Đến bờ

den bo

Đến bờ

Ajahn Lee Dhammadaro

 

Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907 - 1961) là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.

Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey Degraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sư là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của sư có thể được tìm thấy trên trang: www.accesstoinsight.org

***

Giáo pháp được dùng để thanh lọc tâm cho tươi sáng, trong sạch và hạnh phúc. Tính khí mỗi người đều khác: người thì thô lỗ, kẻ ôn hòa, kẻ khác nữa tinh tế. Đây là lý do tại sao Đức Phật đã xây dựng giáo pháp theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với tính cách của người nghe. Nói cách khác, Ngài lấy những thứ ngắn và giải thích cho đến khi chúng dài ra. Thí dụ, đôi khi Ngài giải thích về quả lành của việc bố thí, đôi khi về quả lành của giới, và đôi khi về quả lành của việc rèn luyện tâm: cái gọi là thiền. Nhưng mục đích thực sự của Ngài là dạy mọi người thanh lọc tâm. Mọi thứ khác chỉ là công phu.

Mỗi chúng ta giống như người ngồi trên chiếc thuyền giữa đại dương đầy sóng, gió, bão táp. Có người trôi ra quá xa đến mức họ không thể nhìn thấy bờ. Số khác đang nhấp nhô lên xuống giữa biển, nên đôi khi họ nhìn thấy bờ và đôi khi không. Họ là đại diện cho những người có niệm buddho, buddho. Một số nữa đang trôi nổi gần đất liền, họ có thể nhìn thấy những bẫy cá, thuyền buồm và cây xanh trên bờ. Có người cố gắng bơi đến gần bờ hơn, nhưng họ vẫn chưa thể đến đất liền. Đối với Đức Phật, Ngài giống như người đang đứng trên bờ, thoát khỏi mọi nguy hiểm từ biển cả. Ngài đã nhìn thấy những hiểm họa mà con người phải chịu, đó là lý do tại sao Ngài có lòng từ bi lớn lao, muốn giúp chúng ta ra khỏi biển để đến đất liền an toàn. Đây là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta thực hành bố thí, trì giới và hành thiền, vì đó là những thứ sẽ đưa chúng ta lên bờ an toàn.

Khi đã quyết tâm thực hành giáo pháp, chúng ta phải đặt trọng tâm vào mục đích thực sự của giáo pháp. Đừng đi lang thang theo các hướng khác. Bạn phải biết con đường nào là sai, là nguy hiểm; và đường nào là đúng, là an toàn. Tựa như ta lái tàu vượt đại dương. Thuyền trưởng phải theo dõi các tín hiệu từ ngọn hải đăng. Cảnh sát giao thông coi đèn đỏ, vàng và xanh là tín hiệu giao thông tại các giao lộ chính. Nếu tín hiệu bật đèn đỏ mà bạn không dừng lại, tiếp tục đi tới thì có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm và chắc chắn bạn sẽ bị thổi còi. Nếu đèn xanh bật lên nhưng bạn không đi tới, điều đó cũng sai. Đây là lý do tại sao khi lái xe, bạn phải hiểu các tín hiệu giao thông để đi đến đích an toàn.

Tương tự, khi bạn đến với giáo pháp. Bạn phải biết tín hiệu “giao thông” của Đức Phật. Đèn đỏ của Ngài là sự ngăn cấm, là những điều Ngài không cho phép. Bất cứ ai vượt qua đèn đỏ cũng sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, trong khi hành thiền, chúng ta phải chắc chắn rằng mình không vượt qua ngọn đèn đỏ của uế nhiễm.

Đức Phật so sánh uế nhiễm của chúng ta với lửa. Sức nóng của chỉ một mặt trời cũng đủ đun nóng thế giới. Hãy nghĩ xem nó sẽ nóng như thế nào nếu có năm hoặc sáu mặt trời. Những uế nhiễm xung quanh mỗi giác quan của chúng ta giống như sức nóng của mặt trời. Cakkhum adittam: mắt là một khối lửa. Sotam adittam: tai là một khối lửa. Ghanam adittam: mũi là một khối lửa. Jivha aditta: lưỡi là một khối lửa. Kayo aditto: thân là một khối lửa. Mano aditto: tâm là một khối lửa. Đừng để những khối lửa này thiêu đốt bạn. Thông thường những tham dục phát sinh qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là những khối lửa đỏ đốt cháy ta. Nếu trong khi hành thiền ta gắn tâm mình vào những mối bận tâm này, thì giống như ta lấy một que diêm đang cháy và nhúng nó vào dầu hỏa hay xăng. Vì lý do này, trong khi hành thiền, đừng gắn tâm vào công việc gia đình, nhà cửa, tài sản, hoặc là bất cứ ai, bất cứ thứ gì cả. Đây là đèn đỏ của Đức Phật, nơi Ngài bảo chúng ta dừng lại.

Tín hiệu khác là đèn xanh, là giáo pháp đang được khai thông. Khi đèn xanh, đó là dấu hiệu cho bạn đi tiếp. Đèn xanh ở đây tượng trưng cho giáo pháp mà bạn đã học, cũng như giáo pháp mà bạn đang huân tập ngay bây giờ. Khi đèn xanh, thì dù nhanh hay chậm, chúng ta phải đi tới. Đừng chỉ lảng vảng xung quanh, làm cản trở lưu thông, nếu không cảnh sát sẽ bắt giữ bạn. Nói cách khác, khi giáo pháp phát sinh qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, chúng ta phải đi theo sự thiện lành đó.

Giáo pháp là những điều thúc đẩy hoặc lôi kéo ta đến với sự thiện lành, an vui. Ngọn đèn xanh là giáo pháp phát sinh trong tâm trong sạch, thanh tịnh. Hiện tại, tâm chúng ta đã có phẩm chất của Phật chưa? Điều này rất quan trọng. Chúng ta phải quán sát để xem liệu các vấn đề của tâm đang hướng về phía đèn xanh hay đèn đỏ. Nếu không đi đúng hướng, chúng ta phải quay lại. Giống như khi hái hoa, tưới hoa, chưng hoa vào bình, ta phải đảm bảo rằng không có giun sán hoặc sâu bướm nào bám vào hoa. Hãy làm cho tâm giống như một bông sen tinh khiết, nở trong bình. Đó là phẩm chất của Phật. Hoặc nghĩ về nó theo cách khác: tâm tươi mát, sảng khoái như hoa sen nở giữa ao. Bao quanh hoa là nước mát, đầy chất dinh dưỡng, hương sen tỏa ngát. Nếu bạn ngồi đây trong thiền đường với tâm không có bất kỳ chướng ngại nào, thì nó giống như hoa sen nở giữa ao. Đây cũng được gọi là phẩm chất của Phật. Đây là tâm rạng rỡ, hay nói một cách đơn giản hơn, là chất lượng của giá trị nội tại. Khi tâm tràn đầy giá trị nội tâm như thế, nó tự tại, hạnh phúc.

Giáo pháp là một hành uẩn đem lại cho tâm cảm giác sung sướng, viên mãn, thoải mái. Khi nó phát sinh, chúng ta được khuyên phải phát triển và trau dồi nó càng nhiều càng tốt. Hãy giữ tâm trong tương quan này cho đến khi nó đạt được trạng thái đồng nhất: đó là giáo pháp. Bất cứ điều gì tốt đẹp trong tâm, chúng ta cố gắng nâng sự tốt lành đó lên một mức độ cao hơn và cao hơn nữa. Hãy tiếp tục đánh giá nó, tập trung chánh niệm vào đó mọi lúc, để xem tâm đi vào trạng thái tốt đẹp này như thế nào. Điều này được gọi là sự phát triển nền tảng của chánh niệm.

Nếu bạn giữ chánh niệm tập trung vào một con đường duy nhất - như khi bạn nghĩ buddho, buddho - mà không phóng tâm đến các nơi khác, tâm sẽ ngày càng tiến sâu hơn vào trạng thái giá trị nội tâm. Giống như khi chúng ta đi dọc theo một con đường trên mặt đất: nếu chúng ta tiếp tục đi qua đi lại trên con đường đó, chắc chắn nó sẽ bị mòn. Cỏ cây sẽ chết đi, và con đường sẽ bị mòn sâu hơn vào lòng đất, đến mức, khi trời mưa, nó trở thành một nguồn nước, dùng tưới cây, giúp cây phát triển sum sê. Chúng ta sẽ có thể bán chúng để kiếm sống và trở nên sung túc, thoát khỏi đói nghèo. Đây là lý do tại sao phẩm chất công đức hay giá trị nội tâm này được gọi là tài sản cao quý.

Những thứ sâu sắc và tinh tế thường có chất lượng cao. Nếu hơi thở tinh tế, tâm tinh tế và chánh niệm cũng tinh tế, thì ánh sáng tỉnh thức của chúng ta sẽ càng lan rộng hơn, giống như đèn điện lan tỏa ánh sáng của chúng khắp nơi. Trái lại, với ánh sáng của cây đèn dầu, - nếu muốn nhìn thấy tất cả xung quanh - ta phải mang đèn đi quanh. Khi tâm đã tịnh và hơi thở tịnh, chúng ta có thể cảm nhận năng lượng hơi thở khắp nơi. Chúng ta sẽ thấy mọi yếu tố diễn tiến như thế nào. Tâm sẽ phát triển rộng hơn nữa, để nền tảng chánh niệm trở thành đối tượng tham thiền tuyệt vời. Tâm thậm chí còn sâu sắc và tươi mát hơn. Sung mãn và cuồng nhiệt hơn. Tràn đầy và tự tại. Khi tâm thức trưởng thành theo cách này, bạn đã có tài sản cao quý. Bạn không còn nghèo nữa.

Sự mát mẻ giống như nước. Bất cứ nơi nào trên mặt đất có nước, chắc chắn sẽ có cá, cua, tôm, có cỏ và rau, tất cả đều có thể được chuyển đổi thành của cải. Đức Phật đã nhìn thấy sự sung mãn của trạng thái tâm này, đó là lý do tại sao Ngài dạy đệ tử: “…Đừng tham gia vào việc nhận vàng bạc. Tập trung vào việc chỉ làm một điều duy nhất - hướng tâm đến việc thực hành giáo pháp, đặt tâm trí vào một con đường duy nhất - sau đó bất cứ ta muốn gì, chắc chắn ta sẽ đạt được. Đó là vì khi tâm trí tràn đầy đức hạnh và giáo pháp, ta sẽ luôn được giàu có”.

Đây là sức mạnh đến từ việc làm cho lòng tốt của bạn sâu sắc - giống như sông Chao Phraya, sâu hơn và rộng hơn bất kỳ con sông nào khác ở Thái Lan. Nó có đầy đủ mọi thứ: thuyền, bè, thuyền máy, tàu hơi nước, thuyền lớn, thuyền nhỏ…, để việc đi lại và giao thương thuận tiện. Dưới sông sẽ có cá, trên cánh đồng sẽ là lúa và các loại dưa, bắp, lúa mì… - tất cả những thứ này sẽ ở trong bạn. Bạn sẽ giàu có về mọi thứ. Nhưng nếu bạn không phát sinh lòng tốt, thì dù thế nào đi nữa, bạn sẽ không giàu có. Đây là lý do tại sao Đức Phật khuyên các nhà sư “Đừng lo lắng, các ông sẽ không nghèo. Đơn giản chỉ cần tạo thật nhiều điều tốt đẹp trong tâm, và đủ mọi loại tài sản sẽ tự chảy về cho các ông”.

Nhưng chúng ta không thực sự tin Ngài. Thay vào đó, chúng ta tin vào các uế nhiễm của mình, do đó tâm ta tiếp tục trượt về phía những khối lửa đỏ hơn là khối tinh khiết rõ ràng. Đây là lý do tại sao chúng ta được dạy, sukkam bhavetha pandito, người trí phát triển pháp thanh tịnh rõ ràng.

Tất cả những gì được đề cập ở đây liên quan đến các phẩm chất của Đức Phật và giáo pháp.

Phẩm chất của Tăng đoàn là làm cho tâm tiến tới chứ không phải lùi trượt trở lại. Chúng ta phải luôn giữ tâm thật tốt. Chẳng hạn, khi mắt nhìn thấy điều gì đó không tốt, nhưng tâm ta vẫn tốt. Tai nghe điều gì đó không tốt, nhưng tâm ta vẫn tốt. Mũi ngửi thấy mùi không dễ chịu, lưỡi nếm vị không ngon, thân xúc chạm không thoải mái, nhưng tâm của chúng ta vẫn ở trong tình trạng tốt. Điều này được gọi là supatipanno, sự thực hành đúng. Khi chúng ta vững tâm đi đúng đường thì đó gọi là uju-patipanno, sự thực hành một cách thẳng thắn. Khi chúng ta đưa tâm đến tầng thiền quán, đạt được sự siêu việt, đó là ñaya-patipanno, thực hành vì lợi ích của trí tuệ. Đối với samici-patipanno, sự thực hành một cách thuần thục, có nghĩa là làm cho lòng tốt của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn. Thí dụ, khi uế nhiễm phát sinh trong tâm, chúng ta phải sử dụng giáo pháp để nhốt chúng lại. Sự uế nhiễm giống như một chú chó dại chạy loanh quanh trong đau khổ. Khi nhìn thấy ai, nó chạy ngay đến để cắn bừa bãi, cho đến khi cuối cùng nó bị giết hoặc ngã ra chết. Tương tự như vậy, khi các uế nhiễm phát sinh, chúng ta phải nhanh chóng nhốt chúng lại, và giữ chặt chúng. Đừng mang chúng ra sử dụng. Tham lam, sân hận và si mê là những chất say. Khi say, tâm trí của chúng ta ở trong bóng tối. Khi ở trong bóng tối, chúng ta loạng choạng, ngã tới ngã lui, chóng mặt và hoang mang, không biết phải đi đường nào, và kết quả là chúng ta không bao giờ đến được nơi mình muốn.

Ngọn đèn xanh của Đức Phật đưa chúng ta đến ánh sáng trong suốt của phẩm chất Phật, Pháp và Tăng. Khi chúng ta có ba viên ngọc này và đang ngồi trên ngai vàng pha lê của bảy thứ tài sản[1] cao quý, thì làm sao ta khổ được? Khi chúng ta tập trung tâm vào giáo pháp, các loại uế nhiễm ủ mầm trong tâm sẽ phải biến mất. Sẽ không có gì có thể làm tâm thoái hóa. Chúng ta sẽ có khả năng thoát khỏi biển sâu.

Một khi lên được đất liền, chúng ta có thể có bao niềm vui, vì có rất nhiều thứ ta chưa từng thấy trên biển. Giống như khi ta đi vào cửa sông Chao Phraya, nơi có những đầm lầy và cây xanh, ta trở nên thích thú, rồi tiếp tục đi sâu hơn vào đất liền đến đường Sukhumvit. Ở đó chúng ta thấy nào xe đạp, xe tải, xe jeep và những chiếc ô tô xinh xắn với nhiều màu sắc khác nhau. Điều này khiến chúng ta thêm phần phấn khích, đến nỗi một số người bị mê hoặc với những gì họ thấy trên đất liền. Nói cách khác, chúng ta dính chấp với các hình tướng, dấu hiệu xuất hiện trong thiền định. Chẳng hạn, chúng ta có thể bắt đầu nhớ lại những kiếp trước. Nếu nhớ đến những điều tồi tệ, ta trở nên buồn. Nếu nhớ đến những điều tốt đẹp, ta sẽ hạnh phúc. Điều này biến thành tham ái, ham muốn trở thành cái này hay cái kia, và một số người thật sự si mê, nghĩ rằng họ thực sự là những thứ họ nhìn thấy.

Nếu trí tuệ của chúng ta không đủ mạnh, thì bất cứ điều gì ta thấy sẽ biến thành sự hoại diệt của tuệ giác (vipassanupakkilesa) - giống như những người phấn khích khi nhìn thấy chiếc xe hơi lần đầu tiên. Họ chạy đến chiếc xe, muốn ngồi trong đó, muốn lái xe, nhưng không nhìn phải hay trái hoặc dừng lại để lưu ý bất cứ điều gì. Họ chạy ngay ra giữa đường, bị tai nạn, và chết hoặc gãy tay, gãy chân. Sau tất cả những khó khăn mà họ đã trải qua để vượt thoát đại dương, họ lại hoang tưởng và lại đặt mình vào sự hiểm nguy một lần nữa.

Giống như chuyện vừa xảy ra cách đây vài hôm. Một tu sĩ già bước vào tu viện, vì vậy các cư sĩ hỏi ngài đến từ đâu và ngài muốn gặp ai. Người này trả lời: “Tất cả quý vị đều không biết gì cả. Ajaan Lee từng là vua Asoka, đó là lý do tại sao ông ấy xây dựng Wat Asokaram. Tôi là vua Pasenadi của Kosala, bạn cũ của ông ấy. Đó là lý do tại sao tôi đến thăm ông ấy hôm nay”. Nói xong, liền cho đệ tử của mình vào thông báo cho tôi, nên tôi nói với mấy người đệ tử: “Nhanh lên. Quay ra bảo ông ta đi đi. Ông ta tuyệt đối không được vào đây”. Những chuyện như thế có thể xảy ra. Đó là sự mê hoặc khi ở trên đất liền, tức là chấp vào những gì ta nhìn thấy. Vị tu sĩ già đó có lẽ đã có những ý tưởng đại loại như thế trong đầu, vì vậy đã bị cuốn theo.

Nếu bạn bắt đầu nhìn thấy sự vật khi trí tuệ chưa đủ vững mạnh, nó sẽ làm hư hoại tuệ giác - như khi một người chưa từng nhìn thấy xe hơi, anh ta sẽ trở nên phấn khích khi nhìn thấy nó lần đầu. Anh ta muốn lái nó ngay. Rồi không cần nhìn trái hay phải, anh ta chạy về phía nó, ngay giữa đường. Vì vậy anh ta bị tai nạn và chết, may mắn lắm cũng bị bại liệt, gãy tay, gãy chân. Đây cũng là một loại ảo tưởng, một mối nguy hiểm.

Nhưng nếu tuệ giác của chúng ta đủ mạnh, bất cứ điều gì chúng ta thấy sẽ biến thành những kho báu (ariya-dhana). Nếu thấy một khu rừng trong đầm lầy, chúng ta vẫn có thể đưa chúng vào sử dụng. Ta có thể chặt chúng ra thành củi để sử dụng hoặc bán ở chợ. Nếu trên mặt đất là một đám cỏ dại, chúng ta có thể dọn sạch, và biến nó thành những cánh đồng. Nếu chúng không bị để hoang phế, chắc chắn chúng sẽ mang lại mùa màng.

Chấp vào các hình tướng còn được gọi là “tà kiến”. Cách phản ứng đúng đắn khi nhìn thấy hình tướng là nhớ đánh giá nó và sau đó để nó qua đi đúng với bản chất thực sự của nó. Đừng bám víu vào những gì bạn thấy, vì tất cả đều thay đổi. Nếu bạn sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, bạn phải khổ vì mong muốn trở nên giàu có. Nếu bạn sinh ra giàu có, bạn khổ vì phải giữ gìn tài sản của mình, sợ rằng chúng sẽ bị hao mòn, sợ rằng bạn sẽ bị lừa, sợ rằng những tên trộm sẽ đột nhập và đánh cắp chúng đi. Không có gì chắc chắn hoặc đáng tin cậy cả. Các hình tướng cũng thế. Vì vậy, bất cứ bạn thấy gì, hãy cho nó qua đi phù hợp với bản chất của nó. Hãy để cây lại rừng, cỏ trên cánh đồng và lúa trên ruộng đồng. Nếu có thể làm thế, bạn sẽ thoải mái, vì bạn biết đất liền là như thế nào, ở biển cả nó như thế nào, khi nào nên vào và khi nào nên ra. Khi đã có kỹ năng, bạn có thể đi du lịch trên biển hay đất liền, thoải mái về mọi mặt. Bạn có thể tiến hoặc lùi mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Điều này được gọi là lokavidu, hiểu biết thế gian. Bạn có thể hài lòng với những gì bạn biết, nhưng bạn không bị mắc kẹt trong đó. Bạn có thể ở giữa đại dương mà không bị chết đuối. Bạn có thể sống trong thế gian mà không bị chìm trong thế gian - giống như chiếc lá sen trong nước: lá không hề bị thấm nước.

Những thứ do duyên tạo không thuộc về ai, không có ai đảm trách. Nếu bạn quán chiếu chúng và buông bỏ đúng như bản chất của chúng - giống như cách bạn đặt dao xuống, không nắm níu nó - tâm sẽ đạt đến một điểm quan trọng: cõi của tâm tỏa sáng.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

 (Chuyển ngữ từ Coming Ashore, trong Starting Out Small-Portfolio 2: A Collection of Talks for Beginning Meditators)

 



[1] Bảy thứ tài sản là: tín, giới, tàm, quý, văn, thi và tuệ (theo Tăng chi bộ III).

Chia sẻ: facebooktwittergoogle