Các Kỹ Năng Thiền

cac ky nang thien

Các Kỹ Năng Thiền

 

- Sự tập trung nhất thời (momentary concentration) giống như ngôi nhà lợp mái tranh; cột nhà làm bằng gỗ rỗng. Định nhất thời không phải là jhāna. Cận định (threshold concentration) giống như ngôi nhà được làm từ gỗ rắn chắc, với mái ngói. Kiên cố định (fixed penetration) giống như tòa nhà bê tông bất động. Đây là nơi mà chúng ta trở thành "một" trong mối bận tâm duy nhất về con đường độc nhất (ekāyana-magga). Điều đó giống như ngồi một mình trên ghế, hay nằm một mình trên giường mà không có ai đến để chiếm không gian của mình, hay như ở một mình trong phòng mà không có ai khác đến làm phiền mình. Khi ở một mình trong phòng, chúng ta có thể thật thoải mái. Thậm chí có thể cởi bỏ quần áo nếu thích. Chúng ta có thể hành xử một cách tốt hoặc xấu, mà không có ai phàn nàn. Đây là lý do tại sao tâm jhāna là nơi tâm có thể thật thoải mái. Tâm như thể cái giếng sâu có thể tiếp nhận nhiều nước - đến mức nó có thể dẹp bỏ các suy nghĩ và đánh giá đầy quan kiến, không để lại gì ngoài niềm vui: Đây là nơi thọ trở thành niệm xứ của bạn (vedanānupassanā-satipaṭṭhāna). Thân cảm thấy sung mãn. Tất cả bốn thuộc tính - đất, nước, lửa và gió - đều cảm thấy tràn đầy. Khi tâm cảm thấy sung mãn như thế, tất cả đều đủ đầy. Đó là khinh an (rapture). Bạn không muốn có thêm bất kỳ thứ gì trong số bốn thuộc tính. Khi tâm đắm mình trong một thời gian dài trong cảm giác khinh an đó, nó giống như thứ gì đó bạn đã ngâm trong nước trong một thời gian dài: Nước chắc chắn sẽ thấm vào đến một điểm bão hòa. Cảm giác khinh an này là cấp độ thứ hai của jhāna. Khi cảm giác khinh an bắt đầu chuyển động, bạn không cảm thấy thoải mái, giống như khi một chiếc thuyền bắt đầu lắc lư, bạn muốn quay trở lại đất liền. Vì vậy, một khi sự khinh an lấp đầy cơ thể, bạn buông bỏ nó, không để lại gì ngoài niềm vui và sự nhất tâm. Khi tâm đã đắm mình trong niềm vui đến mức bão hòa, nó buông bỏ, để lại cảm giác buông xả trống rỗng. Khi tâm thực sự trống rỗng, nó cảm thấy mênh mông, nhẹ nhàng.  Càng đắm chìm trong sự buông bỏ, nó càng trở nên tĩnh lặng, tạo ra một cảm giác ánh sáng bên trong. Khi ánh sáng thực sự mãnh liệt, bạn sẽ đến Chánh niệm.

- Sự hướng tâm (directed thought) - tập trung vào hơi thở mà không bị phân tâm - giống như trồng cây. Sự đánh giá giống như xới đất quanh rễ, bón phân, tưới nước từ rễ đến các nhánh trên cùng. Thân, có thể được so sánh với đất, sẽ mềm ra, để cho phân bón và nước thấm xuống tận gốc rễ. Khinh an giống như sự xanh tươi, mơn mởn, rồi nở rộ. Có năm loại khinh an: (1) một cảm giác nặng hay nhẹ bất thường xảy ra nơi thân; (2) cảm giác thân bồng bềnh; (3) cảm giác mát lạnh hay nóng; (4) cảm giác hưng phấn phủ trùm cả thân; (5) thân bắt đầu lắc lư. Lạc (Happiness) có nghĩa là thân tâm tĩnh lặng, không có chướng ngại. Nhất tâm (single preoccupation) có nghĩa là bàng quang với mọi thứ khác, hoàn toàn trụ vững trên một đề mục. Đây là điều mà Đức Phật đã đề cập đến khi Ngài nói rằng định tâm trọn vẹn với giới đức là lợi ích to lớn, phần thưởng to lớn.

- Sự hướng tâm (suy nghĩ định hướng) giống như đứng nhìn ra ngoài cửa sổ. Bất cứ ai đi ngang qua, chúng ta biết, nhưng ta không gọi họ hoặc theo dõi họ đi trên đường. Chúng ta chỉ đứng yên bên cửa sổ.

- Sự hướng tâm và phân định áp dụng nơi hơi thở giống như thợ máy xe ô tô. Tâm giống như thợ trưởng. Khi lái xe, chúng ta phải quán sát và luôn kiểm tra tất cả các bộ phận cơ khí - như vô lăng, lò xo, lốp xe, ống xăng - để xem có bộ phận nào bị mòn rỉ hay trục trặc. Nếu có, ta phải sửa chữa ngay. Nhờ đó, xe sẽ đưa chúng ta đến đích một cách an toàn. Khi hành thiền, bạn phải quán sát, kiểm tra hơi thở để xem nó có êm ái hay không, và điều chỉnh để làm cho nó thoải mái. Sự tập trung của bạn sẽ từng bước tiến bộ và cuối cùng đưa bạn đến chỗ siêu việt.

- Khi bị chỉ trích rằng bạn đang ở trong trạng thái jhāna mù mờ, hãy nhớ, điều đó vẫn tốt hơn là không có trạng thái jhāna nào để trú vào. Và nếu bị cho rằng bạn giống như một chú gà con chưa ra khỏi vỏ trứng, điều đó cũng không sao. Khi còn trong vỏ trứng, chú gà không bị diều hâu bắt. Nhưng khi ra khỏi trứng, nó trở thành con mồi của diều hâu.

- Bạn cũng có thể bị nói là ngồi dính vô "gốc cây", đừng để tâm, bởi vì gốc cây cũng có công dụng của chúng. Đôi khi chúng mọc cành mới, với những chiếc lá mềm mại mà ta có thể ăn. Nhưng nếu gốc cây bén lửa, cháy rụi, thì điều đó không tốt chút nào.

- Khi chúng ta tiếp tục rèn luyện tâm trí, nó sẽ ngày càng sung mãn, nhanh nhạy và sắc bén hơn, có khả năng nắm bắt ngay mọi thứ. Giống như con dao mà chúng ta luôn mài giũa: Làm thế nào mà nó không sắc bén? Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục thực hành giống như cách chúng ta mài dao. Nếu có bộ phận nào của thân hay tâm trục trặc, ta phải điều chỉnh cho đến khi nó tốt trở lại. Khi kết quả tốt đẹp phát sinh, là ta đang ở trạng thái của Chánh Định (Right Concentration). Tâm sẽ được thiết lập vững chắc trong hiện tại, trong trạng thái của nhất tâm. Chúng ta sẽ có được sức mạnh nơi thân và tâm. Sức mạnh trong thân có nghĩa là bất cứ nơi nào trong thân bị đau, chúng ta có thể điều chỉnh các tính chất của đất, nước, lửa và gió để tạo cảm giác thoải mái, giống như cách chúng ta tỉa cây. Nếu có cành nào bị gãy hoặc hư hoại, ta cắt chúng đi và ghép cành mới vào cây. Nếu các cành mới bị hỏng, ta ghép vào nhiều cành khác mới hơn. Ta tiếp tục làm điều này cho đến khi cây trở nên vững chắc, khỏe mạnh.

- Tâm tĩnh lặng có hai lợi ích: có thể kiềm nén và cắt giảm. Nếu chưa thể cắt giảm, chúng ta vẫn có thể kiềm nén. "Kiềm nén" có nghĩa là khi có phiền não trong tâm, ta không để chúng bùng phát thành hành động. Ta kiềm giữ chúng lại. "Cắt giảm" có nghĩa là chúng ta thậm chí không để chúng phát sinh.

- Khi uốn nắn tâm, chúng ta phải quán sát để xem những gì cần sửa chữa, những gì cần bồi dưỡng, những gì cần phải buông bỏ. Nếu bạn không làm gì ngoài việc sửa chữa, bạn sẽ thất bại.  Tương tự nếu ta chỉ biết buông, ta cũng thất bại. Chúng ta phải thực hiện những gì pháp đòi hỏi.

- Tâm định tĩnh không bị phân tán bởi bất kỳ suy nghĩ nào lướt qua. Nó giống như người hoàn toàn tập trung vào công việc của mình: Nếu có ai đi ngang qua, cố bắt chuyện, anh ta cũng không muốn trả lời hoặc thậm chí ngước nhìn lên. Tương tự, khi tâm đã thật sự cắt bỏ những mối bận tâm bên ngoài, thì nhất định nó phải hoàn toàn trụ trên đối tượng thiền định.

- Tâm uế nhiễm giống như nước mặn trong đại dương. Bạn phải sử dụng rất nhiều suy nghĩ và đánh giá có định hướng để phân định, chắt lọc tâm trí đến mức nước mặn biến thành nước ngọt.

- Chúng sanh trên thế gian giống như những người trôi nổi giữa biển đầy sóng gió, trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Có người ở xa đến mức không thể nhìn thấy đất liền. Người lại nhấp nhô lên xuống giữa biển, có lúc nhìn thấy đất liền, lúc không. Đây là những người có biết tu thiền.  Người khác lại đang bắt đầu cập bến, nơi họ có thể nhìn thấy các lưới cá, thuyền buồm và cây xanh trên bờ biển. Có người đã bơi rất xa, đến nỗi họ gần sát bờ nhưng chưa hoàn toàn đến bờ. Còn Đức Phật, Ngài giống như người đã đến bờ, đang đứng trên đất liền, thoát khỏi mọi hiểm nguy. Ngài nhìn thấy tất cả những nguy hiểm mà con người phải hứng chịu, vì thế Ngài thương cảm chúng ta, cố gắng giúp ta đến bờ, thoát khỏi những hiểm nguy trên biển. Đây là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta phát triển bố thí, giới hạnh và thiền định. Đó là những phẩm chất sẽ đưa ta đến bờ một cách an toàn, vững chắc. Khi phát triển được các phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng nơi bản thân, thì ta sẽ không phải chịu khổ. Ta đặt tâm vào Pháp, thì những ô uế làm hư hoại tâm sẽ biến mất. Đây là cách giúp chúng ta có thể thoát khỏi biển sâu. Một khi đã vào đất liền, ta có thể có nhiều niềm vui, vì có rất nhiều thứ ta chưa từng được thấy khi ở trên biển. Giống như khi ta đi vào cửa sông Chao Phraya, nơi có nhiều rặng đước và cây xanh. Chúng ta trở nên mê hoặc và tiếp tục đi sâu hơn vào đất liền đến đường Sukhumvit. Ở đó chúng ta thấy xe đạp, xe tải, xe jeep và những chiếc ô tô xinh xắn đủ màu sắc khác nhau. Điều này khiến ta càng thêm phấn khích. Một số người bị mê hoặc với những gì họ nhìn thấy trên đất liền. Nói cách khác, chúng ta chấp vào những ảnh tượng, biểu hiện trong thiền định. Chẳng hạn như ta có thể bắt đầu nhớ các tiền kiếp. Nếu nhớ những điều tồi tệ, chúng ta sẽ buồn. Nếu nhớ những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ hạnh phúc. Điều này biến thành sự khát ái, mong muốn trở thành cái này hay cái kia. Một số người thực sự trở nên mê muội, nghĩ rằng họ chính là những gì họ nhìn thấy. Nếu như trí tuệ của ta không đủ mạnh mẽ, thì bất cứ thứ gì ta thấy sẽ biến thành tùy phiền não (vipassanūpakkilesa) - giống như người lần đầu tiên được nhìn thấy xe hơi, sẽ rất phấn khích. Họ lại gần xe, muốn được ngồi trên đó, muốn được lái xe, mà không nhìn phải, trái hay dừng lại để quan sát thứ gì cả. Họ lái xe ra giữa đường, bị đụng phải, gây tai nạn chết người hay gãy tay, gãy chân. Tóm lại, bao công phu họ bỏ ra để thoát được khỏi biển cả, giờ họ lại trở nên mê muội, và tự đặt mình trở vào những hiểm nguy.

Nhưng nếu trí tuệ của ta đủ mạnh mẽ, bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy sẽ biến thành thánh sản (ariya-dhana). Nếu nhìn thấy cả một khu rừng đước, chúng ta có thể đưa chúng vào sử dụng. Ta có thể cắt chúng thành củi để sử dụng hoặc bán trên thị trường. Nếu đất liền đầy cỏ dại, chúng ta có thể dọn sạch nó và biến nó thành đồng ruộng. Nếu ta không để chúng hoang tàn, chắc chắn chúng sẽ mang lại năng suất cho cây trồng. Chấp vào các ảnh tượng còn được coi là một "nhận thức lệch lạc". Khi nhìn thấy hình ảnh trong lúc hành thiền, ta cần nhớ phân định nó, rồi để nó đi theo bản chất thực sự của nó. Đừng bám vào những gì bạn nhìn thấy, bởi vì tất cả mọi thứ đều vô thường. Nếu bạn sinh ra đã nghèo, bạn phải khổ vì mong muốn làm giàu của mình. Nếu bạn sinh ra đã giàu có, bạn phải khổ vì chăm lo cho tài sản của mình, sợ rằng chúng sẽ bị hao mòn, sợ bị lừa đảo, sợ trộm cướp. Không có gì chắc chắn hoặc đáng tin cậy cả. Điều này cũng đúng với các ảnh tượng. Vì vậy, bất cứ những gì bạn thấy, hãy để nó qua đi đúng theo bản chất của nó. Để cây ở lại trong rừng, cỏ trên cánh đồng, và lúa trên ruộng đồng. Nếu làm được điều này, bạn sẽ tự tại, vì bạn đã biết đất liền, đại dương ra sao, khi nào nên vào và khi nào nên ra. Khi đã có kỹ năng, bạn có thể đi du lịch dưới nước, trên cạn, một cách thoải mái về mọi mặt. Bạn có thể tiến tới hoặc lùi lại mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Điều này được gọi là lokavidū, bậc thấy rõ. Bạn có thể trụ lại với những gì bạn biết, nhưng bạn không bị mắc kẹt trong đó. Bạn có thể sống trên đại dương mà không bị chết chìm. Bạn có thể sống trong thế gian mà không đắm đuối trong đó - giống như cánh lá sen và nước: nước không thể thấm vào lá.

- Khi bạn chân thật trong hành động, bạn sẽ thành công về mọi mặt. Thí dụ, nếu bạn thực sự giữ giới luật, việc hành giới của bạn sẽ có kết quả. Nếu bạn chân thật trong việc phát triển trí tuệ, trí tuệ của bạn sẽ phát triển. Lý do khiến ta không thấy kết quả là vì ta không chân thật trong hành động.  Chỉ có năm giới, nhưng chúng ta không cách nào giữ được chúng. Trong trường hợp đó, làm sao ta có thể hy vọng đạt được gì? Chỉ có bốn tầng thiền - bốn giai đoạn của jhāna - mà chúng ta cứ mò mẫm loanh quanh, không thể tìm thấy chúng. Có những người có thể quản lý các trang trại rộng hàng trăm và hàng nghìn mẫu Anh, nhưng không thể quản lý chỉ bốn tầng thiền này. Thật xấu hổ!

- Nếu hành động, ý nghĩ của ta không trung thực như lời dạy của Đức Phật, thì hậu quả của việc không trung thực sẽ đẩy ta ngày càng xa rời đạo Pháp. Ta sẽ phải đói khát và đau khổ theo nhiều cách khác nhau. Vì lý do này, Đức Phật đã dạy chúng ta phải chân chính trong mọi hành động. Khi sống trung thực như thế, thì dù đang sống giữa thế tục, ta vẫn có thể tự tại. Ta sẽ biết cách trút bỏ các phiền não ra khỏi tâm, đến mức toàn thân đều cảm thấy thoải mái. Bình an, hạnh phúc phụ thuộc vào việc tâm sung mãn, tràn đầy. Nếu tâm sung mãn, không có lửa nào có thể chạm vào nó. Khi thân đầy chánh niệm, thì tâm có thể thiếu vắng điều gì? Đây là lý do tại sao, nếu muốn được sung mãn, ta phải nỗ lực phát triển thiền định càng nhiều càng tốt. Khinh an rồi sẽ phát sinh. Khi khinh an phát sinh, ta không bị mắc kẹt vào đó, vì ta biết rằng nó vô thường. Cuối cùng nó phải biến mất. Vì vậy, chúng ta buông bỏ khinh an. Khi buông bỏ khinh an, tâm tự tại trong cảm giác hoan hỷ. Cảm giác hoan hỷ, tự tại này vi tế và sâu sắc hơn so với khinh an, mà không có dấu hiệu biểu hiện ra ngoài. Sự khinh an giống như người đang hài lòng với điều gì đó, nên thể hiện ra bên ngoài bằng cách mỉm cười hoặc cười to. Trạng thái hoan hỷ không có bất kỳ dấu hiệu nào bày tỏ ra ngoài. Nó được ẩn giấu trong tâm, giống như một người rất giàu có nhưng không thể hiện sự giàu có của mình bằng bất kỳ cách nào khiến người khác có thể đoán biết. Trạng thái này xoa dịu tâm trí. Nếu thể hiện ra bên ngoài, nó sẽ không ích lợi gì. Loại hoan hỷ này làm dịu tâm, cho nó được nghỉ ngơi, nhờ đó tâm sẽ đạt được trạng thái an bình, tĩnh lặng. Khi tâm được an bình, nó sẽ trở nên trong sáng, giống như biển không có sóng: Bạn có thể nhìn thấy tàu buồm xa đến 10 dặm. Bất cứ thứ gì đến từ phía Bắc, phía Nam, phía Đông hoặc phía Tây, bạn đều có thể nhìn thấy rõ ràng mà không cần phải sử dụng kính viễn vọng. Tầm nhìn của chúng ta đi xa hơn bình thường. Đây là cách chúng ta phát sinh vipassanā, hoặc trí tuệ cho phép chúng ta biết và nhìn thấy sự thật của thế gian.

- Nếu có một quả dừa, chúng ta bổ ra ăn ngay, nó chỉ giúp ta no bụng được một lần. Nhưng nếu ta không ăn mà trồng nó xuống đất cho nó mọc thành cây với trái trĩu cành. Rồi ta lại lấy những quả dừa đó, trồng xuống đất, cuối cùng chúng ta sẽ trở thành triệu phú đồn điền dừa. Nếu chúng ta có tiền mà chỉ lo cất giữ, thì chẳng ích lợi gì, rồi có ngày nó sẽ trở thành mối lo của ta. Vì vậy, chúng ta phải tìm đúng nơi để giữ chúng, bằng cách đóng góp cho tôn giáo, cho những nơi từ thiện. Đó là lúc nó sẽ mang lại nhiều kết quả hơn. Nếu tâm chỉ dừng ở định, nó chỉ có được cảm giác thoải mái. Chúng ta phải đầu tư sự tĩnh lặng đó vào việc tạo ra trí tuệ. Đó là lúc chúng ta sẽ gặp nhau với hạnh phúc cao tột.

- Nếu tâm trí có cảm giác viên mãn bên trong, thì khi ta liên kết với ai, người đó cũng sẽ nhận được cảm giác viên mãn. Nếu ta đau khổ thì khi kết giao với người khác, ta cũng sẽ khiến họ đau khổ.

- Nếu chúng ta có thể phát triển sức mạnh của tâm, ta có thể gửi những ý nghĩ thiện lành để giúp giảm bớt đau khổ của người khác. Nhưng nếu chúng ta không tự sửa chữa mình trước, ta không thể thực sự giúp đỡ bất cứ ai khác, giống như một người điên không thể giúp một người điên khác trở nên tỉnh táo. Nếu như ta đang bốc lửa, và người khác cũng đang bị cháy, thì làm thế nào ta có thể giúp họ? Chúng ta phải dập tắt đám cháy của mình trước, rồi mới có thể giúp người khác hạ nhiệt. Chúng ta phải "có" trước khi chúng ta có thể "cho".

Trích từ Những lời dạy của Ajaan Lee Dhammadharo (Teachings of Ajaan Lee Dhammadharo).

Bhikkhu Ṭhānissaro (Geoffrey DeGraff) biên soạn và dịch từ tiếng Thái.

Diệu Liên- Lý Thu Linh dịch Việt.

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle