Luận bàn về "Tâm tức là Phật"

LUẬN BÀN VỀ

 

LUẬN BÀN VỀ “TÂM TỨC LÀ PHẬT”

Thích Nữ Diệu Minh dịch

(Trích từ pháp ngữ của Pháp sư Như Ngộ)

        Trong nhà Phật, chúng ta thường nói câu “Tâm tức là Phật”. Điều này tuy có vẻ đơn giản dễ hiểu nhưng thực chất ý nghĩa rất sâu rộng. Chúng ta hãy cùng thảo luận về câu nói này.

           Ba thân tức một thể, một thể có đủ ba đức

- Ba thân: Pháp thân, Báo thân, Ứng thân

Phật có Phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà Như Lai, Đại Nhật Như Lai, Dược Sư Như Lai, trong mười phương ba đời còn có vô lượng vô số Phật nhiều như cát sông Hằng. Tuy nhiên, chúng ta đặc biệt có lòng tin và tôn kính đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Lại nói, quốc độ của Phật có bốn loại: Tịch quang độ, Thực báo độ, Phương tiện độ và Đồng cư độ. Phật Thích Ca Mâu Ni là Ứng thân Phật và cũng là Phật của Đồng cư độ. Thêm nữa, Thiền tông lấy Phật Thích Ca Mâu Ni làm bản tôn. Ngài thực sự là vị giáo chủ của pháp giới mà chúng ta phải một lòng tin tưởng và tôn kính.

Nói về đức hạnh của Phật thì thật sự rộng lớn vô biên. Đức hạnh của Phật tựa như hư không. Nhưng phải hiểu rõ rằng “hư không” thì không phân biệt Đông - Tây - Nam - Bắc, tức là đức hạnh của Phật không bị giới hạn cả về thời gian và không gian. Do đó, nếu chúng ta có lòng tin sâu sắc, chúng ta sẽ cảm nhận được sự vĩ đại của Đức Phật. Ngược lại, nếu lòng tin hạn hẹp, thì Đức Phật tự nhiên trở nên nhỏ bé. 

Hơn nữa, gọi là phân biệt ba thân Phật: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân, nhưng ba thân ở đây không phải nói Phật có ba loại thân, mà là ba đức hạnh hiện diện trên cùng một thân Phật. Từ ba phương diện đức hạnh này mà chúng ta tôn kính lễ bái danh hiệu Phật.

Pháp thân là bản thể của Phật, Báo thân là tướng hóa hiện đức hạnh của Phật, và Ứng thân là hình thái ứng hiện tùy theo căn cơ chúng sanh để hóa độ.

Tóm lại, ba tâm của Phật là Pháp thân, ba đức của Phật là Báo thân, sự cảm ứng vi diệu của Phật là Ứng thân. Tuy ba mà là một.

Lấy một ví dụ để giải thích: Ở đây có một thỏi vàng. Bản chất của vàng như là Pháp thân, ánh sáng vượt trội và vẻ đẹp tự nhiên của vàng như là Báo thân. Lại nữa, vàng có thể chế tác thành vòng tay, nhẫn, đồng hồ, cốc chén, v.v. và nhiều loại khác, những tác dụng đặc biệt này như là Ứng thân. Dù vàng được chế tác ra thành bất kỳ hình thức nào thì bản chất của nó vẫn là vàng, màu sắc cũng vẫn là màu vàng. Điều này cho thấy ba thân thực chất chỉ là một thể duy nhất, và một thể này có ba phẩm chất, đó chính là ba đức. Đây là cách giải thích đơn giản và dễ hiểu.

- Ba đức: Đoạn đức, Trí đức, Ân đức

Tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại trở thành vị Phật vạn đức viên mãn? Dùng ngôn ngữ hiện đại để nói thì Ngài là chân lý tuyệt đối của vũ trụ, hợp nhất với đại đạo vĩnh cửu và bất biến. Chân lý này không có sự phân biệt giữa người và ta, đại đạo này không có sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Thân của Thích Tôn thực sự là thân Phật thông suốt cổ kim, biến khắp mười phương. Vì vậy, trong cảnh giới tâm của Phật đã đoạn tận những ưu phiền, vọng tưởng từ xưa đến nay, pháp thân hoàn toàn thanh tịnh, không còn chút nhiễm ô. Đó là pháp thân về mặt nhân cách. Về mặt tu dưỡng, được gọi là Đoạn đức.

Thế nên, một khi đã rời bỏ hết những xúc cảm phàm trần, tự nhiên sẽ viên mãn Trí đức, được gọi là Báo thân và Trí đức. Khi Trí đức đã hoàn thiện, thì ba đức vốn thường trụ trong Phật tánh là tâm từ bi, tâm hiếu thuận sẽ phát khởi, có thể ứng cơ tuỳ duyên, tự nhiên thể hiện thần thông diệu dụng, được gọi là Ứng thân, cũng gọi là Ân đức. Đây chính là ba thân và ba đức của Phật.

            Giác ngộ cuộc đời mộng mị, xua tan mây đen u tối trong tâm

Thế nhưng, trong ba thân của Phật chúng ta lại phân biệt ưu khuyết, coi trọng thân này mà xem nhẹ thân kia, điều này là do hiểu sai ý nghĩa của kinh văn mà sinh ra vọng tưởng. Chẳng phải vậy sao? Cổ đức nói: “Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, Địa Tạng, đều là Phật trong tâm”. Tâm Phật không có sự phân biệt nặng nhẹ, thân tín, xa gần. Kinh Hoa nghiêm nói: “Thân Phật bao trùm khắp pháp giới, hiện diện trước tất cả chúng sinh, tùy duyên mà ứng hiện không chỗ nào không đến, nhưng luôn ở tại tòa Bồ-đề này”. Điều này giải thích rằng pháp thân của Phật bao trùm khắp pháp giới, chính là pháp thân. Khi tùy duyên ứng hiện, thân phân thành ngàn trăm ức, chính là ứng thân. Luôn tại tòa Bồ-đề hiển hiện đại trí tuệ, đại quang minh, đó chính là Báo thân.

Tuy có ba thân, nhưng hoàn toàn chỉ là một thân Phật. Đặc biệt là Thích Ca Mâu Ni Phật là danh hiệu vạn đức tổng trì. Thích Ca là phiên âm từ tiếng Phạn, dịch là "Năng nhân", có nghĩa là “người có tâm đại từ bi”. Mâu Ni là phiên âm tiếng Phạn, dịch là "Tịch mặc"; "Tịch" nghĩa là “trên thân ý không có lỗi lầm”, "Mặc" nghĩa là “trên miệng không có tranh cãi”. Phật thành tựu trí tuệ Bát-nhã, lìa xa tất cả phiền não, thoát khỏi sự ràng buộc của sinh tử, ở ba nghiệp thân khẩu ý, hiển hiện đức hạnh thuần thiện vô lậu, nên gọi là "Tịch mặc". Như vậy, đại từ bi và đại trí tuệ hai đức viên mãn, chính là Phật-đà.

Tiếp theo, khi chúng ta tôn Đức Phật Thích Ca là Phật bản tôn của mình để quy y, thì tức là quay về nương tựa ánh sáng đại từ bi và uy lực đại trí tuệ của Phật. Nhờ công đức của việc quy y này, tự nhiên cảm nhận được đại từ bi và đại trí tuệ của Phật. Đồng thời bản tính đại từ bi và đại trí tuệ vốn dĩ có trong mỗi chúng ta cũng có thể hiển xuất ra.

Thực ra, trong tất cả chúng sinh đều có đại từ bi và đại trí tuệ, đều bình đẳng với Phật. Chỉ có điều, vì vọng tưởng phiền não mà tạo ra các nghiệp ác, do sự lôi kéo của nghiệp lực mà tự mình lao vào sự ràng buộc của sinh tử trong ba cõi sáu đường. Do đó, chúng ta thường bị mây đen tà kiến che phủ, khó mà thức tỉnh khỏi giấc mộng khổ đau của đời người. Nếu có thể tỉnh giấc mê lầm này và xua tan bóng tối phiền não thì đó là Phật thân. Khi đó, tâm ta chính là tâm Phật.

Mục đích trọng yếu của Phật giáo không gì khác ngoài việc đạt đến cảnh giới cao quý “tâm tức là Phật”. Vì vậy, việc lễ bái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không nhất thiết phải tìm hiểu lịch sử của Phật từ hàng ngàn năm trước, chỉ cần quy y thân Phật thường trụ bất diệt, thì ba nghiệp của chúng ta tự nhiên trở thành ba nghiệp của Phật.

Tỏa ánh sáng từ bi, báo ân Đức Phật

Chúng ta, những phàm phu bị nghiệp lực trói buộc, từ sáng đến tối đều bị những phiền não của dục tình, yêu ghét chi phối, bị ô nhiễm bởi những ham muốn ích kỷ, nhưng lại tự cho mình là Phật, như vậy chẳng phải là hoang tưởng sao? Tuy nhiên, nếu từ bỏ thân tâm này, rỗng không và tĩnh lặng, tự nghĩ mình là Phật cũng là việc sai lầm. Ví dụ như, bất luận nước có trong sạch đến đâu, nếu bỏ một giọt độc vào nước, thì một ngụm cũng không được uống. Độc này nếu không loại bỏ, thì nước và mạng sống của chúng ta giống nhau, cũng không thể duy trì được (vì nước sẽ bị biến đổi bởi độc tố). Thân tâm của chúng ta vốn dĩ trong sạch như nước, là Phật với trí tuệ và đức hạnh viên mãn. Đáng tiếc là bị mê hoặc bởi ba độc phiền não nên không tự chủ được mà điên cuồng chạy vào con đường của ba ác đạo. Vậy thì làm thế nào để loại bỏ độc tố này? Không có cách nào tốt hơn là sám hối diệt tội, thọ giới nhập vị, phát nguyện lợi sanh, hành trì báo ân. Đây mới chính là pháp môn tối thiện và tối thắng. Lại nói về việc tu chứng, điều này không thể lìa tâm của chúng ta. Tâm này chính là đức tính vốn có từ khi sinh ra, thể hiện công đức tu hành vi diệu. Đây chính là điều gọi là “tức tâm tức Phật”.

Chư Phật vốn dĩ xuất hiện trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai nhiều vô lượng vô biên. Do nhân duyên phát nguyện và trạng thái tu hành, tùy theo từng thời và hoàn cảnh, mà có sự khác biệt về số lượng. Tuy nhiên, khi đạt đến cảnh giới thành Phật, tất cả đều phải dựa công đức lực của sự Năng nhân và Tịch mặc. Do đó, ba thời chư Phật đều quy về một vị Phật Thích Ca Mâu Ni, cuối cùng tất cả đều quy về một tâm này.

Kinh Hoa nghiêm nói: "Trong một tâm niệm sinh ra vô lượng cõi, nhờ vào uy lực của Phật mà hiện tất cả đều thanh tịnh không nhiễm ô”. Lại nữa: “Chúng sinh không phải pháp khí, không thể thấy chư Phật. Nếu người có tâm thanh tịnh thì ở nơi đâu cũng thấy được Phật". Vô lượng chư Phật trong mười phương đều do một tâm niệm sinh ra, và vô lượng Tịnh độ trong mười phương cũng không ngoài một tâm niệm mà hiện ra.

Kinh Hoa nghiêm còn nói: “Nếu người muốn hiểu rõ ba đời tất cả các vị Phật thì nên quan sát tính chất của pháp giới. Tất cả đều do tâm tạo ra”. Nếu chúng ta có thể cùng nhau tụng niệm văn này, tự nhiên sẽ phá vỡ được nghiệp của địa ngục. Chúng ta cần phải hiểu rằng, mười phương pháp giới đều là hiện tượng do tâm sinh ra. Khi hiểu rõ rằng ngoài tâm của chúng ta không có Phật và pháp nào khác thì bắt đầu thấy được tất cả các vị Phật trong ba đời, và có thể nhận thức được đại từ bi và đại trí tuệ. Cửa Tịnh độ được kiến lập tại Tây phương, quy y một vị Phật là A Di Đà Như Lai. Trong kinh Phật có nói: "Chư Phật Bồ-tát là phân thân của Phật A Di Đà, vì là bản sư bản Phật của chư Phật mười phương. Cho nên, quy y một Đức Phật A Di Đà là quy y tất cả chư Phật trong mười phương, tức một Đức Phật A Di Đà bao gồm tất cả chư Phật Bồ-tát.

Thiền tông lễ bái Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như vậy. Phật Thích Ca Mâu Ni là bản địa pháp thân của chư Phật Bồ-tát trong ba đời, quy y Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chính là quy y chư Phật Bồ-tát ở khắp mười phương trong ba đời.

Kinh Quán Phật tam muội nói: "Nếu xưng danh hiệu của Ta, Nam-mô chư Phật, thì được phước đức vô lượng vô biên". Do đó, xưng niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự có đầy đủ công đức quy y chư Phật. Cổ đức nói thấy chư Phật mười phương là thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, chính là đạo lý này vậy.

Chúng ta phải tin tưởng sâu sắc rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nơi hội tụ đầy đủ công đức của ba thân và ba đức. Sự cảm ứng quang minh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ trong niềm tin của chúng ta ngay từ một niệm tâm. Nếu rời xa tam thậm tín ấy thì sẽ không có Phật.

“Tâm tức là Phật”, điều này không phải là giáo lý trống rỗng hay luận lý hời hợt, và cũng không chỉ là việc của Phật Bồ-tát hay các bậc trí. Đây là việc của mỗi người. Chúng ta biết lạnh biết nóng, biết vui biết buồn, biết tư duy tận đáy của tâm này thì “tâm tức là Phật”. Nếu không hiểu được lý này, Phật pháp sẽ không bao giờ trở thành của riêng mình. Nếu hiểu rõ ý nghĩa này, thì tám mươi bốn ngàn pháp môn đều thuộc về chúng ta. Thương nhân buôn bán, nông dân cày cấy, công nhân làm việc, tất cả đều là diệu dụng của Phật. Khi đạt đến cảnh giới này, những khó khăn và khổ hạnh của Phật và các vị Tổ sư, với sự truyền bá của Phật pháp, mới thực sự phát huy hiệu quả tích cực.

Tóm lại, Phật pháp không phải là điều không thể nghĩ bàn. Đại sự của Phật pháp nằm ở việc nhận thức rằng “tâm tức là Phật” và tiếp nhận điều này. Khi có niềm tin sâu sắc rằng tâm chính là Phật, với tâm không còn sinh tử, không còn phiền não mà hướng tâm về Phật, thì thân này, tâm này sẽ tự nhiên đạt được giải thoát khỏi sinh tử. Thân tâm này cũng chính là thân tâm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; mọi hành vi trong mười hai giờ trong ngày đều trở thành đại từ bi và đại trí tuệ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhờ đó, lợi ích quốc gia và phồn thịnh xã hội sẽ được thực hiện, và từ đó, hành trì chân chánh mới bắt đầu xuất hiện.

            Dù là uống trà, ăn cơm, cầm cuốc, tính toán, ôm sách, mọi công việc và lời nói, hành vi không có gì ngoài việc hành trì của chư Phật và chư Tổ. Đã là như vậy thì chúng ta thực sự nên khuyến khích bản thân, mỗi cử chỉ hành động đều phát ra ánh sáng từ bi, hàng ngày thực hành, dùng thân tâm này để báo đáp ân đức, kết thành nhân duyên sâu sắc vi diệu.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle