Thiền và bốn mươi đề mục thiền

thien va

Thiền và bốn mươi đề mục thiền

Mahāsi Sayādaw – Đăng Nguyên dịch

Mục đích của thiền

Mục đích của việc hành thiền là gì?

Hành thiền được thực hiện với mục đích chứng ngộ Niết-bàn và nhờ đó thoát khỏi những khổ đau của đời sống: già, bệnh, chết, v.v.

Tất cả chúng sinh đều mong muốn được sống vô hại, an lạc, hạnh phúc và phát đạt, không phải chịu già, bệnh, chết và các khổ đau khác của đời sống; nhưng họ luôn thấy những hy vọng này là hão huyền, vì ai rồi cũng phải già yếu, bệnh tật, sầu não do cuộc đời có nhiều hiểm nguy và điều xấu ác, những đau đớn về thân và sầu khổ về tinh thần. Thế rồi, sau khi chịu đựng những đau đớn và khổ sở khủng khiếp, kế đó là cái chết. Tuy nhiên, chết không phải là hết. Lại có sinh bởi vì có sự bám chấp vào hữu. Ở nơi cuộc đời mới này, họ cũng là nạn nhân của tuổi già và những khổ đau khác. Cứ như vậy, họ luân hồi trong sinh tử từ đời này sang đời khác, chịu đủ loại thăng trầm và không có điểm dừng.

Khi tìm hiểu căn nguyên của tình trạng này, rõ ràng là “bởi vì có sinh nên kéo theo chuỗi già, bệnh, chết và những khổ đau khác của đời sống”. Vì vậy, điều cần thiết là phải ngăn chặn sinh nếu muốn tránh khỏi những khổ đau khác của đời sống sống là lão, bệnh, v.v.

Tái sinh xảy ra do bởi sự chấp thủ cố hữu ở nơi đời sống hiện tại. Sự sinh mới thì không gì khác ngoài sự xuất hiện của một thức mới mà nó là kết quả của việc nắm bắt một đối tượng giác quan vào thời điểm lâm chung của kiếp sống trước. Ở đâu không có sự chấp thủ thì ở đó không thể có tái sinh; vì vậy mọi nỗ lực phải được thực hiện để giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc nếu không muốn tái sinh.

Sự bám chấp cuộc sống này có thể tồn tại vì hai lý do, thứ nhất là do không nhận thức được những hệ lụy của thân và tâm, và thứ hai là do không nhận ra rằng Niết-bàn thì thật sự tối thượng. Nó giống trường hợp một người sống ở một xứ sở khô cằn và hoang vu đầy dẫy hiểm nguy nhưng lại đánh giá cao xứ sở của mình, và gắn bó với nó vì không thực sự biết về những khiếm khuyết của xứ sở mình và về điều kiện tốt hơn của một nơi khác. Nếu anh ta biết được toàn bộ sự thật, xứ sở của anh ta sẽ không còn hấp dẫn anh ta nữa, và anh ta sẽ sẵn sàng chuyển đến nơi mới. Tương tự như vậy, điều cần thiết là cố gắng thấy rõ tình trạng bất ổn của thân và tâm mà nó tạo nên đời sống này, và bản thân nhận ra tính ưu việt của Niết-bàn nhằm loại bỏ hoàn toàn sự bám chấp vào cuộc sống. Những hiểu biết này có thể đạt được thông qua thực hành thiền đúng cách. Do đó, tất cả những ai mong muốn thoát khỏi những rắc rối của tuổi già, cái chết, v.v. và chứng ngộ Niết-bàn thì nên hành thiền.

Hai loại thiền

Có hai loại thiền:

Thiền chỉ (Samatha-kammaṭṭhāna) và Thiền tuệ/Minh sát (Vipassanā-kammaṭṭhāna).

1. Việc thực hành thiền chỉ sẽ phát triển tám thiền hiệp thế (lokiya-samāpatti) bao gồm bốn thiền sắc giới (rūpa-jhāna) và bốn thiền vô sắc (arūpa-jhāna). Việc thực hành lặp đi lặp lại các trạng thái thiền này sẽ mang lại những điều sau:

- Thần túc thông (iddhividha-abhiññā): Có thể từ một trở thành nhiều và từ nhiều trở lại một. Có thể đi xuyên qua các bức tường và ngọn núi giống như đi xuyên qua không khí. Có thể đi trên mặt nước mà không bị chìm giống như đi trên mặt đất. Có thể chìm vào trong đất và trỗi lên lại giống như ở trong nước. Có thể ngồi kiết-già di chuyển trong không trung giống như một con chim. Có thể dùng tay chạm vào mặt trời và mặt trăng.

- Thiên nhĩ thông (dibbasota-abhiññā): Có thể nghe được âm thanh của trời và người, xa và gần.

- Tha tâm thông (cetopariya-abhiññā): Có thể biết được suy nghĩ của người khác.

- Túc mạng thông (pubbenivāsa-abhiññā): Có thể nhớ lại những sự việc xảy ra trong quá khứ của một người.

- Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā): Có thể nhìn thấy tất cả các hình thù vật chất và màu sắc, dù xa hay gần, lớn hay nhỏ.

Tuy nhiên, việc sở hữu những thuộc tính này sẽ không giúp giải thoát khỏi những rắc rối của đời sống: tuổi già, cái chết, v.v. Khi chết với các trạng thái thiền còn nguyên vẹn, một người có thể tái sinh vào cõi Phạm thiên nơi tuổi thọ kéo dài một, hai, bốn, tám kiếp (kalpa), v.v., tùy từng trường hợp. Vào lúc kết thúc tuổi thọ của mình, người ấy sẽ chết và tái sinh vào cõi trời hoặc cõi người, nơi vị ấy, cũng như những người khác, phải gánh chịu những vấn đề của đời sống như già, chết, v.v. Thông thường, do những hoàn cảnh không thuận lợi, người ấy có thể tái sinh vào một trong bốn cõi thấp và sống trong đau khổ cùng cực. Do đó, rõ ràng là chỉ thực hành thiền chỉ không thôi sẽ không đảm bảo cho sự giải thoát tuyệt đối khỏi những khổ đau của đời sống.

2. Nhờ thực hành thiền tuệ, hành giả có thể chứng ngộ Niết-bàn và nhờ đó đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi những đau khổ của đời sống.

Thiền tuệ được chia thành (a) Người thực hành thiền chỉ cơ bản để chứng ngộ Niết-bàn (samatha-yānika: chỉ phương giả), và (b) Người trực tiếp thực hành thiền tuệ mà không thực hành thiền chỉ căn bản để chứng ngộ Niết-bàn (suddha-vipassanā-yānika: thuần quán giả).

Mô tả văn tắt về thiền chỉ

Có 40 đề mục thiền mà bất kỳ đề mục nào trong số này cũng có thể được xem là một thực hành thiền chỉ cơ bản để đi đến thực hành thiền tuệ.

Chúng là:

Mười đề mục thiền (kasiṇa).

Mười đề mục bất tịnh (asubha).

Mười đề mục niệm (anussati).

Bốn Phạm trú (brahmavihāra).

Bốn thiền vô sắc (arūpa-jhāna).

Một đề mục quán chiếu về sự ghê tởm của thức ăn (āhāre-paṭikūlasaññā).

Một đề mục phân tích tứ đại (catudhātuvavatthānaṃ).

Mười đề mục

Dùng đất làm đề mục (pathavī kasiṇa).

Dùng nước làm đề mục (āpo kasiṇa).

Dùng lửa làm đề mục (tejo kasiṇa).

Dùng gió làm đề mục (vāyo kasiṇa).

Dùng vật có màu xanh làm đề mục (nīla kasiṇa).

Dùng vật có màu vàng làm đề mục (pīta kasiṇa).

Dùng vật có màu đỏ làm đề mục (lohita kasiṇa).

Dùng vật có màu trắng làm đề mục (odāta kasiṇa).

Dùng ánh sáng làm đề mục (āloka kasiṇa).

Dùng hư không làm đề mục (paricchinnākāsa kasiṇa).

Mười bất tịnh

Tử thi trương phình (uddhumātakaṃ).

Tử thi biến thành màu xanh đen (vinīlakaṃ).

Tử thi có mủ chảy ra (vipubbakaṃ).

Tử thi bị chặt ở giữa (vicchiddakaṃ).

Tử thi bị thú gặm nhiều chỗ (vikkhāyitakaṃ).

Tử thi bị cắt rời từng đoạn (vikkhittakaṃ).

Tử thi bị chặt bằm nhiều chỗ (hatavikkhittakaṃ).

Tử thi có chảy máu (lohitakaṃ).

Tử thi bị dòi đục (puḷuvakaṃ).

Tử thi chỉ còn bộ xương (aṭṭhikaṃ).

Mười niệm

Niệm Phật (Buddhānussati).

Niệm Pháp (Dhammānussati).

Niệm Tăng (Saṅghānussati).

Niệm giới (sīlānussati).

Niệm thí (cāgānussati).

Quán niệm những phẩm hạnh mà mình có được như niềm tin (saddhā), giới hạnh (sīla), học tập (suta), bố thí (cāga) và trí tuệ (paññā), những điều đưa đến sinh thiên (devatānussati).

Quán niệm Niết-bàn (upasamānussati).

Quán niệm cái chết không thể tránh khỏi (maraṇānussati).

Quán niệm 12 phần của thân, chẳng hạn như tóc, lông, móng, răng, da, v.v. (kāyagatāsati).

Quán niệm hơi thở vào và hơi thở ra (ānāpānassati).

Bốn Phạm trú

Từ (mettā).

Bi (karuṇā).

Hỷ (muditā).

Xả (upekkhā).

 “… Vị ấy an trú với tâm tràn đầy lòng từ trải khắp một phương, rồi đến phương thứ hai, rồi phương thứ ba, rồi phương thứ tư; giống như vậy ở trên, dưới và xung quanh; và sau khi đồng nhất mình với tất cả ở khắp mọi nơi, vị ấy lan tỏa khắp toàn thế giới với tâm tràn đầy lòng từ, với tâm quảng đại, phát triển, vô biên, không có sân hận và ác ý… với tâm tràn đầy bi… hỷ… và xả….” (Trung bộ, kinh Jīvaka).

Bốn đề mục vô sắc

Quán không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana).

Quán thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana).

Quán vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana).

Quán phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana).

Đề mục đất

Một người, trong 40 đề mục thiền, khi chọn đất (pathavī-kasiṇa) làm đề mục quán, nên nhìn vào một chấm đất trên mặt đất và quán, đồng thời niệm thầm “pathavī, pathavī, pathavī” hay “đất, đất, đất”. Sau khi quán chiếu lặp đi lặp lại trong một thời gian, hình ảnh sống động của đề mục đất sẽ xuất hiện trong tâm như thể nó được nhìn thấy bằng mắt. Sự xuất hiện của một hình ảnh trong tâm này được gọi là hình ảnh thu được (uggaha-nimitta: tợ tướng). Ngay khi hình ảnh này được ấn định và ổn định trong tâm, hành giả có thể đi đến bất kỳ nơi nào và thực hiện một tư thế ngồi, đi, đứng hoặc nằm. Sau đó hành giả nên tiếp tục quán “uggaha-nimitta” bằng cách nhẩm thầm “pathavī, pathavī” hay “đất, đất”. Trong khoảng thời gian quán này, có thể xảy ra trường hợp tâm không giữ được cố định vào đối tượng của nó, mà thường lang thang đến các đối tượng khác:

- Tâm thường nghĩ về những đối tượng mong muốn. Đây là tham dục chướng ngại (kāmacchanda-nīvaraṇa).

- Tâm thường chìm đắm trong những suy nghĩ tuyệt vọng và tức giận. Đây là sân hận chướng ngại (vyāpāda-nīvaraṇa).

- Có sự uể oải trong quán chiếu và tâm thường uể oải và không rõ ràng. Đây là hôn trầm chướng ngại (thīnamiddha-nīvaraṇa).

- Tâm thường bất an và dao động, hay tâm thường lo lắng nhớ lại những nghiệp ác của thân và khẩu trong quá khứ. Đây là trạo cử và lo lắng chướng ngại (uddhacca-kukkucca-nīvaraṇa).

- Tâm thường trú nơi những suy nghĩ rằng liệu pháp quán đang được thực hiện có đúng phương pháp hay không, nó có mang lại kết quả tốt hay không, hay liệu có hy vọng đạt được bất kỳ kết quả tốt nào hay không. Đây là hoài nghi chướng ngại (vicikicchā-nīvaraṇa).

Năm chướng ngại (triền cái) này nên được đoạn trừ ngay khi chúng xuất hiện và tâm phải được đưa trở lại ngay lập tức với hình ảnh thu được mà nó nên được quán chiếu lại là “đất, đất”. Nếu một người mất hình ảnh đã thu được, người đó nên quay lại nơi đề mục đất ban đầu và quán lại “đất, trái đất”, nhìn vào đề mục mãi cho đến khi lấy lại hình ảnh thu được. Sau đó hành giả nên trở lại và tiếp tục quán ở nơi bất kỳ tư thế ngồi, đứng, nằm hay đi nào.

Khi liên tục quán hình ảnh thu được như vậy trong một thời gian dài, thì hình ảnh ấy bấy giờ có vẻ ngoài rất rực rỡ và trong suốt không giống như hình ảnh ban đầu. Đây được gọi là hình ảnh bản sao (paṭibhāga-nimitta: quang tướng). Trong suốt thời gian đó tâm thoát khỏi các chướng ngại (triền cái). Trạng thái tâm này được gọi là “cận định” (upacāra-samādhi). Bây giờ, bằng việc liên tục cố định tâm với cận định này vào hình ảnh bản sao, tâm đạt đến một trạng thái như thể nó nhập vào đối tượng và vẫn cố định ở trong đó. Trạng thái cố định và vững chãi này của tâm được gọi là “an chỉ định” (appanā-samādhi). Có bốn giai đoạn đạt được định: a) Sơ thiền, b) Nhị thiền, c) Tam thiền, và d) Tứ thiền.

a) Ở Sơ thiền có mặt năm chi phần riêng biệt:

Tầm (vitakka).

Tứ (vicāra).

Hỷ (pīti).

Lạc (sukha).

Nhất tâm (ekaggatā).

b) Hành giả đã đắc Sơ thiền, sau khi thấy hài lòng với hai chi phần đầu tiên là tầm và tứ, tiến đến quán để vượt qua chúng và thành công trong việc đắc Nhị thiền, ở đó ba chi phần hỷ, lạc và nhất tâm có mặt.

c) Lại nữa, sau khi thấy sự thỏa mãn với hỷ, hành giả tiến hành quán để vượt qua nó và thành công trong việc đắc Tam thiền, ở đó có mặt hai chi phần xả và nhất tâm.

d) Thêm nữa, sau khi thấy sự bất toại nguyện ở nơi lạc, hành giả tiến hành quán để vượt qua nó và thành công trong việc chứng đắc Tứ thiền, ở đó có mặt hai chi phần là xả và nhất tâm.

Đây là sự mô tả vắn tắt về quán đề mục đất và sự phát triển của bốn thiền. Các đề mục còn lại cũng được áp dụng tương tự.

Mười bất tịnh

Trong trường hợp một người, trong 40 đề mục thiền, chọn bất tịnh làm đề mục quán, vị ấy nên nhìn vào một xác chết trương phình, hoặc một xác chết đổi màu, v.v., và quán bằng cách niệm thầm “tử thi trương lên, tử thi trương lên”, “tử thi biến sắc, tử thi biến sắc”, v.v. Sau đó, hành giả nên thực hiện quán theo cách tương tự như trong trường hợp đề mục đất. Sự khác biệt duy nhất là rằng quán những bất tịnh này chỉ đưa đến Sơ thiền.

Quán 32 thành phần của thân (kāyagatāsati) cũng sẽ đưa đến Sơ thiền. Tám tùy niệm (anussati) bao gồm các đề mục quán niệm về Phật cho đến quán về tính không thể tránh khỏi của cái chết, quán về sự ghê tởm của thức ăn, và phân tích tứ đại sẽ đưa đến cận định.

Bốn Phạm trú

Ba Phạm trú từ, bi, và hỷ sẽ đưa đến ba tầng thiền thấp hơn, trong khi những người đã đạt được tầng thiền thứ ba, qua việc quán bất kỳ một trong ba thiền này, cũng sẽ đạt được tầng thiền thứ tư bằng cách thực hiện quán về xả.

Những người đã đạt được bốn thiền sắc giới (rūpa-jhāna) thông qua việc quán mười đề mục, sẽ đạt được các giai đoạn tương ứng của bốn tầng thiền vô sắc giới (arūpa-jhāna) bằng cách thực hiện tuần tự việc quán bốn đề mục vô sắc.

Quán hơi thở vào và hơi thở ra

Một người chọn quán niệm hơi thở vào và hơi thở ra (ānāpānassati) làm đề mục quán thì nên lui vào một nơi yên tĩnh và ngồi kiết-già (hoặc bất kỳ tư thế thuận tiện nào mà nó cho phép vị ấy ngồi trong một thời gian dài), với lưng thẳng, và sau đó giữ tâm trí của mình cố định trên mũi. Sau đó hành giả biết rõ ràng cảm giác xúc chạm ở đầu mũi hay ở mép môi trên, gây ra bởi luồng hơi thở ra vào liên tục. Luồng hơi thở này nên được theo dõi tại điểm tiếp xúc và quán chiếu bằng cách nói trong đầu, “vào, ra”, “vào, ra” nơi mỗi hành động thở vào và thở ra tương ứng. Tâm không nên trôi theo luồng hơi thở khi thở vào hay thở ra mà nên giữ tập trung vào điểm tiếp xúc.

Trong quá trình quán chiếu này, sẽ có nhiều chướng ngại khiến tâm đi lang thang. Không nên chạy theo những chướng ngại này mà nên chú ý trở lại điểm tiếp xúc và tiếp tục quán niệm “vào, ra”, “vào, ra”.

Bằng cách liên tục quan sát điểm tiếp xúc và tiếp tục quán:

1. Hơi thở vào và hơi thở ra dài được ghi nhận rõ ràng là dài.

2. Hơi thở vào và hơi thở ra ngắn được ghi nhận rõ ràng là ngắn.

3. Mỗi hơi thở vào và thở ra nhẹ với phần đầu, phần giữa và phần cuối của nó được ghi nhận rõ ràng từ khi nó chạm vào đầu mũi cho đến khi nó rời khỏi mũi; và sự thay đổi dần dần từ hình thức thở vào và thở ra mạnh sang nhẹ được ghi nhận rõ ràng.

Khi hơi thở vào và hơi thở ra càng lúc càng trở nên nhẹ hơn, dường như rằng nó đã biến mất hoàn toàn. Trong những trường hợp như vậy, thời gian thường bị lãng phí bởi việc cố gắng tìm kiếm đối tượng của hơi thở vào và hơi thở ra, bởi việc cố gắng kiểm tra nguyên nhân của sự biến mất, và cuối cùng bởi việc ngồi không và không tiếp tục quán niệm. Tuy nhiên, không cần lãng phí thời gian: nếu chú tâm vào chóp mũi hay môi trên, luồng hơi thở vào và ra nhẹ sẽ xuất hiện trở lại và sẽ được cảm nhận một cách rõ ràng.

Bằng cách tiếp tục quán hơi thở vào và hơi thở ra như vậy, một số hình thù hay hình dạng đặc biệt có thể xuất hiện. Sau đây là những điều được đề cập trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga):

 “Đối với một số người, hơi thở vào và hơi thở ra giống như một ngôi sao hay một chùm ngọc trai, đối với những người khác thì có một sự xúc chạm giống như sự xúc chạm của một cọng bông hay một cái chốt làm bằng gỗ lõi, đối với những người khác thì giống như một sợi dây bện dài hay vòng hoa, đối với những người khác như mạng nhện kéo dài ra hay như vạt mây, hay một hoa sen, hay bánh xe, hay mặt trăng, hay mặt trời…”.

Sự khác nhau ở nơi các hình thù hay đối tượng được cho là do sự khác biệt ở nơi tưởng (saññā) của các cá nhân. Hình thức đặc biệt này của các đối tượng là hình ảnh bản sao (hồi tướng). Định mà sau đó được phát triển với hình ảnh bản sao này được gọi là cận định. Khi tiếp tục quán với sự trợ giúp của cận định thì giai đoạn chứng đạt an chỉ định (appanā-samādhi) của bốn thiền sắc giới được phát triển.

Trên đây là mô tả vắn tắt về thực hành thiền chỉ cơ bản của một “samatha-yānika” (chỉ thừa hành giả), người chọn thiền chỉ làm cơ sở để chứng ngộ Niết-bàn.

Những người mong muốn thực hành Vipassanā thì trước hết phải được trang bị kiến thức, dù ngắn gọn hay chi tiết, về sự thật rằng chúng sinh bao gồm hai thành phần là sắc (rūpa) và danh (nāma), rằng thân và tâm được hình thành do nhân quả, và rằng vì chúng ở trong trạng thái thay đổi liên tục nên chúng vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).

Một người với sự hiểu biết đúng đắn được đề cập ở trên, đầu tiên nên nhận biết định mà mình đã đạt được và sau đó quán chiếu về nó. Sau đó, vị ấy nên tiếp tục bằng cách quán chiếu liên tục các cảm giác như thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, v.v., khi chúng xảy ra một cách rõ ràng ở bất kỳ căn môn nào trong sáu căn. Nếu cảm thấy kiệt sức vì phải liên tục quán các đối tượng khác nhau này (pakiṇṇaka-saṅkhārā), vị ấy nên nhập định lại bằng cách quyết tâm mạnh mẽ rằng định có thể duy trì trong 15 hoặc 30 phút. Khi định qua đi, vị ấy nên lập tức quán về định đó và sau đó tiếp tục bằng cách quán liên tục các cảm giác khi chúng xảy ra ở bất kỳ căn môn nào trong sáu căn. Quy trình luân phiên nhận ra định và sau đó tiếp tục quán các cảm giác ở sáu căn môn phải được thực hiện lặp đi lặp lại. Khi định Vipassanā đủ mạnh, hành giả sẽ có thể tiếp tục quán liên tục cả ngày lẫn đêm mà không cảm thấy căng thẳng.

Ở giai đoạn này, trong mọi sát-na quán niệm, hành giả nhận thức rõ ràng rằng thân và tâm là hai thứ riêng biệt được kết hợp với nhau như một điều hiển nhiên. Hành giả cũng nhận thấy rằng đối tượng và tâm mà nó trực tiếp biết đối tượng thì sinh diệt ngay tại thời điểm quán chiếu. Do đó, cần hiểu rằng “chúng là vô thường”, rằng “chúng gây khổ đau mà không có bất kỳ đặc tính dễ chịu hay độ tin cậy nào”, và rằng “chúng chỉ là một quá trình sinh diệt của các hiện tượng mà nó không bao gồm một thực thể hay linh hồn trường tồn (atta)”.

Với sự hiểu biết chân thật về vô thường, khổ và vô ngã, tuệ giác về đạo lộ và quả của nó xuất hiện và hành giả chứng ngộ Niết-bàn.

Đây là sự mô tả vắn tắt về sự thực hành bằng phương pháp thiền chỉ (samatha-yānika) với mục đích chứng ngộ Niết-bàn.

Mô tả vắn tắt về thiền tuệ

Với sự hiểu biết đúng đắn được đề cập ở trên, một người muốn thực hành “Vipassanā” (thiền tuệ, thiền minh sát) nên rút lui vào một nơi yên tĩnh và ngồi kiết-già hoặc trong bất kỳ tư thế thuận tiện nào mà nó giúp vị ấy có thể ngồi trong một thời gian dài, với lưng thẳng đứng, và sau đó quán chiếu bằng cách chú tâm vào các hiện tượng vật chất và tinh thần mà nó được gọi là ngũ thủ uẩn (upādānakkhandhā), và chúng đang xuất hiện một cách rõ ràng trong thân của vị ấy. Những hiện tượng này nên được quán chiếu liên tục mỗi khi chúng xuất hiện.

Các thủ uẩn là những thứ được nhận thức rõ ràng trong từng khoảnh khắc nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ về các ý niệm.

Vào lúc thấy, cả đối tượng thị giác và con mắt, nơi diễn ra việc thấy, đều được nhận biết. Hai thứ này thuộc nhóm vật chất. Chúng không dễ chịu cũng không phải là một con người. Tuy nhiên, những người không quán chiếu ngay lúc chúng xuất hiện thì không hiểu rằng chúng diệt ngay lập tức và không trường tồn; rằng chúng sinh diệt không ngừng và do đó là bất toại nguyện; rằng chúng không phải là ngã cũng không phải là một con người, mà là vô ngã bởi vì chúng chịu sự sinh diệt theo nhân quả. Bởi vì nhóm sắc này tạo thành đối tượng của tà kiến và chấp thủ nên chúng được gọi là sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha).

Nhãn thức (cakkhu-viññāṇa), thọ (vedanā), tri giác (saññā: tưởng) về đối tượng thị giác, và nỗ lực để thấy đối tượng thị giác hay các hoạt động tâm thức (saṅkhārā: hành) cũng được nhận thức rõ ràng tại thời điểm nhìn. Chúng thuộc nhóm tinh thần. Chúng không dễ chịu, cũng không phải ngã, cũng không phải là một con người. Tuy nhiên, những người không ghi nhận mỗi và mọi sự xuất hiện của những hiện tượng này thì không hiểu rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Do đó, họ xem những yếu tố tâm này là dễ chịu và chấp thủ chúng. Họ cho rằng “Tôi đang thấy”, “Tôi đang cảm thọ”, “Tôi đang tri giác”, “Tôi đang chăm chú nhìn”, và họ chấp thủ vào chúng. Đây chính là những lý do tại sao các nhóm tâm này được gọi lần lượt là thức thủ uẩn (viññāṇupādānakkhandha), thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), và hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha). Đây là cách ngũ thủ uẩn (upādānakkhandhā) được nhận thức rõ ràng ngay tại khoảnh khắc nhìn thấy đối tượng thị giác thông qua mắt.

Tương tự như vậy, ngũ uẩn được tri giác rõ ràng ngay tại khoảnh khắc nghe âm thanh qua tai, ngửi mùi qua mũi, biết vị qua lưỡi, cảm nhận các xúc giác qua thân và biết các đối tượng tâm qua tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp các đối tượng tâm, có thể có cả yếu tố vật chất và tinh thần.

Mặc dù các hiện tượng vật chất và tinh thần xuất hiện một cách rõ ràng tại mỗi khoảnh khắc thấy, nghe, v.v. ở nơi các phạm vi tương ứng của chúng, nhưng người mới bắt đầu không thể quán chúng theo thứ tự xuất hiện nối tiếp của chúng ngay từ khi bắt đầu thực hành thiền tuệ. Việc thực hành được bắt đầu với sự quán chiếu về những đối tượng nổi bật nhất có mặt trong cơ thể. Cũng giống như ở trường học, nơi mà những bài học đơn giản thường được dạy khi bắt đầu học.

Trong hai hiện tượng danh và sắc, hiện tượng vật chất nổi bật hơn cả nên được chọn làm đối tượng quán chiếu chính cho thiền tuệ. Lại nữa, trong các loại hiện tượng vật chất khác nhau, sự tiếp xúc của cơ thể (bhūtarūpa: sắc đại hiển) - mà nó nổi bật hơn các đối tượng của các căn môn (upādārūpa) là thấy, nghe, ngửi và nếm - nên được xem là đối tượng chính của quán chiếu lúc bắt đầu tu tập.

Do đó, để ghi nhận sự tiếp xúc cơ thể, nên chú tâm vào tư thế ngồi của thân và sự quán niệm liên tục được thực hiện bằng cách ghi nhận trong tâm là “ngồi, ngồi'”. Trong khi quán chiếu như vậy, cảm giác rõ ràng về sự tiếp xúc của mông hoặc chân hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể sẽ được chú ý. Cảm giác đặc biệt của sự tiếp xúc thân thể này nên được xem là một đối tượng bổ sung cùng với việc “ngồi” và liên tục quán là “xúc chạm, ngồi”. Tuy nhiên, nếu cách quán này khó bắt đầu, thì nên chú tâm vào sự tiếp xúc của hơi thở vào và hơi thở ra và thực hiện việc quán “xúc chạm, xúc chạm”. Nếu vẫn thấy khó thực hiện quán “xúc chạm” này thì nên chú tâm vào sự chuyển động của bụng là phồng lên (giãn ra) và xẹp xuống (co lại) do luồng hơi thở vào và hơi thở ra.

Đây là một minh họa trình bày cách thức quán chiếu. Đầu tiên, sự chú ý nên được cố định trên bụng. Khi đó sẽ có cảm giác bụng đang giãn ra và co lại - nơi bụng luôn có những chuyển động thân thể. Nếu lúc mới bắt đầu thực hành, chuyển động phồng và xẹp không rõ ràng chỉ bằng hành động chú tâm vào bụng, thì nên đặt một hoặc cả hai tay lên bụng. Không nên ngừng thở, và không nên thở nhanh hoặc thở sâu. Quá trình tự nhiên của hơi thở bình thường nên được duy trì. Khi cảm thấy bụng phồng lên, nó nên được quán bằng cách niệm thầm “phồng lên”.

Cần chú tâm vào sự phồng lên dần dần của bụng từ bắt đầu đến kết thúc. Khi cảm thấy bụng đang xẹp xuống, nó nên được quán là “xẹp”. Cần chú tâm vào sự xẹp xuống dần dần của bụng từ bắt đầu đến kết thúc.

Cần lưu ý rằng, các từ “phồng” và “xẹp” không nên được lặp đi lặp lại bằng miệng mà nên được lặp đi lặp lại bằng tâm. Trong thực tế, lời nói không thực sự quan trọng. Biết được những chuyển động thực sự của bụng và chuyển động của thân có mặt ngay tại chỗ đó là điều thực sự quan trọng. Tuy nhiên, nếu sự quán chiếu được thực hiện chỉ bằng hành động quan sát trong tâm mà không có hành động lặp lại các từ bằng tâm trí, thì sự quán chiếu sẽ thất thường và không hiệu quả, và có nhiều nhược điểm chẳng hạn như sự chú ý không tiếp cận đủ gần đối tượng mà nó hướng tới, rằng các đối tượng không được phân biệt rõ ràng và được nhận thức một cách riêng biệt, và rằng năng lượng cần thiết bị suy giảm. Do đó, việc quán chiếu nên được thực hiện bằng cách lặp đi lặp lại trong đầu những từ cần thiết về các đối tượng tương ứng.

Trong khi miệt mài với việc quán niệm “phồng, xẹp”, có thể có nhiều trường hợp tâm được nhận thấy là đang lang thang đến các đối tượng khác. Những trạng thái tâm lang thang này nên được quán chiếu khi chúng xuất hiện.

Ví dụ minh họa: Nếu nhận thấy rằng tâm lang thang đến những đối tượng khác với những đối tượng mà nó hướng đến, nó nên được quán là “lang thang”, nếu tâm có ý định làm điều gì đó, nó nên được quán là “có ý định”, nếu nó đang quán chiếu thì nó nên được quán là “quán chiếu”. Trong trường hợp đang muốn một cái gì đó, nó nên được quán là “đang muốn”; trong trường hợp hài lòng, tức giận hay thất vọng, nó nên được quán là “hài lòng”, “tức giận” hay “thất vọng”; và trong trường hợp cảm thấy lười biếng hay hạnh phúc thì nên quán là “lười biếng” hay “hạnh phúc”. Việc quán chiếu nên được thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi những trạng thái tâm dao động này chấm dứt. Sau đó quán trở lại sự phồng và xẹp của bụng và thực hiện liên tục.

Nếu có bất kỳ cảm giác khó chịu nào chẳng hạn như mỏi tay chân, cảm thấy nóng hay cảm thấy đau, v.v. xuất hiện trong thân thể, sự chú ý nên được tập trung vào nơi cảm giác đó và việc quán được thực hiện là “mệt, mệt”, “nóng, nóng”, hoặc “đau nhức, đau nhức”, tùy từng trường hợp. Khi các cảm giác khó chịu chấm dứt, nên trở lại quán niệm về “phồng, xẹp”.

Tuy nhiên, khi cảm giác đau nhức quá mức đến không thể chịu nổi, thì tư thế của thân và vị trí của tay và chân phải được thay đổi để giảm bớt tình trạng. Trong trường hợp thay đổi này cũng vậy, sự chú ý nên tập trung vào những chuyển động chính nổi bật của thân và tứ chi và sự quán niệm được thực hiện là “cúi”, “duỗi”, “lắc”, “dịch chuyển”, “nâng lên”, “đặt xuống”, v.v., theo thứ tự của quá trình thay đổi. Khi sự thay đổi hoàn tất, thì nên trở lại quán tưởng về “phồng, xẹp”.

Lúc đang nhìn cái gì thì nên quán là “nhìn, thấy”. Nếu cái gì được thấy mà không được nhìn thì nên quán là “thấy, thấy”. Khi một người tình cờ nghe một điều gì đó thì nên quán là “đang lắng nghe, đang nghe”. Nếu điều gì được nghe mà không được lắng nghe, thì nên quán là “đang nghe, đang nghe”. Nếu có sự suy nghĩ theo sau thì nên quán là “suy nghĩ, suy nghĩ”. Sau đó, sự quán chiếu về các đối tượng ban đầu nên được quay trở lại.

Trong trường hợp chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng và chuyển sang tư thế nằm, nên tiến hành quán chiếu bằng cách chú tâm vào từng chuyển động chính nổi bật của thân và tứ chi theo thứ tự kế tiếp nhau của tiến trình thay đổi.

Trong trường hợp kinh hành, quán niệm nên được tiến hành bằng cách chú tâm vào chuyển động của mỗi bước chân từ lúc nhấc chân lên cho đến lúc đặt chân xuống và ghi nhận trong tâm là “bước, bước” hoặc “tiến tới, tiến tới”, hoặc “nhấc lên, tiến tới, đặt xuống”.

Tóm lại, có thể đề cập rằng quán chiếu nên được thực hiện đối với tất cả các hoạt động của thân và tứ chi như cúi, duỗi, nhấc, di chuyển, v.v., để nhận thức chúng đúng với thực tướng của chúng khi chúng xảy ra. Việc quán chiếu nên được thực hiện đối với tất cả các cảm giác vật lý và cảm giác tinh thần để biết bản chất thực sự của chúng khi chúng sinh khởi. Quán chiếu nên được thực hiện đối với tất cả những suy nghĩ, ý niệm, v.v., để biết bản chất thực sự của chúng khi chúng xuất hiện. Nếu không có đối tượng nổi bật có tính chất cụ thể để quán trong khi giữ yên lặng với tư thế ngồi hoặc nằm, thì việc quán nên được thực hiện bằng cách luôn luôn hướng sự chú ý vào bất kỳ sự tiếp xúc nào của cơ thể. Do đó, những hướng dẫn được đưa ra ở đây đối với những chuyển động phồng và xẹp của bụng - mà chúng dễ giải thích và dễ quán - như là những đối tượng quán cốt yếu.

Tuy nhiên, có hai trường hợp quán khác đã được đề cập ở trên, đó là (i) quán ngồi và quán xúc chạm, và (ii) quán sự xúc chạm của hơi thở vào và hơi thở ra; có thể chọn một trong hai trường hợp, nếu muốn, như những đối tượng chính và chủ yếu trong quán niệm.

Khi đạt được trạng thái quán niệm cao mà ở đó có thể quán chiếu bất kỳ đối tượng nào khi chúng xuất hiện, sẽ không cần phải quay trở lại đối tượng chính đầu tiên. Quán chiếu nên được thực hiện trong mọi khoảnh khắc thấy, nghe, ngửi, nếm, biết các sự xúc chạm thân thể, suy nghĩ, ý niệm, v.v., theo thứ tự xuất hiện của chúng.

Bằng cách thức quán niệm liên tục này, vị hành giả phát triển định và tuệ đủ mạnh sẽ tự mình cảm nhận được sự sinh diệt của tâm nhiều lần trong một giây. Tuy nhiên, một hành giả mới bắt đầu thực hành sẽ không thể cảm nhận được sự nối tiếp nhanh chóng như vậy. Cũng giống như trường hợp một người mới bắt đầu học, không thể đọc nhanh và thông thạo như một người đã tiến bộ trong việc học. Tuy nhiên, một hành giả nên nỗ lực nhận biết sự sinh diệt của các trạng thái tâm không ít hơn một lần trong mỗi giây khi bắt đầu thực hành.

Đây là phần tóm tắt cơ bản sự thực hành thiền tuệ.

Thực hành trực tiếp thiền tuệ

Mặc dù nỗ lực thực hiện pháp quán như đã đề cập ở trên, vị hành giả có thể không hoặc quên quan sát nhiều hành động của thân và của tâm khi mới bắt đầu thực hành. Như đã chỉ ra ở nơi phần về thiền chỉ, sẽ có nhiều triền cái/chướng ngại (nīvaraṇa) khiến tâm lang thang đến các đối tượng khác. Trong trường hợp thiền chỉ, không nhất thiết phải quán các trạng thái tâm lang thang, mà chúng nên được đoạn trừ và đối tượng ban đầu được quán liên tục; trong khi trong trường hợp thiền tuệ, việc quán cũng nên được thực hiện đối với các trạng thái tâm lang thang này. Sau khi quán như vậy, sự quán nên quay trở lại các đối tượng ban đầu là “phồng, xẹp”. Đây là một trong những điểm mà thủ tục dành cho thiền chỉ khác với thủ tục dành cho thiền tuệ trong việc đoạn trừ các triền cái có liên quan.

Trong trường hợp thiền chỉ, hành giả phải quán liên tục đối tượng ban đầu để tâm hành giả chỉ tập trung vào đối tượng đó. Không cần thiết phải quan sát bất kỳ hiện tượng vật chất hay tinh thần nào khác. Vì vậy, không cần thiết phải quán chiếu về những chướng ngại như các trạng thái tâm lang thang, mà chúng đôi khi xuất hiện. Chỉ cần loại bỏ chúng khi chúng xuất hiện.

Tuy nhiên, ở nơi thiền tuệ, tất cả các hiện tượng vật chất và tinh thần xuất hiện ở sáu căn môn phải được quan sát. Vì vậy nếu khi những chướng ngại như tâm quán chiếu một cái gì đó khác với đối tượng quán chiếu ban đầu, hoặc tâm nuôi dưỡng sự tham muốn, khao khát, v.v., thì chúng cũng phải được quán chiếu. Nếu chúng không được quán chiếu, tà kiến và chấp thủ rằng chúng là thường, lạc và ngã sẽ xuất hiện. Chỉ bỏ qua chúng là không đủ như trong trường hợp thiền chỉ. Mục đích của thiền tuệ sẽ được hoàn thành chỉ khi hành giả quán chiếu chúng để biết bản chất và đặc tính thực sự của chúng và tách khỏi chúng.

Khi trạng thái tâm lang thang được quán chiếu lặp đi lặp lại theo cách này trong một thời gian dài, sẽ khó có bất kỳ sự lang thang nào xuất hiện. Ngay khi nó lang thang đến các đối tượng khác, trạng thái tâm lập tức được ghi nhận và quán chiếu, và sau đó nó không còn lang thang nữa. Trong một số trường hợp, người ta sẽ thấy rằng việc quán đang được tiến hành không gián đoạn bởi vì trạng thái tâm được nhận ra ngay khi nó bắt đầu sinh khởi.

Ở cấp độ quán chiếu này, hành giả thấy rằng tâm đang quán và đối tượng của nó luôn đến với nhau một cách liên tục và cố định. Sự tập trung này của tâm vào đối tượng của nó được gọi là sát-na định minh sát (vipassanā-khaṇika-samādhi).

Tâm bây giờ thoát khỏi tham dục và các triền cái khác và do đó ở cùng mức độ với cận định được đề cập ở nơi phần thiền chỉ. Vì tâm không còn bị bất kỳ triền cái nào khiến cho tâm lang thang mà chỉ có sự quán chiếu, nên gọi là tâm thanh tịnh (citta visuddhi).

Sự phát triển tuệ minh sát

Khi đó, các hiện tượng vật lý như phồng, xẹp, co, duỗi v.v. mà chúng đang được quán, được nhận biết trong mỗi sát-na quán với các hình thức riêng biệt mà không bị trộn lẫn với tâm quán chúng hoặc với các hiện tượng vật chất khác. Các hiện tượng tinh thần, chẳng hạn như quán, suy nghĩ, thấy, nghe, v.v. cũng được nhận biết trong từng sát-na quán ở nơi những trạng thái riêng biệt không lẫn lộn với hiện tượng vật chất hay hiện tượng tinh thần khác. Tại mỗi sát-na thở, thân và tâm được nhận thức rõ ràng và tách biệt như hai. Trí phân biệt các hiện tượng vật chất và tinh thần như hai quá trình riêng biệt là trí phân tích về thân và tâm (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa: tuệ phân tích danh sắc).

Khi đã phát triển tuệ giác này nhiều lần trong quá trình quán chiếu liên tục, sẽ xuất hiện một sự hiểu biết rõ ràng rằng chỉ có tâm và sắc. Thân không có khả năng biết phồng, xẹp, co, cử động, v.v., trong khi tâm có khả năng quán chiếu, suy nghĩ, thấy, nghe, v.v. Ngoài hai yếu tố này thì không có ngã. Sự hiểu biết này được gọi là tri kiến thanh tịnh (diṭṭhi visuddhi).

Khi tiến xa hơn với sự quán chiếu, hành giả nhận thấy rằng các hiện tượng vật chất và tinh thần đang xuất hiện trong cơ thể như là những kết quả của các nguyên nhân tương ứng của chúng.

Ví dụ: Hành giả thấy rằng bởi vì tâm muốn co, duỗi, cử động hay thay đổi tư thế, nên xuất hiện các hành động co, duỗi, cử động, thay đổi; bởi do nhiệt độ dao động nên luôn có những thay đổi về thể trạng hoặc nóng hoặc lạnh; và bởi do việc ăn uống mà năng lượng vật lý mới luôn phát sinh. Lại nữa, hành giả nhận biết sự thật rằng, bởi vì có mắt và đối tượng thị giác, tai và âm thanh, v.v. nên có cái thấy, cái nghe, v.v.; và do sự chú ý được hướng dẫn, tâm nắm lấy đối tượng của nó. Lại nữa, vị ấy nhận biết sự thật rằng, vì do vô minh hay ảo tưởng nên chúng ta xem cuộc đời là tốt đẹp và hạnh phúc, và vì tham ái, nên mọi loại hành động được thực hiện, và bởi vì chấp thủ vào những hành động đã được thực hiện, ở đó xuất hiện, trong chuỗi tương tục, những sát-na thức mới. Lại nữa, người ấy nhận thức rằng chết chẳng qua là sự ra đi của thức cuối cùng ở nơi chuỗi liên tiếp của loại tâm này, và sinh là sự xuất hiện của một thức mới ở nơi chuỗi nối tiếp của loại tâm này, tùy thuộc vào một sự hình thành vật chất mới. Tuệ phân biệt tính duyên khởi của nhân và quả được gọi là tuệ phân biệt duyên (paccaya-pariggaha-ñāṇa).

Khi hiểu được sự thật của lý duyên khởi, vị ấy sẽ đi đến kết luận rằng “đời sống trong quá khứ là sự hình thành của danh và sắc, mà chúng phụ thuộc vào những nguyên nhân tương ứng của chúng và rằng sẽ có một tiến trình sống tương tự trong tương lai”. Cái thấy thanh tịnh này được gọi là đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhāvitaraṇa visuddhi).

Trước khi phát triển sự hiểu biết đúng đắn về sự thật rằng “sự sống bao gồm thân và tâm mà chúng phụ thuộc vào những nguyên nhân tương ứng của chúng”, có những hoài nghi rằng liệu “tôi” có tồn tại trong quá khứ hay không, có phải “tôi” chỉ tồn tại ở hiện tại hay không, hay có phải “tôi” sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai. Bây giờ những hoài nghi này không thể xuất hiện vì chúng đã được vượt qua.

Khi tiến xa hơn với sự quán chiếu, hành giả nhận biết rằng các hiện tượng vật chất và tinh thần đang sinh và diệt tại mỗi sát-na quán chiếu. Đây là tuệ thấu đạt về vô thường (anicca-sammasana-ñāṇa).

Khi nhận thức được sự thật rằng các hiện tượng vật chất và tinh thần liên tục sinh và diệt - rằng chúng liên tục bị ảnh hưởng bởi sự sinh và diệt, chúng được xem là không dễ chịu cũng không đáng tin cậy, mà là những khổ đau khủng khiếp. Đây là tuệ thấu đạt về khổ (dukkha-sammasana-ñāṇa).

Khi nhận thức được sự thật rằng các hiện tượng vật chất và tinh thần, như một quy luật, không tuân theo mệnh lệnh của ý muốn con người mà đang sinh và diệt theo bản chất của chính chúng và có điều kiện tương đối, hành giả nhận ra rằng chúng không phải là ngã (atta). Đây là tuệ thấu đạt về vô ngã (anatta-sammasana-ñāṇa).

Sau khi đã quán chiếu về những sự thật, hành giả tiếp tục quán chiếu mà không cần suy nghĩ gì thêm. Sau đó, vị ấy nhận biết rõ ràng sự khởi đầu của mọi đối tượng mà vị ấy quán chiếu. Vị ấy cũng nhận biết rõ ràng sự đi đến chấm dứt của mỗi đối tượng quán chiếu như thể nó bị cắt đứt một cách rõ ràng.

Những vấn đề trong thiền tuệ

Tại thời điểm này, thường có nhiều trải nghiệm kỳ lạ xuất hiện, chẳng hạn như:

Các tâm cảnh với ánh sáng rực rỡ.

Cảm giác cuồng nhiệt.

Cảm giác êm đềm.

Cảm giác kính ngưỡng đối với Phật, Pháp và Tăng.

Năng lượng lớn trong việc thực hiện quán chiếu.

Hạnh phúc.

Nhận thức nhanh chóng và rõ ràng về các đối tượng.

Khả năng thực hiện chánh niệm không bỏ sót đối tượng nào.

Quán chiếu tự động mà không cần nỗ lực đặc biệt.

Cảm giác thích thú vi tế trong quán chiếu.

Do đó, vị hành giả phấn chấn đến mức họ không thể giữ im lặng mà thường nói về những trải nghiệm của mình. Người đó thường cho rằng mình đã giác ngộ rồi. Đây là giai đoạn đầu của tuệ sinh diệt (udayabbaya-ñāṇa). Tuy nhiên, đó là một con đường sai lầm.

Sau đó, vị hành giả khẳng định rằng việc nhìn thấy những tâm cảnh và những cảm giác khác không phải là sự chứng đạt giác ngộ thực sự, và rằng phương pháp quán chiếu đúng đắn để đạt giác ngộ chính là quan sát liên tục bất cứ thứ gì sinh khởi. Vị ấy đi đến quyết định này dựa vào những gì vị ấy đã học được từ kinh sách hay theo chỉ dẫn của người thầy.

Quyết định này là sự thanh tịnh nhờ thấy rõ đâu là đạo và không phải đạo (maggāmagga-ñāṇa-dassana visuddhi: Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh).

Sau khi đi đến quyết định này và tiếp tục quán chiếu, việc nhìn thấy những tâm ảnh và những cảm giác khác giảm dần và việc nhận biết các đối tượng trở nên rõ ràng hơn. Sự sinh diệt của các hiện tượng vật chất tại mỗi sự chuyển động trong một lần co duỗi tay chân hay trong một bước chân sẽ được nhận biết rõ ràng. Đây là sự tuệ tri cuối cùng về sinh diệt.

Khi sự tuệ tri này đã có đủ sức mạnh, sự nhận biết đối tượng được thấy là nhanh hơn. Sự kết thúc hay biến mất của các đối tượng được nhận biết rõ ràng hơn so với sự khởi đầu hay xuất hiện của chúng. Các đối tượng của sự quán chiếu dường như đang biến mất. Các hình thù của tay, chân, đầu, thân, v.v. không còn được nhận thức nữa. Sự biến mất của thân và tâm được nhận biết trong mọi sát-na quán chiếu. Ngay cả tâm quán chiếu cũng được nhận biết là biến mất cùng với đối tượng quán của nó ở mọi thời điểm. Sự tuệ tri về tiến trình biến mất, theo từng cặp, của tâm và đối tượng của nó là tuệ về sự tan biến (bhaṅga-ñāṇa: tuệ diệt).

Khi nhận biết rõ tiến trình luôn biến mất ở nơi từng cặp tâm và đối tượng của nó, ở đó xuất hiện trí tuệ nhận ra bản chất tồi tệ của sự vật. Đây là tuệ sợ hãi (bhaya-ñāṇa).

Sau đó, ở đó xuất hiện trí tuệ nhận ra những lỗi lầm và khiếm khuyết của các hiện tượng vật chất và tinh thần. Đây là tuệ thấy rõ sự hiểm họa (ādīnava-ñāṇa).

Sau đó, ở đó xuất hiện trí tuệ nhận ra bản chất không hấp dẫn và nhàm chán của sự vật. Đây là tuệ quán thấy sự ghê tởm (nibbidā-ñāṇa).

Khi nhận ra rằng chỉ khi nào không có những hiện tượng vật chất và tinh thần liên tục sinh ra và diệt đi theo cách này thì mọi chuyện mới tốt đẹp, thì ở đó xuất hiện trí tuệ tìm kiếm sự thoát khỏi khổ đau do những hiện tượng này gây ra. Đây là tuệ mong muốn giải thoát (muñcitu-kamyatā-ñāṇa: dục thoát tuệ).

Khi quán chiếu thêm với sự trầm tư đặc biệt về giải thoát, ở đó sẽ xuất hiện một sự nhận thức rõ ràng về các đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Đây là tuệ suy tư (paṭisaṅkhā-ñāṇa).

Khi tuệ suy tư này chín muồi, sự quán chiếu tự động diễn ra mà không cần nỗ lực đặc biệt nào để nhận biết và tuệ tri. Nó tiếp tục quán chiếu các đối tượng với tâm xả - chỉ chú ý đến chúng mà không đi lạc vào cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Sự quán chiếu này rất yên bình và dễ dàng và nó biết các đối tượng của nó một cách tự động đến mức nó có thể kéo dài hơn một giờ, hai giờ hoặc ba giờ; và mặc dù có thể kéo dài như vậy, sẽ không có sự mệt mỏi hay kiệt sức. Trí tuệ nhận ra bản chất thực sự của các đối tượng quán chiếu một cách tự động và không đi vào sự dễ chịu và khó chịu của chúng là tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā-ñāṇa).

Do sự quán chiếu mà nó diễn ra một cách tự động này và sức đẩy nhận ra các đối tượng của nó, ở đó xuất hiện trí tuệ mà nó đặc biệt nhanh chóng và tích cực. Trí tuệ đưa thẳng đến thánh đạo này là trí tuệ dẫn đến giải thoát khỏi danh pháp, sắc pháp (vuṭṭhāna-gāminī-vipassanā-ñāṇa).

Trí tuệ đặc biệt đó xuất hiện khi hành giả nhận ra rằng các hiện tượng vật chất và tinh thần xuất hiện tại sáu căn môn ngay tại chính sát-na đó là vô thường, khổ và vô ngã. Trí tuệ cuối cùng là tuệ thuận thứ (anuloma-ñāṇa), gồm ba sát-na thúc đẩy (javana) được gọi là chuẩn bị (parikamma), cận hành (upacāra), và thuận thứ (anuloma). Đây là tuệ minh sát mà nó phù hợp với cả tám tuệ minh sát trước và tuệ đạo tiếp theo (magga-ñāṇa).

Tuệ từ giai đoạn chín muồi của sinh diệt cho đến tuệ thuận thứ được gọi chung là hành đạo tri kiến tịnh (paṭipadā-ñāṇa-dassana-visuddhi).

Sau tuệ thuận thứ, tuệ chuyển tộc (gotrabhu-ñāṇa) xuất hiện; tuệ này có Niết-bàn làm đối tượng khi những rắc rối và đau khổ liên quan đến các hiện tượng vật chất và tinh thần chấm dứt hoàn toàn. Đây là trí tuệ mà nó cắt đứt dòng dõi phàm phu (puthujjana) và đi vào dòng thánh (ariya).

Sau đó, tuệ đạo Nhập lưu (Sotāpatti magga) và tuệ quả (phala ñāṇa) xuất hiện, là tuệ chứng ngộ Niết-bàn. Tuệ đạo được gọi là tri kiến thanh tịnh (ñāṇa-dassana-visuddhi).

Tuệ đạo và tuệ quả không tồn tại dù chỉ một giây. Sau đó, có sự suy ngẫm về những kinh nghiệm đặc biệt của đạo lộ, quả của nó, và Niết-bàn. Đây là tuệ hồi quán (paccavekkhaṇa-ñāṇa).

Người nào đã đạt được tuệ hồi quán theo thủ tục này là một vị Nhập lưu/Tu-đà-hoàn (Sotāpanna).

Vị Nhập lưu thoát khỏi ba kiết sử sau (saṃyojana):

- Tà kiến cho rằng các uẩn thuộc hiện tượng vật chất và tinh thần là một bản ngã, tức là ngã kiến (sakkāya-diṭṭhi).

- Bất cứ sự hoài nghi nào (vicikicchā) về Phật, Pháp, Tăng, hay giới luật.

- Tin rằng có các phương pháp khác, mà chúng nằm ngoài việc tu tập Bát chánh đạo và phát triển tuệ giác về Tứ diệu đế, có thể mang lại an lạc vĩnh cửu, tức là niềm tin vào giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).

Vì những lý do này, một vị Nhập lưu được bảo đảm sẽ không tái sinh vào bốn cõi thấp, và sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc ở cõi người và cõi trời nhiều nhất là bảy kiếp, và trong khoảng thời gian này sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán và Niết-bàn .

Khi một vị Nhập lưu thực hành thiền tuệ để chứng đạt thánh quả (phala-samāpatti), vị ấy sẽ đạt đến trạng thái đó và duy trì trạng thái đó trong khoảng thời gian năm hoặc mười phút, hoặc nửa giờ, hoặc một giờ. Khi được tu tập thuần thục, vị ấy sẽ đạt được thánh quả một cách nhanh chóng và ở trong đó cả ngày, cả đêm hoặc lâu hơn.

Nếu hành giả quán các thủ uẩn theo cách giống như đã đề cập để chứng ngộ các đạo và quả cao hơn, tuệ minh sát sẽ phát triển từ giai đoạn sinh và diệt theo cùng trình tự như trước, và khi hoàn toàn chín muồi, vị ấy sẽ chứng ngộ Niết-bàn với đạo lộ và quả vị Nhất lai (Sakadāgāmi magga phala), và sẽ trở thành một vị Nhất lai (Sakadāgāmi). Khi đó vị ấy thoát khỏi ái dục tham (kāma-rāga) và sân hận (paṭigha). Vị ấy sẽ sống một đời sống hạnh phúc ở nơi cõi người và cõi trời nhiều nhất là hai kiếp và sẽ chứng quả vị A-la-hán và Niết-bàn trong khoảng thời gian này.

Khi một vị Nhất lai tiến hành thực hành thiền tuệ để chứng đạt quả vị, vị ấy sẽ đạt đến trạng thái đó. Khi vị ấy thực hành để nhận chân các đạo và quả cao hơn, tuệ minh sát sẽ phát triển theo trình tự nối tiếp như trước và khi hoàn toàn chín muồi, hành giả sẽ chứng ngộ Niết-bàn với đạo và quả Bất lai (Anāgāmi magga phala) và trở thành bậc Bất lai (Anāgāmi). Khi đó, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi hai kiết sử nữa: dục tham và sân hận. Vị ấy sẽ không còn tái sinh ở cõi dục giới, mà chỉ tái sinh ở cõi sắc giới (rūpa-loka) hoặc vô sắc giới (arūpa-loka), nơi vị ấy sẽ trở thành một vị A-la-hán và chứng ngộ Niết-bàn.

Khi một vị Bất lai tiến hành thực hành thiền tuệ để chứng đạt đạo quả, vị ấy sẽ đạt đến trạng thái đó. Khi vị ấy thực hành các đạo và quả cao hơn, tuệ minh sát sẽ phát triển theo trình tự tương tự và khi hoàn toàn chín muồi, vị ấy sẽ chứng ngộ Niết-bàn với đạo lộ A-la-hán và thánh quả của nó (Arahatta magga phala) và trở thành một vị A-la-hán.

Một vị A-la-hán thoát khỏi năm kiết sử còn lại:

Tham ái đối với sự tồn tại của sắc vật chất (rūpa-rāga: sắc tham).

Tham ái đối với sự tồn tại phi vật chất (arūpa-rāga: vô sắc tham).

Ngã mạn (māna).

Trạo cử (uddhacca).

Vô minh (avijjā) cùng với mọi phiền não (kilesa).

Vào cuối kiếp sống hiện tại, vị ấy sẽ đạt được Niết-bàn. Vì sự tái sinh không còn đối với vị ấy sau khi nhập Niết-bàn nên vị ấy hoàn toàn thoát khỏi khổ đau của già, bệnh, chết, v.v.

Chính vì hướng đến sự giải thoát này mà câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết: “Mục đích của việc thực hành thiền định là gì?” đã được đưa ra câu trả lời sau đây:

 “Việc thực hành thiền định được thực hiện với mục đích chứng ngộ Niết-bàn và nhờ đó thoát khỏi những khổ đau của đời sống”.

Do đó, tất cả những ai tha thiết mong muốn chứng ngộ Niết-bàn và nhờ đó đạt được tự do tuyệt đối thì nên thực hành thiền định theo những hướng dẫn được đưa ra ở đây.

Cầu mong tất cả có thể thực hành thiền định và đạt được Niết-bàn.

Nguồn: http://www.aimwell.org/

 


Chia sẻ: facebooktwittergoogle