Đức Phật: Có hay không quan điểm cách mạng xã hội?

duc phat co hay

Đức Phật: Có hay không quan điểm cách mạng xã hội?

 

Đã có nhiều tranh luận về việc Đức Phật Thích Ca có được xem là một nhà cách mạng xã hội trong thời đại của Ngài. Chúng ta thử nhìn nhận vấn đề dưới những góc cạnh khác nhau của xã hội Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nơi mà hệ thống giai cấp chi phối đời sống xã hội khá nặng nề.

Xã hội Ấn Độ thời Đức Phật

Hệ thống đẳng cấp (caste system) đứng đầu là giai cấp Bà-la-môn đã ăn sâu trong tâm thức và định kiến xã hội. Đạo Bà-la-môn phát triển đến thế kỷ I sau Tây lịch thì thành Ấn Độ giáo. Tôn giáo này quy định thứ tự của các đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ như sau:

- Bà-la-môn (Brahman) gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp cao thượng nhất, sinh từ miệng Brahma, thay ngài cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng. Dân chúng Ấn Độ rất tôn sùng đẳng cấp này.

- Sát-đế-lợi (Kshastriya) là hàng vua chúa quý tộc, quan lại, võ tướng. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ cánh tay Brahma, thay mặt cho Brahma nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

- Vệ-xá (Vaisya) là những người bình dân, thương gia, nông dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh ra từ bắp vế Brahma, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia).

-Thủ-đà-la (Sudra) là hàng tiện dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ gót chân Brahma, phải thủ phận và phải phục vụ các giai cấp trên.

- Chiên-đà-la (Caṇḍāla) là giai cấp người cùng khổ. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp thấp kém nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất (gánh phân, dọn nhà vệ sinh, giết mổ gia súc), bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những người thuộc đẳng cấp cao như Bà-la-môn, Sát-đế-lợi.

Ấn Độ giáo quy định rất nghiêm khắc về sự phân biệt các đẳng cấp người tại Ấn Độ: Tổ tiên thuộc đẳng cấp nào thì con cháu cũng thuộc đẳng cấp đó, dù có gắng phấn đấu đến đâu thì cũng không thể được xếp lên đẳng cấp cao hơn (ví dụ: một người Thủ-đà-la dù tài năng, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công thì cũng mãi chỉ là lính, không bao giờ được bổ nhiệm làm tướng quân vì chức vị đó chỉ dành cho người thuộc đẳng cấp Sát-đế-lợi trở lên).

Người thuộc các đẳng cấp chênh lệch xa thì không được kết hôn với nhau.

Một số công việc chỉ dành cho người thuộc đẳng cấp cao, đẳng cấp thấp hơn không được phép làm, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt (ví dụ: việc cúng tế tôn giáo chỉ có đẳng cấp Bà-la-môn được phép làm; chức vị quan lại, tướng quân chỉ có đẳng cấp Sát-đế-lợi trở lên được phép làm).

Vào thời Đức Phật Thích Ca tại thế, Bà-la-môn là cấp cao nhất trong hệ thống xã hội phân chia tầng lớp ở Ấn Độ và do đó, họ rất kiêu ngạo. Nhiều Bà-la-môn cho rằng chỉ họ mới mang dòng máu "trắng", là dòng máu trong sạch và tất cả các hạng người còn lại chỉ sống để phụng thờ họ.

Đức Phật có thách thức uy quyền của giai cấp Bà-la-môn?

Trong những bài kinh thuộc văn hệ Pāli, Đức Phật không hề chống đối giai cấp Bà-la-môn, nhưng Ngài bảo rằng không phải cứ sinh ra trong một gia đình dòng dõi Bà-la-môn là tự nhiên trở thành một Bà-la-môn. Người ta chỉ "trở thành" một Bà-la-môn với những hành động, những ý nghĩ cao thượng và đó chính là những tiêu chuẩn đích thực để đánh giá con người. Bất cứ người nào cũng có thể được gọi là Bà-la-môn nếu họ đạt những hành động và nhân phẩm cao thượng. Đây là một chiến thuật tuyệt vời của Đức Phật khi Ngài chuyển ý nghĩa "giai cấp Bà-la-môn" thành "đạo đức Bà-la-môn", tức là một người có đầy đủ đức hạnh thì đáng được tôn trọng, bất kể họ thuộc giai cấp nào trong xã hội thời đó. Với sự khéo léo này, Đức Phật vừa ngầm lên án sự phi lý, bất công của chế độ phân biệt đẳng cấp của xã hội Ấn Độ cổ, vừa không để những người Bà-la-môn viện cớ tấn công Đạo Phật.

 Đức Phật thu nhận mọi giai cấp

Giáo pháp của Ngài dành cho mọi thành phần, không phân biệt xuất thân từ đâu. Mọi người đều có thể đến các tự viện để tu học. Trong tăng đoàn của Đức Phật mọi người đều bình đẳng, việc phân chia thứ hạng chỉ dựa trên thành tựu tu hành chứ không phải giai cấp xuất thân của người đó. Đức Phật từng thu nạp nhiều người Chiên-đà-la vào Tăng đoàn, dù điều này khiến nhiều người thời đó dè bỉu. Trong kinh Phật tự thuyết/Udāna (Tiểu bộ), Đức Phật nói:

Ai lìa bất thiện nghiệp

Đi trên đường thanh tịnh

Tinh tiến, thoát trói buộc

Ta gọi Bà-la-môn.

  Bản thân Đức Phật thuộc giai cấp Sát-đế-lợi nhưng Ngài chỉ dùng chân lý của sự bình đẳng, từ bi để đáp lại xã hội có hệ thống đẳng cấp nghiêm ngặt như thời đó. Ngài tuyên bố rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng và “không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ”. Tinh thần từ bi và bình đẳng của Đức Phật đã đem lại ánh sáng cho nhân dân Ấn Độ.

