Nhìn lại nguyên nhân suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ*

nhin lai

Nhìn lại nguyên nhân suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ*

Ankur Barua & M.A. Basilio - Cung Minh dịch

Mở đầu

Phật giáo trải qua trên một ngàn năm ở Ấn Độ, tuy nhiên vẫn còn chưa biết đến điều gì đưa đến sự biến mất của Phật giáo khỏi vùng đất đã khai sinh ra đạo Phật. Nhiều học giả đã nỗ lực nghiên cứu bí ẩn này. Tuy nhiên, vì không đủ chứng cứ lịch sử và khảo cổ nên những tranh cải vẫn cứ tiếp diễn trong nhiều thế kỷ và chưa có sự thống nhất nào về vấn đề này cho đến tận ngày nay[1]. Có hai yếu tố thường được trích dẫn làm lý do chính đưa đến sự biến mất hoàn toàn của Phật giáo tại Ấn Độ. Đầu tiên là sự phục hưng của kinh Veda và sau đó là sự xâm lược của quân đội của nhà tiên tri Mohammed. Họ đã tàn phá và giết hại tất cả những Tăng sĩ hiện diện không có khả năng chống lại. Mặc dù đa số các học giả đều chấp nhận hai yếu tố quan trọng này, nhưng vẫn có nhiều người không tin rằng đây thực sự là những nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của Phật giáo tại Ấn Độ. Sự xâm lược của Hồi giáo chủ yếu diễn ra ở phía Bắc Ấn, trong khi Phật giáo cũng là một sức mạnh ở phía Nam, bởi Phật giáo Đại thừa chủ yếu phát triển mạnh ở phía Nam. Do đó, dù cho điều gì đã xảy ra với Phật giáo ở phía Bắc, vẫn không thể lý giải được làm thế nào Phật giáo lại biến mất ở phía Nam[2].

Tuy nhiên, điều kỳ lạ của Phật giáo Ấn Độ được cho thấy là cây Bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo tại Bồ-đề đạo tràng, phía Bắc Ấn, bang Bihar, là biểu tượng cho vị thế hiện nay của Phật giáo trên thế giới, lại là một nhánh cây Bồ-đề được mang trở lại từ Tích Lan. Tương tự, mặc dù Phật giáo bật gốc khỏi cội nguồn Ấn Độ, nhưng vẫn phát triển mạnh ở những quốc gia khác trên khắp thế giới.

Phật giáo là một phản hồi phê bình đối với Bà-la-môn giáo

Những quan điểm trái chiều là phổ biến khi xác định những khả năng đưa đến sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ vào thế kỷ XII. Tuy nhiên, một vài học giả lại có quan điểm cho rằng Phật giáo chưa bao giờ biến mất khỏi Ấn Độ theo đúng nghĩa, mà là bị sát nhập vào Hindu giáo. Họ tin rằng Hindu giáo hiện đại ở Ấn Độ là một hình thái mới của Phật giáo cổ xưa[3]. Vì những tương đồng nổi bậc trong giáo lý Phật giáo và Hindu giáo hiện đại, nên một nhóm các học giả khác lại ủng hộ lý thuyết cho rằng Phật giáo là một tuyên bố lại của Hindu giáo[4]. Tuy thế, nhận định này bị cho là hoàn toàn không đúng bởi vì Hindu giáo là một phát triển khá lâu sau khi Phật giáo biến mất. Nếu có ai nhắc đến bất kỳ tôn giáo nào ở Ấn Độ với Phật giáo thì đó là Bà-la-môn giáo vì đã dọn đường cho sự xuất hiện của Phật giáo ở Ấn Độ bởi Đức Phật Thích Ca, một nhân vật lịch sử vào thế kỷ VI trước Tây lịch. Phật giáo nên được xem là một phản hồi phê bình đối với Bà-la-môn giáo. Phật giáo xuất hiện để xóa bỏ hệ thống bốn đẳng cấp ở Ấn Độ đã được thiết lập bởi người Arya. Vì tình trạng người phụ nữ bị chà đạp và tồi tệ trong suốt thời kỳ Bà-la-môn giáo nên Phật giáo xuất hiện là để giải cứu họ bằng việc ủng hộ quyền của nữ giới và nâng cao vị thế của họ trong xã hội[5].

Sự suy yếu của Phật giáo Ấn Độ diễn ra ở thế kỷ VII

Mặc dù Phật giáo là tôn giáo thịnh hành chủ yếu ở những vùng thuộc sông Hằng trong suốt thời kỳ đầu của kỷ nguyên, song theo ngài Huyền Trang, một nhà chiêm bái và học giả, trong suốt thời gian chiêm bái vào những năm đầu của thế kỷ VII, ngài đã chứng kiến sự suy yếu dần của Phật giáo Ấn Độ. Tại vùng Prayag hay Allahabad hiện nay, ngài đã gặp nhiều người không phải Phật giáo. Điều này không gây ngạc nhiên khi biết rằng tầm quan trọng của Prayag là địa điểm hành hương đối với Bà-la-môn giáo[6].

Shravasti là kinh đô của người Lichhavis, một bộ tộc phía Bắc Ấn lên nắm quyền khoảng năm 200 trước Tây lịch và thành lập kinh đô ở Pasupatinath. Trong thời kỳ hoàng kim và kéo dài qua tận đầu thế kỷ IX, họ có một lượng lớn các đền chùa và di tích của cả Ấn giáo và Phật giáo. Tuy nhiên, suốt thời gian chiêm bái này, ngài Huyền Trang đã chứng kiến số lượng tín đồ của đạo Hindu và Kỳ-na giáo lớn hơn nhiều tín đồ Phật giáo[7].

Kushinagar là một ngôi làng nhỏ gần Gorakhpur nơi Đức Phật nhập Niết-bàn, cũng ghi nhận trong tình trạng đổ nát và ngài Huyền Trang chỉ nhìn thấy một số ít Phật tử ở đó. Mặc dù ở Varanasi, ngài Huyền Trang nhìn thấy có khoảng 3.000 Tỳ-kheo hay Tăng sĩ, nhưng lại bị chiếm lĩnh bởi hơn 10.000 tu sĩ không phải Phật giáo. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, ngài Huyền Trang đã đến Ấn Độ khi Phật giáo đã đi vào suy thoái. Nhưng, ngay cả khi Phật giáo đi vào suy thoái, thì điều đáng chú ý rằng, Đại học Nalanda, một trung tâm học thuật lớn nhất của Phật giáo, vẫn tiếp tục phát triển bằng việc duy trì tầm quan trọng của nó mãi cho đến khi Hồi giáo xâm lược vào thiên niên kỷ 2. Chính nhờ môi trường của Nalanda mà ngài Padmasambhava đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII[8].

Do đó, câu chuyện của Phật giáo ở Ấn Độ không thể được ghi nhận một cách mập mờ theo kiểu ghi chép đơn thuần là toàn bộ tiến trình của sự suy tàn đã diễn ra từ từ và rộng khắp suốt một thời gian dài.

Những yếu tố góp phần làm cho Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ

Phật giáo bị biến mất khỏi Ấn Độ với tư cách là một tôn giáo chính thức kể từ thế kỷ XIII. Để tìm hiểu những yếu tố góp phần làm suy tàn và biến mất này, chúng ta cần xem xét tất cả những sự việc theo một thể thống nhất. Chúng có thể được sắp xếp theo những tiêu đề chính như sau:

(1). Những xung đột nội bộ và sự phân phái - liên quan đến sự phân phái trong Phật giáo; những khác biệt lớn rộng giữa hàng ngũ tu sĩ, giữa chư Tăng và tín đồ, và sự suy đồi ngày một lớn trong Tăng đoàn.

(2). Phật tử bị Bà-la-môn bức hại - sự bức hại được gây ra bởi người Bà-la-môn; bị đánh bại bởi nhà thần học vĩ đại Adi Shankaracharya trong những cuộc tranh luận; cũng như khuynh hướng đặc trưng của Hindu giáo, hay đúng hơn là Bà-la-môn giáo, nhằm thu hút đối phương.

(3). Những biến cố lịch sử thế tục và chính trị - sự rút lui của bảo trợ hoàng gia theo sau là những cuộc xâm chiếm Hồi giáo dẫn đến sự diệt vong của cộng đồng Phật giáo vốn đã suy yếu[9].

Điều quan trọng cần hiểu rằng, Phật giáo không hề bị nhổ bật khỏi Ấn Độ trong một ngày hay trong một sự kiện đơn thuần nào. Cũng giống như một mạng lưới liên quan của một căn bệnh, đó là một kết quả của đa nhân tố. Tiến trình suy yếu và biến mất là dần dần và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Do đó, trước khi đi vào chi tiết của bất kỳ sự phân tích lịch sử nào, chúng ta cần sắp xếp những yếu tố đó theo thứ tự thời gian và xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau của một sự việc đi trước đưa đến một sự việc sau.

(1) Những mâu thuẫn nội bộ và sự phân phái

Cần thấy rằng, chư Tăng chưa quan tâm đúng mức đến hàng cư sĩ. Người xuất gia còn xa cách với hàng tại gia. Vì thế, người tại gia có thể không cảm thấy được sự quan tâm trong Phật giáo. Khi nơi gặp gỡ giữa chư Tăng và cư sĩ dần dần biến mất, hàng cư sĩ dần mất niềm tin trong Phật giáo. Các học giả Phật giáo đã cho biết rằng không có cẩm nang hướng dẫn nào dành cho hàng cư sĩ mãi cho đến thế kỷ XI. Một số học giả cũng nhấn mạnh về sự suy đồi trong chính niềm tin Phật giáo[10].

Tranh chấp về tài sản và địa vị trong các tu viện

Các tu viện được cho là nơi cất chứa tài sản lớn nhờ sự cúng dường dồi dào từ các tầng lớp hoàng gia và phú hộ trong cộng đồng. Khi thực phẩm và tiền bạc luôn sẵn có trong tu viện, đa phần chư Tăng đã chấp nhận một lối sống thoải mái và lười biếng. Cũng có những tranh chấp về tiền bạc và lãnh đạo dẫn đến sự chia rẻ lớn trong nhiều nhóm Tăng lữ[11].

Sự thống nhất và hòa hợp của nhiều tự viện lớn đã bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp đó. Sự chia rẽ giữa các hệ phái trong nhiều năm sau đó và cuối cùng làm suy yếu nền tảng và cấu trúc của Phật giáo ở Ấn Độ. Đây là kết quả của sự lệch hướng to lớn khỏi lập trường kiên định của Đức Phật về hạnh aparigraha, hay vô sở hữu. Khi chư Tăng đã không còn chú ý đến lời răn dạy của Đức Phật và trở nên tham đắm vào vật chất và địa vị, các tu viện bị dính mắc trong sự tranh chấp và cộng đồng đã đánh mất niềm tin vào họ[12].

Sự từ bỏ thăm viếng cộng đồng của chư Tăng

Khi tài sản có thừa trong tu viện, đa số chư Tăng chỉ quan tâm đến sự giải thoát cho riêng mình mà hiếm khi thực hiện thăm viếng cộng đồng để giảm bớt nỗi khổ trong dân chúng nói chung. Ở đây chư Tăng đã quên đi một thông điệp vô cùng quan trọng của Đức Phật, rằng khi Đức Phật khuyên các hàng đệ tử phải thăm viếng cộng đồng mỗi ngày và không ở cùng một chỗ quá ba ngày, là với tuệ giác rằng, có một tác động sâu xa đến cộng đồng hơn là chỉ đơn thuần đi khất thực. Ngài muốn hàng đệ tử phải gặp gỡ càng nhiều người bình thường càng tốt để giúp họ vượt qua các khổ đau[13].

Nếu chỉ đơn thuần đi khất thực, Đức Phật đã có thể sắp đặt dễ dàng bằng cách khuyến tấn các hàng vua chúa, quan lại cung cấp vật phẩm cho chư Tăng vì họ đều là hàng đệ tử tại gia của Phật. Chủ ý đằng sau việc gửi sứ giả đến từng nhà là nhằm xây dựng mạng lưới cộng đồng và phát triển thành một mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng để đa số người dân có thể gặt hái được lợi ích từ những lời dạy của Đức Phật. Ngài biết rằng một khi cộng đồng đã chấp nhận các đệ tử của Ngài thì họ sẽ phát triển niềm tin vào lời Phật dạy và thực hành theo lời dạy đó để diệt trừ khổ đau. Cũng không nên hiểu sai rằng, việc chú trọng phát triển mạng lưới cộng đồng là một ý định mà Đức Phật nhắm vào để trở thành một người thống trị trong tương lai. Bởi vì, khi còn là Thái tử Sĩ-đạt-đa, Ngài đã từ bỏ vương vị và mọi thứ để dâng trọn đời mình nhằm chấm dứt nỗi khổ cho tất cả chúng sinh. Với tư cách là Bậc Đại giác ngộ, mục đích của Ngài là xiển dương sứ mệnh này, ngoài ra thông qua các hàng đệ tử nhằm chuyển tải thông điệp của Ngài ra khắp nơi. Vì thế, mục tiêu của các hàng đệ tử không phải là chỉ chú trọng vào sự giải thoát cho riêng mình, mà còn giúp đỡ người khác giảm trừ khổ đau trong cộng đồng[14].

Hàng Tăng lữ ở Ấn Độ trong suốt thể kỷ VI đã đi lệch với mục đích cao quý đó và ngừng việc thăm viếng cộng đồng. Khi việc thăm viếng cộng đồng đã khan hiếm, người Phật tử tại gia cảm thấy bị lãng quên và xa lánh khỏi ngôi nhà Phật pháp. Cảm giác bất an vì bị phân biệt đối xử từ tầng lớp cao hơn của xã hội Bà-la-môn giáo nên họ dần đánh mất niềm tin vào Phật giáo. Chư Tăng không còn viếng thăm những gia đình thuộc tầng lớp thấp kém và hạ liệt, thì kết quả là họ cũng đánh mất cơ hội chấp nhận đạo Phật và lấy lại địa vị trong xã hội. Sự ích kỷ của hàng Tăng lữ trong suốt thời kỳ ấy đã tạo ra một cảm giác tức giận và bất an trong cộng đồng nói chung, góp phần đáng kể cho sự đánh mất niềm tin vào Phật giáo trong những ngày tháng sau đó.

(2) Mối quan hệ giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo

Nhiều mô tả về sự suy tàn của Phật giáo và sự biến mất khỏi vùng đất khai sinh ra đạo Phật đã chú trọng vào các mối quan hệ giữa Phật giáo với Hindu giáo hay Bà-la-môn giáo. Một số học giả tin rằng Phật giáo chưa bao giờ bị nhổ bật khỏi xã hội Ấn Độ. Ngược lại, nó chỉ thay hình đổi dạng và sau đó bị hút vào những thực hành của Hindu giáo. Họ cũng tin rằng, Phật giáo biến mất, không phải vì sự bức hại của người Hindu, mà là uy lực của Hindu giáo cách tân. Tuy nhiên, có đủ chứng cứ lịch sử để thừa nhận rằng Phật tử bị Bà-la-môn bức hại bởi họ rất mãnh liệt trong việc khẳng định đẳng cấp cao tột của họ. Nhà sử học danh tiếng S.R. Goyal đã kết luận rằng, “Theo như nhiều học giả thì sự thù địch của Bà-la-môn giáo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ”[15].

Việc phê bình của Đức Phật đối với Bà-la-môn giáo đã đem lại nhiều kẻ thù trong giới Bà-la-môn. Họ không hoàn toàn đối lập với triết thuyết của Đức Phật như là đối với thông điệp của Ngài về tình huynh đệ và sự bình đẳng cho toàn nhân loại. Khi điều này trực tiếp thách thức đến vị thế bá chủ và kinh điển của họ, họ đã sáng chế để hợp pháp hóa điều này. Để chống lại Phật giáo và phục hồi vị thế bá chủ đang sắp sụp đổ, những nhà cải cách Bà-la-môn giáo đã vận dụng chiến lược “chĩa ba”. Đầu tiên, họ đưa ra một chiến dịch thù hận và khủng bố người Phật tử. Sau đó họ sáp nhập nhiều phương diện đẹp đẽ của Phật giáo vào hệ thống Ấn giáo để lôi kéo các đẳng cấp thấp của họ và đa số Phật tử mới quy y. Tuy nhiên, họ đảm bảo rằng sự chiếm đoạt có chọn lựa này dù thế nào cũng không làm hại đến quyền bá chủ Bà-la-môn giáo. Cú đánh cuối cùng của họ nhằm quét sạch Phật giáo là tuyên bố và rao truyền niềm tin rằng Đức Phật chỉ là một hóa thân khác (avatar) của thần Vishnu của Hindu giáo. Đức Phật lịch sử vì vậy được biến thành một trong vô số các vị thần huyền bí của Bà-la-môn giáo[16].

Thế nhưng chỉ với thái độ thù địch của Bà-la-môn giáo thôi thì không thể giải thích được sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ. Như lịch sử gợi nhắc, sự chống đối của Bà-la-môn giáo với Phật giáo luôn có mặt ngay từ ngày đầu. Điều đó không có gì mới. Nếu Phật giáo có thể tồn tại và phát triển với hơn một ngàn năm dù trong sự thù địch của Bà-la-môn giáo, thì vẫn không có lý do gì để Phật giáo suy tàn với thời gian. “Sự chống đối của Bà-la-môn giáo” bản thân nó cũng đôi khi bị thổi phồng bởi một số sử gia.

Chúng ta nên nhớ rằng chính Đức Phật là người thuộc đẳng cấp Sát-đế-lợi (Kshatriya) liền kề với đẳng cấp Bà-la-môn. Vì thế, Bà-la-môn chưa bao giờ có vấn đề gì liên quan đến sự phân biệt đẳng cấp khi chấp nhận những giáo lý của Ngài. Năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật đều là Bà-la-môn. Phần lớn các Thánh giả A-la-hán của Phật giáo đều thuộc đẳng cấp Bà-la-môn. Bằng chứng lịch sử cũng gợi nhắc rằng, hơn bất cứ đẳng cấp nào khác, chính Bà-la-môn là giới đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển Phật giáo.

Tuy thế, một số Bà-la-môn đã không thích cái cách mà cộng động những người cùng đinh và đẳng cấp thấp được cải đổi một cách nhanh chóng theo Phật giáo và có được vị thế cao hơn trong xã hội. Tầm quan trọng của Bà-la-môn trong xã hội Ấn Độ bị suy giảm đáng kể trong suốt thời kỳ truyền bá Phật giáo. Cảm giác bất an trong các Bà-la-môn đã gây ra sự đố kỵ, ganh ghét và lâu dần trở thành thù hận với cộng đồng Phật giáo đương thời.

Phật tử bị Bà-la-môn bức hại

Phật giáo không có bất kỳ sự phân biệt đẳng cấp nào. Bởi vì Phật giáo xuất hiện là để xóa bỏ hệ thống đẳng cấp đã có trong xã hội Bà-la-môn giáo. Đa số những người thuộc đẳng cấp hạ tiện và cùng đinh đều cải đổi sang Phật giáo để được thay đổi địa vị xã hội. Điều này tạo nên sự bất an cho các Bà-la-môn; và cảm giác bất an này sớm dẫn đến sự phát triển lòng ganh ghét và hận thù trong tâm thức các Bà-la-môn, và họ đã bắt đầu tấn công cả vật chất lẫn tinh thần và tàn nhẫn với cộng đồng Phật giáo[17].

Trong những năm gần đây, quan điểm này được bảo vệ không chỉ bởi một số cây bút thuộc tầng lớp Dalit, mà còn có một số học giả nghiên cứu lịch sử Ấn Độ tiền hiện đại. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo cũng tin rằng nhiều di tích Hồi giáo thuộc kỷ nguyên gần đây thực sự là những đền thờ Ấn giáo trong thời kỳ trước đây. Tuy nhiên, dựa trên chứng cứ khảo cổ, các nhà lịch sử hiện đại có khuynh hướng cho rằng các đền thờ Hindu thường được xây dựng trên nhiều di tích của Phật giáo[18].

Những Phật tử còn lại sau thời kỳ suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ cuối cùng cũng bị hút vào hệ thống đẳng cấp của Ấn giáo, chủ yếu là tiện dân (Shudras). Để hợp pháp hóa chiến dịch chống phá Phật giáo, các kinh điển Bà-la-môn giáo đã gộp rất nhiều sự chỉ trích khốc liệt chống lại Phật tử. Bộ luật Manu, phần Manusmriti, quy định rằng, “Nếu một người chạm phải một người Phật tử, người đó sẽ phải tự tẩy tịnh bằng việc tắm rửa”. Luật Aparaka cũng quy định như vậy trong Smriti. Luật Vradha Harit thì tuyên bố rằng đi vào một ngôi chùa Phật giáo là phạm tội, và chỉ có thể chuộc tội bằng cách tắm rửa bằng nghi lễ. Ngay cả các vở kịch và các sách khác cho người thế tục được các Bà-la-môn viết ra cũng chứa đựng những sự tuyên truyền thâm độc chống lại các Phật tử. Trong tác phẩm cổ điển, Mricchakatika (Act VII), kể người hùng Charudatta, khi nhìn thấy một vị Tăng đi ngang qua, đã kêu lên với người bạn Maitriya của mình rằng, “Ôi! Đây là một điềm xui xẻo, một tu sĩ Phật giáo đang đi về phía chúng ta”. Bà-la-môn Chanakya, tác giả của luận thuyết Arthashastra, tuyên bố rằng, “Người nào dùng bữa tối dâng cúng các vị thần và tổ tiên, rồi cho những người Sakya (Phật tử), Ajivika, Shudra và người bị đày ải, thì sẽ bị phạt một trăm pana”[19].

Sự phục hưng của Hindu giáo

Sự phục hưng của kinh điển Veda trong suốt thế kỷ VIII TL được các học giả phương Tây xem là sự phục hưng của Hindu giáo. Việc này được khởi xướng bởi nhà phục hưng Adi Shankaracharya ở những vùng đồng bằng sông Hằng thuộc Bengal, Bihar và Orissa. Người Hindu vùng Rajasthan cũng tham gia vào hoạt động phục hưng sự thù địch này. Sau khi Harshavardhana qua đời, các Rajput nổi lên ở những vùng Bắc Ấn. Người Rajput thuộc dòng tộc từ trong số các tàn dư của người Huna và bộ tộc bên ngoài khác bị đập tan bởi những hoạt động của các vị vua như Baladitya và các bộ lạc địa phương. Người Rajput được làm cho nổi trội lên bởi giới Bà-la-môn vì mục đích đàn áp Phật giáo bằng vũ lực. Họ sau đó đã thống trị giai đoạn sau của lịch sử Ấn Độ và đóng vai trò then chốt trong việc phục hưng Ấn giáo[20].

Trong suốt thời gian này, lòng sùng kính đối với Đức Phật được thay thế bằng các thần Hindu như Rama và Krishna. Sử thi Mahabharata cũng được viết trong thời kỳ này khi Phật giáo đã bắt đầu suy tàn. Nó có ý định dành cho tầng lớp tiện dân (Shudra), đa số là Phật tử, để thu hút họ trở lại Bà-la-môn giáo. Tuy nhiên, Bà-la-môn giáo vẫn ngăn tầng lớp tiện dân này tiếp cận kinh Veda. Mahabharata có khả năng được viết lại để xoa dịu người tiện dân và bù đắp cho họ sự phân biệt đối xử này. Mahabharata đã sát nhập một số yếu tố nhân văn của Phật giáo để lôi kéo tầng lớp này. Nhìn chung, nó đóng vai trò củng cố vị thế bá chủ của Bà-la-môn. Vì vậy, thần Krishna, trong Gita, được tạo ra để nói lên rằng không được phạm phải luật đẳng cấp đã được quy định một cách thiêng liêng. Nhân vật Eklavya được tạo ra để chặt đứt ngón tay cái của mình dâng lên vị thầy Drona, người đã nhìn thấy điều sai phạm lớn về pháp nên một cậu thiếu niên trong bộ lạc lại giỏi hơn cả Kshatriya Arjun về thuật bắn cung[21].

Nhiều tác giả của các Purana (kinh văn ca ngợi các vị thần) đã thực hiện chiến dịch thù hận, vu khống và phỉ báng có hệ thống để chống lại người Phật tử. Brahannardiya Purana coi nó là tội đứng đầu đối với Bà-la-môn nếu đi vào nhà của một Phật tử ngay cả khi gặp đại hiểm nguy. Vishnu Purana gán cho Đức Phật là Maha Moha (con quỷ), hay “kẻ cám dỗ vĩ đại”. Nó còn cảnh báo tội lỗi nếu nói chuyện với người Phật tử và quy định rằng những ai chỉ đơn thuần nói chuyện với tu sĩ Phật giáo cũng sẽ bị đọa vào địa ngục. Trong Gaya Mahatmaya, phần kết thúc của Vayu Purana, thị trấn Gaya bị đồng hóa là Gaya Asura, một con quỷ đã đạt đến sự thánh thiện tới mức tất cả những ai nhìn thấy hay chạm vào nó sẽ đi thẳng lên thiên đàng. Rõ ràng, con quỷ này không ai khác chính là Đức Phật, người giảng dạy một con đường đơn giản cho tất cả, bao gồm cả những tầng lớp bị áp bức, để đạt đến sự giải thoát.

Vayu Purana tiếp tục kể một câu chuyện rằng, Yama, vị vua của địa ngục, đang ghen tức, bởi vì giờ đây người dân ít đi vào lãnh địa của mình. Ông ta thỉnh cầu các vị thần hạn chế quyền hạn của Asura Gaya. Các vị thần, dẫn đầu bởi Vishnu, đã đặt một tảng đá lớn trên đầu của con quỷ. Huyền thoại quái gở này báo hiệu sự chiếm đoạt cuối cùng trung tâm thiêng liêng nhất của Phật giáo[22].

Kushinagar, còn gọi là Harramba, là một trong những trung tâm quan trọng nhất của Phật giáo vì đó là nơi Đức Phật nhập Niết-bàn. Các Bà-la-môn, vì ghen tức sự thịnh vượng của trung tâm hành hương này, đã bịa đặt ra một lý thuyết phi lý để làm cho người dân không muốn đến đó. Họ đồn rằng nếu ai chết ở Harramba, người ấy sẽ đọa địa ngục. Tuy nhiên, nếu chết ở Kashi, thành trì của Bà-la-môn giáo, sẽ được lên cõi trời. Niềm tin này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Vì thế, khi thánh Kabir mất vào năm 1518 TL ở Maghar, không xa với Kushinagar, một số đệ tử người Hindu của ông đã không dựng đài tưởng niệm nào ở đó, mà lại dựng ở Kashi. Tuy nhiên, đệ tử Hồi giáo của ông ít mê tín hơn nên họ lập mộ ông ngay tại Maghar[23].

Xu hướng sáp nhập niềm tin của đối phương  

Xu hướng sáp nhập niềm tin đối phương của Hindu giáo là rõ ràng với thực tế rằng, nhiều yếu tố từ các niềm tin khác đã được hình thành trong niềm tin của Hindu giáo. Trong khi một số học giả tập trung vào sự khủng bố trực tiếp, số khác lại nói về một tiến trình lâu dài khi mà những thực hành Phật giáo bị sáp nhập vào Hindu giáo. Mặc dù học thuyết ahimsa (bất hại), hay phi bạo lực xuất phát từ Đức Phật và chắc chắn tìm thấy lý giải tuyệt vời nhất trong những lời dạy của Đức Phật, nhưng vào nửa sau của thiên niên kỷ đầu Tây lịch, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của giáo lý Hindu. Tuy nhiên, vẫn không chắc là Đức Phật bị sáp nhập vào chủ nghĩa đa thần giáo của Hindu giáo như một biểu hiện của sự thỏa hiệp hay là một nỗ lực chia đôi nhằm giảm thiểu sức mạnh vượt trội của Phật giáo, hay là Hindu giáo đã hăm hở gom góp làm của riêng, những giá trị chắc chắn mà Phật giáo luôn giữ vững chống lại nhược điểm của Bà-la-môn giáo[24].

Tính bình dị trong thông điệp của Đức Phật với việc nhấn mạnh quyền bình đẳng và chiến dịch chống lại tục hiến tế đẫm máu và tốn kém cũng như chủ nghĩa nghi thức của Bà-la-môn giáo đã thu hút số lượng lớn các tầng lớp bị áp bức. Những nhà phục hưng Bà-la-môn hiểu rằng cần phải thích ứng một số mặt tốt đẹp của Phật giáo và loại bỏ một số điều tồi tệ của mình để thu phục quần chúng trở lại niềm tin của Bà-la-môn giáo. Các tu sĩ Bà-la-môn là những người đã từng tham ăn thịt bò, giờ đây họ bắt chước người Phật tử để trở thành những người ăn chay[25].

Adi Shankaracharya duy trì Phật giáo bằng cách sáp nhập vào Hindu giáo

Đại triết gia Bà-la-môn Adi Shankaracharya (788-820) hết sức quan tâm nghiên cứu các phương diện sâu xa của triết học Phật giáo. Ông được cho là căm ghét đạo Phật và thường xuyên giao chiến với các tu sĩ Phật giáo trong các cuộc tranh luận và mỗi lẫn như thế ông đều giành chiến thắng. Nhưng giả thuyết này rất xa với sự thật vì lý do đơn giản rằng, nếu ông đánh bại các tu sĩ Phật giáo trong tất cả các cuộc tranh luận và không hề có niềm tin vào Phật giáo, thì không có sự hợp lý đằng sau việc làm sáng kiến sát nhập các phương diện tốt đẹp của Phật giáo vào Hindu giáo. Vì thế, vào thời điểm ông mời các tu sĩ Phật giáo vào các cuộc tranh luận, ông đã nghiên cứu đạo Phật và thể hiện một sự kính trọng vô cùng lớn đối giáo pháp của Đức Phật[26].

Ông cũng biết rằng tất cả những tu sĩ Phật giáo mà ông tranh luận đều không hiểu nhiều về giáo lý Đức Phật. Vì sự thiếu hiểu biết đó, họ không thể chuyển tải ý nghĩa chân thật giáo pháp Đức Phật một cách hiệu quả. Vì thế, ông đã nắm thế chủ động đề xướng đưa các phương diện tốt đẹp của Phật giáo vào trong giáo lý nền tảng của Hindu giáo. Dưới sự chủ trì của ông, kinh Veda, Bhagavad Gita và các Purana được viết lại đều sáp nhập các phương diện mới này vào. Đức Phật cũng được chuyển đổi thành một avatara (hóa thân) của thần Vishnu[27].

Những thực hành nơi tu viện vốn không được biết đến trong Bà-la-môn giáo, nhưng sự thực hành này cũng đã được khởi đầu dưới sự lãnh đạo của Adi Shankaracharya. Ông đã thành lập các tu viện ở Badrinath ở phía Bắc, Dwarka ở phía Tây, Srigeri ở phía Nam, và Puri ở phía Đông[28].

Hindu giáo hiện đại là sự lặp lại Phật giáo

Các phương diện tốt đẹp của Phật giáo sau đó được Adi Shankaryacharya sáp nhập vào Veda, Bhagavad GitaUpanishad trong suốt thời kỳ phục hưng của Hindu giáo vào thế kỷ VIII TL. Kết quả là chúng ta không tìm thấy sự khác biệt lớn nào giữa giáo lý Phật giáo và Hindu giáo trong thời hiện đại. Người thế tục và nhiều học giả thường bị đánh lừa vì không biết lịch sử phát triển của Bà-la-môn giáo, Phật giáo và Hindu giáo, và họ không thể phân biệt sự khác nhau nào giữa chúng. Chúng ta nên hiểu rằng Hindu giáo là sự phát triển trễ sau Phật giáo. Có đủ chứng cứ lịch sử rằng Phật giáo đã dọn đường cho sự điều chỉnh giáo lý Hindu giáo xuất hiện sau khi Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng các phương diện tốt đẹp của Phật giáo sau đó đã được sáp nhập vào Hindu giáo dưới sự chỉ đạo của Adi Shandaracharya trong suốt thế kỷ VIII TL.

Vì thế, bằng cách quan sát những giáo lý tương đồng nổi bật trong cả hai tôn giáo này, sẽ là có hiểu biết khi kết luận rằng Hindu giáo hiện đại là một sự tái khẳng định của Phật giáo khi xưa. Ngược lại với tuyên bố này thì chưa bao giờ đúng theo quan điểm lịch sử, vì một tôn giáo đi trước thì không thể sao chép giáo lý của một tôn giáo tương lai[29].

(3) Các yếu tố chính trị và thế tục

Trong suốt các triều đại Kushana và Gupta (325 - 497 TL), cả Phật tử và tín đồ Bà-la-môn giáo đều nhận sự bảo trợ của hoàng gia. Tuy nhiên, sự bảo trợ này đã chuyển từ Phật tử sang Hindu từ đầu thế kỷ VI. Phật giáo bắt đầu suy tàn khi Bà-la-môn giáo xoay chiều qua các phái Vaishnavism và Saivism. Điều này được theo đuổi bởi các vương quốc lân cận và sau đó phát triển thành các trung tâm quyền lực lớn[30].

Shashanka, vị vua Bà-la-môn theo phái Shaivism của Bengal là một người tàn bạo với Phật tử. Nguồn duy nhất với tất cả những tường thuật sau đó về hành vi tàn bạo đối với Phật tử được ngài Huyền Trang ghi nhận trong suốt thời gian chiêm bái trong nửa đầu thế kỷ VII TL.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác về thái độ thù địch của ông đối với Phật giáo vẫn chưa được biết đến. Người ta tin rằng những nhà phục hưng Bà-la-môn đã thúc giục nhiều vị vua Hindu như ông nhằm bức hại và thậm chí tàn sát những người Phật tử vô tội[31]. Điều này cũng thuật lại rằng Shashanka đã huỷ hoại cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng và ra lệnh phá huỷ tất cả những ảnh tượng và tu viện Phật giáo trong vương quốc của ông. Chính sách lệch lạc và phe phái của Shashanka đã bẻ gãy xương sống của Phật giáo ở Ấn Độ[32].

Shashanka cũng sát hại hoàng đế Phật giáo Rajyavardhana là anh trai của vua Harshavardhana vào năm 605 TL. Ông cũng đưa quân đến Bồ-đề đạo tràng và huỷ diệt cây Bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo. Ông cũng ra lệnh loại bỏ hình tượng Đức Phật khỏi Bodhi Vihara gần cội Bồ-đề và dựng tượng Shiva thay vào đó. Shashanka được cho là đã sát hại tất cả những Tăng sĩ quanh vùng Kushinagar[33].

Sau thời gian cai trị của Shashanka, vương quốc Pala được lành lập ở Bengal. Mặc dù các vị vua Pala của Bengal đều hâm mộ phái Vaishnavism và Saivism, nhưng dù sao cũng là những người hộ trì lớn của Phật giáo. Tuy nhiên, khi Bengal đến thời cai trị của những người Sena (1097 - 1223), Saivism được truyền bá thì Phật giáo lại bị bỏ rơi[34]. Một vị vua phái Shaivite thù địch khác như Shashanka là Mihirakula; người này đã ra lệnh phá huỷ hơn 1.500 ngôi chùa Phật giáo. Hành động thù địch của ông được theo đuổi bởi các tín đồ Shaivite; Toramana là người đã phá huỷ tu viện Phật giáo Ghositarama ở Kausambi[35].

Cú đánh cuối cùng từ sự xâm lăng của Hồi giáo

Phật giáo đã đi vào giai đoạn suy tàn khi ngài Huyền Trang đến Ấn Độ trong thời gian trị vì của triều đại Harsha thuộc Kanauj vào đầu thế kỷ VII. Nó cũng chỉ rõ rằng sự suy tàn hơn nữa, đặc biệt trong thời kỳ đầu kỷ nguyên thứ 2, được đẩy nhanh bởi sự xâm lược của Hồi giáo. Phật giáo cũng gặp phải sự cạnh tranh với Hồi giáo trong việc cải đổi người Hindu đẳng cấp thấp. Ngay cả Tiến sĩ B.R. Ambedkar cũng bị thuyết phục một cách chắc chắn rằng Hồi giáo đã giáng một đòn kết liễu đối với Phật giáo. Ông cũng mô tả tiến trình biến mất của Phật giáo ở Ấn Độ như là “Bà-la-môn giáo bị đánh và bị huỷ hoại bởi những kẻ xâm lược Hồi giáo có thể trông chờ vào những nhà thống lãnh với việc ủng hộ, nuôi dưỡng và khôi phục lại[36]. Nhưng Phật giáo bị đánh và bị huỷ diệt bởi những kẻ xâm lược Hồi giáo thì không có hy vọng đó. Không ai chăm sóc cho những kẻ mồ côi và nó điêu tàn trong làn gió lạnh của những kẻ cầm quyền bản xứ và bị thiêu đốt trong ngọn lửa dấy lên bởi những kẻ xâm lược”. Tiến sĩ B.R. Ambedkar tin chắc rằng sự xâm lược Hồi giáo là thảm họa lớn nhất xảy ra đối với Phật giáo Ấn Độ và ông đã mô tả sự kiện này như là “thanh gươm của Hồi giáo đã tấn công mạnh mẽ vào tầng lớp tu sĩ. Không ai còn sống để giữ cho ngọn lửa Phật giáo sáng rực”[37].

Tuy nhiên, luận đề “thanh kiếm Hồi giáo” của Ambedkar vẫn còn gây tranh cải và nhiều sử gia nổi tiếng có khuynh hướng bác bỏ nó hoàn toàn. Bởi vì thực tế rằng Hồi giáo đi vào Ấn Độ muộn, và Phật giáo đã cho thấy dấu hiệu không thể lầm lẫn về sự suy tàn trước lâu khi Hồi giáo thiết lập ở lưu vực sông Hằng, trung tâm Ấn Độ, và cực Bắc của Andhra và Karnataka ngày nay. Trong suốt thời gian Hồi giáo xâm lược, xứ Bengal và Sind do các triều đại Bà-la-môn nắm quyền, nhưng có phần lớn là Phật tử. Phật giáo rơi vào tình trạng suy tàn vào thời điểm đó và cộng đồng bị thờ ơ bởi các tu viện Phật giáo. Người Hindu thuộc đẳng cấp thấp và hạ liệt vừa mới quy y đạo Phật, nay phải chịu sự phân biệt đối xử bởi người Hindu đẳng cấp cao hơn. Giới chức Phật giáo và hàng Tăng lữ không đến để cứu giúp họ vào lúc ấy. Đa số các Phật tử mới quy y này, họ trước đây thuộc tầng lớp người Hindu đẳng cấp thấp, bị ép buộc cải đổi sang Hồi giáo. Tuy nhiên, một số được cho là đã chào đón Hồi giáo như kẻ cứu tinh giúp giải phóng họ khỏi sự bạo ngược của quyền lực thống trị đẳng cấp cao. Điều này giải thích tại sao hầu hết “đẳng cấp thấp” ở Đông Bengal và Sind đều chấp nhận Hồi giáo sau khi Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ. Nhưng một điều rõ ràng từ đây là Phật giáo đang dần diệt vong trong suốt thời kỳ xâm lược của Hồi giáo tại Ấn Độ.

Nếu Phật giáo vẫn còn mạnh trong cuộc xâm lăng Hồi giáo, sẽ dễ dàng ngăn chặn sự cải đổi tín đồ sang Hồi giáo, và cũng giúp lấp cái hố ngăn cách giữa Hindu và Hồi giáo bằng cách huỷ bỏ hệ thống đẳng cấp và thúc đẩy hoà bình và hòa hợp trong xã hội Ấn Độ[38].

Kết luận

Nhiều học giả thường thích miêu tả Bà-la-môn giáo như là một tôn giáo bạo ngược đã khiến các tu viện Phật giáo bị hủy diệt. Nhưng vấn đề này còn phức tạp hơn thế nhiều. Một nghiên cứu gần đây về các Purana Bengal cho thấy rằng giới Phật tử bị nhạo báng như là tinh ranh và độc ác trong các mô tả của Bà-la-môn giáo cũng như phải chịu cảnh bạo lực phóng đại vô cùng lớn. Cảnh bạo lực cường điệu này phải được hiểu theo cả bạo lực tinh thần và vật chất gây ra với Phật tử. Sự triệt tiêu Phật giáo ở Ấn Độ được đẩy nhanh bằng sự tàn phá quy mô lớn các ngôi chùa Phật bởi các Bà-la-môn. Tu viện Maha Bodhi Vihara ở Bodh Gaya bị buộc đổi thành đền Shiva[39].

Tranh cải về quyền sở hữu thực sự Maha Bodhi Vihara ở Bodh Gaya bị kéo dài mãi cho đến khi được UNESCO tuyên bố là “Di sản thế giới” trong những năm gần đây. Tháp trà tỳ của Đức Phật ở Kushinagar bị đổi thành đền Hindu thờ vị thần mơ hồ có tên là Ramhar Bhavani. Adi Shankaracharya được cho là đã thiết lập một Sringeri Mutth (đền) trên vị trí một tu viện Phật giáo mà ông đã chiếm đoạt[40]. Hiện nay, nhiều ngôi đền Hindu ở Ayodhya được cho là dựng lên trên các nền tu viện Phật giáo trước đây. Các ngôi đền Bà-la-môn nổi tiếng khác ở Sabarimala, Tirupati, Badrinath và Puri đều là những trường hợp như thế[41].

Mặc dù có lòng căm thù Phật giáo, nhưng các Bà-la-môn chưa bao giờ phủ nhận hay thiếu tôn trọng với chân lý nội tại trong lời dạy của Đức Phật. Vì thế, sự sáp nhập Đức Phật vào trong ngôi đền bách thần của thần Vishnu đã thể hiện một mức độ nào đó sự thỏa hiệp giữa các Bà-la-môn và Phật tử về các nền tảng đạo đức và triết lý. Những gì Phật giáo đại diện nhằm thúc đẩy hòa bình và hòa hợp trong xã hội, đã được sáp nhập vào các bộ phần nào đó của Hindu giáo hiện đại để làm cho nó được tử tế hơn và chấp nhận trong xã hội[42].  

Dù giờ đây Đức Phật đã được đưa vào Hindu giáo hiện đại trong ngôi đền bách thần của thần Vishnu, nhưng Đức Phật không nên được xem như là một vị thần của đạo Hindu. Cần phải được nhấn mạnh lại lần nữa rằng Đức Phật chưa bao giờ là một nhân vật thần thoại như là thần Vishnu, Shiva, Brahma hay Rama cả, mà Ngài là một nhân vật lịch sử thật sự[43]. Do đó, trong sự soi sáng của chứng cứ lịch sử, chúng ta cần giải thích sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ như là một câu chuyện ngụ ngôn về cách làm thế nào một thần thoại xã hội lại sống lâu hơn một sự kiện lịch sử[44].

Nếu chúng ta phân tích tất cả những yếu tố góp phần và sắp xếp chúng theo niên đại lịch sử, chúng ta sẽ nhận ra rằng, toàn bộ chuỗi sự kiện đó được khởi đầu bởi các Tăng sĩ và giới Tăng lữ khi họ không còn quan tâm đến lời dạy của Đức Phật và tập trung vào việc tích luỹ tài sản dư thừa trong các tu viện. Điều này làm cho họ quá thoả mãn và lười biếng. Họ thường xuyên vướng bận vào các vấn đề tiền bạc và quyền hành. Vì thế, họ từ bỏ thăm viếng cộng đồng và tập trung vào sự giải thoát cho riêng mình thay vì giúp đỡ người dân và tầng lớp bị áp bức để giảm thiểu nỗi khổ đau của họ. Khi cộng đồng bị bỏ rơi, sự kết nối chặt chẽ giữa người thế tục và chùa chiền trở nên yếu ớt và cuối cùng thì tan vỡ.

Điều này thu hẹp sự phổ biến đạo Phật ở Ấn Độ và sớm đánh mất sự ủng hộ từ cộng đồng. Kết quả, giới Bà-la-môn đã nhân cơ hội này làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa người dân và hàng Tăng lữ. Giới Bà-la-môn cũng vận động những người nắm quyền đương thời rút khỏi sự ủng hộ Phật giáo và giúp phục hưng Bà-la-môn giáo đang hiện diện.

Điều đó đưa đến sự phục hưng của Hindu giáo và sự suy tàn thêm nữa của Phật giáo. Đến giai đoạn cuối của cuộc tàn sát hoàn toàn tín đồ Phật giáo và sự phá huỷ chùa chiền trên quy mô lớn chính là lúc Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ. Suốt thời kỳ này, đa số người Phật tử còn sót ở Ấn Độ, trước đây thuộc Hindu đẳng cấp thấp, nay bị buộc chuyển đổi sang Hồi giáo. Một số trong họ dĩ nhiên sẵn sàng tiếp nhận Hồi giáo vì nó không có sự phân biệt đẳng cấp và đủ mạnh để cứu giúp họ khỏi sự tra tấn của Bà-la-môn và người Hindu đẳng cấp cao hơn.    

Sau khi đã khảo sát tất cả những yếu tố góp phần tạo ra sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ, chúng ta phải hiểu rằng, đó không phải là một yếu tố đơn lẻ có thể tách biệt ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho kết quả khủng khiếp này. Chuỗi của nhiều yếu tố thường xuyên hành động hiệp trợ trong thời gian dài để khiến Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ, quê hương của Đạo Phật. Từ quan điểm lịch sử, chứng cứ rõ ràng rằng, Phật giáo chưa bao giờ bị đánh bại trên nền tảng đạo đức và những tranh cải phê bình, nhưng thật sự đã bị cuốn phăng bằng vũ lực và sức mạnh tuyệt đối. Xét thực tế rằng sự thiệt hại lớn nhất đã qua đi, thì giờ đây một sự thực hiện vô ích để cố gắng làm bất kỳ cuộc phẩu thuật lịch sử theo niên đại nào trong việc xác minh cái nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ.

Tài liệu tham khảo

1. Lal, V. 2004. Buddhism’s Disappearance from India [serial online]. [Sự biến mất của Phật giáo khỏi Ấn Độ]. [cited 2009 August 26]; [2 screens]. Available from URL: http://www.sscnet.ucla.edu/southasia/Religions/paths/BuddhismDisappear.doc.

2. Jaini, P.S., Narain A.K., ed., 1980. The Disappearance of Buddhism and the Survival of Jainism: A Study in Contrast. [Sự biến mất của Phật giáo và sự sống sót của Kỳ-na giáo: Một nghiên cứu tương phản]. Studies in History of Buddhism. Delhi: B.R. Publishing Company:181-91.

3. Ahir, D.C. 2005. Buddhism Declined in India: How and Why? [Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ: Như thế nào và tại sao?]. Delhi: B.R. Publishing.

4. Kantowsky, D. 2003. Buddhists in India Today: Descriptions, Pictures and Documents. [Phật tử ở Ấn Độ ngày nay: Mô tả, hình ảnh và tư liệu]. Delhi: Manohar Publications: 156.

5. Goyal, S.R. 1987. A History of Indian Buddhism. [Lịch sử Phật giáo Ấn Độ]. Meerut: 394.

6. Beal, S. 1884. Si-Yu Ki: Buddhist Records of the Western World. [Tây vực ký] London: Trubner & Co., reprint ed., Delhi: Oriental Books Reprint Corporation.

7. Pakistan Defence. 2008. Disappearance of Buddhism from "Non Violent India": An Untold Story. [Sự biến mất của Phật giáo khỏi “Ấn Độ bất bạo động: Một câu chuyện chưa kể]. Daily Muslims. [serial online]. [cited 2009 October 8]; [2 screens].

Available from: URL: http://www.defence.pk/forums/current-events-social-issues/9222-disappearance-buddhism-non-violent-india-untold-story.html

8. Moon, V., ed., 1987. Babasaheb Ambedkar, Writings and Speeches. Bombay: Government of Maharashtra 3: 232-33.   

 

* Đây là bài nghiên cứu của Tiến sĩ Ankur Barua và M.A. Basilio xuất bản lần đầu tiên năm 2009 tại Hồng Kông. 

 

 

 


 

[1] 1.

[2] 1, 2, 3.

[3] 2, 3.

[4] 1, 2, 4.

[5] 1, 2, 5.

[6] 1, 2, 3.

[7] 1, 2, 3, 5.

[8] 1, 2, 3, 4, 5.

[9] 1, 2, 3, 5, 6.

[10] 1, 2 ,3.

[11] 1, 2, 3.

[12] 1, 2, 3.

[13] 1, 2, 3.

[14] 1, 2, 3.

[15] 1, 2, 3, 5.

[16] 1, 2, 3, 7.

[17] 1, 2, 3, 5.

[18] 1, 2, 3, 5.

[20] 1, 2, 3, 5.

[24] 1, 2, 3, 5, 6.

[26] 1, 2, 3, 5.

[27] 1, 2, 3, 5.

[28] 1, 2, 3.

[29] 1, 2, 3.

[30] 1, 2, 3, 5.

[32] 1, 2, 3, 5, 6.

[33] 1, 2, 3, 7.

[34] 1, 2, 3.

[36] 1, 2, 3, 8.

[37] 1, 2, 3, 8.

[38] 1, 2, 3, 7.

[39] 1, 2, 3, 5, 6, 7.

[42] 1, 2, 3, 5, 6.

[44] 1, 2, 3.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle