Năm rồng kể chuyện rồng
nam rong
Năm rồng kể chuyện rồng
Nguyên Giác
Giáp Thìn đang tới. Theo truyền thống mừng Tết Nguyên đán, hình ảnh linh vật
rồng đã xuất hiện nhiều nơi trên phố chợ và truyền hình, với ước mơ cho năm mới,
người người sẽ an vui hơn, sẽ hạnh phúc hơn. Bất kể, thực tế là năm 2024 có thể
sẽ bất an nhiều hơn, tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Bài viết này, trong
dịp đưa tiễn năm cũ để đón năm mới, sẽ kể chuyện rồng, với lời chúc an vui và
hạnh phúc cho tất cả chúng sinh nơi cõi này.
Trong kinh Pháp cú, bài kệ 182 viết rằng, theo bản dịch của Thầy Thích
Minh Châu:
182. Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời!
Theo Đại sư Weagoda Sarada Maha Thero, Đức Phật đã nói lên bài kệ này khi nói về
Long vương Erakapatta, một vị vua của loài rồng. Vào thời xa xưa, có một vị vua
rồng tên là Erakapatta. Trong một tiền kiếp vào thời Đức Phật Kassapa, vua rồng
nguyên là một nhà sư trong một thời gian dài. Vì lo lắng về một lỗi nhỏ đã phạm
trong thời gian đó, vị sư đã tái sinh thành một con rồng (nāga). Nhờ oai
đức trong tiền kiếp là một vị sư, nên tuy mang thân rồng, vị này vẫn chờ đợi sự
xuất hiện của một vị Phật.
Long vương Erakapatta có một cô con gái rất xinh đẹp và vua rồng đã dùng cô làm
phương tiện để tìm thấy Đức Phật. Long vương cho mọi nơi biết rằng ai có thể trả
lời các câu hỏi khó của Long nữ thì sẽ trở thành chồng của cô. Cứ mỗi hai lần
mỗi tháng, Long vương Erakapatta bắt cô Long nữ nhảy múa ngoài trời và hát lên
những câu hỏi của cô. Nhiều người cầu hôn đến giải đáp thắc mắc của cô với hy
vọng chiếm được cô nhưng không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Một ngày nọ, Đức Phật Thích Ca nhìn thấy một thanh niên tên là Uttara trong linh
ảnh của Ngài. Ngài biết rằng chàng trai trẻ sẽ đạt được quả Tu-đà-hoàn liên quan
đến những câu hỏi do con gái của Long vương Erakapatta đưa ra. Lúc đó chàng trai
đã lên đường đi tìm gặp con gái của Erakapatta. Đức Phật đã ngăn chàng trai lại
và dạy anh này cách trả lời các câu hỏi. Trong khi đang được giảng dạy, Uttara
đã đắc quả Tu-đà-hoàn. Bây giờ chàng Uttara đã đắc quả Thánh đầu tiên nên không
còn ham muốn nàng công chúa Long cung nữa. Tuy nhiên, chàng Uttara vẫn đi trả
lời các câu hỏi vì lợi ích của nhiều chúng sinh khác.
Bốn câu hỏi đầu tiên là: (1) Ai là người cai trị? (2) Người bị sương mù ô nhiễm
đạo đức tràn ngập có được gọi là người cai trị không? (3) Người cai trị nào xa
lìa khỏi những ô nhiễm đạo đức? (4) Loại người nào bị gọi là kẻ ngu?
Chữ “người cai trị” (ruler) có thể hiểu là một vị vua, một người làm chủ
được thế giới hay làm chủ một đất nước. Ở đây là người làm chủ được thân tâm
mình.
Câu trả lời chàng trai Uttara đưa ra cho các câu hỏi trên là: (1) Người kiểm
soát được sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý] là người cai trị. (2) Người bị
sương mù ô nhiễm đạo đức tràn ngập không được gọi là người cai trị; người thoát
khỏi tham ái được gọi là người cai trị. (3) Người cai trị thoát khỏi tham ái sẽ
xa lìa tất cả những ô nhiễm đạo đức. (4) Người tìm kiếm dục lạc được gọi là kẻ
ngu.
