Lợi ích của Bồ đề tâm

loi ich

LỢI ÍCH CỦA BỒ-ĐỀ TÂM

Tuệ Anh

Bồ-đề tâm là giáo thuyết trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Bồ-đề tâm là tâm mong cầu giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Có Bồ-đề tâm tương đối và Bồ-đề tâm tuyệt đối. Mong cầu giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh, đó là Bồ-đề tâm tương đối. Còn Bồ-đề tâm tuyệt đối là trí tuệ thực chứng tánh Không. Bồ-đề tâm tương đối dựa trên hiểu biết về nhân quả và nghiệp. Còn Bồ-đề tâm tuyệt đối dựa trên sự thấu rõ bản chất của các cảm xúc phiền não. Bồ-đề tâm tuyệt đối đạt được khi thực hành Bồ-đề tâm tương đối. Trong Bồ-đề tâm tương đối lại có Bồ-đề tâm nguyện và Bồ-đề tâm hạnh. Bồ-đề tâm nguyện là mong ước giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi khổ đau và Bồ-đề tâm hạnh là thực hiện ước mơ đó bằng hành động cụ thể thông qua ba nghiệp thân khẩu ý.

Tôi đã từng là một bệnh nhân trầm cảm. Phật giáo cho chúng ta biết rằng nguyên nhân của bệnh trầm cảm là tâm vị k và nghiệp tà dâm trong quá khứ. Do đó, tôi không phản đối khi bạn cho tôi là một người xấu xa, chỉ vì tôi mắc chứng trầm cảm. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những người xấu xa cũng có thể nhắc bạn một vài bài học nào đó. Ví dụ như bạn sẽ không sống ích kỷ và tạo nghiệp tà dâm để tránh mắc trầm cảm như tôi. Người trầm cảm luôn sống trong một nỗi đau khổ khủng khiếp mà chỉ ai mắc trầm cảm mới thấu hiểu được. May thay, tôi đã đi qua giai đoạn đó. Nhờ người thân, bạn bè, thuốc men, nhờ Phật pháp, nhờ Ân sư và đặc biệt là nhờ Bồ-đề tâm.

Tôi bén duyên muộn với Phật pháp nên hơn nửa đời người vẫn không biết Bồ-đề tâm là gì. Mỗi lần tụng kinh vẫn tụng như con vẹt: Nhược hữu kiến văn giả/ Tất phát Bồ-đề tâm, mà chính mình chưa hề phát tâm Bồ-đề, hoặc là có nhưng không ý thức được. Cho đến khi Ân sư gửi tôi vào trường Phật học, bài học phát tâm Bồ-đề tôi được học nguyên văn như sau: “Chúng sinh sung mãn hư không giới, phiền não sung mãn khắp chúng sinh, ác nghiệp sung mãn khắp phiền não, khổ bức sung mãn khắp ác nghiệp”. (Tất cả những chúng sinh đang chịu khổ kia đều đã từng là cha, là mẹ của mình. Tất cả đều có ơn nặng với mình. Mình phải làm gì để họ an lạc đây? Hiện giờ, tôi không có khả năng gì để cứu giúp họ được cả. Vì vậy để làm lợi ích cho những chúng sinh này, tôi phải chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh).

Bài học này làm chấn động tâm thức tôi và tôi cảm giác khối khổ đau truyền kiếp của mình trở nên nhẹ bỗng. Tại sao như vậy? Ngài Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 có nói rằng, quan tâm đến người khác là cội nguồn của hạnh phúc. Bài học phát Bồ-đề tâm giúp tôi ý thức được không chỉ riêng tôi khổ đau, những người khác cũng khổ đau. Thay vì cứ mãi băn khoăn bao giờ thì tôi hết đau khổ và được hạnh phúc, tôi bắt đầu nghĩ đến nỗi khổ của người khác và tìm cách để giúp họ chấm dứt đau khổ. Đạo Phật đã cho tôi con đường đúng đắn để tìm được hạnh phúc.

Hòa thượng Thái Hòa có dạy, đời sống không tưởng cũng đáng sợ như bầu trời đêm không trăng không sao. Ở tuổi hai mươi, tuổi đẹp nhất của đời người, tôi bị khủng hoảng tinh thần và khao khát một lý tưởng đúng đắn.

Qua dầm dề mưa tuyết

Mới vui ngày nắng về.

Phải trải qua những ngày tháng như đêm đen ấy, tôi mới cảm thấy trân quý khi tìm được lý tưởng. Bồ-đề tâm chính là lý tưởng mà tôi đã tìm được.

Bồ-đề tâm dạy cho tôi nguyên tắc cơ bản nhất để sống hạnh phúc: nghĩ đến người khác thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình. Cứ mãi lo nghĩ không biết bao giờ mình mới được hạnh phúc, đó là cách tốt nhất để nhận lấy khổ đau. Có những lúc cảm thấy mình vô dụng, vô giá trị, Bồ-đề tâm nhắc nhở tôi nhớ rằng tôi hoàn toàn có khả năng mang lại hạnh phúc cho người khác. Ai đã từng đọc quyển sách Đứng dậy và bước đi của chị Hướng Dương, người đầu tiên lập ra công ty sách nói dành cho người mù tại Việt Nam, sẽ không thể quên được câu chuyện đời bi thương và cảm động của chị. Là một cô gái xinh đẹp, tài năng, có người yêu lý tưởng, tai nạn ập đến cướp đi của chị đôi chân, phá hủy nhan sắc của chị, người yêu cũng ra đi không lời từ giã. Trong cơn trầm cảm chị xin cha mẹ chết đi để hết đau khổ, cha của chị nói rằng: Nếu con không muốn sống cho con thì hãy sống vì ba mẹ. Con còn đây ba mẹ còn thấy được, con chết rồi, ba mẹ nhớ con chỉ có tấm bia mộ mà thôi. Câu nói của ba đã khiến chị từ bỏ ý định tự tử. Rồi chị bỏ qua nghịch cảnh của mình để đem năng lực có được giúp đỡ những trẻ em mù, những người bất hạnh như chị hay bất hạnh hơn chị. Thừa nhận mình thất bại là thừa nhận mình vấp ngã. Nhưng cuộc đời của chị Hướng Dương là minh chứng cho câu nói: Không vấp ngã đó là điều tốt, nhưng vấp ngã rồi đứng dậy bước đi lại là điều tốt hơn. Đối với kẻ ghét bạn, bạn là sự căm ghét, họ muốn bạn biến mất và sự tồn tại của bạn với họ là đau khổ. Nhưng bạn vẫn còn có người thương, chẳng hạn như ba mẹ bạn. Trong mắt ba mẹ bạn, bạn là vàng là ngọc, là nguồn hạnh phúc. Và bạn còn có chính mình nữa. Đừng vì sự căm ghét của ai đó mà bạn phủ nhận và căm ghét chính mình. Hãy vì chính mình và những người thương yêu bạn mà trân quý sự hiện diện của bạn trong cuộc đời này. Bởi vì tôi biết có vô vàn người trẻ đang mắc chứng trầm cảm trong thời đại ngày nay, họ cũng bị khủng hoảng lý tưởng, họ cũng cô đơn và tuyệt vọng, họ cũng đã, đang và sẽ muốn kết liễu đời mình như tôi đã từng.

Bồ-đề tâm có trong bạn và có trong tôi. Đó là một nguồn năng lượng mà hội đủ nhân duyên thì sẽ được biểu hiện. Là một thuật ngữ Phật giáo, nhưng có thể nói một cách đơn giản Bồ-đề tâm là tâm mong muốn đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình và người khác. Khả năng đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho người khác nó tiềm tàng trong mỗi chúng ta không phân biệt. Đó là cái mà chúng ta nói là Phật tính bình đẳng.

Thiền sư Nhất Hạnh trong quyển Chú giải kinh Kim cương có nói, khi học kinh điển, phải suy nghĩ những lời kinh này có liên hệ gì đến cuộc sống của mình hay không. Cũng vậy, Bồ-đề tâm không phải là một khái niệm để hý luận. Nó là một pháp hành. Nếu đã quyết định sống để đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho người khác, bạn sẽ phải luôn ý thức về lời nói, hành động và suy nghĩ của mình. Tôi có nhiều kinh nghiệm về cách để có một cuộc sống đau khổ. Đó là lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Đó là luôn trách móc và lên án người khác. Đó là không quay về với bản thân mà luôn nhìn lỗi người. Đó là lười biếng, buông lung, không kiểm thúc thân tâm. Đó là ganh tị và ngã mạn... Và nhiều kinh nghiệm nữa mà chung quy lại không ngoài tham, sân và si. Khi đau khổ, tôi có ý muốn trả đũa người gây khổ đau cho tôi và như vậy là tôi hành động trái ngược với Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm có thể giúp tôi bớt ghen tị, bởi vì:

Tôi nguyện chúng sinh

Trọn thành Phật đạo

Được khắp ba cõi

Cất tiếng tôn vinh

Nay chúng sinh được

Đôi chút ngợi khen

Sao tôi lại thấy

Khổ tâm như vậy.

(Nhập Bồ-tát hạnh, Shantideva)

Nếu bạn đã là người luôn hoan h với người khác, chúc mừng bạn, bài kệ trên không dành cho bạn. Chỉ có những người hay ganh tị như tôi mới cần đến nó. Thói ganh tị khiến ta khó chịu trước thành công của người khác. Thật mâu thuẫn khi ta đã phát Bồ-đề tâm là nguyện đưa tất cả chúng sinh đến quả vị Phật, tức là hạnh phúc cao tột. Bồ-đề tâm sẽ khiến ta nhận ra được sự xấu xa độc hại của thói ghen tị.

Bản thân Bồ-đề tâm đã là một nguồn năng lượng mang tới hạnh phúc. Và bạn có thể phát Bồ-đề tâm bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Tôi không hiểu hết được sự quý giá hy hữu của Bồ-đề tâm mặc dù vẫn có thể ý thức chính Bồ-đề tâm đã cứu rỗi tôi, cho đến khi tôi đọc được quyển Bồ-tát hạnh của ngài Shantideva cũng như đoạn kinh Hoa nghiêm trong đó ngài Di Lặc xưng tán Bồ-đề tâm. Để hợp với Thánh giáo, tôi xin đọc giùm bạn vài trích dẫn từ hai tác phẩm trên.

Bồ-tát hạnh gồm mười chương thì có ba chương nói về Bồ-đề tâm. Chương 1, Xưng tán Bồ-đề tâm có đoạn: “Những ai muốn thoát khỏi đau khổ của luân hồi, cứu độ chúng sinh, an hưởng chân hạnh phúc, phải luôn nhớ không được rời bỏ Bồ-đề tâm. Tuy còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nhưng kẻ nào vừa phát Bồ-đề tâm thì ngay khi đó liền trở thành “Con của đấng Thiện Thệ”. Chư thiên và loài người sẽ cung kính kẻ đó. Nước phép Bồ-đề tâm sẽ biến thân thể bất tịnh này thành một hòn ngọc vô giá vì nó chứa đựng một vị Phật tương lai. Do đó hãy gìn giữ cẩn thận Bồ-đề tâm”.

Và công đức vô lượng của Bồ-đề tâm đã được Ngài Di Lặc nói đến trong kinh Hoa nghiêm:

“Vì Bồ-đề tâm như chủng tử, vì có thể sinh tất cả Phật pháp. Bồ-đề tâm như ruộng tốt, vì có thể sinh trưởng bạch tịnh pháp cho tất cả chúng sinh. Bồ-đề tâm như đại địa, vì có thể giữ gìn tất cả thế gian. Bồ-đề tâm như tịnh thủy vì có thể rửa sạch phiền não nhơ nhớp. Bồ-đề tâm như gió lớn, vì vô ngại khắp ở thế gian. Bồ-đề tâm như lửa mạnh, vì có thể đốt tiêu củi kiến chấp. Bồ-đề tâm như tịnh nhật, vì chiếu khắp tất cả thế gian. Bồ-đề tâm như mặt nguyệt sáng, vì những pháp bạch tịnh đều viên mãn. Bồ-đề tâm như đèn sáng, vì có thể phóng những pháp quang minh. Bồ-đề tâm như mắt sáng, vì thấy khắp tất cả chỗ an nguy. Bồ-đề tâm dường như con đường lớn, vì dẫn vào thành đại tri. Bồ-đề tâm như con đường chánh, vì làm cho rời khỏi tà pháp. Bồ-đề tâm như cỗ xe lớn, vì có thể chuyên chở chư Bồ-tát. Bồ-đề tâm như cửa nẻo, vì khai thị tất cả hạnh Bồ-tát. Bồ-đề tâm như cung điện, vì an trụ tu tập pháp tam muội. Bồ-đề tâm như khu vườn vì ở trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc. Bồ-đề tâm như nhà cửa vì an ổn tất cả chúng sinh. Bồ-đề tâm là chỗ về, vì lợi ích tất cả thế gian. Bồ-đề tâm là chỗ dựa, vì là dựa nương của những Bồ-tát hạnh. Bồ-đề tâm như từ phụ vì dạy dỗ tất cả chư Bồ-tát. Bồ-đề tâm như từ mẫu, vì sinh trưởng tất cả chư Bồ-tát. Bồ-đề tâm như nhũ mẫu, vì dưỡng dục tất cả chư Bồ-tát. Bồ-đề tâm như thiện hữu, vì thành tựu lợi ích cho chư Bồ-tát. (...) Tóm lại, phải biết Bồ-đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp. Tại sao vậy? Vì nhân nơi Bồ-đề tâm mà xuất sinh tất cả Bồ-tát hạnh. Tam thế Như Lai từ Bồ-đề tâm mà xuất sinh”.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle