Ý nghĩa biểu tượng của những tác phẩm điêu khắc Đức Phật đản sinh ở Gandhāra

Ý nghĩa biểu tượng của những tác

Ý nghĩa biểu tượng của những tác phẩm điêu khắc Đức Phật đản sinh ở Gandhāra

Tiến sĩ Ghaniur Rahman[1] - Nghiệp Đức dịch

 

Nghệ thuật điêu khắc Gandhāra được chứng minh là một trong những “ngôn ngữ” đẹp nhất của ngôn ngữ tâm linh Phật giáo. Loại ngôn ngữ này đã đóng một vai trò hiệu quả như một phương tiện truyền bá thông điệp của Đức Phật. Gandhāra đã tạo ra và sử dụng một loại ngôn ngữ biểu trưng thiêng liêng được trang bị bằng các ký hiệu, biểu tượng và hình ảnh có ý nghĩa, có khả năng giải thích thông điệp thiêng liêng của Phật giáo một cách hiệu quả. Nghệ thuật điêu khắc Gandhāra là phong cách nghệ thuật Phật giáo phát triển ở vùng Tây Bắc Pakistan và miền Đông Afghanistan ngày nay, khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VII SCN. Nghệ thuật Gandhāra đại diện cho một số dòng tư tưởng bởi vì nó tiếp xúc với các luồng văn hóa và nghệ thuật khác nhau từ Ba Tư và thế giới cổ đại Hy Lạp-La Mã, và những luồng văn hóa này đã ảnh hưởng lớn đến phong cách của nó và tạo thành nên bản sắc của nó.

Một trong những khía cạnh thú vị của nghệ thuật điêu khắc Gandhāra là trình bày các tình tiết trong cuộc đời của Đức Phật, thể hiện một cái nhìn sâu sắc về Bậc Đạo sư. Những tường thuật thú vị nhất là trình bày những sự kiện kỳ diệu đã xảy ra trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca khi Ngài còn là Thái tử, hoặc những điều kỳ diệu do Ngài thực hiện với tư cách là một Đạo sự siêu việt. Bậc Đại sĩ không bao giờ muốn thuyết giảng giáo pháp của mình bằng cách thực hiện thần thông, nhưng khi cần thiết, Ngài đã thực hiện một số phép thần thông để hoàn thành sứ mệnh của mình qua đó chuyển hóa càng nhiều người càng tốt theo Chánh pháp để họ có thể thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau.

Phương tiện nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá giáo pháp đến với nhiều người. Thông qua tranh tượng, người Phật tử có cơ hội biết được cuộc đời của Bậc Đạo sư của họ. Ngoài ra, các biểu tượng và hình ảnh nghệ thuật còn khơi dậy trong tâm người tín đồ lòng tôn kính đối với Đức Phật, nhờ vậy họ tích tập được phước đức và hướng đời sống của mình theo tấm gương Ngài.

Theo J. Irwin:

Các nghệ sĩ Gandhāra chủ yếu làm việc nhằm chuyển tải các bản kinh, và những gì họ mang lại cho chúng ta là những tường thuật văn học trên đá - chứ không phải một nghệ thuật nói ngôn ngữ thẩm mỹ của chính nó[2].

Những gì đặc trưng nên nghệ thuật điêu khắc này là cách thức rất khác biệt mà ở đó tác phẩm điêu khắc được thể hiện. Nghệ thuật điêu khắc Gandhāra kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca một cách độc lập, không hoàn toàn giống cũng không hoàn toàn khác phong cách Ấn Độ và cổ đại[3]. Một đặc điểm khác của nghệ thuật điêu khắc Gandhara là trình bày liên tiếp các câu chuyện phần lớn theo sơ đồ tuyến tính chiều ngang[4]. Các đặc điểm quan trọng khác là vật liệu được sử dụng và kiểu thức hoàn toàn khác biệt so với những nơi khác cũng như các trường phái trước đây và đương đại ở Ấn Độ. Mặc dù có những tác phẩm bằng vữa ở giai đoạn sau, nhưng vật liệu nổi bật nhất được sử dụng là đá phiến màu xanh đen. Không giống như các trường phái khác ở Ấn Độ, Đức Phật của trường phái Gandhāra có chiếc mũi Hy Lạp thon nhỏ và khoác một chiếc y có nếp gấp theo phong cách Hy Lạp hóa.