Những điểm cách mạng trong giáo pháp của Đức Phật

 Tư tưởng của Ấn Độ hơn 2.500 năm trước tuy phong phú nhưng lâm vào trạng thái hỗn loạn, với những trào lưu tư tưởng mâu thuẫn, đối chọi đến cực điểm. Chính trong thời điểm đó cần phải có ai đó chỉ ra con đường đúng cho nhân dân đi đến chân lý cuối cùng, cần phải có một triết thuyết, hay một tôn giáo cách mạng nhất, mới mẻ và đầy đủ nhất. Có hai luồng tư tưởng cực đoan: một là hưởng lạc theo thời thế và hai là tu hành khổ hạnh, một bên lạc quan còn một bên yếm thế. Giáo pháp của Đức Phật đưa ra tư tưởng trung đạo, không chỉ cứu xã hội Ấn Độ lúc đó mà cứu cả nhân loại đến ngàn năm sau.

Đối tượng trong công cuộc cách mạng của Ngài: một là xã hội Ấn Độ với hệ thống giai cấp nghiêm ngặt, hai là tôn giáo thần quyền không có chân lý cuối cùng, ba là cái tôi nhỏ bé tự tư, cứ sống chết tuần hoàn không ngừng nghỉ.

Cuộc cách mạng của Phật, nếu có thể gọi như vậy, hoàn toàn khởi phát từ lòng từ bi để giúp đỡ, cảm hóa hết thảy. Ngài không dùng bạo lực, cuộc cách mạng không đổ máu, đó mới chính là cách mạng chân chính.

Đức Phật không nhắm thay đổi cấu trúc, trật tự xã hội mà chủ yếu thay đổi tâm thức con người. Ngài biết rõ cái khoảng tối vô minh che phủ tâm trí mỗi người trong tam độc tham sân si nên phải làm cách mạng với chính mình: khước từ tiện nghi, vinh hoa, những khoái lạc do ngũ dục, lìa bỏ mọi ô nhiễm tâm trí, đoạn trừ lậu hoặc để sống một đời sống bình yên, theo Bát chánh đạo.

Đặc biệt Phật chủ trương diệt trừ tham dục. Trong tác phẩm “Thích Ca Mâu Ni”. Đại sư Tinh Vân kể về lời của Ngài nói với vua Tần-bà-sa-la khi ông thuyết phục Ngài trở về hoàng cung “Ngôi vua cao quý, đất đai rộng rãi, tôi cho rằng đó chỉ như một miếng thịt thối, không đáng ngửi. Nhưng có một đàn chim đang sà xuống đậu ở bốn chung quanh, tranh giành nhau ăn miếng thịt thối đó. Chúng cho rằng đó là mỹ vị, của lạ vật ngon… Vàng bạc, của cải, mọi thứ quý báu, tất cả các nơi tích tụ chúng, đều dễ gây nên oán thù, sự thò nanh trở vuốt giữa người với người, chiến tranh liên miên giữa nước này với nước khác, chẳng qua là vì những thứ đó ư? Trên thế gian không biết bao nhiêu chúng sinh vì tham dục nên đã qua đời. Tham dục giống như miệng của hố lửa, ở bên trên chỉ phủ một lớp mỏng giả tạo. Nếu ta nghĩ rằng có thể bước qua một cách bình yên, nhưng khi rơi xuống thì chết cháy”.

Đức Phật nhấn mạnh đến nghiệp (karma) và phước đức, những điều sẽ quyết định số phận con người chứ không phải giai cấp xuất thân.

 Sự bình đẳng trong tu tập là điều phải lưu ý. Đạo Phật là đạo thực chứng nên mọi thành viên phải dựa vào công phu hành trì tu tập bản thân chứ không phải theo tầng lớp xã hội nào.

Di sản của Đức Phật

Có người đã phê bình rằng dù Đức Phật đã chấp nhận sự bình đẳng trong hàng ngũ Tăng chúng nhưng Ngài vẫn không làm sao thay đổi xã hội bên ngoài. Cho đến nay tư tưởng đẳng cấp vẫn còn nặng nề ở Ần Độ, trong khi Đức Phật chú trọng đến sự giải thoát tâm linh chứ không nhằm mục đích đấu tranh xã hội như Martin Luther King hay một số nhà họat động xã hội khác. Tuy nhiên, giáo pháp Đức Phật cũng tạo cảm hứng cho những nhà cải cách gần đây ở Ấn Độ như B.R. Ambedkar, người đã tích cực đấu tranh chống lại hệ thống giai cấp trong xã hội. Đây có thể được xem là di sản của Đức Phật.

Thông điệp phổ quát mà Ngài để lại thế gian, ngoài việc tập trung diệt khổ bằng trí tuệ và thiện nghiệp, vạch ra con đường giải thoát cho tất cả thế gian, không phân biệt tầng lớp là cải tạo cơ cấu xã hội để bình đẳng hơn.

 Tóm lại, mặc dù Đức Phật không kêu gọi xóa bỏ giai cấp, giáo pháp của Ngài rõ ràng thách thức tính hợp lý của hệ thống ấy và đặt nền móng cho những phong trào cải cách tương lai. Ngài là một tấm gương trong lịch sử Ấn độ về tính bình đẳng và thay đổi tư duy giai cấp.

Hướng về ngày Phật đản sinh với những tư duy ấy để thấy Phật vẫn quanh ta, bên ta và trong ta, cùng ta chế ngự tam độc và phat huy Tứ vô lượng tâm.

Nguyên Cẩn

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle