Đức Phật dạy lìa xan tham

dua phat day

ĐỨC PHẬT DẠY LÌA XAN THAM

Nguyên Giác

 

Bài này sẽ nói tới đoạn tận xan tham, và sẽ ghi lại những lời dạy của Đức Phật ít được chú ý tới. Xan tham là gốc từ “ái” nên sinh ra cái “khả ý” và “bất khả ý” tức là ưa/ghét. Đoạn tận xan tham cũng là lìa ba độc tham, sân, si. Tức là giải thoát.

Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”. Nhóm kinh Tăng chi bộ AN 5.254, AN 5.255, AN.256, AN 5.257-263, AN 5.264, AN 5.265-271 đều nói về cùng chủ đề Xan tham. Hai bản dịch tiếng Anh của hai Thầy Sujato và Thanissaro dịch là “stinginess” tức là “keo kiệt.” Đức Phật dạy rằng hễ còn tâm xan tham thì không giải thoát nổi. Do vậy, cần phải bứng gốc rễ tâm keo kiệt, tâm xan tham.

Trong kinh AN 5.254, Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp. Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Trong năm xan tham này, này các Tỷ-kheo, cái này là tối hạ liệt, tức là xan tham pháp.”[1]

Tối hạ liệt nghĩa là tệ vô cùng tận. Bởi vì xan tham trú xứ là còn ưa thích niềm vui chùa lớn, nhà cao cửa rộng. Xan tham gia đình là còn ưa thích niềm vui gia tộc, tông phái, bạn hữu. Xan tham lợi dưỡng là còn ưa thích niềm vui lợi nhuận, cung dưỡng. Xan tham tán thán là còn ưa thích niềm vui được khen ngợi, được phong chức, được trao quyền. Xan tham pháp là còn ưa thích niềm vui giữ riêng pháp này, biện biệt pháp kia. 

Trong kinh AN 5.525, Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Do đoạn tận, cắt đứt năm xan tham, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được thực hiện. Thế nào là năm? Do đoạn tận, cắt đứt xan tham trú xứ, Phạm hạnh được thực hiện. Do đoạn tận, cắt đứt xan tham gia đình… xan tham lợi dưỡng… xan tham tán thán… xan tham pháp, Phạm hạnh được thực hiện.”[2]

Trong kinh AN 5.526, Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú Sơ thiền. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp. Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú Sơ thiền. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú Sơ thiền.”[3]

Cách đối trị tâm xan tham là hãy bố thí và chia sẻ. Trong kinh Iti-26, Đức Phật dạy (nơi đây, dịch theo 2 bản Anh văn của Sujato và John D. Ireland): “Các Tỷ-kheo, nếu chúng sinh chỉ biết, như ta biết, về phước báo của bố thí và chia sẻ, họ sẽ không ăn mà không cho trước, và vết nhơ của keo kiệt sẽ không chiếm lấy tâm trí họ. Họ sẽ không ăn mà không chia sẻ dù chỉ một ngụm ăn cuối cùng, một miếng cuối cùng của họ, miễn là có người nhận. Chính vì chúng sinh không biết, như ta biết, về phước báo của bố thí và chia sẻ, nên họ ăn mà không bố thí trước, và vết nhơ keo kiệt chiếm lấy tâm trí họ.[4]

Tuy nhiên, dù đã lìa tâm xan tham, nhưng chưa chắc đã có cơ duyên và phương tiện để tu pháp bố thí. Vẫn có những hoàn cảnh, tuy có khởi tâm bố thí nhưng vẫn không có điều kiện để bố thí. Kinh AN 5.31 kể về phước báo của bố thí, ghi lời Đức Phật trả lời một nữ cư sĩ, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:

“…Sumanā, con gái vua bạch Thế Tôn: ‘Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai được sinh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?’

Thế Tôn đáp: ‘Có sự sai biệt, này Sumanā. Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không có bố thí trên năm phương diện. Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanā, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này.” 

Tương tự, Đức Phật nói về hai đệ tử Thế Tôn sinh lại làm người, cũng đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí, thì “Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanā, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện này.”

Tương tự, chỉ khi giải thoát (tức lìa tham sân si) thì mới không sai khác, vì giải thoát chỉ có một vị. Kinh AN 5.31 ghi tiếp:

“- Bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì?

Thế Tôn đáp: - Có sự sai biệt, này Sumanā. Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Này Sumanā, người có bố thí khi được xuất gia, vượt qua người không có bố thí trên năm phương diện này.

- Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào?

- Ở đây, này Sumanā, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát.”[5]

Như vậy, có cách nào để xóa bỏ hoàn toàn khổ đau, xan tham, keo kiệt… hay không? Nơi đây, chúng ta sẽ dẫn ra kinh Tiểu bộ, trong phần Kinh Tập, kinh Snp 4.11. Bản Việt dịch của Thầy Minh Châu là: (XI) kinh Tranh luận (Sn 168).

Nhóm Kinh Tập này, chương 4 còn gọi là phẩm tám, gồm 16 kinh, là cuộc đối thoại giữa Đức Phật và 16 thanh niên, và các thanh niên này thay nhau hỏi Đức Phật, sau khi nghe trả lời, tất cả 16 thanh niên đều trở thành A-la-hán.

Tương tự, cũng trong Kinh Tập này, chương 5 còn gọi là phẩm Qua bờ bên kia, cũng gồm 16 kinh, trong sự kiện khác, là cuộc đối thoại giữa Đức Phật và 16 thanh niên khác, và các thanh niên này cũng thay nhau hỏi Đức Phật. Sau khi nghe trả lời, tất cả 16 thanh niên đều trở thành A-la-hán.

Cả chương 4 và 5 là kinh Nhật tụng của chư Tăng Ni trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp, văn cô đọng, uyên áo.

Kinh Snp 4.11, Thầy Minh Châu dịch, câu hỏi là: “862. Từ đâu được khởi lên/ Các tranh luận, đấu tranh / Than van và sầu muộn/ Cùng với tánh xan tham/ Mạn và tăng thượng mạn/ Kể cả với hai lưỡi/ Từ đâu chúng sanh nhiều/ Mong Ngài hãy nói lên.”[6]

Sau khi giải thích về ái, về ước muốn, về ưa (khả ý) và ghét (bất khả ý), về sắc pháp, về hữu và phi hữu, về tưởng và vô tưởng, tới chìa khóa giải pháp là đoạn tận sắc pháp (con gọi là đạt vô sinh, bất sinh, Niết-bàn). Đoạn này, Đức Phật dạy, Thầy Minh Châu dịch:

874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
”(6)

Nơi đây, chúng ta nói rõ thêm về tưởng, một chi trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Theo tự điển Wikipedia tiếng Anh, tưởng (perception) trong tiếng Pāli là saññā, tiếng Hán là (xiǎng), tiếng Việt là tưởng, và là một “tiến trình của căn và tâm, nơi tiến trình này ghi nhận, nhận biết và định danh (thí dụ, hình dáng của một cây, màu xanh lá cây, cảm xúc của sợ hãi).” [sensory and mental process that registers, recognizes and labels (for instance, the shape of a tree, color green, emotion of fear).]

Nơi đây, cũng nên ghi thêm rằng đối với người tu pháp tưởng [nhận biết] vô thường, hay tu pháp tưởng [nhận biết] vô ngã, sẽ thường trực thấy trước mắt, bên tai “không hề có gì gọi là cái gì” vì thực tướng các pháp chính là vô tướng. Đây là một cách để hiểu đoạn kinh dẫn trên.

Trong kinh SN 22.79, Đức Phật giải thích về tưởng, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng.”[7]

Như thế, lời dạy trong Kinh Tập về cách (sở hành) về bốn trường hợp tưởng sẽ dẫn tới sinh tử luân hồi rất phức tạp, nên xin đối chiếu các bản Anh dịch. Tất cả links sẽ ở ghi chú (6), nếu theo các links này sẽ thấy bình luận của A-tỳ-đàm về đoạn kinh này (nhưng, theo người viết, xin nói suy nghĩ thật rằng, bình luận của A-tỳ-đàm là sai, do người đời sau giảng không theo đúng ý Kinh Tập). Theo định nghĩa của Đức Phật, nơi đây chúng ta có vài chỗ thay chữ “tưởng” bằng “nhận biết” khi dịch đoạn Kinh Tập này cho dễ hiểu.

Bản dịch Anh văn của Thầy Sujato, trích: “Without normal perception or distorted perception; not lacking perception, nor perceiving what has disappeared. That’s how to proceed so that form disappears: for concepts of identity due to proliferation spring from perception.” (Dịch: “Không có nhận biết bình thường, cũng không có nhận biết bị sai lệch; không có thiếu nhận biết, [cũng] không nhận biết cái đã biến mất. Đó là cách để làm cho sắc pháp biến mất: vì khái niệm về có cái gì từ ‘tưởng’ sẽ dẫn tới hý luận.”)

Bản dịch của Ireland: “His perception is not the ordinary kind, nor is his perception abnormal; he is not without perception nor is his perception (of materiality) suspended. To such an one immateriality ceases. Perception is indeed the source of the world of multiplicity.” (Dịch: “Nhận biết của người giải thoát không phải là nhận biết bình thường, cũng không phải khác thường; người này không phải không có nhận biết, cũng không phải nhận biết của người này (về sắc pháp) đã bị ngưng đọng. Với người như thế, sắc pháp đã tịch diệt. Nhận biết thực sự là cội nguồn của thế giới hý luận.”)

Bản dịch của Thanissaro: “One not percipient of perceptions, not percipient of aberrant perceptions, not unpercipient, nor percipient of what's disappeared: for one arriving at this, form disappears - for objectification-classifications have their cause in perception.” (Dịch: “Người này không biết về các tưởng, không biết về các tưởng sai lệch, không phải không biết, cũng không phải biết về cái đã biến mất: với người có tâm như thế, sắc pháp biến mất - vì phân biệt đối tượng hóa sinh khởi từ tưởng.”)

Đoạn kinh vừa dẫn rất phức tạp. Trong ghi chú từ A-tỳ-đàm do 3 nhà dịch kinh (Sujato, Ireland, Thanissaro) trong link (6) ghi rằng đây là trạng thái định rất cao, có thể hàm ý là Tứ thiền hoặc các tầng thiền vô sắc. Thực tế, xin mạn phép nói ý riêng, nếu Đức Phật muốn nói các tầng thiền thì đã nói thẳng là các tầng thiền, như nhiều kinh khác. Xin nhớ rằng, Đề Bà Đạt Đa đã đạt tất cả các tầng thiền và đã có thần thông, nên sinh ra kiêu ngạo, xách động chia rẽ Tăng đoàn. Thêm nữa, nhóm 16 thanh niên này là lần đầu gặp Đức Phật, ngay khi vừa nghe dạy xong là chứng quả A-la-hán, mà không cần trải qua thứ tự tu tập.

Xin phép trả lời đây là pháp ai cũng có thể tu tập được, có thể ngay tức khắc kinh nghiệm được, mà không cần ngồi thở, không cần quán tâm gì nữa hết. Trong cái thấy pháp ấn vô ngã, khi tắm được trong dòng chảy pháp ấn vô thường, sẽ thấy không có “tôi, hay của tôi”… sẽ thấy không có cái gì gọi là quá khứ, hiện tại, vị lai… Sẽ thấy không thể có cái gì gọi là cái gì… Bởi vì có nhận biết nhưng không có cái gì gọi là có ai nhận biết, và cũng không có cái gì gọi là cái được nhận biết… Hễ mở miệng ra là thành hý luận, vì sẽ nhầm có cái gì gọi là các pháp… Cái nhận biết pháp ấn như thế là ly nhất thiết tướng, không dính vào những cái được thấy nghe hay biết (Kinh Kim cangƯng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm); là chớ nghĩ thiện, chớ nghĩ ác… lìa tất cả nghĩ ngợi tư lường (Kinh Pháp bảo đànVô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc)… Đó là thấy biết nhưng không dựng lập thấy biết (Kinh Lăng nghiêmThấy biết mà dựng lập thấy biết, chính là  cội gốc vô minh; Thấy biết, mà không dựng lập thấy biết, tức khắc là Niết-bàn)…

Trong Tạng Pāli, nơi kinh AN 3.16, Đức Phật gọi đó là con đường không lầm lỗi: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng....” (Thí dụ: Tướng chung là tướng nam hay nữ, tướng già hay trẻ… Tướng riêng là cái gì làm chúng ta nhận ra cô A khác cô B, anh C khác anh D…)

Trong kinh SN 47.9, ghi lời Đức Phật dạy: “Không tác ý tất cả tướng...”

Trong kinh MN 43, ngài Xá Lợi Phất dạy: “Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo không tác ý với nhất thiết tướng, đạt và an trú vô tướng tâm định. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô tướng tâm giải thoát.”

Trong kinh MN 143, ngài Xá Lợi Phất dạy trưởng giả Cấp Cô Độc khi bệnh nặng: “Tôi sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)…”

Trong kinh AN 11.9, Đức Phật dạy: “Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục…”

Trong Thiền Tông Việt Nam, có lời dạy của ngài Phước Hậu, như sau:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.

Bởi vì với người sống trong pháp ấn, thì đi đứng nằm ngồi đều thấy rằng không hề có ai đi đứng nằm ngồi, chỉ thấy có cái nhận biết không tác ý, và đó là pháp NHƯ, khi tất cả hiển lộ trước mắt và bên tai đều là giải thoát.

Trong kinh AN 4.24, Đức Phật giải thích, đúng là pháp vô niệm y hệt như Huệ Năng, đúng là pháp Như y hệt ngài Phước Hậu, qua bản dịch của Thầy Minh Châu như sau, trích:

Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thấy, không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy. Đã nghe những gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những cái gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe. Đã cảm giác những gì cần cảm giác, nhưng không có tưởng tượng điều đã được cảm giác, không có tưởng tượng những cái gì không được cảm giác, không có tưởng tượng những gì cần phải cảm giác, không có tưởng tượng đối với người cảm giác. Đã thức tri những gì cần thức tri, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì không được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì cần phải thức tri, không có tưởng tượng đối với người thức tri.”[8]

Có cách nào đơn giản để trải nghiệm ngay không? Bạn có thể thử thực tập ngay bây giờ: “Hãy tỉnh thức với tâm không biết.” Khi tỉnh thức với tâm không biết như thế, tức là có tưởng, có nhận biết, vẫn xem trận bóng đá trên TV, vẫn nghe ca hát trên TV, tất cả pháp vừa tới mắt và tai liền biến mất, nên không gọi là có tưởng bình thường, cũng không gọi là có tưởng sai lệch, cũng không có [tướng] gì để nắm giữ hay buông bỏ vì không có gì gọi được là cái gì, cũng không hề có thiếu nhận biết, cũng không hề có tưởng gì về những cái đã biến mất (quá khứ). Ngay khi bạn tỉnh thức với tâm không biết, bạn thấy tất cả tham sân si biến mất.

Như thế, tâm xan tham keo kiệt sẽ từ từ vắng bặt. Người này vẫn đi đứng nằm ngồi, vẫn biết có những cử động đang đi đứng nằm ngồi, vẫn thấy rõ không hề có ai đang đi đứng nằm ngồi, chỉ thấy và cảm nhận cái rỗng rang tịch lặng đang hiện ra tướng đi đứng nằm ngồi… Điều kỳ lạ, cả hai chương 4 (phẩm tám) và chương 5 (phẩm Qua bờ bên kia) trong Kinh Tập là kinh Nhật tụng của Tăng đoàn trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp, lại là những lời dạy ít được chú ý nhất. Cũng chính là cốt tủy của Thiền tông Việt Nam.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle