đây có những điều
sâu kín mà tự thấy mình chưa làm được - lòng mình chưa trong trẻo như thiên
nhiên. Là một bậc quân vương, nhưng Trần Thái Tông từng bị sắp đặt bởi những
toan tính, mưu lược của Trần Thủ Độ, từ việc lấy Lý Chiêu Hoàng, rồi sau đó
giáng bà xuống làm công chúa; bi kịch nhất là khi ông buộc phải lấy người vợ của
anh trai mình… Biết bao biến cố trái ngang đã trải trong cuộc đời chắc chắn luôn
khiến lòng ông chất chứa nhiều day dứt. Như vậy, câu thơ đâu chỉ là lời hứa, mà
là một biểu cảm như muốn giải thoát ra những ẩn ức sâu kín ở bên trong.
Tiếp tục, khi hòa trong không gian ấy, cảm xúc của ông mỗi lúc một dâng cao.
Ông không giấu giếm điều đó mà bộc lộ một cách trực diện, mạnh mẽ, rõ nét. Ông
viết: “Cá trung tư vị vô nhân thức/個中滋味無人識”
(Bao nhiêu thú vị trong đó không ai hay). Ở đây, trong cảm xúc ấy câu thơ còn
cho thấy có sự nhận thức bằng lý trí. Hơn thế, đó là những nhận thức rất đặc
biệt, chỉ thuộc về riêng ông. Ông cảm thấy an vui khi mình tự tìm ra những điều
thú vị, và ông càng tự hào hơn khi tất thảy đều không ai hay biết. Điều đó có
nghĩa rằng giữa ông và thiên nhiên tươi đẹp kia có sự giao cảm, rung động, cảm
thông như những tri âm.
Câu thơ này khiến ta nhớ về một cảm xúc tương đồng trong bài “Cúc hoa kỳ tứ”
(菊花其四)
của Thiền sư Huyền Quang. Ông viết:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo sáp quy lai.
Hán văn:
年年和露向秋開,
月淡風光愜寸懷.
堪笑不明花妙處,
滿頭隨到插歸來.
Dịch nghĩa (2):
Năm tháng pha sương hướng vào mùa thu để nở
Ngắm cảnh trăng thanh thỏa một tấc lòng
Chịu cười vì người không hiểu, hoa thật huyền diệu
Tới nơi đâu, thấy hoa cũng hái cài đầu mang về.
Ngay ở câu thơ thứ ba - “Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ/堪笑不明花妙處”
(Chịu cười vì người không hiểu, hoa thật huyền diệu) - cho thấy Huyền Quang đã
“nhìn ra ở hoa cúc có những thời khắc huyền diệu (hoa diệu xứ). Nhưng có lẽ sự
huyền diệu này chỉ dành cho riêng ông. Có thể đó là những giao cảm giữa người và
hoa mà khó diễn đạt thành lời”. [3, tr.67]
Với tình cảm yêu thiên nhiên, cùng với tất cả những điều vui thú trong thiên
nhiên, vị thiền sư - cư sĩ này một lần nữa bộc trực cảm xúc - ông không ngần
ngại che giấu xúc cảm mãnh liệt, bày tỏ lòng ham vui ham chơi trước tùng phong
minh nguyệt cùng với tri âm, bầu bạn. Ông đã thốt lên: “Phó dữ sơn tăng lạc đáo
minh/付與山僧樂到明”
(Mặc cho nhà sư trong núi vui đến sáng). Đấy, ông bất chấp người bạn đó là ai,
và ông bất chấp thời gian đó là lúc nào. Câu thơ cho thấy một sự chân thật,
quyết liệt, như trải hết lòng dạ, dốc cạn ruột gan để sống trọn với thiên nhiên
đẹp đẽ đêm nay. Đồng thời, nó cũng cho thấy ở ông là một con người hòa nhã, gần
gũi với mọi người, và có lúc không còn khoảng cách, cho dù ông là một bậc quân
vương.
III. KẾT LUẬN
Tựu trung, qua bài thơ, ta thấy được những nhân cách khác của vua Trần Thái
Tông - một thiền sư - cư sĩ. Đó là một tâm hồn thi sĩ giàu cảm xúc, một tình yêu
thiên nhiên sâu sắc, một bậc quân vương nhiều tâm sự, ẩn ức và một vị thiền sư
chân thành, hòa nhã với bạn bè. Tất cả làm nên con người ông, chính sự hợp nhất
tâm hồn, phong cách đó khiến ông khác biệt và có vị trị nhất định trong lịch sử.
Người ta sẽ mãi nhớ tới ông là một vị vua đầu triều với những đóng góp nền tảng
cho một triều đại huy hoàng, mà trong đó Phật giáo được xiển dương, kéo theo sự
xuất hiện của nhiều bậc Thánh tăng và để lại cho hậu thế nhiều trước tác Phật
học uyên áo, cao thâm.
——-
Ghi chú:
(*) Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa
(1), (2) Do chính tác giả bài viết - Nguyễn Thanh Huy dịch.
———
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), (1988), Thơ văn Lý -Trần - Tập II, NXB.Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thanh Huy (2021), “Đọc bài kệ Cư trần lạc đạo qua lăng kính
Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số
ngày 22 tháng 8.
3. Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp
chí Văn hóa Phật giáo, số 391, ngày 23 tháng 6.
4. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa mai qua góc nhìn của Thiền sư Trần Nhân Tông”,
Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 404, ngày 1 tháng 1.
5. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Luận giải ‘Tâm’ và ‘Đạo’ qua hai bài thơ của Thiền
sư Phạm Thường Chiếu”, Tạp chí Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, số 87, ngày 17
tháng 8.
6. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Luận giải bài kệ Thị tịch của Thiền sư Pháp
Loa”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 329, tháng 8.
7. Nguyễn Thanh Huy (2024), “Tính Không trong tác phẩm ‘Tầm hưởng’ của Thiền sư
Minh Trí”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 338, tháng 5.