Sau khi đã nghe các câu trả lời chính xác cho những câu hỏi trên, công chúa Long
nữ đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến lũ lụt của dục vọng, của kiếp sống tái
sinh, của học thuyết sai lầm và của vô minh, và hỏi về cách vượt qua các lũ lụt
đó. Chàng Uttara trả lời các câu hỏi này theo lời Đức Phật đã dạy. Khi Long
vương Erakapatta nghe những câu trả lời này, ông biết rằng một vị Phật đã xuất
hiện trên thế giới này. Vì thế Long vương yêu cầu Uttara đưa ông đến gặp Đức
Phật. Khi gặp Đức Phật, Erakapatta kể cho Đức Phật nghe về việc ông đã từng là
một Tăng sĩ vào thời Đức Phật Kassapa, về việc ông đã vô tình làm gãy một ngọn
cỏ khi đang đi trên thuyền và ông đã lo lắng như thế nào về lỗi nhỏ đó vì đã
không thực hiện hành động sám hối, và cuối cùng vị sư đã tái sinh thành một vua
rồng như thế nào. Sau khi nghe Long vương nói, Đức Phật đã nói với ông rằng thật
khó để được sinh vào cõi người, và khó được sinh ra vào thời điểm chư Phật xuất
hiện, hoặc trong thời gian các Ngài giảng dạy.
Đoạn kết câu chuyện kể trên hình như không theo công thức truyện cổ tích bình
thường, nhưng đó không phải là mối bận tâm của những người thời xưa.
Có lẽ hình ảnh nàng Long nữ trong câu chuyện trên đã là nguồn cảm hứng cho các
thế hệ sau, những vị ghi lại kinh Diệu pháp liên hoa mà chúng ta thường
gọi tắt là kinh Pháp hoa, ở đó Long nữ xuất hiện trong phẩm 12, tức phẩm
Đề-bà-đạt-đa. Kinh Pháp hoa xuất hiện vào thời bùng nổ các cuộc tranh
luận đã gây ra chia rẽ Phật giáo thành khoảng 20 bộ phái. Kinh Pháp hoa
nói rằng Phật giáo là Nhất thừa, tức một cỗ xe thôi, không có gì để phân chia bộ
phái.
Khi Đức Phật tuyên thuyết trên núi Linh Thứu như thế, hàng ngàn vị Bồ-tát (học
pháp từ ngài Văn Thù Sư Lợi) từ Long cung bay lên đỉnh núi Linh Thứu. Trong đó
có Long nữ, con gái của Long vương Sāgara, bước đến và cúng dường Phật Thích-ca.
Tức thời, Long nữ biến thành Phật. Hình ảnh này cho thấy những điểm mới do Đại
Thừa đưa ra: tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, và thời gian thành Phật có
thể là khoảnh khắc là tức thân thành Phật. Hình ảnh đó trở thành tư tưởng đốn
ngộ của Thiền tông, hễ thấy tánh thì thành Phật. Tánh Phật là dụ cho viên ngọc
quý.
Trong kinh Diệu pháp liên hoa, bản Việt dịch do Hòa thượng Thích Trí
Quang dịch giải, nơi phẩm 12, viết, trích lời của Bồ-tát Văn Thù (thầy dạy Pháp
cho Long nữ) nói rằng: “Long nữ của Diêm hải long vương mới tám tuổi mà trí
tuệ, lợi căn, khéo biết trình độ và hành vi của chúng sinh. Được pháp tổng trì,
tiếp nhận và ghi nhớ đủ hết kho tàng bí yếu sâu xa của chư Phật tuyên thuyết.
Vào sâu thiền định, thấu suốt các pháp. Trong khoảng đơn vị ngắn nhất của thời
gian mà phát lộ tuệ giác vô thượng, thành bậc không còn thoái chuyển. Đủ các tài
hùng biện. Thương chúng sinh y như thương con đỏ. Công đức hoàn hảo. Lòng nghĩ,
miệng nói, toàn là tinh túy cao cả. Từ bi, khiêm nhượng, chí ý hòa nhã. Long nữ
ấy có đủ năng lực đạt đến tuệ giác vô thượng”.
Đây là những tư tưởng rất là mới. Vì truyền thống nói rằng thân nữ không thể
thành Phật, phải chờ kiếp khác có thân nam, cũng như rồng là súc sinh, không thể
thành Phật. Vậy mà kinh Pháp hoa nói rằng, chỉ trong khoảnh khắc là đủ để
Long nữ thành Phật.
Bản dịch ghi tiếp: “Long nữ có một viên ngọc quý, giá bằng cả đại thiên thế
giới. Bấy giờ Long nữ hai tay nâng viên ngọc ấy hiến lên Đức Thế Tôn. Đức Thế
Tôn nhận liền. Long nữ thưa Bồ-tát Trí Tích và Tôn giả Xá-lợi-phất, con hiến
ngọc quý, Đức Thế Tôn nhận cho con, việc này mau chóng không? Rất mau chóng; hai
Ngài trả lời như vậy. Long nữ thưa, đem thần lực của các Ngài nhìn sự thành Phật
của con thì sự ấy còn mau hơn việc này. Tức thì toàn thể đại hội các chúng lúc
ấy cùng thấy, trong khoảnh khắc đột nhiên, Long nữ biến thành nam tử, đầy đủ
phong cách Bồ-tát, lướt qua thế giới hệ Vô cấu ở hướng Nam, ngồi trên đài sen
quý báu, thành bậc Biết đúng và khắp, với cái thân đủ hết 32 tướng quý và 80 vẻ
đẹp, tuyên thuyết Chánh pháp tinh túy cho chúng sinh mười phương. Tại quốc độ
Kham nhẫn này, các vị Bồ-tát, các vị Thanh văn, tám bộ Thiên long, tất cả nhân
loại và loài khác, từ xa thấy sự thành Phật và thuyết pháp của Long nữ thì tâm
thần người nào cũng rất hoan hỷ, vọng xa mà lạy”.
Nếu chúng ta nhớ lại bài kệ 182 trong Pháp cú, sự tích Đức Phật dạy pháp
cho chàng trai Uttara, chỉ trong khoảnh khắc thì chàng đắc quả Tu-đà-hoàn. Như
thế, kinh Pháp hoa, và sau này là Thiền tông, đẩy tốc độ nhanh hơn để nói
rằng chỉ trong khoảnh khắc là chúng sinh có thể thành Phật. Thực tế, nói như thế
chỉ nói được về Tánh, nhưng không nói được về Tướng, vì công hạnh dĩ nhiên là
khác biệt, bất kể rằng tấm thân năm uẩn cũng chính là không. Nói tánh Phật là
nói thực tướng là tánh Không, chỉ ở trong đây mới có bình đẳng, nơi không ta,
không người, không Phật, không chúng sinh…
Nếu không vào được cái thấy tánh Không này là sẽ vẫn thấy thế gian này ô nhiễm,
sẽ vẫn thấy nữ phải chờ cho có thân nam, là sẽ vẫn thấy Đề-bà-đạt-đa phải vĩnh
viễn ngồi trong địa ngục. Chỉ khi có cái thấy này, mới có chuyện nữ thiền sư mở
pháp hội, mở trường thiền, dạy đủ tứ chúng.
Như trường hợp của Liễu Nhiên Thiền ni (Moshan Liaoran) tại núi Mạt Sơn ở
Trung Hoa thế kỷ IX. Trong bản dịch Thiền sư Trung Hoa của Hòa thượng
Thích Thanh Từ viết, trích:
“Hòa thượng Quán Khê Nhàn đi du phương đến núi này, tự nói: Nếu tương đương
thì ở, chẳng vậy thì xô ngã giường thiền. Nhàn vừa vào Tăng đường, Liễu Nhiên
sai thị giả đến hỏi: - Thượng tọa du phương đến hay vì Phật pháp đến? Nhàn đáp:
- Vì Phật pháp đến. Liễu Nhiên lên tòa, Nhàn đến tham. Liễu Nhiên hỏi: Hôm nay
Thượng tọa rời ở đâu đến? Nhàn đáp: - Rời cửa đường đến. Liễu Nhiên bảo: Sao
chẳng đậy lại? Nhàn không đáp được, mới lễ bái hỏi: Thế nào là Mạt Sơn? Liễu
Nhiên đáp: - Chẳng bày đảnh. Nhàn hỏi: - Thế nào chủ Mạt Sơn? Nhiên đáp: Chẳng
phải tướng nam nữ. Nhàn nạt rằng: - Sao chẳng biến đi? Nhiên đáp: - Chẳng phải
thần, chẳng phải quỷ, biến cái gì? Nhàn mới kính phục, ở lại làm Tri viên ba năm”.
Người luôn thấy các pháp rỗng không, vắng lặng sẽ hoàn toàn không còn thấy có
tướng nam, tướng nữ, tướng thần, tướng quỷ. Chữ “Mạt” trong tên núi Mạt Sơn còn
có nghĩa là đỉnh cao nhất. Ngài Thiền ni Liễu Nhiên nói rằng ngài không “bày
đảnh” là nói rằng trên đầu ngài không lộ ra hình tích nào để nói là “đảnh” nữa.
Thế thì nói gì tới nam hay nữ, thần hay quỷ, thậm chí, nói gì tới Phật với ma
nữa.
Thấy được thường trực như thế mới thực sự là vua rồng, là bậc long tượng, là
ngọn núi không ai thấy đảnh, và mới thực sự là nơi nương tựa cho chúng sinh cõi
này vậy.
Nguyên Giác