Thực hành lời Phật dạy để gia đình hạnh phúc
thuc hanh
Thực hành lời Phật dạy để
gia đình hạnh phúc
Thích Hạnh Chơn
Xã hội loài người cơ bản được
phân chia theo các mối quan hệ gia đình, xã hội để từ đó mỗi người tùy theo địa
vị mà làm tròn phận sự. Trong phạm vi gia đình, mối quan hệ cha mẹ con cái vừa
mang tính thiêng liêng vừa là trách nhiệm, bổn phận phải thực hiện để gia đình
hạnh phúc, xã hội bình yên. Mối quan hệ này là nền tảng và rất quan trọng trong
xã hội loài người nên nhiều học thuyết, các tôn giáo đều có đưa ra những lời dạy
để con người noi theo thực hành. Đức Phật cũng vậy, cũng rất quan tâm đến đời
sống gia đình hạnh phúc của Phật tử tại gia nên dạy nhiều bài kinh mà ở đó trách
nhiệm của cha mẹ và bổn phận của con cái được nêu ra cụ thể. Trong bài viết đăng
trên Nguyệt san Giác Ngộ số 269 (2018) chúng tôi đã trình bày về mối quan
hệ giữa cha mẹ và con cái theo Phật giáo. Bài viết này sẽ bàn thêm và phân tích
trách nhiệm, bổn phận cần phải thực hành của mỗi bên trong mối quan hệ này để
cho gia đình hạnh phúc.
Mối quan hệ giữa cha mẹ
và con cái theo Nho giáo
Trước hết, chúng tôi nêu quan
điểm của Nho giáo về mối quan hệ cha mẹ - con cái để so sánh làm rõ hơn quan
điểm của Phật giáo. Theo triết học phương Tây thì cá nhân được đề cao trong khi
theo học thuyết phương Đông thì cá nhân phải được xem xét ở trong tập thể. Nho
giáo đưa ra năm mối quan hệ là cha - con, vợ - chồng, anh - em, vua - tôi, bạn -
bè, trong đó gia đình chiếm ba.
Về mối quan hệ giữa cha mẹ và
con cái thì Nho giáo quy định mang tính phục tùng: con cái phải nghe lời cha mẹ.
Nếu cha mẹ hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con
thì bậc cha mẹ rất xứng đáng. Các con tất nhiên phải biết ghi nhớ công ơn sinh
thành dưỡng dục, biết hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ. Trường hợp cha mẹ không
thể là tấm gương cho con cái như cờ bạc, rượu chè, hút xách, ngoại tình… thì các
con khó lòng mà kính trọng, phục tùng… Hơn nữa, nếu cha mẹ không là tấm gương
cho con cái noi theo thì việc bắt phục tùng là một thử thách rất lớn đối với
người con. Kinh Lễ dạy rằng: “Nếu như
cha mẹ có lỗi lầm gì, người con vẫn phải vui vẻ hòa nhã dùng lời nói ôn hoà mà
can gián. Nếu can mà cha mẹ không nghe lại càng phải giữ thái độ hòa nhã cung
kính hơn, đợi cha mẹ nguôi ngoai rồi lại can gián. Nếu cha mẹ không nghe để đến
nổi phạm lỗi lầm có tội với bạn bè hàng xóm, ta vẫn phải ôn hòa khuyên can. Nếu
cha mẹ nóng giận đánh ta đến chảy máu, ta vẫn không dám giận oán mà vẫn phải
kính trọng hiếu thuận với cha mẹ.”
Lời dạy của Nho giáo
mang tính lý tưởng rất khó ứng dụng trong thực tế, trừ khi người con thực hành
Bồ-tát hạnh theo Phật giáo. Chẳng hạn cha mẹ ép con học những ngành học mà cha
mẹ thích trong khi con không có năng khiếu, không thích thì có gây khổ đau cho
đôi bên không? Hay cha mẹ vì lý do nào đó ép con phục tùng theo sự sắp xếp của
mình về hôn nhân, nếu con không phục tùng thì gọi là bất hiếu mà phục tùng thì
khổ đau. Những vấn đề vừa nêu thật sự phải thích nghi thay đổi thì mới tạo nên
sự hòa thuận trong mối quan hệ cha mẹ - con cái và là điều kiện đưa đến hạnh
phúc gia đình.
Một khía cạnh khác, Nho giáo nhấn mạnh đến đời sống hiện tại và không bàn đến sự
tu tập để giác ngộ giải thoát hiện tại và sau khi chết nên những vấn đề về tâm
linh không được đề cập, ngoại trừ việc thờ cúng sau khi cha mẹ qua đời.
Với Nho giáo, trách nhiệm của cha mẹ
là phải thương yêu nuôi nấng
khi con còn nhỏ và phải có nghĩa vụ giáo dục cho con thành người hữu ích. Ngược
lại, con cái phải thể hiện bổn phận hiếu thảo của mình như chăm nom, kính trọng
phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, thực hiện hoài bão của cha mẹ, tiếp nối sự nghiệp
của cha mẹ và khi cha mẹ qua đời thì thờ phụng theo quy định của Nho giáo.
Mối quan hệ giữa cha mẹ
và con cái theo Phật giáo
Lời Phật dạy về trách nhiệm
của cha mẹ và bổn phận của con cái được ghi trong nhiều bài kinh. Ở đây, người
viết xin dẫn bốn bài kinh tiêu biểu của cả Nam truyền và Bắc truyền là kinh
Thiện Sinh hay
kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt
(Sigalovāda sutta) thuộc Trường bộ kinh,
kinh Tăng chi, kinh Vu lan và kinh Báo đáp công ơn cha mẹ.
Kinh
Giáo thọ Thi-ca-la-việt
nêu năm trách nhiệm của cha mẹ và năm bổn phận
của người con. Cha mẹ phải có lòng thương
tưởng đến con theo năm cách: “Ngăn
chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới
vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con”.
Con cái phải có năm bổn phận đối với cha mẹ: “Ðược
nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ;
tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; và tôi sẽ
làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”.
Theo kinh
Giáo thọ
Thi-ca-la-việt,
cha mẹ phải ngăn chặn con làm điều ác và khuyến khích con làm điều thiện. Vậy
thì trước hết cha mẹ phải biết rõ điều gì là ác và điều gì là thiện và bản thân
cha mẹ phải thực hành trước. Để biết rõ thiện ác, bậc cha mẹ cần phải quy y Tam
bảo, đi chùa học Phật pháp và thực hành lời Phật dạy. Đức Phật dạy cần phải tu
tập Giới, Định, Tuệ thì mới có khả năng nhận diện và thực hành việc tránh ác làm
lành, mà cụ thể là quy y Tam bảo, thực hành năm giới và mười điều thiện. Chỉ khi
nào cha mẹ thực hành và hướng dẫn con cái đi chùa quy y Tam bảo, học giáo pháp
như nhân quả, nghiệp, thiện ác… thì khi đó mới có thể giúp chúng tránh ác làm
lành, bằng không chúng phải tự tạo nhân duyên học pháp mới có thể biết thiện ác
như thế nào để làm hay tránh. Kế tiếp, cha mẹ phải lo cho con ăn học để lớn lên
chúng có nghề nghiệp tự lo cho bản thân và có thể chăm lo cho người khác. Nếu
cha mẹ không lo cho con ăn học để tạo nên sự nghiệp thì người con chưa lo xong
bản thân làm sao có thể lo cho ai khác. Và cuối cùng, cha mẹ đứng ra dựng vợ gả
chồng cho con cũng như cho con số tài sản để lập nghiệp làm ăn. Điều này rất
quan trọng đối với con cái khi mới trưởng thành ra lập nghiệp.
Ngược lại,
bổn phận con cái là phải nuôi dưỡng cha mẹ khi đã nhận được tình yêu thương lo
lắng từ cha mẹ. Con cái phải thực hiện bổn phận đối với cha mẹ theo truyền thống
và quan trọng là giữ gìn truyền thống gia đình. Nghĩa là, người con phải có đạo
đức, không ăn chơi quậy phá làm mang tiếng xấu cho gia đình và phát huy những
điều tốt mà gia đình đang có. Con cái phải biết sử dụng tài sản của cha mẹ để
lại đúng cách và làm tăng thêm nhằm phục vụ lợi ích cho nhiều người. Cuối cùng,
con cái phải có trách nhiệm tổ chức lễ tang cho cha mẹ trang nghiêm theo văn hóa
mỗi nơi.
Bản kinh
trình bày trách nhiệm của cha mẹ và bổn phận của con cái nhằm đưa đến đời sống
gia đình hạnh phúc trong đời sống hiện tại. Nền tảng đưa đến hạnh phúc là mỗi
bên đều thực hiện nhiệm vụ của mình, tránh ác làm thiện, chăm sóc lẫn nhau, nhất
là khi một bên cần sự hỗ trợ của bên kia: con còn nhỏ chưa thể tự lập thì cha mẹ
trợ giúp như nuôi dưỡng, cho ăn học, cho tiền làm vốn làm ăn, còn cha mẹ già đau
bệnh không thể tự lo thì con phải chăm nom… Bản kinh cũng có đề cập đến bổn phận
của con cái phải làm sau khi cha mẹ qua đời là lo lễ tang chứ chưa nêu bổn phận
(tức báo hiếu) sau khi cha mẹ qua đời.
Kinh Tăng chi, phần
chương Hai pháp nêu: Có hai hạng người không thể trả ơn được là cha và mẹ. Dù
người con có phụng dưỡng, chăm sóc hết mức về vật chất cũng chưa đủ để trả ơn
cha mẹ. Bài kinh giải thích lý do là vì cha mẹ đã nuôi dưỡng cho con khôn lớn,
tạo điều kiện cho con bước vào đời. Tuy nhiên, phần sau bài kinh lại nêu: nếu
người con hướng cha mẹ tin Tam bảo, bỏ điều ác, làm điều lành, giúp cha mẹ bỏ
xan tham và thực hành bố thí, giúp cha mẹ bỏ mê tín, tà kiến (ác trí tuệ) theo
chánh kiến (trí tuệ) thì người con làm đủ và trả đủ ơn cha mẹ.
Theo nội dung trên, trả ơn
hay báo hiếu về phương diện vật chất dù bao nhiêu cũng không đủ nhưng về phương
diện tinh thần thì lại là trả ơn đủ. Trong trường hợp này, cha mẹ chỉ nuôi con
về mặt thể chất và không giáo dục con về mặt đạo đức, trí tuệ vì nhiều lý do như
không có khả năng, không có điều kiện… Cha mẹ không phải là người hướng con
tránh ác làm lành mà ngược lại con mới là người hướng cha mẹ tránh ác làm lành.
Có lẽ, cha mẹ trong trường hợp này có thể gặp hoàn cảnh khó khăn khi thời trẻ
nên không có cơ hội học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn và có thể thừa hưởng
nhiều bất hạnh khổ đau từ gia đình nên thiếu tri thức và rơi vào tà kiến. Người
con may mắn hơn khi được ăn học có tri thức, có hiểu biết về đạo lý…, vì vậy nên
giúp cha mẹ quay đầu hướng thiện, phát triển trí tuệ. Để đạt được mục đích này,
người con phải có “phương tiện thiện xảo” thì mới thành công.
Bài kinh này cũng nêu công ơn
cha mẹ là nuôi dưỡng con khôn lớn và tạo điều kiện cho con vào đời mà ta có thể
hiểu là cho con ăn học, cho con vốn liếng làm ăn. Trong khi đó, bài kinh nêu
nhiều hạn chế của cha mẹ về mặt đạo đức (làm ác, xan tham), về nhận thức, trí
tuệ. Bài kinh nhấn mạnh báo đáp công ơn về mặt tinh thần hơn là vật chất. Vấn đề
bổn phận (báo hiếu) của con sau khi cha mẹ qua đời chưa được đề cập.
Đến kinh Vu lan và
kinh Báo đáp công ơn cha mẹ thì vấn đề bổn phận (báo hiếu) khi cha mẹ qua
đời được đề cao. Kinh Vu lan nêu bổn phẩn của con cái là cúng dường chư
Tăng để cầu nguyện cho cha mẹ đã qua đời siêu sanh cõi lành như nhân thiên và
hiện tại được trường thọ, ít bệnh tật, khỏe mạnh. Còn kinh Báo đáp công ơn
cha mẹ thì phân tích rõ hơn về công ơn cha mẹ và cách con cái báo hiếu, tức
làm tròn bổn phận. Công ơn cha mẹ gồm có mang thai, sinh đẻ, nuôi dưỡng, vì con
làm tội lỗi, hy sinh cho con, lo lắng khi con bị bệnh hay có điều bất ổn và lo
sự nghiệp gia đình cho con. Người con bất hiếu là không nghe lời cha mẹ, theo
bạn bè cờ bạc, trộm cướp…, gây nghiệp ác, bị tù tội làm cho cha mẹ phải mang
tiếng xấu. Ngược lại, người con báo đáp công ơn cha mẹ thì phổ biến về đạo hiếu
(truyền bá kinh), cúng dường Tam bảo, tu phước, cúng dường chư Tăng, quy y Tam
bảo, giữ gìn năm giới.
Bài kinh không nhấn mạnh đến
việc phụng dưỡng cha mẹ về vật chất mà chú trọng đến tu tập bản thân, tạo phước
báu để hồi hướng cho cha mẹ hiện tại và sau khi qua đời.
Thực hành lời Phật dạy
trong đời sống thực tiễn
Về cơ bản, quan hệ cha mẹ -
con cái trong Nho giáo và Phật giáo có nhiều điểm tương đồng, như trách nhiệm
của cha mẹ là nuôi dưỡng, thương yêu chăm sóc, làm gương, giáo dục, tạo dựng sự
nghiệp cho con; còn bổn phận của con cái là phụng dưỡng kính trọng cha mẹ, phát
huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, phát triển sự nghiệp thừa kế và tổ chức
lễ tang trang nghiêm khi cha mẹ qua đời.
Điểm khác nhau là Phật giáo
không có tính áp đặt con cái phục tùng hoàn toàn theo cha mẹ như Nho giáo quy
định. Phật giáo phân định trách nhiệm của cha mẹ và bổn phận của con cái rõ
ràng, đồng thời nhấn mạnh yếu tố đạo đức và trí tuệ. Phật giáo có điểm khác nữa
là không đặt nặng việc thờ cúng cha mẹ qua đời mà đặt nặng việc cúng dường tạo
phước, cũng như tu tập bản thân là bổn phận cần có của con cái. Như vậy, Phật
giáo đề cập bổn phận lúc còn sống và cả khi chết.
Từ nội dung bốn bài kinh nêu
trên, có lẽ cần tổng hợp lại để có một công thức về trách nhiệm của cha mẹ và
bổn phận của con cái một cách hoàn chỉnh. Hai bài kinh đầu nhấn mạnh đời sống
hiện thực với những trách nhiệm, bổn phận cụ thể của cha mẹ và con cái nhằm tạo
nên tình yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, và nhờ
đó gia đình hạnh phúc theo thế tục. Hai bài kinh sau thì đề cập đến công ơn cha
mẹ sinh thành, dưỡng nuôi và nhấn mạnh bổn phận của người con đối với cha mẹ sau
khi qua đời bằng việc tu dưỡng bản thân và làm phước thiện qua việc cúng dường.
Như vậy, trong đời sống thực
tế hiện nay những lời dạy trên của Đức Phật được ứng dụng trong các gia đình như
thế nào và kết quả ra sao?
Nếu bậc cha mẹ biết thiện ác
và thực hành tránh ác làm thiện, biết giáo dục con cái và tạo dựng sự nghiệp cho
chúng; đồng thời, con cái cũng nghe lời cha mẹ tránh ác làm thiện, siêng năng
học hành để có thể thừa kế truyền thống và sự nghiệp của gia đình, thì gia đình
sẽ hạnh phúc. Nhiều gia đình đã làm được điều này, nhất là Phật tử thuần thành
có quy y Tam bảo, có học và hành pháp.
Nếu bậc cha mẹ biết thiện ác
và thực hành tránh ác làm thiện, biết giáo dục con cái và tạo dựng sự nghiệp cho
chúng; nhưng, con cái không nghe lời cha mẹ tránh ác làm thiện, ăn chơi lêu lỏng
không học hành, phá sản gia nghiệp thì gia đình khó hạnh phúc. Nhiều gia đình
giàu có rơi vào trường hợp này.
Nếu cha mẹ không biết thiện
để làm và ác để tránh, hay biết mà không thực hành, không biết giáo dục con cái,
không có khả năng cho con sự nghiệp; trong khi đó, con cái gặp duyên lành phấn
đấu học tập tạo nên sự nghiệp, hiếu thảo đối với cha mẹ, hướng cha mẹ quy y Tam
bảo, thực hành giáo pháp thì gia đình có hạnh phúc. Một số gia đình thuộc trong
trường hợp này.
Nếu cha mẹ không biết thiện
để làm và ác để tránh, hay biết mà không thực hành, không biết giáo dục con cái,
không có khả năng cho con sự nghiệp; đồng thời, con cái lười học, ăn chơi lêu
lỏng theo bạn xấu, gây tội lỗi thì gia đình khó có hạnh phúc. Nhiều gia đình rơi
vào hoàn cảnh này, nhất là gia đình nghèo khó.
Bài viết tạm đưa ra một số
trường hợp tiêu biểu để thấy rằng nếu thực hành theo lời Phật dạy, tức mỗi bên
làm tròn trách nhiệm, bổn phận thì chắc chắn gia đình sẽ hạnh phúc.