Bám Chấp
bam chap
Bám Chấp
Ajahn Lee Dhammadaro
Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961),
là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.
* * *
Bám chấp là nguyên nhân
của mọi đau khổ, phiền não. Đó là những
gì làm phát sinh trạng thái hữu và sinh. Điều đó không an toàn chút nào. Bất
cứ điều gì có mặt, có sắc pháp chắc chắn sẽ tạo ra đau khổ. Giống như tiền
của ta để người khác nhìn thấy: chắc chắn sẽ có những tên trộm muốn ăn cắp nó.
Khi có tiền, bạn sợ mọi người trông thấy chúng. Bạn sợ ngay cả khi họ không
thấy. Tương tự, khi chúng ta bám chấp vào năm uẩn như tự ngã của mình trên thế
gian, ta sẽ khổ. Khi chết đi, tái sinh sang thế giới khác, đau khổ vẫn không
dứt.
Sự bám chấp mà chúng ta
cảm nhận có ba loại, hoặc ba khung thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong mỗi khung thời gian có năm uẩn, có nghĩa là mỗi người có 15 uẩn. Và khi
chúng ta có quá nhiều uẩn để đeo mang, không có gì lạ khi chúng ta đau khổ. Hướng
tới tương lai, chúng ta bắt đầu tự hỏi: "Nếu tôi sống đến 60, 70 hoặc 80,
nó sẽ như thế nào? Nếu tôi rơi vào cảnh nghèo đói, tôi sẽ làm gì?" Khi
nghĩ như vậy, chúng ta bắt đầu lo lắng bằng mọi cách. Nếu chúng ta nghĩ về
những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ bị mê hoặc. Nếu nghĩ về những điều xấu, chúng
ta sẽ chán nản. Một số người nghĩ về những điều tồi tệ đến nỗi họ thực sự chán
nản và trầm cảm. Đó là vì họ bám vào những suy nghĩ và các mối bận tâm này.
Điều này được coi như có năm hòn đá nặng đặt trước mặt chúng ta.
Rồi chúng ta quay nhìn lại
phía sau và tự hỏi: "Khi chúng ta chết rồi, con cháu ta sẽ ra sao?"
Chúng ta có thể nghĩ đến việc cho chúng một phần tài sản của gia đình, để chúng
có thể thiết lập cuộc sống. Nhưng rồi ta lo chúng có thể xuẩn ngốc như thế nào.
"Nếu chúng lấy tài sản gia đình cho, đi đánh cược tất cả, chúng ta sẽ làm
gì?" Với những suy nghĩ như vậy, chỉ làm cho chúng ta nản lòng. Lúc khác, thì
ta lại nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, của con cái, ngay trong
hiện tại, và điều đó làm cho chúng ta hạnh phúc. Đó là năm viên đá nặng khác. Như
thế, tổng cộng chúng ta có năm viên đá ở phía trước, năm viên ở phía sau và năm viên đá trong hiện tại. Tay
phải ta bám vào các hiện tượng vật lý, tay trái ta
bám vào các hiện tượng tâm linh. Chúng ta bám vào hình tướng, cảm thọ, nhận
thức, cấu trúc tư duy và ý thức, xem chúng là tự ngã của ta. Như thế, chúng ta
mang một gánh nặng bên tay phải, một gánh nặng bên tay trái, và nhiều gánh nặng
hơn đặt trên một đòn gánh cột trên vai. Nếu ta tiếp tục mang đeo những thứ này
mà không bao giờ đặt chúng xuống, ta sẽ không được gì ngoài khổ đau. Rồi ta bám
lấy nỗi khổ, để thêm khổ, đến mức khuôn mặt ta trở nên méo mó và vai ta bị trật
khớp.
Đây là lý do tại sao Đức
Phật với lòng từ bi đối với chúng sinh, đã dạy chúng ta cago patinissago,
buông, từ bỏ. Bất cứ ai không đặt gánh nặng trên vai xuống sẽ không bao giờ
thoát khổ. Nếu trước tiên, chúng ta có thể buông bỏ những suy nghĩ về quá khứ
và tương lai, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn một chút. Nếu chỉ mang mọi thứ trên tay,
ta còn có chút hy vọng bước tới phía trước.
Nói cách khác, nếu ta không thực hành thiền định, giữ cho tâm trí tĩnh
lặng và tránh xa các chướng ngại, là ta vẫn đang mang đòn gánh trên vai với các
gánh nặng ở phía trước và phía sau ta, tất cả chỉ vì chúng ta không thể buông
bỏ những suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Nghĩ tưởng về quá khứ và
tương lai là những thứ ta không nên nghĩ đến. Cho dù đó là chuyện riêng của
bản thân, chuyện của con cháu, hay công việc kinh doanh, tài chính của mình:
khi hành thiền như thế này thì không cần phải suy nghĩ về bất cứ điều gì cả.
Hãy có quyết tâm ngồi yên. Giữ thân thẳng, tập trung vào việc chỉ quan sát hiện
tại - hơi thở - và ánh sáng sẽ xuất hiện. Dù tay phải, tay trái của bạn vẫn còn
nắm giữ các vấn đề vật chất và tâm linh, ít nhất bạn cũng đã đặt gánh nặng trên
vai xuống.
Nếu các sắc pháp vẫn còn
nặng nề, đó là vì Tử thần liên tục rắc chất độc lên chúng. Thí dụ, đôi mắt của
chúng ta: Lúc đầu chúng sáng rõ. Mọi thứ ta nhìn đều sắc nét, sáng tươi. Nhưng
sau đó Tử thần rắc chất độc lên chúng, làm cho chúng mù mờ, tối tăm, hoặc làm đục
thủy tinh thể của mắt. Vì vậy, ta phải đi kiểm tra mắt, mua kính cho mắt, nhỏ thuốc
vào mắt, hoặc phẫu thuật mắt. Chúng khiến ta đau khổ bằng mọi cách, để đôi mắt
nhỏ bé của chúng ta bắt đầu nặng như một nắm tay nằm trên mặt.
Đối với đôi tai của chúng
ta, lúc đầu chúng có thể nghe đủ loại âm thanh. Sau đó, Tử thần đến và rắc chất
độc lên chúng, để chúng bắt đầu ù cạc hoặc điếc. Chúng ta khó có thể nghe người
khác nói, chúng ta không thể hiểu họ đang nói gì, và điều này khiến ta bực bội.
Họ nói điều xấu, ta nghe ra tốt. Hoặc họ nói điều tốt, ta nghe ra xấu. Chúng ta
nghe, hiểu mọi thứ lệch lạc, đưa đến những cãi vã và bất đồng.
Với mũi của ta cũng thế. Lúc
đầu, nó hoàn hảo. Nhưng rồi Tử thần rắc chất độc lên đó, để các khối u nảy sinh
và phát triển. Chúng ta phải đi tìm thuốc hít thở, hoặc để các bác sĩ chích
điện chữa trị. Mũi bắt đầu có mùi hôi và làm biến dạng khuôn mặt của ta.
Đối với lưỡi, thân và
tâm, chúng chồng chất nỗi đau lên ta cũng giống như thế. Đây là lý do tại sao
chúng ta được dạy, rupam aniccam:
tất cả các pháp đều vô thường, luôn biến chuyển. Nếu chấp vào chúng, ta sẽ khổ.
Da thịt của ta sẽ trở nên nhão, nhăn nheo. Lưng của ta sẽ còng, và khi chúng ta
càng già đi như thế, đó là gánh nặng cho tâm trí ta, gánh nặng cho tâm trí con
cháu chúng ta. Ngoài ra, đó cũng sẽ là một gánh nặng về tài chính khi ta cần
phải chi tiêu để chăm sóc bản thân.
Bất cứ ai bám víu vào những
thứ không ổn định, coi đó là bản ngã thì sẽ đi vào con đường không ổn định. Phần
đông bám víu vào thân và những thứ vật chất khác như là tự ngã. Đôi khi chúng
ta bám víu vào các danh pháp - cảm giác, nhận thức, tưởng và ý thức - như là tự
ngã. Điều này được coi như là mang đồ trên cả hai tay. Tuy nhiên, nó vẫn tốt
hơn là gánh vác trên vai, vì với gánh nặng trên tay, ta vẫn có thể ngồi hoặc
nằm. Nhưng nếu gánh nặng ở trên vai, ta không thể ngồi mà phải tiếp tục đứng.
Vì lý do này, chúng ta cần
rèn luyện tâm trở nên bình an và tĩnh lặng - nói cách khác, để phát triển thiền
định. Khi tâm bình yên, tĩnh lặng, trí tuệ sẽ phát sinh. Khi có trí tuệ, chúng
ta sẽ hiểu về sự hiện hữu của mình: Khi mới được sinh ra, chúng ta không mang
theo một mảnh vải hay bất cứ thứ gì. Đã đến như thế nào, chúng ta sẽ ra đi theo
cách ấy. Chúng ta sẽ không thể mang theo thứ gì, ngoài thiện và ác. Chúng sẽ
đưa ta tái sinh đến nơi tốt hay xấu, hay đến Niết-bàn.
Những ai có thể thiền
định theo cách này sẽ trở nên nhẹ nhàng, không có gánh nặng, vì họ có thể buông
bỏ những gì họ đang mang trên tay. Bằng cách đó, họ sẽ được hạnh phúc, vì họ đã
nhận được ba viên ngọc để tô điểm cho mình. Khi đến bờ bên kia, họ sẽ có thể
bán chúng với giá tốt. Miễn là họ ở lại đấy, họ sẽ có y phục tốt đẹp để mặc.
Bất cứ ai có trí thông minh để thực hành buông bỏ theo cách này, sẽ nhận được tài
sản có giá trị ở khắp mọi nơi - như vàng: Bất kể bạn đến quốc gia nào, vàng cũng
được công nhận là có giá trị. Nó không giống như tiền giấy, chỉ được công nhận
ở đất nước của bạn.
Vì lý do này, khi ta có
thể rèn luyện tâm để buông bỏ - để nó được giải phóng khỏi việc bám víu vào tương
lai, quá khứ và hiện tại - thì giống như ta đã nhận được cả một thỏi vàng
nguyên chất. Chúng ta sẽ luôn hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta quá dại khờ, lo nắm
giữ mọi thứ như của riêng mình, ta sẽ khiến tâm cháy bỏng, không biết đến bất
kỳ sự bình an nào.
Đây là lý do tại sao Đức
Phật đã cảnh báo chúng ta: Bất cứ ai bám víu vào các sắc pháp hay danh pháp,
hay các danh hiệu và tưởng, sẽ phải đeo mang gánh nặng đến nỗi họ không thể cất
bước. Cuối cùng, họ sẽ phải chết, mắc kẹt nơi thế gian, giống như con khỉ đánh
cắp dưa từ cánh đồng của cặp vợ chồng già và cuối cùng bị vướng trong cái bẫy
hắc ín và chết ngay tại chỗ. (…)
Bất cứ sự bám víu nào
cũng là một gánh nặng. Chừng nào còn hiện hữu, chúng ta còn khó tìm được chân
thiện mỹ đích thực. Khi chết, chúng ta có những gánh nặng làm vướng chân. Đây
là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ. Không bám víu vào những suy
nghĩ về quá khứ, tương lai hay hiện tại. Làm cho tâm giống như nước trên lá
sen, không thể thấm vào. Khiến nó đạt đến một phẩm chất không chết, không tái
sinh trở lại trong thế giới này hay bất kỳ đâu. Giải thoát khỏi khổ đau, phiền
não, tâm đạt đến sự tự tại cao nhất, tuyệt vời nhất.
Vì vậy, tất cả chúng ta
nên cố gắng hết sức để làm nhẹ bớt gánh nặng của mình.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược
dịch từ CLINGING, sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning
Meditators - Bắt đầu từ những vụn vặt: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh
mới của ngài Ajaan Lee Dhammadharo)