Hãy kết nối yêu thương
Hãy kết nối yêu thương
Hãy kết nối yêu thương
Nghịch lý yêu thương giữa cha mẹ - con cái
Chúng ta khi nói đến chữ hiếu thường chỉ nghĩ đến một phía: bổn phận của con
cái, còn cha mẹ luôn là những người phải “hy sinh” như thần linh ban phước.
Nhưng với xã hội hôm nay, hãy thực tế mà nhìn nhận rằng có những điều không như
chúng ta giả định hàng bao năm nay, bỏ sang một bên những hiện tượng bất hiếu:
con đánh cha, ngược đãi mẹ vốn không đại diện cho số đông, dù vẫn xảy ra với mức
độ đáng quan ngại. Bài viết này chỉ nói đến những hiện tượng phổ biến hơn: sự
thiếu kết nối giữa cha mẹ và con cái hôm nay - có thể là một xu thế tiêu
cực, mà chúng ta phải thẳng thắn đối diện và tìm ra hướng khắc phục nhằm xây đắp
một xã hội hiếu hạnh.
Du học là mất con?
Một bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội, đã từng đi du học ở nước ngoài, nghĩ rằng con
mình cần phải có một môi trường giáo dục tốt nên cho chúng đi du học Mỹ từ cấp
2. Ông tâm sự theo năm tháng các con dần xa, không chỉ ở cự ly địa lý mà trong
giao tiếp. Ông tâm sự: “Thời gian đầu các cháu nói chuyện với bố mẹ rất nhiều
rồi thưa dần. Sống ở nước ngoài quá lâu, các cháu cảm thấy xa lạ với quê hương,
chê những phong tục tập quán rườm rà. Dần dà, khi về nước bất cứ thứ gì chúng
cũng chê bẩn và lo sợ bệnh tật. Từ đó chúng không muốn về nước. Một đứa đã lập
gia đình bên đó và 4 năm nay chưa về quê. Còn cha mẹ thì chúng không buồn điện
thoại hỏi thăm dù là Tết”. Ông có cảm giác mất con.
Tình yêu cha mẹ và con cái không giống nhau
Một người bạn tôi khi nghe câu chuyện này bảo: “Bình thường thôi! Vì ông bác sĩ
ấy chưa hiểu sự khác nhau trong tình yêu giữa cha mẹ và con cái”. Cụ thể là:
Tình yêu của cha mẹ giành cho con cái là vô hạn, còn tình yêu của con cái dành
cho cha mẹ chỉ là cái gì đó hữu hạn mà thôi.
Con cái bị bệnh cha mẹ hết mình chăm sóc, còn cha mẹ bệnh con cái hỏi thăm qua
loa và coi thế là đã đủ.
Con cái tiêu tiền của cha mẹ đó là lẽ đương nhiên, còn cha mẹ tiêu tiền của con
cái không dễ dàng như vậy.
Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, còn nhà của con cái thì không còn là nhà của
cha mẹ nữa.
Không giống nhau chính là như vậy, hiểu rằng vì con cái làm tất cả đó không chỉ
là nghĩa vụ mà còn là niềm vui, không cầu báo đáp, nếu mong muốn sự báo đáp của
con cái thì chỉ chuốc lấy muộn phiền.
Nghe cũng có lý phải không các bạn? Nhưng sáng nay tình cờ đọc một cuốn sách
“Cha mẹ độc hại”.
Chúng tôi lại khám phá một vấn đề khác trong quan hệ cha mẹ - con cái.
Cha mẹ độc hại là gì?
Trong cuốn sách Toxic Parents: Overcoming Their Hurtful Legacy and Reclaiming
Your Life, Tiến sỹ Susan Forward nêu ra những trường hợp và tiếng nói trong
cuộc sống thật của những đứa trẻ đã trưởng thành từ những cha mẹ “độc hại”, giúp
chúng giải thoát bản thân khỏi những kiểu mẫu gây thất vọng trong mối quan hệ
với cha mẹ chúng - và khám phá ra một thế giới mới của sự tự tin, sức mạnh bên
trong và sự độc lập về cảm xúc. (Theo ý chúng tôi, có thể dịch là “cha mẹ áp
đặt” hay “cha mẹ gây tổn thương”).
Tác giả nhận định rằng mọi bậc cha mẹ thỉnh thoảng đều có những thiếu sót. Chính
tác giả cũng từng gây ra nhiều lỗi lầm kinh khủng với lũ trẻ, mang đến cho chúng
(và chính mình) những nỗi đau lớn. Không bậc cha mẹ nào có thể yêu thương mọi
lúc. Sẽ là hoàn toàn bình thường khi thỉnh thoảng la mắng bọn trẻ. Phụ huynh nào
cũng đôi khi trở nên kiểm soát quá mức. Và hầu như các bậc cha mẹ đều đánh đòn
con mình, dù là rất hiếm khi đi chăng nữa. Liệu những lần mất kiểm soát ấy có
khiến họ trở thành những người cha người mẹ tàn nhẫn hay không đủ tư cách không?
Bà viết, “Dĩ nhiên là không. Cha mẹ cũng là con người, và họ có hàng tá những
vấn đề của riêng mình. Hầu hết con trẻ đều có khả năng đương đầu với đôi ba cơn
giận của cha mẹ, miễn là chúng có được tình yêu thương và thấu hiểu đủ để bù đắp
lại. Song có nhiều bậc cha mẹ mà những khuôn mẫu hành vi tiêu cực của họ đóng
vai trò chính yếu và chủ đạo trong đời sống con trẻ. Đó là những bậc phụ huynh
gây hại cho con mình”.
Đó là những đứa trẻ trưởng thành trong gia đình bị đánh đập khi còn nhỏ hay bị
bỏ mặc quá nhiều lần, bị lạm dụng tình dục hay đối xử như một đứa ngốc, bị bảo
vệ thái quá hay đè nặng bởi tội lỗi, thì gần như đều cùng chịu đựng những triệu
chứng giống nhau đến kinh ngạc: lòng tự trọng bị tổn thương, dẫn đến những hành
vi tự hủy hoại. Khi những đứa trẻ này trưởng thành, chúng tiếp tục mang gánh
nặng tội lỗi và cảm giác tệ hại, khiến chúng gặp khó khăn lớn trong việc tạo
dựng hình ảnh tích cực của bản thân. Hậu quả của việc thiếu tự tin và tự trọng
có thể lần lượt nhuốm lên mọi khía cạnh cuộc đời chúng.
Tác giả khích lệ người đọc giải phóng bản thân khỏi những tổn thương từ cha mẹ
độc hại, tìm thấy sự can đảm, nằm ngay bên trong mình. Bà cho rằng: “Đương đầu
là một bước quan trọng trong việc loại trừ bóng ma ám ảnh của quá khứ và quỷ dữ
của hiện tại, song nó không bao giờ được thực hiện trong ngọn lửa giận dữ”. Cái
giá phải trả là khi chúng ta phá hủy hình tượng để đời của cha mẹ có thể khiến
cảm thấy mất mát và bị bỏ rơi. Điều quan trọng ở đây là quá trình, không phải
tốc độ.
Những vấn đề khác trong quan hệ cha mẹ con cái hôm nay
Nhưng không chỉ “cha mẹ độc hại” mới là vấn đề hôm nay mà do những phát triển
công nghệ và biến đổi trong phương thức giao tiếp, chúng ta thấy có những bất
cập như sau:
Cha mẹ dành quá ít thời gian cho con cái và ngược lại
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có sự tiếp xúc thường xuyên với những bậc phụ huynh
hay người trưởng thành để có thể học hỏi. Nhưng do sự phát triển công nghệ, cha
mẹ con cái giờ đây khi gặp nhau thì mỗi người mải mê “quét” điện thoại hay ipad
mà không quan tâm nói chuyện hay tâm sự với người kia. Có nhiều đứa trẻ bị rơi
vào trạng thái trầm cảm hay cô đơn mà không biết trao đổi với ai những khúc mắc
hay vấn đề riêng tư của mình để rồi thu mình trong cái vỏ cô đơn và có thể đi
đến quyết định sai lầm là tự tử vì không chịu nổi áp lực hay nỗi buồn mà cha mẹ
không hề hay biết.
Các nhà tâm lý đã chứng minh tầm quan trọng của những cái ôm đối với cả sức khỏe
tinh thần và thể chất con người. Và ai trong chúng ta còn cảm thấy vui khi ôm
con của chính mình, nhất là khi chúng chưa đủ lớn. Hãy làm điều ấy và tận hưởng
những khoảnh khắc gắn bó ấy trong khi bạn có thể. Điều đó cũng tạo nên sự kết
nối kỳ diệu.
Và quan trọng nhất là lắng nghe con trẻ. Đây là sai lầm mà nhiều cha mẹ
mắc phải. Họ cho rằng "con nít biết gì mà nói" và không bao giờ nghe ý kiến của
con mình. Hãy để con mình phát biểu ý kiến của chúng. Nếu cần hãy cùng thảo luận
và giải thích quan điểm của mình hơn là áp đặt một chiều ý kiến của “người lớn”.
Mỗi đứa trẻ có tính cách và thiên hướng khác nhau, đòi hỏi những cách giáo dục
khác nhau. Nói như quan điểm nhà Phật là phải khế lý, khế cơ. Điều cuối chúng ta
cần làm là hiện diện trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời con trẻ, ví
dụ một buổi sinh nhật, dự lễ tốt nghiệp, thậm chí một buổi trình diễn văn nghệ
hay diễn kịch ở trường… Những việc làm tưởng chừng không cần thiết ấy khiến
chúng ta dễ kết nối với tâm hồn chúng, khiến trẻ cảm thấy được yêu thương và
quan tâm…
Vì sao cần kết nối?
Kết nối để tạo ra sự truyền thông trong tư tưởng, cảm xúc, chia sẻ những vui
buồn trong cuộc đời. Cha mẹ con cái là những mối quan hệ gần gũi nhất nên hơn ai
hết cần phải kết nối.
Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “…Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ
tiên ta... Nếu ta hiểu biết và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ tổ tiên thì
chúng ta chữa trị cho cha mẹ tổ tiên và đồng thời cũng chữa trị cho chính ta…
Hiểu thấu khổ đau đưa đến từ bi. Thương yêu sẽ phát hiện và lập tức ta bớt khổ.
Chỉ khi ta đã hiểu rõ khổ đau và gốc rễ khổ đau thì ta mới truyền thông với
người khác và giúp họ bớt khổ”.
Một em học sinh trượt lớp 10 vừa mới đây đã viết lên mạng, “Con đã cố gắng hết
sức, mong bố mẹ đừng chửi con nữa”. Đó là điều H muốn nói với bố mẹ nhưng em
không dám mở lời. H vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 ở TP.HCM vừa qua. Em rớt hết
cả 3 nguyện vọng khi điểm thi không tốt, các trường em đăng ký lại đều nằm trong
nhóm tăng điểm chuẩn. Ngày 3 tháng 7, ngày có điểm chuẩn, biết chắc mình đã rớt,
hóa ra nỗi sợ thi rớt với H không đáng sợ bằng việc phải đối diện với bố mẹ,
phải nghe những lời la mắng, chửi bới từ bố mẹ. H kể, mẹ cầm cả bình nước ném vỡ
toang giữa nhà rồi òa khóc nức nở. H lại ôm lấy mẹ nhưng bị bà hất ra, kèm đủ
lời chê bai con bằng những từ ngữ nặng nề như ngu dốt, kém cỏi, vô tích sự… và
cả ví với con vật này, con vật nọ. Đứa con đứng đó nhìn mẹ đầy mặc cảm tội lỗi,
khổ sở.
Em lại như mất hết năng lượng trước sự não nề trên khuôn mặt của bố. Ông buông
ra lời nào ý như rằng em thật kém cỏi, yếu đuối, vô dụng… Khi thấy H cầm ly
nước, chén cơm, ông nói ngay "Mày vẫn nuốt trôi được hả?" làm cổ họng đứa trẻ
nghẹn đắng.
Ngay cạnh những bài viết khoe con thi đậu, điểm cao, thừa điểm trên mạng còn là
bao nhiêu nước mắt, tiếc nuối lẫn khổ đau của hàng chục ngàn đứa trẻ cả nước,
hàng ngàn gia đình trước kết quả thi lớp 10.
May sao, vẫn có người mẹ viết thư động viên con. Có người viết: “Theo chỉ tiêu
của thành phố, khoảng hơn 60 ngàn thí sinh sẽ trúng tuyển, còn lại khoảng 30
ngàn sẽ không. Điều đó cho thấy, không chỉ riêng mình con đang buồn, mà rất
nhiều bạn khác cùng có chung tâm trạng. Điểm thấp không có nghĩa là con học kém,
mà cuộc đua này quá khốc liệt và nhiều người giỏi. Có thể con khó nói ra thành
lời, khó tâm sự về những hụt hẫng ấy. Nhưng con yên tâm, ba mẹ hiểu nỗi lòng đó.
Một kỳ thi không đủ để nói lên sự thắng hay bại của một đời người. Sau tất cả,
quan trọng nhất là chúng ta biết đứng lên sau thất bại và không ngừng cố gắng
học tập, phấn đấu cho tương lai. Đôi khi, thất bại cũng là một dạng của thành
công. Dám đối diện với sự thật, dám đứng lên sau vấp ngã, đừng để chúng níu chân
chúng ta con ạ… Con không cần xin lỗi hay tự dằn vặt bản thân vì đã làm bố mẹ
thất vọng mà hãy hứa thật bản lĩnh, cố gắng hết mình trong chặng đường mới. Ba
mẹ sẽ đồng hành cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng này, hãy vui vẻ và nghĩ
đến những trải nghiệm mới mẻ ở một ngôi trường khác đang chờ con. Biết đâu, sẽ
có những thú vị bất ngờ chờ đón con để khám phá, biết đâu đó lại là ngôi trường
thực sự phù hợp với khả năng của con hơn.
Mẹ cũng từng thi trượt! Hai mươi lăm năm trước, mẹ cũng chọn trường, cũng đi thi
và mang theo bao kỳ vọng của ông bà ngoại. Thế rồi mọi thứ như tan vỡ, lòng kiêu
hãnh của bản thân bị sụp đổ trong phút chốc. Khi ấy mẹ tự đóng cửa cự tuyệt với
thế giới… Một thời gian dài về sau tim mẹ vẫn nhói khi mỗi lần đi ngang qua ngôi
trường từng mơ được vào học. Dần dần thời gian qua đi, mẹ nhận ra, nỗi buồn, tự
dằn vặt, tiếc nuối là những cảm xúc bình thường của mỗi người khi thất bại.
Nhưng quan trọng là cách chúng ta đứng lên sau cú vấp ngã… Bằng sự kiên trì và
nỗ lực, kỳ thi đại học sau đó 3 năm, mẹ đã đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, làm
ông bà vui mừng, bạn bè ngưỡng mộ”.
(Chị Nguyễn Trần Thu Hà, Long Biên, Hà Nội).
Đây là lúc mà cha mẹ cần gần gũi hơn với các em, chia sẻ những thất vọng, buồn
phiền.
Tại sao yêu thương phải kết nối?
Theo Giáo sư Cao Huy Thuần, “Chữ hiếu trong đạo Phật trải dài vô cùng tận vì
Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước”.
Trong kinh Tương ưng, Đức Phật còn nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng
sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo
đường sinh tử”. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ
đây. Bất hạnh chưa hẳn đã là bất hạnh vì pháp nhân duyên không có tánh cố định.
Giá trị của pháp tùy duyên mà hiện. Có khi chính cái bất hạnh nó giúp mình rút
kinh nghiệm để sống tốt hơn. “Dưới ánh sáng đạo pháp, chúng ta hiểu về nghiệp
duyên giữa người với người và nghiệm ra mọi thứ đều có nhân duyên. Ai cũng ngại
nghịch duyên, mọi thứ chỉ muốn vừa lòng thuận ý. Nhưng chính nghịch duyên giúp
ta vững chãi, hiểu biết sâu sắc hơn nỗi khổ của người khác để mà thương yêu. Xã
hội có nghĩa vụ đối với con cái vì trẻ con sinh ra là thế hệ tiếp nối phải bồi
dưỡng. Nói như nhà thơ William Wordsworth “The child is father to the man” (Trẻ
thơ kia mầm sinh trưởng nên người). Con cái chính là sự tồn tục nối dài sinh
mệnh của cha mẹ. Thiền sư Nhất Hạnh từng khuyên khi xa nhà, nhớ cha mẹ hãy nhìn
bàn tay mình, quán trong đó có những tế bào, những ADN của cha của mẹ. Những thế
hệ hiếu thuận tiếp nối làm nên chuỗi thương yêu cho cuộc đời.
“Nói cụ thể hơn thì quan hệ con cái - cha mẹ là Thứ đệ duyên. Thứ đệ là có thứ
tự, có lớp trước lớp sau. Nếu không có cái trước thì làm sao có cái sau? Thứ đệ
duyên có khi còn gọi là Đẳng vô gián duyên. Đẳng là đều đều. Vô gián là không có
sự gián đoạn. Đây là điều kiện thứ hai, điều kiện của sự liên tục như một vòng
xích. Dây xích có nhiều khoen, có khoen này thì mới có khoen kia. Nếu khoen này
đứt thì không thể nào nối liền khoen kia được. Vậy thì giây phút trước là điều
kiện thứ đệ duyên cho giây phút sau. Không có giây phút trước thì sẽ không có
giây phút sau, cũng như không có cha mẹ thì làm sao có chúng ta. Nhờ có cha mẹ
nên chúng ta mới tiếp nối được ông bà, tổ tiên mình. Cha mẹ là Đẳng vô gián
duyên hay Thứ đệ duyên, dịch là immediate subcondition. Tiếng Phạn là
Samanantarah-pratyaya”.
Rõ ràng, tâm hồn con người được nuôi dưỡng bằng tình yêu từ cha mẹ và sau đó là
sự đền đáp lại tình yêu ấy. Hay nói cách khác, hiếu hạnh là cội nguồn của văn
hóa cá nhân và cộng đồng. Kinh Thi đã viết về “hiếu đạo”: “Phụ hề sinh
ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên
võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc,
muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường).
Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục độ
tập kinh. Hiếu đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo
của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ
vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của
trăm hạnh.
Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, đời chưa có gì đáng gọi là
hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù
rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi
nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo một mực khai
hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”.
Nghĩa là Đức Phật đã tìm ra giải pháp cho những đứa con gặp phải “cha mẹ độc
hại” như những trường hợp mà Susan Forward và Craig Buck nêu ra hiện nay.
Tóm lại, đạo hiếu khởi nguồn là lòng từ bi.
Chúng ta hiểu rằng thương yêu chính mình là nền tảng của từ bi. Khi ta truyền
thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Chúng ta truyền
thông để hiểu người khác và người khác hiểu ta. Chúng ta truyền thông với con
cái và ngược lại. Trước hết phải lắng nghe sâu. Lắng nghe để giúp con trẻ bớt
khổ, và con trẻ cũng lắng nghe cha mẹ để hiểu và thương. Khi lắng nghe với tâm
thương yêu thì ta không bị kẹt vì óc phê phán xét nét. Lắng nghe sâu tạo ra niềm
vui, hạnh phúc và giúp ta xử lý tình huống gây ra đau khổ. Hiếu là kết nối
truyền thông và yêu thương. Hãy làm điều ấy trước khi quá muộn!
Nguyên Cẩn