Sau khi giới thiệu ngắn gọn về nghệ thuật điêu khắc Gandhāra, chúng ta tiếp tục tường thuật về sự đản sinh của Đức Phật theo kinh điển Phật giáo và nghệ thuật điêu khắc Gandhāra.

Sự đản sinh của Thái tử Tất-đạt-đa

Hoàng hậu Ma-da (Māyā), trong khi đứng dưới gốc cây vô ưu trong vườn Lum-tỳ-ni (Lumbīnī) và nắm một nhành của nó, đã hạ sinh Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha). Đó là một trong nhiều sự kiện kỳ diệu đã xảy ra trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Ngài được sinh ra từ hông bên phải của hoàng hậu và được hai vị thần Bà-la-môn giáo quan trọng nhất là Phạm Thiên (Brahmā) và Đế Thích (Indra) đón lấy.

Có những điểm quan trọng cần lưu ý và hầu hết các kinh sách đều thống nhất: Hoàng hậu Ma-da đã sinh Thái tử trong khi viếng thăm khu vườn; việc sinh hạ không diễn ra trong cung điện Kapilavāstu; rằng hoàng hậu Ma-da đang đứng khi sinh con; và rằng bà đã nắm một cành cây bằng tay phải vào lúc hạ sinh Thái tử[5].

Hoàng hậu Ma-da, trước khi mang thai Đức Phật tương lai, đã chọn đời sống tu tập và quyết định tránh xa mọi thú vui nhục dục. Chính trong thời kỳ này, bà đã mang thai Bồ-tát và ngoài ra, bà cũng mong muốn được ở một nơi yên tĩnh như một khu rừng hay khu vườn. Mong muốn này đã đưa bà đến khu vườn Lâm-tỳ-ni, và chính vào thời điểm ấy sự đản sinh kỳ diệu của Bồ-tát đã diễn ra.

 “Như Aurva (Ưu-lưu) sinh ra từ đùi, Prthu (Tý-thâu) sinh ra từ tay, Mandhatr (Man-đà) hiện ra từ đầu, Kaksivat (Già-xoa) sinh ra từ nách, cũng vậy Ngài sinh ra từ hông phải.

Khi đến đúng thời điểm, Ngài xuất ra khỏi thánh thai; Ngài xuất hiện như thể từ trên trời giáng xuống, vì Ngài không đến thế giới qua cánh cửa cuộc sống; và vì Ngài đã thanh tịnh bản thể mình qua nhiều kiếp nên Ngài sinh ra không vô minh mà hoàn toàn tỉnh thức.

Với ánh hào quang và sự vững chãi của mình, Ngài xuất hiện giống như mặt trời buổi sáng mai, và mặc dù vậy, ánh sáng rực rỡ ấy không làm hoa mắt mà khi nhìn vào lại như ánh trăng[6].

Việc thể hiện của tình tiết này nơi các tác phẩm điêu khắc Gandhāra

Trong các sự kiện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, cảnh đản sinh là cảnh được miêu tả phổ biến nhất ở nơi các tác phẩm điêu khắc Gandhara. Ở nơi các tác phẩm điêu khắc này, hoàng hậu Ma-da được miêu tả với ba tư thế khác nhau khi hạ sinh Thái tử:

1. Chân phải đỡ cơ thể với chân trái cong về phía trước bắt chéo qua chân phải.

2. Chân phải đỡ cơ thể và chân trái bắt chéo ra sau chân phải.

3. Bà đứng mà không bắt chéo chân trên hoặc dưới nhưng cơ thể bà hơi nghiêng về phía bên trái, như vậy để lộ hông bên phải cho Thái tử xuất sinh.

Trong khi đứng trong tư thế này hoặc tư thế khác được đề cập này, bà nắm một cành cây vô ưu trong tay phải vào giây phút hạ sinh Thái tử. Tư thế này luôn được mô tả theo một cách thức giống nhau trong tất cả mọi mô tả. Sự xuất hiện của Bồ-tát cũng luôn được mô tả theo một cách thức như một luật lệ cố định, mặc dù các đặc điểm hình thể của Ngài thì khác nhau. Trong hầu hết các tác phẩm điêu khắc, Ngài được thể hiện bằng những dấu hiệu đặc biệt của một vĩ nhân. Có thể thấy rõ vầng hào quang và nhục kế (uṣnīṣa) trong hầu hết các tác phẩm điêu khắc; tuy nhiên, có những bức phù điêu khác miêu tả Thái tử sơ sinh không có tóc trên đầu giống như những đứa trẻ sơ sinh khác.

Em gái của hoàng hậu là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāprajapatī) luôn được mô tả phía bên phải hoàng hậu. Một nữ hầu, đứng bên phải bà Ba-xà-ba-đề, cầm một cành cọ hoặc một chiếc lông công. Nữ hầu này trong một số tác phẩm khác được miêu tả với một bình nước và một hộp tròn nhỏ, cùng một cành cọ hoặc một chiếc lông công nhưng không có bình đựng nước. Một nữ hầu khác khi được mô tả theo không gian sẵn có sẽ cầm một chiếc gương phía sau bà Ba-xà-ba-đề.

Nhân vật đón hài nhi bên trái được xác định là Đế Thích (Indra/Sākra). Phạm thiên (Brahmā) cũng có mặt trong dịp này, được trình bày đứng phía sau thần Đế Thích. Cả hai được mô tả chủ yếu trong cảnh đản sinh, mặc dù đôi khi chỉ có Đế Thích được mô tả còn Phạm thiên thì không. Người điêu khắc cảnh này dường như chỉ khắc họa những nhân vật quan trọng nhất và loại bỏ những người hầu cận con người và chư thiên khác do vì không gian của khung hình không cho phép. Tuy nhiên, sự hiện diện của hàng ngàn chư thiên được đề cập trong kinh sách vào dịp Thái tử nhập thai và đản sinh[7]. Vì các vị thiên được xem là vô hình và có thể được trình bày bằng sự hiện diện tối thiểu theo đòi hỏi của các dịp khác nhau, trong khi con người phải được nhìn thấy, nên những người hầu cận được chú trọng nhiều hơn. Có lẽ Đế Thích đã được coi trọng hơn vì ngài là thiên vương và do đó là sự lựa chọn phù hợp hơn để đón nhận Thái tử. Niềm vui trên cõi trời thỉnh thoảng cũng được miêu tả. Ở nơi một số bức phù điêu, vào lúc Bồ-tát đản sinh, chư thiên được trình bày đang đánh trống và chơi đàn hạc.

Sau khi xem xét những tác phẩm điêu khắc này, những khác nhau về một số kiểu thức trong cùng một cảnh có thể gợi ra hai điều: 1. Các cảnh được mô tả khác nhau tùy vào không gian khung hình có thể được sử dụng; 2. Có các xưởng khác nhau mà ở đó các nghệ nhân làm việc theo những yêu cầu của khách hàng của họ. Càng có nhiều trung tâm quan trọng thì càng có nhiều phong cách. Việc nghiên cứu các phong cách khác nhau này có thể đưa chúng ta đến việc phát hiện sự tồn tại của các trung tâm thủ công khác nhau và để tìm ra vị trí, sự kế thừa, niên đại, nguồn gốc ban đầu của chúng, cho dù các nghệ nhân có nguồn gốc Ấn Độ, nước ngoài hay cả hai.

Ý nghĩa biểu tượng ở nơi các tác phẩm điêu khắc

- Hoàng hậu Ma-da

Theo kinh sách Phật giáo, từ thời điểm Đức Phật tương lai nhập thai, bốn thiên thần đã canh gác để bảo vệ cả Đức Phật tương lai và mẹ Ngài. Không có tư tưởng tham dục nào khởi sinh trong tâm bà và bà không hề cảm thấy mệt mỏi. Và sau khi hạ sinh Thái tử được bảy ngày, hoàng hậu qua đời và sinh vào cõi trời Đâu Suất[8].

Hoàng hậu Ma-da đôi khi được xem như một ảo ảnh (māya: ảo giác, ảo ảnh, hư ảo). Khi những Phật tử về sau đưa Đức Phật lên tầm mức cao nhất, điều tự nhiên là họ tránh khái niệm Ngài có một người mẹ là con người bình thường, và do đó dường như như họ xem bà như một ảo ảnh được tạo ra để tạo thành phương tiện cho sự chuyển đổi của Đức Phật tương lai từ cõi trời sang thế giới loài người. Ngài được sinh ra một cách khác thường bởi vì Ngài xuất sinh từ hông bên phải của người mẹ, trong khi bà đang đứng, không giống như những con người khác: “Lại nữa, mẹ của Bồ-tát sinh Ngài trong khi đứng. Và Bồ-tát, chánh niệm và tỉnh giác, xuất ra từ hông bên phải của mẹ mình mà không làm tổn hại bà[9]. Cách thức sinh được tường thuật trong kinh điển Phật giáo và nghệ thuật Gandhāra có thể nhằm mục đích thể hiện sự thanh tịnh của Đức Phật trái ngược với sự sinh (bất tịnh) của con người bình thường. Nhưng đồng thời cũng gán cho mẹ Ngài một thân phận bí ẩn.

Ngài có thể đến thế giới con người mà không cần người trung gian (mẹ con người), nhưng vì Ngài đến thế giới con người mà chính nó là ảo ảnh, nên Ngài phải chọn phương tiện ảo ảnh của con người. Như vậy, ngang qua điều này Ngài muốn cho nhân loại thấy rằng sự giác ngộ có thể đạt được và mọi người đều có khả năng giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Sau khi Thái tử chào đời bảy ngày, mẹ của Ngài qua đời, hay nói cách khác là phương diện ảo ảnh đã bị dập tắt sau khi chân lý và ánh sáng trí tuệ được sinh ra. Điều này cũng tượng trưng rằng khi một ánh sáng được thắp lên thì bóng tối biến mất. Khi Đức Phật tương lai đến như một ánh sáng trí tuệ cho thế giới hiện tượng, bóng tối và ảo ảnh bắt đầu tan biến, và sự tan biến mang tính tượng trưng đầu tiên của ảo ảnh, bóng tối hay vô minh là māyā.

Ở nơi các tác phẩm điêu khắc Gandhāra, trong khi hạ sinh Thái tử, hoàng hậu Ma-da luôn được trình bày là đang nắm cành cây vô ưu bằng tay phải[10]. Điều này tượng trưng cho việc bà đang thể hiện sự tôn kính các thần cây (Yākṣa/Yākṣini) và cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho Thái tử được sinh ra từ phía hông bên phải của bà. Các Yākṣa/Yākṣinī luôn được tượng trưng bằng cây cối. Hoàng hậu Ma-da đôi khi cũng được coi là một Yakṣini, người xuất hiện dưới tên gọi và hình thù đó để tạo điều kiện thuận lợi cho Đức Phật tương lai đến trần gian. Trong trường hợp này, Bồ-tát đã đến thế giới loài người thông qua một phương tiện bán thần linh nhưng ở trong hình thù của một con người, điều đó cần thiết để nói với con người về khả năng thành công trong việc đạt được sự giải thoát (Niết-bàn). Hình số 1 là một ví dụ điển hình về Yākṣini và sự tương đồng của vị này với hoàng hậu Ma-da vào thời điểm bà hạ sinh Bồ-tát.

D:\NS GIAC NGO SO 197-338\Số 338 - Phật đản\Hình NS 338\Yaksini.jpg

- Yākṣīṇī

Vào thời điểm Thái tử chào đời, hoàng hậu Ma-da được trình bày trong tư thế điển hình của một Yākṣīnī (nữ thần cây). Như vậy, nhà điêu khắc đã nâng bà lên ít nhất là ngang hàng với vị thần đó.

Các Yākṣā và Yākṣīnī đều phục tùng Đa Văn Thiên vương (Vessāvana) ở khu vực phía Bắc thế giới. Tầng trời thứ nhất, ngay phía trên cõi người, là tầng trời của Tứ đại Thiên vương (Mahārāja). Những vị Đại Thiên vương này, như kinh điển đề cập, đã viếng thăm Đức Phật Thích Ca như đã được nêu trong kinh A-sá-nang-chi (Atānātiya sutta) của Trường bộ. Mặc dù các Yākṣā được đề cập là có niềm tin vào Đức Phật và đã viếng thăm Ngài, nhưng theo cùng một bài kinh, hầu hết các Yākṣā đều chống đối giáo pháp[11].

Cây cối được coi là nơi ở của các Yakṣā và nó cũng được nối kết với nhiều nghi lễ sinh sản. Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ tìm kiếm con cái hoặc các cặp vợ chồng mới cưới thường tìm đến cầu khẩn ở một cội cây nào đó. Theo truyền thống Phật giáo, sau khi giác ngộ, Đức Phất đã đảnh lễ cội cây nơi Ngài đã tọa thiền, và cội cây ấy về sau trở thành một biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo[12].

Về cội cây mà hoàng hậu Māyā đã nắm nhành của nó khi hạ sinh Thái tử, có người cho rằng đó là một cây vô ưu (aśoka), cũng có người cho rằng đó là cây sung (plakśa), nhưng cũng có người cho rằng đó là cây sa-la (śala).

- Những người hầu

Trong nghệ thuật điêu khắc Gandhāra, những người hầu cận được miêu tả là: Ma-ha-ba-xà-ba-đề, em gái của hoàng hậu Ma-da, người đã nuôi dưỡng Thái tử sau khi mẹ Ngài qua đời; bên cạnh Ba-xa-ba-đề, một hoặc hai nữ hầu khác cũng có mặt, một trong số họ hầu như được miêu tả với chiếc lá cọ hoặc lông công, cùng một người hầu gái khác cầm một bình nước hoặc một chiếc hộp nhỏ. Đôi khi một trong số họ cầm một chiếc gương.

Người phụ nữ với chiếc lá cọ hay chiếc lông công có thể được xem là người hầu điển hình để quạt cho người chủ của mình nhằm giảm bớt cái nóng của mùa hè Ấn Độ. Sự hiện diện của càng nhiều người tham dự càng tốt nhằm thể hiện sự giàu sang mang tính biểu tượng và đẳng cấp cao.

Sự hiện diện của chư thiên

Khi Đức Phật tương lai rời cõi trời để đến thế giới loài người, vô số chư thiên đã có mặt, và khi Ngài ngang qua người mẹ ảo ảnh để đến thế giới loài người, lại có mặt những vị thiên nổi tiếng nhất, trong số đó có Đế Thích (tượng trưng cho hành động) và Phạm thiên (tượng trưng cho tri thức) đã có mặt để tiếp đón Đức Phật tương lai và tạo cho dịp này tầm quan trọng cần thiết. Đó cũng là một lời nhắc nhở cho hài nhi rằng sự hiện diện của Ngài đã được định sẵn để đạt được mục tiêu cao cả mà cuộc hành trình của Ngài đã bắt đầu.

- Phạm thiên (Brahmā)

Phạm thiên như là một thiên thần không thể bị nhầm lẫn trong các bức phù điêu mô tả cảnh đản sinh của Đức Phật sơ sinh. Thần mang một chiếc khăn xếp (krobylos-jāta) trên đầu. Thần được miêu tả cả có và không có râu. Thần cũng được trình bày như một Bà-la-môn (Brāhmaṇa).

Sự hiện diện của Phạm thiên trong cảnh Thái tử đản sinh tượng trưng cho một số phát triển ở trong giáo thuyết Phật giáo. Vào thời điểm nghệ thuật được sử dụng như một công cụ truyền bá, đã có những thay đổi căn bản trong Phật giáo và Bà-la-môn giáo.

Sự có mặt của Phạm thiên là một thông điệp gửi đến những người Bà-la-môn rằng ngay cả vị thần tối cao của họ cũng đã hoan nghênh và ủng hộ việc Đức Phật Thích Ca đến với thế giới loài người. Phạm thiên không chỉ chào đón Ngài vào lúc Ngài chào đời mà còn cầu thỉnh Ngài dạy cho con người và chư thiên chân lý mà Ngài đã khám phá ra sau khi đạt được giác ngộ.

Các Phật tử cũng trình bày các vị thần Bà-la-môn giáo như là đệ tử của Bậc Đạo sư. Như vậy, các vị thần Bà-la-môn được đặt ở một vị trí thấp hơn Đức Phật. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, đối với các Phật tử cũng như những người theo Ấn giáo, Phạm thiên, Đế Thích, v.v. đều được xem là những vị thần. Có vẻ như, một mặt các Phật tử đang cố gắng thiết lập tính ưu việt của mình và mặt khác họ đang cố gắng hòa giải với những người Bà-la-môn giáo.

Điều này một mặt cho thấy xã hội thời kỳ đó đã trải qua một quá trình thay đổi lâu dài và có một sự khoan dung nhất định trong xã hội; mặt khác, các học thuyết Phật giáo và Vệ-đà đã phát triển thành những triết lý hoàn chỉnh và cả hai hầu như được nhà nước bảo trợ. Với nền tảng này, các Phật tử Đại thừa đã tận dụng tối đa lợi thế để truyền bá giáo pháp theo nhiều cách khác nhau. Thông qua nghệ thuật, như chúng ta đã thấy ở trước, họ nói với dân chúng theo Ấn giáo rằng các vị thần của họ đã chấp nhận Đức Phật là thầy của họ và họ cũng nên làm như vậy.

- Đế Thích (Sākra/Indra)[13]

Ở nơi tình tiết đản sinh của Đức Phật Thích Ca được miêu tả trong các tác phẩm điêu khắc Gandhāra, thần Đế Thích hầu như được mô tả đang đón nhận Thái tử sơ sinh. Đế Thích, vua của chư thiên, đội khăn xếp và thường không có râu. Nhưng đôi khi thần được trình bày có râu. Theo Grünwedel, Đế Thích có râu đã được các nghệ sĩ tạo kiểu theo hình mẫu cổ điển Hy Lạp - đó là hình mẫu của Thần Zeus (Jupiter). Nhưng theo C. Sivaramamurti, thần cũng được mô tả không có râu trong tác phẩm điêu khắc Gandhāra và hình mẫu của Đế Thích đó là hình mẫu của một Bà-la-môn trẻ tuổi[14].

Những Phật tử coi Đế Thích là Thiên chủ của cõi trời Tam thập tam (Trāyastriṃṣa). Ngài ngự trong điện Tối thắng (Vejayanta), cưỡi voi Erāvaṇa (Sanskrit: Airāvata). Thay vì là Purandara, kẻ hủy diệt các thành phố như trong thần thoại Hindu, ngài là Purindada, người ban tặng các thành phố. Vũ khí của ngài là tia sét (vajra) và ngài luôn quan sát để bảo đảm sự an ổn cho thế giới[15].

Đế Thích được cho là đã diện kiến Đức Phật Thích Ca vào nhiều dịp. Khi Thái tử Tất-đạt-đa lần đầu tiên cắt bỏ mái tóc của mình, chính Đế Thích đã nhặt tóc ấy và cất giữ nó trên cõi trời Tam thập tam. Thức ăn mà nàng Sujāta dâng cho Bồ-tát được Đế Thích đặt đầy cam lồ vào đó. Khi Đức Phật từ cung trời Đao lợi trở lại trái đất tại thành phố Sankāṣya sau khi giảng pháp cho mẹ Ngài và các vị thiên khác ở đó, chính Đế Thích là người đã tạo ra ba chiếc thang để Ngài đi xuống và thậm chí còn cùng với Đại Phạm thiên tháp tùng theo Ngài. Theo lời nguyện của Đế Thích trong kiếp trước khi là Chuyển luân Thánh vương, thần nhận trách nhiệm là vị hộ pháp và do đó thần là người bảo vệ Tăng đoàn Phật giáo[16].

Kết luận

Có nhiều phiên bản khác nhau về nơi Thái tử xuất sinh: từ sườn phải, dưới cánh tay phải hoặc hông phải. Trong mọi trường hợp, như Isao Kurita tường thuật[17], “điều này có liên quan đến một truyền thuyết trong xã hội Ấn Độ cổ đại rằng, giới vua chúa (kṣātriya) sinh một đứa trẻ từ cánh tay phải (biểu tượng cho sức mạnh quân sự) hoặc sườn bên phải”. Nhưng trong tác phẩm điêu khắc Gandhāra, phương thức miêu tả duy nhất cho thấy Bồ-tát xuất hiện từ sườn bên phải, ngay phía trên hông phải.

Những tác gia Phật giáo về sau, giống như các nghệ sĩ, dường như đã thu hẹp những khác biệt giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo hoặc ít nhất đã cố gắng dung hòa chúng với tôn giáo cũ. Văn bản mà trên đó nghệ thuật Phật giáo đặt cơ sở dường như đã chịu ảnh hưởng các Vệ-đà. Ví dụ, về sự ra đời của Đức Phật, họ đã tìm kiếm một phương thức sinh thể hiện sự vĩ đại của Ngài và câu trả lời đã được tìm thấy ở Rig-Veda, ở đó thần Indra đã từ chối sinh ra theo cách thông thường và nhất quyết sinh ra từ sườn bên phải của người mẹ. Có lẽ các Phật tử đã dựa theo câu chuyện này và do đó Đức Phật sơ sinh thường được mô tả là xuất sinh bên hông phải của người mẹ.

Tầm quan trọng của nghệ thuật điêu khắc Gandhāra như một ghi chép về lịch sử, phương tiện giao tiếp và truyền bá đã được thể hiện rõ ràng từ những gì được thảo luận ở trước. Khi xem qua kinh sách, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa và mục đích tại sao nó được viết. Khi xem qua các câu chuyện nghệ thuật, chúng ta thấy những hình ảnh và biểu tượng khác nhau, chúng không chỉ gợi nhắc chúng ta về sự kiện này hay sự kiện khác. Ngoài ra, chất liệu được sử dụng, kiểu dáng và trang phục của các hình tượng cho chúng ta biết về văn hóa, kinh tế, tôn giáo và cuối cùng là những ảnh hưởng từ các nền văn hóa và môi trường khác.

Nghệ thuật điêu khắc Gandhāra được chứng minh là một ngôn ngữ biểu đạt rất hiệu quả trong giới nghệ thuật thế giới. Nó là một nghệ thuật, được dùng như một công cụ truyền bá một tôn giáo, đã phát triển mạnh mẽ cách đây hơn hai nghìn năm và nó vẫn là một công cụ để thuật lại lịch sử của tôn giáo, triết học và các khía cạnh khác của xã hội thời đó. Tác phẩm điêu khắc Gandhāra hoàn thiện về chức năng và thẩm mỹ đến mức nó đã được chứng minh là một trong những thành viên quan trọng của các nền văn minh lịch sử thế giới trong quá khứ và hiện tại.

Nguồn: academia.edu


 

[1] Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Taxila, Đại học Quaid-i-Azam, Islamabad, Pakistan.

[2] Irwin, J., “The Mystery of the (Future) Buddha’s First Words”, Annali [dell’]Istituto Orientale di Napoli, 41, (Napoli: Istituto Orientale, 1981), tr.633.

[3] Xem Taddei, M., Arte narrative tra India e mondo ellenistico, (Roma: IsMEO, 1993), tr.25.

[4] Taddei, M., Arte, (1993), tr.35.

[5] A. Foucher, The Life of the Buddha According to the Ancient Texts and Monuments of India, (New Delhi: Munshiram Manoharlal, 2003), tr.30.

[6] Aśvaghoṣa, Buddhacarita or Acts of the Buddha, Part II, E.H. Johnston dịch, (Delhi: Motilal Banarsidass, 1936), tr.4-5,

[7] J.J. Jones, The Mahavastu, (1956), tr.2, 17.

[8] Xem, Introduction to Jataka (H.C. Warren dịch, Buddhism in Translation, 1986), tr.45.

[9] J.J. Jones, The Mahavastu, phần II, (tr). (1952), tr.18.

[10] Op.cit., tr.17.

.

[11] Xem kinh số 19 và 32 của Trường bộ.

[12] Kewal Krishan Mittal, “Significance of Some Buddhist Myths and symbols” trong Buddhist Art and Thought, Ed. Kewal Krishan Mittal and Ashvini Agrawal, (New Delhi: Harman Publishing House, 1993), tr.156.

[13] Phật giáo đã thay thế thần Indra của Bà-la-môn giáo bằng thần Sākra.

[14] Xem C. Sivaramamurti, “Amarāvatī Sculpture in the Madras Government Museum”, trong Bulletin of the Madras Government Museum, (Madras: 1977), tr.85

[15] C. Sivaramamurti, “Amarāvatī”, (1977), tr.86.

[16] Xem A. Grünwedel, Buddhist Art in India, (translated from the ‘Handbuch’ of Albert Grünwedel, by Agnes C. Gibson, Revised and Enlarged by Jas. Burgess, (London: Bernard Quaritch, 19010, tr.90 & Sivaramamurti, C., “Amaravati”, (1977), tr.88.

[17] Kurita, Isao., Gandhara Art 1: The Buddha’s Life, (2003), tr.302.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle